Bản PDFtại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Tàu Trung Quốc đeo bám chiến hạm Mỹ gần Quần đảo Trường Sa. Tàu chiến USS Fort Worth của hải quân Mỹ đã bị tàu khu trục trang bị tên lửa Diêm Thành của Trung Quốc đeo bám trong suốt hành trình tuần tra của con tàu này gần quần đảo Trường Sa hôm 11/5. Tàu USS Fort Worth đã thông báo qua radio để nhắc nhở phía Trung Quốc rằng chiến hạm Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế tuy nhiên, khu trục hạm Trung Quốc phớt lờ thông báo này và tiếp tục bám đuôi USS Fort Worth cho đến tàu chiến Mỹ khi rời khỏi khu vực. 

Trung Quốc phản ứng trước Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Về việc Bộ Quốc phòng Mỹ công bố “Báo cáo Phát triển quân sự và an ninh Trung Quốc” năm 2015 trong đó đề cập đến vấn đề Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 11/5 tuyên bố: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố một cách hệ thống và toàn diện về vấn đề Biển Đông. Tôi cho rằng báo cáo này đa phần phản ánh tư duy Chiến tranh Lạnh, mang cái nhìn phiến diện về việc xây dựng quốc phòng chính đáng, hợp pháp của nước khác. Báo cáo này bất chấp sự thực, tiến hành suy đoán và bình luận vô căn cứ về sự phát triển sức mạnh quân sự Trung Quốc, tiếp tục thổi phồng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc.”

Trung Quốc chỉ trích hành động của Mỹ ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 13/5, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố Washington không có quyền can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Thôi, trong khi chỉ trích hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc thì Washington đã im lặng trước hoạt động tương tự trước đó của các bên yêu sách khác. Về kế hoạch của Mỹ triển khai máy bay và tàu chiến để khẳng định “tự do hàng hải” xung quanh các thực thể Trung Quốc đang cải tạo, ông Thôi tuyên bố, “Tâm lý Chiến tranh Lnh, vốn thiên về sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, đã lỗi thời.” Trước đó hôm 11/5, Người phát ngôn Sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố, “Các hoạt động xây dựng, hợp pháp và chính đáng, thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng các bên liên quan không có hành động gây căng thẳng hoặc làm bất kỳ điều gì phương hại đến an ninh và sự tin cậy giữa các bên.”

Trung Quốc quan ngại về dự định tuần tra của Mỹ ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/5, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố, “Trung Quốc hết sức quan ngại về bình luận của Mỹ. Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, tuy nhiên tự do hàng hải không có nghĩa là các tàu và máy bay quân sự nước ngoài có thể tự do ra vào hải phận và không phận của một nước khác. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cần thận trọng trong các tuyên bố, tránh những hành động khiêu khích, và cần hợp tác duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong cuộc họp báo hôm 15/5, về việc Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines hoan nghênh khả năng Mỹ triển khai tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, bà Hoa tuyên bố, “Tôi cảm thấy, gần đây, một số người Philippines đã quá tích cực. Họ đã phụ họa cùng một số quốc gia khác thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc, tạo không khí căng thẳng trong khu vực. Dựa vào sức mạnh của nước khác, Philippines đã có những hành động khiêu khích làm phức tạp và leo thang tranh chấp, bất chấp lợi ích chung của các quốc gia khu vực. Trung Quốc kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào.”

Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Vào 12 giờ trưa ngày 16/5, Trung Quốc chính thức bắt đầu thi hành cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.” Phạm vi khu vực biển thực thi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc kéo dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển tiếp giáp giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông (bao gồm Vịnh Bắc Bộ). Trong thời gian thực thi lệnh cấm đánh bắt cá, Bắc Kinh chỉ cho phép sử dụng dụng cụ câu cá, hoặc đánh lưới đơn, nghiêm cấm các loại hình tác nghiệp khác. 

Chủ tịch Trung Quốc: 'Quan hệ Mỹ - Trung nhìn chung ổn định' Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh hôm 17/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay, “Quan hệ kiểu mới giữa Mỹ-Trung bước đầu có kết quả. Hai bên cần quản lý và giải quyết bất đồng một cách thích hợp để định hướng chung trong quan hệ hai nước không bị ảnh hưởng. Thái Bình Dương đủ chỗ cho cả Trung Quốc và Mỹ.” Ông Tập bày tỏ mong muốn, “Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới đây, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận thẳng thắng và thực chất về quan hệ song phương cùng các vấn đề quan trọng khác nhằm mở rộng hơn nữa hợp tác hai bên.”

+ Việt Nam:

Việt Nam sẵn sàng đối phó với giàn khoan Hải Dương 981. Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 14/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và có những hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên biển.” Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc cho hay nước này đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra hoạt động tại khu vực giếng Lăng Thủy 25-1S-1, cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam 75 hải lý về phía đông nam, từ ngày 6/5 đến ngày 16/5. Về phản ứng của Việt Nam đối với phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 13/5 về “Bảo vệ lợi ích của Mỹ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông,” Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Mỹ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đặc biệt là ủng hộ vai trò của ASEAN, tuân thủ DOC và những nỗ lực nhằm sớm đạt được COC.”

Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Về việc Chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam thông báo “Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của Thành phố Hải Khẩu năm 2015” trong đó cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h00 ngày 16/5/2015 đến 12h00 ngày 1/8/2015 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 16/5 nêu rõ: “Chúng tôi kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này. Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng UNCLOS 1982.

+ Philippines:

Philippines lên kế hoạch xây căn cứ quân sự gần Trường Sa. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm 10/5 tại căn cứ quân sự ở thành phố Puerto Princesa, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines tướng Gregorio Pio Catapang Jr. khẳng định kế hoạch xây căn cứ quân sự ở khu vực phía Tây của Palawan, hướng ra phía Quần đảo Trường Sa, là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, “Chúng tôi cảm thấy đây là ưu tiên số một  trước tình hình an ninh khẩn cấp hiện nay. Tàu hải quân của Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam sẽ có thể thăm cảng khi các cơ sở ở Vịnh Oyster được hoàn thành.” Theo Tướng Catapang, Philippines sẽ phải tiêu tốn khoảng 800 triệu peso để phát triển ban đầu các cơ sở hải quân và sau đó là 5 tỷ peso để xây dựng  thành một căn cứ quân sự lớn. Hôm 11/5, tướng Gregorio Pio Catapang đã có chuyến thăm đảo Thị Tứ. Ông Catapang khẳng định quyết tâm bảo vệ và sẽ hỗ trợ các kế hoạch phát triển trên đảo này.

Phillippines muốn Mỹ giúp ngăn Trung Quốc cải tạo đất ở Biển Đông. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington hôm 12/5, Ngoại trưởng Phillippines Albert del Rosario khẳng định Trung Quốc đang củng cố yêu sách “đường 9 đoạn” bất hợp pháp và “chúng ta phải nhanh chóng hành động vì hoạt động cải tạo đất quy mô lớn sẽ khiến Trung Quốc kiểm soát trên thực tế toàn bộ Biển Đông. Việc Trung Quốc khống chế Biển Đông sẽ dẫn tới việc quân sự hóa, đe dọa các nguyên tắc luật pháp và tự do hàng hải trong khu vực. Theo ông Rosario, Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để tăng cường sự can dự ở Châu Á, bao gồm việc củng cố các mối quan hệ kinh tế, “Chúng tôi muốn truyền đi một thông điệp tới Mỹ rằng chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ chưa đủ mạnh như Mỹ mong muốn.”

+ Indonesia:

Indonesia cam kết thúc đẩy ổn định ở Biển Đông. Phát biểu tại một hội nghị ở Jakarta hôm 10/5, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia ông Abdurrahman Mohammad Fachir tuyên bố, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới lợi ích chung bằng việc áp dụng một số cách tiếp cận nhất định. Lợi ích chung mà chúng tôi muốn đạt được đó là sự ổn định.” Theo ông Fachir, “Bằng nhiều cách thức khác nhau, qua các hội thảo trong nước lẫn quốc tế, Indonesia sẽ tuyên truyền rằng xung đột không phải là giải pháp để giải quyết tranh chấp.”

+ Úc:

Úc kêu gọi Trung Quốc không thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Canberra hôm 11/5, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho hay, “các nước ASEAN đã thảo luận về điều này và tôi tin rằng họ đã đưa ra quan điểm khá rõ ràng rằng họ quan ngại sâu sắc trong trường hợp có bất kỳ động thái nào áp đặt một ADIZ ở Biển Đông.” Theo bà Bishop nói: “Các tuyến giao thương quan trọng của Úc đi qua Ấn Độ Đương và vùng biển phía Bắc. Lập trường của Úc là các nước phải giải quyết tranh chấp hòa bình, không có các hành động đơn phương. Úc đã đưa ra quan điểm trên một cách kín đáo cũng như công khai với các quốc gia liên quan.”

+ Mỹ:

Tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông. Nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson, Lực lượng không quân số 17 và Liên đội tàu khu trục số 1 ngày 10/5 đã tham gia nhiều hoạt động huấn luyện cùng các đơn vị không quân và mặt nước của Malaysia tại Biển Đông. Chuẩn Đô đốc Chris Grady, tư lệnh nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson, cho biết, “Chúng tôi rất trân trọng mối quan hệ với quân đội Hoàng gia Malaysia. Những cuộc tập trận như thế này đem đến lợi ích cho hai bên và chứng tỏ cam kết của chúng tôi trong việc duy trì và làm sâu rộng mối quan hệ song phương với các đối tác trong khu vực”.

Quân đội Mỹ sẽ có động thái cứng rắn ở Biển Đông. Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 12/5 cho hay, trước tốc độ cải tạo đất nhanh chóng của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu các cộng sự tìm hiểu những biện pháp như điều máy bay do thám và các tàu Hải quân Mỹ vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo ở Trường Sa, “Chúng tôi đang cân nhắc cách thức để khẳng định quyền tự do lưu thông ở khu vực có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động giao thương quốc tế.” Theo quan chức trên, có một sức ép ngày càng lớn Lầu Năm Góc và Nhà Trắng phải có những bước đi cụ thể để gửi đến Trung Quốc tín hiệu rằng hoạt động xây dựng gần đây của nước này ở Trường Sa đã đi quá xa và cần phải dừng lại.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ điều trần về Biển Đông. Ngày 13/5, các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề Biển Đông. Tại cuộc điều trần, các thượng nghị sỹ Mỹ đã gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải phản ứng mạnh mẽ hơn về những hành động khiêu khích trên biển của Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phàn nàn rằng, “Tôi không thấy Trung Quốc phải trả giá gì cho những hoạt động của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trên thực tế, tôi thấy chính chúng ta đang phải trả giá. Chúng tôi thấy các nước bạn bè tỏ ra thường xuyên lo ngại về việc chúng ta đứng ở đâu cũng như mức độ cam kết của chúng ta là gì.” Cuộc điều trần diễn ra ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh vào cuối tuần này.

Quan hệ các nước

Tăng cường hợp tác Việt-Trung Quốc trong vùng Vịnh Bắc Bộ. Ngày 11/5, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Học viện Ngoại giao và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về “Tăng cường hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trong vùng Vịnh Bắc Bộ.” Tham dự Hội thảo có trên 70 đại biểu, trong đó có 18 chuyên gia, học giả Trung Quốc cùng đại biểu từ các ban, ngành và cơ quan nghiên cứu Việt Nam. Các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị như tăng cường các cơ chế tham vấn phối hợp xử lý các vấn đề về nghề cá, duy trì an ninh, bảo vệ môi trường biển ở vùng Vịnh; xem xét tăng cường tần suất trao đổi, thông tin liên lạc, tăng cường tuần tra chung; xem xét lập quỹ hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác biển; thành lập các cơ quan đầu mối để tăng cường tham vấn phối hợp trong từng lĩnh vực giữa hai nước. Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng thành công trong phân định biển theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, tính đến lợi ích trực tiếp của nhân dân hai nước đã giúp tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghề cá cũng như các lĩnh vực thiết yếu đối với an ninh, xã hội, phát triển kinh tế biển của hai quốc gia.

Philippines - Nhật Bản tập trận chung tại Biển Đông. Hai tàu khu trục Nhật Bản và một trong các chiến hạm mới nhất của Philippines hôm 12/5 đã tiến hành tập trận hải quân ở khu vực chỉ cách Bãi cạn Scarborough chưa đầy 300 km. Giới chức Philippines khẳng định rằng cuộc tập trận kéo dài 1 ngày này chỉ nhằm mục đích nâng cao năng lực quân sự, tuy nhiên các chuyên gia an ninh cho rằng đây là một tín hiệu rõ ràng gửi đến Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ thăm Trung Quốc. Ngày 14/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thành phố Tây An, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong ba ngày, từ ngày 14-16/5. Theo lịch trình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi sẽ tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức về những vấn đề khó khăn nhất trong quan hệ song phương như tranh chấp biên giới và việc Trung Quốc mời Ấn Độ tham gia các dự án con đường tơ lụa trên biển. Ngày 15/5, ông Modi sẽ tham dự các cuộc gặp chính thức ở Bắc Kinh và tham dự hội nghị kinh tế tại thành phố Thượng Hải. Trung Quốc là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước châu Á của Thủ tướng Narendra Modi gồm Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc.

Mỹ-Trung khẳng định có nhiều lợi ích chung. Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang ở thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 16/5 khẳng định hai bên cần hành động trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm nền tảng chung trong khi thu hẹp những bất đồng và giải quyết các vấn đề nhạy cảm theo hướng xây dựng. Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry cho hay, là hai cường quốc và nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ-Trung có cơ hội đưa ra các phương thức mang tính xây dựng về loạt vấn đề ảnh hưởng đến người dân trên thế giới. Về tranh chấp biển, phát biểu trong cuộc họp báo sau đó, ông Vương tuyên bố: “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc  không hề lay chuyển. Đây là đòi hỏi của người dân và cũng là quyền lợi hợp pháp của chúng tôi. Hoạt động phát triển của Trung Quốc trên một số thực thể ở Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước quan ngại của các bên về vấn đề này, Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận để tăng cường những nhận thức chung.” Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry cho biết, “Mỹ rất lo ngại về quy mô cũng như tốc độ các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi thúc giục Trung Quốc chung tay cùng các nước giúp giảm bớt căng thẳng và mở thêm triển vọng về một giải pháp ngoại giao. Tôi nghĩ chúng ta đã nhất trí rằng khu vực cần một giải pháp ngoại giao thông minh để hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử giữa ASEAN-Trung Quốc, chứ không phải các tiền đồn và đường băng quân sự.”

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hạt nhân?” của David E. SangerWilliam J. Broad

Sau nhiều thập kỷ duy trì sức mạnh hạt nhân ở mức tối thiểu, Trung Quốc đã cho nâng cấp tên lửa đạn đạo tầm xa để có khả năng mang thêm nhiều đầu đạn.

Theo báo cáo công bố ngày 8.5 của Lầu Năm Góc, tên lửa đạn đạo liên lục địa, loại vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã được trang bị các đầu đạn định hướng độc lập MIRV.

Loại tên lửa này được biết đến với tên Đông Phong-5 (DF-5). Lầu Năm Góc khẳng định Bắc Kinh hiện có khoảng 20 tên lửa Đông Phong-5, chứa trong các hầm phóng ngầm dưới mặt đất.

Giới phân tích nhận định mỗi tên lửa Đông Phong-5 được cải tiến có thể mang 3 đầu đạn hạt nhân, thay vì 1 như trước; và số lượng tên lửa đã được cải tiến chiếm phân nửa trong các tên lửa Đông Phong-5.

Các quan chức và nhà hoạch định chính sách Mỹ nhận định động thái này của Trung Quốc là nhằm đối phó với Mỹ, quốc gia đang chuẩn bị triển khai thêm nhiều tên lửa đánh chặn đến Thái Bình Dương.

Việc nâng cấp tên lửa hạt nhân của Trung Quốc lần này đặc biệt gây chú ý vì công nghệ thu nhỏ đầu đạn và trang bị từ 3 đầu đạn trở lên cho 1 tên lửa đã nằm trong tay Bắc Kinh từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo Trung Quốc đã không dùng đến nó vì không mặn mà với cuộc đua vũ trang hạt nhân như kiểu thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên

Tuy nhiên, điều này đang thay đổi khi Chủ tịch Tập Cận Bình cho xây dựng các đường băng quân sự tại Biển Đông, thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông, điều tàu ngầm đến Vùng Vịnh và thiết lập một lực lượng phục vụ chiến tranh mạng

Một số chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhắm trực tiếp vào lợi thế về công nghệ của Mỹ. Chẳng hạn, Bắc Kinh được cho tiến hành nghiên cứu công nghệ diệt vệ tinh do thám và truyền thông của Washington, chi đậm để phát triển công nghệ mạng nhằm thâm nhập và tấn công hệ thống máy tính của Mỹ.

Đối với các quan chức Mỹ, việc Trung Quốc phát triển mạnh công nghệ mạng là vừa để đánh cắp các sáng chế, vừa chuẩn bị cho cuộc xung đột trong tương lai giữa 2 nước. Và động thái nâng cấp lực lượng hạt nhân của Trung Quốc cũng phù hợp với chiến thuật mới.

“Đây rõ ràng là một phần trong nỗ lực chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh dài hạn với Mỹ. Trung Quốc luôn lo sợ trước sự vượt trội về vũ khí hạt nhân của Mỹ”, ông Ashley J. Tellis, từng là quan chức an ninh quốc gia cấp cao dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, cảnh báo.

“Hoạt động của Việt Nam Biển Đông không đe dọa tới hòa bình khu vực” của Carl Thayer

Gần đây, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã cho ra báo cáo về hoạt động xây dựng đảo của Việt Nam trên Đảo Sơn Ca (Sand Cay) và Đá Tây (West London Reef) từ năm 2010. Có một số điểm cần làm rõ trong báo cáo này.

Thứ nhất, dựa theo Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, bằng chứng mà AMTI đưa ra về hoạt động cải tạo đảo của Việt Nam cho thấy đó là những hoạt động bình thường mang tính phòng thủ và không đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Thứ hai, theo các số liệu mà CSIS công bố, diện tích phần đảo cải tạo của Việt Nam trên Biển Đông chỉ bằng 1,9% diện tích mà Trung Quốc đã cải tạo.

Thứ ba, trong quá khứ, Trung Quốc từng nhiều lần sử dụng sức mạnh quân sự để đánh chiếm các đảo và thực thể ở Biển Đông.

Thứ tư, tất cả cái gọi là “công sự” và cơ sở quân sự trên các hòn đảo nhỏ của Việt Nam đều có tính chất phòng thủ và không đủ lớn để yểm trợ cho bất kỳ một hành động tấn công nào. Các bức ảnh của CSIS cho thấy “các ụ súng” nhưng không hề có súng ống gì cả.

Thứ năm, do cách thức bình luận về loạt hình ảnh mới này, CSIS đã làm cho mọi việc trở nên rối ren, không rõ ràng khi sử dụng các từ như “đáng kể” và “quân sự” mà không xem xét những bức ảnh này trong bối cảnh riêng của nó, theo tinh thần DOC.

Thứ sáu, việc công bố toàn bộ những bức ảnh vệ tinh được cho là vì sự minh bạch đối với tất cả các bên liên quan. Thế nhưng, nhiều năm trước khi có Tuyên bố chung DOC 2002, Việt Nam đã xây dựng một số cơ sở nhỏ dùng cho mục đích phòng thủ trên Đảo Trường Sa.

Nhưng các hành động của Trung Quốc trong quá khứ kết hợp với việc xây hai đường băng mới, trong đó có một đường băng đủ dài để phục vụ cho đủ loại máy bay quân sự, đã làm dấy lên những lo ngại về các ý đồ của Trung Quốc trong dài hạn.

Những hành động này có thể buộc các nước trong vùng phải có những biện pháp đối phó. Chính vì thế, các hành động của Trung Quốc làm phức tạp tình hình hiện nay và có thể dẫn đến leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thông điệp từ cuộc tập trận lịch sử Nhật - Philippines trên Biển Đông”

Ngày 12/5, Nhật Bản và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung mang tính lịch sử trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt với yêu sách chủ quyền của mình. Đây là cuộc tập trận hải quân lần đầu tiên giữa hai nước đã từng đối địch trong Thế chiến thứ II.

Cuộc tập trận kéo dài một ngày có sự hiện diện của hai tàu khu trục Nhật Bản cùng một trong những chiến hạm mới nhất của Philippines, diễn ra tại vùng biển chỉ cách chưa đầy 300km khu bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đang kiểm soát.

Giới chức Philippines khẳng định cuộc tập trận chỉ nhằm nâng cao năng lực quân sự của nước này, nhưng các chuyên gia an ninh tin rằng đây là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Trung Quốc.

“Trước hết, họ cho thấy các nước láng giềng Thái Bình Dương của Trung Quốc đang bắt đầu cùng đối trọng với Trung Quốc”, Michael Tkacik, một chuyên gia chính sách ngoại giao tại Đại học bang Stephen F. Austin, tại Texas, Mỹ cho biết.

“Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác, kể cả Ấn Độ ở cách xa khu vực, đều đang bị đe dọa bởi cách hành xử của Trung Quốc”, Tkacik nói. “Do đó, Philippines và Nhật đang đưa ra một tuyên bố quan trọng về việc họ nghiêm túc ra sao trong cách nhìn nhận hành động của Trung Quốc”.

“Sẽ thật ngây thơ nếu ai đó nghĩ rằng đây chỉ là cuộc tập trận chung bình thường sau một số hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông”, Wilfrido Villacorta, đến từ đại học De La Salle tại Manila nhận định. Theo chuyên gia này, đây là “phản ứng tự nhiên” của Philippines sau khi bị khiêu khích.

Chuyên gia an ninh Narushige Michishita, đến từ Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Tokyo thì cho rằng, Nhật đang cố gắng xây dựng quan hệ mang tính xây dựng với một đối thủ truyền thống của Trung Quốc. “Theo một cách lặng lẽ, nhưng đủ để Trung Quốc nhận ra, họ đang phát đi một thông điệp tới lãnh đạo Trung Quốc rằng ‘cho dù các bạn sử dụng vũ lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, nhưng những gì các bạn có thể làm cũng chỉ có giới hạn, và các nước trong khu vực sẽ sẵn sàng ngăn chặn.’ ”

“Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Mỹ ở Biển Đông” của Michael Auslin

Trong những ngày gần đây, giới phân tích quốc tế đang rất quan tâm tới một bài viết được đăng trên tờ Wall Street Journal rằng chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng điều tàu chiến và máy bay quân sự áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh những đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nếu được thực hiện, chính sách này có thể nhanh chóng làm bùng phát một cuộc đụng độ vũ trang giữa hai cường quốc.

Khác với Nhật tại Biển Hoa Đông, các quốc gia Đông Nam Á khó có thể đương đầu trực diện với Bắc Kinh, điển hình như vụ Trung Quốc cưỡng chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines mà hầu như không vấp phải sự kháng cự nào. Nhiều quốc gia trong khu vực tin rằng chỉ có Mỹ là có cơ hội và khả năng để ngăn chặn hành động của Trung Quốc và họ đã thúc giục Washington phải hành động nhiều hơn để đẩy lùi Trung Quốc.

Và có vẻ như Mỹ đang tính đến việc đáp lại lời kêu gọi của các quốc gia tại khu vực. Đó sẽ là động thái được chào đón tại đây, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trung Quốc đã bày tỏ thái độ phản đối quyết liệt và cảnh báo Mỹ rằng việc Mỹ đưa tàu chiến, máy bay áp sát đảo nhân tạo của họ là “liều lĩnh và khiêu khích”.

Ván cờ đã trở nên hết sức phức tạp. Sau khi đưa ra những tín hiệu được mong chờ trên, nếu chính quyền của Tổng thống Barack Obama không điều tàu chiến, máy bay để thách thức các ranh giới chủ quyền mà Trung Quốc yêu sách, họ sẽ đánh mất uy tín của mình trong khu vực, khiến Trung Quốc càng tự tin đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa những hòn đảo này.

Tuy nhiên, nếu Mỹ thực hiện kế hoạch trên, chắc chắn Bắc Kinh sẽ tìm cách đối phó ngay lập tức. Việc để tàu chiến Mỹ áp sát các đảo nhân tạo sẽ khiến Bắc Kinh “mất mặt”, và nó có thể dẫn đến những cuộc đối đầu quân sự trên biển hoặc trên không và tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột rất lớn. Mỹ sẽ cần phải có những quy tắc can dự hết sức rõ ràng để đảm bảo rằng họ sẽ tự bảo vệ được mình trước bất cứ phản ứng nào từ Trung Quốc và tránh không để các sự cố có thể xảy ra hoặc leo thang.

Hai quốc gia đều có những cam kết của riêng mình: với Mỹ họ muốn cho thấy rằng lời nói sẽ đi đôi với hành động, còn với Trung Quốc, họ muốn cho thấy rằng họ không phải là một con hổ giấy, không thể bảo vệ được vùng lãnh thổ mà mình yêu sách. Chính quyền Obama nắm trong tay nước đi đầu tiên, nhưng nếu họ làm như vậy, nguy cơ về đụng độ quân sự với Trung Quốc sẽ ngày càng rõ ràng chỉ trong một vài tháng tới. Nếu họ không làm như vậy, thì các quốc gia Châu Á sẽ phải đương đầu với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn, với yêu sách ngày càng bành trướng hơn. Bên cạnh chảo lửa Trung Đông và Đông Âu, Đông Á có thể sẽ là cái tiên tiếp theo đi vào danh sách những điểm nóng khủng hoảng.

“Biển Đông trong chiến lược tàu ngầm của Trung Quốc?” của Will Englund

Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp về nguồn tài nguyên cá, dầu khí, là tranh chấp về tự do hàng hải, và ở mức độ rộng hơn, đó là khẳng định niềm tự hào dân tộc. Nhưng cũng có một lý do khác khiến cho Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng với Trung Quốc; và lý do này lại chẳng liên quan gì đến các bên tranh chấp khác.

Trên Đảo Hải Nam, ở rìa phía Bắc của Biển Đông, Trung Quốc hiện có nhiều căn cứ tàu ngầm hạt nhân, bao gồm 4 chiếc được trang bị tên lửa đạn đạo. Dù vậy, vấn đề của nước này đó là họ bị bao bọc trong đường bờ biển hẹp. Về địa lý, Trung Quốc giáp Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều này có nghĩa là lối ra Thái Bình Dương và các vùng biển xa hơn duy nhất của họ là thông qua các eo biển hẹp, tiếp giáp với Nhật, Philippines, Singapore, Malaysia hoặc Indonesia.

Tàu ngầm hạt nhân luôn được xem như một công cụ răn đe một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các tàu ngầm Trung Quốc về thực tế không có giá trị gì trong tranh chấp với Việt Nam hay Philippines, thay vào đó lý do duy nhất để sở hữu chúng là răn đe một cuộc tấn công của Mỹ.

Các tàu ngầm khó bị tiêu diệt hơn so với các tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất hoặc máy bay ném bom hạt nhân – lý do này khiến chúng là vũ khí giá trị nhất trong kho vũ khí răn đe của mọi quốc gia.

Vấn đề của Trung Quốc đó là các tàu ngầm của họ hoạt động quá ồn ào nên dễ bị phát hiện. Do đó nước này cần tìm ra một tuyến đường hoạt động phù hợp. Không thể luôn để các tàu ngầm tại cảng, bởi bất kỳ sự triển khai đột ngột nào trong tình huống khủng hoảng sẽ khiến nước này bị động.

Nhưng đồng thời các tàu này không thể hoạt động ngoài khơi xa, do có thể dễ dàng bị hải quân Mỹ phát hiện và theo dõi. Một nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có vẻ đã quyết định theo chính sách pháo đài, sử dụng chính Biển Đông làm pháo đài. Nếu bằng các biện pháp áp đặt chủ quyền, Trung Quốc có thể biến Biển Đông thành “ao nhà”, được canh gác bởi các tàu chiến mặt nước và máy bay quân sự, tàu ngầm của họ sẽ có được một hành lang an toàn để hoạt động.

Chiến lược này có vẻ giống với những gì mà Liên Xô đã làm thời Chiến tranh Lạnh. Liên Xô đã đưa các tàu ngầm của mình đến các vùng biển xa xôi giáp với Bắc Băng Dương, nơi họ có điều kiện thuận lợi với các lớp băng bao phủ và không có hoạt động của tàu thương mại qua đây. Nhưng Biển Đông là một trường hợp hoàn toàn khác với hoạt động thương mại tấp nập của mình. Để phong tỏa sự tiếp cận của Mỹ và hải quân các quốc gia khác, Trung Quốc sẽ phải triển khai một lực lượng tàu chiến mặt nước quy mô lớn.

Và với một khu vực tấp nập như Biển Đông, hành động này sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ giữa các lực lượng hải quân truyền thống, “Suy cho cùng, Biển Đông đang ngày càng trở nên đông đúc.”