Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc dự tính xây các trạm quan sát môi trường ở Biển Đông. Bí thư đảng ủy kiêm thị trưởng cái gọi là "thành phố Tam Sa" Tiêu Kiệt cho hay Trung Quốc sẽ xây các trạm quan sát môi trường trên 6 đảo và bãi đá, trong đó có bãi cạn Scarborough. Những trạm còn lại có thể được xây trên các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Theo ông Tiêu, công việc chuẩn bị cho các trạm là một trong các ưu tiên của chính phủ Trung Quốc trong năm 2017 nhưng không cung cấp thêm thông tin.

Bắc Kinh mở rộng thẩm quyền của Toà án Tối cao ra Biển Đông. Trong báo cáo công tác tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa 12 hôm 12/3, Chủ tịch Toà án Tối cao Trung Quốc Chu Cường thông báo Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển. Theo đó, tất cả các vùng biển thuộc “chủ quyền Trung Quốc” sẽ được luật pháp bảo vệ, cả những nơi đang tranh chấp. Theo luật mới có hiệu lực từ tháng 8/2016, thẩm quyền của Toà án Tối cao Trung Quốc bao gồm không chỉ vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế mà cả vùng nước liền kề, thềm lục địa và mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung Quốc. Các công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sẽ bị truy tố ra Toà án Trung Quốc”.

Trung Quốc - Philippines giải quyết ổn thỏa vụ việc Benham Rise. Về bình luận hôm 13/3 của Tổng thống Philipinnes Duterte về việc tàu Trung Quốc đi vào khu vực Benham Rise thuộc thềm lục địa của Philippines, Người Phát ngôn Hoa Xuân Doanh ngày 14/3 cho biết: “Trung Quốc hoan nghênh và tán đồng những phát biểu của Tổng thống Philippines. Đúng như lời ông Duterte nói, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành trao đổi hữu nghị về các vấn đề liên quan, làm rõ sự thực và xử lý thỏa đáng vấn đề. Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng Trung Quốc tôn trọng đầy đủ quyền lợi thềm lục địa của Philippines đối với Benham Rise, không hề có chuyện thách thức quyền lợi này. Nhưng theo nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không phải là lãnh thổ, việc các nước ven biển thực hiện quyền đối với thềm lục địa không nên gây cản trở tự do hàng hải và quyền lợi của các quốc gia khác được hưởng theo luật pháp quốc tế”. Về thông tin tàu chiến Izumo của Nhật Bản tới thăm các nước Đông Nam Á, Bà Hoa cho hay, “Chúng tôi vẫn chưa có thông tin chính thức của Nhật Bản. Nếu đó chỉ là một chuyến thăm bình thường, tới một số nước và đi ngang qua Biển Đông, chúng tôi không phản đối. Nhưng nếu đi vào Biển Đông với ý định khác thì đó là vấn đề khác. Trung Quốc hy vọng Nhật Bản hành động có trách nhiệm vì hòa bình, ổn định khu vực”.

Trung Quốc mong muốn thúc đẩy COC ở Biển Đông. Sau khi kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa 12 bế mạc hôm 15/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc họp báo với các hãng thông tấn và báo chí trong và ngoài nước. Về vấn đề Biển Đông, ông Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc hy vọng duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông thông qua thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ng xử. Các bên đã đạt được những tiến bộ cơ bản về Bộ Quy tắc. Vấn đề Biển Đông là vấn đề khu vực và phải được quyết định bởi các nước có liên quan trực tiếp. Trung Quốc không muốn có sự can thiệp của các nước ngoài khu vực. Trung Quốc hy vọng Trung - Mỹ mở rộng hợp tác để duy trì ổn định và tạo cơ hội cho các nước khu vực. Ông Lý cho rằng, “Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là ngôi nhà chung của các nước khu vực, Trung Quốc không mong muốn xảy ra việc “chọn phe” theo tư duy chiến tranh lạnh. Trung Quốc luôn coi ASEAN là hướng ưu tiên trong chính sách láng giếng, ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng chung, phát huy vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực.” Về quan hệ Trung - Mỹ, Thủ tướng Lý nhấn mạnh: “Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao mấy chục năm, có lợi ích chung rộng rãi. Hai bên cũng có bất đồng như việc làm hoặc tỷ giá nhưng đều cần duy trì sự chắc chắn chiến lược, tăng cường trao đổi. Quan hệ Trung - Mỹ không chỉ liên quan đến lợi ích hai nước, mà còn với hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, hai bên cần ủng hộ quan hệ này tiến lên.”

Trung Quốc phản ứng Dự luật của Thượng Nghị sỹ về Biển Đông. Sau khi hai Thượng nghị sỹ Mỹ đề xuất Dự luật trừng phạt nhắm vào các cá nhân, tổ chức Trung Quốc tham gia các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh hôm 17/3 tuyên bố: “Dự luật do một số Thượng Nghị sỹ Mỹ đề xuất cho thấy sự ngạo mạn và thiếu hiểu biết của họ. Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku và Biển Đông là nhất quán và rõ ràng. Dự luật của các Thượng nghị sỹ Mỹ đi ngược lại luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc cơ bản về quan hệ quốc tế. Phía Trung Quốc mạnh mẽ phản đối dự luật này”.

+ Philippines:

Tổng thống Philippines ra lệnh dựng các cấu trúc khẳng định chủ quyền biển. Phát biểu với các phóng viên tối 12/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay Tổng thống Duterte chỉ thị tăng cường tun tra hải quân ở khu vực Benham Rise, và dựng các cấu trúc để khẳng định chủ quyền ở khu vực này. Song ông Lorenzana không nói rõ những "cấu trúc" này là gì. Ông Lorenzana nói thêm rằng rõ ràng tàu Trung Quốc không phải đi qua khu vực vì nó đã dừng lại nhiều lần, trong các khoảng thời gian liên tục, “Chúng tôi rất lo ngại vì họ chẳng có việc gì để đến đó cả”. Tuy nhiên hôm 13/3, Tổng thống Duterte cho hay, “Không có hành động xâm phạm nào cả bởi chúng tôi đã có một thỏa thuận. Một số người đang thổi phồng vụ việc. Chúng tôi đã đồng ý trước. Và đây chỉ là tàu khảo sát khoa học, không xâm phạm vùng nước của Philippines. Philippines đã được Trung Quốc thông báo trước.” Theo ông Duterte, “Bây giờ không phải là lúc tranh đấu về quyền sở hữu hay chủ quyền, bởi quan hệ giữa hai nước đang rất tốt. Philippines không muốn đối đầu mà là đối thoại”. Phát biểu hôm 19/3 ở Davao trước khi lên đường thăm Myanmar, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines hay thậm chí Mỹ, cũng không thể cản bước Trung Quốc ở Biển Đông, sau khi có thông tin Bắc Kinh sẽ xây một trạm quan trắc môi trường trên bãi cạn Scarborough, “Tôi có thể làm gì? Tuyên chiến với Trung Quốc? Tôi có thể, nhưng chúng ta sẽ mất tất cả quân đội, cảnh sát, và đất nước sẽ bị phá hủy”.

Thẩm phán Philippines khẳng định quyền chủ quyền đối với Benham Rise. Phát biểu bên lề một sự kiện với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ở Makati hôm 14/3, Thẩm phán Tóa án tối cao Philippines Antonio Carpio khẳng định chỉ duy nhất Philippines được quyền xây dựng công trình ở Benham Rise và “trong vùng EEZ, chúng tôi có quyền duy nhất đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên - như cá, dầu khí và tài nguyên khoáng sản. Nhưng trong vùng thềm lục địa, chúng tôi chỉ có quyền duy nhất đối với dầu khí và tài nguyên khoáng sản, chứ không phải cá.” Theo ông Carpio, Trung Quốc có thể được tiến hành nghiên cứu về cá hoặc cột nước ở khu vực này nhưng không được phép khảo sát về dầu khí, khoáng sản.

Philippines củng cố cơ sở quân sự ở Biển Đông. Trong lễ kỷ niệm 41 năm ngày thành lập Trung tâm chỉ huy phía Tây Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 17/3 dự kiến tới thăm một tiền đồn trên đảo Thị Tứ nhưng chuyến đi của ông bị hủy vì “các vấn đề an toàn”. Thay vào đó, ông Lorenzana tới thăm một căn cứ quân sự và công bố các kế hoạch phát triển Thị Tứ, “Chúng ta sẽ xây dựng đường băng, cảng và cầu tầu cho tầu neo đậu tại đảo Thị Tứ. Chúng ta đang bị hạn chế ở khu vực này”. Ông Lorenzana cũng cho biết Tổng thống Duterte chấp thuận việc nâng cấp các cơ sở vật chất quân sự không chỉ ở đảo Thị Tứ mà còn trên 8 thực thể khác mà Philippines kiểm soát ở Biển Đông. Trước đó ngày 16/3, quân đội Phlippines đã ngăn một đoàn 5 Nghị sỹ Phlippines dự định bay ra thăm đảo Thị Tứ để xem xét nâng cấp và cải tạo các cơ sở vật chất cho ngư dân đang sống trên đảo. Lý do được đưa ra là vì “vấn đề an toàn” nhưng người đứng đầu Sở chỉ huy miền Tây Phlippines Trung tướng Raul del Rosario cho biết do Philippines lo ngại hành động này sẽ khiêu khích Trung Quốc.

+ Indonesia:

Indonesia tuyên bố chủ quyền trên các đảo xa. Trong nỗ lực bảo vệ các vùng biển, chính phủ Indonesia đã tuyên bố chủ quyền với 111 hòn đảo ngoài khơi, trong đó có một số đảo chưa được công bố. Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá bà Susi Pudjiastuti hoan nghênh sắc lệnh của Tổng thống số 6/2017 về các đảo xa, nhằm sửa đổi sắc lệnh năm 2005 chỉ bao gồm 92 hòn đảo. Bà Susi cho biết: “Việc ban hành sắc lệnh về các hòn đảo này là để ngăn chặn việc các nước khác chiếm đóng hoặc tuyên bố chủ quyền”. Đây là động thái mới nhất của chính phủ Indonesia kể từ sau những vụ việc tranh chấp chủ quyền các đảo xa với Malaysia và Singapore.

+ Mỹ:

Thượng Nghị sĩ Mỹ đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc. Hai Thượng nghị sĩ Mỹ Macro Rubio và Ben Cardin hôm 15/3 đã đệ trình dự luật đề nghị chính phạt trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc liên quan đến hoạt động bất hợp pháp của nước này ở Biển Đông. Thượng nghị sĩ Rubio, thành viên cao cấp trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, khẳng định "Những hành vi đang diễn ra của Trung Quốc rõ ràng vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và không thể để chúng tiếp tục diễn ra mà không bị kiểm soát". Còn thượng nghị sĩ Cardin nhấn mạnh Mỹ cần tỏ rõ quan điểm về lợi ích quốc gia lâu dài đối với hoạt động tự do thương mại, tự do hàng hải, và giải quyết hòa bình tranh chấp. Điểm đặc biệt trong dự luật này là đề xuất Mỹ cấm những tài liệu tuyên truyền Biển Đông hoặc biển Hoa Đông "là một phần của Trung Quốc", đồng thời hạn chế viện trợ đối với các nước công nhận cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

+ Nhật:

Nhật Bản dự định triển khai tàu chiến lớn nhất tới Biển Đông. Ba nguồn tin trong chính quyền Nhật Bản cho hay tàu sân bay trực thăng Izumo sẽ có chuyến hải trình kéo dài ba tháng đi qua khu vực Biển Đông, bắt đầu từ tháng 5. Theo kế hoạch, tàu Izumo sẽ dừng chân ở Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận chung mang tên Malabar với Ấn Độ và Mỹ Ấn Độ Dương vào tháng 7. Tàu Izumo dự kiến sẽ trở về Nhật Bản vào tháng 8. Nhật Bản cũng có thể mời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới thăm Izumo khi tàu này ghé vịnh Subic.

+ Úc:

Ngoại trưởng Úc thúc giục Mỹ kiềm chế mối đe dọa Trung Quốc. Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Singapore hôm 13/3, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop kêu gọi Washington tăng cường can dự để loại bỏ nguy cơ tiềm tàng đối với hòa bình khu vực do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoại trưởng Bishop nhận xét, “Nhiều nước trong khu vực đang trong giai đoạn cầm chừng chiến lược và chờ đợi các dấu hiệu của Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục đóng vai  trò duy trì hòa bình như hàng thập kỷ nay.” Theo bà Bishop, Trung Quốc từ chối thực hiện dân chủ cho thấy nước này không thích hợp với vai trò lãnh đạo khu vực, trong khi Mỹ hoàn toàn phù hợp.”

Quan hệ các nước

Đại sứ Nga:Mỹ sẽ không ngăn Trung Quốc tiếp cập các đảo nhân tạo’. Về bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện hồi tháng 1 rằng Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov hôm 12/3 nhận định, “Điều này sẽ không thể triển khai và nó không bao giờ xảy ra. Nói một cách nghiêm túc, tôi cho rằng ông Donald Trump và cấp dưới của mình đang muốn áp dụng cách tiếp cận trong kinh doanh vào chính sách đối ngoại - trước tiên là dọa dẫm sau đó là các giải pháp dựa trên sức mạnh”. Theo ông Denisov, hiện tại quan hệ Mỹ-Trung không những không bị khủng hoảng mà còn có tín hiệu cải thiện, tiếp xúc hai bên thời gian gần đây đặc biệt tích cực.

Trung Quốc - Philippines tích cực cải thiện quan hệ song phương. Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương ngày 16/3 đã có chuyến thăm Philippines kéo dài 4 ngày. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một lãnh đạo Trung Quốc tới Philippines sau giai đoạn căng thẳng giữa hai nước vì tranh chấp Biển Đông. Ngày 17/3 tại thành phố Davao, ông Uông Dương đã hội kiến với Tổng thống Philippines Duterte. Ông Duterte bày tỏ hài lòng về hiện trạng của quan hệ hai nước và muốn tiếp tục cùng Trung Quốc triển khai hợp tác thực chất. Philippines không muốn đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, mà mong muốn cùng tăng cường tin cậy và đối xử hữu nghị. Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Uông Dương bày tỏ sẵn sàng cùng Philippines tiếp tục hợp tác, thúc đẩy giao lưu cấp cao giữa hai nước, xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn, duy trì xu thế tốt đẹp của quan hệ hai nước. Hai bên cũng đã ký thỏa thuận 6 năm về hợp tác thương mại và đầu tư, bao gồm các khoản vay, viện trợ cho xây dựng cầu, một khu công nghiệp Philippines - Trung Quốc, đập, đường sắt…Trung Quốc tuần trước cam kết tài trợ cho ít nhất ba dự án cơ sở hạ tầng của Philippines trị giá 3,4 tỷ USD, trong đó có hai dự án cơ sở hạ tầng có thể được triển khai vào nửa đầu năm nay.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson Rex thăm Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18/3 thăm Trung Quốc - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước châu Á. Ngày 18/3, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài. Ông Dương Khiết Trì khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ và việc duy trì sự phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài và hợp tác mang tính xây dựng giữa hai nước. Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh hai nước có thể nỗ lực xử lý thỏa đáng bất đồng, bảo đảm không xảy ra đối kháng, xung đột, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Trung Quốc đã giành được thành quả phát triển to lớn, đó cũng là nhân tố tích cực đối với thế giới. Trong ngày 18/3, Ngoại trưởng Rex Tillerson có cuộc gặp với người đồng cấp Vương Nghị. Ông Vương nhấn mạnh rằng cả Trung Quốc và Mỹ cần tập trung vào hợp tác, tăng cường đối thoại và trao đổi ở tất cả các cấp, mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng cần giải quyết và kiểm soát các bất đồng và vấn đ nhạy cảm theo cách tích cực. Ngày 19/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cuộc gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ông Tập nhấn mạnh có nhiều cơ hội phát triển quan trọng bắt nguồn từ các mối quan hệ Trung-Mỹ. Hai nước cần tăng cường sự tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau, xem xét các mối quan hệ song phương từ những đánh giá dài hạn và chiến lược. Về phần mình, ông Tillerson nhấn mạnh phía Mỹ sẵn sàng phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

Phân tích và đánh giá

Hãy cho Ngoại trưởng Mỹ thêm thời gian” của Will Inboden

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên thệ nhậm chức ngày 1/2, nhưng chỉ sau 5 tuần trên vị trí mới, giới học giả, theo dõi chính trị gần như cùng đánh giá rằng ông Tillerson đã thất bại trên cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ. 

Quả thực, các chỉ trích đều có những cơ sở hợp lý. Tuy nhiên, cần nhớ rằng ông Tillerson mới chỉ nhậm chức được hơn một tháng trong khi công việc mà ông đảm nhiệm kéo dài bốn năm (thậm chí lâu hơn nữa). Điều đó có nghĩa là ông Tillerson mới chỉ đi được 1/48 chặng đường trong nhiệm kỳ của mình. Chừng đó là quá ít thời gian để đưa ra những phán quyết, dù là vội vàng, về sự nghiệp của ông Tillerson. 

Điểm thiếu sót lớn nhất trong các chỉ trích nhằm vào Tillerson là không nhắc tới việc ông Tillerson đã phải nắm quyền trong tình cảnh tồi tệ hiếm có và cần tập trung trước hết vào việc củng cố nội bộ. 

Thứ nhất, chính quyền Barack Obama đã để lại cho Tillerson một nước Mỹ suy yếu. So sánh vị thế của Mỹ ngày 20/1/2009 khi Obama nhậm chức với ngày 20/1/2017 khi Obama ra đi, từ châu Âu tới Trung Đông, Nam Á và Đông Á, Mỹ đều bị cho là yếu đuối và có ít ảnh hưởng hơn so với tám năm trước. Không chỉ thế, các đối thủ của Mỹ đều trở nên mạnh mẽ hơn. Nga và Trung Quốc đều kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn và có ảnh hưởng rộng lớn hơn tại khu vực của mình, đồng thời lên kế hoạch tiến ra thế giới. Iran đang ngày càng mạnh mẽ ở Trung Đông. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên từ chỗ là một sự khó chịu nhỏ đã trở thành mối đe dọa lớn. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. 

Thứ hai, cựu Ngoại trưởng John Kerry cũng để lại cho người kế nhiệm Tillerson một Bộ Ngoại giao thiếu vắng nhân tài. Trong suốt những năm của mình, ông Kerry chỉ tập trung vào những cuộc đàm phán nổi bật như hoà bình Israel – Palestine (thất bại) và hiệp định hạt nhân với Iran (còn quá sớm để đánh giá) mà bỏ bê việc điều hành Bộ Ngoại giao cũng như lơ là với lợi ích và đồng minh của Mỹ tại các khu vực chiến lược như châu Âu và châu Á. 

Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng chính quyền Trump đang tỏ ra “bất đồng” với Bộ Ngoại giao, phản đối những lựa chọn của ông Tillerson cho những vị trí chủ chốt trong bộ máy. Ngoài ra, ông Tillerson cũng có những vấn đề về kinh nghiệm đối ngoại và chính sách dù đã có một sự nghiệp ấn tượng tại tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil. 

Trong bối cảnh đó, những gì mà ông Tillerson đã làm trong tháng đầu tiên là hết sức khôn ngoan – tìm hiểu, học hỏi về công việc mới; đánh giá bối cảnh chính trị và chính sách; đồng thời tránh những sai sót không đáng có. Ông Tillerson đang thực hiện một chiến lược dài hơi để gia tăng ảnh hưởng của mình. 

Về quan hệ với Tổng thống Trump, rõ ràng là Trump và Tillerson không hề quen biết trước khi ông Tillerson được lựa chọn. Do đó, mối quan hệ này cần thêm thời gian để xây dựng. Ông Trump muốn là một Tổng thống thành công và lịch sử cho thấy không mấy Tổng thống Mỹ thành công mà không có một Ngoại trưởng có ảnh hưởng. Tóm lại, Tillerson cần có thêm thời gian và cơ hội.

Tranh chấp ở Biển Đông có thể trở thành vấn đề trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN?” của Richard Javad Heydarian

Philippines đảm nhận cương vị lãnh đạo vào thời điểm đặc biệt quan trọng, khi ASEAN phải vật lộn với một sự pha trộn đầy nguy hiểm giữa những căng thẳng mới nổi lên ở Biển Đông và sự mơ hồ về tương lai chính sách của Mỹ đối với châu Á. Tuy nhiên, hiện có những kỳ vọng lớn rằng nhà lãnh đạo có bàn tay thép của Philippines sẽ chèo lái đưa khu vực hướng tới một thời kỳ hội nhập mới.

Việc ASEAN đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập cũng tạo thêm một lực đẩy cho một sự đột phá quan trọng trong năm nay, đặc biệt là trong việc xử lý các tranh chấp lãnh hải gay gắt, vốn đe dọa phá vỡ kết cấu an ninh châu Á. Tuy nhiên, vấn đề này khiến cho ông Duterte lúng túng khi đưa ra những tính toán về chính sách đối ngoại của mình. Thêm vào đó, ASEAN dường như đang bị bao trùm bởi một hình thái suy tàn của thể chế này, khi mà “tín ngưỡng của sự đồng thuận” đã làm tê liệt nỗ lực đưa ra quyết định quan trọng về các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ. 

Với vai trò trung tâm, ASEAN giống như một động cơ của sự hội nhập khu vực để duy trì vòng quay của cỗ máy châu Á-Thái Bình Dương, và vì thế thành công hay thất bại của tổ chức khu vực này chắc chắn sẽ có một ảnh hưởng nào đó đến trật tự toàn cầu của thế kỷ 21.

Sau hơn hai thập kỷ kể từ khi ASEAN đề xuất một COC và 15 năm sau khi Trung Quốc ký kết DOC, hai bên vẫn đang trong tình trạng ngờ vực lẫn nhau với những cuộc thảo luận không có hồi kết nhằm phục vụ chiến thuật trì hoãn đầy thủ đoạn của Trung Quốc. Dưới áp lực đang ngày càng gia tăng với nhiệm vụ tái khẳng định “tính trung tâm của ASEAN” trong khu vực, nước chủ tịch luân phiên Philiipines đã cam kết nhanh chóng tiến hành các cuộc đàm phán về COC và hoàn thành một thỏa thuận khung từ nay đến cuối năm. 

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Philippines, ASEAN đã lên kế hoạch về hai nhóm hội nghị để thảo ra các chi tiết của một bộ khung COC trong năm nay: một tại Bali vào tháng 2 và một tại Philippines vào tháng 6. Trong một tuyên bố bất ngờ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng bản thảo đầu tiên của một COC đã được hoàn tất, đồng thời ca ngợi về cái mà ông gọi là một “sự tiến triển ngoại giao rõ ràng”, khiến “Trung Quốc và ASEAN cảm thấy hài lòng”.

Một mặt, ông Duterte đang nỗ lực đặt sang một bên vụ kiện quan trọng chống Trung Quốc, thay vào đó tập trung vào các cam kết kinh tế và chống khủng bố cũng như buôn lậu ma túy trong khu vực. Tuy nhiên, rất nhiều người trong giới trí thức và an ninh của Philippines muốn nước này xác nhận chiến thắng trong vụ kiện vừa qua như một nền tảng cho việc đàm phán bất cứ một COC nào và đưa các tranh chấp ở Biển Đông làm trọng tâm của chương trình nghị sự của khu vực trong năm nay.

Ở điểm này, dường như cả ASEAN và nước chủ tịch luân phiên của mình đều quá chia rẽ và không thể tạo ra lý do nào có thể khiến Trung Quốc phải lo ngại.

Các cơ hội cho Mỹ và Trung Quốc nếu cuộc chiến giữa hai nước xảy ra” của David C. Gompert

Mặc dù khả năng xảy ra cuộc chiến Mỹ-Trung là điều xa vời do các tranh chấp chưa đủ nghiêm trọng để lãnh đạo hai bên kích hoạt một cuộc xung đột, nhưng rủi do xảy ra cuộc xung đột Mỹ-Trung vẫn không thể loại trừ. Trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng diễn ra, các bên có thể tiến hành các “đòn đánh phủ đầu” nhằm giành lợi thế. Lúc đó, vấn đề đặt ra đối với các bên không phải là các biện pháp phòng ngừa mà là bên nào sẽ trụ được trong thời gian khủng hoảng. 

Cán cân sức mạnh quân sự tại Tây Thái Bình Dương hiện vẫn nghiêng về Mỹ, song điều này đang thay đổi khi Trung Quốc có sự đầu tư lớn về ngân sách cho quân đội nhằm xây dựng năng lực “chống tiếp cận”. 

Mức chi ngân sách Mỹ cho quân đội hiện lớn gấp 3 lần so với Trung Quốc, song Trung Quốc lại lợi thế hơn Mỹ là ngân sách cho quân đội chỉ tập trung vào khu vực Tây Thái Bình Dương, trong khi Mỹ phải dàn trải trên khắp các mặt trận. Có lẽ điều này đang giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách sức mạnh quân sự so với Mỹ, nhưng nếu xung đột xảy ra, Trung Quốc được cho là vẫn sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn. Nếu diễn ra cuộc chiến, GDP năm đầu của Mỹ có thể mất khoảng 5-10%, nhưng Trung Quốc sẽ mất khoảng 25%, thậm chí còn cao hơn. Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Corporation cũng chỉ ra rằng trong một cuộc xung đột leo thang, chỉ cần một phần lực lượng Hải quân Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay, cũng có thể đánh bại một lực lượng lớn quân đội Trung Quốc. Hiện các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng việc Trung Quốc kiểm soát thực tế đối với Biển Đông là điều không thể chấp nhận, do vùng nước này có vị trí địa chính trị chiến lược, với khoảng 40% thương mại toàn cầu qua đây. Các đồng minh và đối tác cũng sẽ mất niềm tin vào Mỹ nếu Mỹ để cho Trung Quốc thực thi các tuyên bố chủ quyền phi lý tại đây. Tuy nhiên, nếu để một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Tây Thái Bình Dương diễn ra cũng không có lợi cho Mỹ, mà ngược lại sẽ có lợi cho Trung Quốc, vì nước này sẽ nhân cơ hội tập trung mọi nguồn lực nhằm xây dựng các năng lực quân sự có thể tấn công các lực lượng của Mỹ tại khu vực. 

Nhằm tránh khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Trung, các lãnh đạo Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc nhằm tìm kiếm biện pháp có lợi cho các bên tại Biển Đông. Đây là điều khó xảy ra và khó thành công vì Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Trong bối cảnh đó, cả Washington và Bắc Kinh có lẽ đang cần một kênh trực tiếp cấp bộ trưởng quốc phòng để giải quyết các xung đột trước khi các bên có thể đưa ra các “đòn đánh phủ đầu”. Kênh này cần được duy trì trong suốt thời gian khủng hoảng nhằm ngăn chặn các xung đột leo thang dẫn tới mức không thể kiểm soát. Đồng thời, các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cần đảm bảo để quân đội hai bên sẽ sử dụng các lựa chọn khác thay vì sử dụng “đòn đánh phủ đầu” cũng như các biện pháp leo thang khác khi cuộc chiến diễn ra. 

Thế khó của Canada khi tình hình Biển Đông căng thẳng” của Michael Byers

Canada sẽ rơi vào thế khó nếu căng thẳng ở Biển Đông bị đẩy thành xung đột. Vì thế, Canada cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch dự phòng trong tình huống xấu nhất, vì Biển Đông là nơi có nhiều tranh chấp và Canada cũng có những lợi ích nhất định. 

Lẽ ra Hải quân Canada phải có kế hoạch dự phòng trước khi cử hai tàu khu trục HMCS Winnipeg và HMCS Ottawa tới Biển Đông tham gia hoạt động hải quân chung mang biệt danh Poseidon cutlass 17. Nếu như xét đến những bình luận gần đây của giới chức Mỹ về căng thẳng đang bị đẩy cao ở khu vực, quan ngại trên xuất hiện trong bối cảnh Canada đang cử hai tàu khu trục tham gia sứ mệnh hải quân ở châu Á, trong đó có lịch dừng chân ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines và một vài nơi khác. Trong điều kiện bình thường, sứ mệnh này sẽ không phải là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, thực tế là các bên “không phải đang ở trong bối cảnh bình thường”. Sự bất bình thường đó thể hiện ở việc Mỹ gia tăng hiện diện trong khu vực nhằm kiểm soát và “trông chừng” Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh ra sức đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng chéo và muốn độc chiếm phần lớn Biển Đông. Các quốc gia lân cận thì cho rằng Trung Quốc đang vượt quá giới hạn và chồng lấn lên các vùng chủ quyền của họ. Trung Quốc đang có tranh chấp với Philippines, Malaysia, hòn đảo Đài Loan, Việt Nam, Brunei ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. 

Trong một bài viết cách đây không lâu trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump về đã “thổi lửa” căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung khi cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ, điều lâu nay Washington vẫn cáo buộc. Trước đó hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ám chỉ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự ở châu Á để chống lại Trung Quốc. Nhà chiến lược hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Steve Bannon, cũng cảnh báo chiến tranh với Trung Quốc đang đến gần. Tất cả những điều này đang làm gia tăn căng thẳng trong khu vực. 

Nếu tình hình không được “hạ nhiệt” và đụng độ xảy ra, Canada sẽ buộc phải lựa chọn giữa việc ở lại ủng hộ đồng minh số một của mình là Mỹ và việc đứng về phía Trung Quốc. Trong tình huống đó, Chính phủ Canada sẽ phải nhanh chóng đưa ra một quyết định rất khó khăn và đó là một quyết định mà họ không muốn thực hiện, và đó là lý do vì sao xuất hiện quan ngại về việc chính phủ Canada cử hai tàu khu trục tới vùng biển châu Á vào thời điểm này.

Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Canada không tiết lộ bất kỳ kế hoạch dự phòng nào trong trường hợp căng thẳng biển đảo châu Á vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo Phó Đô đốc Ron Lloyd - một chỉ huy cấp cao trong Hải quân Hoàng gia Canada - tàu Canada buộc phải vào Biển Đông để đến Trung Quốc, nhưng sẽ tránh đi qua những vùng biển đang căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan cũng khẳng định các tàu khu trục của Canada không có kế hoạch đến gần các vùng tranh chấp ở Biển Đông để duy trì các quan hệ ngoại giao.

Căn cứ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc trên Biển Đông” của Damen Cook

Gần thành phố Tam Á về phía cực Nam của đảo Hải Nam, lực lượng Hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị cho giai đoạn bành trướng sức mạnh tiếp theo trên Biển Đông. Khu vực được đề cập đến chính là căn cứ hải quân Ngọc Lâm, được mệnh danh là căn cứ quân sự chiến lược quan trọng nhất ở Biển Đông. Trên thực tế, danh hiệu này có được là nhờ vào lưu lượng tàu ngầm hạt nhân hiện tại ra vào cơ sở ngầm của căn cứ này. Các thiết bị quốc phòng đã được triển khai, các trang thiết bị bảo vệ dường như cũng đã sẵn sàng hoạt động - bao gồm các tòa nhà hành chính, hệ thống vận chuyển bom, và các công trình bảo vệ mặt đất - và hầu hết lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải đã ẩn mình sâu trong các dãy núi. Nhờ sự kết hợp giữa các tàu mặt nước, các pháo phòng không và vũ khí chống tàu chiến, cùng tàu ngầm tấn công thông thường và tàu ngầm răn đe hạt nhân, giá trị chiến lược của căn cứ quân sự Ngọc Lâm ngày càng gia tăng.

Phía Đông căn cứ Ngọc Lâm nằm trong một bến cảng nhân tạo được bảo vệ cẩn mật với cơ sở hạ tầng quân sự hơn 25 km2. Căn cứ này có thể chứa các tàu ngầm và tàu mặt nước (và hầu hết các trang thiết bị cần thiết), các hệ thống vũ khí phòng thủ, các phương tiện vận chuyển và kho bãi, cùng các công trình hành chính cho các nhà chỉ huy quân sự. Việc xây dựng căn cứ này đã được bắt đầu vào năm 2000 và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Khu phức hợp quân sự kéo dài này cho thấy 17 năm nỗ lực của Trung Quốc.

Tài sản có giá trị cao nhất của căn cứ Ngọc Lâm là tàu ngầm (và các hạ tầng liên quan). Căn cứ hải quân này có 4 cầu tàu có khả năng nối với bất cứ tàu ngầm nào của Hải quân Trung. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy trên các cầu tàu đã xuất hiện hoạt động vận chuyển vũ khí. Ngọc Lâm có vai trò bổ sung hoàn hảo cho các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Các hòn đảo nhân tạo đều được trang bị công nghệ A2/AD để ngăn cản hoặc kìm chân Mỹ xâm chiếm phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa lớp Jin ở Ngọc Lâm có thể ngăn cản Mỹ tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân và ngăn cản bất cứ cuộc xung đột nào. Cuối cùng, các thiết bị quân sự trên mặt đất của Ngọc Lâm là tàu sân bay và tàu ngầm tấn công buộc lực lượng hải quân khu vực phải tuân thủ các hành động hung hăng của Trung Quốc và tuân theo các tuyên bố của Trung Quốc. Nhiệm vụ kép của Ngọc Lâm - ngăn chặn phương Tây và cưỡng chế các nước còn lại – càng làm tăng giá trị chiến lược của căn cứ này. 

Tàu ngầm tấn công và các nhóm tàu sân bay tấn công được tập hợp tại Ngọc Lâm sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện bành trướng sức mạnh, đặc biệt phù hợp với các đối tượng là các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu ngầm làm tàu chiến chống tàu ngầm, đây là chiến thuật lý tưởng cho kế hoạch bành trướng này. Các tàu ngầm tấn công và tàu chiến gây áp lực lên các lực lượng hải quân khu vực, còn tàu ngầm lớp Jin ở Ngọc Lâm sẽ đảm bảo khả năng tấn công thứ hai của Trung Quốc. 

Do đó, căn cứ Ngọc Lâm trở thành một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./.