Động thái các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc cáo buộc tàu chiến Mỹ hành động quyết đoán ở Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, đại tá Lý Hoa Dân ngày 28/1 cho hay quân đội Trung Quốc phát hiện một tàu chiến Mỹ xâm phạm vùng lãnh hải của Trung Quốc. PLA đã triển khai lực lượng để phát hiện, nhận dạng đồng thời yêu cầu chiếc tàu này rời đi. Theo ông Lý, “Quân đội Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia, cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bất kể tàu chiến Mỹ đang dùng chiêu trò gì.”

+ Việt Nam:

Việt Nam đặt mua 12 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 của Nga. Tờ Vedomosti ngày 29/1 cho hay Việt Nam ký kết hợp đồng mua 12 máy bay Yak-130 của Nga vào cuối năm 2019. Công ty xuất khẩu công nghệ quốc phòng Nga Rosoboronexport và cơ quan hợp tác quốc phòng liên bang đều chưa đưa ra bình luận. Nếu thông tin trên là đúng, Việt Nam sẽ trở thành nước thứ 6 mua Yak-130 từ Nga, ngoài các nước Algeria, Bangladesh, Myanmar, Lào và Belarus. Trong khi đó, Tổng biên tập Andrei Frolov của tạp chí Arms Exports cho rằng hợp đồng mở đường cho Việt Nam mua thêm các chiến đấu cơ hiện đại của Nga như Su-30SM và Su-35.

+ Indonesia:

Tổng thống Indonesia thị sát tàu ngầm nội địa đầu tiên của Indonesia. Tổng thống Jokowi Widodo ngày 27/1 đã đi thăm nhà máy đóng tàu PAL Indonesia, nơi lắp ráp chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên. Tàu ngầm KRI Alugoro 405 được hoàn thiện vào tháng 6 năm 2019. Đây là sản phẩm thứ ba trong thỏa thuận hợp tác trị giá 1,1 tỷ USD giữa  PAL Indonesia và nhà máy đóng tàu và công trình biển Daewoo của Hàn Quốc. Hai tàu ngầm khác là KRI Nagapasa 403 và KRI Ardadedali 404 được phía Hàn Quốc đóng mới lần lượt các năm 2017 và 2018. Tổng thống Jokowi cho hay “Đây là loại hình hợp tác hiệu quả bởi sự chuyển giao công nghệ giúp chúng ta lắp ráp tàu ngầm Alugoro. Tôi hy vọng Indonesia sớm tự phát triển và lắp ráp các tàu ngầm riêng.”

+ Campuchia:

Campuchia nhấn mạnh Biển Đông là một trong những thách thức đối ngoại. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 30/1, “Campuchia phải đối mặt với sự can thiệp từ các nước bên ngoài, họ cáo buộc về vi phạm nhân quyền dưới danh nghĩa thực thi luật pháp quốc tế. Campuchia cũng theo sát các diễn biến trong cạnh tranh thương mại giữa Mỹ-trung, tranh chấp Biển Đông, các hoạt động khủng bố toàn cầu nhằm duy trì sự ổn định chính trị và trật tự xã hội ở Campuchia.” Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao ông Ouch Borith cho hay Campuchia đối phó với các thách thức này thông qua các cơ chế ASEAN, đồng thời duy trì vị thế không liên minh và không can thiệp theo hiến pháp Campuchia và các nguyên tắc của ASEAN.

+ UN:

Liên Hợp Quốc khuyến khích đối thoại Biển Đông giữa Trung Quốc-ASEAN. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an về hợp tác của Liên Hợp Quốc với ASEAN, Tổng thứ ký LHQ ông António Guterres nhấn mạnh, “UN hoan nghênh các đối thoại xây dựng giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh biển, trông đợi hai bên sớm đạt được COC ở Biển Đông giúp ngăn chặn các tranh chấp biển và lãnh thổ.” Ông António Guterres khẳng định hợp tác giữa UN và ASEAN đóng vai trò trọng yếu giúp duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tới đây, ASEAN và UN tiếp tục hợp tác trong việc phân tích nguy cơ và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.

+ Mỹ:

Tàu chiến Mỹ USS Montgomery tiến hành FONOP ở Trường Sa. Người phát ngôn Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, trung úy Joe Keiley hôm 28/1 cho hay, tàu chiến đấu ven biển USS Montgomery ngày 25/1 đã tiến hành hoạt động FONOP gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Theo ông Joe Keiley, “Như UNCLOS quy định, mọi loại tàu, bao gồm tàu chiến được hưởng quyền qua lại vô hại trong vùng lãnh hải. Hoạt động FONOP được tiến hành vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu thách thức việc các nước hạn chế quyền tự do qua lại và  thách thức luật pháp quốc tế. Hoạt động FONOP là một phần trong hoạt động thường nhật của quân đội Mỹ ở khu vực.” Đây là hoạt động FONOP đầu tiên của Mỹ trong năm 2020.

+ Nhật Bản:

Nhật Bản chỉ trích hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu tại một sự kiện ở New Delhi, Đại biện lâm thời tại Sứ quán Nhật Bản ở Ấn Độ ông Toshihide Ando khẳng định, “Nhật Bản hết sức quan ngại về tình hình trên thực địa do các nỗ lựa đơng phương thay đổi nguyên trạng và quân sự hóa các thực thể tranh chấp. Chúng tôi ghi nhận tiến trình đàm phán COC ở Biển Đông. Điều quan trọng là COC cần phù hợp với luật pháp, không phương hại tới quyền và lợi ích của các bên theo quy định của luật pháp quốc tế.” Ông Toshihide Ando nhấn mạnh “tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở” của Nhật Bản bao gồm “thúc đẩy và duy trì các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, như luật lệ, tự do hàng hải và tự do thương mại, vốn là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

+ Đức:

Học giả Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin trong giải quyết tranh chấp biển. Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 tại Đại học Hamburg, Đức ngày 30/1, Tiến sỹ Gerhard Will, Quỹ khoa học và Chính trị Đức nhận định, “Đàm phán COC đóng vai trò quan trọng nhưng nó chỉ là một “viên gạch” trong giải quyết tranh chấp. Một điều kiện để giải quyết tranh chấp hoàn toàn là các phía liên quan phải tin tưởng nhau. Chỉ có thế đàm phán mới có thể thành công hoàn toàn. ASEAN đóng vai trò quan trọng trong đàm phán COC. Điều quan trọng là các nước ASEAN phải đoàn kết trong vấn đề này. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn luôn cố gắng cản trở các nước ASEAN có cùng quan điểm trong đàm phán.” Theo ông Will, Phán quyết của PCA là một văn bản luật quốc tế quan trọng, không trực tiếp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ nhưng nó tạo ra điều kiện để giải quyết.

Thực hiện: Đinh Anh