Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngang nhiên lập Chi đội cảnh sát PCCC ở Hoàng Sa. Trung Quốc ngày 14/2 đã tổ chức lễ thành lập và chính thức đưa vào hoạt động cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm  thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguỵ biện cho việc làm trên, phía Trung Quốc cho hay trước khi lực lượng này được thành lập, Tổng đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hải Nam phải thường xuyên bố trí các tổ công tác tạm thời thay phiên nhau triển khai công tác phòng cháy chữa cháy trên đảo Phú Lâm. Từ nay công tác phòng cháy chữa cháy trên đảo Phú Lâm cùng khu vực biển, đảo xung quanh sẽ được tiến hành một cách thường xuyên và liên tục.

Trung Quốc sửa đổi luật để tăng cường khả năng kiểm soát biển. Trung Quốc đang lên kế hoạch sửa đổi một số nội dung trong Luật An toàn Hàng hải được ban hành từ năm 1984. Văn phòng Lập pháp thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 14/2 thông báo bản dự thảo luật sẽ được công bố để lấy ý kiến nhận xét của công chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trong dự thảo luật lần này, Trung Quốc quy định các tàu lặn của nước ngoài khi đi vào vùng biển của Trung Quốc phải nổi trên mặt nước, treo cờ của nước đó và báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, các cơ quan này được phép ngăn không cho các tàu nước ngoài đi vào vùng biển của Trung Quốc nếu phát hiện các tàu này có thể gây ảnh hưởng tới an ninh và trật tự hàng hải. Nếu các tàu nước ngoài cố tình đi qua vùng biển của Trung Quốc mà chưa được cho phép thì có thể bị phạt từ 300.000-500.000 Nhân dân tệ.

Trung Quốc cảnh báo Mỹ không được tuần tra ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15/2, về việc Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay Carl Vinson tới tuần tra ở Biển Đông, Người phát ngôn Cảnh Sảng tuyên bố, “Nhờ có nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông dần ổn định và đi theo hướng tích cực. Chúng tôi hy vọng các nước bên ngoài khu vực tôn trọng những nỗ lực này. Trung Quốc thúc giục Mỹ không có hành động thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đồng thời tôn trọng các nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Hải quân Trung Quốc kết thúc tập trận trên Biển Đông. Ba tàu chiến của Trung Quốc đã kết thúc một tuần tập trận trên Biển Đông bắt đầu từ ngày ngày 10/2 và hiện đang di chuyển tới phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương để diễn tập chống cướp biển. Cuộc tập trận, trong đó có nội dung tấn công bất ngờ, đã được tiến hành thành công trong điều kiện khí hậu biển khắc nghiệt. Chuyên gia quân sự Yin Zhuo phát biểu trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng cuộc tập trận này “không theo kịch bản sắp đặt trước và và gần như là trong tình huống chiến đấu thực sự. Các cuộc tập trận thường kỳ của hải quân Trung Quốc tại các vùng biển xa là xu hướng không thể thay đổi.”

Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy đàm phán COC ở Biển Đông. Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 hôm 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi. Ông Vương cho hay Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN tập trung vào hợp tác, loại bỏ bất đồng, và nâng cao quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Trên nền tảng thực thi toàn diện DOC ở Biển Đông, Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy đàm phán COC. Về phần mình Ngoại trưởng Retno Marsudi cho hay Indonesia hoan nghênh Trung Quốc và ASEAN tích cực đàm phán COC. Indonesia sẵn sàng duy trì tham vấn và đối thoại với Trung Quốc, cùng gửi đi tín hiệu tích cực với thế giới rằng hai nước đủ khả năng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam - Philippines thúc đẩy hòa bình, an ninh ở Biển Đông. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại New York (Mỹ), dự phiên điều trần thường niên giữa Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Liên Hợp Quốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Thượng viện Philippines ông Aquilino “Koko” Pimentel III. Về vấn đề Biển Đông, hai bên tiếp tục cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và nhanh chóng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử.

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ triển khai tàu sân bay tuần tra trên Biển Đông. Một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, trong đó có tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson, đã bắt đầu các hoạt động tuần tra trên Biển Đông vào ngày 18/2. Chỉ huy đội tàu này, Chuẩn Đô đốc James Kilby cho hay hoạt động diễn tập ở Thái Bình Dương đã nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đội tàu, “Chúng tôi mong đợi cơ hội thể hiện những năng lực này trong quá trình củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các nước đồng minh, đối tác, bạn bè ở khu vực Ấn Độ - Châu Á - Thái Bình Dương.”’

Quan hệ các nước

Ba tàu chiến Nhật Bản thăm Campuchia. Ngày 13/2, ba tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản (JMSDF),  gồm tàu Makinami, Asayuki và Shimayuki với gần 600 thành viên thủy thủ đoàn, đã cập cảng tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia trong chuyến thăm 4 ngày.Chuyến thăm Campuchia lần này của tàu Nhật Bản nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Khai mạc cuộc tập trận Hổ mang Vàng 2017. Sáng 14/2, tại Căn cứ hải quân Sattahip, tỉnh Chonburi, cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm 2017 (Cobra Gold 2017) đã được Thái Lan và Mỹ đồng chủ trì khai mạc. Cuộc tập trận năm nay sẽ kéo dài trong 10 ngày, từ ngày 14-24/2, với sự tham gia của 29 quốc gia. Cuộc diễn tập năm nay sẽ gồm 3 phần chính là diễn tập tham mưu trong đó có hội thảo chỉ huy cấp cao; diễn tập thực địa bao gồm những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ khu vực và nâng cao khả năng phối hợp; các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Thái Lan. Tổng số quân nhân Mỹ tham gia cuộc tập trận năm nay là 3.600 người, bằng cuộc diễn tập năm 2016.

Tàu Hải quân Singapore thăm cảng Cam Ranh. Ngày 17/2, tàu RSS ENDURANCE của Hải quân Cộng hòa Singapore cùng 180 thành viên thủy thủ đoàn đã cập Cảng Quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 17-21/2. Đây là chuyến thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh lần thứ 2 của tàu Hải quân Singapore kể từ khi Cảng được chính thức khánh thành vào ngày 8/3/2016. Trong thời gian thăm Việt Nam, Chỉ huy tàu đến chào lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Chỉ huy Vùng 4 Hải quân. Hai bên sẽ tổ chức thăm tàu của nhau, giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 Hải quân.

Trung Quốc - Anh muốn thiết lập “kỷ nguyên vàng” về hợp tác an ninh. Đối thoại an ninh cấp cao lần thứ 2 giữa hai nước đã được tổ chức hôm 17/2 tại thủ đô London (Anh) dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp Trung Quốc Uông Vĩnh Thanh và Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Anh ông Mark Lyall Grant. Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi về vấn đề chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức và vấn đề đảm bảo an ninh mạng. Bên cạnh đó, 2 bên cũng khẳng định cần mở rộng các lĩnh vực hợp tác chung và đa dạng thêm các cách thức hợp tác nhằm thiết lập một “kỷ nguyên vàng” trong hợp tác an ninh và thực thi pháp luật. Đối thoại an ninh cấp cao là một phần nội dung của Tuyên bố chung hai nước về xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu trong thế kỷ 21.

Phân tích và đánh giá

Điều gì khiến các căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo của Trung Quốc trở nên nguy hiểmcủa Kyle Mizokami

Việc phát hiện Trung Quốc quân sự hoá các đảo năm 2016 không hoàn toàn bất ngờ, nhưng các đảo này hữu dụng đến mức nào trong quá trình bảo vệ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc?

Chiến dịch này bắt đầu từ năm 2009, khi Trung Quốc đệ trình bản đồ mới lên Liên Hợp quốc thể hiện “đường 9 đoạn” đầy tranh cãi. Từ đó, Trung Quốc đã mở rộng ít nhất 7 đá và đảo nhỏ với cát khai thác từ đáy biển.

Bắc Kinh đã tạo ra hơn 3.200 hecta đảo nhân tạo và phát triển chúng thành các đường băng cho máy bay quân sự, súng chống máy bay và tên lửa, và cả súng hải quân.

Xét về vị trí địa lý, Trung Quốc chỉ giáp một đại dương duy nhất là Thái Bình Dương. Biển Đông là lối thoát duy nhất, đồng thời lại được bao quanh bởi nhiều nước nhỏ và tương đối yếu, không có khả năng đe dọa các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc.

Các loại tàu và máy bay qua lại biển Đông đã đành, nhưng sự hiện diện thường xuyên trên bộ càng củng cố việc chiếm giữ của Trung Quốc trong khu vực. Điều đó cũng cho phép việc lắp đặt mạng lưới cảm biến thường trực. Các cảng biển và sân bay đang xây dựng sẽ gần như chắc chắn được phát triển nhằm bảo vệ khu vực, cùng với sự hỗ trợ từ đất liền, một chiến dịch chống tàu ngầm phức hợp được tạo lập đi kèm với vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Thêm nhiều dàn tên lửa phòng không như HQ-9 trên đảo Phú Lâm và các loại tên lửa chống tàu trên bộ có thể bảo vệ cho những mục tiêu công trình quân sự như sân bay hay các hệ thống radar. Trung Quốc sẽ lợi dụng các chiến dịch “tự do hàng hải” gần đây của Mỹ và đồng minh để biện minh cho hoạt động tăng cường phòng thủ của mình.

Về lâu dài, việc bảo vệ là bất khả thi. Không như các loại tàu, các đảo này cố định một chỗ và không di chuyển được. Các đảo nhỏ không thể cung cấp hậu cần đủ cho các lực lượng đóng quân: khí tài, lương thực, nước uống, điện nhằm duy trì những vị trí tiền đồn phòng thủ này. Do đó, các đảo tiền tiêu của Trung Quốc gần như có thể nhanh chóng bị càn quét bởi hàng loạt các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình, phá huỷ các cơ sở vật chất và cô lập.

Các tiền đồn quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông là hành động vi phạm của Bắc Kinh về thoả thuận không quân sự hoá Biển Đông. Cho dù bản thân khu vực này có giá trị chiến lược rất lớn, nhưng chúng không có giải pháp tự vệ hữu hiệu, dễ bị huỷ diệt nhanh chóng nếu chiến tranh xảy ra. Trung Quốc cần khôn ngoan coi các đảo này chỉ là một giải pháp tình thế, cho đến khi lực lượng Hải quân Trung Quốc có đủ cơ sở để duy trì sự hiện diện thường trực trong khu vực.

Tìm kiếm sự đột phá trong ngoại giao biểncủa CPF Luhulima

Trung Quốc ngày càng quyết đoán, khăng khăng Biển Đông là phần “lợi ích cốt lõi” không thể thương lượng và Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực. Do vậy các nỗ lực của ASEAN trong việc đòi hỏi Trung Quốc thực hiện DOC lại làm xáo trộn sự gắn kết trong ASEAN. Nguyên tắc đàm phán 10+1 của ASEAN đã bị gác sang một bên khi Trung Quốc khăng khăng đàm phán song phương với từng nước ASEAN có yêu sách chủ quyền Biển Đông.

Đàm phán COC trở nên phức tạp bởi không phải mọi nước thành viên ASEAN đều có tranh chấp Biển Đông. Không những vậy, COC sẽ hạn chế hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và cản trở Trung Quốc kiểm soát toàn khu vực thông qua tuần tra biển. Do đó Trung Quốc muốn trì hoãn việc xây dựng Bộ Quy tắc COC.

ASEAN cần phải đảo chiều tình thế này, thoát khỏi quan điểm trên của Trung Quốc và tập trung vào đàm phán COC. Nguyên tắc đầu tiên của ASEAN cần được khôi phục trong thỏa thuận với đối tác đối thoại như Trung Quốc. Lý tưởng nhất là ASEAN nên khôi phục Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), có hiệu lực năm 1997 và đưa Biển Đông vào Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) với công cụ chủ yếu giải quyết tranh chấp là TAC (1976). Tuy nhiên, có hai trở ngại là:

Thứ nhất, sáng kiến :Một vành đai Một con đường” (OBOR) ​​kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển với châu Á và một phần của Châu Âu. Lục địa Đông Nam Á được xác định là một trung tâm quan trọng đối với Trung Quốc. Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông giúp Trung Quốc can dự sâu hơn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Đông Nam Á. Một số nước rất cần sự trợ giúp để có thể tham gia đầy đủ trong AEC. Đây là tác động quan trọng mà Trung Quốc nắm bắt đối với Myanmar, Lào, Campuchia và thậm chí cả Thái Lan, đồng thời cũng là trở ngại chính đối với ASEAN để gây áp lực với Trung Quốc trong xử lý vấn đề Biển Đông.

Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã trở nên quá thủ tục, hành chính. Lợi ích của các nhà lãnh đạo trong khu vực ASEAN đã bị phân kỳ khi mỗi nước thành viên nhấn mạnh đặc quyền quốc gia, do đó làm suy yếu sáng kiến chung ​​khu vực.

Thách thức lớn nhất của ASEAN là duy trì nguyên tắc 10+1 của ASEAN khi phải đối mặt với Trung Quốc cùng sáng kiến OBOR. Bất chấp các khó khăn trở ngại, Indonesia sẽ phải tái nhấn mạnh việc tạo dựng Đông Nam Á hội nhập, tầm nhìn ASEAN và gắn tầm nhìn đó với trục hàng hải toàn cầu kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, định vị Indonesia như một cường quốc biển Ấn Độ - Thái Bình Dương. Indonesia sẽ phải xây dựng một lực lượng trên biển khu vực đáng tin cậy trong hợp tác với ASEAN để bổ sung cho ngoại giao biển của mình và giảm xung đột trên biển.

Indonesia cũng phải hết sức khéo léo trong cân bằng quan hệ với Trung Quốc, một nguồn đầu tư quan trọng để nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia. Đây là thách thức lớn của Indonesia trong trò chơi ngoại giao: xây dựng lực lượng trên biển, tăng cường ngoại giao biển, tiếp sức mạnh cho ASEAN đồng thời thuyết phục Trung Quốc rằng con đường tơ lụa đi qua các vùng biển ASEAN sẽ chỉ thành công nếu Trung Quốc công nhận trục hàng hải của Indonesia và thừa nhận các nguyên tắc của Indonesia và của ASEAN.

Trung Quốc tìm cách thay đổi trật tự khu vực và thế giới của Jennifer Lind

Các chính sách của Trung Quốc gần đây đang làm nảy sinh quan ngại rằng nước này đang cố gắng tìm cách thay đổi trật tự địa chính trị thế giới vốn đã được định hình từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhiều nhà quan sát cho rằng Đông Á sẽ đối mặt với cường quốc xét lại nguy hiểm này.

Trước đó, Mỹ cũng từng theo đuổi chính sách phá vỡ nguyên trạng thông qua việc phổ biến chủ nghĩa tự do, thị trường tự do và Mỹ đã gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Do đó, chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc là một cảnh báo đối với Mỹ và nước này có lý do để lo ngại về các chính sách của Bắc Kinh.

Các nhà lập pháp Trung Quốc không thừa nhận Trung Quốc là quốc gia theo chủ nghĩa xét lại. Họ cho rằng Trung Quốc chỉ đơn giản bảo vệ trật tự khu vực vốn đang bị Mỹ đe dọa, đồng thời ngụy biện rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Rõ ràng, Trung Quốc đang có nhiều hoạt động phá vỡ nguyên trạng tại Biển Đông. Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa lực lượng quân đội: tăng cường lực lượng kiểm soát bờ biển với tốc độ chóng mặt, trong đó nước này đã cho đóng một số tàu kiểm soát biển có trọng tải lớn nhất thế giới và cải tiến các tên lửa liên lục địa có thể đe dọa tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại căn cứ quân sự quan trọng vào bậc nhất trên đảo Guam. Những động thái này đe dọa tới vị thế và lợi ích của Mỹ tại khu vực.

Ngoại trừ Trung Quốc, có lẽ tất cả các nước đều thấy rõ các hành động xét lại của nước này và cảnh giác với chúng. Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, gây ra thất bại cho Trung Quốc trước khi ông Duterte nhậm chức. Úc cũng tăng cường quan hệ quân sự và đồng minh với Mỹ. Singapore hợp tác gần gũi hơn với Hải quân Mỹ và đầu tư mua sắm nhiều hơn cho quân đội. Bất chấp những tàn dư trong cuộc chiến tranh Việt Nam, hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ cũng trở nên gần gũi hơn.

Các hành động của Trung Quốc cũng làm cho Nhật Bản ngày càng lo lắng, từ đó có những thay đổi về mặt phát triển quân sự. Sau hơn một nửa thế kỷ, giờ đây dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã điều chỉnh lại Hiến pháp, cho phép tiền hành các hoạt động quân sự nhiều hơn, đầu tư cho quân đội lớn hơn và quan hệ gần gũi hơn với các nước trong khu vực như Úc và Ấn Độ.

Như vậy, rõ ràng các hoạt động của Trung Quốc đang làm thay đổi nguyên trạng trật tự địa chính trị tại khu vực. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump, với chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Washington sẽ chú trọng hơn đến lợi ích Mỹ thay vì các giá trị Mỹ. Do đó, Mỹ có thể bỏ qua lợi ích của các nước nhỏ để đàm phán với các nước lớn nhằm tối đa lợi ích Mỹ.

Triển vọng quản lý an ninh biển của BIMSTEC của Rajni Gamage

BIMSTEC (Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực) từ năm 1997 đã có một vị thế tốt để tham gia hợp tác an ninh biển nhằm đối phó với những thách thức trong bối cảnh chiến lược và kinh tế hiện đang thay đổi.

Tăng cường vai trò của BIMSTEC

Tháng 10/2016, lần đầu tiên Ấn Độ đăng cai tổ chức một hội nghị thượng đỉnh BRICS và BIMSTEC, qua đó nâng cao vai trò của BIMSTEC như là một tổ chức an ninh và kinh tế tiểu vùng trong khu vực. Có thể kể đến một số yếu tố thuận lợi giúp tăng cường hồ sơ và tiềm năng của BIMSTEC.

Thứ nhất, khu vực Vịnh Bengal đang có vai trò gia tăng trong lĩnh vực kinh tế và chiến lược. Khu vực này được đánh giá là đầu tàu cho phát triển kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Myanmar. Khu vực này cũng đóng vai trò là tuyến vận tải biển chuyên chở hàng hóa và năng lượng từ khu vực Trung Đông, châu Âu và châu Phi tới các cường quốc kinh tế tại Đông Á.

Thứ hai, SAARC (Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á ) hiện đang suy yếu. Ấn Độ trong một thời gian đã tìm cách can dự sâu hơn với các sáng kiến khu vực mà không có Pakisan và đây chính là trở ngại làm cản trở tiến trình hoạt động của SAARC.

Thứ ba, sự tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai đối thủ Ấn Độ-Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương tạo động lực cho Ấn Độ can dự sâu hơn với các nước Vịnh Bengal để không thua kém trước Trung Quốc.

BIMSTECvà khả năng quản lý an ninh biển

BIMSTEC có mọi khả năng để trở thành một công cụ quản lý an ninh biển trong khu vực nhằm đối phó với các mối đe dọa bao gồm cả truyền thống và phi truyền thống. Những tiến triển gần đây có thể kể đến là dự án Mausam do Ấn Độ khởi xướng năm 2014 cùng với chiến lược tái cân bằng của Sri Lanka từ năm 2015 và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với “nền kinh tế xanh” của Bangladesh thời gian qua cùng với nỗ lực hiện đại hóa Hải quân tại hầu hết các quốc gia Vịnh Bengal cũng hỗ trợ thêm cho BIMSTEC.

Các vấn đề về an ninh biển

Hiện nay có một số vấn đề an ninh biển nghiêm trọng tại Vịnh Bengal đòi hỏi phải có sự hợp tác và những hành động đối phó kịp thời như cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya hay các thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất, các vụ việc liên quan tới cướp biển, đánh bắt cá trái phép…

Hiện các sáng kiến hợp tác an ninh biển giữa tiểu vùng không bao gồm toàn bộ các quốc gia ven biển thuộc Vịnh Bengal mà gồm các nước bên ngoài khu vực. Do vậy việc có một cơ chế quản lý an ninh biển tiểu khu vực trong khuôn khổ BIMSTEC là điều cần thiết.

Sự hợp tác an ninh biển tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên BIMSTEC thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á. Các tuyên bố gần đây mà các nhà lãnh đạo, quan chức từ Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanla đưa ra phản ánh một nhận thức về sự cần thiết phải thoát ra khỏi sự hạn chế của Nam Á và can dự sâu hơn nữa đối với các quốc gia thịnh vượng tại Đông Á.

Cái giá cao phải trả cho chủ nghĩa bảo hộ của Joshua P. Meltzer và Mireya Solís

Tổng thống Mỹ Trump đã ký một sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP và hướng tới việc đàm phán lại về NAFTA. Tất cả các phân tích kinh tế về tác động của TPP đều cho thấy nó sẽ có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm của Mỹ. Tuy nhiên, những lợi ích này giờ đây đã tiêu tan.

Rời TPP cũng sẽ làm giảm đòn bẩy sức mạnh của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc không phải là một bên tham gia thỏa thuận, TPP đã dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc về triển vọng gia nhập nó, cũng như loại hình cải cách kinh tế nào mà Trung Quốc cần. Sự khuyến khích cải cách đó, trong đó có thể khiến Trung Quốc chơi đẹp hơn trên thị trường toàn cầu, giờ đã biến mất.

Rút khỏi TPP là một đòn giáng mạnh vào sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong việc xác định các quy tắc thương mại quốc tế và đầu tư trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cũng có những lợi ích an ninh quan trọng đối với Mỹ từ TPP. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của các đồng minh của Mỹ, dẫn đến việc có các đối tác mạnh mẽ hơn, có khả năng hơn theo thời gian.

Tổng thống Trump nhậm chức bằng cách từ bỏ tất cả những lợi ích này. Quyết định của ông rút khỏi TPP sẽ không phải một việc là xong, mà sẽ có những hậu quả tiêu cực diễn ra đối với Mỹ. Để bắt đầu, quyết định này làm xói mòn các đồng minh quan trọng, chẳng hạn như Nhật Bản, và sự hợp tác khu vực đang nổi lên với các quốc gia như Việt Nam. Các nhà lãnh đạo của hầu hết các quốc gia liên quan đã cam kết bằng vốn chính trị quan trọng để thỏa thuận về TPP và những cải cách kinh tế đáng kể mà nó kéo theo.

Mỹ rút khỏi TPP cũng làm tăng sự nghi ngờ của các đồng minh với Mỹ về đối ngoại, kinh tế và an ninh. Thiệt hại về niềm tin sẽ tồn tại lâu hơn chính quyền Trump và khó có thể xây dựng lại. Việc Trump quyết định rời khỏi TPP báo hiệu một nước Mỹ ngày càng đóng cửa và hướng nội.

Cái giá mà Mỹ phải trả cho chính sách này là rất lớn, nhưng sẽ chỉ có biểu hiện rõ ràng theo thời gian. Việc kinh doanh của Mỹ sẽ trở nên ngày càng bất lợi trong việc tiếp cận tới 95% người tiêu dùng sống bên ngoài nước Mỹ. Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ sẽ phải nếm trải sự sa sút nghiêm trọng trong hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, TPP thực hiện việc hiện đại hóa NAFTA, kết hợp các nguyên tắc mới về kinh tế kỹ thuật số và tiếp tục tự do hóa thị trường Bắc Mỹ. Ngược lại, Trump đã đe dọa mức thuế 35% vào hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, gợi ý rằng bất kỳ việc đàm phán lại NAFTA nào sẽ nhằm mục đích tăng thuế và giảm thương mại và đầu tư. Những hành động này sẽ làm giảm sự tăng trưởng của các chuỗi cung ứng và di chuyển tự do của hàng hóa và dịch vụ, là những thứ đã đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng.

Như lịch sử và kinh tế đã chứng minh nhiều lần, chủ nghĩa bảo hộ phải trả giá nghiêm trọng. Sắc lệnh điều hành đầu tiên của Tổng thống Trump là một mối tai hại do ông ta tự gây ra với những hậu quả lâu dài./.