Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc thúc giục Singapore không can thiệp Biển Đông. Phát biểu sau cuộc gặp với các quan chức đại diện của ASEAN ở Mãn Châu Lý hôm 16/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ông Lưu Chấn Dân nhấn mạnh Singapore nên làm tốt vai trò điều phối quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN, “Là một nước không có tranh chấp ở Biển Đông, chúng tôi hy vọng chính phủ Singapore, ở vị thế trung lập đối với vấn đề trên Biển Đông, sẽ tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Trung Quốc không muốn bàn về Biển Đông ở hội nghị G-20. Từ ngày 4 đến 5/9, hội nghị nhóm các nền kinh tế lớn G-20 sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Lý Bảo Đông nhấn mạnh, “Các thành viên đã đồng thuận chỉ tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế, không bị xao nhãng bởi những bên khác. Hội nghị ở Hàng Châu sẽ chỉ tập trung về kinh tế”. Bắc Kinh không muốn các nước bàn về các vấn đề hiện gây tranh cãi, như tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc xây dựng đài phát thanh khí tượng trái phép ở Biển Đông.Ngày 19/8, trả lời phỏng vấn Đài Phượng Hoàng (Hồng Kông), Cục trưởng Cục khí tượng Trung Quốc Trịnh Quốc Quang tiết lộ Bắc Kinh vừa hoàn thành phi pháp một đài phát thanh khí tượng tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đài này sẽ được phát thanh bằng hai ngôn ngữ Anh - Trung. Ngoài ra, ông Trịnh cho biết Trung Quốc sắp xây dựng thêm một đài phát thanh khác trên đá Chữ Thập, thuộc Trường Sa của Việt Nam.

+ Việt Nam:

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang. Ngày 17/8, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong Luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông,” do Trường Đại học Pham Văn Đồng và Trường đại học Nha Trang phối hợp tổ chức, đã diễn ra tại thành phố Nha Trang. Với ba phiên thảo luận, gần 30 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu tập trung vào các nội dung: Quy chế pháp lý của đảo và đá trong luật pháp quốc tế; tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Qua đây, hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không đối với các quốc gia khu vực cộng đồng quốc tế.

+ Philippines:

Philippines sẽ không đưa tranh chấp Biển Đông ra thượng đỉnh ASEAN. Trong cuộc họp báo hôm 17/8 tại Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông muốn đối thoại song phương với Trung Quốc hơn nêu vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh, “Tôi chỉ đưa vấn đề khi đối thoại trực tiếp với Trung Quốc, bởi nếu bây giờ bạn tranh cãi với họ, về yêu sách chủ quyền, làm ồn ào ở chỗ này chỗ kia, họ có thể thậm chí không muốn nói chuyện. Hãy tạo ra một môi trường phù hợp mà hai bên có thể ngồi xuống, nói chuyện trực tiếp”. Ông Duterte sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào vào đầu tháng 9 tới.

Philippines tiếp nhận tàu tuần tra đầu tiên do Nhật Bản tài trợ. Ngày 18/8, Philippines đã chính thức tiếp nhận một trong 10 tàu tuần tra do Nhật Bản cung cấp. Tàu đa năng dài 44m, sẽ mang tên BRP Tubbataha và được phiên chế cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, được Tập đoàn Marine United Corp. của Nhật Bản đóng tại Yokohama bằng khoản vay 7,3 tỷ peso (khoảng 158 triệu USD) từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản. Chính phủ Philippines sẽ bổ sung 1,4 tỷ peso cho dự án đóng 10 tàu dự kiến hoàn tất trong năm 2018.

+ Singapore:

Singapore giữ vững lập trường trong vấn đề Biển Đông. Trong phát biểu nhân lễ kỷ niệm quốc khánh ngày 21/8, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Singapore cần phải có nguyên tắc và lập trường vững vàng về vấn đề Biển Đông bất chấp áp lực từ các quốc gia khác. Tuy Singapore không phải bên yêu sách nhưng có nhiều lợi ích ở Biển Đông trong ba lĩnh vực: luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và sự đoàn kết của ASEAN. Theo ông Lý, Singapore ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” và phụ thuộc vào các hiệp ước. Là một nước nhỏ, Singapore không thể chấp nhận cái quan hệ quốc tế dựa trên cơ sở “chân lý thuộc về kẻ mạnh. Ông Lý cũng lưu ý rằng ASEAN đã gặp khó khăn trong việc đưa ra một lập trường chung về vấn đề Biển Đông, “Nếu ASEAN không thể giải quyết một vấn đề lớn trước cửa nhà mình, về lâu dài, điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các thành viên của khối”.

+ Indonesia:

Indonesia tích cực tham gia giải quyết tranh chấp Biển Đông. Phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngày quốc khánh Indonesia hôm 16/8, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố: “Indonesia sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào giải quyết xung đột ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế.” Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir ngày 18/8 khẳng định việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng Indonesia muốn quá trình này được diễn ra sớm. Ông Nasir cũng nói thêm rằng mặc dù Indonesia không phải là một bên tranh chấp, nhưng nước này muốn thể hiện vai trò tiên phong trong ASEAN thúc đẩy đàm phán và giải quyết các tranh chấp liên quan.

Indonesia dự kiến thay đổi cách gọi Biển Đông. Indonesia sẽ thay đổi cách gọi vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh quần đảo Natuna từ Biển Đông thành biển Natuna. Người đứng đầu cơ quan chống đánh bắt trái phép của Indonesia, ông Ahmad Santosa hôm 17/8 cho biết Indonesia sẽ đưa đề xuất này lên Liên Hợp Quốc và nếu không nước này phản đối, vùng biển nói trên sẽ đổi tên thành biển Natuna. Thị trưởng Natuna ông Hamid Rizal cho rằng việc thay đổi cách gọi nhằm giúp người dân nhận thức rõ vùng biển đó thuộc chủ quyền của Indonesia và giúp ngăn chặn các hoạt động đánh bắt trái phép.

Indonesia tiếp tục đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép. Theo quan chức thuộc Bộ Thủy sản Indonesia ông Mas Achmad Santosa, cơ quan này hôm 17/8 đã “đưa ra danh sách 60 tàu” sẽ bị đánh chìm ở tám địa điểm, “Đây là một món quà (cho Indonesia) và thể hiện sự kiên định trong việc thực thi pháp luật.” Đây được xem là một động thái nhằm đẩy mạnh chiến dịch ngăn chặn ngư dân nước ngoài đánh bắt trộm vùng biển của Indonesia.

+ Mỹ:

Đội hình máy bay tác chiến của Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Đội hình bay gồm ‘Pháo đài bay’ B-52, máy bay ném bom chiến lược có tốc độ siêu thanh B-1 Lancer và máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit, tại Căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, hôm 17/8 lần đầu phối hợp tác chiến ở Biển Đông và khu vực Đông Bắc Á. Theo Tướng Douglas Cox, chỉ huy Phi đội 36, cuộc tuần tra nhằm khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc duy trì an ninh thế giới và thể hiện khả năng của quân đội Mỹ trong việc triển khai lực lượng phòng ngự chiến lược.

Quan hệ các nước

Trung Quốc - ASEAN tái khẳng định giải quyết tranh chấp bằng đối thoại. Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc họp các quan chức cấp cao của hai bên về việc thực thi DOC ở Biển Đông, diễn ra hai ngày 15 và 16/8 ở Mãn Châu Lý, một thành phố cảng ở miền Bắc Trung Quốc. Hai bên nhất trí tiếp tục thực thi DOC và tái khẳng định các kế hoạch: giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, quản lý bất đồng dựa trên một khuôn khổ nguyền tắc của khu vực, tăng cường hợp tác biển. Hai bên đã nhất trí vào giữa năm 2017 sẽ hoàn tất việc xây dựng bộ khung cho COC. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng các bên cũng đã thông qua những đường hướng căn bản cho việc thiết lập đường dây nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra trên Biển Đông. Các văn kiện về đường dây nóng và về việc xử lý các tình huống va chạm bất ngờ trên biển sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào đầu tháng 9 để thông qua.

Việt Nam - Indonesia lập đường dây nóng xử lý sự cố trên biển. Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti, đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại đảo Natuna, Indonesia từ ngày 17-18/8. Theo thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp, hai bên thừa nhận những vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, hai nước không để những vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ song phương vốn có. Việt Nam và Indonesia cũng đã soạn thảo Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong ngư nghiệp và thủy sản, thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc đột xuất xảy ra trên biển. Biên bản ghi nhớ sẽ được ký vào giữa tháng 9/2016.

Việt - Trung cần kiểm soát tốt các bất đồng trên biển. Chiều 17/8, trong buổi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên biển thời gian gần đây, hai bên cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù họp với luật pháp quốc tế; không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ở Biển Đông; cùng các nước ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC. Đại sứ Hồng Tiểu Dũng bày tỏ mong muốn hai bên kiểm soát tốt các bất đồng về các vấn đề trên biển; không để những vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục mối quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước.

Phân tích và đánh giá

Trung Quốc có thể thực hiện hành động lớn ở Biển Đông vào tháng tới” của  Harry Kazianis

Nếu như Trung Quốc đang "ủ mưu" thay đổi hoàn toàn hiện trạng của Biển Đông bằng cách tiếp tục cải tạo bãi cạn Scarborough, thực thể nằm trong EEZ của Philippines, thì thời điểm diễn ra động thái này có thể vào khoảng đầu tháng 9 tới, sau khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, và trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 8/11.

Khi Hội nghị G-20 được tổ chức tại Hàng Châu vào tháng 9 tới, hòa bình khu vực sẽ là chủ đề chính trong Hội nghị thượng đỉnh lần này và Trung Quốc sẽ kiềm chế không tiến hành kế hoạch cải tạo tại Biển Đông. Một lý do khác khiến Trung Quốc ấp ủ âm mưu này lâu hơn là Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ khi các phương tiện thông tin truyền thông Mỹ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và không đề cập đến bất kỳ động thái leo thang nào ở Biển Đông, nhờ đó vấn đề biển Đông sẽ bị chôn vùi và ít được thế giới quan tâm.

Tuy nhiên, hiện cũng có một lý do khác nữa (theo một nguồn tin giấu tên) rằng hiện nay, Trung Quốc đang chìa "củ cà rốt" đối với chính quyền mới ở Manila để sớm đạt được thỏa thuận về cách giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, đồng thời gây áp lực đối với tân Tổng thống Rodrigo Duterte bằng việc triển khai một số lượng lớn các tàu lớn xung quanh bãi cạn với tín hiệu rằng Trung Quốc đang sẵn sàng thực hiện cải tạo, bồi đắp bãi cạn Scarborough với hành động kiên quyết và mạnh dạn. Ngược lại, việc Philippines bổ nhiệm cựu Tổng thống Fidel Ramos làm đặc phái viên trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nhất là hai bên vừa kết thúc các cuộc thảo luận tại Hong Kong, được mô tả như một "hành động phá băng" trong quan hệ giữa hai nước sau phán quyết của Tòa. Tuy nhiên, còn một lý do khác cho kế hoạch hung hăng của Bắc Kinh là nước này muốn tiến hành một động thái mạnh trong thời gian này là nhằm gây áp lực đối với Manila để đạt được giải quyết tranh chấp có lợi cho Trung Quốc hoặc "ép" Philippines có sự nhượng bộ với các điều kiện của Bắc Kinh. Với những hình ảnh được đăng tải gần đây ghi lại cảnh số lượng lớn tàu Trung Quốc và các máy bay ném bom tuần tra trên khắp Biển Đông, dường như Trung Quốc đang phát tín hiệu sẵn sàng cho một hành động mạnh bạo và kiên quyết hơn. 

Điều quan trọng nhất trong thời điểm này là Washington cần phản ứng như thế nào với "những đám mây đang góp thành bão" trên Biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần tiếp tục nhấn mạnh rõ ràng quan điểm rằng hoạt động cải tạo ở bãi cạn Scarborough là một sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc và đưa ra tín hiệu rằng Mỹ sẽ có những động thái, hành động kiên quyết và mang tính bước ngoặt cho vấn đề Biển Đông, nếu Trung Quốc tiếp tục có hành vi hung hăng tại bãi cạn Scarborough nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung. Tuy nhiên, hiện Chính quyền Obama còn rất ít thời gian nên khó có thể đưa ra những phản ứng cứng rắn đối với Trung Quốc. Đây có thể là lý do chính mà Bắc Kinh coi là thời điểm lý tưởng để "chốt lời" ở Biển Đông.

Ẩn sau những mâu thuẫn về chính sách Biển Đông của Indonesia” của Muhamad Arif

Để hiểu được hành vi mâu thuẫn này đòi hỏi phải có một cái nhìn sâu hơn về tình hình chính trị trong nước của Indonesia ảnh hưởng tới các yếu tố cấu thành chính sách đối ngoại và an ninh của nước này. 

Sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và sau khi Trung Quốc tăng trưởng kinh tế, phát triển quân đội cũng như mở rộng hoạt động ở Biển Đông đòi hỏi phải có một phản ứng từ Indonesia. Vị trí địa lý đặt Indonesia ngay ở ngã tư lợi ích của các nước lớn cũng đòi hỏi nước này phải rất chú ý đến an ninh khu vực. Với những lợi ích kinh tế đầy hứa hẹn, thực tế địa lý này cũng khiến cho Indonesia dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Do đó, cho đến ngày nay, Indonesia lúc nào cũng nhận thức rõ ràng về mối đe dọa tiềm ẩn của các thế lực bên ngoài. 

Ngoài những áp lực mang tính hệ thống, những đặc điểm nội bộ của các quốc gia có tác động đến việc hình thành chính sách an ninh và đối ngoại và thời điểm công bố chính sách. Bản chất mâu thuẫn trong những chính sách gần đây của Indonesia trong vấn đề Biển Đông phải được xem xét kết hợp với các yếu tố ở trong nước này. 

Việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu cốt lõi trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Jokowi. Do đó, người ta đang được chứng kiến Indonesia tăng tốc hiện đại hóa quân đội và phát triển quân đội theo hướng mới với những hệ thống vũ khí tinh vi nhất được triển khai tại khu vực phía Tây của nước này. 

Lập trường cứng rắn trong việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ còn được thể hiện trong chính sách "đánh chìm tàu cá". Việc ngư dân và các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc xâm nhập EEZ tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản nhất của Tổng thống Jokowi. Phần quyết đoán trong chính sách của Indonesia đối với Biển Đông xuất phát từ thực tế này. 

Tuy nhiên, ông Jokowi không thể phát động một cuộc tấn công toàn diện chống lại Trung Quốc để bảo vệ quyền chủ quyền của Indonesia. Thay vào đó, ông phải cân bằng mối lo ngại an ninh quốc gia với lợi ích kinh tế. Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng lớn của Indonesia đối với đầu tư nước ngoài để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, ông Jokowi vì thế phải duy trì mối quan hệ thân mật với Bắc Kinh. Hơn nữa, việc khiêu khích Trung Quốc và khiến nước này hành động hiếu chiến hơn sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực và có hại cho chương trình phát triển kinh tế trong nước của ông Jokowi. Lo lắng của Indonesia trước sự hiện diện tích cực hơn của Mỹ trong khu vực, và sự miễn cưỡng của nước này đảm nhận vai trò lãnh đạo ASEAN cần được nhìn nhận trong bối cảnh này. Tóm lại, lợi ích lâu dài của Indonesia là phải cân bằng giữa lợi ích của các nước lớn trong khu vực. 

Việc duy trì an ninh khu vực và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích chiến lược cốt lõi của Indonesia từ những ngày đầu của nền cộng hòa này.

Trung Quốc có thể ‘bịt miệng’ Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông?” của Wang Jin

Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sắp tới là cơ hội duy nhất để Trung Quốc bày tỏ “thiện chí” là một quốc gia có trách nhiệm. Chuẩn bị cho hội nghị này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tuần trước (12-13/8) nhằm thúc đẩy một chiến lược truyền thông với phía Ấn Độ.

Do tầm quan trọng của G-20, Bắc Kinh đã bỏ ra rất nhiều tiền để chuẩn bị. Trong nước, Trung Quốc đã chi gần 100 tỷ USD (theo báo cáo ngân sách của Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính) để xây dựng sân vận động, phục vụ các chuyến đi thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế quốc tế và tu sửa cơ sở hạ tầng. 

Trung Quốc đã thực hiện chiến lược ngoại giao kiểu “cây gậy và củ cà rốt” đối với Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng Vương Nghị đã kết nối G-20 ở Hàng Châu với BRICS sắp được tổ chức ở Goa, Ấn Độ, cho thấy Trung Quốc có thể tính toán chiến lược “ăn miếng trả miếng” đối với Ấn Độ; nếu Ấn Độ đưa vấn đề Biển Đông tại G-20, Trung Quốc sẽ “đáp trả” Ấn Độ tại BRICS. Đây chính là “cây gậy” giành cho Ấn Độ. Còn củ “cà rốt”, ông Vương đã hứa với Ấn Độ sẽ hỗ trợ nước này trở thành thành viên của nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), đổi lại Ấn Độ không đề cập vấn đề Biển Đông tại G-20 sắp tới.

Tuy nhiên, chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” có thể không đảm bảo cho sự im lặng của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông tại G-20. “Cây gậy” của Trung Quốc có thể vô tác dụng, dù nước này đã đề cập đến việc “ăn miếng trả miếng”, song thực tế Trung Quốc không đủ lực để gây chia rẽ tại BRICS, nơi cũng được xem là diễn đàn để Trung Quốc thúc đẩy hình ảnh và vị trí của mình trên thế giới. Trung Quốc thiếu một ảnh hưởng đủ mạnh để kiểm định Ấn Độ. Mặc dù, Ấn Độ cần Trung Quốc giúp đỡ trong các cuộc đụng độ với Pakistan ở Kashmir, nhưng Trung Quốc cũng cần hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ trong các vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng và khủng bố ở Tân Cương.

“Củ cà rốt” của Trung Quốc đối với Ấn Độ dường như không quá hấp dẫn. Tham gia NSG là quan trọng đối với tham vọng rất lớn của Ấn Độ, tuy nhiên Biển Đông là cơ hội để liên minh với các nước trong khu vực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc qua chính sách “Một vành đai, Một con đường”. Một Ấn Độ phát triển đã nhận ra Trung Quốc là mối đe dọa khiến New Delhi tăng cường sức mạnh quân sự, quan hệ với các đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Quốc tế đã ủng hộ việc kiềm chế tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc, nên rất có thể Ấn Độ sẽ đề cập tới chủ đề này tại G-20 cùng Mỹ và các nước khác. 

Vấn đề Biển Đông là một chủ đề nóng ở châu Á-Thái Bình Dương, do đó gần như chắc chắn sẽ được đề cập và thảo luận tại G-20 sắp tới. Trung Quốc đã nỗ lực đảm bảo sự im lặng của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông bằng “cây gậy và củ cà rốt”, nhưng thực tế Trung Quốc đang thiếu một công cụ hiệu quả để giữ sự im lặng của Ấn Độ.

Thế kẹt của Hàn Quốc giữa những biến chuyển địa chính trị ở Đông Bắc Á xã luận của Stratfor

Trong 2 thập niên qua, sự nổi lên của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng với đó là sự tăng cường sức mạnh quân sự, đã định hình lại bức tranh Đông Á, buộc các nước láng giềng của Trung Quốc - cũng như các nước xa xôi hơn - phải cân nhắc lại những quan điểm và mối quan tâm của mình trên trường quốc tế.

Nằm ở vị trí trọng tâm của quá trình thay đổi này là Hàn Quốc. Nhờ sức mạnh kinh tế khá lớn, vị trí và và tiềm lực quân sự, Seoul có thể tự do hành động và đưa ra những lựa chọn chiến lược. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản và Mỹ đều không "dám" chọc giận Hàn Quốc bởi lẽ làm như vậy sẽ khiến quốc gia này bắt tay với đối thủ của mình. Đồng thời, không nước nào có thể chỉ đạo được hành vi của Seoul. Do đó Hàn Quốc có nhiều cơ hội để cân bằng mối quan hệ của họ với từng quốc gia bất luận những nước này là đối thủ của nhau.

Cho tới nay, Seoul đã thành công trong việc khéo léo cân bằng các mối quan hệ. Hàn Quốc đã duy trì và thậm chí củng cố được mối quan hệ hợp tác quân sự và ngoại giao với Mỹ, bằng chứng là thỏa thuận gần đây triển khai Hệ thống tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên. Nước này đang có những bước đi thận trọng để hòa giải với Nhật Bản nhằm mở đường cho mối quan hệ song phương thân thiện hơn đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ tay ba với Nhật Bản và Mỹ. Đồng thời, Hàn Quốc cũng tìm cách cân bằng những mối quan hệ này với nhu cầu duy trì quan hệ kinh tế mạnh mẽ và quan hệ chính trị ổn định với Bắc Kinh.

Đổi lại, Bắc Kinh phải kiềm chế phản ứng của mình trước những diễn biến như quan hệ Hàn-Nhật ấm lên hay thỏa thuận triển khai THAAD, để không làm chọc giận Hàn Quốc. Trung Quốc đã đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế do vụ triển khai THAAD, tuy nhiên Bắc Kinh thừa nhận rằng họ gần như không thể làm gì để ngăn cản Hàn Quốc củng cố quan hệ quốc phòng với Mỹ để đối phó với những hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Hàn Quốc duy trì quan hệ tích cực về cơ bản với cả ba cường quốc có ảnh hưởng lớn tại châu Á, và nhờ vậy nước này gặt hái được nhiều lợi ích về kinh tế, ngoại giao và quân sự trong suốt thập niên qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình địa chính trị tại Đông Bắc Á đang nóng lên, Seoul sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng tế nhị này. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì được sức mạnh chính trị và kinh tế như hiện tại, nước này sẽ chỉ càng trở nên quyết đoán hơn nữa trong việc theo đuổi những lợi ích tại khu vực trong những năm tới. Và chừng nào, Trung Quốc còn tiếp tục trỗi dậy, Nhật Bản và Mỹ sẽ chỉ càng tăng gấp đôi những nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh. Những động lực trong khu vực này sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ngầm trên chính trường và xã hội Hàn Quốc: Phần đông người dân nước này vẫn còn oán hận sâu sắc Nhật Bản và hoài nghi những ý đồ của Trung Quốc và Mỹ.

Trong bối cảnh những thay đổi kể trên, không rõ Chính phủ Hàn Quốc có thể tiếp tục, và nếu có thì sẽ bằng cách nào, duy trì được chính sách ngoại giao “đi trên dây” của mình.

Cảnh báo về cuộc chiến “dữ dội” khi tiềm năng quân sự Trung quốc tiếp cận được Mỹ” của Brendan Nicholson

Tập đoàn phân tích RAND cho biết ngay cả một cuộc chiến tranh hạn hẹp giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và tàn phá khu vực, cảnh báo rằng cần phải làm gì đó nhiều hơn để để cuộc chiến này không thể xảy ra. Các báo cáo được công bố gần đây tại thời điểm Trung Quốc muốn đầu tư vào một số mạng lưới điện của Úc, theo chính sách đối ngoại mở rộng hung hăng của Bắc Kinh dưới thời Tập Cận Bình, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Nhà phân tích chiến lược Paul Dibb trả lởi phỏng vấn báo The Australian ngày 14/8 về một cuộc xung đột Mỹ - Trung có thể bùng nổ một cách ngẫu nhiên và trong một cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh có thể không xem xét đến chi phí can thiệp vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Canberra. Báo cáo của Tập đoàn Rand nói cả Mỹ và Trung Quốc đã tập trung vào việc làm thế nào để giành chiến thắng một cuộc chiến tranh giữa hai siêu cường, mà không chú ý đến những thiệt hại về kinh tế và chính trị sẽ gây ra hoặc là hậu quả của việc phá vỡ trật tự thế giới. Báo cáo “Chiến tranh với Trung Quốc: nghĩ thấu đáo điều không thể nghĩ” dự đoán rằng Mỹ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này vì có thế mạnh về công nghệ nhưng lợi thế này lại bị giảm rất đáng kể bởi sự tiến bộ của Trung Quốc trong vòng 10 năm qua.

Mỹ đã chi tiêu cho quân sự khoảng 610 tỷ USD, gần gấp ba lần Trung Quốc, nhưng quân đội Trung Quốc có 1,6 triệu, gần gấp ba lần Mỹ với 540.000 binh sĩ . Nếu như ngày bây giờ thực sự có cuộc xung đột xảy ra giữa Mỹ và Trung quốc thì quân đội của cả hai bên sẽ chịu nhiều tổn thất, mặc dù người Mỹ sẽ bị tổn thất ít hơn.

Rand nhấn mạnh rằng họ không dự đoán một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng những căng thẳng luôn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc trong một số vấn đề ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông có thể tạo ra cuộc xung đột ngoài tầm kiểm soát.

Cụ thể hơn, Bắc Kinh có thể đánh giá thấp sự sẵn sàng can thiệp của Mỹ nếu Trung Quốc cố gắng đe dọa các nước láng giềng như Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Báo cáo của Rand nói, trong khi Mỹ phải lập kế hoạch để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc, Mỹ cũng phải xem xét làm thế nào để hạn chế chiến tranh và các chi phí liên quan. Một cuộc chiến tranh như vậy sẽ được tiến hành chủ yếu bằng chiến hạm nổi và tàu ngầm, máy bay và tên lửa, vệ tinh và không gian mạng.

Mặc dù một cuộc chiến tranh sẽ gây tổn hại đến các nền kinh tế, thiệt hại của nền kính tế Trung Quốc sẽ còn tồi tệ hơn, đặc biệt là thương mại với các nước trong khu vực và nền kinh tế của các nước khác trên thế giới sẽ sụt giảm đáng kể. Các nhà phân tích cho biết nghiên cứu của họ là nhằm mục đích hoạch định chính sách Mỹ, nhưng họ đang rất quan tâm đến Trung Quốc. Mỹ nên đảm bảo rằng người Trung Quốc đặc biệt nhận thức được kết quả thảm khốc ngay cả khi nếu cuộc chiến tranh không bị thua về mặt quân sự./.