Động thái quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc bác bỏ việc Mỹ cáo buộc quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, “Các bình luận gần đây của phía Mỹ không đúng sự thật. Các hoạt động xây dựng hòa bình của Trung Quốc tiến hành ở trong lãnh thổ Trung Quốc là quyền phòng vệ của một quốc giao có chủ quyền theo luật pháp, không liên quan đến “quân sự hóa”. Việc Mỹ triển khai tàu chiến hoặc máy bay tới sát các đảo, đá của Trung Quốc dưới danh nghĩa “tự do hàng hải và hàng không” mới tạo ra căng thẳng và quân sự hóa.” Về việc Mỹ triển khai hai máy bay B-52 bay qua Biển Đông, ông Lục ngày 19/10 tuyên bố: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các nước liên quan dưới danh nghĩa “tự do hàng hải và hàng không” xâm phạm chủ quyền và lợ ích an ninh của các quốc gia ven biển, gây mất ổn định an ninh và hòa bình khu vực. Trung Quốc sẽ có các hành động đáp trả cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.”

Trung Quốc – Philippines hướng tới thúc đẩy hợp tác biển. Tại họp báo thường kỳ ngày 16/10, về Tham vấn song phương về biển lần thứ 3 giữa Trung Quốc và Philippines, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Được sự quan tâm của Lãnh đạo hai nước, hai bên đã chính thức thành lập cơ chế tham vấn về vấn đề Biển Đông từ đầu năm 2017, quay trở lại quỹ đạo đúng đắn là giải quyết vấn đề biển thông qua đàm phán. Tại tham vấn hôm 18/10, Hai bên sẽ trao đổi về tình hình Biển Đông, tìm kiếm biện pháp thúc đẩyhợp tác trên biển, trong đó có lĩnh vực thăm dò khai thác chung dầu khí.” Về  việc Lãnh đạo Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang “quân sự hóa” Biển Đông, ông Lục cho biết, “Việc Trung Quốc triển khai xây dựng hòa bình trên lãnh thổ của mình, trong đó có việc bố trí thiết bị phòng ngự cần thiết là quyền tự vệ của quốc gia chủ quyền được luật pháp quốc tế cho phép, không liên quan gì đến “quân sự hóa”. Về thông tin tàu quân sự Trung Quốc “liều lĩnh quấy rối” tàu quân sự Mỹ, quân đội Trung Quốc đã thông báo tình hình thực tế. Việc tàu Mỹ từ xa đến quấy nhiễu ngay trước cửa ngõ Trung Quốc đã quay sang chỉ trích tàu Trung thật nực cười. Trung Quốc hối thúc Mỹ ngừng gây chuyện, tôn trọng nỗ lực của các quốc gia trong khu vực, đóng góp cho hòa bình ổn định ở Biển Đông.”

+ Philippines:

Philippines dự kiến mua máy bay chiến đấu của Thụy Điển. Trả lời phỏng vấn Thông Tấn xã  Philippines hôm 14/10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết sau thời gian nghiên cứu, Bộ này đã lên kế hoạch mua máy bay chiến đầu siêu âm Gripen do Thụy Điển chế tạo nhằm thay thế máy bay F5A/B của Mỹ ngừng phục vụ từ năm 2005. Kể từ năm 2005, Philippines tìm cách máy bay chiến đấu tiên tiến như F-16 từ Mỹ nhưng không đạt được kết quả. Máy bay Gripen có giá rẻ hơn và chi phí bảo dưỡng thấp hơn nhưng tính năng hiện đại không thua kém nhiều so với máy bay F-16 của Mỹ.

Tân Ngoại trưởng của Philippines tuyên thệ nhậm chức. Ngày 17/10, Ngoại trưởng Locsin tuyên thệ nhậm chức. Theo người phát ngôn Tổng thống Panelo, Chính quyền Tổng thống Duterte không có thay đổi về chính sách đối ngoại, vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại “độc lập”. Trước khi trở thành Ngoại trưởng, ông Teodoro Locsin là Trưởng phái đoàn thường trực của Philipines tại Liên Hợp quốc từ năm 2016 đến nay. Cựu Ngoại trưởng Cayetano từ chức để tham gia tranh cử vào Hạ viện.

Philippines ký hợp đồng dịch vụ dầu khí với tập đoàn dầu khí Israel. Ngày 17/10, Chính phủ Philippines đã ký Hợp đồng Dịch vụ Dầu khí (PSC) với Tập đoàn Dầu khí Ratio của Israel. Đây là PSC đầu tiên được ký dưới thời Tổng thống Duterte, cho phép tập đoàn này thăm dò dầu khí ở Khu vực 4, rộng 416.000 hecta, ở phía Đông Palawan. Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho rằng việc ký PSC sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng của Philippines, vốn trở nên cấp bách hơn do sự biến động của giá dầu thế giới.

.........

Bản PDF tại đây