Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông diễn tập. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan ngày 26/12 cho hay tàu Liêu Ninh được 5 tàu hộ tống đầu giờ trưa 26/12 đã tiến sâu vào Biển Đông sau khi di chuyển qua khu vực phía Nam của Đài Loan. Người phát ngôn Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Chen Chung-chi nói: “Duy trì sự cảnh giác và linh động luôn là cách thức thông thường để duy trì an ninh không phận.” Tuy nhiên, ông Chen từ chối đề cập tới việc liệu Đài Loan có phản ứng bằng việc triển khai máy bay hay tàu ngầm. Theo ông Chen, Đài Loan sẽ tiếp tục “theo dõi và nắm bắt tình hình.”

Trung Quốc tập kết định chuyển hàng trăm tên lửa ra Biển Đông. Số tên lửa này bị các vệ tinh tình báo của Mỹ chụp ở đảo Hải Nam. Giới chức tình báo Mỹ tin rằng, đây “chỉ là địa điểm tập kết tạm thời” và chỉ là nơi diễn tập trước khi số tên lửa này được đưa lên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa hoặc đưa lên đảo Phú Lâm. Cũng theo giới chức tình báo Mỹ, hai hệ thống tên lửa mà họ phát hiện ra trên đảo Hải Nam là CSA-6b và HQ-9. Trong đó, CSA-6b là hệ thống tên lửa tầm ngắn với tầm hoạt động khoảng 16km và bao gồm cả súng phòng không. Trong khi đó, HQ-9 có tầm hoạt động xa hơn, lên đến 200km, gần bằng hệ thống tên lửa S-300.

Trung Quốc tiếp tục cứng rắn trong tranh chấp biển. Trong thông điệp năm mới 2017 hôm 31/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nêu trực tiếp vấn đề Biển Đông, nhưng khẳng định, “Chúng ta kiên trì phát triển hòa bình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển. Ai đó muốn gây chuyện, nhân dân Trung Quốc quyết không chấp nhận”. Trước đó trong phiên sinh hoạt dân chủ của Bộ chính trị Trung Quốc cuối tháng 12/2016, ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố: “Bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi thì phải dám đối đầu trực diện, không được cúi đầu trước khó khăn, không được rút lui trước thách thức, không được thay đổi nguyên tắc, không được để dân tộc Trung Hoa phải nếm trái đắng cho dù dưới bất kỳ áp lực nào.”

+ Philippines:

Tổng thống Philippines khẳng định không lãng quên phán quyết. Trả lời phỏng vấn hãng CNN Philippines hôm 29/12, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo Biển Đông không phải là một mối đe dọa bởi nếu đó thực sự là vấn đ nghiêm trọng thì Mỹ đã đứng ra ngăn chặn. Ông Duterte cho biết sẽ đ cập đến phán quyết của Tòa trong thời gian cầm quyếtvà “không đ phán quyết trôi qua và quên lãngnhưng hiện tại cả hai bên đều chưa sẵn sàng. Theo ông Duterte, Philippines sẽ đ cập về phán quyết của Tòa khi Trung Quốc xâm phạm tài nguyên trong lãnh thổ của Philippines. Của cải đó cũng giống như tài sản thừa kế mà cha mẹ đ lại.”

Tổng thống Philippines muốn di dời địa điểm tập trận với Mỹ. Phát biểu với các phóng viên tại một buổi lễ của quân đội Philippines ngày 30/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã đề nghị ông chuyển địa điểm các cuộc tập trận chung với Mỹ ra khỏi khu vực tranh chấp ở Biển Đông, trong bối cảnh ông Duterte đang cố gắng hàn gắn quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh, “Nhằm tránh gây phiền nhiễu các nước  láng giềng, có khả năng Philippines sẽ di chuyển địa điểm diễn tập chung với Mỹ ra khu vực đảo Mindanao”.

Philippines hướng tới cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh ông Jose “Chito” Sta. Romana ngày 2/1 cho hay, “Chúng tôi không từ bỏ liên minh với Mỹ...Về cơ bản, chúng tôi đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”. Theo ông Romana, điều này thể hiện “sự thay đổi chiến lược trong chính sách đối ngoại của Philippines. Trung Quốc từng coi Philippines là con tốt trong nước cờ của Mỹ. Giờ quan hệ hai bên đã hữu hảo. Vấn đề bắt nguồn khi Mỹ chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của Philippines. Tổng thống Duterte coi đây là vấn đề nội bộ và Trung Quốc không bình luận gì về việc này.”

Phân tích và đánh giá

Chuyến công du của Duterte Đông Nam Á có ý nghĩa gì với an ninh khu vực? của Ava A. Goldman và Swee Lean Collin Koh

Chuyến thăm của Duterte đến Singapore là chuyến thăm thứ 8 của ông kể từ khi nhậm chức. Năm 2017, Philippines là chủ tịch ASEAN và cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập. Duterte dự định tăng cường gắn kết và xây dựng chương trình hành động chung đối với các vấn đ khu vực.

Chuyển trọng tâm sang ASEAN?

Duterte gây bất ngờ khi ông quyết định tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh rằng Manila sẽ theo đuổi “chính sách đối ngoại độc lập”, không chỉ nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, mà còn với các nước khác.

Rõ ràng, từ các chuyến thăm Đông Nam Á của ông Duterte, có thể thấy mong muốn tách ra khỏi quỹ đạo Mỹ, nhưng không hẳn là đã ngả vào vòng tay của Trung Quốc hay Nga. Manila theo đuổi một chính sách đối ngoại đa phương hơn sẽ phải cân bằng lợi ích quốc gia của mình giữa việc giữ vai trò của mình trong hệ thống đồng minh “trục và nan hoa” truyền thống do Mỹ dẫn đầu và việc duy trì độc lập.

Về các vấn đề an ninh biển chung

Duterte gần đây tuyên bố khả năng sẽ gạt tranh chấp sang một bên, cùng khai thác năng lượng với Trung Quốc ở Biển Đông, thúc đẩy hợp tác giữa các lưc lượng biển của 2 nước.

Các chuyến thăm của ông Duterte không nhấn mạnh nhiều đến tranh chấp Biển Đông; tuy nhiên, nhấn mạnh nhiều vào hợp tác an ninh nhằm theo đuổi một giải pháp đối phó với các thách thức an ninh hàng hải chung. Những bước đi đáng chú ý của Duterte cũng bao gồm cả việc cho phép Jakarta và Kuala Lumpur tiến hành “truy đuổi nóng” hải tặc và những kẻ khủng bố xâm nhập vào các vùng biển của Philippines. Lòng tin, tình hữu nghị và sự thống nhất là những điều cần thiết để đảm bảo cho sự thành công của những dạng thức hợp tác an ninh hàng hải như vậy.

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN?

Sự quan tâm gần đây của Philippines với khí tài của Trung Quốc và Nga được nhận thức như là một minh chứng rõ ràng hơn cho việc Duterte tách khỏi quan hệ đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng quân đội và cảnh sát Philippines, là những khách hàng truyền thống của phương Tây, sẽ phải cẩn trọng trong trường hợp lựa chọn này được tiến hành.

Việc mua sắm vũ khí Trung Quốc và quan tâm đến khí tài của Nga đã phản ánh cảm nhận bức thiết của Manila. Xâu chuỗi cùng với các thương vụ trước, rõ ràng Manila đang theo đuổi chiến lược đa dạng hơn, hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương của Duterte. Chuyến thăm các nước láng giềng ASEAN và sự ủng hộ tăng cường quan hệ an ninh – quốc phòng mạnh hơn vào hợp tác công nghiệp quốc phòng trong khối ASEAN, có lợi cho những nỗ lực tăng cường năng lực an ninh quốc phòng trong khối với chi phí thấp hơn.

Một vài suy ngẫm

Những kỳ vọng là rất lớn đối với một Duterte “phi truyền thống” vào thời điểm bất ổn này. Nếu Philippines có thể lèo lái ASEAN theo đúng hướng, Philippines có thể nâng cao tiếng nói khu vực trong cộng đồng quốc tế trong khi vẫn giữ được vị trí trung tâm trong quan hệ với các nước lớn, tạo cho Manila cơ hội tái xác định lại các chính sách đối ngoại và an ninh của mình, duy trì quan hệ đồng minh an ninh truyền thống mà vẫn thoát ly để đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Khả năng này sẽ có lợi cho Philippines và cả khối ASEAN trong việc theo đuổi mong muốn nắm vai trò điều phối trong kiến trúc an ninh khu vực.

Kế hoạch ngu ngốc của Donald Trump sẽ dâng quyền lực lãnh đạo kinh tế Châu Á cho Trung Quốc của Doug Bandow

Thái độ bài trừ thương mại quốc tế của Donald Trump sẽ mang lại cho Trung Quốc vị thế lãnh đạo kinh tế tại Châu Á và khiến mọi mục tiêu “biến nước Mỹ vĩ đại trở lại” thành viển vông.

Trước hết, cần thấy rằng thương mại mang lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp nước Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ra bên ngoài, đồng thời giúp người dân Mỹ có được các hàng hóa giá rẻ tại thị trường nội địa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các gia đình thu nhập thấp tại Mỹ, giúp tăng khả năng chi tiêu thực tế, qua đó làm giảm sự bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhất định người dân bị mất việc làm và cũng dễ hiểu khi những người này phản đối thương mại.

Ngoài ra, việc Mỹ khai tử TPP cũng là hành động vô trách nhiệm với các nước đã đánh cược chính trị để theo Mỹ như Thủ tướng Shinzo Abe. Hơn nữa, nếu Mỹ đưa ra các sáng kiến mới thì sẽ việc huy động sự ủng hộ của các nước sẽ khó hơn.

Sự thoái trào của Mỹ về thương mại tại Châu Á có thể mang lại cơ hội để Trung Quốc nắm vai trò lãnh đạo kinh tế ở khu vực. Lợi thế đặc biệt mà Trung Quốc có được hơn Mỹ chính là sự gần gũi về địa lý ở khu vực. Trung Quốc cũng đang nhân cơ hội này để thúc đẩy các FTA khu vực. Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy các thỏa thuận đa phương như FTAAP và RCEP. Nói cách khác, trong khi Washington đứng ngoài thì Bắc Kinh trở thành người chủ trì lựa chọn đối tác nào tham gia vào mạng lưới tự do thương mại ở khu vực. Qua đó, Trung Quốc có thể tạo ra hệ thống thương mại, hình thành nên các nguyên tắc đầu tư và thương mại mới đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Và chắc chắn những thỏa thuận FTA mới này sẽ không có các điều khoản về lao động hay môi trường mà Mỹ mong muốn.

Ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng đưa ra cảnh báo nếu Mỹ thoái lui khỏi khu vực. Thủ tướng New Zealand phát biểu nếu Mỹ không muốn tham gia vào tự do thương mại, Trump cần biết là các nước khác sẽ sẵn lòng. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho rằng sự thất bại của TPP sẽ tạo ra khoảng trống trong hệ thống tự do thương mại ở khu vực và chắc chắn sẽ được bù đắp bởi các hiệp định khác, ám chỉ tới FTAAP và RCEP. Malaysia và Việt Nam đã cho thấy các nước này sẽ chuyển hướng sang RCEP. Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ có lẽ cũng sẽ có thái độ tương tự đối với các FTA do Trung Quốc khởi xướng bởi các doanh nghiệp này không thể cạnh tranh nếu họ phải chịu mức chi phí cao khi đặt các cơ sở sản xuất ở trong nước Mỹ.

Âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc của Arthur Herman

Trung Quốc không thường xuyên có những hành động hung hăng, gây hấn như thế này ngay trước mắt tàu hải quân Mỹ. Tuy nhiên, hành động “trộm cắp” của Trung Quốc chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn nhiều mà Trung Quốc đang theo đuổi trong suốt 7 năm vừa qua nhằm dần thôn tính toàn bộ Biển Đông và triệt tiêu hầu hết các yêu sách của những nước khác – kể cả các yêu cầu của Mỹ về quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Tuần trước, dư luận đã thấy được phần nào trọng tâm trong nỗ lực này của Trung Quốc. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt đường băng và củng cố các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của máy bay quân sự tại 3 hòn đảo nhân tạo là Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo tranh chấp Trường Sa. Các hoạt động nạo vét và cải tạo địa hình mà Trung Quốc đang tiến hành nhằm xây dựng “Vạn lý Trường thành trên cát” ở các địa điểm nói trên hiện đã tạo ra đủ không gian cho một căn cứ quân sự quy mô lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quân sự trong khu vực này sẽ giúp Trung Quốc ngăn chặn mọi lực lượng xâm nhập không phận trên Biển Đông, đặc biệt là Mỹ.

Đây là điều không mấy bất ngờ với những ai đã nhận thức được các nguy cơ từ hàng loạt động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và phản ứng thiếu cứng rắn của chính quyền Obama. Sau 8 năm, cả thế giới đều nhận thấy ông Obama thiếu một ý chí, quyết tâm đủ để ngăn chặn các quốc gia luôn nung nấu tham vọng bẻ cong các quy tắc và trật tự toàn cầu theo hướng có lợi cho họ.

Trong khi thời gian ông Obama tại vị không còn nhiều, Nga, Trung Quốc và Iran chắc chắn sẽ tìm kiếm những thời cơ để chiếm lấy những gì họ có thể có trước khi vị tổng thống mới bước vào nhiệm sở vào ngày 20/1 tới đây, một người có phong cách và cá tính khác hẳn ông Obama, và là một người chắc chắn không bao giờ chấp nhận việc bị bắt nạt hay sỉ nhục.

Trung Quốc đang hy vọng rằng số vũ khí của họ ở Biển Đông sẽ thúc ép được các nước láng giềng phải chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông như là việc đã rồi. Trung Quốc từng đe dọa các công ty năng lượng lớn ngay tại vùng biển của Việt Nam, song ông Tillerson, và cả tỷ phú Donald Trump, chắc chắn sẽ không e ngại việc này.

Trung Quốc có thể được coi là một kẻ “may mắn” trong suốt thời gian qua khi họ đương đầu với một Tổng thống và một Ngoại trưởng Mỹ luôn sẵn sàng đưa ra mọi thỏa hiệp để có được sự hợp tác của Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu. Vận may này đang dần khép lại. Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố rằng Trung Quốc có thể giữ lại thiết bị lặn mà họ đã thu giữ. Trung Quốc đã trả lại, song có lẽ họ nên làm theo lời của ông Trump, bởi có thể họ sẽ không còn cơ hội để nhận được bất cứ thứ gì “miễn phí” từ Mỹ nữa.

Vấn đề Biển Đông: Có nên quá chú trọng vào FONOP? của Graham Webster

Việc Mỹ điều tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hồi cuối tháng 10 không đạt được mục tiêu mà dư luận vốn hoan nghênh là thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Thay vào đó, sự hiện diện của USS Decatur, theo những thông tin trên báo chí và nhận định của giới phân tích, là nhằm thách thức các tuyên bố của Trung Quốc về “đường cơ sở” quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa. Thực tế, một chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) khó có thể thách thức Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Các cuộc tuần tra nói trên không phải là các nội dung mới trong FONOP của Mỹ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người ủng hộ Mỹ tăng cường sự hiện diện tại khu vực đã khích lệ cường quốc này tiến hành các hoạt động tuần tra trên biển để thách thức chiến dịch xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh và thực hành quyền tự do hàng hải theo phán quyết của Tòa Trọng tài.

Với mục tiêu này, giới quan sát từ lâu cho rằng Đá Vành Khăn nhiều khả năng sẽ là nơi Mỹ tiến hành chiến dịch này. Giới chuyên gia cho rằng phương án khả thi để tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tại Đá Vành khăn là Mỹ phái tàu quân sự đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh hòn đảo nhân tạo này và có những động thái nhằm thể hiện rằng họ đang không đơn thuần chỉ “đi qua vô hại”. Theo nhà quan sát Julian Ku, bằng cách này, tàu quân sự của Mỹ có thể đánh tín hiệu cho thấy Mỹ không công nhận bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với vùng biển mà con tàu này đi qua.

Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện tại Đá Vành Khăn. Để có thể thách thức hành động của Bắc Kinh tại Đá Vành Khăn trong khuôn khổ hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải thông thường, chính quyền Mỹ trước hết phải xác định được đâu là một “tuyên bố chủ quyền trên biển vượt quá giới hạn” và lên kế hoạch cụ thể để thách thức tuyên bố này mà vẫn đảm bảo việc tôn trọng mọi quy tắc hàng hải.

Phán quyết của Tòa Trọng tài về Đá Vành Khăn không thể tạo cơ sở để Mỹ tiến hành các FONOP như ở các khu vực khác. Điều này đang đặt ra 2 câu hỏi. Thứ nhất, nếu Hải quân Mỹ đưa tàu đi vào vùng biển không thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn, thì việc làm này có thể coi là một FONOP hay không? Câu hỏi thứ hai là liệu FONOP có phải là cách tốt nhất để Mỹ thể hiện quyết tâm “đi lại tự do trên biển, trên không và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép” - theo như lời của Tổng thống Barack Obama - hay không?

FONOP không nên là cách duy nhất mà chính quyền Mỹ có thể sử dụng. FONOP cũng chỉ nên là một phần trong các hoạt động mà Mỹ và các quốc gia khác theo đuổi nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và bảo vệ quyền lợi cũng như hoạt động của các quốc gia tôn trọng trật tự luật pháp trong khu vực quan trọng này.

Dự báo thế giới 2017: Chính sách của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương phân tích của Stratfor

Năm 2017, chính quyền Shinzo Abe sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể liên quan đến tiến trình khôi phục sức mạnh chính trị và kinh tế, đồng thời lấy lại niềm tự hào khu vực. Ngoài ra, chính quyền Abe có thể còn tăng cường sự hiện diện về ngoại giao và kinh tế tại Đông Nam Á. Trong khi đó, ông Abe sẽ theo đuổi một hòa ước với Nga để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài, mở rộng hợp tác an ninh và ngoại giao song phương với Mỹ nhằm tìm cách đảm bảo cam kết và sự can dự của Wasington tại khu vực. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tận dụng những cơ hội đến từ những thay đổi tiềm tàng trong chiến lược khu vực của Mỹ để đóng vai trò lãnh đạo tích cực hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Với Trung Quốc, sau 30 năm, Trung Quốc đang chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng tư nhân và hoạt động chế tạo có giá trị gia tăng cao.

Đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược vừa cưỡng bức vừa để ngỏ một số cơ hội hợp tác. Trong năm 2017, Trung Quốc sẽ theo hướng giải quyết các tranh chấp trên cơ sở song phương, và có thể đưa ra thêm nhân nhượng trong những lĩnh vực như phát triển năng lượng và có thể sẽ ký một bộ quy tắc ứng xử, theo đó hạn chế những hành động của chính họ.

Bị kẹt giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều tự thấy mình rơi vào những tình huống bấp bênh khác nhau. Triều Tiên có thể tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân vì các mục đích kỹ thuật cũng như nhằm nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng chiến lược của họ. Điều này sẽ gây áp lực buộc Seoul phải tăng cường quốc phòng và mua thêm vũ khí, mặc dù cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể cản trở nỗ lực này.

Trong năm tới, các nền kinh tế mới nổi của châu Á có thể bị phương hại do những nguy cơ bao gồm: chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ, tranh chấp mậu dịch Mỹ-Trung, khả năng FED đẩy nhanh các đợt tăng lãi suất, và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực củng cố các ngành công nghiệp nặng và có liên quan đến tài nguyên. Những quốc gia nhiều nguy cơ phải chịu cú sốc kinh tế nhất là những nước vay nợ nước ngoài nhiều (Malaysia và Indonesia), những nước có nền tảng kinh tế và mậu dịch thiếu đa dạng (Cambodia), và những nước phải đối phó với sự bất ổn và bấp bênh chính trị trong nước (Thái Lan và Hàn Quốc). Tuy nhiên, các nền kinh tế nhỏ hơn của châu Á sẽ tiếp tục theo đuổi sự hòa nhập đầu tư, mậu dịch và kinh tế khu vực bất luận làn sóng hoài nghi mậu dịch đang dâng cao tại những khu vực khác của thế giới.

Trong khi đó, Philippines sẽ tiếp tục giữ cân bằng giữa quan hệ đối tác với Mỹ và mối quan hệ đang ấm lên với Trung Quốc. Chừng nào uy tín của Tổng thống Duterte còn cao thì quyền lực của ông sẽ không gặp phải mối đe dọa nghiêm trọng nào trong năm 2017. Tuy nhiên, những sáng kiến đối nội và chương trình nghị sự đối ngoại của ông sẽ đòi hỏi phải duy trì nhiều vốn liếng chính trị, trong khi chúng có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc đấu quyền lực nội bộ giữa các thành viên trong chính phủ và giới tinh hoa chính trị./.