Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông. Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) gần đây cho biết Trung Quốc đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi mà nước này dự định đặt ở Biển Đông. Thông cáo cho hay nhà máy điện hạt nhân nổi này và các công trình tương tự dự kiến cung cấp điện cho các khu vực bị cô lập ở Biển Đông. Trong khi đó, tờ China Daily cho hay các lò phản ứng nổi sẽ “cung cấp điện cho hoạt động khoan dầu-khí ngoài khơi" và cấp điện cho các nhà máy khử muối.

Trung Quốc thừa nhận tàu Liêu Ninh thử vũ khí trên Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/1, người phát ngôn Cảnh Sảng cho hay, “Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã thử nghiệm khả năng hoạt động của các loại vũ khí và thiết bị quân sự, đồng thời tiến hành hoạt động diễn tập ở Biển Đông theo kế hoạch định sẵn.” Trước đó hôm 2/1, Hải quân Trung Quốc cũng đã lên tiếng xác nhận tàu Liêu Ninh tham gia các cuộc diễn tập trên Biển Đông cùng với các chiến đấu cơ J-15 và trực thăng.

+ Việt Nam:

Việt Nam nhất quán giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo chí sáng 5/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, “Trong vấn đề biên giới, giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và tranh thủ ủng hộ của quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là trọng tâm lớn. Đối với phán quyết của Tòa trọng tài, ngay ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi một tuyên bố đến Tòa, khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét và chúng ta cũng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, khẳng định chúng ta tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Khi Tòa ra phán quyết chúng ta cũng có tuyên bố hoan nghênh việc Tòa đã ra phán quyết. Đó là lập trường chính thức của Việt Nam đối với Tòa trọng tài.”

+ Philippines:

Philippines sẽ không bàn về phán quyết trong thượng đỉnh ASEAN. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/1 về hội nghị ASEAN do nước này chủ trì vào tháng 4 tới, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cho hay, “Phán quyết của La-hay sẽ không có trong chương trình nghị sự vì đây đã là một phần của luật quốc tế. Vì thế chúng tôi thực sự không thảo luận về phán quyết đó.” Ông Manalo cho hay ASEAN sẽ tập trung vào hoàn tất khuôn khổ bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, “Chúng tôi hy vọng sẽ có một kịch bản dễ chịu trong nhiệm kỳ chủ tịch. Chúng tôi sẽ trao đổi với Trung Quốc theo cách thúc đẩy lợi ích của mình vì chúng tôi biết Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy lợi ích của họ.”

Philippines để ngỏ khả năng tập trận chung với Nga. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/1, người phát ngôn của Tổng thống Philippines ông Ernesto Abella cho biết, “Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố để ngỏ việc tham gia tập trận quân sự chung với Nga. Các chuyến thăm thiện chí của Hải quân Nga sẽ góp phần củng cố tình hữu nghị với Hải quân Philippines, đồng thời là dấu hiệu cho thấy hợp tác biển của chúng tôi có thể được thúc đẩy hơn nữa thông qua ngoại giao và tình hữu nghị giữa hải quân hai nước.” Trước đó hôm 3/1, tàu khu trục chống ngầm Tributs của Nga cùng tàu chở dầu Boris Butoma đã tới Philippines trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 4 ngày.

+ Indonesia:

Indonesia bắt 83 tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp trong năm 2016. Quyền giám đốc thủy sản và giám sát tài nguyên biển Indonesia ông Sjarief Widjaja cho hay: “Số lượng tàu thuyền vi phạm vùng biển của Indonesia và bị bắt giữ, tịch thu đã tăng mỗi năm.” Trong năm 2016, số lượng tàu thuyền bị thu giữ nhiều nhất là tàu thuyền của Việt Nam (83 chiếc); tiếp theo là Philippines (29 chiếc) và Malaysia (26 chiếc). Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Nghề cá bà Susi Pudjiastuti khẳng định năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên các nỗ lực để trấn áp các hoạt động đánh bắt trái phép thông qua các hoạt động thúc đẩy an ninh biển và tập trung vào việc thực thi pháp luật.

+ Nga:

Nga hối thúc ủng hộ luật pháp trong vấn đề Biển Đông. Phát biểu họp báo ngày 4/1 trên tàu Đô đốc Tributs của Hải quân Nga đang có chuyến thăm Manila, Đại sứ Nga tại Philippines ông Igor Khovaev nói: “Chúng tôi sẽ không đứng về bên nào trong những tranh chấp này. Nhưng với tư cáchthành viên của Hội đng Bảo an Liên hợp quốc, Liên bang Nga ủng hộ giải quyết hòa bình những tranh chấp này. Việc hăm dọa hoặc đe dọa dùng vũ lực là không thể chấp nhận được. Không có lựa chọn nào khác ngoài đàm phán. Tất nhiên, giải pháp cho những tranh chấp này phải được các bên có thể chấp nhận được và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Đó là quan điểm cơ bản, nhất quán của chúng tôi.”

Quan hệ các nước

Nhật - Mỹ nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh. Thông báo của Nhà Trắng hôm 5/1 cho hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden “đánh giá cao sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, vốn đóng vai trò giúp tăng cường sự ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và toàn cầu.” Ông Biden cũng ca ngại những hợp tác của hai nước với Hàn Quốc nhằm đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.

Biên đội tàu Nhật Bản thăm Philippines. Hai khu trục hạm của Nhật Bản là Inazuma và Suzutsuki  hôm 4/1, sau khi hoàn tất nhiệm vụ chống hải tặc trên vịnh Aden, trên đường về Nhật Bản đã ghé thăm Vịnh Subic trong 3 ngày. Đội tàu này sẽ tiến hành tiếp liệu và bảo dưỡng, và diễn tập liên lạc cùng hải quân Philippines ở vùng biển ngoài khơi đảo Corregidor hôm 6/1. Hải quân Philippines tuyên bố chuyến thăm thúc đẩy mối quan hệ bền vững với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và tăng cường ngoại giao hải quân.

Philippines - Nga tăng cường quan hệ quốc phòng. Ngày 6/1, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đi thăm tàu chiến Tributs của Nga đang cập cảng nước này. Khi gặp Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov, ông Duterte nói: “Chúng tôi hoan nghênh những người bạn Nga, bất cứ khi nào các bạn muốn tới Philippines vì bất cứ điều gì, vui chơi, bổ sung tiếp liệu hay có thể là trở thành đồng minh để bảo vệ chúng tôi.” Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov cho biết, “Nga hy vọng trong vài năm tới, các cuộc diễn tập quân sự như trong khu vực của Philippines, ở Biển Đông, sẽ không chỉ là Nga-Philippines, mà còn với Trung Quốc và có thể với cả Malaysia." Nhân sự kiện này, Đại sứ Nga tại Philippines Igor Anatolyevich Khovaev cho biết Nga có kế hoạch cung cấp cho Philippines nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó có máy bay, tàu ngầm cùng một số loại vũ khí khác.

Philippines - Nhật Bản diễn tập chung trên biển. Hai khu trục hạm Nhật Bản Inazuma và Suzutsuki, sau khi hoàn tất nhiệm vụ chống hải tặc trong vịnh Aden, trên đường về đã lần lượt ghé Ấn Độ, Malaysia và cuối cùng là đến Philippines. Trong vùng biển Subic ngày 6/1, tàu chiến Nhật và Philippines diễn tập liên lạc và thực thi quy tắc chm trán bất ngờ trên biển. Chỉ huy lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ông Atsushi Minami tuyên bố: “Đây là một cơ hội tốt để chứng tỏ rằng quyền tự do hàng hải, và điều này rất quan trọng đối với Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản phản đối mọi nỗ lực đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Nhiều nước cũng chia sẻ mối quan ngại này.”

Phân tích và đánh giá

Tranh chấp Biển Đông: Có thực sự sắp đi đến giải pháp? của P K Ghosh

Tổng thống Duterte coi bãi cạn Scarborough là khu bảo tồn môi trường hải dương và cấm ngư dân Philippines tiếp cận có thể cho thấy bước tiệm tiến đầu tiên trong việc không làm phức tạp hoá tranh chấp và tạo điều kiện chiến lược vô cùng thuận lợi cho Bắc Kinh.

Ngày 12/7/2016, Toà PCA ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong vụ kiện với Philippines. Tuy nhiên, Duterte đã lựa chọn gạt phán quyết của PCA sang một bên và kết thân với Bắc Kinh trong khi công khai phản đối Mỹ. Tổng thống mới của Philippines rõ ràng đã tính toán cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Trung Quốc, điều này sẽ giúp ông đảm bảo được nguồn viện trợ lớn lao từ Trung Quốc. Tháng 10/2016, ông thăm Trung Quốc nhằm nỗ lực giải quyết bất đồng và thúc đẩy thương mại. Hai nước đã ký hàng loạt thoả thuận thương mại giá trị lên đến 13,5 tỷ USD và nhất trí hợp tác trên nhiều vấn đề, bao gồm du lịch, chống ma tuý và thương mại biển, lĩnh vực quan trọng nhất, được 2 nước nhất trí nhằm hướng đến “giải quyết tranh chấp thông qua hội đàm song phương” về vấn đề Biển Đông (lập trường kiên định của Trung Quốc).

Vậy đâu là vấn đề? Tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila có liên quan đến chủ quyền và có liên quan mật thiết đến cuộc sống mưu sinh của ngư dân của cả 2 nước. Do đó, quyền đánh bắt quanh bãi cạn Scarborough là một trong những vấn đề nhức nhối kể từ năm 2012. Tuy vậy, sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte, ngư dân Philippines có thể đánh bắt quanh bãi cạn vốn giàu tài nguyên này.

Sau tiến triển quan trọng, thể hiện sự mềm mỏng trong lập trường và thiện chí đàm phán của Trung Quốc, Tổng thống Duterte sẽ sớm công bố Chỉ thị trong đó tuyên bố phần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp sẽ trở thành một khu bảo tồn hải dương, không cho phép bất cứ ngư dân nào tiếp cận. Theo văn phòng Tổng thống Philippines thì đây là một bước đi được ông Tập Cận Bình ủng hộ.

Bãi cạn Scarborough vốn luôn là trung tâm tranh chấp trong nhiều năm, và là cơ sở của vụ kiện mà Philippines đưa ra và thắng lợi tại Toà PCA. Rõ ràng, bước đi này của Philippines và Trung Quốc được coi là một mũi tên trúng nhiều đích. Manila tuy chiến thắng cuộc chiến pháp lý nhưng lại tránh né một lập trường cứng rắn khiến Bắc Kinh chịu thoả hiệp. Trung Quốc đã phải chịu chỉ trích nặng nề vì gây ra suy thoái môi trường, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa, khi bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo. Với bước đi đó, một lần nữa Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này.

Thứ hai, ở cấp độ chiến lược, Trung Quốc đã chứng tỏ cho thế giới rằng các cuộc hội đàm song phương cũng có thể tiến đến giải quyết vấn đề Biển Đông mà không phải sử dụng trọng tài pháp lý như cộng đồng quốc tế vẫn kêu gọi. Bắc Kinh cũng cho thấy rằng mình có thể xoay chuyển được sự giám sát của hệ thống luật pháp quốc tế, phán quyết và tạo ra kết quả cuối cùng như ý muốn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải chờ xem liệu rằng với động thái này, tranh chấp Biển Đông có thực sự tiến đến giải pháp, cho dù là tiệm tiến từng bước, vì rốt cuộc, hoà bình và ổn định là mục tiêu chủ yếu của tất cả các bên.

Vì sao ông Donald Trump đe dọa an ninh thế giới?của Nouriel Roubini

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ dường như đã báo hiệu sự kết thúc của “nền hòa bình kiểu Mỹ” (Pax Americana), một trật tự quốc tế đặc trưng bởi tự do mậu dịch và an ninh chung mà Mỹ và các đồng minh đã xây dựng được sau Thế chiến II.

Donald Trump dường như sẽ quyết tâm áp dụng các biện pháp nhằm cản trở trao đổi thương mại và hạn chế việc lưu chuyển vốn và lực lượng lao động. Ông cũng gieo rắc mối nghi ngờ về những đảm bảo an ninh hiện có từ phía Mỹ bằng việc tuyên bố sẽ buộc các đồng minh phải dành nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng của chính các nước đó. Ông sẽ hướng chiến lược địa chính trị sang theo hướng chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa đơn phương, bằng cách chỉ theo đuổi duy nhất các lợi ích quốc gia.

Ngày nay, việc quay trở lại chủ nghĩa biệt lập của Mỹ và theo đuổi những lợi ích đơn thuần quốc gia có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới. Thậm chí ngay cả khi chưa tính tới khả năng Mỹ rũ bỏ những cam kết của mình ngoài Châu Âu thì EU và khu vực đồng Euro dường như đã trong tình trạng tan rã, nhất là sau Brexit và thất bại vừa qua của cuộc trưng cầu dân ý tại Italia về nhiều cải cách hiến pháp.

Sự thiếu cam kết tích cực của Mỹ tại Châu Âu càng khuyến khích Nga thách thức Mỹ và EU trên các lãnh thổ của Ucraina, Syria, những nước Baltic và Baikal và có thể lợi dụng sự sụp đổ tiềm ẩn của EU để tái khẳng định ảnh hưởng của mình tại không gian hậu Xô Viết. Nếu Châu Âu dần dần mất đi cái ô an ninh từ Mỹ thì không ai có thể vui mừng hơn Tổng thống Nga Putin.

Những đề xuất mà ông Donald Trump đưa ra đang đe dọa làm trầm trọng thêm tình hình tại Trung Đông. Tổng thống đắc cử của Mỹ đã tuyên bố muốn làm cho nước ông độc lập trên lĩnh vực năng lượng, điều này có nghĩa là từ bỏ những lợi ích của Mỹ trong khu vực cũng như sẽ tăng cường sử dụng các nhiên liệu hóa thạch sản xuất trong nước và làm gia tăng phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại Châu Á, ưu thế về kinh tế và quân sự của Mỹ đã tạo ra nhiều thập niên ổn định. Nhưng Trung Quốc, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, từ nay sẽ thách thức hiện trạng này. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng các quan hệ kinh tế tại Châu Á, Thái Bình Dương và Mỹ Latin.

Cũng như trong những năm 1930, thời kỳ mà các chính sách bảo hộ và cô lập của Mỹ đã cản trở tăng trưởng kinh tế và thương mại trên toàn cầu, các khuynh hướng tương tự ngày nay của ông Donald Trump có nguy cơ đặt nền móng cho một tình trạng mà các cường quốc mới sẽ có thể thách thức và gây tác hại cho trật tự thế giới dưới sự dẫn dắt của Mỹ. Kinh nghiệm trong lịch sử đã rất rõ ràng: các chính sách bảo hộ, cô lập và “nước Mỹ trên hết” là khơi mào lý tưởng cho một thảm họa kinh tế và chính trị. Nếu ông Donald Trump đi theo chiều hướng của các chính sách Mỹ trong những năm 30, ông sẽ phá hủy 70 năm thịnh vượng của hòa bình thế giới.

Dự báo những biến động của tình hình thế giới năm 2017” - Reuters

1. Tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga: Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như sẽ thiết lập vị trí của Nga như một đồng minh của một số quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines, những nước vốn là đồng minh truyền thống của Mỹ.

2. Nền hòa bình mong manh ở Syria: Một thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian bảo trợ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh các cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

3. Những cuộc tấn công của IS: Năm 2017, thế giới có thể tiếp tục chứng kiến những vụ tấn công do các cá nhân được “truyền cảm hứng” bởi tư tưởng khủng bố của IS. Ngay trong ngày đầu tiên của năm nay, những kẻ tấn công đã tiến hành vụ xả súng đẫm máu tại 1 hộp đêm của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 35 người đang đón mừng năm mới thiệt mạng.

4. Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên: Ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố sắp thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong năm 2017, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trên Twitter rằng điều đó sẽ không xảy ra. Thế giới năm 2017 lại một lần nữa trông chờ vào Trung Quốc, nước láng giềng và là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, có biện pháp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

5. Nhân tố Donald Trump: những người Mỹ đã bỏ phiếu bầu ông vào Nhà Trắng đang theo dõi những bước đi của tân tổng thống để đảm bảo việc ông sẽ thực hiện đúng những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Thế giới vẫn đang chờ xem Tổng thống đắc cử Trump sẽ lãnh đạo một nước Mỹ “chia rẽ” như thế nào.

6. Tương lai chính trị bấp bênh của Thủ tướng Đức Angela Merkel: Việc Thủ tướng Merkel ủng hộ làn sóng nhập cư vào Đức đang đặt ra những thách thức đối với hy vọng tái cử của bà trong cuộc bầu cử tại Đức vào cuối năm 2017. Sau vụ tấn công nhằm vào khu chợ Giáng sinh ở Berlin hồi tháng 12/2016, Thủ tướng Merkel đang phải đối mặt với sức ép từ việc phải có những biện pháp mạnh tay hơn trong vấn đề an ninh và nhập cư.

7. Brexit trở thành hiện thực: Nước Anh sẽ phải xem xét việc làm thế nào và vào thời điểm nào sẽ kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình rời EU. Việc Brexit tác động thế nào đến vấn đề nhập cư, thương mại và cuộc sống của công dân Anh ở các nước thành viên của EU sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm 2017.

8. Làn sóng di cư ở Địa Trung Hải: Khi nhiệt độ ấm dần lên sau mùa đông giá lạnh, số lượng người di cư bất chấp nguy hiểm vượt qua Địa Trung Hải để đến những miền đất mới ở Châu Âu cũng sẽ tăng trở lại trong năm 2017.

9. Khoa học công nghệ: Trong năm 2017, công nghệ thực tế ảo được dự đoán sẽ tiếp tục được phát triển và nhân rộng trên toàn thế giới.

10. Biến đổi khí hậu: Các nhà khoa học hàng đầu đã cảnh báo việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rút Mỹ, quốc gia nằm trong nhóm phát thải khí lớn nhất thế giới, khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng các chiến lược nhằm làm giảm tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

11. Một cuộc chạy đua vũ trang mới: Với việc cả Tổng thống Putin và Tổng thống đắc cử Trump đều tuyên bố sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước, thế giới có thể sẽ được chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang trong năm 2017.

Philippines có thực sự từ bỏ Mỹ để kết thân với Trung Quốc? của Richard Javad Heydarian

Những bất đồng giữa Mỹ và Philippines về “cuộc chiến chống ma túy” của ông Duterte hiện được coi là trọng tâm của những rạn nứt ngày càng trầm trọng giữa hai nước. Sự rạn nứt đó đe dọa nhấn chìm mối quan hệ của Washington với Manila, đồng minh lâu đời nhất ở châu Á.

Năm 2016 là một năm bước ngoặt của mối quan hệ Mỹ-Philippines nói riêng và của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông nói chung. Duterte liên tục đe dọa sẽ chấm dứt liên minh quân sự giữa Philippines và Mỹ. Khi Mỹ doạ cắt viện trợ, Duterte khẳng định rằng: “không có viện trợ của Mỹ, nước ông cũng không chết đói”. Bức tranh địa chính trị trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, bắt đầu được tái định hình.

Dưới thời Tổng thống Begnino Aquino, Philippines đã tiên phong kiện Trung Quốc lên PCA nhằm bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Duterte ngay lập tức “lật mặt”, coi nhẹ phán quyết của Tòa trọng tài, chọn phương thức đối thoại chứ không đối đầu với Trung Quốc.

Thắng lợi bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã tô thêm một nét mới vào bức tranh này. Tại khu vực, người ta hy vọng ông Trump sẽ có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Còn ở Manila, người dân cũng hy vọng rằng quan hệ Mỹ-Philippines sẽ được cải thiện dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới ở Mỹ.

Trước đó, tháng 10/2016, ông Duterte tới Bắc Kinh, hứa hẹn sẽ “li khai” Mỹ và gia nhập “hệ ý thức” của Trung Quốc, đồng thời “xếp xó” phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông. Tự tin vào sự ủng hộ của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines đã cười nhạo và lăng mạ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ.

Những bất đồng về vấn đề nhân quyền có thể làm mối quan hệ song phương giữa chính quyền của ông Duterte và ông Obama trở nên nghiêm trọng hơn. Có thể nói, mối quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, việc ông Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua có thể sẽ giúp khôi phục liên minh đang tan vỡ này.

Có nhiều yếu tố cho thấy ông Duterte có thể lạc quan về ông Trump. Đầu tiên, chính quyền Duterte hi vọng người kế nhiệm ông Obama sẽ là một người thực dụng, luôn đặt các lợi ích chiến lược lên trên các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Ngoài ra, ông Duterte hy vọng Mỹ sẽ áp dụng một cách tiếp cận đơn phương mạnh mẽ hơn với các tranh chấp trên Biển Đông. Ông Trump được kì vọng sẽ khởi động một chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh”. Điều này có nghĩa là Philippines có thể đứng ngoài các tranh chấp ở Biển Đông và để cho 2 siêu cường tự đối phó với nhau.

Hiện giờ, Manila lạc quan cho rằng người kế nhiệm của ông Obama có thể sẽ gạt sang một bên những “hạt sạn” gần đây trong mối quan hệ song phương để hướng tới một kỷ nguyên mới mà trong đó Mỹ sẽ chứng tỏ vai trò lãnh đạo ở châu Á theo hướng thực dụng hơn và mạnh mẽ hơn.

Tại sao Indonesia và ASEAN lại quan trọng với Trung Quốccủa Emanuel Bria

Kể từ những năm 2000, Trung Quốc đã ký các thoả thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 47 nước và 3 tổ chức quốc tế, trong đó có ASEAN. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã lập quan hệ đối tác chiến lược với 7/10 nước (Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Việt nam). Đây là kết quả của việc nắm bắt làn sóng toàn cầu hoá cũng như triển khai chính sách ngoại giao “toàn phương vị” của Trung Quốc. Với Bắc Kinh, những mối quan hệ đối tác chiến lược này là công cụ giúp bảo vệ các lợi ích “cốt lõi”, trong đó có chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn và thống nhất đất nước.

Từ góc độ đó, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia nói riêng và ASEAN nói chung đã giúp Trung Quốc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình. Cụ thể ở đây là bảo đảm nguồn cung năng lượng, qua đó giúp Bắc Kinh sở hữu đủ năng lượng để bảo vệ những mục tiêu cốt lõi của mình.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhân tố chủ chốt trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian dài đã làm nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng lên chóng mặt. Năm 2014, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm tới 30% tổng lượng dầu mỏ và 45% tổng lượng than được tiêu thụ trên toàn thế giới. Tình hình này đã buộc Trung Quốc phải vươn ra bên ngoài để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho mình.

ASEAN có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc vì 60% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đượcc chuyên chở qua eo biển Malacca. Một mối quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN sẽ giúp giảm bớt những nguy cơ có thể gây gián đoạn quá trình vận chuyển năng lượng tới Trung Quốc (trong đó có cướp biển, tấn công khủng bố và đặc biệt là lực lượng hải quân của các cường quốc khác như Mỹ và Nhật Bản).

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng đường ống dầu và khí đốt từ Đảo Maday của Myanmar đến tỉnh Vân Nam. Đường ống này được đưa vào hoạt động từ năm 2015 và đã giúp giảm 30% thời gian vận chuyển dầu thô đến Trung Quốc cũng như giảm các rủi ro khác. Cũng trong tháng 11/2016, Trung Quốc và Malaysia đã ký thỏa thuận chung về quốc phòng. Hai bên nhất trí giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở song phương. Điều này càng đảm bảo thêm lợi ích về năng lượng của Trung Quốc ở eo biển Malacca và Biển Đông.

Tất cả các tuyến đường biển vận chuyển năng lượng từ Trung Đông, Châu Phi và châu Mỹ La tinh tới Trung Quốc đều phải đi qua khu vực ASEAN. Do đó, duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực cũng như xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN là phù hợp với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Khi lên nắm quyền vào năm 2014, Tổng thống Indonesia Jokowi đã đưa ra kế hoạch biến Indonesia trở thành một cường quốc hàng hải. Điều này đã trở thành một trọng tâm trong quan hệ Indonesia - Trung Quốc kể từ năm 2015 và cũng phù hợp sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc.

Việc hiểu rõ tầm quan trọng của mình với Trung Quốc sẽ giúp Indonesia và ASEAN có những đối sách phù hợp nhằm cải thiện hơn nữa quan hệ hợp tác và mang lại lợi ích cho cả hai bên./.