Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Máy bay quân sự của Trung Quốc lần đầu tiên hạ cánh ở đá Chữ Thập. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 18/4 công khai thừa nhận hải quân nước này đã cử một máy bay  máy bay quân sự, đang làm nhiệm vụ tuần tra, tới đá Chữ Thập vào sáng qua (17/4) để đưa 3 công nhân bị bệnh tới bệnh viện trong đất liền. Thông tin về loại máy bay hạ cánh xuống đá Chữ Thập không được Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiết lộ nhưng nhiều khả năng đây là một chiếc máy bay vận tải Y-8. Như vậy, đây là lần đầu tiên một máy bay quân sự của Trung Quốc hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập.

Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với Ấn Độ. Ngày 18/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Ấn Độ đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Sushma Swaraj. Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và n Độ là hai quốc gia đang phát triển trên thế giới và cũng là hai thị trường mới nổi nên cần hợp tác với nhau thông qua liên kết các chiến lược phát triển. Hai nước cần thể hiện vai trò trong thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, cũng như hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia trên thế giới. Về phần mình, Ngoại trưởng Swaraj tuyên bố Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa vì lợi ích của nhân dân và chính phủ hai nước.

Trung Quốc bao biện việc đưa máy bay quân sự ra Trường Sa. Về việc PLA đáp một máy bay quân sự xuống đá Chữ Thậpvào chủ nhật tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố: PLA sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho người dân gặp nạn. Đây là truyền thống tốt đẹp của PLA và không có gì ngạc nhiên khi điều này diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc.” Về việc Mỹ thúc giục Trung Quốc không triển khai máy bay quân sự tới các đảo tranh chấp ở Biển Đông, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh hôm 19/4 cho hay: “Chúng tôi không hiểu tại sao Bộ Quốc phòng Mỹ lại đưa ra những bình luận như vậy. Chúng tôi từng tuyên bố máy bay này tới Đá Chữ Thập để đưa 3 công nhận bị ốm tới Tam Á. Việc máy bay quân sự tham gia vào các hoạt động cứu trợ thiên tai, hoặc hỗ trợ nhân đạo là hoạt động bình thường trên thế giới.” Về phát biểu của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire hôm 18/4 tại CSIS rằng phán quyết của tòa có tính ràng buộc đối với tất cả các bên, bà Hoa hôm 20/4 tuyên bố: “Tuyên bố của ông Swire không quan tâm đến thực tế và vi phạm nghiệm trọng cam kết của Anh là không đứng về bên nào trong tranh chấp. Trung Quốc hết sức thất vọng về điều này.” Về việc ứng cử viên Tổng thống của Philippines ông Rodrigo Duterte hôm 29/2 từng tuyên bố nếu Trung quốc đồng ý hỗ trợ Philippines xây dựng hệ thống đường sắt hoặc cơ sở hạ tầng khác thì ông sẵn sàng “tạm gác tranh chấp” nếu trở thành Tổng thống, bà Hoa hôm 21/4 khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy trong nội bộ Philippines cũng có những quan điểm đánh giá lại, cho rằng các chính sách của Manila những năm qua không phù hợp với lợi ích của người dân nước này. Trung Quốc xem trọng phát triển quan hệ với Philippines, kỳ vọng chính phủ mới của họ sẽ thực thi chính sách đối ngoại với Trung Quốc tích cực hơn, xử lý ổn thỏa các tranh chấp nhằm cải thiện quan hệ song phương bằng hành động thực tế.” Về phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm 21/4 tại Việt Nam rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và tăng cường hoạt động quân sự hóa khu vực đã đặt câu hỏi lớn về ý định thực sự của Trung Quốc, bà Hoa hôm 22/4 cho hay: “Mỹ tiếp tục đặt vấn đề về ý định của Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này cần làm rõ động cơ thực sự sau những hành động thổi phồng căng thẳng trên Biển Đông. Mỹ không phải bên liên quan đến tranh chấp, vậy nên Mỹ cần thận trọng trong các lời nói và hành động, đóng vai trò tích cực và trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định khu vực.

Trung Quốc xác nhận thử tên lửa đạn đạo gần Biển Đông. Về thông tin Trung Quốc đã phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa DF-41 hôm 12/4 ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 21/4 cho hay, “Việc thực hiện các thử nghiệm khoa học trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc là điều bình thường và không nhằm vào bất kì một nước nào hay một mục tiêu nào. Địa điểm thử nghiệm mà truyền thông đưa tin hoàn toàn là phỏng đoán.”

Trung Quốc khánh thành thư viện tại đảo Phú Lâm. Thư viện phi pháp trên. khánh thành vào ngày 21/4. được xây dựng bên trong một trường học tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tập đoàn xuất bản Trung Quốc ngày 21/4 cũng ký thoả thuận tặng 13.000 cuốn sách, tổng trị giá 300.000 NDT  cho trường học này. Nhà xuất bản này cũng cam kết gửi thêm sách đến đây mỗi năm. Tân Hoa xã cho hay thư viện trên tạm thời được đặt tại trường học này đến khi chính quyền xây một thư viện khác.

Trung Quốc dự tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên biển. Tờ Global Times hôm 22/4 cho biết nhà máy điện hạt nhân trên biển có thể di chuyển tới những khu vực hẻo lánh và cung cấp nguồn điện ổn định. Theo người đứng văn phòng tổng hợp của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC), công ty chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên biển, cho hay, “Nhà máy điện hạt nhân trên biển là một xu hướng đang phát triển. Số lượng nhà máy điện công ty sẽ xây dựng còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Tuy nhiên công việc đang được xúc tiến.”

Trung Quốc khẳng định cần giải quyết song phương tranh chấp biển. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/4 sau khi kết thúc chuyến thăm Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương cho hay cả Trung Quốc và Brunei có lợi ích chung đối với hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Trong chuyến thăm lần này, ông Vương đã trao đổi cặn kẽ với Brunei về tình hình Biển Đông và hai bên đã đạt được một số đồng thuận. Hai bên cho rằng cần giảm bớt sự can thiệp, vượt qua khó khăn và tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận “hai kênh”. Đây là cách tiếp cận thực tế và có thể thực hiện được nhằm giải quyết thỏa đáng tranh chấp Biển Đông. Theo ông Vương, cách tiếp cận “hai kênh” lần đầu tiên là do Brunei đề xuất. Cũng trong ngày 22/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và người đồng cấp Campuchia Prak Sokhon, hai bên đã thống nhất tranh chấp biển cần giải quyết hòa bình giữa các bên liên quan trực tiếp thông qua tham vấn, đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế và DOC ở Biển Đông. Campuchia ủng hộ lập trường và quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tiếp đó hôm 23/4, ông Vương tuyên bố Trung Quốc đã đạt được một đồng thuận gồm 4 điểm trong vấn đề Biển Đông với các nước Brunei, Lào, Campuchia: (i) tranh chấp Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để ảnh hưởng đến việc phát triển quan hệ hai bên; (ii) quyền lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp theo luật pháp của mỗi nước cần phải được tôn trọng; (iii) tranh chấp cần giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan; (iv) các quốc gia ngoài khu vực có thể đóng vai trò tích cực trong vấn đề này. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23/4 cũng cho hay, trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, ông Vương Nghị cho hay  hai bên cho rằng tranh chấp biển không nên ảnh hưởng đến quan hệ của ASEAN – Trung Quốc. Lào hiểu tuyên bố về quyền loại trừ của Trung Quốc theo điều 298 của UNCLOS. Hai bên ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, theo điều 4 của DOC, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 21/4, về việc Trung Quốc đưa máy bay Y8 ra đá Chữ Thập, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Đây là diễn biến mới làm phức tạp tình hình Biển Đông. Mọi hoạt động của nước ngoài ở khu vực này, dù với bất kỳ lý do gì mà không được phép của Việt Nam, đều phi pháp. Ngày 20/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.” Về thông tin Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung Quốc Phạm Trường Long ra đá Chữ Thập, dự kiến đưa phóng viên ra đảo Phú Lâm và tuyên bố sẽ mở tuyến hàng không dân dụng từ đảo Hải Nam ra đảo Phú Lâm, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại trước thông tin này. Những hoạt động nêu trên đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, trái với tinh thần DOC và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.”

+ Philippines:

Philippines lên án Trung Quốc đáp máy bay quân sự xuống đá Chữ Thập. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines ông Peter Paul Galvez hôm 21/4 tuyên bố: “Đây chắc chắn là hành động khiêu khích bởi vì chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình, ngoại giao và UNCLOS. Chúng tôi sẽ kiên trì lập trường nàyhy vọng Tòa Trọng tài sẽ sớm đưa ra phán quyết để có thể tránh những vụ việc như vậy”. Theo ông Galvez, “Trung Quốc đã không giữ lời. Họ nói không có hoạt động quân sự nào nhưng rõ ràng ngược lại.”

+ Campuchia:

Campuchia ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/4 với người đồng cấp Trung Quốc đang ở thăm nước này, Tân Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Về tranh chấp Biển Đông, ông Sokhon tuyên bố: “Campuchia vẫn giữ quan điểm trung lập. Quan điểm của Campuchia là kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Nếu tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc này giống như Campuchia thì chúng ta đã không gặp phải rắc rối.” Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, “Chúng tôi quan ngại việc một số cường quốc đang sử dụng tranh chấp Biển Đông để tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực. Hành động này không có lợi cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

+ Malaysia:

Malaysia khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Phát biểu tại phiên bế mạc “Diễn đàn Putraya 2016” ngày 19/4, Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi nhấn mạnh cần phải có sự phối hợp hành động của tất cả các nước ASEAN trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, ngoài việc xác định ASEAN là nhân tố chính, cũng cần phải tiếp tục có sự can dự có tính xây dựng của các cường quốc khu vực và ngoài khu vực. Phó Thủ tướng Hamidi cho rằng ASEAN cần phải tiếp tục đóng vai trò tiên phong như là động lực chính và duy trì vai trò trung tâm trong cơ chế quốc phòng và an ninh khu vực. Mặc dù khẳng định phương thức làm việc đồng thuận và tôn trọng lẫn nhau của ASEAN thời gian qua đã giúp cho ASEAN tránh được các xung đột và căng thẳng không cần thiết, song Phó Thủ tướng Hamidi cho rằng ASEAN nên tìm kiếm các phương thức bổ sung nhằm đối phó với một môi trường an ninh ngày càng phức tạp và đầy biến động.

Malaysia bắt giữ tàu cá cùng 14 ngư dân Việt Nam. Giám đốc Cơ quan thực thi luật biển Malaysia (MMEA), Đại tá Nurul Hizam Zakaria cho biết tàu tuần tra của MMEA đêm 17/4 đã bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam cùng với 14 ngư dân khi con tàu này đang thực hiện hoạt động đánh bắt trái phép cách bờ biển Tok Bali, bang Kelantan khoảng 75,6 hải lý. Phát biểu tại cuộc họp báo tại thị trấn Pasir Putih, ông Nurul Hizam cho biết qua kiểm tra, thuyền trưởng đã không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Các ngư dân, tuổi từ 23-58, sẽ bị tạm giam trong 14 ngày, bắt đầu từ 18/4, để phục vụ công tác điều tra.

Malaysia trang bị 20 xuồng chiến đấu cho lực lượng bảo vệ biển. Lễ bàn giao xuồng mẫu diễn ra hôm 20/4 tại Triển lãm hàng không châu Á với sự có mặt của Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Malaysia, Tướng Zulkefli Mohd Zin. Công ty MRI Technologies Malaysia Sdn Bhd là đơn vị cung cấp số xuồng chiến đấu nói trên. Theo Tướng Zulkefli, các xuồng chiến đấu trị giá 20 triệu RM (5,15 triệu USD) này sẽ được bố trí tại các vị trí chiến lược trên vùng biển bang Sabah, gồm Sandakan, Kudat và Semporna.

+ Mỹ:

Mỹ phản đối máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh trên đá Chữ Thập. Trong một tuyên bố gửi cho CNN, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Đại úy Jeff Davis cho hay, “Chúng tôi biết một máy bay quân sự Trung Quốc đã hạ cánh tại đá Chữ Thập vào hôm 17/4. Không rõ vì sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự chứ không phải là máy bay dân sự. Mỹ hối thúc Trung Quốc tái khẳng định nước này không có kế hoạch triển khai và luân chuyển máy bay quân sự tại các tiền đồn ở Biển Đông, nhằm giữ đúng các cam kết của họ trước đây”. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/4, người phát ngôn John Kirby cho hay: “Mỹ tiếp tục khẳng định việc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông là không giúp ích cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Chúng tôi không hiểu tại sao PLA lại lựa chọn loại máy bay đặc biệt này cho hoạt động đó. Thật khó để lý giải. Chúng tôi nhấn mạnh việc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông là không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực."

Mỹ tiếp tục chỉ trích hành động đơn phương trên biển của Trung Quốc. Trong bài phát biểu về sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Đại học Nam California hôm 22/4, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố Mỹ không yêu cầu Trung Quốc từ bỏ các yêu sách chủ quyền trên biển, nhưng yêu cầu nước này từ bỏ những hành động đơn phương, gây mất ổn định, làm thay đổi hiện trạng trong khu vực. Mỹ không phản đối Trung Quốc thực thi các quyền trên biển nhưng kêu gọi Trung Quốc làm rõ các yêu sách Biển Đông, theo đúng luật pháp quốc tế và chấp nhận các quốc gia khác thực hiện những quyền tương tự. Mỹ không tìm cách làm suy giảm lợi ích của Trung Quốc, nhưng không cho phép Trung Quốc làm suy giảm lợi ích các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ. Ông Russel cho rằng Trung Quốc đang ngăn chặn tự do hàng hải, cản trở thương mại trên biển, cưỡng ép, đe doạ sử dụng vũ lực với các nước láng giềng, quân sự hoá khu vực, ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Ông Russel hy vọng phán quyết của toà Trọng tài sẽ giúp thu hẹp tranh chấp, giảm căng thẳng và tạo điều kiện cho các bên tranh chấp có cơ hội thảo luận, tìm giải pháp cùng phát triển.

Chiến đấu cơ Mỹ tuần tra gần Bãi cạn Scarborough. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ hôm 22/4 cho hay sáu chiến đấu cơ của Mỹ, 4 chiếc A-10 Thunderbolt và HH6 Pave Hawk, đã cất cánh từ căn cứ không quân Clark trên đảo Luzon (Philippines) hôm 19/4, bay tuần tra trong không phận quốc tế gần bãi cạn Scarborough. Đại tá Larry Card, chỉ huy đơn vị không quân cho hay, “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo các tuyến hàng không và đường biển luôn rộng mở theo đúng luật pháp quốc tế. Đây là điều hết sức quan trọng bởi kinh tế toàn cầu cũng như tự do thương mại phụ thuộc vào khả năng lưu thông hàng hóa một cách tự do.” Đây là số chiến đấu cơ Mỹ để lại Căn cứ Không quân Clark của Philippines sau khi cuộc tập trận thường niên Balikatan kết thúc. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines ông Philip Goldberg hôm 18/4 cho hay Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines một khinh khí cầu giám sát để theo dõi các hoạt động trên biển. Đồng thời, Washington sẽ cung cấp cho nước này các trang thiết bị thông tin liên lạc, radar, cảm biến có tổng trị giá 42 triệu USD, “Chúng tôi sẽ giúp họ gắn các cảm biến trên tàu và vận hành một khinh khí cầu trên không tđể giám sát mọi hoạt động trên Biển Đông”. Hai nước cũng đã thống nhất xây dựng một hệ thống “thông tin an toàn và tối mật”, một phần trong kế hoạch an ninh 5 năm của Washington ở Đông Nam Á với trị giá 425 triệu USD. Manila sẽ nhận khoảng 120 triệu USD viện trợ quân sự từ Washington trong năm nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Sáng 21/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã có bài diễn văn trước hàng nghìn sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Về tranh chấp biển, Thứ trưởng Antony Blinken thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải của các quốc gia, “Một quốc gia trỗi dậy phải phát triển hòa bình chứ không phải là một quốc gia hiếu chiến. Nếu Trung Quốc cứ đơn phương đạt lợi ích của mình thì sẽ không có lợi cho thế giới.” Thứ trưởng Blinken cũng khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình và các đối tác trong khu vực, “Đây là khu vực có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có thế hệ trẻ sáng tạo và chúng tôi muốn có một phần ở trong đó. Chúng tôi cũng mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực.”

Mỹ không muốn chạy đua vũ trang ở Biển Đông. Ngày 24/4, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng. Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Lào, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á bà Amy E. Searight nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự quan ngại trước những căng thẳng đang tăng lên ở Biển Đông...Mỹ không mong muốn xảy ra việc chạy đua vũ trang ở Biển Đông và tôi nghĩ có thể ngăn ngừa được việc này, nhưng điều đó cần hành động có trách nhiệm của các bên liên quan.” Theo bà Searight, “Gần đây Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp và Trung Quốc là nước duy nhất tiến hành các hoạt động bồi đắp và các hoạt động khác. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không được tiến hành thêm các hoạt động bồi đắp cũng như không xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng mang tính lưỡng dụng, tức là có thể phục vụ mục đích quân sự.” 

+ Anh:

Anh khẳng định các bên phải tuân thủ phán quyết của Tòa. Phát biểu tại CSIS hôm 18/4, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire, phụ trách khu vực Đông Nam Á, cho biết phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines có tính ràng buộc với tất cả các bên. Theo ông Swire, dù cho mối quan hệ giữa Anh với Trung Quốc đã “ấm dần” và Anh đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Trung Quốc thì điều này không đồng nghĩa với việc Anh ngừng quan tâm đến những vấn đề quan trọng: “Chúng tôi muốn nói với Trung Quốc rằng, chúng tôi chỉ có thể làm việc dựa trên nguyên tắc minh bạch, cởi mở tuân thủ theo luật pháp quốc. Hệ thống luật pháp quốc tế là hệ thống mà cả thế giới phụ thuộc vào nó, chúng ta hy vọng rằng, dù cho phán quyết có đứng về bên nào đi chăng nữa thì quyết định ở The Hague phải được các bên liên quan tôn trọng”.

Quan hệ các nước

Nga - Trung phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga ông Sergey Lavrov đã có cuộc gặp hôm 18/4 trong khuôn khổ đối thoại ngoại trưởng Nga - Trung -Ấn lần thứ 14 tại Moscow. Hai ngoại trưởng đã kêu gọi giải quyết tranh chấp biển thông qua tham vấn và đàm phán. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc đang bảo vệ các quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông và nước này có quyền lựa chọn, phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan, cách thức để giải quyết tranh chấp. Bắc Kinh từ chối tham gia phiên tòa do Philippines khởi xướng nhằm bảo vệ giá trị và quyền lực của luật pháp. Theo ông Vương, Trung Quốc và Nga cần chung tay chống lại việc lạm dụng cơ chế trọng tài bắt buộc.

Việt - Trung đàm phán hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Từ ngày 19-22/4, tại Thanh Đảo, Trung Quốc đã diễn ra Đàm phán vòng 8 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Trưởng Nhóm công tác phía Việt Nam là Vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Lê Quý Quỳnh. Trưởng Nhóm công tác phía Trung Quốc là Đại diện về biên giới và biển, Bộ Ngoại giao Chu Kiện. Hai bên trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt được nhiều nhận thức chung trong việc thúc đẩy thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển đã ký kết, bao gồm nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Hô-lô-xen khu vực châu thổ sông Hồng và sông Trường Giang, hợp tác nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Việt - Trung kết thúc đợt kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ. Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 23/4, sau gần một tuần tiến hành, đợt kiểm tra liên hợp nghề cá trong Vùng đánh cá chung trên Vịnh Bắc Bộ giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc lần thứ 11 đã kết thúc tốt đẹp. Trong đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng của hai bên đã tiến hành kiểm tra các tàu cá tại khu vực đánh cá chung; tổ chức giao lưu, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.

Nga - Ấn -Trung Quốc kêu gọi giải quyết tranh chấp biển thông qua đàm phán. Ngoại trưởng ba nước Ấn Độ, Nga và Trung Quốc đã có cuộc hội đàm hôm 18/4 tại Moscow. Tuyên bố chung sau cuộc gặp khẳng định: “Ba nước cam kết duy trì trật tự trên biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Mọi tranh chấp liên quan phải được giải quyết bằng con đường đối thoại và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Trên tinh thần này, bộ trưởng ba nước kêu gọi các bên tôn trọng đầy đủ các điều khoản của UNCLOS, cũng như DOC ở Biển Đông, và nguyên tắc thực thi DOC”.

Hội nghị ADSOM+ thảo luận về tranh chấp trên Biển Đông. Ngày 24/4 tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+), với sự tham dự của các Trưởng ADSOM của 10 nước thành viên ASEAN cùng đại diện của 8 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ. Trả lời phỏng vấn với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam tại hội nghị, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng khẳng định: “Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại như các nước khác và quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là những vấn đề gì liên quan đến hai nước thì giải quyết bằng con đường song phương, bằng biện pháp hòa bình, bằng những thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được, còn vấn đề gì liên quan đến nhiều bên, nhiều nước thì phải giải quyết bằng vấn đề đa phương và phải được công khai minh bạch trước cộng đồng quốc tế theo luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS năm 1982 cũng như là các cam kết thỏa thuận tại khu vực.” Tại hội nghị lần này, Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, “kêu gọi tất cả các quốc gia cùng trao đổi và quản lý cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực và làm thay đổi hiện trạng.”

 

Phân tích và đánh giá

Cuộc tập trận Balikatan nêu bật cách tiếp cận đa phương và bảo vệ lãnh thổ” của Renato Cruz de Castro

Cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) là cuộc tập trận thường niên giữa Philippines và Mỹ nhằm nâng cao khả năng hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn và chiến tranh thông thường. Nhưng thời gian gần đây, cuộc tập trận đã trở thành đa phương do sự tham gia của Úc.

Cuộc tập trận lần này rất đáng chú ý bởi 3 lý do: (i) tập trung nhiều hơn vào bảo vệ lãnh thổ; (ii) có sự hiện diện của ba tàu Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản (JMSDF) với tư cách là quan sát viên; (iii)  trùng với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Và điều trùng hợp nữa là cuộc tập trận năm nay diễn ra trong bối cảnh Philippines và Mỹ đang chuẩn bị cho việc luân chuyển lính Mỹ tại 5 căn cứ quân sự của Philippines theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường 2014 (EDCA).

Cuộc tập trận lần này nêu bật vấn đề bảo vệ lãnh thổ, tập trung tăng cường năng lực cho Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), thúc đẩy sự phối hợp giữa hai đồng minh về an ninh biển  và duy trì ổn định khu vực. Trong cuộc tập trận lần này, AFP cũng được thử nghiệm các loại vũ khí mới. Điểm nổi bật là việc triển khai và thử nghiệm hệ thống pháo di động hạng nhẹ M142 (HIMARS) của Hải quân Mỹ. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được thử nghiệm trong cuộc tập trận Balikatan và cũng là lần đầu tiên được triển khai ở Thái Bình Dương. Với tầm bắn tối đa 300km, HIMARS là một trong những loại vũ khí mặt đất và di dộng tân tiến và mới nhất của hải quân Mỹ. Mỹ cũng triển khai một số vũ khí trên bộ và không quân nhằm hỗ trợ lực lượng mặt đất của Philippines và Mỹ mô phỏng cuộc tái chiếm lại các giàn khoan và triển khai hoạt động đổ bộ giả định lên một hòn đảo ở Biển Đông.

Cuộc tập trận lần này cũng đáng chú ý khi có sự hiện diện của tàu chiến JMSDF. Hai tàu khu trục và tàu ngầm Nhật Bản đã cập cảng Subic vào ngày 2/4 để chuẩn bị cho cuộc tập trận. Đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang rất quan tâm đến hoạt động tập trận thường niên và sẵn sàng tham gia vào cuộc tập trận năm sau.

Một điểm mới nữa đó chính là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tới Philippines để quan sát cuộc tập trận. Ông Carter là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ tới quan sát cuộc tập trận trong suốt lịch sử 32 năm của hoạt động này. Kết thúc cuộc tập trận, ông Carter tuyên bố rằng một số máy bay chiến đấu và trực thăng Mỹ sẽ vẫn duy trì hoạt động tại căn cứ không quân Clark phía bắc Manila.

Những điểm mới và nổi bật của Balikatan 2016 phản ánh bản chất thay đổi trong quan hệ đồng minh Philippines-Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Dù quan hệ đồng minh vẫn tập trung vào thách thức an ninh phi truyền thống nhưng hiện tại đang trực tiếp hướng vào vấn đề bảo vệ lãnh thổ và an ninh biển. Sự tham gia của Úc và có thể là Nhật Bản vào năm tới cho thấy các đồng minh khác của Mỹ cũng đang quan ngại về sự thay đổi này.

Chính sách Biển Đông của Malaysia: Mâu thuẫn hay thất bại nội bộ” của David Han Guo Xiong

Những phản ứng mâu thuẫn của Malaysia trước việc tàu Trung Quốc xâm nhập vào gần vùng biển Sarawak có thể phản ánh các nhân tố nội bộ trong việc hình thành chính sách Biển Đông của Malaysia. Chúng bao gồm việc thiếu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ ngành và sự cần thiết để xoa dịu những lo ngại của công chúng về các cuộc xâm nhập này.

Những quan điểm khác biệt của Malaysia ở Biển Đông

Cụ thể có ít nhất hai quan điểm tương phản nhau của Malaysia đối với tranh chấp Biển Đông. Phản ánh thứ nhất và chiếm ưu thế tập trung vào quan điểm truyền thống khá trung lập của Malaysia đối với các tranh chấp. Các phát biểu của lãnh đạo Malaysia là tìm cách tránh né công khai đối đầu và các hành động quân sự ở khu vực biển Đông. Học thuyết này cũng nhấn mạnh rằng các tranh chấp ở Biển Đông là một vấn đề của ASEAN đòi hỏi cách giải quyết thông qua ngoại giao, đối thoại, và kiềm chế sử dụng vũ lực chứ không chỉ đơn giản là vấn đề chủ quyền của Malaysia.

Ngược lại, quan điểm thứ hai thể hiện mạnh mẽ hơn trong việc diễn giải các tranh chấp Biển Đông chủ yếu về vấn đề chủ quyền của Malaysia. Ví dụ, trong một chuyến thăm tới Borneo vào tháng năm 2015, Phó Thủ tướng Zahid Hamidi phát biểu rằng Malaysia sẽ không giữ im lặng trước các cuộc xâm nhập của Trung Quốc. Đối với các cuộc xâm nhập gần đây nhất, bộ trưởng an ninh quốc gia Shahidan đã nói rõ rằng Malaysia sẽ sử dụng biện pháp pháp lý chống lại các tàu nước ngoài xâm nhập vào vùng biển Malaysia.

Nguồn gốc các phản ứng mâu thuẫn

Những nghiên cứu cho thấy các cơ quan chính phủ, các Bộ, ngành có thể có những mục tiêu và quy trình vận hành khác nhau.

Những thông điệp mâu thuẫn gần đây có thể liên quan đến việc thiếu phối hợp giữa các cơ quan chính phủ khác nhau trước các cuộc xâm nhập của tàu thuyền nước ngoài. Thực tế là, khi Cơ quan Chấp pháp trên Biển Malaysia (MMEA) và Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) bày tỏ thông điệp trái ngược nhau về các cuộc xâm nhập của tàu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Malaysia vẫn đang xác minh thông tin về cáo buộc xâm nhập.

Một yếu tố khác có thể đã ảnh hưởng đến lập trường cứng rắn hơn một chút của Malaysia là bầu không khí chính trị hiện nay ở trong nước. Trong thời gian bất ổn chính trị nội bộ của Malaysia này, bất kỳ gia tăng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền phải được giải quyết một cách nhanh chóng. Lời lẽ cứng rắn hơn về đòi hỏi chủ quyền biển của Malaysia là nhằm mục đích hướng tới dư luận trong nước hơn là ​​đối với Trung Quốc.

Không còn hài lòng với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Malaysia nhiều khả năng sẽ tiếp tục phong cách ngoại giao song phương và đa phương không đối đầu đối với những thách thức ở Biển Đông. Ngoài ra, Malaysia đã tăng cường chính sách này bằng cách đẩy mạnh bộ máy an ninh để bảo vệ yêu sách biển của mình và phát ra thông điệp mạnh mẽ hơn trước các cuộc xâm nhập. Theo một học giả người Malaysia, những tranh cãi gần đây cho thấy Trung Quốc nghiễm nhiên lợi dụng quan hệ bạn bè với Malaysia. Mặc dù có những mâu thuẫn trong phản ứng của Malaysia, các tín hiệu rõ ràng cho thấy Malaysia đã không còn hài lòng trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dự báo động thái của Trung Quốc sau vụ kiện của Philippines” của Jerome A. Cohen

Nhiều khả năng Tòa sẽ ra phán quyết về yêu sách mơ hồ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong trường hợp đó, phản ứng của Trung Quốc và các quốc gia sẽ như thế nào?

Có thể Bắc Kinh sẽ phớt lờ phán quyết và điều này sẽ gây tổn hại đến UNCLOS và cũng làm tổn hại đến chính lợi ích của Bắc Kinh vì nó càng khẳng định thêm hình ảnh về một Trung Quốc chà đạp lên luật pháp để mở rộng và khẳng định yêu sách của mình. Vẫn có hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ phán quyết nhưng điều này đòi hỏi các quốc gia liên quan ở Châu Á và cả Mỹ tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của UNCLOS; các cường quốc khác cũng cần phải gây áp lực lên Trung Quốc.

Một số cũng dự đoán rằng Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS. Tuy nhiên việc từ bỏ Công ước cũng không  giúp Trung Quốc từ bỏ được trách nhiệm của mình, và hành động cực đoan đó sẽ càng làm tổn hại một cách lâu dài hình ảnh của Trung Quốc hơn là phớt lờ phán quyết. Trung Quốc cũng sẽ đánh mất nhiều cơ hội khác để can dự vào quá trình phát triển của UNCLOS khi Công ước này có liên quan đến nhiều lợi ích quan trọng khác của Bắc Kinh.

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục bôi nhọ phán quyết thông qua các tuyên bố chính thức và không chính thức, đưa ra các tranh luận để phủ nhận thẩm quyền và giá trị của phán quyết. Nhưng điều đó chỉ càng gây tổn hại đến nỗ lực xây dựng cái gọi là quyền lực mềm của Trung Quốc.

Tuy nhiên tình thế không phải là hoàn toàn vô vộng. Kinh nghiệm cho thấy chính sách đối ngoại và quan điểm pháp lý của Trung Quốc không phải là không thể thay đổi. Nếu các quốc gia liên quan  tăng cường nỗ tìm kiếm giải pháp thông qua ngoại giao có thể sẽ đem lại kết quả.  Nếu như tất cả cùng “tấn công liên hồi” Bắc Kinh bằng việc đưa tranh chấp ra các thể chế quốc tế, thay vì chỉ dựa vào đàm phán song phương không đem lại kết quả hay dựa vào Mỹ, thì tình thế có thể đảo ngược. Các bên nên học theo Philippines và giải quyết theo UNCLOS. Điều này có tác dụng khuyến khích và hình thành nên các cuộc đàm phán có hiệu quả thực tế. Chắc chắn điều đó sẽ hình thành nên các cuộc đàm phán thực chất và công bằng dựa trên UNCLOS hơn là dựa trên sự hung hăng của sức mạnh.

Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy cho sự trỗi dậy hòa bình trong hơn thập kỷ qua và vẫn đang chứng minh rằng mình là một cường quốc có trách nhiệm và tuân thủ luật quốc tế. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nền chấp thuận phát quyết của tòa và có những hành động tạo nền tàng đàm phán tìm kiếm những giàn xếp hợp lý hơn. Đồng thời các quốc gia liên quan khác cũng cần tuân thủ đầy đủ hơn nữa luật biển quốc tế. Điều này có thể khuyến khích Trung Quốc và Mỹ xem xét lại hành động để tăng cường giá trị hệ thống của UNCLOS.

Chính sách nào phù hợp cho Mỹ ở Biển Đông” của Ashley Townshend

Theo một bài viết trên Navy Times thì trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 18/3, Cố vấn an ninh Susan Rice đã “đặt ra mệnh lệnh ‘cấm khẩu’ đối với giới lãnh đạo quân sự trong vấn đề Biển Đông” khi tuyên bố “phải giành cho tổng thống Obama và chủ tịch Tập Cận Bình ‘không gian hoạt động chính trị tối đa’…trong thời gian diễn ra Hội nghị Hạt nhân Toàn cầu”. Nhưng lý do sâu xa cho việc “bịt họng” mà theo Navy Times đưa ra, rõ ràng là nhằm “giảm tiếng nói của Đô đốc Harris và các quan chức quân sự”, điều mà chính quyền Obama cho là đã “vượt qua ranh giới và kích động Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn”. Điều này cho thấy một biểu hiện sự khác biệt trong chính sách ở Biển Đông giữa Nhà Trắng và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (UPC) từ đầu 2015.

Chính quyền và giới chính sách đối ngoại thường nghiêng về việc dung hòa giữa chỉ trích ngoại giao và hoạt động ngăn chặn ở mức tối thiểu.  Nhà Trắng đã ngăn cản UPC thực hiện “tự do hàng hải” (FONOP) trong phạm vi 12 hải lý các thực thể nhân tạo của Trung Quốc và chỉ cho phép thực hiện “qua lại vô hại”. Chính quyền Obama tập trung vào chiến lược cân bằng hành vi của Trung Quốc bằng việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ, nâng cao năng lực cho đồng minh và đối tác, làm sâu sắc hơn mối quan hệ an ninh ở khu vực. Trên hết, phía chính quyền mong muốn tạo không gian ngoại giao cho Trung Quốc để nước này thay đổi hành vi mà không phải công khai chịu thất bại trước áp lực của Mỹ.

Trái lại, UPC lại duy trì công khai lập trường đối với chiến dịch cải tạo của Trung Quốc và thiên nhiều hơn về phán ứng cứng rắn đối với các hoạt động này. UPC và các nhân vật của Lầu Năm góc luôn muốn thúc đẩy các hoạt động FONOP mang tính cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Vậy cách tiếp cận nào mới đem lại hiệu quả? Một mặt, cách tiếp cận mềm mỏng của chính quyền Mỹ rõ ràng đã không ngăn chặn được hoạt động cải tạo hay quân sự hóa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Nhưng đến nay vẫn có tác dụng ngăn chặn quân sự hóa trên quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa hay việc tạo một ADIZ ở Biển Đông. Mặt khác, vẫn chưa thể chắc chắn cách tiếp cận cứng rắn hơn có ngăn chặn được hành vi khiêu khích của Trung Quốc hay không. Dù FONOP đã không gây ra va chạm hay Trung Quốc không tăng cường quân sự hóa ở Trường Sa, nhưng cũng không chắc chắn liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục làm ngơ trước hoạt động tuần tra thường xuyên hơn nữa và mang tính thách thức của Mỹ.

Sự kết hợp giữa sức mạnh và sự dung hòa có thể sẽ đem lại lợi thế. Mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc ngừng quân sự hóa là điều cần thiết đề hình thành tiếng nói phản đối của cộng đồng quốc tế. Áp dụng thực hiện FONOP ít đối đầu hơn trong khi cũng cần tính đến không gian cho Trung Quốc để không tạo cơ hội cho các thành phần diều hâu của nước này. Một khuôn khổ răn đe cũng cần phải thực chất và đòi hỏi kết hợp cả ngoại giao thầm lặng, uy tính và cả sức mạnh cơ bắp. Nhà Trắng và UPC có thể kết hợp cách tiếp cận này với nhau.

Hòa bình trống rỗng của ông Obama ở Biển Đông?” của Daniel Wei Boon Chua

Washington đóng một vai trò then chốt trong việc quyết định xu hướng của tranh chấp. Tuy nhiên, các nước ASEAN ngày càng lo ngại rằng Chính quyền Obama đã rơi vào chiếc bẫy duy trì hòa bình bằng bất cứ giá nào. Vì chiến tranh dường như không còn là một công cụ chính sách có thể nghĩ đến, ít nhất là theo quan điểm của Chính quyền Obama, đó là mọi hành vi xâm lược nào mà không đưa đến chiến tranh đều có thể được chấp nhận. Tiếc thay, một tình trạng hòa bình mong manh như thế không những đe dọa quyền lợi của những đối tác nhỏ bé của Mỹ mà còn xói mòn uy tín của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Khi Mỹ nhấn mạnh một cách khập khiễng về nỗ lực tránh chiến tranh và xung đột, một số kịch bản có thể diễn ra và một vài kịch bản đã bắt đầu trở thành hiện thực.

Đầu tiên là thái độ này của Mỹ đã khuyến khích Trung Quốc thay đổi nguyên trạng và tạo ra một sự đã rồi đối với các yêu sách của nước này. Vì phản ứng của Mỹ đối hoạt động cải tạo của Trung Quốc chỉ giới hạn trong phạm vi các tuyên bố và những hoạt động FONOP tránh khiêu khích, Trung Quốc có thể tiếp tục thúc đẩy những giới hạn đặt ra. Càng ngày người ta càng thấy rõ hơn khả năng Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông.

Hệ quả thứ hai là tình thế hiện nay buộc các nước Đông Nam Á có yêu sách phải dựa vào sức mình là chính và lao vào xu thế chạy đua vũ trang trong khu vực. Nếu chiếc ô an ninh của Mỹ không chịu bung ra trước nhất đám mây đen đang kéo đến, các quốc gia Đông Nam Á phải tự củng cố quân đội của mình.

Ba là, các cường quốc ở ngoài khu vực cảm thấy cần phải hành động trước khi Trung Quốc đi xa hơn đối với các yêu sách của mình. Úc và Nhật Bản gần đây đã công bố ý định triển khai một số khí tài quân sự và tham dự các cuộc tập trận với Philippines.

Nhưng điều đáng quan tâm nhất là việc Washington thiếu nỗ lực trong vấn đề này và từ đó làm xói mòn uy tín của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cách vô phương cứu chữa.

Với dự kiến Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các khí tài quân sự và phát triển các căn cứ quân sự trên Biển Đông, cái giá phải trả cho thứ hòa bình rỗng tuếch này sẽ là rất cao. Khi một nền hòa bình bấp bênh trở nên quá đỗi mong manh đến độ không thể duy trì được nữa và có vẻ sẽ gây ra nhiều tổn thất cao hơn so với một cuộc xung đột, các nhà hoạch đính chính sách tại Washington không được loại bỏ phương án hành động quân sự. Cảnh báo của Kissinger trong một bài báo đăng trên Foreign Affairs năm 1956 rất đáng ghi nhớ: “Nếu cụm từ ‘không có giải pháp nào khác thay thế cho hòa bình’ trở thành học thuyết được chấp nhận, tư duy này có thể dẫn đến một tình trạng tê liệt về chính sách.” Hiện nay, Bắc Kinh có vẻ hiểu rõ lôgic này hơn cả Washington./.