Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 27/7 thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận tại khu vực biển Hoa Đông, bắt đầu từ ngày 29/7- 2/8 và cũng sẽ tập trận bắn đạn thật ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, bắt đầu từ ngày 26/7- 1/8. Cục Hải sự Trung Quốc cùng ngày ra thông báo cho biết, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành “nhiệm vụ quân sự” tại khu vực eo biển Bột Hải và Hoàng Hải, trong thời gian 7 ngày tính từ ngày 26/7. Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi đây là hoạt động huấn luyện thường lệ nhưng các cuộc tập trận được tiến hành đồng thời tại 4 vùng biển với quy mô lớn nhất trong một vài năm trở lại đây.

Trung Quốc tăng cường tàu chấp pháp trên biển. Mới đây, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Văn Xung Hoàng Phố, Trung Quốc đã diễn ra lễ bàn giao đưa vào sử dụng tàu “Hải cảnh Trung Quốc 3306”. Đây là tàu chấp pháp biển đa chức năng 3.000 tấn kiểu mới, trang bị hệ thống theo dõi, giám sát, hệ thống tiếp nhận hình ảnh vô tuyến, hệ thống định vị Bắc Đẩu tiên tiến. Theo truyền thông Trung Quốc, tàu này sẽ do chi đội 7 hải giám Trung Quốc quản lý.

Trung Quốc xâm phạm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã tiến hành khai thông luồng lạch ở đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Về việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 24/7 khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của Trung Quốc ở hai quần đảo này đều là bất hợp pháp và vô giá trị”.

+ Việt Nam:

Khai mạc hội thảo "Tranh chấp trên Biển Đông dưới góc nhìn dân sự". Trong hai ngày 25-26/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông 2014 với chủ đề "Tranh chấp trên Biển Đông dưới góc nhìn dân sự".  Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 học giả, chuyên gia nghiên cứu đến từ nhiều nước. Trong hai ngày diễn ra hội thảo sẽ có hơn 20 bài tham luận được trình bày, hầu hết tập trung vào các nội dung xung quanh chính sách quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp thông qua việc chấp hành luật lệ quốc tế, các phương thức quản lý xung đột bằng con đường ngoại giao, ôn hòa để gìn giữ Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.

+ Philippines:

Philippines bác bỏ phản đối của Trung Quốc về dự án ở Bãi Cỏ Rong. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin khẳng định Philippines sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ hoạt động thăm dò dầu khí của công ty Forum Energy tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Tuyên bố này đưa ra sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 11/7 nhấn việc gia hạn của Manila là phi pháp và bất hợp lệ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, nếu xin phép Trung Quốc nghĩa là khu vực này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, mà rõ ràng thực tế không phải vậy. Ông Gazmin cho rằng chủ quyền Bãi Cỏ Rong sẽ được xác định qua phán quyết tới đây của tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines. Hoạt động thăm dò của công ty Forum Energy được gia hạn thêm đến giữa tháng 8/2016.

+ Mỹ:

Mỹ tăng cường sức mạnh cho không quân Philippines. Tân Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines ông Gregorio Pio Catapang cho biết, Mỹ sẽ cung cấp 2 máy bay vận tải quân sự Lockheed C-130 Hercules cho không quân nước này, "Tôi vừa đàm phán với các đối tác Mỹ và họ thông báo rằng họ sẵn sàng cung cấp 2 chiếc máy bay vận tải C-130 cho Philippines để hỗ trợ hoạt đọng giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.” Theo ông Catapang, phía Mỹ đã đưa ra đề xuất này sau khi biết kế hoạch của Tổng thống Aquino tìm mua thêm máy bay vận tải mới cho quân đội Philippines.

Mỹ kêu gọi tránh hành động leo thang mới tại Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Washington hôm 24/7, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bà Marie Harf tuyên bố: “Trung Quốc đã có những động thái làm leo thang căng thẳng mà chúng ta tin rằng gây mất ổn định và làm thay đổi nguyên trạng. Có thể nói tình hình đã thay đổi đôi chút hiện nay. Tuy nhiên, các bên cần hợp tác trong những vấn đề này và cố gắng giải quyết những khúc mắc mà không làm leo thang căng thẳng hơn nữa.”

Quan hệ các nước

Cựu Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Ngày 18/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Chủ tịch nước cho biết, hai nước đang tích cực đàm phán để sớm ký kết TPP và đề nghị Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương và nhấn mạnh đây là công việc quan trọng, cần thiết để khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho biết rất mong muốn quay trở lại Việt Nam vào năm 2015, để kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Ông Bill Clinton nêu rõ, quan điểm của Mỹ là mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác, gạt bỏ đối đầu giữa các nước, ủng hộ hòa bình ổn định, phát triển thịnh vượng cho tất cả các quốc gia. Các nước trong khu vực đều phải hợp tác với nhau; tránh tình trạng một nước lớn có thể ức hiếp các nước nhỏ khác trong khu vực.

Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam và Singapore. Sáng 22/7, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Singapore Chan Yeng Kit, đồng chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Singapore. Hai bên cho rằng, hợp tác quốc phòng trong thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực trao đổi đoàn, hợp tác hải quân. Hai bên cho rằng thời gian tới, quan hệ hợp tác quốc phòng cần tăng cường, đi vào chiều sâu. Hai bên đã cùng nhau trao đổi một số vấn đề Biển Đông và nhất trí rằng, các tranh chấp phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế; đồng thời cần phát huy tinh thần đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 20. Ngày 23/7, tại thủ đô Bruxelles, Bỉ, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 20 với nhiều nội dung thảo luận quan trọng. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị. Đây là thời điểm quan trọng để hai tổ chức khu vực thảo luận định hướng và các kế hoạch hành động để thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn tiếp theo. Việc thúc đẩy quan hệ và sự hiện diện tại Đông Nam Á không chỉ giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế- thương mại của EU mà còn thúc đẩy vị thế xứng tầm cho EU tại khu vực địa chính trị quan trọng ở châu Á.

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc thăm Indonesia. Trong chuyến thăm 3 ngày tới Indonesia, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long hôm 24/7 đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yugisantoro. Ông Purnomo cho biết các mối quan hệ quân sự giữa Indonesia và Trung Quốc đang duy trì đà tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, quân đội 2 nước đang mở rộng hợp tác thiết thực, "Indonesia và Trung Quốc không có xung đột lợi ích, ngược lại chia sẻ lợi ích chung rộng rãi trong khu vực Châu Á." Về phần mình, ông Phạm Trường Long cho biết quân đội Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tăng cường quan hệ song phương thông qua thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác an ninh. Về vấn đề Biển Đông, ông Phạm cho rằng cần giải quyết tranh chấp bằng “đàm phấn, tham vấn với các nước liên quan trực tiếp trên cơ sở thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế.”

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc đang đẩy mạnh ngoại giao quân sự” của Zachary Keck. Trong vài tuần trở lại đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động trên mặt trận ngoại giao quân sự. Đáng chú ý nhất là việc lần đầu tiên Trung Quốc tham gia vào Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới. Trong số các nước tham dự RIMPAC năm nay, Trung Quốc là quốc gia có quân số tham gia đông đảo đứng thứ 2. Hạm đội đến RIMPAC của Trung Quốc bao gồm tàu khu trục Haikou, tàu khu trục tên lửa Yueyang, tàu tiếp tế Qiandaohu, tàu bệnh viện Peace Ark, hai trực thăng và một đơn vị đặc công, cùng với 1.100 binh sĩ. Tương tự, cuối tuần trước Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Hải quân Mỹ đã đến thăm Trung Quốc. Trong thời gian ở đây, ông đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli, Tổng tư lệnh Hải quân PLA (PLAN). Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa ông Greenert và ông Wu trong năm qua. Ông Wu đã mời ông Greenert tham quan tàu Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn sau chuyến thăm với tờ Wall Street Journal, ông Greenert đã tiết lộ rằng phía Trung Quốc đã đề nghị phía Mỹ đáp lại hành động của Trung Quốc bằng việc cử tàu USS George Washington, tàu sân bay đang neo đậu tại Nhật Bản, tới Trung Quốc để các binh sĩ vận hành tàu Liaoning có cơ hội tham quan con tàu của Mỹ. Cùng thời điểm ông Greenert thăm Trung Quốc, một quan chức cấp cao của nước này - Tướng Fan Changlong, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc - cũng tới thăm Australia và hội đàm với Thủ tướng Tony Abbott. Trong chuyến thăm của Tướng Fan tới Canberra, hai bên đã nhất trí tổ chức tập trận 3 bên tại Australia vào tháng 10 với sự tham gia của Thủy quân lục chiến Mỹ. Cuộc tập trận 3  bên này được gọi là “Cuộc tập trận Kowari”. Phát biểu về cuộc tập trận sắp diễn ra này, Bộ trưởng Quốc phòng Johnston cho biết “Sự kiện này đánh dấu cuộc tập trận 3 bên lần đầu tiên giữa Australia, Trung Quốc và Mỹ.” Sau đó, Tướng Fan cũng tới thăm New Zealand và Indonesia. Trong khi đó, ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanquan đã tiếp ông Baek Seung-joo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tại Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Trung Quốc – Hàn Quốc lần thứ 4. Đối thoại chiến lược giữa hai nước diễn ra vào thời điểm ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hàn Quốc đầu tháng này. Kết quả đáng chú ý nhất của cuộc đối thoại song phương đó là thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước về việc thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ cho thông tin liên lạc. Theo hãng thông tấn Yonhyap, “hai bên đã ký một biển bản ghi nhớ để thiết lập đường dây nóng cuối năm nay.”

“Bốn lý do Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 sớm hơn dự kiến” của Carl Thayer. Vào ngày 15/7, Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành hoạt động thăm dò thương mại và sẽ được kéo trở lại Hải Nam. Việc di dời giàn khoan đã sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu là 15/8. Có thể thấy động thái này là sự thay đổi chiến thuật trong chính sách của Trung Quốc: Chuyển từ đối đầu trên biển sang đối thoại chính trị và ngoại giao. Dưới đây là 4 lý do giải thích cho động thái này của Trung Quốc. (i) Chấm dứt hoạt động thương mại bình thường. Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, “các hoạt động khoan dầu và thăm dò của Dự án Zhongjiannan đã hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 15/7 với việc phát hiện ra dầu và khí gas”. Trong thời gian Hải Dương 981 hoạt động, giàn khoan này đã khoan thăm dò được 2 giếng dầu. Ông Wu Shicun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (NISCSS), Trung Quốc, cho biết lịch trình hoạt động ban đầu của giàn khoan HD-981 là một tính toán có phần quá cẩn trọng, và đã “ước lượng nhiều thời gian hơn cần thiết”.  (ii) Tin tức trên Tân Hoa Xã ngày 16/7 đã đưa ra lý do thứ hai: Trung Quốc di dời giàn khoan để tránh cơn bão sắp xảy ra. Bài báo dẫn lời Qiu Zhongjian, một nhà địa chất học đến từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc: khi bắt đầu chương trình khoan dầu của Hải Dương 981, người ta đã tính đến “tai biến địa chất, các vấn đề kỹ thuật và những cơn bão có thể xảy ra”. Tân Hoa Xã kết luận: “vì lý do an toàn, các hoạt động thử nghiệm sẽ không thể tiếp tục bởi tháng 7 là bắt đầu mùa mưa bão”. (iii) Một số nhà phân tích cho rằng việc này là do áp lực từ Mỹ. Họ đưa ra ví dụ cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Mỹ tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược được tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 9-10/7, hay Nghị quyết S.RES.412 được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 10/7 kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và tàu thuyền, lời kêu gọi đóng băng các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc của Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs tại hội nghị CSIS lần thứ 4 về Biển Đông vào ngày 11/7 và cuộc điện đàm giữa tổng thống Barack Obama và ông Tập Cận Bình vào ngày 14/7. (iv) Ngăn Việt Nam thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Động thái hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc không chỉ khiến Việt Nam có thể sẽ thực hiện những hành động pháp lý chống lại nước này mà còn có thể buộc Việt Nam phải xích lại gần hơn với Mỹ. Do đó Trung Quốc phải rút giàn khoan để quan hệ song phương không bị xấu thêm. Việt Nam đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Nếu bỏ dở cuộc chiến pháp lý chống Trung Quốc, trì hoãn việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ, thì điều gì có thể đảm bảo rằng các tàu và các giàn khoan dầu khí của Trung Quốc không quay lại trong tương lai? Nếu Việt nam quyết định tiếp tục cuộc chiến pháp lý của mình, thì Trung Quốc sẽ đáp trả bằng những biện pháp trừng phạt ra sao? Hành động giảm nhiệt căng thẳng và chuyển từ đối đầu trên biển sang ngoại giao của Trung Quốc có thể sẽ vô hiệu hóa các nỗ lực của Mỹ tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sắp tới nhằm hối thúc các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhiều khả năng, sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc sẽ nhận được ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN, những nước vừa bất an trước sự hung hăng của Trung Quốc trong thời gian gần đây, lại vừa e dè khi phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

“Trung Quốc đang nhấn chìm COC tại Biển Đông?” của Benjamin Herscovitch. Trong cuốn Binh pháp Tôn Tử viết vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Tôn Tử lập luận: "Khi nói đến việc thiết lập các quy tắc và quy định, tất cả mọi người, dù sang hay hèn đều nên được đối xử như nhau". Thật đáng tiếc, chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như coi thường bài học bình đẳng này trong chiến lược quan hệ quốc tế. Trong suy nghĩ của Bắc Kinh, Trung Quốc không cần phải bình đẳng với các quốc gia khác. Họ vẫn giữ nếp nghĩ mình là Trung Nguyên và các nước nhỏ khác là chư hầu. Tư tưởng này thể hiện rõ  trong khu vực Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh vẫn từ chối chấp nhận các quy tắc ứng xử và muốn dùng cơ bắp kiểm soát lãnh thổ tranh chấp theo cách họ muốn. Cần nhớ, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ra tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuyên bố này kêu gọi việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và chấm dứt việc thay đổi hiện trạng trên biển Đông. Nó cũng là tiền đề cho việc thông qua một quy tắc ứng xử (COC) để "thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực". Việc Trung Quốc tiếp tục có những hành động đơn phương để củng cố và mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ trên Biển Đông, là một sự giễu cợt những tuyên bố mà họ cam kết (DOC). Ví dụ gần đây nhất là việc Trung Quốc thúc đẩy kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012 hay Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhỏ nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Các quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng đường lưỡi bò ở Biển Đông là một "lợi ích cốt lõi" và rằng, Bắc Kinh sẽ không 'thỏa hiệp' hoặc 'nhượng bộ' trong việc theo đuổi tham vọng lãnh thổ của họ. Chúng ta hiểu trong đàm phán thì việc thỏa hiệp và nhượng bộ là một phần để đạt được thành công chung. Thái độ của Trung Quốc chỉ ra rằng sự tham gia của họ trong các cuộc thảo luận để ra tuyên bố COC chỉ là một chiêu trò. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh luôn nhận thức rõ rằng Trung Quốc sẽ đạt được nhiều thứ, chẳng mất mát gì trước khi có một quy định mang tính ràng buộc ở biển Đông (COC). Bởi khi có một quy định mang tính ràng buộc như COC thì Trung Quốc sẽ bị trói buộc trong khuôn khổ luật định. Do vậy, họ trì hoãn việc họp bàn COC để "vơ càng nhiều càng tốt". Dĩ nhiên, thất bại trong đàm phán COC cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực. Nó ít nhất cũng giúp các quốc gia thành viên ASEAN thu hút sự chú ý của quốc tế đối với chính sách cứng nhắc trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc cũng có nghĩa rằng các quốc gia Đông Nam Á, nếu muốn tìm kiếm một cách giải quyết công bằng và bền vững cho tranh chấp tại một trong những khu vực bất ổn và có sự cạnh tranh địa chiến lược gắt gao bậc nhất trên thế giới này, họ cần phải làm nhiều hơn nữa, chứ không thể trông chờ vào những cuộc đàm phán dựa trên thiện chí của các bên.

“Trung Quốc đang sử dụng ‘vũ khí’ lịch sử và chủ nghĩa dân tộc?” của Ted Galen Carpenter. Chuyến thăm gần đây của ông Tập Cận Bình tới Hàn Quốc là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tuy nhiên nó lại không thu hút nhiều sự quan tâm. Chuyến thăm lần này của ông Tập cho thấy một mục tiêu vô cùng quan trọng của chính phủ Trung Quốc, đó là lôi kéo Hàn Quốc nhằm gây khó dễ cho Nhật và Mỹ. Nhận thấy được chính sách của Mỹ tại Đông Bắc Á trong những năm gần đây không chỉ tập trung vào cải thiện quan hệ quân sự song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn chú trọng vào việc tạo điều kiện để 2 cường quốc Châu Á này hợp tác với nhau, Trung Quốc đã tìm cách cải thiện quan hệ của họ với Hàn Quốc nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ khiến chính sách kiềm chế Trung Quốc tại Đông Bắc Á của Mỹ gặp khó khăn. Để làm được điều này, Trung Quốc đã sử dụng hai con bài của mình, đó là con bài “lịch sử” và “chủ nghĩa dân tộc”. Thứ nhất, nguồn cơn tạo ra căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đó là hành động của Đế Quốc Nhật trong thế chiến thứ 2 đã gây ra vết thương tinh thần không thể chữa lãnh của những người Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đôi khi cũng đào sâu thêm vào vết thương của những người Hàn Quốc bằng những phát ngôn thiếu cân nhắc về giai đoạn này. Trung Quốc đã xây dựng chính sách của mình một cách cực kỳ hợp lý để khai thác sự ngờ vực của người dân Hàn Quốc đối với Nhật Bản. Nếu trong thời gian tới quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul vẫn diễn ra theo chiều hướng tốt, nó sẽ khiến Mỹ ở vào tình thế thật sự khó xử. Thứ hai, cho dù nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là không có, tuy nhiên làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở cả hai quốc gia có thể làm xấu thêm quan hệ song phương của họ. Tổng thống Obama cũng nhận ra điều này và đã thực hiện những bước đi cần thiết, trong đó có cả việc làm cầu nối cho cuộc đối thoại giữa Tổng thống Hàn Quốc Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp thượng đỉnh 3 bên tháng 3 vừa rồi nhằm xoa dịu tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề khác. Bắc Kinh rõ ràng là nhận ra được các vấn đề đang gây căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Những gì mà ông Tập thể hiện tại Seoul cho thấy rằng Trung Quốc đang có những bước đi đầy khéo léo tại bàn cờ Đông Bắc Á để tận dụng tình hình tại đây.

“Mỹ cần khai thác điểm yếu của Bắc Kinh” của Robert Sutter. Chiến lược của Trung Quốc đang đánh vào điểm yếu của Mỹ bởi Bắc Kinh không sử dụng đến sức mạnh quân sự. Để đáp trả, Mỹ cũng phải sử dụng các biện pháp tương tự để đánh vào những điểm yếu của Trung Quốc mà không gây ra sự đối đầu công khai. Những sự lựa chọn để Mỹ đối phó với Trung Quốc gồm: (i) Tàu ngầm tấn công trang bị tên lửa của Mỹ hoạt động mà không bị phát hiện do khả năng chống ngầm yếu kém của Trung Quốc, đồng thời có đủ sức mạnh hỏa lực để tiêu diệt bất kỳ lực lượng nào của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Để phản ứng, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải tìm cách giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, để bù đắp sự hạn chế năng lực chống ngầm thì Trung Quốc sẽ phải có chi phí lớn và dài hạn khiến nguồn lực dành cho các nhà quy hoạch quân sự của nước này bị phân tán. (ii) Đài Loan là một khu vực vô cùng nhạy cảm đối với Trung Quốc mà ở đây Mỹ có không ít lựa chọn buộc Trung Quốc phải trả giá rất đắt. Trong khi tìm cách ngăn chặn Trung Quốc hăm dọa các nước láng giềng thì Mỹ có thể chú trọng hơn tới Đài Loan. Một trong những lựa chọn là Mỹ có thể bán 66 chiếc F-16 mà Đài Loan mong đợi từ lâu hoặc ủng hộ các phong trào ở Đài Loan như phong trào của phe đối lập ở Đài Loan hiện nay. (iii) Những cuộc biểu tình gần đây ở Hong Kong, một khu vực nhạy cảm khác đối với Trung Quốc, báo hiệu Trung Quốc sẽ phải có những điều chỉnh chính sách một cách thận trọng nếu không họ sẽ phải trả giá. Mỹ có thể ủng hộ các cuộc biểu tình ở đây và khiến Trung Quốc chịu những sức ép nhất định. (iv) Một trong những nguyên nhân chính từ bên ngoài khiến vấn đề Bắc Triều Tiên hiện vẫn tiếp tục đe dọa khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chế độ Bình Nhưỡng. Mỹ có thể chú trọng nhấn mạnh sự thật này. Điều đó có thể gia tăng áp lực với Trung Quốc, quốc gia đang bị tổn hại thanh danh do mưu đồ bành trướng đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. (v) Đối phó với việc Trung Quốc bố trí tên lửa đạn đạo nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp cụ thể, ví dụ bố trí tên lửa mang nhiều đầu đạn ở ngay trên lãnh thổ Mỹ, hay bố trí nhiều tên lửa trên các tàu ngầm tấn công trong khu vực nhắm vào Trung Quốc. Do sức mạnh chống tên lửa đạn đạo của Trung Quốc còn hạn chế, nên việc đối phó với những nguy cơ mới do đầu đạn của Mỹ gây ra sẽ là thách thức to lớn đối với giới lãnh đạo cũng như những sắp xếp chiến lược của Trung Quốc. Sự cứng rắn của Trung Quốc ở các khu vực lãnh thổ tranh chấp là vấn đề nghiêm trọng, song không (có thể chưa) phải là thách thức cơ bản đối với vị thế dẫn đầu của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, các biện pháp kể trên, cũng như các biện pháp tương tự, nhằm vào điểm yếu của Trung Quốc cần được sử dụng thận trọng và tương ứng với các hành động của Trung Quốc có thể đe dọa tới các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây đó là sự đe dọa đối với lợi ích của Mỹ đã nghiêm trọng tới mức họ cần phải xem xét thật sự nghiêm túc những lựa chọn được đề cập ở trên./.