Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc vui mừng trước lập trường của Campuchia về Biển Đông. Về việc Phó Thủ tướng Campuchia tuyên bố các bên tranh chấp cần từ giải quyết vấn đề mà không có sự can thiệp của ASEAN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 27/1 tuyên bố: “Quan điểm của Trung Quốc là tranh chấp Biển Đông cần giải quyết thông qua cách tiếp cận ‘hai kênh’. Cách thức này phản ánh sự đồng thuận của đa số các nước trong ASEAN. Tuyên bố của Campuchia một lần nữa làm sáng tỏ thực tế rằng cách tiếp cận ‘hai kênh’ được chấp nhận rộng rãi. Trung Quốc đánh giá cao điều đó.”

Lãnh đạo Đài Loan ngang nhiên thăm đảo ở Trường Sa. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu hôm 28/1 đã tới đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong bài phát biểu tại đây, ông Mã tuyên bố Đài Loan sẽ nỗ lực để kết thúc tranh chấp, đồng thời theo đuổi mục tiêu hòa bình và thúc đẩy hoạt động khai thác chung ở Biển Đông. Về việc này, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ ông Mark Toner ngày 27/1 khẳng định, “Thành thật mà nói, chúng tôi khá thất vọng. Chúng tôi cho rằng đây là hành động không giúp ích thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông. Mỹ thúc giục Đài Loan và các bên yêu sách giảm bớt căng thẳng thay vì có những hành động làm leo thang tình hình.”

Trung Quốc phản ứng việc tàu chiến Mỹ di chuyển ở Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hôm 30/1 tuyên bố việc Mỹ điều tàu USS Curtis Wilbur vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn đã vi phạm nghiêm trọng luật của Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự của biển cả, phương hại tới hòa bình và ổn định của khu vực, “Dù ý thức về việc này nhưng Mỹ vẫn triển khai tàu chiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không xin phép. Đây là hành động khiêu khích có chủ ý.” Theo ông Dương, quân đội Trung Quốc trên đảo cùng tàu hải quân và chiến đấu cơ đã phản ứng ngay lập tức, tiến hành nhận dạng và cảnh báo tàu Curtis Wilbur rời khỏi khu vực. Trung Quốc sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Tàu chiến Mỹ đã vi phạm luật của Trung Quốc và tiến vào vùng lãnh hải mà không xin phép trước. Chúng tôi thúc giục Mỹ tuân thủ các luật của Trung Quốc và nỗ lực nhiều hơn để tăng cường lòng tin giữa hai nước và bảo vệ tự do hòa bình và ổn định trong khu vực.”

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Đài Loan ngừng ngay việc vi phạm chủ quyền. Về việc lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu có chuyến đi đến đảo Ba Bình, ngày 28/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc lãnh đạo Đài Loan, bất chấp quan ngại của Việt Nam và của cộng đồng quốc tế, vẫn tiến hành chuyến đi đến đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại những phát biểu gần đây của phía Đài Loan mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.” Về việc Hải quân Mỹ thực hiện “chiến dịch tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 31/1, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Là quốc gia thành viên của UNCLOS năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982 (Điều 17). Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”.

+ Mỹ:

Mỹ sẽ tăng cường tuần tra Biển Đông. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) hôm 27/1, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris cho biết, “Nhìn chung, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông như đã làm ở những khu vực mà Mỹ cho rằng đang có tranh chấp. Tôi tin rằng hoạt động của tàu Lassen thực sự thách thức một số khía cạnh trong yêu sách của Trung Quốc. Khi chúng tôi tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải, bạn sẽ thấy nhiều cuộc hơn, và bạn sẽ thấy mức độ phức tạp gia tăng, phạm vi gia tăng trong các khu vực thách thức. Tuy nhiên, ông Harris từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về chiến dịch trong tương lai.

Tàu chiến Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ hôm 29/1 đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Đại tá hải quân Jeff Davis ngày 30/1 đã xác nhận thông tin này. Hành động trên không thông báo trước, phù hợp với mục đích thực hiện quyền tự do hàng hải của Mỹ. Đại tá Davis cũng cho biết không có một tàu quân sự nào của Trung Quốc trong khu vực gần nơi tàu chiến của Mỹ đi qua.

+ Úc:

Úc khẳng định các nước cần tôn trọng phán quyết của PCA. Phát biểu tại một cuộc hội thảo do Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) tổ chức hôm 26/1, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) tại Hague trong vụ kiện của Philippines sẽ cực kỳ quan trọng và được coi như tuyên bố về nguyên tắc quốc tế, Phán quyết sẽ được tất cả các nước khác có yêu sách hoặc lợi ích tại khu vực đón nhận và ủng hộ. Theo bà Bishop, “PCA sẽ giải đáp dứt điểm câu hỏi liệu một bãi đá nhân tạo có thể tạo ra khu vực 12 hải lý xung quanh hay không. Tôi tin rằng điều đó không phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Bishop cũng kêu gọi Trung Quốc và ASEAN sớm tiến tới đạt được bộ quy tắc ở Biển Đông, Chúng tôi muốn thấy căng thẳng giảm bớt trong khu vực. Sẽ không hay nếu một tính toán sai lầm nào đó dẫn đến một cuộc xung đột.”

Úc ủng hộ việc tàu chiến Mỹ tuần tra ở Hoàng Sa. Trong một thông cáo hôm 31/1, Bộ trưởng Quốc phòng Úc bà Marise Payne tuyên bố: “Việc công nhận tất cả các nước có quyền thực hiện tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế là điều quan trọng, gồm cả ở Biển Đông. Úc ủng hộ mạnh mẽ những quyền này. Úc có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Gần 60% hàng xuất khẩu của Úc đi qua khu vực này.” Bộ trưởng Quốc phòng Payne khẳng định giống như trong nhiều thập kỷ qua, các tàu và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình, tuân theo luật quốc tế ở các khu vực, trong đó có Biển Đông.

Quan hệ các nước

Ngoại trưởng Mỹ công du khu vực bàn về Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry tối 24/1 đã đến Lào, bắt đầu chuyến thăm cấp cao nước này. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong hôm 25/1, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: “Ông ấy (Thủ tướng Thongsing) có quan điểm rõ ràng rằng Lào muốn một ASEAN đoàn kết và quyền tự do hàng hải phải được bảo vệ. Bên cạnh đó, các bên cần tránh hoạt động quân sự hóa hoặc gây xung đột ở Biển Đông. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì Lào đã xác định vai trò của mình ở ASEAN, một khối thống nhất đang thúc đẩy sự phát triển của hệ thống dựa trên luật pháp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đảm bảo bất kỳ quốc gia nào dù nhỏ hay lớn cũng có tiếng nói thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề quan tâm.Tối 25/1, Ngoại trưởng Kerry đã đến Phnom Penh trong chuyến thăm Campuchia. Thủ tướng Campuchia Hun Sen Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tiến hành hội đàm ngày 26/1. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Hun Sen cho rằng tất cả các bên liên quan đến tranh chấp cần thực thi đầy đủ DOC hướng tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trước đó, Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau đó, Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong cho hay lập trường của Campuchia về vấn đề Biển Đông là không thay đổi các bên tranh chấp giải quyết với nhau mà không có sự can thiệp của ASEAN, Các quốc gia có yêu sách cần tiến hành đàm phán trong tương lai. Campuchia không phải là tòa án để phán xét đảo này thuộc về nước này hay nước khác”. Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong cuộc họp báo nhưng nhấn mạnh: Mỹ và ASEAN là đối tác chiến lược và Campuchia đóng một vai trò xây dựng quan hệ đối tác đó”. Tiếp đó trong chuyến thăm Trung Quốc, sáng 27/1 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp John Kerry đã tiến hành cuộc hội đàm ở thủ đô Bắc Kinh. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Vương tuyên bố: “Tôi đã nói với Ngoại trưởng Kerry rằng Biển Đông là lãnh thổ trong lịch sử của Trung Quốc. Chúng tôi có quyền bảo vệ lãnh thổ, các lợi ích và quyền lợi biển hợp pháp của mình. Trung Quốc đã cam kết giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và hướng tới một giải pháp hòa bình cho tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn. Chúng tôi đã cam kết không tiến hành cái gọi là quân sự hóa và sẽ tôn trọng cam kết đó. Trung Quốc không chấp nhận các luận điệu cho rằng Trung Quốc nói không đi đôi với làm. Trên các đảo, đá Trung Quốc chiếm giữ, chúng tôi đã xây dựng một số công trình và cơ sở dân sự để phục vụ các dịch vụ công.” Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: “Hai bên đã trao đổi mang tính xây dựng về những căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Mỹ không chọn bên trong tranh chấp chủ quyền. Chúng tôi muốn tất cả các bên làm rõ yêu sách theo luật pháp quốc tế, họ cần kiềm chế và hướng tới cách thức giải quyết tranh chấp mang tính ngoại giao và hòa bình. Tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra các điểm chung giữa các bên và tránh tăng thêm nghi kỵ và leo thang căng thẳng.”

Đài Loan tập trận quy mô nhỏ ngoài khơi Trung Quốc. Quân đội Đài Loan cho biết cuộc diễn tập đổ bộ lên bờ biển và mô phỏng vụ tấn công của các đặc công “người nhái” trong ngày 26/1 sẽ thể hiện khả năng của lực lượng vũ trang trong việc bảo đảm an ninh ở Eo biển Đài Loan trước thềm Tết Nguyên đán. Đài Loan cho biết không phát hiện bất cứ động thái quân sự bất thường nào của phía Trung Quốc kể từ sau cuộc bầu cử ở Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội hòn đảo này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận thường lệ.

Phân tích và đánh giá

Những diễn biến đáng lo ngại ở Biển Đôngcủa Hoàng Anh Tuấn

Thế giới bước vào năm 2016 phải đối phó với nhiều thách thức đáng lo ngại, từ sự bùng phát xung đột giữa Iran và Ả - rập Xê - út tới việc Triều Tiên thử bom khinh khí, tới các cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, Burkina Faso, Indonesia và Pakistan.

Bên cạnh  các quan ngại an ninh này là hành động chưa có tiền lệ của Trung Quốc ở Biển Đông. Một loạt động thái của Trung Quốc như xây dựng, cơi nới đảo nhân tạo ở Trường Sa hay bay thử xuống Đá Chữ Thập cho thấy ý định tiếp tục chiếm cứ và thống lĩnh khu vực quan trọng cho giao thương Đông Nam Á và thế giới cũng như lưu thông hàng hải” của Trung Quốc.

Nghiêm trọng hơn, việc Trung Quốc vi phạm vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam, chứng tỏ Bắc Kinh không có ý định tuân thủ quy định và thông lệ quốc tế. Ngoài việc vi phạm vùng FIR của Việt Nam, từ ngày 16/1, Trung Quốc còn di chuyển dàn khoan Hải Dương 981 vào giữa khu vực thềm lục địa nằm giữa khu vực Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Trung Quốc cần chấm dứt mọi hoạt động xây dựng, cải tạo đảo của mình

Hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại lời nói của chính họ khi tuyên bố hoạt động cải tạo đảo không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hòa bình và ổn định khu vực.

Các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực, có những bước đi ngày càng nguy hiểm. Trung Quốc vẫn đang tìm cách thống trị toàn bộ Biển Đông… Trung Quốc khó mà chối cãi rằng nước này đang theo đuổi cách tiếp cận chỉ có thể gọi bằng từ chủ nghĩa thực dân về hàng hải đối với Biển Đông. Việc làm của Trung Quốc chính là lý do tại sao quá trình thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc về Quy tắc Ứng xử (COC) kéo dài nhiều năm nay mà không có tiến bộ đáng kể.

Trung Quốc cần chấm dứt tất cả các hoạt động cải tạo cơi nới đảo vốn đang thay đổi hiện trạng và dẫn đến quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc cần thực thi Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên (DOC), phấn đấu đạt thỏa thuận COC với ASEAN và giải quyết các bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế vì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực cũng phục vụ lợi ích lâu dài của Trung Quốc.

Úc đóng vai trò thiết yếu đối với chiến lược quân sự của Mỹ ở châu Á?của Greg Sheridan

Báo cáo gần đây của CSIS đã đưa ra những kết luận quan trọng về vai trò của Úc. Theo báo cáo thì “khi ảnh hưởng của chính Úc mở rộng và vị thế địa chính trị trở nên quan trọng đối với chiến lược của Mỹ, các kỳ vọng của Washington đối với Canberra càng tăng lên.”

Về chiến lược tái cân bằng sang châu Á, báo cáo kết luận: Tổng thống Obama đã lơ là và rời rạc trong việc theo đuổi chính sách này. Chính quyền Obama không đưa ra được bất kỳ một khuôn khổ chính sách chiến lược nào mạch lạc hoặc nhất quán. Thiếu một tài liệu chính sách châu Á chính thức, chính quyền đã liên tục thay đổi ngôn từ về tham vọng và mục đích của mình, dẫn đến sự lẫn lộn và nghi ngờ. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng đã gây tác hại tồi tệ và sẽ có ảnh hưởng tồi tệ hơn nữa. Bộ Quốc phòng, nhất là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đã nỗ lực thực hiện chiến lược tái cân bằng ở mức cao nhất có thể. Lời hứa triển khai 60% Hải quân Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương gần như đã được hoàn tất.

Trong khi đó, môi trường chiến lược đã xấu đi. Chiến lược quân sự của Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn, các hành động cưỡng ép của nước này gia tăng và Trung Quốc cho thấy sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách nguy hiểm, trong khi đó cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đang chuyển dịch theo hướng bất lợi cho Mỹ.”

Báo cáo đưa ra nhiều khuyến nghị để thay đổi điều này, tuy nhiên hiện thời các đồng minh của Mỹ có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đối với Úc, báo cáo đánh giá: “Từ quan điểm của Mỹ, Úc đã đóng vai trò quân sự rất quan trọng trong những năm gần đây. Thứ nhất, các lực lượng Úc đã sát cánh cùng các lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Thứ hai, Úc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhất là góp phần giải quyết các thách thức hàng hải. Cuối cùng, Úc có thể đóng vai trò như nơi trú ẩn cho các lực lượng Mỹ khi xung đột xảy ra, đủ xa so với hầu hết các khu vực xung đột để bảo vệ lực lượng của Mỹ, nhưng vẫn đủ gần để triển khai nhanh chóng đến các chiến trường quan trọng. Báo cáo cũng đề cao hai đóng góp chiến lược chủ chốt của Úc đối với liên minh Mỹ-Úc là “các tài sản biển và sự đa dạng hóa thế bố trí của Mỹ”. Điều này có nghĩa là lực lượng quân sự Mỹ cần trải rộng ra nhiều nơi hơn trong khu vực, cách Trung Quốc xa hơn để ít bị tổn thương hơn trước một cuộc tấn công, có lẽ là phủ đầu bất ngờ.

Báo cáo cũng đánh giá: “Trung Quốc là bạn hàng thương mại và thị trường mua tài nguyên lớn nhất của Úc, tuy nhiên các hoạt động cưỡng ép của Bắc Kinh là mối quan ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Úc, cũng như ở Washington. Nhiều nhà hoạch định chính sách Úc có quan điểm về Trung Quốc tương tự các đồng nghiệp Mỹ, lo lắng về việc làm thế nào định hình thái độ của Trung Quốc để các hoạt động của Bắc Kinh mang tính xây dựng hơn là phái hoại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.”

Top 10 nhà nghiên cứu trẻ về chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà chúng ta nên biếtcủa Dinhding Chen

Trong 20 năm tới, nhóm nghiên cứu này sẽ định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong lĩnh vực nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thế hệ học giả ưu tú về quan hệ quốc tế (IR) như Vương Biên Tư (Wang Jisi), Tần Á Thanh (Qin Yaqing), Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Thời Ân Hoành (Shi Yinhong), Vương Dật Châu (Wang Yizhou) và các học giả khác, đều có những đọc góp rất lớn trong việc nâng cao nhận thức về quan hệ quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian tới, Trung Quốc  sẽ có lớp học giả về IR mới, những người sẽ có thể định hình dòng tư tưởng chủ đạo định hướng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Lâm Minh Vương (Lin Minwang, Trường Ngoại giao), Lưu Phong (Liu Feng, Đại học Nam Khai ), Dương Nguyên (Yang Yuan, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) và Từ Hy Nghênh (Zou Xiying, Đại học Nhân dân). Đây là các chuyên gia về an ninh và đều theo truyền thống hiện thực khi phân tích về mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc. Các phân tích của họ luôn bắt đầu từ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, từ đó đi đến phân tích về cách thức mà Trung Quốc và các quốc gia khác có thể tiến tới nền tảng chung trong khi vẫn duy trì sự khác biệt. Họ đều cảnh báo rằng, một chính sách đối ngoại quá quyết đoán sẽ “lợi bất cập hại” cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Trần Chính (Chen Zheng, Đại học Giao thông Thượng Hải) nghiên cứu về thái độ của Trung Quốc đối với quy tắc “trách nhiệm bảo vệ” qua thời gian đã thay đổi như thế nào. Nhiệm Lâm (Ren Lin, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) nghiên cứu về khái niệm an ninh phi truyền thống trong quản trị toàn cầu.

Lí Vỹ (Li Wei, Đại học Nhân dân) là chuyên gia về kinh tế chính trị quốc tế, đặc biệt là về việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và tác động của nó đối với trật tự toàn cầu do Mỹ đứng đầu.

Trần Ninh Đan (Chen Yudan, Đại học Phúc Đán) nghiên cứu sâu về văn hóa truyền thống Trung Quốc và nghiên cứu về việc truyền thống và ý tưởng phi hiện thực định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc như thế nào. Đây là cách tiếp cận mang nặng tính kiến tạo đối với chính trị quốc tế, vấn đề đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.

Doãn Kế Vũ (Yin Jiwu, Đại học Nghiên cứu Ngoại giao Bắc Kinh) đi theo một cách tiếp cận độc đáo trong nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ông là học giả lớn về khung tâm lý trong vấn đề tìm hiểu cách thức mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát triển chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Các học giả trẻ về IR của Trung Quốc cũng đa dạng như  ở Mỹ về lĩnh vực nghiên cứu, mối quan tâm, lý thuyết và phương pháp. Nhóm học giả này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và đảm bảo cho việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy một xã hội quốc tế hài hòa.

Khuấy động Biển Đông: Dầu mỏ tại những vùng biển tranh chấp - Báo cáo của ICG

Nguồn tài nguyên năng lượng tại Biển Đông đang gây tranh chấp mặc dù trữ lượng cụ thể vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng. Lợi ích kinh tế tiềm năng là đáng xem xét, nhưng tầm quan trọng lớn nhất của các nguồn tài nguyên đó lại mang tính chính trị bởi nó liên quan đến vấn đề chủ quyền và luật cơ bản về các nguyên tắc trên biển.

Nhu cầu năng lượng của các bên liên quan có thể là động lực cho sự hợp tác, nhưng việc thăm dò và khai thác chung cũng đối mặt với những trở ngại. Điều kiện tiên quyết của Trung Quốc là phải chấp nhận chủ quyền của mình đối với những khu vực liên quan. Điều này khiến các nước lo sợ hợp tác đồng nghĩa với chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Việt Nam thì nhất quán về việc xác định các tuyên bố chồng lấn theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) trước khi xác định các khu vực phát triển chung. Đây là điều Trung Quốc luôn từ chối do các bản đồ của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS. Luật pháp của Philippines lại quy định Philippines phải sở hữu 60% các dự án dầu khí và điều này dường như là chấp nhận quyền sở hữu của Manila.

Dù khó khăn nhưng các bên cùng cần tiến hành hợp tác. Có hai biện pháp để giải quyết tình trạng này. Thứ nhất là cần thiết lập các cơ chế nhằm ngăn chặn những tranh chấp hiện nay leo thang thành xung đột, dù là vô ý hay cố ý. Thứ hai là cần hiểu động cơ và hạn chế của các bên tuyên bố chủ quyền nhằm đặt nền móng cho sự hợp tác lớn hơn, trước hết là thăm dò, sau đó là khai thác. Cụ thể, các bên nên ngưng việc thăm dò và khai thác đơn phương, đặc biệt xung quanh các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cần công khai hoặc trong các cuộc trao đổi kín, định hình rõ những yêu sách của mình theo UNCLOS, và xác định các điều khoản pháp lý cụ thể rằng việc tham gia thăm dò và khai thác chung sẽ không bị diễn giải là nhượng bộ chủ quyền.

Chuyến đi ‘hoàn toàn không giúp ích’ của Mã Anh Cửu tới Trường Sacủa Michael Turton

Là bên mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan, Mỹ đã chỉ trích chuyến đi của ông Mã là ‘hoàn toàn không giúp ích’ và ‘làm gia tang căng thẳng…thay vì hạ nhiêt’.

Đối với ông Mã, Quốc Dân Đảng của ông đã chịu thất bại nặng nề trong hai cuộc bầu cử gần đây và động thái này đã đánh thẳng vào Mỹ và các quốc gia khu vực, đồng thời cũng thể hiện chính sách đối ngoại trong tương lai của Đảng Dân Tiến (DPP) của bàn Thái Anh Văn. Trong khi đó Bắc Kinh gần như không nói gì ngoài việc nhắc lại yêu sách của mình đối với toàn bộ Biển Đông.

Khác với nhiều người, với tư tưởng tự coi mình là người Trung Quốc và tổ quốc của ông là ‘Trung Quốc, ông Mã hiểu rẳng một trong những công cụ đảm bảo cho sự tồn tại mong manh của Đài Loan là việc duy trì yêu sách của mình ở Biển Đông. Như vậy, chuyến đi của Mã là trở về quê hương để công khai tuyên bố rằng Đài Loan không cần phải xin phép Mỹ trong chuyến đi này. Là tổng thống bị coi như “vịt què” sắp mãn nhiệm, ông Mã rõ ràng không còn gì để mất đối với Washington trong thời điểm này.

Nhiều nhà quan sát nghi  ngờ về một chính sách có chủ ý về sự chia rẽ này cùng với bản chất mối quan hệ đồng minh giữa Đài Loan và Mỹ. Cả Đài Loan và Trung Quốc đều có yêu sách tương tự ở Biển Đông. Nhiều người địa phương còn thì thầm rằng mục đích thực sự của chuyến đi là phục vụ Trung Quốc bởi họ cho rằng ông Mã đang có ý định sống ở Trung Quốc sau khi mãn nhiệm. Chính sách này của ông Mã sẽ là thách thức đối với chính quyền mới của bà Thái Anh Văn trong quan hệ với các quốc gia ven Biển Đông. Yêu sách của Đài Loan gây cản trở cho chính nước này nhằm thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ đa phương để phản đối Trung Quốc. Rõ ràng, Đài Loan không thể phản đối Trung Quốc bởi ở khía cạnh nào đó, Đài Loan cũng chính là Trung Quốc.

Dù bản thân Đài Loan thực sự không quan tâm nhiều đến việc duy trì sự hiện diện đối với hòn đảo cách xa đất liền và không thể bảo vệ, đối thủ của bà Thái vẫn sẽ khẳng định rằng, là tổng thống nên bà phải duy trì yêu sách lãnh thổ. Bắc Kinh thì sẽ tái khẳng định: nước này sẽ đe dọa tấn công các hòn đảo nếu như Đài Loan từ bỏ chúng hoặc từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn. Nhưng Washingon lại sẽ yêu cầu chính quyền của bà Thái Anh Văn phải mềm dẻo cho dù Washington cam kết cứng rắn hơn ở Biển Đông. Không dễ để cân bằng được những áp lực này. Và như vậy chuyến đi của ông Mã không hề giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề./.