Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc sắp thành lập trung tâm tư pháp biển quốc tế. Báo cáo tại một phiên họp của Quốc hội Trung Quốc hôm 13/3, chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc Chu Cường cho hay trung tâm này sẽ giúp Trung Quốc “thực hiện chiến lược trở thành một cường quốc biển”. Ngoài ra, trung tâm có nhiệm vụ “kiên quyết bảo vệ” chủ quyền, quyền và lợi ích biển, cùng các lợi ích cốt lõi khác”. Năm 2015, phát ngôn viên Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc đã có một hệ thống tòa án biển, giải quyết hơn 225.000 vụ kể từ năm 1984. Tuyên bố của ông Chu không cung cấp chi tiết về sự khác biệt giữa trung tâm này và các trung tâm hiện hành.

Trung Quốc thành lập trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Phát biểu với báo giới bên lề phiên họp thường kỳ quốc hội Trung Quốc hôm 16/3, giám đốc Cục Hải dương ông Vương Hồng cho biết Trung tâm cảnh báo sóng thần vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng đã có những hoạt động đầu tiên, “Chúng tôi đã bắt đầu phát cảnh báo sóng thần cho cộng đồng quốc tế”. Theo ông Vương, hợp tác trên Biển Đông là một trong những trọng tâm của Trung Quốc, “Chúng tôi hy vọng hợp tác với các nước ở Biển Đông và góp phần tạo nên vùng biển hòa bình”.

Trung Quốc kêu gọi các nước cùng duy trì ổn định khu vực. Phát biểu trước báo giới hôm 16/3 sau khi kết thúc kỳ họp Lưỡng Hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố: “Tôi xin khẳng định rằng mọi người Trung Quốc đều tin tưởng vào việc chung sống hòa bình với các nước láng giềng. Các nước trong khu vực đang nỗ lực duy trì sự ổn định, hài hòa. Tất nhiên một số khác biệt có thể nảy sinh giữa các nước láng giềng, nhưng chỉ cần các bên đối xử với nhau bằng sự chân thành, giải quyết sự khác biệt thông qua phương thức ngoại giao thì sẽ duy trì được ổn định trong khu vực”. Tuy nhiên, theo ông Lý: “Trung Quốc sẽ duy trì cam kết theo đuổi con đường phát triển hòa bình, nhưng sẽ quyết tâm giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hai điều này không mâu thuẫn. Chúng tôi hy vọng tất cả các nước bên trong cũng như ngoài khu vực nỗ lực cùng nhau để duy trì hòa bình và ổn định chứ không phải làm điều ngược lại”.

Trung Quốc phản ứng tuyên bố của EU về Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/3, Người phát ngôn Lục Khảng tuyên bố: “Nguyên nhân của vấn đề Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ do một số nước gây ra bằng việc chiếm đóng trái phép đảo, đá ở Trường Sa từ những năm 70, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và những quy tắc chung về quan hệ quốc tế. Trong tuyên bố của EU có đề cập về việc không quân sự hóa, Tôi muốn nhấn mạnh rằng mục tiêu không quân sự hóa ở Biển Đông đòi hỏi nỗ lực chung của các nước trong và ngoài khu vực. Trung Quốc hy vọng các bên có thể tôn trọng lịch sử và nỗ lực của các nước khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.” Về việc Trung Quốc sẽ xây dựng Trung tâm Tư pháp Biển quốc tế, ông Lục cho biết: “Từ năm 1984 khi thành lập Tòa án Hải sự đến nay, công tác thẩm phán hải sự của Trung Quốc đã giành được thành tựu đáng chú ý. Được biết, Trung Quốc là nước có nhiều cơ quan thẩm phán hải sự nhất, nhiều vụ án liên quan đến biển nhất trên thế giới, nhằm tăng cường công tác thẩm phán hải sự, năm nay Trung Quốc sẽ thành lập Trung tâm Tư pháp hải sự quốc tế.”

+ Việt Nam:

Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công, bắn tàu cá Việt Nam. Theo báo cáo của chủ tàu cá mang số hiệu Qna-91865, ngày 5/3, chủ tàu cùng 13 thuyền viên di chuyển từ đất liền hướng ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đến tọa độ 15 độ vĩ Bắc và 111 độ 15 phút độ kinh Đông, bị một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46101 vây đuổi, áp sát. Lúc này, trên tàu này phát ra thông báo bằng loa với nội dung đây là vùng biển của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam không được đánh bắt, yêu cầu quay vào nếu chạy ra sẽ bị bắn. Khi tàu Việt Nam không chấp hành theo yêu cầu vô lý trên thì bị chiếc tàu này bắn đạn bi sắt làm vỡ kính và các bóng đèn trên tàu, áp sát xua đuổi tàu từ 11g đến 24g cùng ngày mới bỏ đi.

 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 17/3, trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, mở rộng, xây dựng, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Hoàng Sa và tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn những hành động tương tự.” Về việc gần đây nhiều ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân ở miền Trung thông báo với cơ quan chức năng rằng họ liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào là không thể chấp nhận được và chúng tôi kiên quyết phản đối.”

+ Indonesia:

Indonesia triệu Đại sứ Trung Quốc sau vụ tàu va chạm ở Biển Đông. Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti ngày 20/3 cho biết, vụ việc xảy ra ngày 19/3 khi lực lượng chức năng của nước này phát hiện ra một tàu đánh cá của Trung Quốc đang đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia. Tàu tuần tra của Philippines đã bắt giữ chiếc tàu cá của Trung Quốc và 8 thủy thủy đoàn. Tuy nhiên, một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc sau đó đã tiếp cận và tìm cách đâm va vào tàu cá để ngăn cản việc con tàu này bị kéo đi. Sau đó, một chiếc tàu hải cảnh khác của Trung Quốc xuất hiện và yêu cầu phía Indonesia phải thả chiếc tàu cá của Trung Quốc đi. Sau đó Indonesia đã phả thả tàu cá Trung Quốc. Theo bà Pudjiastuti: “Chúng tôi sẽ đề nghị chính phủ Trung Quốc trao lại con tàu đã bị bắt giữ. Trung Quốc không nên hành xử nhu vậy bởi các quốc gia không nên có hành động ủng hộ các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và không theo quy định.” Về việc này, trong tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/3 cho hay: “Tàu đánh cá Trung Quốc đang tiến hành hoạt động đánh bắt bình thường ở ngư trường truyền thống của Trung Quốc. Sau đó một tàu vũ trang của Philippines đã tấn công và quấy rồi tàu cá Trung Quốc, buộc một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc phải tới ứng cứu. Trung Quốc yêu cầu Indonesia thả ngay các ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ và đảm bảo an toàn cho họ.”

+ Malaysia:

Malaysia sẽ thảo luận với Úc, Philippines, Việt Nam về Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 14/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho hay vào tuần tới, ông sẽ gặp người đồng nhiệm Úc Marise Payne để thúc đẩy các nỗ lực buộc “ Trung Quốc giữ lời hứa không triển khai thiết bị quân sự trong khu vực. Nếu thông tin chúng tôi nhận được từ nhiều nguồn khác nhau về việc Trung Quốc tăng cường thiết bị quân sự tại quần đảo Trường Sa là đúng thì chúng tôi buộc phải có phản ứng đáp lại Trung Quốc”. Ngoài Úc, ông Hishammuddin cho hay ông cũng sẽ gặp gỡ với giới chức Việt Nam và Philippines bởi Malaysia “không thể hành động một mình trong việc ngăn chặn các hành động quyết đoán. Malaysia cần đến sự hỗ trợ của các nước ASEAN khác.”

+ Mỹ:

Mỹ cáo buộc Trung Quốc “ỷ mạnh” ở Biển Đông. Phát biểu tại một hội thảo an ninh biển ở Úc hôm 16/3, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift chỉ trích việc Bắc Kinh quân sự hóa ở các vùng biển tranh chấp, “Bầu không khí bất ổn không chỉ đe dọa tự do hàng hải và phá vỡ hệ thống quy tắc quốc tế mà còn khiến các quốc gia đổ xô mua vũ khí hải quân không chỉ phục vụ mục đích phòng thủ”. Mặc dù không nhắc đến tên cụ thể (Trung Quốc), Đô đốc Swift ám chỉ: “Chúng ta có thể nhận thấy thái độ 'ỷ mạnh hiếp yếu' trở lại khu vực này sau hơn 70 năm an ninh và ổn định” và những gì Bắc Kinh đang làm “không có chỗ đứng trong số các quốc gia có trách nhiệm trong vùng biển quốc tế”.

Mỹ nghi Trung Quốc tiếp tục cải tạo đất ở Biển Đông. Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson hôm 17/3 cho hay hoạt động của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough có thể là một bước đi nhằm tiếp tục cải tạo đất trái phép trên Biển Đông, “Tôi cho rằng hoạt động của một số tàu nổi, hoạt động dạng khảo sát đang diễn ra.” Ông Richardson cũng bày tỏ quan ngại rằng một phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines, dự kiến được đưa ra trong những tuần tới, có nguy cơ châm ngòi cho việc Bắc Kinh tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.

+ Nhật Bản:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đăng tải video nói về Biển Đông. Đoạn video tiêu đề “The Rule of Law at Sea” nêu rõ các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông và các biện pháp của Tokyo nhằm giúp các quốc gia Đông Nam Á nâng cao năng lực trên biển. Dù tránh nêu tên Trung Quốc một cách trực tiếp, đoạn video sử dụng các hình ảnh vệ tinh về việc cải tạo đất và xây dựng trái phép của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như hình ảnh vụ tàu Hải giám Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam. Theo đó, “Ngày càng có nhiều lo ngại của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực thay đổi nguyên trạng tại khu vực biển Đông, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ không ngừng, bao gồm ODA, hợp tác cung cấp thiết bị quốc phòng, nâng cao năng lực, nhằm giúp các quốc gia trong khu vực này nâng cao năng lực bảo vệ. Nhật Bản cũng kêu gọi các bên tôn trọng các nguyên tắc luật biển quốc tế”. Đoạn video cũng tóm tắt về hợp tác biển giữa Nhật Bản với Phillipines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

+ Úc:

Tướng Úc ủng hộ Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới tại Canberra hôm 15/3, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Úc Leo Davies cho hay Úc cần nhìn nhận việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự là một “diễn tiến tự nhiên” khi liên minh giữa hai nước phải đương đầu với căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Tư lệnh Không quân Davies bình luận: “Với quan điểm của một phi công, tôi sẽ tuân thủ các quy định hàng không, chúng tôi sẽ bay ở vùng trời chúng tôi có quyền bay, sẽ xin phép ngoại giao ở những nơi cần đi vào, và sẽ tiến hành các hoạt động như chúng tôi đã làm trong hơn 30 năm qua ở Biển Đông”. Cũng theo Tư lệnh Davies, việc quân sự hóa trong khu vực đã tăng tốc đến mức khó bắt kịp.

Quan hệ các nước

ACDFIM-13: ‘Lần đầu đưa ra lập trường chung về vấn đề Biển Đông’. Ngày 14/3 tại thủ đô Vientiane, Lào đã diễn ra Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 13 (ACDFIM-13), với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng vì một Cộng đồng ASEAN năng động”. Tại Hội nghị các Trưởng đoàn cho rằng, sự phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục là những mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Bên cạnh đó, căng thẳng tại Biển Đông cũng đang đặt ra những thách thức cho sự ổn đinh tại khu vực. Tuyên bố chung của ACDFIM-13 sau Hội nghị đề cập đến nhiều vấn đề an ninh của khu vực, trong đó có việc cần thiết phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm hoàn thành xây dựng COC để duy trì môi trường hòa bình ở Biển Đông. Đây có thể được gọi là một quyết định lịch sử bởi nó đánh dấu lần đầu tiên giới quân sự của ASEAN đã đưa ra được lập trường chung về vấn đề Biển Đông.

Thái Lan - Đài Loan hợp tác quản lý đánh bất hợp pháp. Ngày 14/3, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác Thái Lan Chatchai Sarikulya cho biết các quan chức ngành thủy sản hai bên đã triệu tập một cuộc họp để giải quyết các vấn đề liên quan đến khai thác cá bất hợp pháp và không theo quy định (IUU). Theo đó, Thái Lan và Đài Loan đã đồng ý hợp tác thực thi pháp luật liên quan đến đánh bắt cá ngừ. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ chia sẻ thông tin quan trọng về hoạt động đánh bắt cá ngừ, chẳng hạn như đăng ký tàu, giấy phép đánh cá, cập cảng... Một ủy ban gồm quan chức thủy sản của hai bên sẽ được thành lập để kiểm tra các tàu đánh cá Đài Loan khi đến khu vực biển Phuket.

Nhật Bản - Đông Timor bày tỏ quan ngại về Biển Đông. Trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 13-16/3, Tổng thống của nước Cộng hòa Dân chủ Đông Timor ông Taur Matan Ruak đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 15/3. Tuyên bố chung sau cuộc gặp có đoạn, “Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay ở Biển Đông và phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và toàn diện DOC và sớm thiết lập COC ở Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận diễn tiến vụ kiện trọng tài của Philippines cũng như phán quyết của tòa có tính ràng buộc đối với các bên tranh chấp.

Tàu ngầm Nhật Bản sắp thăm Philippines và Việt Nam. Hải quân Nhật Bản ngày 16/3 cho biết tàu ngầm Nhật Bản Oyashio và hai tàu hộ tống sẽ tới Vịnh Subic của Philippines để tiến hành một cuộc diễn tập thường niên trên biển, và sau đó hai tàu hộ tống sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam. Được biết, cuộc diễn tập dự kiến diễn ra từ ngày 19/3 - 27/4 với sự tham gia của khoảng 500 binh sỹ, sỹ quan. Theo hải quân Nhật Bản, đây sẽ là lần đầu tiên tàu ngầm của Nhật Bản cập cảng của Philippines kể từ năm 2001.

ASEAN - Ấn Độ bàn về vấn đề Biển Đông. Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN - Ấn Độ lần thứ 18 diễn ra tại Hà Nội ngày 17-18/3. Về tình hình quốc tế và khu vực, các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, nhấn mạnh việc phải thực hiện kiềm chế, nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 và DOC, sớm đạt được COC. Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lê Hoài Trung khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Ấn Độ; mong muốn Ấn Độ tiếp tục có những đóng góp tích cực, tăng cường hợp với ASEAN kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Đối thoại chiến lược Mỹ - Philippines bàn về vấn đề Biển Đông. Trong hai ngày 17-18/3, Mỹ và Philippines đã tiến hành vòng Đối thoại Chiến lược song phương cơ chế “2+2” lần thứ 6 tại thủ đô Washington DC. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai nước kịch liệt phản đối mọi hành động quân sự hóa các tiền đồn hiện nay tại Biển Đông, chia sẻ quan điểm rằng việc bố trí các khí tài quân sự mới trên các thực thể ở Biển Đông sẽ làm leo thang căng thẳng khu vực. Hai nước nhấn mạnh các quốc gia nên làm sáng tỏ các tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982, và giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, bao gồm việc thông qua các cơ chế giải quyết xung đột như tòa án trọng tài quốc tế. Mỹ và Philippines khẳng định quan điểm chung cho rằng phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế đối với vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ có giá trị pháp lý đối với cả Bắc Kinh và Manila.

Quốc hội Pháp ủng hộ Việt Nam đảm bảo an ninh trên biển. Sáng 18/3, Chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Lễ đón đã diễn ra tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, Quốc hội Pháp tích cực ủng hộ Việt Nam trong đảm bảo an ninh hàng hải, an ninh trên biển và đấu tranh phải đối quân sự hóa ở khu vực Biển Đông; cùng nhau trao đổi, thảo luận và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết những bất đồng trên biển. Về phần mình, Ngài Claude Bartolone khẳng định việc tôn trọng luật pháp quốc tế là hết sức cần thiết để tránh gây ra những thiệt hại, tổn thất cho giao thương hàng hải ở Biển Đông. Tôn trọng luật pháp quốc tế cũng là cách để tránh căng thẳng mà không nước nào mong muốn.

Úc - Singapore nhấn mạnh tự do hàng hải ở Biển Đông. Cuộc họp chung giữa các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại Úc - Singapore lần thứ 9 đã diễn ra sáng 18/3 tại Sydney. Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định, “Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa các thực thể và hai bên có lợi ích chung đối với tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại không bị cản trở ở Biển Đông. Hai bên cũng nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần đạt tiến triển trong việc đàm phán COC, cũng như thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông.”

Hội đàm Nhật-Pháp đề cập đến vấn đề Biển Đông. Trong chuyến công du châu Âu, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Pháp Jean-Marc Ayrault hôm 20/3. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết Nhật Bản mong muốn thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các biện pháp hợp tác chống khủng bố với Pháp trong khi người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết và tăng cường hợp tác quốc tế. Hai Ngoại trưởng cũng tuyên bố phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Phân tích và đánh giá

Tại sao Malaysia lại chuyển hướng lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông” của Tang Siew Mun

“Đáp trả” là từ mà rất hiếm khi các nhà lãnh đạo Malaysia dùng trong vấn đề Biển Đông có liên quan đến hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên từ này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin sử dụng trong một bài phòng vấn tuần trước tại Kuala Lumpur. Ông Hishammuddin đã phát biểu rằng “nếu như báo cáo của Bộ Quốc phòng Malaysia về việc Trung Quốc xây dựng các công trình quân sự ở Biển Đông là sự thật, tình thế này buộc chúng ta phải đáp trả Trung Quốc”.

Sự thay đổi này là điều đáng chú ý. Như vậy, động lực nào khiến ông Hishammuddin trở nên cứng rắn như vậy?

Thứ nhất, phát biểu của ông Hishammuddin là điều rất ngạc nhiên bởi các quan chức Malaysia thường rất thận trọng khi chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh Malaysia từ lâu đã quan ngại về hành động của Trung Quốc. Việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng EEZ của Malaysia đã trở thành điều bình thường thay vì là những ngoại lệ. Chắc chắn rằng, hành vi trơ tráo của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tiếp tục tiếp diễn với Malaysia và phủ bóng đen lên mối quan hệ hai nước.

Thứ hai, hành vi xâm phạm ngày càng tăng của Trung Quốc khiến cho Malaysia rất khó “ngước mắt làm ngơ”. Chẳng hạn như các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc thường sử dụng chiến thuật hăm dọa để xua đuổi tàu cá Malaysia ra khỏi bãi South Luconia, cướp đoạt đi kế sinh nhai của cộng đồng dân cư địa phương. Ngay hồi tháng 12/2015, một nhóm đại diện 20 thành viên của Hiệp hội Sarawak vì Nguyện vọng Người dân đã tổ chức biểu tình phản đổi ngay trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Kuching. Những phản đối về chính trị ngày một lớn buộc chính quyền không thể thờ ơ trước tình cảnh người dân Sarawak, nhất là trong bối cảnh bầu cử sắp tới vào 30/4.

Tuy nhiên tình thế này vẫn chưa hoàn toàn là tình cảm chống Trung Quốc. Trong ngắn hạn, Biển Đông vẫn sẽ là điểm nổi lên trong nền chính trị địa phương của Sabah và Sarawak, là “phép thử” cho chính quyền Malaysia đối với miền đông nước này. Liên minh cầm quyền Barisan Nasional không muốn bị nghi ngờ về việc đánh đổi lợi ích của người dân địa phương để lấy mối quan hệ với Trung Quốc. Do đó, Malaysia không hề muốn bị xem là “yếu kém” trong vấn đề Biển Đông.

Thứ ba, có thể Malaysia sẽ hình thành một kế hoạch “phòng ngừa”. Một mối quan hệ tốt với Trung Quốc sẽ không mang lại cho Malaysia những kết quả tốt đẹp ở Biển Đông. Trên thực tế, bằng chứng cho thấy sự kiên nhẫn của Malaysia có vẻ chỉ khuyến khích Trung Quốc càng tỏ thái độ không khoan nhượng.

“Đáp trả” do đó có thể diễn giải như một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng, Malaysia sẽ đứng lên bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Dù vậy, Malaysia sẽ không rơi vào tình thế chống Trung Quốc và nước nước chưa bao giờ muốn vậy. Malaysia đang rơi vào tình thế với câu hỏi lớn về sự cân bằng giữa chính trị và lợi ích chiến lược so với lợi ích kinh tế.

Úc cần tiếp cận vấn đề tranh chấp Biển Đông như thế nào?” của John McCarthy 

Gần đây, người Úc có rất nhiều điều để nói về Biển Đông. Các nhà tranh luận rơi vào hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên đồng quan điểm với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ: không muốn chính sách của Úc khác của Hoa Kỳ. Nhóm thứ hai tin rằng trong khi chính sách bành trướng của Trung Quốc không nên dung túng, Biển Đông không phải là vấn đề chủ yếu của Úc và nên sử dụng biện pháp ngoại giao cho vấn đề này, theo đó có nghĩa là nên phát biểu lên án, không hành động.

Chính sách quốc gia nên thực dụng. Úc cần đưa ra quyết sách trên cơ sở lợi ích quốc gia, không phải trên những gì người Mỹ hay Trung Quốc thích. Thứ nhất, như hầu hết các nước khác trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, Úc có nhu cầu tự do thương mại và tự do hàng hải trong khu vực. Thứ hai, sự ổn định ở Biển Đông cần thiết cho tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không chỉ những nước có tuyên bố lãnh thổ, hoặc những nước gần vùng biển. Vậy chúng ta cần phải làm gì? Nếu chúng ta tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chúng ta nói, chúng ta phải ủng hộ nguyên tắc của pháp luật. Philippines có tranh chấp biên giới với Trung Quốc tại Tòa án Thường trực Trọng tài quốc tế (PCA) và Trung Quốc nên làm theo các quyết định của Toà án. Úc là một trong số ít quốc gia không tham gia giải quyết tranh chấp bắt buộc theo UNCLOS 1982. Với quan điểm đó và nổi bật nhất là việc Úc không chấp nhận quyền tài phán PCA trong tranh chấp biên giới với Đông Timor, do vậy Úc cũng không ở vị trí đề nghị Trung Quốc nên ngừng bắt nạt các nước yếu hơn về các vấn đề phân định biên giới. Để có uy tín, Công đảng đã đề nghị Chính phủ chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài tranh chấp biên giới với Đông Timor nếu các cuộc đàm phán song phương thất bại.

Thứ ba, dù phạm vi lợi ích của Úc ở Biển Đông có như thế nào thì chính các nước ASEAN mới là bên có lợi ích trực tiếp hơn. Do vậy Úc có thể chính đáng lập luận rằng ASEAN cần có vai trò lãnh đạo và thống nhất hơn, quyết tâm đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ phát biểu lên án sẽ không ngăn chặn được Trung Quốc. Nếu nghiêm túc bảo vệ an ninh của mình một cách độc lập, Úc cần hành động nhiều hơn. Úc cần thực hiện tự do lưu thông tại Biển Đông, trước hết cần độc lập thực hiện tự do hàng hải tại các khu vực tranh chấp. Thứ hai, Úc nên thực hiện quá cảnh qua khu vực tranh chấp bằng các tuyến đường thực tế phù hợp với đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh thông thường và hợp pháp của Úc, ví dụ qua các tuyến đường biển và hàng không giữa Kota Kinabalu và Thành phố Hồ Chí Minh hoặc một số tuyến đường đến Manila. Úc không nên miêu tả việc quá cảnh như một thách thức đối với Trung Quốc. Thứ ba, các nhà chính trị gia Úc khi thực hiện các biện pháp trên không cần phải phô trương, không nói phóng đại. Tất nhiên những hành động này mang tính rủi ro, chịu sự chỉ trích hoặc thậm chí trừng phạt kinh tế từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khu vực đang trong thời kỳ thay đổi, Úc cần những chính sách được quyết định trên cơ sở lợi ích và tư duy độc lập của Úc. Khi cần thiết, chúng ta phải khẳng định mình và hành động ít phụ thuộc hơn vào chính sách an ninh của Hoa Kỳ.

Ai sẽ đứng lên đương đầu với Trung Quốc?” của John Hemmings

Vụ kiện của Philippines sẽ có kết quả phán quyết trong thời gian sắp tới, kết quả phán quyết được dự đoán sẽ có lợi cho Philippines và bất lợi cho Trung Quốc. Cho dù kết quả phán quyết là như thế nào, hai nước đồng minh Mỹ, Nhật sẽ không thể làm gì để Trung Quốc thay đổi chiến lược của mình tại Biển Đông, nhưng có thể sẽ tận dụng “cơ chế điều phối giữa các đồng minh” để gây sức ép với Trung Quốc. Mỹ, Nhật cần lôi kéo ASEAN và cả Úc đạt được nhận thức chung trong các vấn đề khu vực, kìm chế Trung Quốc. Ngoài ra còn cần tranh thủ Châu Âu tham gia, làm sụt giảm hình tượng mà Trung Quốc xây dựng tại Châu Âu.

Nhiều chuyên gia dự đoán để đối phó với kết quả phán quyết của vụ kiện, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố xây dựng ADIZ trên Biển Đông; tác giả Harry Kazianis cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian, khi Trung Quốc xây dựng sân bay tại Trường Sa và bố trí hệ thống tên lửa tại Hoàng Sa.

Đối mặt với tình hình trên, điều quan trọng là đồng minh Mỹ, Nhật cần tận dụng tốt cơ chế điều phối với các nước đồng minh khác, đưa ra những chính sách chung nhắm vào Trung Quốc với tính toán tổng thể đến chiến lược và những tác động về chính trị kinh tế. Một trong những cách thức để Mỹ đáp trả lại việc Trung Quốc thành lập ADIZ ở Biển Đông là cho không quân bay vào vùng biển này, Mỹ, Nhật có thể thuyết phục cả Úc cùng tham gia để gây sức ép với Trung Quốc.

Trung Quốc đang tự làm xấu hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Trong bối cảnh Philipine đưa vụ kiện lên tòa trọng tài và những hành vi ngày càng leo thang của Trung Quốc trên biển Đông, hai nước Mỹ, Nhật có thể coi đây là thời cơ ngoại giao để lôi kéo các nước khác trong khu vực đạt nhận thức chung mang tính khu vực nhằm ràng buộc và khiến Trung Quốc bị động. Mỹ, Nhật cần trực tiếp tham dự vào các chương trình nghị sự trong các hội nghị ASEAN, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần tranh thủ đạt nhận thức chung với ASEAN tại Hội nghị quốc phòng Mỹ - ASEAN tại Hawai trong tháng 10 tới.

Ngoài ra, Nhật, Mỹ, Philipine và Úc cần đưa những thông tin về vụ kiện đến Châu Âu, để các nước Châu Âu quan tâm đến vấn đề Biển Đông, biết rằng đây không phải “vấn đề của Châu Á”, cũng không phải vấn đề liên quan đến “quan hệ Trung Mỹ” mà là cuộc tranh luận liên quan đến trật tự thế giới, cần Châu Âu phải tham dự. Cũng có thể, những chỉ trích từ Châu Âu sẽ không ngăn được bước chân bành trướng của Trung Quốc, nhưng sẽ thay đổi cách nhìn về Trung Quốc  của tầng lớp tinh hoa tại Châu Âu khi hoạch định chính sách an ninh.

Mỹ, Nhật có thể làm giảm sức mạnh mềm, uy tín của Trung Quốc tại khu vực và trên phạm vi thế giới bằng việc liên kết với Úc, ASEAN và kêu gọi Châu Âu cũng tham gia. Điều này cũng khó kết luận là sẽ ảnh hưởng đến bước đi chiến lược của Trung Quốc hay không nhưng chí ít cũng sẽ khiến Trung Quốc thận trọng và có thể phải trả giá nếu có những bước đi quá ngang ngược.

Mục đích thành lập ‘trung tâm tư pháp’ biển của Trung Quốc” của Shannon Tiezzi

Trong báo cáo kết quả công tác tòa án được trình bày tại Kỳ họp Lưỡng hội ngày 3/03/2016, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc Chu Cường đã tuyên bố “Trung Quốc sẽ thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế trong năm 2016” nhằm đảm bảo việc thực thi các chiến lược quốc gia như Kế hoạch “Một vành đai một con đường”, chiến lược cường quốc biển…, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích biển và các lợi ích cốt lõi khác. Và điều này đã được người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xác nhận thông tin này trong cuộc họp báo cùng ngày.

Như vậy, “động cơ” của người đứng đầu ngành tòa án Trung Quốc đã rất rõ ràng. Ngoài việc sử dụng cuộc chiến dư luận, cuộc chiến tâm lý, Trung Quốc sẽ sử dụng “cuộc chiến pháp lý” để thực hiện mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm cả Biển Đông.

Gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế và cự tuyệt không tham gia vụ kiện, nhưng thông qua động thái này, đã thể hiện việc Trung Quốc sẽ sử dụng trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế để đối kháng lại tòa án quốc tế tại La Hay. Xem xét từ nhiều góc độ, rõ ràng vụ kiện của Philippines đã tạo “ngữ cảnh” tất yếu cho Trung Quốc trong việc thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế của mình.

Gần đây, Trung Quốc luôn muốn đổi mới các cơ chế hoạt động của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là khi Trung Quốc cảm thấy các cơ chế đó không phù hợp và không có lợi cho mình. Từ việc thành lập ngân hàng AIIB đến Hội nghị xây dựng lòng tin Châu Á, Trung Quốc muốn cho thấy rõ giá trị to lớn trong việc thúc đẩy các diễn đàn quốc tế và đa phương - Trung Quốc có thể hoàn toàn khống chế được nội dung, lịch trình và có sức ảnh hưởng lớn nhất tại các diễn đàn đó. Thực tế đã chứng minh, chỉ cần Trung Quốc nhận thấy cộng động quốc tế không tạo ra không gian cho sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không tôn trọng lợi ích của Trung Quốc, thì Trung Quốc lập tức thể hiện quan điểm muốn thành lập tổ chức mang tầm quốc tế của riêng mình. Và mục tiêu cuối cùng là nhằm thay thế hoặc cân bằng sức ảnh hưởng quốc tế, từ đó thay đổi thể chế toàn cầu và mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Vì vậy việc thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế mang màu sắc Trung Quốc phù hợp mục đích hiện tại của Trung Quốc. Trung tâm có thể phát huy vai trò song trùng, thụ lý vụ kiện tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Hoa Đông, áp đặt các lý giải về luật pháp của Trung Quốc trong xử lý vụ kiện, từ đó tạo ra các chứng cứ chứng minh quyền quản lý của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp.

 Biển Đông - Trung Quốc có thái độ thù địch hay quyết đoán?” của Kishore Mahbubani

Có sự khác biết giữa thái độ thù địch và quyết đoán? Câu trả lời là có và ở Biển Đông, Trung Quốc tỏ ra quyết đoán chứ chưa phải là thù địch.

Thế giới đều tin chắc rằng Trung Quốc đang tỏ ra thù địch. Các hoạt động bồi đắp, triển khai lắp đặt vũ khí tại vùng biển tranh chấp củng cố cho quan điểm đó. Mặc dù các quốc gia khác cũng tiến hành hoạt động cải tạo đảo nhưng đều diễn ra trước khi ký DOC năm 2002, trong khi Trung Quốc tiến hành hoạt động này trong hai năm 2013 và 2014 và trên quy mô cực kỳ lớn.

Ở đây Trung Quốc đang tỏ ra quyết đoán. Nếu thù địch, nước này có thể đã dùng vũ lực để loại bỏ các bên chiếm đóng khác. Trên thực tế, khả năng đụng độ quân sự gần như không có; tiếng súng đã không vang lên kể từ khi Trung Quốc dùng vũ lực với Việt Nam năm 1988 tại bãi Gạc Ma làm 74 lính Việt Nam thiệt mạng.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao Trung Quốc lại quyết định trở nên quyết đoán hơn như vậy? Theo một số chuyên gia thì:

- Mỹ, đồng minh và đối tác đánh giá hoạt động xây dựng của Trung Quốc với tốc độ nhanh “chóng mặt” thì Trung Quốc lại xem đó là một trò chơi đuổi bắt pháp lý hoàn hảo.

- tăng cường khả năng về tìm kiếm cứu nạn ở Biển Đông, thúc đẩy điều kiện sống và làm việc của công dân Trung Quốc tại đây và nhu cầu thiết lập căn cứ hỗ trợ cho hệ thống do thám và rada của Trung Quốc.

- tăng cường năng lực quân sự ở Hoa Đông và Biển Đông. Điều này không phải nhằm giành chiến thắng trong xung đột với Mỹ mà nhằm gia tăng thiệt hại về kinh tế và quân sự cho mỹ nếu xung đột với Trung Quốc. Như vậy Mỹ sẽ có xu hướng mặc cả thay vì đi đến chiến tranh.

Nhưng thật không may là sự quyết đoán của Trung Quốc đã gây ra những sai lầm nghiêm trọng.

Thứ nhất, Trung Quốc đã đẩy ASEAN đến chỗ lần đầu tiên phải công khai bộc lộ mâu thuẫn, bất đồng tại hội nghị ngoại trưởng tháng 7/2012 tại Campuchia khi lần đầu tiên không thể đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông.

Thứ hai, việc Trung Quốc quyết định hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam hồi tháng 5/2014 đã khiến căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa hai nước. Cuối cùng Trung Quốc đã phải lặng lẽ rút giàn khoan sau một vài tháng triển khai.

Dù khả năng va chạm quân sự giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách là điều khó xảy ra nhưng với Mỹ thì có thể. Bằng chứng là Mỹ đã quyết định thực hiện FONOP xung quanh các đảo nhân tạo để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Các quốc gia khu vực đều âm thầm chào đón hoạt động này nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng bởi họ không mong muốn bị mặc kẹt giữa hai quốc gia nếu xảy ra va chạm.

Giải pháp cho vấn đề là Mỹ và Trung Quốc đều có chung những lợi ích cơ bản như tự do hàng hải và “qua lại vô hại”. Là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, lợi ích của Trung Quốc lớn hơn so với Mỹ. Như vậy, nếu lợi ích của Mỹ và Trung Quốc có thể hội tụ trên 90% diện tích đại dương thì họ có thể làm vậy ở Biển Đông. Bắc Kinh có thể giải quyết vấn đề này nhanh chóng trong khi Obama còn tại nhiệm nhưng nếu Donald Trump làm tổng thống thì điều đó sẽ khó hơn nhiều./.