Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Biên đội tàu sân bay Trung Quốc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương. Kể từ hôm 20/3, biên đội tàu sân bay Trung Quốc gồm tàu sân bay Liêu Ninh, một số tàu khu trục và nhiều máy bay tiêm kích J-15, máy bay trực thăng đã thực hiện nhiệm vụ diễn tập chuyên đề thường niên tại vùng biển Hoàng Hải và Bột Hải ở phía Tây Thái Bình Dương, với mục tiêu hoàn thiện công tác phối hợp chỉ huy biên đội tàu sân bay. Đợt huấn luyện trên biển lần này tổng hợp tất cả các yếu tố, từ huấn luyện kỹ chiến thuật cho đến huấn luyện sâu về tác chiến liên hợp. Đây là đợt diễn tập đầu tiên của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh kể từ sau khi hoàn thành đợt huấn luyện xuyên biển cách đây hơn 2 tháng.

Trung Quốc phủ nhận kế hoạch xây dựng trạm quan trắc ở Bãi cạn Scarborough. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/3, Người Phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho hay, “Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên biển ở Biển Đông. Sau khi trao đổi với các cơ quan liên quan thì thông tin Trung Quốc xây dựng trạm quan trắc môi trường ở Bãi Scarborough là không đúng sự thật. Không có kế hoạch nào như vậy. Về Bãi cạn Scarborough, quan điểm của Trung Quốc rõ ràng và nhất quán. Trung Quốc rất coi trọng đến quan hệ với Philippines và vui mừng trước quan hệ tốt đẹp của hai nước hiện nay.” Về việc Trung - Mỹ đạt đồng thuận phát triển quan hệ trên tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, bà Hoa cho hay, “Tinh thần này là phương hướng đúng đắn cho hai nước phát triển quan hệ. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi và xây dựng lòng tin, giải quyết hợp lý các bất đồng, thúc đẩy tiến bộ mới trong quan hệ song phương.” Về việc Thủ tướng Thái Lan và Tổng thống Philippines trong cuộc gặp hôm 21/3 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi DOC và cam kết hướng tới COC, bà Hoa hôm 23/3 tuyên bố: “Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác trên biển, tích cực tham vấn về COC và đưa ra một bộ quy tắc các bên đều có thể chấp nhận. Trung Quốc sẽ nỗ lực hoàn tất thảo luận khung COC vào giữa năm 2017.”

Trung Quốc khẳng định không quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc hôm 24/3 tại Canberra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho hay, “Trung Quốc tin rằng các quốc gia khu vực có trách nhiệm cùng nhau hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không. Trung Quốc không có ý định tiến hành hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Các thiết bị của Trung Quốc trên các đảo, đá chủ yếu phục vụ mục đích dân sự. Ngay cả một số thiết bị quân sự cũng nhằm mục đích duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Một số lượng lớn tàu thuyền, máy bay qua lại trên Biển Đông, giúp kết nối hoạt động thương mại của Trung Quốc với khu vực và thế giới. Trung Quốc là nước trao đổi hàng hóa lớn nhất thế giới, và rõ ràng Trung Quốc có lợi ích rất lớn ở Biển Đông.” Phát biểu trước các nghị sỹ Úc, Thủ tướng Lý cho hay Trung Quốc không muốn thấy các nước “phải chọn bên, như điều đã xảy ra trong chiến tranh lạnh.” Ông Lý nhấn mạnh trong suốt lịch sử đất nước Trung Quốc, hòa bình "luôn là điều quý giá nhất." Do đó, Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình và phát triển đất nước phù hợp với truyền thống của mình. Trung Quốc tôn trọng lựa chọn chính sách đối ngoại của Úc, "miễn là phù hợp với các điều lệ của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế," và hai nước cần tiếp tục hợp tác để duy trì điều đó.

Trung Quốc kêu gọi thiết lập cơ chế hợp tác giữa các nước ven Biển Đông. Tại một phiên thảo luận về Biển Đông trong khuôn khổ Diễn Đàn Bác Ngao hôm 25/3, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân cho hay cơ chế này góp phần thúc đẩy lòng tin, tăng cường hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa các nước thông qua trao đổi hợp tác trong các lĩnh vực phòng tránh thiên tai, cứu hộ biển, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Cơ chế hợp tác sẽ bổ sung cho mối quan hệ hợp tác song phương hiện thời giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cũng như mối quan hệ đa phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong khuôn khổ DOC ở Biển Đông. Đặc biệt, cơ chế này sẽ không được dùng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông Lưu, mối quan hệ hợp tác giữa các nước ven Biển Đông không nên bị ảnh hưởng vì những tranh chấp lãnh thổ. Thay vào đó, các nước nên tham vấn và đàm phán trực tiếp để vấn đề chấp.

Đài Loan dự định tự đóng tàu ngầm. Ngày 21/3, nhà Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chủ trì lễ ký kết khởi động dự án đóng tàu ngầm nội địa đầu tiên của Đài Loan. Đây là dự án hợp tác giữa hải quân, tập đoàn đóng tàu CSBS và Viện Khoa học Công nghệ Chung-Shan, đơn vị phụ trách việc nghiên cứu tích hợp các hệ thống chiến đấu. Khi thăm một tàu ngầm tại quân cảng Zuoying, bà Thái Anh Văn cho rằng các lực lượng quốc phòng Đài Loan cần tăng cường khả năng chiến đấu dưới nước.

+ Việt Nam:

Việt Nam lên tiếng về hoạt động xây dựng mới của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà ngày 21/3 nhấn mạnh:“Chúng tôi sẽ xác minh thông tin này. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam đề nghị các bên liên quan hành xử có trách nhiệm, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

+ Philippines:

Philippines phản đối Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough. Ngày 21/3, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre cho biết nước này sẽ gửi công phản đối việc Trung Quốc dự kiến xây dựng trạm quan trắc môi trường trên Bãi Scarborough, "Cá nhân tôi cho rằng vụ việc khá rõ ràng. Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhiều lần nhấn mạnh Philippines không từ bỏ yêu sách và các quyền đối với Bãi cạn Scarborough.” Theo ông Aguirre,t Philippines sẽ củng cố lại mối quan hệ với Mỹ, một đồng minh lâu năm của Manila.

Philippines khẳng định không từ bỏ bãi cạn Scarborough. Ngày 22/3, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Ernesto Abella cho hay Bộ Ngoại giao Philippines đang xác định thông tin Trung Quốc xây dựng trạm quan sát môi trường trên một số thực thể ở Biển Đông “bởi các thông tin này không phản ánh quan điểm chính thức của Trung Quốc. Người phát ngôn Abella bác bỏ thông tin Tổng thống Duterte có ý định từ bỏ Bãi cạn Scarborouhg, "Trái với thông tin của báo giới, Tổng thống Duterte không từ bỏ quyền lợi tại bãi cạn này, nhất quyết bảo vệ lợi ích của người dân Philippines sẽ hành động vào thời điểm thích hợp và có lợi nhất cho Philippines.”

Philippines sẽ chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc ở khu vực trang chấp. Phát biểu trong một sự kiện ở Manila hôm 23/3, Tổng thống Philippines cho hay Philippines không thể tự khai thác nguồn tài nguyên vùng biển của mình, "Ngay cả khi tôi muốn khai thác mọi thứ nhưng chúng ta không có vốn. Về giàn khoan hay bất cứ thứ gì, chúng ta cũng không đủ năng lực. Do đó, tôi sẽ cân nhắc tới việc chia sẻ tài nguyên”. Tổng thống Duterte cũng cho hay ông tin Trung Quốc không xây dựng bất cứ thứ gì tại Bãi Scarborough bởi Bắc Kinh đã "hứa danh dự" và tôn trọng quan hệ giữa hai nước. Ông Duterte đánh giá hoạt động FONOP của Washington ở Biển Đông là "một tính toán sai lầm" có thể gây xung đột. Chính quyền Mỹ đã gây áp lực buộc Philippines chống lại Trung Quốc mà không có sự đảm bảo hỗ trợ quân sự, "Mỹ là nước duy nhất có thể hành động ở đó, tại sao họ muốn hải quân của chúng ta phải đến đó? Tại sao người Mỹ không đến gặp Trung Quốc khi nước này xây dựng các cấu trúc ở đó? Tại sao người Mỹ không đưa đến đó 5 tàu sân bay và phải chờ đến khi vấn đề trở thành một vấn đề quốc tế liên quan đến nhiều nước".

+ Malaysia:

Malaysia bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc Biển Đông. Trong phiên họp của Nghị Viện Malaysia ngày 20/3, trả lời chất vấn về sự hiện diện trái phép của tàu Trung Quốc ở vùng biển của Sarawak, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho hay Malaysia và các bên tranh chấp khác trong ASEAN không công nhận cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh yêu sách bởi không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Ngoại trưởng Anifah nhận định, “sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích và an ninh của Malaysia. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực và thay đổi bối cảnh địa chính trị tại Biển Đông. Vì vậy, Malaysia cần đặc biệt chú ý đến các diễn biến”.

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ chưa thể thách thức yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân Mỹ một số lần đệ trình kế hoạch tiến hành tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý của các thực thể Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông nhưng đến nay đề nghị này chưa được chính quyền Mỹ phê chuẩn. Theo quan chức Mỹ giấu tên, kế hoạch này đã được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chấp thuận, song Ủy ban An ninh quốc gia chưa phê chuẩn. Hành động trên thực địa gần đây nhất ở Biển Đông của Mỹ là việc điều cụm tàu sân bay USS Carl Vinson tuần tra hồi tháng 2.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản sắp chuyển giao 2 máy bay huấn luyện cho Philippines. Theo Cơ quan Thiết bị Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần đầu tiên máy bay Lực lượng tự vệ Nhật Bản được chuyển giao sang các nước khác. Buổi lễ bàn giao 2 trong số 5 máy bay TC-90 sẽ được tổ chức tại căn cứ hải quân Heracleo Alano ở Philippines vào ngày 27/3. Ba chiếc TC-90 còn lại dự kiến ​​sẽ được chuyển trước tháng 3/2018. Tháng 10/2016, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận cho Philippines thuê 5 máy bay với giá 7.000USD/chiếc.

+ Úc:

Úc kêu gọi giải quyết tranh chấp biển dựa trên luật pháp. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc sau cuộc hội đàm hôm 24/3 tại Canberra, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbul cho hay, “Quan điểm của Úc luôn nhất quán. Chúng tôi thúc giục các bên giải quyết hòa bình tranh chấp thông qua đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế. Úc mong đợi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, đồng thời thúc giục các bên kiềm chế hành động, có thể làm leo thang căng thẳng, bao gồm việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp.”

+ New Zealand:

New Zealand ủng hộ quan điểm của ASEAN về Biển Đông. Từ ngày 21-22/3/2017, Đối thoại ASEAN-New Zealand lần thứ 24 đã diễn ra với sự đồng chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và thương Mại New Zealand Brook Barrington và Trưởng SOM ASEAN-Indonesia Jose Tavares. New Zealand khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. New Zealand nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hoà bình các tranh chấp, trong đó có tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Quan hệ các nước

Pháp - Nhật ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris hôm 20/3, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho hay, “Ngài Francois Hollande và tôi đã nhất trí về tầm quan trọng trong việc đảm bảo trật tự hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên tiếp tục góp phần duy trì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực này”. Ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động diễn tập hải quân giữa Nhật, Pháp, Anh và Mỹ quanh đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương vào tháng 5 tới. Về phần mình, Tổng thống Hollande tái khẳng định rằng Pháp sẽ hỗ trợ Nhật tăng cường vai trò gìn giữ hòa bình và tăng cường hợp tác hai bên. Trước đó ngày 17/3, Reuter cho hay Pháp sẽ triển khai tàu đổ bộ trực thăng Mistral tham gia cuộc tập trận này.

Thái Lan - Philippines nhấn mạnh tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong chuyến thăm Thái Lan từ ngày 20/3 đến 22/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 21/3. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho hay, “Về Biển Đông, hai nhà lãnh đạo cho rằng duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Thái lan tin rằng để đem lại lợi ích cho khu vực và người dân các nước, các bên cần hướng tới mục tiêu đưa Biển Đông trở thành “Vùng biển của Hòa bình, Ổn định và Phát triển Bền vững. Philippines tái khẳng định cam kết với Thái Lan và các bên liên quan trong việc tăng cường hợp tác biển và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

ASEAN - Trung Quốc sẽ thảo luận dự thảo khung COC vào tháng 5. Quyền Ngoại trưởng Philippines ông Enrique Manalo ngày 22/3 cho biết dự kiến tháng 5 tới, Trung Quốc và ASEAN sẽ tiến hành thỏa luận về Dự thảo khung COC, “Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp này và hy vọng đến lúc đó, chúng ta sẽ có bước tiến quan trọng trong việc xây dựng COC. Mong rằng các bên đạt được một thỏa thuận sơ bộ về khung COC. Philippines cam kết nỗ lực vì mục tiêu này.” Cũng theo ông Manalo, Philippines đã chính thức gửi yêu cầu Trung Quốc giải thích về các kế hoạch xây dựng trạm giám sát môi trường trên Bãi Scarborough.

Việt Nam - Singapore khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ở Biển Đông. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-24/3/2017, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 23/3. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho hay, “Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực và tuân thủ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hoà bình các tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm UNCLOS 1982. Hai bên tái khẳng định ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu DOC và sớm hoàn tất Bộ khung COC.”

Phân tích và đánh giá

Mỹ cần đối phó như thế nào với hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc?của Ted Yoho

Hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ và buộc Mỹ phải có hành động vì ba lý do:

Thứ nhất, hành động của Trung Quốc đặt ra mối nguy cơ cực kỳ lớn về sự đối đầu quân sự giữa hai nước. Thứ hai, hành động của Trung Quốc gây ra những tác động rất lớn đến an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cuối cùng, nếu hành vi của Trung Quốc không được kiềm chế, vai trò lãnh đạo, uy tín cũng như trật tự do Mỹ thiết lập sẽ bị suy giảm.

Lựa chọn đơn phương của Mỹ

Không còn mong chờ gì nhiều cho giải pháp đa phương, Mỹ nên tăng cường hơn nữa các biện pháp đơn phương.

Dean Chang thuộc quỹ Heritage Foundation đã đề nghị nên trừng phạt cấm vận thương mại đối với các công ty đã giúp Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông nhằm hạn chế nỗ lực xây dựng của Trung Quốc.

Hải quân của Hoa Kỳ cũng cần phải thường xuyên và tăng cường các hoạt động tự do hàng hải, đặc biệt là việc đi ngang qua đối với hoạt động bình thường của quân đội trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo để thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo.

Chính quyền và Quốc hội cần tiếp tục chương trình Sáng Kiến An Ninh Biển Đông Nam Á và hỗ trợ quân sự tương tự đồng thời tái ưu tiên để nhận thức tốt hơn thực tế hiện tại.

Bộ Quốc Phòng cũng phải loại Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước được mời tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm 2018. Trung Quốc lần đầu tiên được mời tham dự cuộc tập trận này là vào năm 2014, tức là sau khi Trung Quốc tiến hành hoạt động xây đảo trái phép. Bất chấp hành vi khiêu khích trên biển, năm 2016, Trung Quốc vẫn tiếp tục được mời tham dự cuộc tập trận. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tính đến việc mới Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC.

Chính quyền cũng có thể tính đến khả năng tiến hành áp lực bất đối xứng, một chiến thuật mà Trung Quốc thường sử dụng để đạt được lợi ích chiến lược. Chẳng hạn như việc Trung Quốc đáp trả về thương mại đối với Hàn Quốc trong vấn đề triển khai THAAD. Lợi ích thương mại của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào các chính sách luật lệ của Mỹ, Mỹ có thể theo đuổi các chính sách tương tự.

Từ lâu, Mỹ đã nhận thực được mối đe dọa từ các hành động mà Trung Quốc gây ra trên biển nhưng Mỹ lại không trừng phạt được Trung Quốc vì hành vi này. Để thay đổi, Mỹ cần có một chiến lược mới kết hợp với các hành động đơn phương. Chiến lược càng chủ động thì càng đòi hỏi Mỹ quyết tâm nhiều hơn, như chúng ta thấy, chính việc liên tục né tránh xung đột lại tạo ra những rủi ro xung đột. Trung Quốc đã lợi dụng sự nhân nhượng của Mỹ để thay đổi hiện trạng và củng cố vị thế của mình tại các vùng biển tranh chấp. Sự nhu nhược của mỹ không hề làm cho tranh chấp dịu đi, ngược lại, điều đó còn làm gia tăng rủi ro xung đột.

Malaysia thận trọng hơn trong tranh chấp Biển Đôngcủa David Hutt

Mới đây, trong tuần này, phát biểu trước Quốc hội Malaysia, Ngoại trưởng Anifah Aman tuyên bố Kuala Lumpur không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh vạch ra để yêu sách một vùng chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông, với lý do tuyên bố của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh: “không thể duy trì vị thế trung lập” trong khi Malaysia cũng có yêu sách chủ quyền một số thực thể ở Trường Sa, cũng như các bãi cạn khác trong khu vực tranh chấp.

Tuyên bố của ông Anifah tương phản với quan điểm của Chính phủ Malaysia từ trước tới nay, là dùng những lời lẽ thận trọng về tham vọng của Trung Quốc trong vùng biển có tiềm năng kinh tế cao này. Tuy nhiên, trong bối cảnh sắp tới tổng tuyển cử vào tháng 8/2018, tuyên bố của ông Anifah đã khơi lên những đồn đoán cho rằng tuyên bố đó có mục đích xoa dịu giới chỉ trích ở trong nước, vốn tin rằng Chính phủ của Thủ tướng Najib Razak đã xích lại quá gần và nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều, thay vì một thay đổi căn bản về mặt chính sách.

Kể từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Malaysia. Năm ngoái, thương mại song phương vượt ngưỡng 50 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2015. Chính phủ của ông Najib nhận thức rõ rằng đầu tư của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang gặp khó khăn của Malaysia, vốn bị tác động nghiêm trọng vì sự rớt giá dầu trên toàn thế giới cách đây hai năm.

Phần lớn các nước thành viên ASEAN hối thúc việc thực thi COC cho các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, Biển Đông không phải là rủi ro an ninh duy nhất mà Malaysia phải đối mặt. Tình hình an ninh phức tạp ở Trung Đông, kể cả ở Iraq và Syria, được cho là có tầm quan trọng chiến lược đối với Malaysia.

Muốn tân trang lực lượng quân đội một cách toàn diện, Malaysia có thể cần tới sự hỗ trợ của Trung Quốc và bị buộc phải chọn giữa chuẩn bị đầy đủ để có thể đối phó với nguy cơ khủng bố gia tăng ở trong nước, hoặc là nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Có một lý do khác có thể lý giải cho những tuyên bố chủ quyền yếu ớt của Malaysia tại Biển Đông: các hòn đảo tại đây không có giá trị chiến lược hoặc giá trị kinh tế tức thời đối với chính quyền Malaysia.

Các nước tuyên bố chủ quyền khác có thể muốn khai thác những vùng biển giàu tài nguyên dầu khí quanh các bãi đá và đảo trong vòng tranh chấp nhưng Malaysia, nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai Đông Nam Á và cũng là nước xuất khẩu khí đốt hoá lỏng lớn nhất thế giới hiện nay, nhận thức rằng họ đang đối mặt với một nền kinh tế toàn cầu dư thừa nhiên liệu.

Lối tiếp cận của Malaysia về vấn đề Biển Đông có thể được mô tả là “chờ đợi và xem xét”. Không muốn tác động tới đầu tư từ Trung Quốc, hoặc gây phẫn nộ cho một quốc gia đang giúp mình giải quyết mối khủng bố đang tăng trong khu vực, Malaysia sẽ phục vụ lợi ích của mình hơn.

Bốn kịch bản có thể diễn ra dưới thời Tổng thống Trump của Peter Jennings

hai yếu tố cốt lõi quyết định đặc trưng lâu dài của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump: Một là chính sách đối ngoại - có thể theo hướng tham gia cùng các nước bè bạn và đồng minh, cũng có thể là biệt lập hơn. Hai là cách hành xử - có thể duy trì ổn định theo cách thông thường, cũng có thể là đưa ra những kế hoạch nhằm cố tình gây bất ổn.

ra 4 kịch bản có thể diễn ra trong tương lai của chính quyền Trump: 

Thứ nhất, các cộng sự của ông Trump không đạt được đồng thuận. Chính quyền Mỹ đang trải qua một tiến trình chuyển giao chậm chạp và khó khăn. 50 ngày trước cuộc họp nội các của ông Trump, hàng nghìn quyết định bổ nhiệm vẫn chưa được triển khai. Các nhân vật chủ chốt trong chính quyền không am hiểu nhiều về các vấn đề quốc tế. Việc các cộng sự của ông Trump không đồng thuận sẽ khiến các nước bè bạn và đối thủ của Mỹ liên tục phải đoán định bước đi tiếp theo của Washington. 

Thứ hai, nếu chính quyền Mỹ ổn định hơn và liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh, cách tiếp cận của Mỹ sẽ cứng rắn hơn. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã đề nghị các nước thành viên NATO phải có những đóng góp tương xứng và nhiều hơn nữa để bảo vệ an ninh của mình. Trong bối cảnh này, cách hành xử của Washington mang tính giao dịch nhiều hơn, có xu hướng thúc giục các đồng minh đóng góp quân sự cho NATO và ít nhiệt tình với quan niệm liên minh lịch sử. Nếu ổn định, chính quyền Mỹ có thể sẽ phát triển các bước tiếp cận chiến lược đối với các mối quan hệ chủ chốt. Ông Trump có thể đưa ra chính sách cứng rắn với Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama, chứ không chỉ dừng ở lời nói. Thực tế là Bắc Kinh có thể thích sự chắc chắn, mặc dù cứng rắn hơn, từ phía Washington, chứ không muốn nghe những phát biểu mơ hồ không rõ ràng của ông Trump. 

Thứ ba, chính quyền Mỹ trở nên biệt lập hơn và ổn định hơn. Với việc Mỹ tập trung ưu tiên vào chính sách đối nội, các đồng minh truyền thống của Mỹ có thể mất chỗ dựa. Trung Quốc, Nga và Iran có thể sẽ nỗ lực tận dụng điều này để chiếm ưu thế. Nhật Bản, Đức, Úc và các nước khác phải cân nhắc lại chính sách an ninh của mình trong bối cảnh Mỹ có thể sẽ giảm hỗ trợ cho các nước này. Ông Trump có thể coi môi trường này là một nơi lý tưởng để thực hiện nghệ thuật ứng xử quốc tế. 

Thứ tư là “trật tự thế giới mới rối loạn”, theo đó chính quyền Mỹ chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ và kéo dài, hoặc làm sâu sắc hơn, sự bất ổn của Mỹ. Một số phụ tá chủ chốt của ông Trump như cố vấn cao cấp Steve Bannon sẽ tiếp tục cách tiếp cận này. Các đồng minh trong “trật tự thế giới mới rối loạn” sẽ phải nỗ lực để thu hút sự chú ý. Chính quyền Mỹ có thể lớn tiếng trong tranh chấp thương mại, trong khi đó Nga, Trung Quốc và các nước khác rảnh tay hơn khi thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình. Chắc chắn, Quốc hội sẽ phản pháo. Sự chê trách có thể tiếp tục kéo dài khi ông Trump cố gắng để chấp nhận rằng việc điều hành một đất nước hoàn toàn khác với điều hành một công ty gia đình.

ASEAN vẫn làn ‘hòn đá tảng’ trong chính sách đối ngoại của Indonesiacủa A. Ibrahim Almuttaqi

Thời gian qua đã có một số bài viết, ý kiến bình luận về định hướng chính sách đối ngoại của Indonesia, nhất là sau khi nước này hoàn thành vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia vành đai Ấn Độ Dương (IORA). Có ý kiến cho rằng thái độ tích cực của Indonesia với IORA cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách của Jakarta với ASEAN. Nhận thấy những cơ hội mới với IORA trong bối cảnh ASEAN đang “ở tình trạng khủng hoảng”, Tổng thống Jokowi đã chọn cách quay lưng lại và không còn hứng thú với vai trò lãnh đạo tự nhiên trong ASEAN.

Tuy nhiên, có hàng loạt lý do cho thấy ASEAN vẫn và sẽ tiếp tục là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Thứ nhất, thái độ vừa qua với IORA chỉ thể hiện Indonesia luôn nghiêm túc và thực thi có trách nhiệm vai trò của mình trong mọi tổ chức, nhất là khi ở cương vị chủ trì, dù là ASEAN, IORA hay WTO.

Thứ hai, liệu chính quyền Indonesia sau nhiệm kỳ chủ tịch có tiếp tục thái độ tích cực với IORA hay không còn là một câu hỏi. Trong khi đó, khi ASEAN có chuyện, Indonesia thường đứng ra phát huy vai trò dù có đảm nhiệm vị trí chủ tịch hay không. Đến đây, có thể đặt câu hỏi liệu một người ngại các chuyến công du như Tổng thống Jokowi sẽ đi dự Cấp cao IORA sắp tới tại Nam Phi hay nếu có vấn đề gì xảy ra với IORA, Ngoại trưởng Retno có sẵn sàng tiến hành các chuyến ngoại giao con thoi hay không?

Thứ ba, nếu ASEAN gặp khủng hoảng, nguy cơ đặt ra với Indonesia sẽ lớn hơn nhiều so với khi có khủng hoảng tại IORA. Còn nhớ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính Châu Á 1997 vốn gây cho Indonesia những hậu quả chính trị, kinh tế và xã hội nặng nề đã khởi nguồn từ Thái Lan. Còn cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya mới đây thì bắt nguồn từ những vụ xung đột ở Myanmar. Thực tế, nếu ASEAN gặp khó khăn, Indonesia thường đứng ra đảm nhiệm vai trò lãnh đạo vì nếu quay lưng lại, Jakarta sẽ phải hứng chịu đủ loại nguy cơ và bất trắc, cả truyền thống và phi truyền thống.

Với Indonesia, ASEAN đóng vai trò như một môi trường hoà hợp để tạo dựng tin cậy và hiểu biết lẫn nhau với các nước láng giềng, qua đó giúp làm giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột. Ngoài ra, ASEAN còn có vai trò như một vùng đệm an ninh cho Indonesia, đẩy các mối đe doạ an ninh ra xa lãnh thổ nước này hơn. Nếu xuất hiện đe doạ an ninh, Indonesia sẽ có thêm thời gian chuẩn bị đối phó, qua đó giúp giảm thiệt hại cũng như khả năng xung đột nổ ra trên đất Indonesia.

Khủng hoảng với ASEAN là khủng hoảng với Indonesia, thậm chí liên quan tới sự tồn vong của đất nước, trong khi nguy cơ với IORA chưa chắc đã phải là nguy cơ với Indonesia. Vì những lý do đó mà ASEAN đã và sẽ tiếp tục là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Đã đến lúc Úc và Việt Nam nâng cấp quan hệ của Carlyle Thayer

Úc có quan hệ quốc phòng và an ninh lâu dài với Việt Nam từ gần hai thập kỷ trước. Năm 1998, Việt Nam đã tổ chức cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên với Úc và năm sau đó Úc mở Văn phòng Tùy viên quốc phòng ở Hà Nội, tương tự đối với Việt Nam là năm 2000. Năm năm 2009 hai bên nâng quan hệ song phương lên “đối tác toàn diện”. 

Thỏa thuận Đối tác Toàn diện đã đặt nền tảng cho sự phát triển hợp tác quốc phòng và an ninh. Việt Nam và Úc cam kết trao đổi nhân sự quốc phòng, tiến hành huấn luyện chung, tổ chức các chuyến thăm và tiến hành đối thoại thường xuyên về các vấn đề an ninh khu vực giữa các quan chức quốc phòng và ngoại giao. 

Năm 2010, bộ trưởng quốc phòng Úc và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng, trong đó tăng cường từ trao đổi giáo dục tới một số hoạt động đào tạo thực tiễn song ở phạm vi hạn chế giữa hải quân và lực lượng đặc nhiệm. Nhờ bản MoU này, Việt Nam và Úc đã khởi động các cuộc Đàm phán Hợp tác Quốc phòng, một cuộc Đối thoại Chiến lược với sự tham gia của các thứ trưởng bộ quốc phòng và ngoại giao, tất cả đều trên cơ sở hàng năm. 

Năm 2015, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã thông qua tuyên bố về Tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Tuyên bố này đặt ra lộ trình về hợp tác ở mức khu vực và quốc tế, trong đó thúc đẩy Hội nghị Cấp cao Đông Á như một diễn đàn hàng đầu cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. 

Việt Nam và Úc đã đạt được quan điểm chung về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông rằng “…tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Hai nước kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hai nước nhất trí về sự cấp thiết phải sớm có COC ở Biển Đông”. 

Việt Nam và Úc cũng cam kết hợp tác để đạt các mục tiêu an ninh chung trong Diễn đàn Khu vực ASEAN, Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ và Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng. 

Hợp tác quốc phòng song phương cũng được duy trì thông qua các cuộc trao đổi quân nhân, huấn luyện binh sỹ và các chuyến thăm của tàu hải quân.

Việt Nam đã tiến hành đàm phán 11 thỏa thuận đối tác chiến lược và 15 thỏa thuận đối tác toàn diện với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và một số cường quốc chính khác như Nhật Bản và Ấn Độ. Các đối tác chiến lược của Việt Nam được quyền tiếp cận nhiều hơn với ban lãnh đạo tối cao của nước này so với những đối tác toàn diện. Vì vậy, đã đến lúc Úc nên tận dụng sự lơ là của Mỹ ở khu vực này để nâng mối quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến lược vì hai nước có chung quan điểm về an ninh và Việt Nam có khả năng hợp tác với Úc để giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải./.