Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Nhóm tàu sân bay Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông. Người phát ngôn của hải quân Trung Quốc Cao Tú Thành ngày 13/4 cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tập trận. Theo Trung Quốc, đây là hoạt động thường lệ được PLA lên kế hoạch hằng năm và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong tương lai, PLA tiếp tục các cuộc diễn tập để tăng cường khả năng chiến đấu của nhóm tàu sân bay. Trước đó, Đài Bắc thông báo nhóm tàu sân bay Liêu Ninh cũng tập trận ở khu vực biển ngoài khơi Đài Loan.

Trung Quốc tiếp tục triển khai tàu nghiên cứu tới Biển Đông. Tàu nghiên cứu Tan Kah Kee thuộc Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến hôm 15/4 sẽ tiến hành các cuộc khảo sát, lấy mẫu, triển khai và phục hồi các thiết bị quan sát ở Biển Đông. Chuyến đi diễn ra trong 35 ngày với sự tham gia của 23 nhà nghiên cứu từ Đại học Hạ Môn và Viện Khoa học Trung Quốc. Tàu khảo sát trên được đặt tên theo doanh nhân Singapore gốc Trung Quốc Tan Kah Kee (1874-1961), người thành lập Đại học Hạ Môn năm 1921. Tàu có chiều dài 77,7 m và chiều rộng 16,2 m, với vận tốc tối đa gần 26 km/giờ.

Trung Quốc gửi Công hàm Biển Đông lên Liên Hợp Quốc. Phái đoàn thường trực của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc hôm 17/4 đã  gửi công hàm số CML/42/2020 cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, phản hồi các Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3, số 24/HC-2020 ngày 10/4 và số 25/HC-2020 ngày 10/4 của Việt Nam. Theo đó, “Trung quốc khẳng định có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển liền lề; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan và vùng đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Chủ quyền của Trung Quốc đối với Nam Hải Chư đảo và các quyền, lợi ích Biển Đông hình thành lâu đời trong lịch sử. Trung Quốc phản đối Việt Nam xâm phạm và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, vi phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút nhân sự và thiết bị ra khỏi các đảo.”

Trung Quốc ngang nhiên thành lập "quận Tây Sa", "quận Nam Sa". Truyền thông Trung Quốc ngày 18/4 đưa tin Quốc vụ viện phê chuẩn thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa ở tỉnh Hải Nam. Huyện Tây Sa, đặt ở đảo Phú Lâm, quản lý quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield cùng các vùng biển xung quanh. Huyện Nam Sa, đặt ở Đá Chữ Thập, quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh. Hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc công bố tên cho 25 đảo, đá và 55 thực thế địa lý dưới đáy Biển Đông. Ngày 19/4, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Bộ Dân chính Trung Quốc công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo, đá trên Biển Đông”; và “55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông”. Các thực thể này tập trung chủ yếu ở phần phía tây Biển Đông, nằm dọc theo cái gọi là “đường lưỡi bò”, nhiều thực thể rất sát Việt Nam.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản hồi công hàm của Malaysia và Philippines về Biển Đông ở Liên Hợp Quốc. Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 10/4 gửi Công hàm số 24/HC-2020 cho Tổng thư ký LHQ phản hồi Công hàm số HA 59/12 ngày 12.12.2019 của Malaysia về vấn đề Biển Đông. Theo đó, “ Việt Nam lưu ý rằng theo Điều 76(10) và Phụ lục II của UNCLOS năm 1982 mà Việt Nam và Malaysia là thành viên, hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa không phương hại đến các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền. Việt Nam nhắc lại Báo cáo chung ngày 6/5/2009 giữa Việt Nam và Malaysia về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía Nam Biển Đông và Báo cáo ngày 7/5/2009 của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía Bắc Biển Đông. Việt Nam bảo lưu quyền đệ trình các thông tin liên quan về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải tại các khu vực khác ở Biển Đông.” Cùng ngày, Phái đoàn Việt cũng có Công hàm số 25 / HC-2020 gửi Tổng thư ký LHQ phản hồi Công hàm số 000191-2020 và 000192-2020 ngày 6/3/2020 của Phái đoàn Philippines. Theo đó, “ Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định phù hợp với UNCLOS năm 1982. Lập trường này của Việt Nam đã được đề cập trong nhiều văn bản được lưu hành tại LHQ và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.” Phái đoàn Việt Nam đề nghị Tổng thư ký LHQ lưu hành công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS 1982, cũng như tất cả các thành viên của LHQ.

Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Ngày 15/4, trả lời câu hỏi phóng viên về thông tin một nhóm tàu Trung Quốc đi vào vùng EEZ của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của UNCLOS năm 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông."

+ Malaysia:

Tàu khảo sát Trung Quốc và Malaysia chạm trán ở Biển Đông. Theo trang Marine Traffic, tàu Địa Chất Hải Dương 8 (HD-08) của Trung Quốc hôm 16/4 ở vị trí cách bờ biển Malaysia 324 km. Theo một nguồn an ninh giấu tên, đến hôm 7/4, tàu HD-08 xuất hiện gần hiện tàu thăm dò West Capella của hãng Petronas, Malaysia với sự hộ tống của 10 tàu, bao gồm các  tàu dân quân biển và cảnh sát biển. Người đứng đầu cơ quan chấp pháp biển Malaysia ông Zubil Mat Som xác nhận tàu HD-08 đang hoạt động ở ngoài khơi, "Chúng tôi không rõ mục đích của con tàu nhưng nó chưa thực hiện bất cứ hoạt động nào trái pháp luật." Văn phòng Thủ tướng, Bộ Quốc phòng Malaysia, hãng Petronas chưa bình luận về thông tin. Theo Reuters, cảnh sát biển Malaysia đã điều tàu tuần tra KM Pekan giám sát tàu HD-08.

+ Mỹ:

Nghị sĩ Mỹ đề xuất Sáng kiến Răn đe Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hạ Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry, thành viên cấp cao Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ngày 16/4 công bố Sáng kiến răn đe Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPDI), đề xuất Quốc hội chi ngân sách 6 tỉ USD trong năm 2021 nhằm đối phó Trung Quốc tại khu vực. Theo ông, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được coi là khu vực ưu tiên của chúng ta và tôi tin rằng điều đó là đúng. Đây là lúc hành động thay vì chỉ nói”. Năm nội dung trong đề xuất của Hạ Nghị sĩ Mac Thornberry gồm: (i) tăng cường hiện diện và sức mạnh của lực lượng liên quân (1 tỉ USD); (ii) tăng cường năng lực hậu cần (1,5 tỉ USD); (iii) cải thiện cơ sở hạ tầng (2,1 tỉ USD); (iv) tăng cường năng lực cho đồng minh, đối tác (350 triệu USD); và (v) Hoạt động Huấn luyện và tập trận (1 tỉ USD).

Mỹ quan ngại hành vi của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí của các nước. Về thông tin tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc hiện diện ở vùng biển Malaysia, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/4 khẳng định qua tuyên bố trên email, “Mỹ quan ngại về thông tin Trung Quốc thường xuyên có hành động khiêu khích nhằm vào hoạt động khai thác dầu khí của các quốc gia yêu sách ở Biển Đông. Về vấn đề này, Trung Quốc cần chấm dứt hành vi bắt nạt, kiềm chế hành động khiêu khích và gây bất ổn như vậy.”

Lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ diễn tập ở Biển Đông. Phi đội biển (VMM) 265, gồm chiến đấu cơ F-35B Lightning II  ngày 16/4 cất cánh từ tàu USS America tiến hành hoạt động bay ban ngày. Sĩ quan chỉ huy của Quân đoàn viễn chinh 31 ông Robert Brodie cho hay, “năng lực chiến đấu đa nhiệm của F-35B hết sức quan trọng trong khả năng triển khai của quân đoàn, hỗ trợ lực lượng tác chiến không hải và các hoạt động phối hợp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.” Với khả năng cất cánh nhanh và hạ cánh thẳng đứng, máy bay F-35B thế hệ 5 có thể triển khai nhanh từ các tàu đổ bộ, hỗ trợ đánh chặn khu vực, giám sát tầm xa và hỗ trợ hỏa lực. Chỉ huy tàu the America Luke Frost khẳng định “năng lực đáng tin cậy của hải quân Mỹ ở Biển Đông hiện nay thể hiện cam kết lâu dài hơn bảy thập kỷ qua của Mỹ đối với an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.”

Mỹ không triển khai máy bay ném bom ở Guam sau 16 năm. Lực lượng không quân Mỹ hôm 17/4 cho hay các máy bay ném bom chiến lược như B-52 và B-1 không còn được triển khai ở Căn cứ Không quân Andersen ở Guam. Kể từ năm 2004, với nhiệm vụ duy trì Hiện diện máy bay ném bom liên tục (CBP), Lầu Năm Góc luôn duy trì một phi đội máy bay ném bom chiến lược ở hòn đảo này. Các máy bay ném bom sẽ hoạt động từ lục địa Mỹ. Động thái của quân đội Mỹ phù hợp với chiến lược phòng thủ quốc gia mới, nhấn mạnh yếu tố linh hoạt và khó đoán biết trong hoạt động quân sự.

Hải quân Mỹ - Úc diễn tập đội hình trên Biển Đông. Tàu chiến Úc HMAS Parramatta (FFG 154) cùng biên đội tàu chiến Mỹ gồm tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry đã diễn tập đội hình ở Biển Đông ngày 18/4. Bên cạnh đó, nhóm tàu tiến hành diễn tập bắn đạn thật, phối hợp hoạt động trực thăng, diễn tập lực lượng bảo vệ thuyền nhỏ. Chỉ huy Nhóm Tác chiến Viễn chinh Mỹ, chuẩn đô đốc Fred Kacher cho hay, "Chúng tôi mọng đợi mọi cơ hội hợp tác với đồng minh Úc trên biển. Việc các chiến hạm này hoạt động cùng nhau ở Biển Đông là tín hiệu gửi tới các đồng minh, đối tác trong khu vực rằng chúng tôi cam kết về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Thực hiện: Đinh Anh