Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản đối tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/5, Người Phát ngôn Lục Khảng cho hay, “Hải quân Trung Quốc đã tiến hành nhận diện tàu khu trục của Mỹ và yêu cầu tàu này dời đi. Hành động của tàu chiến Mỹ xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, gây nguy cơ xảy ra những vụ việc trên biển và trên không. Trung Quốc cực lực phản đối và đề nghị Mỹ có hành động sửa sai và không làm tổn hại thêm hợp tác song phương và môi trường hòa bình ổn định khu vực.” Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường hôm 25/5 khẳng định khi tàu Mỹ áp sát Đá Vành Khăn, hải quân Trung Quốc đã triển khai tàu khu trục Liuzhou và Luzhou để nhận diện và yêu cầu tàu chiến Mỹ dời đi. Quân đội Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối phía Mỹ. Về tuyên bố của G7 đề cập tới Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông Lục hôm 28/5 cho hay, “Trung Quốc rất bất bình với những nội dung đề cập trong tuyên b của G7 về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. Quan điểm của Trung Quốc là nhất quan và rõ ràng. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp với các quốc gia có liên quan thông qua đàm phán, đồng thời duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trung Quốc hy vọng G7 và các quốc gia khác không can dự, đồng thời tôn trọng các nỗ lực của các nước khu vực trong việc giải quyết tranh chấp và tránh đưa ra những bình luận vô trách nhiệm.”

Máy bay Trung Quốc chạm trán máy bay Mỹ gần Hong Kong. Một quan chức giấu tên của Mỹ ngày 26/5 cho biết hai máy bay chiến đấu Trung Quốc đã áp sát, ở khoảng cách hơn 180 mét, với chiếc máy bay do thám P-3 Orion của hải quân Mỹ đang bay trên không phận quốc tế cách Hong Kong khoảng 240 km về phía Đông Nam. Một máy bay Trung Quốc thậm chí đã bay phía trước máy bay Mỹ, hạn chế khả năng di chuyển của chiếc máy bay này. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Trung tá Gary Ross xác nhận hai máy bay chiến đấu Trung Quốc đã có hành động ngăn cản “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp. Chúng tôi tiếp tục xem xét sự việc và sẽ bày tỏ quan ngại với Trung Quốc qua các kênh thích hợp.” Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 28/5 cho hay, “Khi máy bay Mỹ tiến hành hoạt động do thám ở không phận phía Đông Nam của Hong Kong, máy bay Trung Quốc đã tiến hành nhận diện phù hợp với các quy tắc và luật lệ. Những hoạt động trên là chuyên nghiệp và an toàn. Trung Quốc thúc giục Mỹ có những hành động sửa sai và ngăn các vụ việc tương tự xảy ra.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở Trường Sa. Về việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 26/5 khẳng định: “Việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”. Trước đó hôm 25/5, về việc tàu của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn, Người Phát ngôn Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của UNCLOS 1982, lập trường nhất quán của Việt Nam và các quốc gia là được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982".

+ Philippines:

Cựu Ngoại trưởng Philippines muốn nối lại tuần tra chung với Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 22/5 đ xuất chính quyền Manila cần nối lại các hoạt động tuần tra chung với Mỹ và các đối tác khác tại vùng EEZ của nước này nhằm đối phó với lời đe dọa chiến tranh của Trung Quốc. Theo ông Albert del Rosario, chính phủ Philippines cần lưu ý tới khuyến nghị của Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio về việc đệ đơn kiện Trung Quốc lên Liên Hợp quốc về lời đe dọa chiến tranh.

Ngoại trưởng Philippines trấn an về lời đe dọa chiến tranh ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 22/5, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết, “Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra một cách rất thẳng thắn, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Nội dung cuộc hội đàm không mang tính đe dọa... mà bàn về cách ổn định khu vực và ngăn chặn xung đột. Tôi sẽ không phủ nhận lời của Tổng thống. Tôi chỉ muốn nói với mọi người là không có sự đe dọa hay bắt nạt.” Trước đó hôm 19/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho hay trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cảnh báo về chiến tranh nếu Manila khoan dầu ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines muốn xích lại gần Nga và Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hãng Russia Today ngày 22/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Philippines cần một chính sách đối ngoại độc lập với các lợi ích của Mỹ, “Tôi không chống Mỹ. Chúng tôi hoàn toàn ổn. Tổng thống Mỹ Donald Trump là bạn tôi. Nhưng chính sách đối ngoại của tôi đã thay đổi. Tôi muốn hợp tác với Trung Quốc và Nga. Vì đối với thế giới phương Tây những cuộc thảo luận với họ thường vòng vo”. Nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh: “Nếu đất nước chúng tôi sụp đổ, ai sẽ đưa nền độc lập lại cho chúng tôi? Chúng tôi cần vũ khí. Nga bán vũ khí cho chúng tôi, mà không đặt ra điều kiện nào cả. Trong khi với Mỹ, đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Họ (Mỹ) đặt ra nhiều điều kiện. Nhưng tôi sẽ không nhượng bộ nữa”.

+ Indonesia:

Indonesia hoàn thành thủ tục trao trả cho Việt Nam 100 ngư dân. Ngày 23/5, có 40 ngư dân Việt Nam đã được đưa về nước qua đường hàng không tại Sân bay quốc tế Soekarno Hatta. Số còn lại sẽ được đưa về nước trong các ngày tiếp theo. Số ngư dân bị bắt từ đầu năm đến nay đã tăng lên hơn 700 người và hiện còn hơn 300 người vẫn đang bị giữ tại các hòn đảo của Indonesia. Gần đây, một số ngư dân phản ánh họ bị bắt giữ trong vùng biển chồng lấn giữa hai nước Việt Nam-Indonesia chưa được phân định. Một ngư dân quê ở Quảng Ngãi cho biết lực lượng chức năng của Indonesia khi bắt các tầu thuyền của Việt Nam thì đều lai dắt vào vùng biển của họ từ 5-10 hải lý mới lập biên bản.

+ Mỹ:

Tàu chiến Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở đá Vành Khăn. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết sáng 25/5, tàu khu trục USS Dewey của Mỹ đã tiến hành "hoạt động tự do hàng hải" bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Tàu khu trục USS Dewey đồng thời diễn tập "cứu người rơi khỏi tàu" trong khu vực này. Đây được coi là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ gần đảo nhân tạo ở Trường Sa trước đây chỉ là hoạt động "qua lại vô hại". Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu Tá Jamie Davis, cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành Chiến dịch Tự do Hàng hải toàn diện, theo đó thách thức các yêu sách chủ quyền thái quá nhằm đảm bảo các quyền lợi, quyền tự do sử dụng vùng biển và bầu trời cho tất cả các quốc gia theo quy định của luật quốc tế.”

Mỹ không thay đổi chính sách về Biển Đông dưới thời Tổng thống Trump. Tuyên bố trên được Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton đưa ra tại buổi họp báo ở thủ đô Bắc Kinh hôm 26/5. Trước đó hôm 25/5, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động FONOP đầu tiên dưới chính quyền Trump.

+ Nhật Bản:

Tàu sân bay Izumo của Nhật Bản chuẩn bị đi qua Biển Đông. Tàu JS Izumo, tàu lớn nhất Nhật Bản đóng mới kể từ Thế Chiến thứ 2, sẽ thực hiện một hải trình qua các vùng biển châu Á trong ba tháng tới. Đối với JMSDF, các tàu như JS Izumo mang hai sứ mệnh: (i) cho thấy Bộ Quốc phòng Nhật Bản mong muốn đóng góp nhiều hơn cho an ninh của khu vực và quốc tế; (ii) thể hiện sự đóng góp của Nhật Bản trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ có kế hoạch phát triển hệ thống cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Mới đây ông M Rajeevan, Thư ký Bộ Khoa học trái đất của Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ hiện là Chủ tịch hệ thống cảnh báo sớm thảm họa khu vực Châu Á - Châu Phi (RIMES) và cũng là nước đóng góp chính kinh phí. Vì vậy Ấn Độ đang thăm dò khả năng có một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần ở khu vực Biển Đông.” Tuy nhiên dự án này vẫn chưa được chính thức phê duyệt. Nếu dự án thành hiện thực, tín hiệu báo động sẽ được cung cấp qua hệ thống RIMES và đem lại lợi ích cho các nước như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Quan hệ các nước

Tàu Nhật Bản tới Việt Nam để diễn tập chống cướp biển. Chiều 22/5, Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) công bố kế hoạch cử tàu tuần tra Echigo đến Việt Nam và Philippines, tham gia các cuộc diễn tập huấn luyện chung chống cướp biển. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác chống cướp biển tại Đông Nam Á của nước này. Theo kế hoạch, ngày 24/5, tàu Echigo sẽ rời khỏi cảng Niigata của Nhật Bản và cập cảng Đà Nẵng ngày 13/6. Đây là lần đầu tiên JCG cử tàu tuần tra đến Việt Nam kể từ khi Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và JCG ký bản ghi nhớ hồi tháng 9/2015.

SOM ARF: ‘Xây dựng lòng tin và ngăn ngừa các sự cố trên biển.’ Ngày 24/5, tại Manila, Philippines đã diễn ra Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (SOM ARF) nhằm thảo luận các vấn đề hợp tác và chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại trưởng ARF lần thứ 24 vào tháng 8/2017 tại Philippines. Về vấn đ biển, nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hoá. Trong bối cảnh này, các nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Mỹ bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao cho Việt Nam. Lễ bàn giao diễn ra sáng 25/5 tại thành phố Honolulu, bang Hawaii. Tàu tuần duyên Mỹ USCGC Morgenthau sẽ được đổi tên thành CSB 8020. CSB 8020 được Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ cho các đối tác và quốc gia đồng minh. USCGC Morgenthau là tàu tuần duyên lớp Hamilton, được Tuần duyên Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 1969, có tốc độ tối đa 53,7 km/h và có thể hoạt động liên tục 45 ngày.

Hội nghị G7 kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra tại thành phố Taormina trên đảo Sicily, Italy trong hai ngày 26-27/5. Tuyên bố chung sau Hội nghị cho hay, “Các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định cam kết duy trì trật tự luật pháp trên biển dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, được quy định trong UNCLOS; ủng hộ việc giải quyết hòa bình tranh chấp biển thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, bao gồm việc phân xử trọng tài. Chúng tôi phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thúc giục các bên không quân sự hóa các thực thể tranh chấp.”

Phân tích và đánh giá

COC - "Đầu đã xuôi, nhưng đuôi vẫn khó lọt” – phân tích trên báo Liên hợp buổi sáng, Singapore

Tại hội nghị chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 14 vừa diễn ra tại thành phố Quý Dương, Trung Quốc, các bên đã tuyên bố hoàn thành Dự thảo khung của Bộ Quy tắc COC.

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố DOC và đây được coi là bước khởi đầu cho việc xây dựng COC. Tuy nhiên, do các yếu tố lớn của môi trường địa chính trị nên tiến trình đàm phán COC mãi đến năm 2013 mới được bắt đầu và tiến độ diễn ra sau đó cũng rất chậm chạp. Môi trường thay đổi, thái độ đối kháng của các bên cùng sự điều chỉnh lập trường của Philippines trong quan hệ với Mỹ đã tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện khung COC. Cùng với đó, Trung Quốc đang tập trung thúc đẩy thực hiện chiến lược Vành đai và Con đường, nên ý nguyện chính trị của Bắc Kinh trong đàm phán khung COC cũng lớn hơn. Cũng có ý kiến khác cho rằng, Trung Quốc đã thực hiện xong kế hoạch bố trí, lắp đặt các trang thiết bị tại một số thực thể ở Biển Đông, do đó hiện nay là thời cơ hoàn thành khung COC mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khung vẫn chỉ là khung, nó chỉ đề cập đến các nội dung mang tính khái quát của COC bao gồm lời nói đầu, mục tiêu, nguyên tắc và cam kết cơ bản… Khung COC hoàn thành, nhưng cho đến nay vẫn không được công bố. Trung Quốc vẫn không thể hiện rõ thái độ hoặc đưa ra cam kết cụ thể nào trong một số vấn đề trọng yếu. Do vậy, mọi người có thể tin rằng, tiến trình đàm phán tiếp theo sẽ tương đối gian khổ. 

Cũng giống như DOC, COC sẽ không phải là công cụ giải quyết tranh chấp hoặc phân định ranh giới biển giữa các bên ở Biển Đông. Tuy nhiên, tham vọng của ASEAN là đàm phán xây dựng một bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý, trong đó bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp.

Do vấp phải sự phản đối của Trung Quốc nên rốt cuộc khung COC hoàn toàn không có từ nào đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp. Nội dung này chỉ được bảo lưu để sau này sẽ đưa ra thảo luận khi các bên tiến hành đàm phán về các nội dung cụ thể của COC. Mặc dù vậy, việc dự thảo khung COC lần này nhanh chóng được hoàn thành đã chứng tỏ rằng, tiến độ đàm phán hoàn toàn được quyết định bởi ý nguyện chính trị của các bên. Nếu các bên tiếp tục đều có ý nguyện chính trị cùng sự tin tưởng lẫn nhau, tiến trình thương thảo về các nội dung cụ thể của COC tới đây sẽ tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể cũng sẽ giống như tiến trình đàm phán dự thảo khung, các bên chỉ đề ra đường hướng, khó có thể xác định được thời gian hoàn thành công việc đàm phán. 

Hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ tận dụng tốt cơ hội khởi đầu tốt đẹp hiện nay để nhanh chóng hoàn thành COC, đặc biệt là đảm bảo cho bộ quy tắc phù hợp với lợi ích của các bên, vừa mở ra không gian hợp tác vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán về các vấn đề khác, bao gồm cả vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. 

Mỹ đang ‘ngủ quên’ trong vấn đề Biển Đông” của Max Walden

“Nước Mỹ dưới thời Donald Trump đang ‘bỏ quên các lợi ích chiến lược lớn hơn’ trong các tranh chấp ở Biển Đông”, đây là nhận định của tiến sĩ Lynn Kuok, chuyên gia nổi tiếng về quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Trường Luật thuộc Đại học Havard. Bà cũng lập luận rằng “Chính quyền Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào khu vực Biển Đông, nếu không luật pháp quốc tế sẽ có nguy cơ bị suy yếu vĩnh viễn”. Bà Kuok đưa ra hai phương pháp có thể nhìn nhận về tranh chấp ở Biển Đông: 

Thứ nhất, có thể coi đấy là một sự tranh chấp giữa các tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc, hòn đảo Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia, còn Indonesia thì tuyên bố họ không dính líu đến các tranh chấp đó.

Thứ hai là một cách nhìn nhận nghiêm túc hơn: tình hình tại Biển Đông đang gây lo ngại cho tất cả các quốc gia quan tâm tới việc bảo vệ các quyền lợi của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và các quyền liên quan tới di chuyển trên biển, trên không, và giải pháp hòa bình. 

Bắc Kinh đang “tìm cách thuyết phục cộng đồng thế giới” tin vào cách nhìn nhận đầu tiên và phản đối cách nhìn nhận thứ hai. Trung Quốc khẳng định rằng tất cả các bất đồng đều nên được giải quyết bằng biện pháp song phương, không có sự can dự của các nhân tố như Mỹ hay Đông Nam Á - một cách tiếp cận đang ngày càng có hiệu quả. 

Phát biểu hồi tháng 1/2017, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer cho biết “Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ các lợi ích của mình” ở Biển Đông bởi “các hòn đảo tranh chấp này thực tế nằm trong vùng biển quốc tế chứ không chỉ thuộc sở hữu của một mình Trung Quốc. Chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ các lãnh thổ quốc tế trước khi chúng bị một quốc gia nào đó chiếm đoạt”. 

Trung Quốc đã lập tức đáp trả bằng cách quả quyết rằng “Mỹ không phải là một quốc gia có liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đông”, đồng thời hối thúc Mỹ “tôn trọng thực tế, cẩn trọng trong những phát ngôn và hành động của mình để tránh làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực”. 

Kể từ đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã hạ giọng đáng kể khi nói về Trung Quốc, nhất là sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung và một cuộc gặp gỡ thân thiện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida.

Thời điểm đó, Donald Trump đã tuyên bố sẽ bày tỏ những lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, mọi sự tập trung của Chính quyền Trump sau đó đều dồn hết vào sự hợp tác trong việc đối phó với vấn đề Triều Tiên. 

Chuyên gia Kuok bày tỏ lo ngại trước việc ông Trump đang dần xóa bỏ chính sách “xoay trục sang châu Á”, cũng như việc ông sẵn sàng “bỏ qua” vấn đề Biển Đông để lôi kéo Trung Quốc tham gia vào việc gây áp lực cho nước láng giềng đồng minh Bắc Triều Tiên. Cố lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu đã cho rằng hoạt động của Mỹ trong các vấn đề quốc tế giống như “xem một bộ phim”, trong đó người ta có thể “tạm dừng” và khi nào Mỹ muốn quay trở lại xoay trục về châu Á, họ sẽ bấm “xem tiếp”. Ông Lý Quang Diệu từng có câu nói nổi tiếng: “Nếu Mỹ muốn thực sự tác động đến sự phát triển chiến lược của châu Á, họ không thể thích thì đến, thích thì đi như vậy”. 

Sự khôn ngoan của Trung Quốc trong chiến lược chế ngự Biển Đông” của Michael Vatikiotis

Trong giai đoạn trước khi phán quyết tháng 7/2016 được đưa ra, đã có những chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đặc biệt nguy hiểm: Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra hung hăng trong cả các phát ngôn lẫn hành động. Trung Quốc không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự xuống nước trong các tuyên bố của mình, nhanh chóng xây dựng các đường băng và lắp đặt hệ thống vũ khí trên một số hòn đảo tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ điều tàu chiến và cho máy bay tiếp cận một số hòn đảo, khẳng định quyền thực hiện các hoạt động tự do hàng hải. 

Đối với các nước thành viên ASEAN, những hoạt động mang tính thù địch như vậy thực sự rất đáng lo ngại. Mặc dù việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông khiến các quốc gia ven biển hoảng sợ, nhưng không ai mong muốn khuấy động một cuộc chiến hay lựa chọn đứng về phe nào, và cũng chẳng ai tin tưởng quá mức vào chính sách đầy lôi cuốn là xoay trục về Đông Á của Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thậm chí, dưới áp lực của Bắc Kinh, ASEAN còn nhắm mắt làm ngơ và ra một loạt tuyên bố yết ớt, hoặc không đưa ra một lập trường nào hết. 

Trái ngược với tình trạng mập mờ này, đã có một sự thay đổi đáng kể vào giai đoạn cuối năm 2016 trong lập trường của ông Rodrigo Duterte, người đã gạt sang một bên những va chạm và cạnh tranh để hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Bắc Kinh. 

Cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực sau đó khá khôn ngoan. Thứ nhất, Trung Quốc đã giảm bớt giọng điệu thù địch, tiếp theo các quan chức Trung Quốc đã hiện diện trên khắp khu vực, đề xuất những sự hợp tác song phương trong vấn đề an ninh biển. Tiếp đến, trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, Bắc Kinh cam kết xúc tiến việc ký kết Bộ quy tắc COC.

Xét trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc đã khá may mắn. Những động lực để chống lại các tuyên bố của Trung Quốc, vốn được củng cố bởi phán quyết của Tòa Trọng tài, đã bắt đầu suy yếu khi mùa bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần. Một trong những nguyên nhân khiến Manila giảm bớt áp lực sau chiến thắng pháp lý trước đó là dự đoán rằng Washington sẽ lơ là và không có gì chắc chắn rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines. Sự xoay trục sang châu Á đã biến thành sự quay trở lại nước Mỹ sau khi ông Trump lên cầm quyền vào tháng 1/2017. 

Tất cả những điều này đã khiến Trung Quốc áp dụng một thái độ hợp tác hơn trong vấn đề Biển Đông. Giai đoạn gần cuối năm 2016, lực lượng hải cảnh Trung Quốc, vốn là lực lượng xuất hiện dày đặc nhất tại các vùng biển tranh chấp, đã đề xuất các thỏa thuận song phương với Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Đầu năm 2017, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra những phát ngôn khuyến khích việc hoàn tất một bộ khung cho COC. 

Cuối cùng, cuối tháng 4/2017, một bản dự thảo về một bộ khung của COC cũng đã được hiện thực hóa. Bộ khung này vẫn chỉ toàn những chi tiết cũ rích và không có tính ràng buộc. Bộ quy tắc chủ yếu để đảm bảo sự nguyên trạng đối với các tranh chấp lãnh thổ. May mắn lắm thì khi hoàn tất, nó có thể tạo điều kiện cho sự thực hành hợp tác trên biển và khuyến khích việc thực thi các thỏa thuận quốc tế vốn có để xử lý các rủi ro trên biển.

COC- Truyện dài kỳ?” – bài phòng vấn của DW với Bill Hayton

Tuần trước, Trung Quốc và ASEAN cho biết họ đã nhất trí về nội dung dự thảo khung COC, coi đây là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán tiếp theo về xây dựng văn kiện COC thực chất, có tính ràng buộc về pháp lý. Chi tiết của thỏa thuận không được tiết lộ nhưng nhiều người cho rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng của sự tiến triển trong quá trình hướng tới việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử mà các bên đã cam kết 15 năm trước.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng hai bên sớm đạt được một thỏa thuận mà hai phía có thể chấp nhận được. Dù vậy, quá trình thảo luận là biện pháp hữu ích cho việc xây dựng lòng tin, và việc tiến hành đối thoại và thương lượng về những tranh chấp vẫn tốt hơn là không đối thoại. Tại thời điểm này, có một vài điểm đáng chú ý. Một trong số đó là Trung Quốc đang can dự vào Đông Nam Á bằng chiến lược mềm mỏng, không làm các nước láng giềng Đông Nam Á cảm thấy thất vọng. 

Tình hình khá yên ắng trong gần 3 năm qua. Kể từ khi căng thẳng bùng phát giữa Trung Quốc và Việt Nam sau sự kiện Hải Dương 981, Trung Quốc dường như đã cư xử tốt hơn nhiều. Bắc Kinh đã phải thừa nhận thất bại khá tệ hại trong vụ việc này và kể từ đó họ không lặp lại những hành động tương tự. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc đã xây một loạt đảo nhân tạo, và việc này có lẽ đã “ngốn” nhiều sức lực của họ. Điểm đáng chú ý nữa là Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và đang nỗ lực nhiều hơn vào cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ cố gắng gia tăng hoạt động cùng lúc trên cả hai mặt trận, mà thông thường nếu mặt trận này “nóng” thì mặt trận kia sẽ yên ắng hơn. Trung Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc vào cuối năm nay và có thể Chính quyền Bắc Kinh không muốn phá vỡ sự ổn định trong khu vực trước thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng đó. Hơn nữa, Trung Quốc đang cố gắng giành sự ủng hộ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường, một trong những lý do tại sao họ muốn duy trì nguyên trạng vào thời điểm này. 

Một số ý kiến khẳng định Trung Quốc đã đạt được điều mà họ muốn giành được ở Biển Đông, và đó là lý do giải thích cho việc tình hình hiện nay khá yên ắng.

Tuy nhiên có một vài lý do khiến cho COC có thể sẽ không được ký. Một trong những lý do đó là Trung Quốc vẫn muốn xây dựng một số công trình trên Bãi cạn Scarborough. Và do đó họ sẽ không ký một văn kiện có thể cản trở họ làm điều đó. Một lý do khác là Trung Quốc không thích ý tưởng bị trói buộc bởi một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng đó lại là điều mà các nước Đông Nam Á mong muốn.

Một điểm bất đồng nữa là Trung Quốc đang cố gắng hạn chế chỉ áp dụng COC đối với trường hợp quần đảo Trường Sa, trong khi các nước khác như Việt Nam và Philippines muốn đưa cả quần đảo Hoàng Sa và Bãi cạn Scarborough vào nội dung điều chỉnh của văn kiện này. Cho đến nay dường như vẫn chưa có động thái nào hướng đến hòa giải những bất đồng này.

Trung Quốc mềm mỏng hơn với Đông Nam Á” – Phân tích của Stratfor

Trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang hoang mang trước định hướng chính sách của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những thỏa thuận phát triển của Trung Quốc xem ra đang làm nghiêng cán cân quyền lực tại khu vực theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, chí ít là trong thời gian hiện tại. 

Tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 11/5, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Biển Đông mà hai nước đang có những tranh chấp về chủ quyền. Tương tự, Trung Quốc và Philippines đang chuẩn bị tiến hành cuộc đàm phán song phương đầu tiên về hàng hải để bàn về những bất đồng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á nhìn chung đã “nguội bớt”, tiến triển gần đây của Trung Quốc trong việc can dự với Việt Nam và Philippines cho thấy Bắc Kinh đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với việc kiểm soát xung đột tại Biển Đông. Trong những năm qua, Bắc Kinh dựa vào các cuộc thảo luận song phương kết hợp với các cơ chế chung để giải quyết những tranh chấp xung quanh việc đánh bắt cá hay thăm dò năng lượng trên Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chiến thuật này hầu như chưa thành công.

Thế nhưng gần đây Bắc Kinh đã có cách tiếp cận linh hoạt hơn, đồng thời Chính phủ Trung Quốc có lẽ đã tìm thấy một đồng minh linh hoạt hơn ở vị tổng thống hiện nay của Philippines. Tình huống này phản ánh những quan điểm của ba quốc gia nêu trên. Giờ đây, khi mà Trung Quốc đã đạt được được nhiều mục tiêu đã đề ra tại Biển Đông, Bắc Kinh đang xem xét lại quan điểm đối với các quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù vẫn áp dụng chiến thuật hăm dọa tại những vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự tại đây vẫn mạnh, song Bắc Kinh đã thay chiến lược bành trướng quyết liệt trên biển bằng một chiến lược còn để chỗ trống cho sự hợp tác. Và giống như hầu hết các quốc gia khu vực, Philippines và Việt Nam đang áp dụng cách tiếp cận “tùy cơ ứng biến” đối với Trung Quốc, điều chỉnh khi cần thiết để cân bằng những ưu tiên đối nội với tình hình địa chính trị đang thay đổi ở Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, cả Hà Nội lẫn Manila đều sẽ không đơn giản chấp nhận vai trò an ninh và kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực, cả hai nước đều muốn Mỹ tiếp tục đảm nhận vai trò “bảo trợ” cho sự ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương. Cả hai nước sẽ kiên quyết khẳng định các quyền của mình, mở rộng quan hệ an ninh với các cường quốc khác và bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của mình.

Trong khi đó, trong bối cảnh chính sách của Washington đối với khu vực chưa rõ ràng, những nhượng bộ về kinh tế và trên biển của Bắc Kinh sẽ tiếp tục “cám dỗ” các nước tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính quyền mới của Mỹ chưa thể hiện quan điểm rõ ràng đối với khu vực và trên thực tế đã thể hiện sự hòa hoãn với Bắc Kinh trong lúc đang cố gắng giải quyết vấn đề Triều Tiên. Sự mơ hồ đó của Mỹ buộc các quốc gia ASEAN phải tính toán những động thái tiếp theo trong nỗ lực tạo sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ./.