Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khẳng định quan hệ Trung Quốc - Philippines “đang ở bước ngoặt mới”. Phát biểu trong buổi tiếp phái đoàn của Ủy ban Đối ngoại Philippines sang thăm Trung Quốc hôm 13/9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho hay, “quan hệ Trung Quốc - Philippines uống đến mức thấp nhất vì những lý do mà ai cũng biết. Hiện tại quan hệ hai nước đang ở một bước ngoặt. Trung Quốc hy vọng Philippines có thể cùng nhau đồng thuận, giải quyết tranh chấp một cách hợp lý và thúc đẩy quan hệ trở lại tiến trình đối thoại, tham vấn, và hợp tác hữu nghị”.

+ Việt Nam:

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị NAM. Sáng 17/9, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết đã khai mạc tại đảo Margarita (Venezuela). Phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cao những nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN, đặc biệt trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, và xử lý các thách thức phức tạp ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Phó Thủ tướng kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện DOC ở Biển Đông, sớm hoàn tất COC ở Biển Đông.

+ Philippines:

Philippines chủ trương “duy trì nguyên trạng” tại Biển Đông. Phát biểu hôm 14/9 trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện về ngân sách quốc phòng cho năm 2017, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay, “Theo như tuyên bố của Tổng thống, chúng ta sẽ duy trì nguyên trạng ở Biển Đông để hạn chế những tính toán sai lầm. Chúng ta cũng không có đủ nguồn lực để đối đầu với các bên yêu sách khác.” Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn hướng tới đối thoại với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp.

Philippines muốn thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Trong cuộc gặp với cộng đồng người Philippines ở Washington, Mỹ hôm 16/9, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết Manila mong muốn đàm phán vô điều kiện với Bắc Kinh để giải quyết các tranh chấp biển, “Điều quan trọng là chúng ta phải đối thoại với họ”. Cũng theo ông Yasay, vì quân đội Philippines chưa được trang bị tốt nên Manila không thể đấu lại được Trung Quốc trong bất kỳ cuộc chiến nào, và đó là lý do tại sao Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho Hải quân Philippines không được tham gia tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông. Ông Yasay cho rằng Bắc Kinh có thể xem những hành động tuần tra chung là một động thái khiêu khích, từ đó khiến cho việc giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai nước trở nên khó khăn hơn.

+ Mỹ:

Thượng nghị sỹ John McCain kêu gọi Mỹ duy trì cân bằng quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu trong một sự kiện của Heritage Foundation hôm 12/9, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cho rằng, “Trung Quốc lựa chọn sử dụng sức mạnh và vị thế để phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế và theo đuổi chính sách cưỡng ép và hăm dọa đối với các nước láng giềng. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ những cam kết mà nước này đã ký với các quốc gia láng giềng trong DOC năm 2002 cũng như những thỏa thuận gần đây với chính phủ Mỹ, khi tiến hành các hoạt động bồi đắp tại các thực thể tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông với tốc độ đáng ngạc nhiên và gây bất ổn khu vực”. Ông McCain cũng chỉ trích Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Tòa hồi tháng 7.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản tuyên bố tăng cường các hoạt động trên Biển Đông. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington ngày 15/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã “chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa. Những hành động của Trung Quốc là nỗ lực chủ ý nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng và phương hại tới các nguyên tắc hiện hành.” Theo bà Inada, “Trong bối cảnh này, Nhật Bản hết sức ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ để giữ gìn trật tự biển. Về phần mình, Nhật Bản sẽ tăng cường vai trò Biển Đông, ví dụ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể tiến hành các cuộc tuần tra chung của với hải quân Mỹ, các cuộc tập trận song phương, đa phương với hải quân các nước trong khu vực”.

+ Úc:

Úc ngạc nhiên trước lập trường mới của Philippines về Biển Đông. Phát biểu với báo giới hôm 14/9, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết, “Tôi được biết rằng Tổng thống Philippines đã tuyên bố nước này, là một bên tranh chấp và đã khởi xướng vụ kiện, sẽ không gửi tàu tham gia hoạt động tuần tra ở các vùng biển tranh chấp. Vậy câu hỏi đặt ra là Philippines đang làm gì để củng cố những kết luận của Tòa.” Theo bà Bishop, “Điều gây ngạc nhiên là Philippines không định qua lại ở vùng lãnh thổ mà Tòa quyết định nằm trong vùng EEZ của nước này? Và rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines?”

Quan hệ các nước

Việt-Trung nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 10 đến ngày 15/9, hai nước đã ra “Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc.” Thông cáo nêu rõ: “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc;” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC ở Biển Đông, trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng COC; không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.

Philippines từ chối tham gia tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông. Phát biểu tại căn cứ không quân Villamor ở thành phố Pasay ngày 13/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, “Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ hành trình hay cuộc tuần tra nào trên biển nào. Tôi không cho phép điều đó xảy ra vì không muốn đất nước mình liên quan đến một hành động thù địch. Tôi chỉ muốn tuần tra trong vùng biển của chúng ta”. Từ tháng 4 năm nay, Mỹ đã bắt đầu tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông.

Nga-Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung trên biển. Nga và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên, mang tên “Joint Sea-2016” từ ngày 12-19/9 ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tham gia cuộc tập trận này có tổng cộng 13 tàu mặt nước, hai tàu ngầm, 11 máy bay, 10 trực thăng và 256 thủy quân lục chiến. Nội dung cuộc tập trận là phối hợp phòng không, hoạt động chống ngầm, đổ bộ, tìm kiếm và cứu nan và tái chiếm đảo. Đây là cuộc tập trận chung trên biển lần thứ 5 giữa hai nước kể từ năm 2012.

Việt-Trung đàm phán về hợp tác lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Từ ngày 18 đến 21 tháng 9, cuộc đàm phán vòng 9 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam-Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội. Tại cuộc họp, hai bên đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trong năm 2016 của những dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển đã ký kết và thống nhất kế hoạch công tác năm 2017, bao gồm dự án “Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang” và dự án “Hợp tác nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo khu vực Vịnh Bắc Bộ.” Hai bên thống nhất được ý tưởng về triển khai hợp tác thả giống nguồn lợi thủy sinh biển Vịnh Bắc Bộ, đồng thời hai bên đã trao đổi ý kiến về nội dung một số dự án hợp tác khác.

 

Phân tích và đánh giá

Nga phải thận trọng trong vấn đề Biển Đông” của Euan Graham

Cuộc tập trận chung Nga - Trung ở Biển Đông phát đi một thông điệp chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên điều này lại đang đặt ra những câu hỏi, đặc biệt là bên lề G20, khi Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông và phản đối sự can thiệp của bên thứ ba. Điều này rõ ràng khiến cho các đối tác của Nga ở Đông Nam Á phải lo ngại.

Việc duy trì mối quan hệ lâu dài với Việt Nam (mới được nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện) là một trong những lý do chính để Nga phải cẩn trọng trong vấn đề Biển Đông. Lợi ích chiến lược của Nga không còn lớn như thời Xô Viết, nhưng Hà Nội vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác quân sư ở ở mức cao nhất với Nga so với các quốc gia khác, bao gồm quyền tiếp cận quan trọng để hỗ trợ không quân tầm xa của Nga ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, Nga cũng mở rộng lợi ích thương mại tại Việt Nam, trong đó có việc tân trang lại cảng Cam Ranh, bên cạnh đó là việc  Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam và duy trì bảo dưỡng tàu chiến và các trang thiết bị quốc phòng. Gazprom hiện cũng có những lợi ích hợp tác dầu khí với Việt Nam. Vì vậy, một số tiếng nói ở Nga tỏ ra không vui vẻ khi chứng kiến các khoản đầu tư này gặp rủi ro khi ông Putin tỏ ra ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam hiên cũng đang đặt nghi vấn thực sự về mức độ tin tưởng đối với Nga.

Tuy nhiên, vẫn có một số khía cạnh tích cực từ sự hiện diện của Nga ở Biển Đông. Điều đó có thể được nhìn nhận từ khía cạnh minh chứng cho vấn đề tiếp cận quốc tế về hải quân đối với Biển Đông, cụ thể là sau đó Nga có thể sẽ có hoạt động thăm cảng đối với Việt Nam.

Nhưng thật đáng tiếc là bình luận của ông Putin tại G20 càng khiến cho Nga gặp khó khăn hơn trong cách tiếp cận trung lập đối với Biển Đông. Việc trấn an Việt Nam vào thời điểm này không còn chỉ là hoạt động ghé thăm cảng ngắn ngủi nữa, thậm chí ngay cả khi Hà Nội đã được chuẩn bị cho hoạt động này.

Dù mục đích ngoại giao của Nga trong việc tập trận chung với Trung Quốc có là gì thì thực tế là cuộc tập trận này sẽ chỉ càng phơi bày hơn về những mâu thuẫn trong cách tiếp cận khu vực của Nga, gây nguy cơ ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác quan trọng với Việt Nam, cũng như phơi bày những hạn chế về khả năng phát huy ảnh hưởng của Nga.

Những điều kiện thúc đẩy mối quan hệ Việt - Ấn” của Helen Clark

Sau chuyến thăm của ông Modi tới Việt Nam, sau 10 năm là đối tác chiến lược, Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 3 của Việt Nam. Tại sao Việt Nam lại nâng tầm mức cao nhất về mối quan hệ với Ấn Độ, ngang hàng với Trung Quốc và Nga mà lại không phải là Mỹ?

Ở thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc đang tham gia tập trận chung ở Biển Đông. Bên cạnh đó, thời gian qua Trung Quốc đã có những hành động khiến Việt Nam phải lo lắng, điển hình là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong EEZ của Việt Nam năm 2014. Có lẽ việc có chung mối quan ngại về Trung Quốc đã giúp thúc đẩy Ấn Độ và Việt Nam đến gần với nhau hơn.

Giữa Việt Nam và Ấn Độ tồn tại một mối quan hệ hữu nghị lâu dài (giống như giữa Nga và Việt Nam). Ấn Độ đã từng phản đối những cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ấn Độ là một trong những thành viện sáng lập Phong trào Không Liên kết và Việt Nam trở thành thành viên năm 1976. Hai bên cũng có mối quan hệ hợp phát triển trong lính vực quốc phòng, thương mại của Việt Nam với Ấn Độ cao hơn với Nga, và hai bên cũng có hợp tác trong lĩnh vực dầu khí ở Biển Đông.

Đối với Ấn Độ, người bạn cũ Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Phía Đông. Ấn Độ cũng muốn thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam nhằm làm đối trọng đối phó với Trung Quốc. Với mục tiêu này, Ấn Độ đang giúp Việt Nam thúc đẩy năng lực không quân và hải quân của Việt Nam.  Về phán quyết của Tòa trong vấn đề Biển Đông, Ấn Độ tuyên bố nước này “ủng hộ tự do hàng hải và quyền bay qua, thương mại không bị cản trở theo các nguyên tắc của luật quốc tế, như đã được phản ánh trong UNCLOS”.

Trong chuyến thăm của ông Modi tới Việt Nam, hai bên đã ký kết tổng cộng 12 thỏa thuận, quan trọng nhất là thỏa thuận liên quan đến tín dụng quốc phòng. Những thỏa thuận còn lại về các lĩnh vực phi quân sự, bao gồm về lĩnh vực công nghệ, an ninh mạng, hợp tác về vấn đề Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc, và một điều khoản về “Khung Thỏa thuận về Hợp tác Khai thác và Sử dụng Không gian Vũ trụ vì Mục đích Hòa Bình”. Điều khoản 12 là về vấn đề bán tàu tuần tra cho Việt Nam.

Một số phân tích còn cho rằng, giờ đây Việt Nam đối với Ấn Độ giống như Pakistan đối với Trung Quốc.  Ở thời điểm hiện tại, thúc đẩy mối quan hệ với Ấn Độ sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác và là cách thức để Việt Nam đa dạng hóa hơn nữa các mối quan hệ.

Chính sách đối với Trung Quốc của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ và hệ lụy đối với các đồng minh” của Xenia Wickett

Hiện nay, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang có hai luồng quan điểm khác nhau. Hillary coi quan hệ với Châu Á là ưu tiên số 1, trong đó quan hệ với Trung Quốc chỉ là một bộ phận; còn Donald Trump thì coi quan hệ Mỹ - Trung lên trên quan hệ với Châu Á.

Chính sách của Hillary Clinton đối với Châu Á. Nhìn chung, đây sẽ là chính sách tiếp nối so với thời kỳ Tổng thống Obama. Hillary có chính sách “diều hâu” đối với Trung Quốc hơn Tổng thống Obama và sẵn sàng dùng biện pháp quân sự. Do đó, ưu tiên của Mỹ sẽ là tiếp tục ủng hộ các đồng minh ở Châu Á.

Mặt trái của việc Hillary lên nắm quyền nằm ở khía cạnh thương mại, đặc biệt là việc không mặn mà với TPP. Tuy nhiên nếu nhìn dài hạn thì có thể thấy trong hầu hết giai đoạn sự nghiệp của mình, Hillary đều hỗ trợ tự do thương mại. Do đó, vẫn có khả năng sau khi lên nắm quyền một vài năm, Hillary sẽ quay trở lại hỗ trợ TPP.

Mặc dù Hillary chú trọng hơn quan hệ với Châu Á, điều này không có nghĩa là sẽ chống lại Trung Quốc. Trên thực tế, Hillary muốn có sự hợp tác tích cực mới Trung Quốc ở những lĩnh vực phù hợp, tiếp tục tiến trình hợp tác Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Obama trên các lĩnh vực môi trường, chống cướp biển và cứu hộ thiên tai.

Chính sách đối với Trung Quốc của Donald Trump. Dự kiến, kinh tế sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trump, trong đó có lập trường yêu cầu Trung Quốc phải công bằng hơn trong các vấn đề tiền tệ, trợ cấp, v.v. Với sự chưa rõ ràng trong việc Trump coi thế nào là công bằng, chính sách hợp tác với Trung Quốc có thể đi theo chiều hướng tích cực nếu hai bên tìm ra phương thức hợp tác, hoặc đi theo chiều hướng tích cực nếu Trung Quốc có chính sách cứng rắn đối với các vấn đề này.

Đối với đồng minh, Trump đã nhiều lần thể hiện rõ lập trường là các đồng minh của Mỹ cần phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn đề an ninh. Điều này hiển nhiên có lợi cho Trung Quốc. Đối với TPP, Trump coi đây là “thảm họa” và sẽ ngừng tiến trình thúc đẩy TPP hoặc đề nghị đàm phán lại với lập trường cứng rắn hơn nhiều so với chính quyền Obama. Nếu vậy, điều này tạo cơ hội cho hiệp định Đối tác kinh tế khu vực của Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, dường như chính sách của Trump sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề là chính sách của Hillary sẽ ổn định hơn và Hillary sẽ tìm ra các phương cách qua các kênh ngoại giao truyền thống để hợp tác với Trung Quốc. Điều này lại mang lại nhiều cơ hội cho hợp tác Mỹ - Trung hơn là sự bất ổn định của Trump.

Đối với đồng minh của Mỹ, nếu Hillary lên nắm quyền, các đồng minh của Mỹ thậm chí sẽ được hỗ trợ nhiều hơn giai đoạn chính quyền Obama. Hillary sẽ tiếp nối chính sách của Obama làm sâu sắc hóa quan hệ của Mỹ với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, mở rộng quan hệ với các quốc gia khác.

Ngoài ra, chính sách tập trung vào hợp tác kinh tế của Trump với Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nước Châu Âu ưu tiên hợp tác kinh tế với Trung Quốc hơn là các lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, vấn đề là chính sách của Trump có nhiều điểm chưa rõ ràng và đầy tính bất trắc, do đó có khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Sự hội tụ cho liên minh Nga-Trung” của Stephen Blank

Chuyến công du tham dự G20 tại Hàng Châu mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những bình luận về vấn đề Biển Đông, quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản làm nổi bật những xu hướng mới trong chính sách đối ngoại của Nga.

Đối với vấn đề Biển Đông, Tổng thống Putin ngày 5/9 nói với các phóng viên rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ đề nghị ông bình luận về chủ đề này hoặc can thiệp. Những tuyên bố của ông Putin cho thấy ông ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng Mỹ không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Không chỉ vậy, ông Putin cũng tán thành sự phản đối của Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng tài và những ngôn từ mà ông Putin sử dụng cho thấy sự ủng hộ hoàn toàn đối với lập trường của Bắc Kinh, vượt lên trên tất cả những tuyên bố bấy lâu của các quan chức Nga. 

Ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có chuyến thăm tới Vladivostok ngày 2-3/9 tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông. Trong cuộc gặp giữa bà Park Geun-hye với ông Putin, nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố rằng Moskva không ủng hộ việc gọi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và tái khẳng định sự phản đối của Nga đối với các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Putin cũng đồng thời cảnh báo không nên khiêu khích Triều Tiên và kêu gọi đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Những lời nói của ông Putin với bà Park Geun-hye cho thấy sự khó chịu thực sự tại Moskva với sự bất lực trong việc tìm kiếm đột phá trong các mối quan hệ giữa Nga và Hàn Quốc.

Đối với Nhật Bản, ông Putin đã tuyên bố trong thời gian diễn ra G20 rằng ông mong muốn giải quyết những căng thẳng song phương giữa Tokyo và Moskva. Tuy nhiên, ông Putin từ chối nhượng bộ về vấn đề quần đảo Kuril, chỉ trích Nhật Bản đã từ chối ủng hộ đề xuất năm 1956 của nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev trả lại cho Nhật Bản hai đảo tranh chấp. Đồng thời, ông Putin cũng khẳng định rõ ràng ông cũng còn những do dự về việc trả hai đảo này cho Nhật Bản vì nước này chịu quá nhiều ảnh hưởng từ Mỹ.

Tóm lại, những diễn tiến mới nhất trên chỉ ra dấu hiệu mạnh mẽ rằng Moskva đang tiến tới gần hơn một liên minh thực sự với Bắc Kinh liên quan tới các vấn đề an ninh tại khu vực châu Á. Nga đã công khai kêu gọi một liên minh như vậy năm 2014, khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu công khai đề xuất về một nỗ lực chung giữa Nga và Trung Quốc trong chống khủng bố và cách mạng màu. Không chỉ vậy, trước G20, ông Putin đã đề cập tới các mối quan hệ song phương Nga-Trung là sự hợp tác chiến lược và đối tác toàn diện

Các nhà quan sát Nga cũng đưa ra những nhận định về khả năng này. Moskva và Bắc Kinh có thể cùng tránh khái niệm liên minh, nhưng mối quan hệ giữa hai nước đã tiến đến một mức độ cao hơn nhiều so với láng giềng gần gũi hay thậm chí làđối tác chiến lược. Nga và các nước khác có thể coi các bước đi chính sách của Nga là một sự xoay trục về châu Á, nhưng trên thực tế, các bước đi của Nga cho thấy một sự cụ thể hơn, đó là xoay trục về Trung Quốc.

Tam giác chiến lược” cho phép Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông” của Steve Mollman

Bắc Kinh dường như đang âm thầm biến bãi cạn Scarborough thành một cơ sở quân sự. Một khi hoàn thành, bãi cạn này cùng với các cơ sở quân sự đã có tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tạo thành một “Tam giác chiến lược, cho phép Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông”.

“Tam giác” này cũng giúp Trung Quốc thiết lập ADIZ ở vùng biển này, buộc máy bay của các nước phải thông báo trước cho chính quyền Trung Quốc các chuyến bay. Chưa rõ bằng cách nào Trung Quốc có thể thiết lập thực sự một vùng phòng không như vậy, đặc biệt là lúc khởi sự, nhưng đối với Bắc Kinh, đó chắc chắn là một bước đi mới theo hướng này. Một vài nước cảnh báo là Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành “ao nhà Trung Quốc”.

Cuối tháng 8, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. cho biết đã có những ý đồ dùng cát đen của Philippines vào các hoạt động cải tạo bồi đắp ở bãi cạn Scarborough, nhưng các ý định này đã bị Mỹ ngăn chặn.

Đương nhiên, trong một cuộc chiến tranh thực sự, việc Mỹ và các đồng minh phá hủy bất kỳ cơ sở quân sự nào mà Trung Quốc xây ở Biển Đông là chuyện tương đối dễ dàng. Đa phần các công trình này được xây dựng trên bề mặt bãi đá không có nền móng và cũng rất dễ bị hư hại do bão. Tuy nhiên, qua thư điện tử, ông Sean Liedman, chuyên gia phân tích quân sự và nguyên là Sỹ quan Hải quân Mỹ, cho tạp chí Quartz biết rằng không nên đánh giá thấp “việc Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có thể cả bãi cạn Scarborough” bởi lẽ nó đem đến “mối lợi quân sự rất lớn trong thời bình”: mở rộng hoạt động tìm kiếm, xây dựng mạng lưới theo dõi, hỗ trợ hậu cần và lập các hệ thống chỉ huy và kiểm soát.

Một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough cũng có thể là quá gần với Philippines, mà đặc biệt là với Căn cứ Không quân Basa, gần Manila. Đây là một trong 5 căn cứ mà Chính phủ Philippines, do phải đối mặt với sự hung hăng trên biển của Trung Quốc, đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng tạm thời, trên cơ sở Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng, có hiệu lực 10 năm, được ký năm 2014 và đã được Tòa án Tối cao Philippines thông qua hồi đầu năm 2016.

Các nước khác cũng lo lắng về vấn đề bãi cạn Scarborough. Vùng biển này là tuyến hàng hải chính vận chuyển dầu lửa từ Trung Đông tới Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Trung Quốc. Hơn 5 nghìn tỷ USD trao đổi thương mại được vận chuyển hàng năm qua tuyến hàng hải này. Ông Yoji Koda, nguyên là Phó Đô đốc Hải quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đã viết trên báo Asia Policy rằng “tam giác chiến lược” có thể trở thành một yếu tố làm thay đổi trò chơi trong quan hệ giữa các cường quốc khu vực”. Chắc chắn là các chiến lược gia quân sự tại Bắc Kinh sẽ đồng ý với điều này./.