Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Máy bay không người lái Trung Quốc đến Biển Đông. Trung Quốc hôm 21/6 cho hay tàu Hải giám 2168 thuộc Tổng đội Hải giám tỉnh Hải Nam lần đầu tiên mang theo máy bay không người lái để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra giám sát tại khu vực Hoàng Sa của Việt Nam. Theo phía Trung Quốc, chiếc máy bay không người lái này trang bị máy quay độ phân giải cao, có khả năng theo dõi phạm vi rộng trên biển và sử dụng đường truyền vệ tinh để gửi dữ liệu về tàu chủ.

Trung Quốc cáo buộc Philippines lôi kéo nước khác vào vấn đề Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/6, khi được hỏi về cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Philippines ở Biển Đông, Phát ngôn viên Dương Vũ Quân tuyên bố: “Hợp tác quân sự song phương giữa các nước cần giúp ích cho hòa bình và an ninh khu vực, thay vì ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thứ ba. Có vài nước đang lôi kéo các quốc gia bên ngoài khu vực vào vấn đề Biển Đông, phô trương sức mạnh và cố tình gây ra không khí căng thẳng trong khu vực.”

Giàn khoan Hải Dương 981 hiện diện ở Biển Đông. Theo thông tin từ Cục an toàn Hàng hải Trung Quốc, giàn khoan Hải Dương 981 đã quay trở lại Biển Đông và tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực có tọa độ 17°03′45″N/109°59′03″E từ ngày 25/6 đến 20/8/2015. Trung Quốc cấm tàu bè đi vào khu vực bán kính 2km xung quanh địa điểm giàn khoan hoạt động. Khu vực này cách thành phố Tam Á, cực nam của đảo Hải Nam, khoảng 75 hải lý về phía đông nam.

Trung Quốc khẳng định không thay đổi yêu sách ở Biển Đông. Phát biểu trước các học giả và cựu quan chức hôm 27/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nếu thay đổi yêu sách ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ có tội với tổ tiên, nếu không ngăn chặn được hành động xâm phạm chủ quyền sẽ hổ thẹn với con cháu. Theo ông Vương, “Một ngàn năm trước đây Trung Quốc là một quốc gia đi biển hùng mạnh. Vì vậy tất nhiên Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, sử dụng và quản lý quần đảo Trường Sa. Yêu sách của chúng ta đối với quần đảo Trường Sa sẽ không tăng thêm hoặc bớt đi.” Ông Vương cho rằng hoạt động cải tạo đất và xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông là để cải thiện điều kiện sống của người dân, tương tự hành động của các nước láng giềng.

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xây dựng ở Trường Sa. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 25/6, về việc hai tàu cá Quảng Bình QB93694TS và QB93480TS bị Trung Quốc bắt cùng một số ngư dân, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết 17 ngư dân, cùng với tàu cá QB93480TS đã về tới Việt Nam an toàn. Hiện nay Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc phải trả vô điều kiện tàu cá QB93694TS. Về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc xây dựng các đảo đá, bãi tại Biển Đông là “trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc,” Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo đá, bãi quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp; không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cần chấm dứt những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.”

+ Philippines:

Philippines chỉ trích Trung Quốc bắn đạn thật ở Biển Đông. Đoạn video dài hơn một phút đăng tải trên YouTube ngày 20/6 cho thấy một cuộc diễn tập của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong đó tàu chiến bắn tên lửa vào những mục tiêu không xác định trong khi các máy bay trực thăng lượn trên không. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines ông Peter Galvez hôm 24/6 cho hay thông tin về cuộc tập trận cho thấy những công trình trái phép và sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng mang tính quân sự hiếu chiến, “Điều này đi ngược lại tuyên bố của Trung Quốc sẽ sử dụng các khu vực cải tạo cho mục đích hòa bình, phi quân sự... Trung Quốc không ngừng nói sai sự thật và mâu thuẫn với chính họ.”

Philippines có kế hoạch tăng cường sức mạnh trên biển. Ngày 22/6, Cục trưởng Cục ngư nghiệp và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) ông Asis Perez cho biết nước này sẽ mua gần 100 tàu tuần tra mới, tăng cường quy mô đội tàu tuần tra của Philippines hiện nay 20 tàu. Ông Perez cho biết phần lớn các tàu đặt mua sẽ được bàn giao trong năm nay, trong đó có 71 tàu tuần tra gần bờ và 27 tàu tuần tra xa bờ. Theo vị quan chức này, BFAR cũng đang tìm kiếm nguồn tài chính để mua thêm 10 tàu cỡ lớn hơn phục vụ công tác tuần tra các vùng biển sâu.

Philippines ngừng việc sửa chữa đường băng trên đảo Thị Tứ. Trước khi diễn ra phiên điều trần của Philippines tại Tòa Trọng tài, Phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino ông Herminio Coloma ngày 28/6 cho hay, “Công tác sửa chữa đường băng trên đảo Thị Tứ sẽ dừng lại bởi chúng tôi muốn tuân thủ nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng tại các khu vực liên quan. Đó là một phần chiến lược của Philippines nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp.

+ Indonesia:

Indonesia chia sẻ quan ngại của Việt Nam về tình hình Biển Đông. Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo sáng 25/6 đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới chào xã giao nhân dịp thăm Indonesia và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia cấp Bộ trưởng Ngoại giao (UBHTSP). Tổng thống Widodo cho rằng đây là dịp tốt để kiểm điểm tình hình hợp tác thời gian qua, đồng thời đề ra phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn quan hệ giữa hai nước. Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Widodo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; mong muốn các bên giải quyết vấn đề một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nỗ lực sớm đạt được COC.

+ Ấn Độ:

Tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông. Các tàu chiến thuộc Hạm đội phương Đông của Hải quân Ấn Độ đã có chuyến thăm Campuchia và Thái Lan vào hôm 23/6. Đây là một phần trong hoạt động kéo dài hai tháng của đội tàu này ở Biển Đông. Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường INS Ranvir và tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kamorta tới thăm Campuchia, trong khi tàu khu trục tàng hình INS Satpura cùng một tàu hỗ trợ và tiếp liệu sẽ thăm cảng Sattahip của Thái Lan. Tất cả các tàu chiến trên của Ấn Độ sẽ lưu lại bốn ngày ở hai nước Đông Nam Á trước khi trở về nước.

+ Nhật Bản:

Máy bay tuần tra của Nhật Bản hiện diện trên Biển Đông. Hôm 23/6, máy bay trinh sát P3-C Orion của Nhật Bản cùng ba vị khách mời Philippines đã bay ở độ cao 1.524m, phía trên Bãi Cỏ Rong vào thời điểm bắt đầu cuộc tập trận chung với Philippines. Bay cùng máy bay trinh sát của Nhật là một máy bay tuần tra của Philippines. Đại tá Thủy quân lục chiến Philippines Jonas Lumawag cho hay, “Chúng tôi sẽ diễn tập tìm kiếm và cứu nạn, hai hoạt động quan trọng trong mọi chiến dịch ứng phó thảm họa cứu trợ nhân đạo.” Hôm 24/6, phi cơ P-3C Orion của Nhật Bản và máy bay Islander của hải quân Philippines tiếp tục diễn tập hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển cách đảo Palawan khoảng 93 km về phía tây bắc. Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nhật Bản cho hay, “Mục tiêu của cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, không phải là để tiến hành các hoạt động giám sát.”

Nhật Bản cân nhắc cùng Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ông Katsutoshi Kawano khẳng định việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông đã gây ra mối quan ngại thực sự đối với Tokyo, “Khu vực này hết sức quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Chúng tôi hiện chưa có kế hoạch tuần tra tại Biển Đông, nhưng tùy theo tình hình, có khả năng chúng tôi sẽ xem xét việc này.”

+ Mỹ:

Mỹ quan ngại hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 22/6 tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại ASEANNina Hachigian khẳng định, “Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc đang gây lo lắng trong khu vực. Tuy nhiên, không khối lượng cát nào có thể giúp hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Chúng tôi cho rằng quyền của các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải được bảo vệ.”

Lầu Năm Góc: ‘Trung Quốc đang thách thức ưu thế quân sự của Mỹ.’ Phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Washington ngày 23/6, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cho hay Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực nhằm thách thức ưu thế quân sự trên không và vũ trụ của Mỹ. Theo ông Work, Trung Quốc đang sớm tiến tới chỗ thu hẹp những khoảng cách về công nghệ, chế tạo các thế hệ máy bay tránh được radar, các máy bay do thám hiện đại, các tên lửa có độ chính xác cao và các thiết bị chiến tranh điện tử.

Mỹ tiếp tục chỉ trích hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới hôm 26/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc ở là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Mỹ không đưa ra lập trường về tranh chấp nhưng quan tâm tới cách giải quyết của các bênsự tự do hàng hải, “Hành động Trung Quốc và các bên liên quan cần làm là dừng ngay các hoạt động cải tạo đất và giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Chúng ta đang chứng kiến ​​Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông - một hành động mà Mỹ và các nước đồng minh đều phản đối.”

Quan hệ các nước

Nhật Bản khẳng định ủng hộ ASEAN thúc đẩy COC ở Biển Đông. Tại Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 30 Campuchia ngày 22/6, các quan chức cấp cao ASEAN và Nhật Bản đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược hai bên. Thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN, một số lượng lớn các hoạt động và dự án đã và đang được triển khai thực hiện nhằm tăng cường mối quan hệ văn hóa và kết nối con người. Thừa nhận những tác động của môi trường phát triển an ninh khu vực và toàn cầu, ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Nhật Bản tái khẳng định ủng hộ những nỗ lực của ASEAN nhằm thực hiện hiệu quả DOC và sớm tiến tới COC.

Philippines khởi động các cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ. Ngày 22/6, binh sĩ Philippines và Nhật Bản đã cùng bay trên máy bay P3-C để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. Trong khi đó, cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) giữa Mỹ và Philippines với sự tham gia của hơn 300 binh sỹ Philippines và 300 binh sỹ Mỹ sẽ kéo dài đến ngày 25/6. Cuộc tập trận chủ yếu tập trung vào các hoạt động phối hợp, bao gồm các khoa mục bắn đạn thật, tuần tra trên biển, trinh sát, cứu hộ cứu nạn và đổ bộ.

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 7. Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung thường niên (S&ED) diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6 tại thủ đô Washington. Đồng chủ trì cuộc đối thoại này là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương. Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Hai bên cần trung thực và thẳng thắn về thực trạng quan hệ hai nước hiện tại và những vấn đề đặt ra trong tương lai bởi mối quan hệ này bằng nhiều cách sẽ định hình quan hệ thế kỷ 21.” Theo Phó Tổng thống Biden, trật tự thế giới dựa trên luật pháp, vốn hình thành từ thế kỷ 20, đã phục vụ rất tốt cho thế giới, gồm cả Trung Quốc. Trật tự đó tạo cơ sở cho sự hòa bình và thịnh vượng sau Thế Chiến thứ hai. Sẽ không khôn ngoan nếu vội vàng vứt bỏ hoặc phớt lờ trật tự đó. Trước căng thẳng ngày càng gia tăng Biển Đông và Biển Hoa Đông, các quốc gia phải có trách nhiệm tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác để đảm bảo các tuyến giao thương trên biển không bị cản trở, “Các quốc gia coi thường phương thức ngoại giao, lựa chọn cách ép buộc và hăm dọa để giải quyết tranh chấp, hoặc làm ngơ trước hành động gây hấn của các nước khác sẽ chỉ tạo ra bất ổn và phương hại đến nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế.” Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông bày tỏ: “Mỹ - Trung cần duy trì mối quan hệ song phương theo đúng quỹ đạo, miễn là hai nước chia sẻ một quan điểm tổng thể, tôn trọng và chấp nhận các lợi ích cốt lõi của nhau, cam kết thực hiện cách tiếp cận mang tính xây dựng để giảm bớt hiểu lầm và toan tính sai.” Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương thì khẳng định rằng dù hai bên còn bất đồng nhưng đối thoại luôn được ưu tiên hơn đối đầu.

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông. Ngày 26/6, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Indonesia đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý xung đột Biển Đông từ góc nhìn ASEAN.” Tham gia hội thảo có các chuyên gia quốc tế về Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, các học giả và giới nghiên cứu về Biển Đông. Hội thảo gồm 3 phiên làm việc, tập trung vào các nội dung: Thực trạng hiện tại của sự phát triển khu vực Biển Đông; Vấn đề ASEAN và Biển Đông; Quản lý xung đột và tương lai của Biển Đông. Tại hội thảo, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, hòa bình và ổn định, dù trên đất liền hay trên biển sẽ là nền tảng vững chắc cho một Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng.

Phân tích và đánh giá

Chiến lược hành động của Mỹ ở Biển Đông của Marvin Ott

Chiến lược bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức đối với Mỹ cũng như an ninh của khu vực. Nếu không có biện pháp đối phó hiệu quả, yêu sách “đường lưỡi bò” sẽ trở thành hiện thực. Thay vì đưa ra lập trường không đứng về bên nào trong tranh chấp, Mỹ cần: (i) khẳng định Biển Đông là “vùng biển quốc tế,  mọi hoạt động cần tuân th luật quốc; (ii) ủng hộ mạnh mẽ nguyên tắc không hăm dọa và sử dụng vũ lực trong tranh chấp; (iii) cần thừa nhận trách nhiệm bảo vệ lợi ích của các đồng minh.

Trên cơ sở đó, Mỹ nên cân nhắc một số hoạt động ở Biển Đông: (i) tiếp tục triển khai lực lượng tại các vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông không công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể nhân tạo; (ii) Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cần triển khai tàu hoạt động ở Biển Đông 24/24, đa dạng hóa khu vực tuần tra, kể cả trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể nhân tạo của Trung Quốc; (iii) cân nhắc khả năng hộ tống và bảo vệ hoạt động tiếp tế của Philippines cho các tiền đồn xa bờ, ví dụ như Bãi Cỏ Mây trước hành động ngăn cản của Trung Quốc; (iv) tiến hành tập trận hải quân thường niên với các đồng minh và đối tác an ninh ở Biển Đông; (v) thực hiện thường xuyên các chuyến bay do thám, kết hợp với các các quốc gia yêu sách Đông Nam Á tại các khu vực mà Trung Quốc kiểm soát; (vi) đối với Malaysia, hải quân Mỹ cần thực hiện chuyến thăm đến căn cứ hải quân Malaysia trên Đá Swallow Reef (Đá Hoa Lau), công khai hóa và quy tắc hóa hoạt động tuần tra chống ngầm của Mỹ bên ngoài các căn cứ hải quân Malaysia tại Đảo Labuan và/hoặc Sepangar; (vii) nâng cấp hp tác an ninh biển với Indonesia; (viii) Thực hiện đối thoại với Manila về khả năng xây dựng các căn cứ quân sự trên Đảo Palawan; (ix) Tiến hành đàm phán với Hà Nội về việc tăng cường tần suất các chuyến thăm Vịnh Cam Ranh của tàu hải quân Mỹ, gỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về việc bán vũ khí sát thương; (x) tăng cường năng lực biển cho Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines; (xi) Thiết lập nhóm làm việc chung về vấn đề Biển Đông giữa ASEAN - Mỹ; (xii) Và cuối cùng, Mỹ nên cân nhắc khả năng hỗ trợ cho các tổ chức nghiên cứu và quan sát phi chính phủ về lĩnh vực biển, trong đó bao gồm cả tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải  Châu Á (AMTI) của CSIS, với nỗ lực công khai hóa hoạt động của Trung Quốc.

Úc cần một sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đôngcủa Greg Raymond

Trước đây, cách tiếp cận của Úc chỉ dừng ở mức kêu gọi các bên tuân thủ luật, duy trì nguyên trạng và ký kết COC. Úc cho rằng tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách ASEAN. Tuy nhiên, trước những diễn biến gần đây Biển Đông đã khiến Úc có những biến chuyển rõ rệt trong cách hành xử.

Đầu tiên là việc Bộ trưởng Quốc phòng Úc kêu gọi ngưng các hoạt động cải tạo đất tại Biển Đông. Tiếp đó, theo một báo cáo mới nhất cho hay Úc đang lên kế hoạch gửi máy bay P-3 tới tuần tra ở Biển Đông. Không dừng lại ở đó, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Peter Jennings đã kêu gọi nước này cần chuẩn bị điều động các phương tiện quân sự tới Biển Đông để ngăn Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường biển trong khu vực.

Có những lo ngại cho rằng công cuộc cải tạo đất của Trung Quốc sẽ là bước đệm cho việc thiết lập vùng ADIZ trong khu vực. Điều quan trọng nhất là Mỹ có lẽ sẽ bắt đầu sứ mệnh bảo vệ tự do hàng hải của mình. Vậy Úc cần phải làm gì?

Cách tiếp cận của Úc về vấn đề Biển Đông cần thông qua ngoại giao đa phương, cùng hợp tác với các quốc gia ASEAN và Trung Quốc để đạt được các quan điểm chung. Theo những gì Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã gợi ý thì can dự toàn diện vào khu vực thông qua quốc phòng, ngoại giao và phát triển là điều Úc không nên bỏ qua. Việc đóng góp ý tưởng cho khu vực cũng là điều Úc nên làm. Trong quá khứ, Úc đã từng rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề khu vực nghiêm trọng, điển hình như vấn đề của Campuchia năm 1990-1993. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, vấn đề Campuchia, nơi mà Úc cũng có lợi ích chính sách dù không trực tiếp, nhưng vấn đề Biển Đông lại khác.

Trong tương lai, ngoại giao Úc nên hướng theo cách tiếp cận độc lập. Úc cần hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với Mỹ và các đối tác khu vực để thúc đẩy các cơ chế đa phương, tránh gia tăng rủi ro sử dụng vũ lực trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Đại Kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông” của Feng Zhang

Cuối năm 2013, Bắc Kinh bắt đầu sử dụng những cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nhưng chỉ không nhiều quốc gia bên ngoài nhận ra điều này. Thay vì trực tiếp đối đầu với các quốc gia trong khu vực, Bắc Kinh củng cố, xây dựng các thực thể mà nước này kiểm soát.

Bắc Kinh gần đây tuyên bố sẽ sớm kết thúc hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Câu hỏi đặt ra vì sao Bắc Kinh lại dừng hoạt động này? Có phải Bắc Kinh thay đổi chiến lược hay do sức ép của Washington? Có lẽ nếu nhìn trực tiếp vào vấn đề cải tạo đảo, Bắc Kinh tin rằng mình đã đạt đủ mục tiêu với hơn 2.000 ha trong hơn 18 tháng. Tuy nhiên, chính sách của Bắc Kinh thật sự không thay đổi nhiều: hoạt động cải tạo sẽ vẫn tiếp tục, yêu sách đối với Biển Đông cũng sẽ không thay đổi.

Nhưng cần phải chú ý đến thông điệp ngoại giao mà Bắc Kinh muốn gửi đi. Trung Quốc biết rõ những phản ứng tiêu cực của khu vực, không phải bởi rủi ro xung đột quân sự với Mỹ mà là những ảnh hưởng tiêu cực đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng hơn, đặc biệt là kế hoạch xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển. Nhưng vấn đề là chính sách Biển Đông hiện nay của Bắc Kinh lại đang ngày càng mâu thun với dự án Một vành đai, Một Con đường, trong  đó bao gồm Con đường Tơ lụa trên biển. Chính sách Biển Đông của Trung Quốc đang phá hủy mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, trong khi sự thành công của dự án Con đường Tơ lụa Trên biển lại phụ thuộc vào các quốc gia này.

Bắc Kinh cũng ngày càng nhận thức rõ nhu cầu phải duy trì khu vực tương đối ổn định, không tạo cớ để các nước bên ngoài gây khó khăn cho quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN, đặc biệt ngăn ngừa khả năng hình thành liên minh “chống Trung Quốc” gồm ASEAN, Mỹ và có thể cả Nhật bản, Úc và Ấn Độ trên cơ sở lập trường chung phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dù chính sách Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi nhiều về thực chất, nhưng có vẻ nước này đang muốn gửi một tín hiệu hoà giải hơn ra bên ngoài thông qua tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động bồi đắp, xây mới đảo và giảm căng thẳng. Điều mà Trung Quốc không công bố công khai - nhưng hy vọng bên ngoài hiểu - là nước này muốn nhận được nhiều hợp tác hơn để triển khai Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường. Nói cách khác, vấn đề Biển Đông có vẻ như đã tạm ngừng là “lợi ích cốt lõi” trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Chúng ta có cần được biết ai là kẻ xâm lược ở Biển Đông?của Hà Anh Tuấn

Theo nhận thức chung trong quan hệ quốc tế, “kẻ xâm lược” là thuật ngữ dùng để miêu tả một đối tượng có hành động tấn công hoặc cưỡng ép đối tượng khác để đạt được các mục đích chính trị. Do đó, để gọi một quốc gia là kẻ xâm lược thì quan trọng nhất là phải tìm ra được ai là nạn nhân.

Sự thật là Trung Quốc không hề có dáng dấp của một kẻ bị bắt nạt, một nạn nhân bởi những lý do sau: (i) Dựa vào thực lực áp đảo của mình, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện trên thực tế và kiểm soát khu vực Biển Đông. Trong những năm gần đây, bản thân Trung Quốc đã thiết lập đơn vị hành chính mới, sử dụng tàu chấp pháp để xua đuổi các tàu thuyền đánh cá của các quốc gia Đông Nam Á vốn là ngư trường truyền thống của họ; (ii) gây sức ép với các công ty dầu khí nước ngoài ngừng hợp tác với các đối tác Đông Nam Á trong hoạt động tìm kiếm và khai thác dầu; (iii) yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông khi đệ trình Liên Hợp Quốc yêu sách đường chín đoạn;” (iv) dùng vũ lực chiếm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough vào năm 2012; (v) quấy nhiễu các tàu khai thác dầu của Việt Nam; (vi) hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, (vii) đáng kể nhất là tiến hành cải tạo đảo với quy mô chưa từng thấy, biến các bãi ngầm thành các đảo nhân tạo đủ khả năng triển khai các vũ khí quân sự hạng nặng như tàu bay và tàu chiến.

Những động thái cứng rắn, khiêu khích này của Trung Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng các quốc gia ASEAN. Đến mức cạn kiệt giải pháp chính trị, ngoại giao trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, Philippines đã phải nhờ đến Toà Trọng tài phân xử. Tất cả những bằng chứng này cho thấy, ai mới thực sự là người gây hấn, kẻ xâm lược ở Biển Đông. Vấn đề quan trọng trước mắt là việc tìm kiếm giải pháp giải quyết hoà bình xung đột. Nhưng đồng thời, việc chỉ ra rằng ai đúng ai sai cũng không kém phần quan trọng, bởi điều này suy cho cùng sẽ cho ta thấy điều gì nên và không nên làm.

Liệu ASEAN có thể giúp Philippines đối phó với Trung Quốc? của Maria C Ortuoste

Câu hỏi này phụ thuộc vào việc Philippines cần gì, khả năng của ASEAN đến đâu và các quốc gia ASEAN có sẵn sàng thực hiện những cam kết cũng như hy sinh vì lợi ích chung?

Có ba lựa chọn mà ASEAN có thể sử dụng để đối phó với Trung Quốc.

Vkhía cạnh tăng cường năng lực hải quân, ASEAN sẽ khó có thể đáp ứng bởi đây không phải một tổ chức quân sự. Mặt khác, dù trong thời gian gần đây, các quốc gia ASEAN đã tăng chi tiêu đáng kể nhưng sẽ khó bắt kịp với Trung Quốc.

Về khía cạnh kinh tế, có thể s dụng các ràng buộc về kinh tế để gây áp lực lên Trung Quốc. Nhưng lựa chọn này cũng không khả thi bởi Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia ASEAN. Mặt khác, khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN cũng là nhân tố cản trở việc hình thành lập trường chung về kinh tế. Chẳng hạn, Myanmar, Campuchia, Lào là các quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trên phương diện kinh tế.

Lựa chọn cuối cùng là hành động ngoại giao. Lựa chọn này đem lại nhiều hy vọng nhưng cũng phụ thuộc vào ba nhân tố: (i) các quốc gia có yêu sách chồng ln ở Biển Đông là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cần phải có ý chí chính trị để hình thành một cách tiếp cận chung; (ii) Mức độ phụ thuộc kinh tế đối với Trung Quốc và lịch sử mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước này; (iii) Sự khác biệt về lợi ích của các quốc gia trong ASEAN.

Một phương thức khác mà ASEAN có thể sử dụng đó là cách tiếp cận mà khối đã dùng trước chính sách Đối đầu của Indonesia (konfrontasi). Đây là cách tiếp cận đã giúp ASEAN tồn tại trong thời gian đầu thành lập. Tuy nhiên, tình huống hiện nay không giống như vậy. Vấn đề là Indonesia đã thừa nhận hành động “gây hấn” của mình trong chính sách Đối đầu trong khi Trung Quốc lại không thừa nhận điều đó, thậm chí còn coi mình là bên chịu thiệt thòi.

Mặc dù vậy, hành vi của Trung Quốc gần đây đang dần thúc đẩy các thành viên ASEAN phải đưa ra một lập trường cứng rắn hơn. Ngoài Việt Nam và Philippines, gần đây Malaysia cũng sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia ông Shahidan Kassim tuyên bố nước này sẽ có hành động ngoại giao để phản đối việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước này./.