Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đang đóng mới nhiều hàng không mẫu hạm. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc gần như hoàn tất việc đóng mới tàu sân bay thứ hai sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020. Trung Quốc cũng tìm cách áp dụng công nghệ phóng máy bay cho tàu sân bay thứ 3 loại 002 đang được đóng ở Thượng Hải. Chuyên gia về quân sự hải quân Li Jie cho biết: “Tàu 002 (tàu sân bay thứ 3) sẽ hoàn toàn khác so với Liêu Ninh (001) và (001A) và sẽ trông giống như tàu sân bay của Mỹ hơn là tàu sân bay của Nga”. Ông Yin Zhuo, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu thiết bị hải quân Trung Quốc cho biết: “Nhằm bảo vệ lãnh thổ và các lợi ích bên ngoài thì Trung Quốc cần 2 nhóm tàu sân bay tấn công trên biển Tây Thái Bình Dương và 2 trên Ấn Độ Dương, vì vậy nên chúng tôi cần ít nhất là 5 hoặc 6 tàu sân bay”.

Hải quân Trung Quốc trang bị tàu huấn luyện hiện đại. Hải quân Trung Quốc ngày 21/2 đã trang bị một tàu huấn luyện hải quân mới cho quân cảng Lữ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Tàu huấn luyện Thích Kế Quang mang số hiệu 83, dài 163 m và rộng 22 m, có lượng giãn nước 9.000 tấn và tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ. Tàu này do Trung Quốc thiết kế và đóng, có khả năng chở hơn 400 binh lính hoặc sỹ quan hải quân tham gia huấn luyện ở vùng biển ngoài khơi và xa hơn, đồng thời có thể được sử dụng để giao lưu nước ngoài, cứu trợ hoặc thực hiện các hoạt động phi quân sự khác.

Trung Quốc xây dựng công trình như nhà chứa tên lửa ở Biển Đông. Hai quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cho biết Trung Quốc gần như đã hoàn tất việc xây dựng hơn 20 công trình trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Những cấu trúc này dường như là kho chứa tên lửa đất đối không tầm xa, có chiều dài khoảng 20 m, cao 10 m, được xây trên Đá Xu bi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Các công trình này đều có mái che kiên cố làm bằng vật liệu có khả năng chống ăn mòn nước biển cũng như khả năng tàng hình chống máy bay và vệ tinh do thám, đặc biệt còn khả năng chịu sức tấn công của vũ khí hạng nhẹ. Theo quan chức tình báo Mỹ, các công trình này không phải là một mối đe dọa lớn về quân sự đối với Mỹ nhưng là một hành động thử phản ứng của chính quyền tổng thống Donald Trump. Theo Nhóm Sáng kiến minh bạch biển Châu Á (AMTI), việc xây dựng các công trình trên đã diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc quân sự hóa khu vực tranh chấp.

Trung Quốc phản đối tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/2, Người Phát ngôn Cảnh Sảng cho hay: “Trung Quốc nhất quán tôn trọng tự do hàng hải và hàng không mà các nước được hưởng căn cứ theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phản đối các nước liên quan lấy cớ tự do hàng hải và hàng không để uy hiếp và làm tổn hại tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển. Trung Quốc hy vọng các nước liên quan hành động có lợi cho hòa bình ổn định của khu vực. Dưới nỗ lực chung của Trung Quốc các nước ASEAN, tình hình tại Biển Đông về cơ bản là ổn định, phát triển theo hướng tích cực tốt đẹp. Trung Quốc hy vọng các nước liên quan đặc biệt là nước ngoài khu vực tôn trọng những nỗ lực này, làm nhiều việc có lợi cho hòa bình ổn định khu vực”. Trong cuộc họp báo tiếp theo hôm 22/2, về thông tin rằng Trung Quốc đã hoàn tất các công trình để chứa tên lửa đất đối không tầm xa, ông Cảnh Sảng cho biết: “Chúng tôi đã biết về thông tin liên quan. Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông. Tôi muốn nhắc lại rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở bình thường trên lãnh thổ của mình, trong đó bao gồm việc bố trí các cơ sở phòng vệ phù hợp, cần thiết là quyền bình thường của quốc gia có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Về bình luận của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Philippines Duterte rằng sẽ không xây dựng tại Bãi cạn Scarborough, Người phát ngôn Cảnh Sảng ngày 23/2 cho hay, “các phát biểu của ông Yasay dường như mâu thuẫn với các thỏa thuận đạt được tại Trung Quốc năm 2016 giữa ông Tập và ông Duterte, đi ngược sự phát triển nhanh chóng và ổn định của quan hệ hai nước. Chúng tôi hy vọng ông Yasay sẽ tuân thủ thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo cũng như kỳ vọng chung của các nước trong khu vực, cẩn trọng trước lời nói và hành động, và thực sự nỗ lực vì quan hệ tốt đẹp Trung Quốc-Philippines cũng như hòa bình và ổn định khu vực”.

Trung Quốc phản ứng đội tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông. V việc nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tuần tra Biển Đông hôm 18/2, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 23/2, Người phát ngôn Nhiệm Quốc Cường nhấn mạnh, “Trung Quốc hy vọng Mỹ tôn trọng nghiêm túc chủ quyền và quan ngại an ninh của các nước trong khu vực, cũng như nỗ lực của các nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Ông Nhiệm khẳng định tình hình trên Biển Đông nhìn chung ổn định, “Chúng tôi hy vọng Mỹ hành động có lợi cho tình hình hiện nay, chứ không phải điều ngược lại. Hai bên cần tăng cường đối thoại và tránh hiểu nhầm nhau.

+ Việt Nam:

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Philippines. Ngày 20/2, bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế và các tiến trình ngoại giao và pháp lý khác; phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác trong việc thực hiện hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm đạt được COC. Bộ trưởng Perfecto Yasay nhất trí với đề nghị của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh về việc tiếp tục tích cực hợp tác giải quyết tốt vấn đề ngư dân tàu thuyền trên tinh thần nhân đạo và quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Cũng trong ngày 20/2,  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia bà Retno Marsudi. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí kiên trì lập trường chung là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Ngoại giao Indonesia trong việc giải quyết vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại Indonesia thời gian qua, đồng thời bày tỏ mong muốn Indonesia tiếp tục xử lý vấn đề này trên tinh thần nhân đạo.

Việt Nam yêu cầu không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Trước thông tin Trung Quốc sắp hoàn thành việc xây dựng hơn 20 cấu trúc trên các đảo nhân tạo giống như kho chứa tên lửa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 23/2 khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam đề nghị các bên liên quan hành xử có trách nhiệm, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa ở Biển Đông”.

+ Philippines:

Philippines: ‘Tranh chấp biển với Trung Quốc khó giải quyết trong tương lai gần.’ Phát biểu trong buổi điều trần trước ủy ban của Thượng viện hôm 22/2, Ngoại trưởng Philippines Yasay ngày 22/2 cho hay: “Cá nhân tôi không tin vấn đề này sẽ sớm được giải quyết. Tôi nghĩ có lẽ sẽ không giải quyết được trong thời đại của chúng ta, nhưng lựa chọn không phải là chiến tranh mà sử dụng phương thức ngoại giao và pháp lý để gác tranh chấp sang một bên. Thế hệ tương lai có lẽ sẽ tìm ra một giải pháp cho tranh chấp.” Trong cuộc họp báo hôm sau ngày 23/2, Ngoại trưởng Yasay cảnh báo bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng của Bãi cạn Scarborough đều sẽ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi trong mối quan hệ song phương đang đơm hoa kết trái”. Ông Perfecto Yasay tiết lộ rằng chính trong cuộc gặp gỡ hồi tháng 10/2016 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng Trung Quốc không cải tạo hoặc xây dựng gì ở bãi cạn”.

Tổng thống Philippines trấn an Trung Quốc sau phát biểu của Ngoại trưởng Philippines. Phát biểu tại một sự kiện ở Davao del Norte hôm 24/2, Tổng thống Philippines Duterte cho biết không hiểu nguyên nhân việc Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc hủy chuyến thăm Philippines và rằng Bắc Kinh đã hiểu sai lời bình luận của Ngoại trưởng Philippines Yasay về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Duterte khẳng định không gây áp lực với Trung Quốc về phán quyết của Tòa trọng tài, “Sẽ có lúc tôi đề cập về phán quyết nhưng không phải lúc này. Tôi muốn đảm bảo với Trung Quốc, và đây là điều mà tôi cam kết thực hiện, rằng chúng ta sẽ nói chuyện như những người bạn. Chúng ta không thể đi đến chiến tranh bởi không thể chấp nhận được điều đó. Hai nước sẽ tiếp tục tăng cường và thúc đẩy quan hệ song phương.” Trước đó hôm 20/2, trong cuộc gặp phái đoàn cấp cao Trung Quốc do ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc dẫn đầu, ông Duterte nhấn mạnh Manila muốn hợp tác thiết thực và toàn diện với Trung Quốc.

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia đề xuất tuần tra chung với Úc tại Biển Đông. Từ ngày 24 - 25/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có chuyến thăm Úc. Trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm, Tổng thống Widodo cho biết sẽ trao đổi với Thủ tướng Úc về việc hai nước cùng tuần tra chung trên Biển Đông và đánh giá điều này là hết sức quan trọng. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 26/2, ông Widodo khẳng định hai bên cam kết thúc đẩy ổn định và sự thịnh vượng trong khu vực. Trong khi đó, Thủ tướng Turnbull khẳng định, “Tổng thống Widodo và tôi đã đồng ý khôi phục hoàn toàn các quan hệ hợp tác quốc phòng, các hoạt động trao đổi huấn luyện giữa hai nước. Là các quốc gia biển, hai nước là đối tác tự nhiên với các lợi ích chung. Chúng tôi kêu gọi các nước trong khu vực giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.”

+ Singapore:

Ngoại trưởng Singapore khẳng định cần hoàn tất COC ở Biển Đông. Phát biểu bên lề hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 21/2, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishan cho biết các nước ASEAN xác định sẽ hoàn tất dự thảo khung COC trong nửa đầu năm 2017. Mặc dù đây là điều không dễ dàng nhưng rất quan trọng và hiện các nước ASEAN đều nỗ lực để đạt được mục tiêu này. Theo ông Balakrishan, “Chúng ta không thể kiểm soát nghị trình của các cường quốc nhưng chúng ta cần chắc chắn với mức độ tốt nhất rằng chúng ta duy trì một miền đất hứa của hòa bình và ổn định trong khu vực. Điều quan trọng hơn cả là đặt ra thời hạn. Tuy nhiên để biến thành khung văn bản và sử dụng đây như là nền tảng của COC có tính ràng buộc thì vẫn còn là thách thức”. Ngoại trưởng Singapore cho rằng khuôn khổ của COC cùng với những tiến bộ đạt được năm 2016 như sáng kiến lập “đường dây nóng” hay “Quy tắc ng xử khi Chạm trán Bất ngờ trên biển” chính là “các biện pháp xây dựng lòng tin có thể giúp tạo đà cho tiến trình hoàn tất COC”.

+ Malaysia:

Malaysia tăng cường khả năng chấp pháp biển. Cơ quan Thực thi Biển Malaysia (MMEA) đang đóng 6 tàu cỡ lớn nhằm tăng cường năng lực chấp pháp biển. Tổng giám đốc MMEA Ahmad Puzi Ab Kahar ngày 24/2 cho hay 2 trong số 6 tàu nói trên sẽ được triển khai tại vùng biển bang Sarawak và Sabah, 4 chiếc còn lại được bố trí ở những khu vực giáp biên giới trên biển với Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Những tàu này được trang bị công nghệ hiện đại, trong đó có các máy bay không người lái giúp tàu nâng cao năng lực thu thập thông tin. Cũng theo ông Ab Kahar, trong tháng 3, cơ quan này còn tiếp nhận 2 tàu có chiều dài 90 mét là quà tặng của Chính phủ Nhật Bản.

+ Mỹ:

Thượng nghị sỹ Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Sau khi có thông tin Bắc Kinh đã hoàn tất công trình nhà chứa tên lửa trên các đảo nhân tạo, Thượng nghị sỹ Mỹ Dan Sullivan hôm 22/2 cho rằng, "Bất chấp những tuyên bố trước đây, Trung Quốc đang tiếp tục thay đổi thực trạng ở Biển Đông, vi phạm lời hứa của nước này không quân sự hóa khu vực. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải, hàng không và hoạt động trên Biển Đông cũng như bất kỳ nơi nào khác mà luật quốc tế cho phép. Mỹ và các đồng minh sẽ không khoan nhượng trước việc Trung Quốc ngăn chặn quyền tiếp cận khu vực quan trọng này."

Mỹ sẽ cứng rắn với hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 24/2, khi được hỏi về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, ông chủ Nhà Trắng nói: “Tôi biết chính xác chuyện đang xảy ra giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng tôi không thích nói chuyện chiến lược quân sự trên báo chí. Điều này không xảy ra dưới chính quyền của Trump mà dưới thời của ông Obama. Nhiều chuyện xảy ra mà đáng lẽ không được cho phép. Một trong số đó là việc xây dựng một tổ hợp quân sự lớn ở giữa Biển Đông. Và cũng đừng quên là tôi mới nắm quyền được bốn tuần. Đây là điều đã xảy ra và từ ba năm trước và ta có vị thế đàm phán tốt hơn vào lúc đó. Tôi không hài lòng việc này”.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Phát biểu với các phóng viên hôm 24/2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết Nhật Bản đang theo dõi sát sao những diễn biến ở Biển Đông bởi tranh chấp này liên quan trực tiếp đến hòa bình và an ninh trong khu vực. Ông Suga nói Nhật Bản luôn kiên định ủng hộ việc tuân thủ luật biển trong khu vực, các bên liên quan cần hợp tác để giải quyết vấn đề một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Quan hệ các nước

ASEAN tái khẳng định quyết tâm tiến tới COC. Từ ngày 20-21/2, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã được tổ chức tại Boracay, Philippines. Hội nghị đã thông qua chủ đề của năm ASEAN 2017 là “Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu. Thông cáo báo chí của Chủ tịch cho hay, “một số Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây và các hoạt động leo thang ở khu vực có thể làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin. Các Bộ trưởng ghi nhận sự cần thiết duy trì động lực đối thoại để làm dịu căng thẳng trong khu vực. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông, thúc đẩy các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc đạt khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong năm 2017 nhằm tạo thuận lợi sớm hoàn tất COC.”

Các Ngoại trưởng ASEAN lo ngại về tình trạng quân sự hóa khu vực. Phát biểu với báo giới hôm 21/2 sau Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết: “Một số Ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại những diễn biến gần đây và sự leo thang các hoạt động trong khu vực có thể làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin. Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết cần duy trì động lực đối thoại để giảm thiểu căng thẳng, đồng thời kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình”. Theo Ngoại trưởng Yasay, các ngoại trưởng ASEAN muốn hoàn tất khung của COC trên Biển Đông trước tháng 6/2017. Ngoài ra, Philippines tiếp tục đối thoại song phương với Trung Quốc về Biển Đông, bên cạnh việc xây dựng COC. Ngoại trưởng Yasay cho biết vấn đề Biển Đông không phải là toàn bộ mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc. Philippines vào thời điểm này đã quyết định theo đuổi các vấn đề lớn hơn trong mối quan hệ giữa hai nước như là thương mại và đầu tư.

Ngoại trưởng Úc thăm Mỹ nhằm củng cố quan hệ liên minh. Trong chuyến thăm Mỹ 3 ngày bắt đầu từ ngày 20/2, Ngoại trưởng Bishop sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền mới để chia sẻ quan điểm, thúc đẩy các lợi ích của Úc với đối tác Mỹ. Phát biểu với phóng viên trước khi lên đường sang Mỹ, bà Bishop khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tạo ra sự ổn định và bảo đảm cho tăng trưởng của khu vực này trong nhiều thập kỷ qua.

Quan hệ Trung Quốc - Philippines lại nóng lên vì Biển Đông? Theo dự kiến, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành sẽ dẫn đầu một phái đoàn doanh nhân hùng hậu đến Philippines ngày 23/2 để ký kết khoảng 40 dự án hợp tác trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, chuyến đi đã bị phía Trung Quốc hủy bỏ vào phút chót mà không giải thích lý do. Theo nhận định của hai viên chức cao cấp giấu tên thuộc Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Philippines, rất có thể Bắc Kinh tức giận vì bình luận của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông tại một hội nghị hẹp các Ngoại trưởng ASEAN hôm 21/2. Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết hai bên chưa ấn định lại thời điểm chuyến thăm.

Phân tích và đánh giá

Làm thế nào ngăn chặn Trung Quốc ở biển Đông? của Arthur Herman

Trung Quốc một lần nữa gia tăng thách thức tại một trong những tuyến đường biển cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới. Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng các thiết bị tên lửa phòng không (SAM) trên đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Dự án xây dựng đến nay đã mở rộng ra hơn 3.000 hecta và bao gồm cả các đường băng, các kiến trúc quân sự kiên cố phục vụ máy bay quân sự, dàn tên lửa phòng không di động, các đơn vị radar, và các công trình kiên cố khác. Nó là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền Biển Đông, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Câu hỏi đặt ra là: Chính quyền Trump có thể làm được gì?

Hai năm không có động thái nào của Tổng thống Obama liên tục làm mất lòng tin của các đồng minh trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản. Tổng thống Trump khẳng định với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng ông chắc chắn ủng hộ Nhật Bản trong các vấn đề, bao gồm cả vấn đề trên biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng cho biết việc xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông phải chấm dứt; ông còn so sánh động thái này với việc Nga sáp nhập Crimea. Nhưng chính quyền Trump thực sự có thể làm được gì? Bất cứ hành động nào theo cách đó có thế làm nổ ra một cuộc xung đột mà không ai muốn và cũng không ai có lợi. Có 3 bước mà chính quyền Mỹ có thể thực hiện:

1) Việc lắp đặt SAM của Trung Quốc rõ ràng là bước cuối cùng tiến đến việc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Trung Quốc đã từng tuyên bố vùng không phận như vậy trên biển Hoa Đông, điều mà cả chúng ta và Nhật Bản đều không công nhận. Chúng ta nên tuyên bố công khai rằng chúng ta không công nhận một ADIZ của Trung Quốc như vậy trên Biển Đông, và chúng ta và các nước khác sẽ tự do bay qua quần đảo Trường Sa và Biển Đông như thường lệ.

2) Chúng ta cũng nên triệu tập một hội nghị quốc tế bao gồm các nước giáp Biển Đông, bao gồm 5 nước yêu sách chủ quyền lãnh thổ (Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei) cũng như Úc và Nhật Bản nhằm bàn thảo tình trạng đã đến mức khủng hoảng và lúc này cần thiết phải có phản ứng đồng loạt của các nước.

3) Quan trọng nhất, đã đến lúc nhận ra rằng động lực chính mà Mỹ có đối với chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông chính là Đài Loan. Trump không nhất thiết phải lật ngược những tuyên bố của mình, mà thay vào đó, ông phải làm rõ được rằng Mỹ sẽ hiểu theo nghĩa rất rộng những nghĩa vụ đã ký kết với Đài Loan. Tàu USS Carl Vinson đã đến Biển Đông cuối tuần trước như một lời cảnh báo đến Trung Quốc. Đài Bắc rất lo lắng về việc làm bất cứ điều gì có thể chọc giận Bắc Kinh, và sự quan tâm đòi hỏi phải xử lý quan hệ Mỹ - Đài Loan. Nhưng Đài Loan có vai trò nhất định trong cuộc cạnh tranh đối với tương lai Biển Đông và có thể là đồng minh chiến lược chủ chốt trong việc hạn chế khả năng của Trung Quốc ở các tuyến đường biển này. Đài Loan có thể là điểm tựa giúp Mỹ đối phó với Trung Quốc, trong hiện tại và cả tương lai.

Khi Mỹ-Trung cạnh tranh, ASEAN lo lắng của Richard Javad Heydarian

ASEAN một lần nữa cho thấy “mối quan ngại sâu sắc” đối với việc quân sự hoá khu vực biển, nhưng lại bị chia rẽ trong việc làm thế nào tránh xung đột tốt nhất.

Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông gióng lên hồi chuông với các nước Đông Nam Á hải đảo, làm gia tăng nỗi lo sợ rằng chính quyền Trump có thể biến cân bằng mong manh của khu vực trở thành xung đột. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ có thể bao vây các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa bằng hải quân.

Tranh chấp Biển Đông  và chính sách châu Á của Trump đang là trung tâm của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mới bế mạc tại đảo Boracay (Philippines). Các Ngoại trưởng thể hiện mối quan ngại sâu sắc chung trước tình trạng quân sự hoá các thực thể trên biển nhưng lại ngần ngại quy trách nhiệm cho Trung Quốc. Manila cũng không nhắc nhiều đến chiến thắng pháp lý đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu ngắn gọn liên quan đến phán quyết này trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao ngày 12/7/2016: “Nhiều Bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước những chuyển biến và leo thang tại [Biển Đông], điều này chỉ càng làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin trong khu vực”. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan ASEAN và Trung Quốc sẽ hoàn thành khuôn khổ COC cho đến giữa năm nay.

Mặc dù Duterte công khai ủng hộ việc gắn kết với Trung Quốc, các quan chức quốc phòng lo ngại sâu sắc về tham vọng của Trung Quốc tại những vùng biển Philippines yêu sách. Họ lo ngại nhiều hơn về một cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nước nhỏ hơn trong khu vực.

ASEAN từ lâu đã tìm cách ngăn chặn cuộc xung đột quyền lực lớn có thể đẩy các nước thành viên đến chỗ phải lựa chọn về phe Trung Quốc hay Mỹ. Đối với hầu hết các nước thành viên ASEAN, việc tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc nhưng vẫn duy trì quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ là rất quan trọng. Bất cứ leo thang quân sự nào trên biển cũng sẽ làm suy giảm liên kết thương mại và đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế đi lên từ thương mại.

Người ta vẫn thấy các tàu xây dựng đảo của Trung Quốc quanh bãi Vành Khăn trong khu vực quần đảo Trường Sa. Đầu tháng này, một máy bay trinh sát của Trung Quốc bay áp sát nhằm đánh chặn một máy bay trinh sát P-3C Orion của Hải quân Mỹ khi bay trên Biển Đông.

Việc Washington triển khai tàu USS Carl Vinson là tín hiệu rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không ngồi yên khi cân bằng chiến lược dịch chuyển. Lần cuối cùng Mỹ biểu dương lực lượng như vậy ở Biển Đông là đầu năm 2016, khi có mối lo ngại về việc Trung Quốc có thể thực hiện hoạt động cải tạo đảo trên bãi cạn Scarborough.

Tuy nhiên, các hoạt động này thực hiện dưới thời Tổng thống Aquino. Nếu như chính quyền Trump không có bất cứ cam kết mạnh mẽ hay một thông điệp rõ ràng hơn, không thể chắc chắn Mỹ sẽ luôn có sự hỗ trợ vào thời điểm Mỹ cần đến nhất.

Đảm bảo năng lượng mặt trời: Trung Quốc đang cung cấp năng lượng cho Biển Đông như thế nào? của Wilson Vorndick

Báo cáo thường kỳ về hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, và các hoạt động có liên quan tại Biển Đông xem ra đã bỏ lỡ một chi tiết quan trọng: Trung Quốc đang cung cấp năng lượng cho các công trình mới xây như thế nào? Mặc dù Biển Đông nằm giữa một trong những tuyến vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, bản thân nó vẫn là một trong những khu vực bị cô lập nhất, điều đó càng khiến việc triển khai các dự án này trở nên khó khăn hơn. Khi quá trình xây dựng diễn ra, nhân lực, vật lực và cả các đảo nhân tạo có thể sẽ tăng lên. Đổi lại, những yếu tố này tiêu thụ nhiều điện hơn. Trước nay, người ta vẫn cho rằng nhu cầu năng lượng của việc lắp đặt triển khai cơ sở được đáp ứng bằng các máy phát điện từ các tàu neo gần đó, truyền năng lượng thông qua dây cáp ngầm, hoặc từ các máy phát sử dụng năng lượng hoá thạch trong quá trình lắp đặt.

Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang thúc đẩy năng lượng tái tạo cho các đảo nhân tạo của mình. Nếu nhìn kĩ bãi đá Gạc Ma, có thể thấy Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy điện mặt trời, cùng với 2 turbine gió, có thể sản xuất 350 kW/h nếu mỗi tấm pin mặt trời có công suất tiêu chuẩn 300W và vận hành trong điều kiện tối ưu. Quan trọng hơn, những nỗ lực về năng lượng của Trung Quốc ở Biển Đông song song với các sáng kiến lớn hơn của chính phủ và có lẽ sẽ báo hiệu việc đầu tư năng lượng tái tạo trong tương lai. Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai 2 kế hoạch năng lượng tham vọng về năng lượng tái tạo: “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” vào năm 2016 của Ban điều hành Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) năm 2016 và Kế hoạch triển khai xây dựng lưới điện biên giới, được tài trợ bởi NEA, Bộ Năng lượng, Quân đội và các lực lượng an ninh khác.

Các nguồn năng lượng tái tạo tạo cho Trung Quốc lợi thế trước các nước yêu sách chủ quyền láng giềng tại Biển Đông. Thứ nhất, nó cung cấp cho Trung Quốc nguồn năng lượng bên ngoài lưới điện quốc gia và vô cùng bền vững thay vì phụ thuộc vào các kĩ thuật sản xuất điện bằng nhiên liệu hoá thạch. Thứ hai, việc sử dụng năng lượng tái tạo này càng củng cố các chính sách đang triển khai của Chính phủ (2 kế hoạch năng lượng nêu trên), cũng như đạt được các lợi ích về môi trường và kinh tế. Cuối cùng, sách trắng về chiến lược quân sự năm 2015 của Trung Quốc kêu gọi quan hệ đối tác dân sự-quân sự trong các lĩnh vực chủ chốt cũng như là hiện đại hoá, cải tiến hậu cần. Mặt khác, các nguồn năng lượng tái tạo hiện nay vẫn còn hạn chế rất nhiều và không phải là giải pháp năng lượng, thậm chí là ở Biển Đông. Rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một trong các nguồn năng lượng truyền thống đã nêu trên là đầu vào sơ cấp hoặc thứ cấp.

Tuy nhiên, các nhà quan sát Biển Đông có thể sẽ chứng kiến nhiều tấm pin mặt trời được lắp đặt trên các đảo tranh chấp này, cũng như như xuất hiện thêm các cơ sở hạ tầng và các nguồn năng lượng liên kết và tiên tiến hơn trong tương lai gần. Về lâu dài, các dạng khác của năng lượng tái tạo, như năng lượng gió hay sóng biển, cũng có thể xuất hiện ở Biển Đông.

Giải pháp Trung Quốc – Bắc Kinh đáp trả Trump của David Kelly

Một dự thảo sắc lệnh hành pháp của Chính quyền Trump đe dọa cắt giảm kinh phí đóng góp của Mỹ cho Liên hợp quốc đã được lưu hành từ cuối tháng 1. Nhiều ngày trước khi văn bản này xuất hiện, Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài viết có tiêu đề “Giải pháp Trung Quốc”, ca ngợi “vinh quang giải pháp này mang lại đối với sự nghiệp hòa bình, phát triển và văn minh”.

Khi Trump tập trung vào việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, Trung Quốc nhận ra được quà tặng trời cho về địa chính trị: Cơ hội giành được vị thế cao về đạo đức trên toàn cầu và dẫn dắt sự phát triển của các lợi ích chung mới cũng như “các cộng đồng có mối quan tâm chung”. Bác bỏ luận điểm “Sự kết thúc của lịch sử”, đây là lần đầu tiên Tập đề cập đến thuật ngữ “Giải pháp Trung Quốc”. Hòa trộn của “chủ nghĩa thực dụng, sự cởi mở và nguyên tắc cùng thắng”, “Giải pháp Trung Quốc” bao gói lại nhiều sáng kiến đầy tham vọng như OBOR, Hợp tác Năng lực và AIIB, những sáng kiến đem hàng hóa và vốn của Trung Quốc ra thế giới. Thông điệp chính của nó là: Vị thế cường quốc chủ chốt đang nằm trong tay, nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc định hình các tổ chức và sáng kiến quốc tế, khẳng định “quyền được lắng nghe” của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế.

Giải pháp Trung Quốc được đưa ra ở cấp độ toàn cầu, vượt ra khỏi những khẩu hiệu tương tự trước đây như Mô hình Trung Quốc và Giấc mơ Trung Hoa. Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới dự Hội nghị G20, Tập nói “Động lực mở cửa của Trung Quốc không phải là màn trình diễn một mình. Ngược lại, đây là lời mời gửi đến tất cả các nước. Điều này đồng nghĩa với việc không phải Trung Quốc xây dựng sân sau của mình mà là một khu vườn được tất cả các nước chia sẻ”, thiết lập lại các chuẩn mực đa phương thông qua “việc cho các nước kém phát triển hơn có tiếng nói” và các chuẩn mực công nghệ định hướng phục vụ lợi ích quốc gia của Trung Quốc trong khi làm chệch hướng những lời chỉ trích; cũng như đóng vai trò hàng đầu trong việc khai thác các nguồn lực chưa bị tuyên bố chủ quyền (các vùng biển quốc tế, các khu vực cực, vũ trụ).

Cho đến nay, Trung Quốc nhấn mạnh sự giương cao, hơn là thay thế, các chuẩn mực toàn cầu. Tuy nhiên, Giải pháp Trung Quốc trong khi định vị Trung Quốc như là người bảo vệ kiên định toàn cầu hóa, liên quan đến các câu chuyện mang tính quốc gia khác của Trung Quốc: một đất nước bị sỉ nhục nhất. Câu chuyện khác giới thiệu Trung Quốc như khởi nguồn chân thực của văn minh thế giới. Trung Quốc ngụ ý thời kỳ phương Tây đặt ra các luật chơi toàn cầu đã qua và Trung Quốc là người thay thế.

Mặc dù không bị tranh cãi công khai, Giải pháp Trung Quốc vẫn bị đặt dấu hỏi lớn. Chuyên gia chính sách có trụ sở tại Mỹ Yang Dali viết “việc mua bạn bè ở Mỹ La tinh và các nước châu Phi bằng nhiều tỷ đô la viện trợ đang trở nên ngày càng dễ doán trước và không đủ”. Nhà sử học Qin Hui của Đại học Thanh Hoa còn lo lắng hơn nữa: “Thế giới ngày nay không giống như những năm 1930, khi phương Tây tơi tả và phải đối mặt với nhiều vấn đề, và Đức dường như đang phát triển mạnh mẽ”.

Mỹ cần phải tăng cường hợp tác đa phương ở Biển Đông của Jeffrey Ordaniel

Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng nước Mỹ sẽ trở lại cách tiếp cận đơn phương đối với an ninh quốc tế. Đặc biệt, việc Tổng thống Trump nhấn mạnh “nước Mỹ trên hết”.

Vấn đề Biển Đông vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với lời hứa của ông Trump làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Mỹ có thể sử dụng vấn đề Biển Đông để thể hiện cam kết của mình về một trật tự biển quốc tế ổn định dựa trên luật trị. Ngoài ra, Washington có thể gia tăng áp lực lên Trung Quốc, buộc nước này tuân thủ luật pháp, các quy tắc biển quốc tế và từ bỏ ý đồ làm bá chủ vùng biển Đông Nam Á.

Chính quyền Trump vẫn coi Biển Đông là một ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của mình. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis đã khẳng định rằng “tự do hàng hải phải được bảo đảm ở mức cao nhất, cho dù đó là tàu thương mại hay hải quân, Mỹ vẫn sẽ qua lại bình thường ở vùng biển quốc tế này”.

Trong khi các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) đơn phương của Mỹ nên tiếp tục, bao gồm cả các vùng biển bao quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, Washington cần phải thiết lập một cơ chế khác có sự tham gia của các đồng minh và đối tác ở Thái Bình Dương về các vấn đề tự do hàng hải: các hoạt động tuần tra kiếm soát tự do hàng hải song phương và đa phương. Úc và Philippines là đối tác lý tưởng cho các cuộc tuần tra song phương hoặc ba bên. Thật đáng tiếc, Chính quyền Duterte đã quyết định chấm dứt tuần tra chung nằm trong khuôn khổ Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng song phương. Việc Mỹ cam kết bảo vệ các tàu Philippines ở Biển Đông theo Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951 có thể khuyến khích Manila tin tưởng Washington.

Hơn nữa, một cơ chế đa phương có thể phối hợp các cuộc tuần tra đa phương, không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở tất cả khu vực biển ở Đông Á. Cơ chế này nên bao gồm cả Trung Quốc để tránh bất kỳ quan niệm sai lầm về “chính sách ngăn chặn” hoặc Mỹ và các đồng minh “liên thủ” chống lại Bắc Kinh, nhằm duy trì các tuyến hàng hải ở khu vực này luôn mở, an toàn và không bị ảnh hưởng bởi các tuyên bố chủ quyền.

Cuộc diễn tập đầu tiên như vậy có thể bắt đầu trong vùng Biển Nhật Bản, sau đó di chuyển về phía nam tới Biển Hoa Đông, đi qua eo biển Luzon hướng về phía Biển Đông, rồi đi ra thông qua eo biển Malacca và sau đó đến Ấn Độ Dương hay ngược lại. Cơ chế này nên bao gồm cả các quy định của UNCLOS.

Nếu các cuộc diễn tập chỉ được thực hiện đơn phương bởi Hải quân Mỹ, vấn đề Biển Đông có thể dễ dàng theo đường xoắn ốc biến thành một cuộc tranh giành ảnh hưởng lớn hơn giữa các cường quốc, tầm quan trọng và bản chất của việc quản lý bằng pháp luật sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Vì sự thượng tôn pháp luật quốc tế trong các vùng biển Đông Á là một lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ, Washington cần phải đi đầu và tham gia sâu hơn nữa vào khu vực Đông Á./.