Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc dự tính xây trạm quan trắc hải dương ở Biển Đông. Theo cổng thông tin “sciencenet.cn” của Trung Quốc, nước đang dự định xây dựng trạm quan trắc để quan sát các điều kiện dưới đáy biển theo thời gian thực. Các công trình này sẽ hình thành “một mạng lưới quan trắc hải dương tại các vùng biển trọng yếu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông” và được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Âm học và Đại học Đồng Tế (Thượng Hải). Ngoài ra, các đài quan sát này sẽ phục vụ công tác thăm dò quá trình dịch chuyển dưới biển về mặt vật lý, hoá học, sinh học và địa chất, đồng thời phục vụ nhiều mục đích khác.

Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên đưa du thuyền tới Hoàng Sa. Một quan chức thuộc Công ty TNHH vận tải biển Eo biển Hải Nam cho biết du thuyền “Trường Lạc Công chúa”  mới của Trung Quốc chiều 2/3 đã khởi hành từ thành phố Tam Á tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cũng theo quan chức trên, du thuyền này có 82 buồng khách, có thể chở 499 người với tầm hoạt động 3.000 hải lý. Dự kiến, chuyến du hành lần này sẽ kéo dài 4 ngày 3 đêm. Việt Nam đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc tổ chức những chuyến du lịch trái phép tới Hoàng Sa.

Trung Quốc khẳng định coi trọng tự do hàng hải ở Biển Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 2/3, Người phát ngôn của kỳ họp thứ 5 Nhân Đại khóa 12 ông Wang Guoqing tuyên bố: Là một quốc gia thương mại lớn và là nước lớn nhất gần Biển Đông, Trung Quốc coi trọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác tự do hàng hải và an ninh Biển Đông. Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Việc Trung Quốc xây dựng các công trình, bao gồm các công trình phục vụ mục đích phòng vệ cần thiết, trên lãnh thổ của mình là điều hết sức bình thường. Luật pháp quốc tế cho phép điều này.” Theo ông Wang, Trung Quốc đã thiết lập các cơ chế hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo an toàn hàng hải.

Đài Loan củng cố sự hiện diện tại Biển Đông. Phát biểu trong một phiên họp của cơ quan lập pháp Đài Loan ngày 2/3, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Phùng Thế Quan cho hay hải quân sẽ tăng cường tuần tra trên Biển Đông và huấn luyện chung với lực lượng không quân để đối phó với Trung Quốc, “Nhìn vào việc Trung Quốc thay đổi chiến thuật và những khoản đầu tư của họ vào các loại vũ khí, trang thiết bị mới, quân đội Đài Loan cần phải cải tổ hình thức huấn luyện. Hải quân bên cạnh việc tuần tra thường lệ sẽ tiến hành huấn luyện chung với không quân để bảo vệ ngư dân và các phương tiện tiếp tế, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu trong các hoạt động tuần tra trên biển và trên không”. Theo ông Phùng, việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn, đặc biệt ở Thái Bình Dương tới phía Đông của Đài Loan, làm gia tăng mối đe dọa đối với hòn đảo này.

Trung Quốc công bố mức tăng chi tiêu quốc phòng năm 2017. Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp Nhân đại của Trung Quốc hôm 4/3, người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh cho biết nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng khoảng 7% trong năm nay, so với mức tăng 7,6% của năm 2016. Bà Phó Oánh nêu rõ chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 2010. Dự kiến, ngân sách cụ thể sẽ được công bố ngày 5/3 nhưng Bắc Kinh cuối cùng đã không công khai chi tiêu quân sự cụ thể cho năm 2017. Cũng theo bà Phó Oánh, “Hiện nay tình hình tổng thể trên Biển Đông đã được cải thiện và diễn biến này đi về đâu sẽ do ý định của Mỹ bởi các hoạt động của Mỹ trên biển, về mức độ nào đó, được ví như biển chỉ đường. Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ sẽ có tác động toàn cầu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung. Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn nhận những biểu hiện tích cực nhưng Trung Quốc sẽ bình tĩnh để đối phó với những thách thức có thể có”.

Trung Quốc ra mắt giàn khoan dầu lớn nhất thế giới. Trung Quốc chính thức đưa vào sử dụng giàn khoan thăm dò nước sâu lớn nhất thế giới Bluewhale 1. Bluewhale 1 có trọng lượng 42.000 tấn, chiều cao từ đáy đến đỉnh là 118m tương đương tòa nhà 37 tầng, có thể vươn tới độ sâu tối đa 3.653m với mũi khoan có thể khoan đến 15.240m. Giàn khoan nước sâu này là sản phẩm của tập đoàn công trình biển CIMC Raffles ở tỉnh Sơn Đông, với phí sản xuất là 700 triệu USD. Giàn khoan Bluewhale 1 "được thiết kế đặc biệt để hoạt động ở Biển Đông, nơi mỏ dầu chưa khai thác có thể ở độ sâu 3.000 m”.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo điều chỉnh và áp dụng Quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 28/2 nhấn mạnh: “Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình; vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần và lời văn của DOC, khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng”. Hội Nghề cá Việt Nam hôm 1/3 cũng ra tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương này của Trung Quốc.

Hải quân làm Lễ thượng cờ hai tàu ngầm mới. Sáng 28/2, tại Quân cảng Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân long trọng tổ chức Lễ thượng cờ cho hai tàu ngầm: Tàu 186 mang tên Đà Nẵng và Tàu 187 mang tên Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là hai chiếc tàu ngầm cuối cùng trong số 6 tàu ngầm hiện đại được Nga đóng mới theo hợp đồng ký kết giữa hai bên từ năm 2009 đến nay. Từ đây, chính thức hai tàu được đưa vào biên chế của các lực lượng trong Quân chủng Hải quân, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh quân sự trong phòng thủ, xây dựng, hoàn thiện thế trận an ninh nhân dân trên biển, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

+ Mỹ:

Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở các vùng biển trọng yếu. Hôm 27/2, Nhà Trắng đã gửi đề xuất ngân sách lên các văn phòng liên bang, trong đó có việc tăng chi tiêu quốc phòng, lấy từ cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và các cơ quan phi quốc phòng khác. Một nguồn thạo tin cho hay đề nghị tăng ngân sách quốc phòng của Tổng thống Donald Trump bao gồm “chi phí đóng tàu, máy bay quân sự và thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở các tuyến đường biển quan trọng và huyết mạch” như eo biển Hormuz và Biển Đông. Một quan chức khác cho hay, ngân sách cho Bộ Ngoại giao sẽ cắt giảm nhiều nhất là 30%, có thể dẫn đến việc tái cơ cấu Bộ này và xóa bỏ một số chương trình.

Hải quân Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông. Phát biểu trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson hôm 3/3, Phó Đô đốc Mỹ James Kilby nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ luôn hiện diện ở Biển Đông. Chúng tôi đã hoạt động tại đây trong quá khứ và sẽ tiếp tục hoạt động như vậy trong tương lai. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng hải phận quốc tế là nơi mà tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể qua lại. Đây chính là thông điệp Mỹ muốn gửi đến thế giới”. Trong ngày 3/3, tàu sân bay USS Carl Vinson đã đi tuần tra ở khu vực giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và bãi cạn Scarborough. Theo Phó Đô đốc Kilby, “bất cứ tàu, thuyền nào mà chúng tôi gặp trong quá trình tuần tra đều hành xử rất chuyên nghiệp và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Quan hệ các nước

Việt Nam - Brunei cam kết duy trì hòa bình ở Biển Đông. Ngày 27/2 tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei Darussalam Lim Jock Seng đồng chủ trì kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hợp tác Song phương. Về vấn đề biển, hai bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Hai bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông và sớm đạt được COC.

Trung Quốc lên tiếng về đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ. Phát biểu tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói: "Chúng tôi hy vọng các chính sách và biện pháp liên quan của Mỹ có thể đem lại lợi ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định và sự phát triển toàn cầu. Trung Quốc thúc đẩy một triển vọng chung, toàn diện, hợp tác và an ninh bền vững, và sẽ hợp tác cùng các nước khác để biến triển vọng này thành hiện thực. Việc liên hệ đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ với tình hình Biển Đông là câu hỏi có tính giả thuyết. Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh tình hình Biển Đông đang đi theo đúng quỹ đạo ổn định hơn. Trung Quốc hy vọng các quốc gia bên ngoài khu vực tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực này.”

Các Bộ trưởng Philippines thăm tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Philippines Molly Koscina ngày 4/3 cho biết theo lời mời của Hải quân nước này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre II cùng 3 nhân viên an ninh đã tới thăm tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đang tuần tra tại Biển Đông. Chuyến thăm cho thấy giới chức Philippines và quân đội Mỹ tiếp tục thực hiện các trao đổi cấp cao, dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa giảm hợp tác quốc phòng với Mỹ trong khi xích lại gần Nga và Trung Quốc.

Phân tích và đánh giá

Vấn đề Biển Đông: Câu hỏi nhiều hơn câu trả lời phân tích của Stratfor

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hiện bước vào giai đoạn khá yên ả khi họ dẹp sang một bên những bất đồng và hướng tới bàn đàm phán. Mục tiêu là vào cuối năm nay có thể chính thức hóa một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý để kiểm soát những tranh chấp biển tại Biển Đông.

Cho dù những căng thẳng trên biển giữa các quốc gia tạm lắng, song cuộc họp vừa qua làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đàm phán về bộ quy tắc ứng xử. Gần 7 năm thảo luận, các nước không đưa ra được bộ quy tắc ứng xử nào, mà thay vào đó chỉ cho ra đời được một văn kiện không có tính ràng buộc pháp lý, đó là DOC năm 2002.

Có vô số lý do khiến các cuộc đàm phán không thể đem lại một thỏa thuận có tính ràng buộc. Các bên không nhất trí được việc xác định đảo nào đang tranh chấp. Ngoài ra, ASEAN khó có thể đoàn kết để phản bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đang dùng quân bài kinh tế để chia rẽ ASEAN. Và trên hết, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu theo đuổi tham vọng nắm quyền kiểm soát rộng hơn đối với toàn bộ Biển Đông

Trong khi đó, những quốc gia Đông Nam Á cũng bắt đầu củng cố những tuyên bố chủ quyền, năng lực quốc phòng và các liên minh chiến lược của mình. Họ cũng bắt tay với Mỹ, Nhật Bản và trong chừng mực ít hơn, với Ấn Độ và Úc để đối phó với những hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Mặc dù vậy, ASEAN chưa bao giờ từ bỏ ý định chính thức hóa một bộ quy tắc ứng xử như vậy.

Tháng 7/2016, Tòa PCA đã ra phán quyết phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Từ đó đến nay, ASEAN và Bắc Kinh đã có một số bước đi ban đầu nhằm tiến tới thiết lập một cơ chế quản lý tranh chấp. Bắc Kinh giảm bớt thái độ phản đối và đưa ra một số nhượng bộ về vấn đề biển và kinh tế trước một số bên tuyên bố chủ quyền. Một số bên tuyên bố chủ quyền nhanh chóng đón nhận những cử chỉ này của Bắc Kinh, song một số khác thì chậm rãi hơn. Sự thay đổi trên phản ánh thực tế là mỗi bên đều đang có sự điều chỉnh chiến lược.

Mặc dù chưa rõ ASEAN và Trung Quốc có tiến tới chính thức hóa bộ quy tắc ứng xử như đã hứa hẹn hay không, nhưng chắc chắn sẽ xuất hiện một số nhân tố cản trở nỗ lực này. Đơn cử như bộ quy tắc ứng xử đang được đề xuất thiếu các cơ chế thực thi minh bạch. Hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc và ASEAN phê chuẩn một bộ luật có tính ràng buộc, thì văn kiện đó khó có thể đóng vai trò là cơ chế để giải quyết tranh chấp. Những triển vọng mơ hồ của bộ quy tắc khiến nhiều thành viên ASEAN tự nghĩ liệu có đáng theo đuổi một cơ chế đa phương như vậy hay không.

Những hành động thay đổi bất ngờ về Biển Đông của Philippines của Nehginpao Kipgen

Năm qua là sự biến động bất ngờ đối với quan hệ Trung Quốc – Philippines, xoay quanh những tiến triển trong tranh chấp song phương đối với các vùng biển trên biển Đông.

Ngày 12/7/2016, toà PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines. Phán quyết này được người dân Philippines trên toàn thế giới hoan nghênh. Hoà chung niềm vui đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói: “Philippines khẳng định sự tôn trọng đối với quyết định quan trọng này như là sự đóng góp quan trọng vào nỗ lực không ngừng nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển Đông”.

Cựu Tổng thống Benigno Aquino III đã gọi phán quyết này là chiến thắng cho tất cả và thúc giục cộng đồng quốc tế sử dụng phán quyết này nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển khác.

Tổng thống Duterte ban đầu cũng hoan nghênh phán quyết và cảnh báo Trung Quốc phải tránh xa lãnh thổ Philippines hoặc đối mặt với khả năng đụng độ “đẫm máu”. Tuy nhiên, sau đó ông khiến cả thế giới kinh ngạc khi ngả về phía Trung Quốc bằng cách tuyên bố dự định đoạn tuyệt quan hệ đồng minh với Mỹ. Quan hệ căng thẳng giữa Manila và Washington trở nên rõ ràng trong suốt những tháng cuối nhiệm kỳ của chính quyền Obama.

Duterte nói rằng đất nước ông có thể sẽ không lấy lại được quyền kiểm soát bãi cạn giàu tài nguyên Scarborough từ Bắc Kinh mặc dù PCA đã ra phán quyết, lý do là lực lượng quân sự của Philippines không thể so được với lực lượng hùng hậu của Bắc Kinh.

Nhưng tháng 12, Manila lại thay đổi giọng điệu, gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc về việc xây dựng quân sự của Bắc Kinh trên các đảo tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa. Sự thay đổi đột ngột của Duterte về vấn đề biển Đông có thể được thúc đẩy bởi một vài nhân tố, trong đó có lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, việc chính quyền Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn Bắc Kinh ở biển Đông và quan trọng hơn là, khảo sát gần đây cho thấy 84% người Philippines muốn Duterte khẳng định chủ quyền đối với các lãnh thổ Philippines trên biển Đông.

Quan hệ Philippines – Trung Quốc “nóng” trở lại khi khi ngoại trưởng Yasay, chủ trì hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 21/02, phát biểu rằng khối ASEAN nhất trí bày tỏ “những quan thực sự” về việc Trung Quốc lắp đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.

Việc Duterte lợi dụng những khoản vay, thu hút khách du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc không phải là điều gì bí mật, nhưng sự thay đổi liên tục chính sách biển Đông lại là một bất lợi. Lập trường thay đổi của Philippines cũng không giúp gì cho việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước ASEAN với nhau. Nếu lập trường của Manila thay đổi cứ vài tháng một lần, những cuộc tham vấn không chính thức trước khi bỏ phiếu đồng thuận của khối sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Mặc dù Duterte biết rõ động cơ đằng sau sự thay chổi chính sách biển Đông, rõ ràng những thay đổi gần đây trong cách tiếp cận “hai mặt”, đồng thời kết thân với Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN, sẽ không có lợi như mong đợi, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

 Lý do Trung Quốc sửa đổi Luật an toàn giao thông hàng hải của James Holmes

Chiến dịch dài hơi của Trung Quốc nhằm biến Biển Đông thành lãnh thổ của mình đang được tiến hành khẩn trương. Vì vậy, những quốc gia tôn trọng quyền tự do hàng hải cần bác bỏ chiến dịch này dưới mọi hình thức.

Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã nói rằng Bắc Kinh có kế hoạch sửa đổi Luật an toàn giao thông hàng hải (1984) để trao quyền cho các nhà chức trách của nước này được phép “xác định các khu vực cụ thể và tạm thời ngăn không cho các tàu nước ngoài đi vào vùng biển của Trung Quốc nếu phát hiện các tàu này có thể gây phương hại cho an ninh và trật tự hàng hải”.

Trung Quốc đang cố gắng thực hiện tham vọng biến Biển Đông thành “lãnh hải của Trung Quốc”. Văn phòng lập pháp của Quốc vụ viện Trung Quốc tiếp tục tuyên bố rằng những sửa đổi đó phù hợp với UNCLOS. Rất có khả năng, Bắc Kinh đang nỗ lực kết nối nội luật với luật quốc tế nhằm mở rộng lãnh hải của mình thông qua “cuộc chiến pháp lý”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dùng chiếc mặt nạ an toàn hàng hải để thực hiện chiến lược bành trướng của mình.

Vậy Trung Quốc sẽ làm gì? Trung Quốc có thể áp dụng pháp luật này trên các vùng biển liền kề với các đá mà nước này đã xây dựng các tiền đồn kiên cố, thậm chí bất chấp việc các thực thể này (theo UNCLOS) không có lãnh hải. Nếu Bắc Kinh không có biểu hiện gì thay đổi ý định này, dư luận nên coi động thái mới nhất này của Trung Quốc là một nỗ lực để “bãi bỏ” chứ không phải “củng cố” luật biển trong một khu vực chiếm tới 80-90% đường thủy quan trọng trên thế giới. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ biến khu vực Biển Đông - vùng biển chung, các vùng đặc quyền kinh tế - thành lãnh hải của mình.

Sau cùng, nếu Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với “Đường 9 đoạn” thì họ sẽ nói rằng Trung Quốc mới chính là người đưa ra luật tại đây. Chiêu trò và chiến thuật tai quái không mới này sẽ không chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á.

Vậy các nước liên quan cần làm gì? Trước hết các nước phải xác định được mục đích của Trung Quốc bởi không loại trừ các động thái này của Bắc Kinh là để thúc đẩy một chương trình nghị sự lớn hơn. Chính phủ các nước phải thường xuyên hành động như: theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sửa đổi luật an toàn hàng hải, cẩn thận để không vô tình tiếp tay cho Trung Quốc xâm lấn vùng biển chung rộng lớn này.

Thứ hai, các nước không ủng hộ Trung Quốc khi vẫn còn hoài nghi về việc Bắc Kinh đang cố mở rộng quyền lực của mình trong khi những quốc gia khác ở châu Á phải chịu thiệt. Bên cạnh đó, các nước cần gây sức ép để Bắc Kinh duy trì và kéo dài những cam kết quốc tế của họ “càng lâu càng tốt”, buộc nước này phải xóa bỏ yêu sách “Đường 9 đoạn” vô lý trên bản đồ, tự nguyện tuân theo luật biển và ngừng yêu sách chủ quyền lãnh hải.

Thứ ba, các nước có thể coi thường những yêu cầu này và thường xuyên tránh thể hiện ra ngoài là chấp nhận các luật đó. Bên cạnh đó, các nước cần cảnh giác và quyết tâm cao độ là có thể giữ vững quyền tự do trên biển.

Đánh giá chính sách đối ngoại của Chính quyền Donald Trump của Michael E. O’Hanlon David Gordon

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đang trở nên tốt một cách đáng ngạc nhiên. Những ý tưởng của ông về chính sách đối nội có vẻ như nằm ngoài xu hướng chung thì đội ngũ cố vấn an ninh, đối ngoại của ông đang thực hiện tốt hơn những gì người ta nghĩ.

Còn quá sớm để đánh giá Chính quyền Mỹ hiện nay nhưng dù vì lý do gì đi nữa thì ông đã lựa chọn một đội ngũ an ninh quốc gia tuyệt vời và điều này đã làm dịu những lo lắng trên toàn thế giới. Gần đây nhất là việc chọn Tướng H.R. McMaster, người được coi là một trong những nhà quân sự chiến lược xuất sắc nhất hiện nay của Mỹ, làm Cố vấn An ninh Quốc gia sẽ càng củng cố xu hướng này.

Về chính sách đối với Đông Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Tokyo và Seoul nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh vững mạnh, ủng hộ chính sách bền vững về bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật Bản trước bất cứ động thái quân sự nào từ Trung Quốc, lên tiếng một cách nhẹ nhàng về việc làm thế nào để đối phó với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và nói chuyện một cách thực tế về việc phối hợp giải quyết mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tổng thống Trump cũng không còn hứng thú với việc tuyên bố quá nhanh chóng rằng Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ và áp đặt hàng rào thuế quan đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc. Lập trường của ông còn rất cứng rắn về chính sách thương mại của Trung Quốc nhưng ông vẫn đang tránh những sự lựa chọn về chính sách có thể gây phản tác dụng. Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, chính ông Trump đã thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ vẫn cam kết với chính sách “Một Trung Quốc”.

Đối với Trung Đông, Tổng thống Trump cũng khẳng định các cam kết với các nước đồng minh, bao gồm Israel và các quốc gia Arập, đặc biệt liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran. Về châu Âu, Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đến thăm khu vực này. Mặc dù họ vẫn khiến các đồng minh đôi chút lo lắng khi Mỹ yêu cầu các nước đồng minh NATO gia tăng các khoản đóng góp và chia sẻ về trách nhiệm, nhưng họ đều khẳng định rõ ràng cam kết nhất quán của Mỹ đối với NATO.

Đề cập tới Nga, ông James Mattis khẳng định với những người đứng đầu quân đội NATO rằng sẽ không có hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga trong tương lai gần. Ông Trump vẫn hy vọng có thể quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng sẽ không có việc dỡ bỏ trừng phạt vô điều kiện. Chính sách đối ngoại của Mỹ phải thúc đẩy các giá trị cốt lõi của tự do, dân chủ và ổn định.

Trong khi Chính quyền của ông Trump vẫn còn đầy những hớ hênh thì chính sách an ninh quốc gia đã tốt hơn rất nhiều so với những gì người ta kỳ vọng vài tháng trước. Mặc dù vậy, ông Trump cần nhớ rằng hiện nay ông đang đứng ở một diễn đàn lớn nhất thế giới. Mọi lời nói và hành động của ông sẽ phải được suy nghĩ, bàn luận cẩn trọng.

Đông Nam Á trước những thách thức về tự do và an ninh hàng hải của Euan Graham

Sự gây hấn của Trung Quốc và việc họ ngăn chặn tàu, máy bay của Mỹ tiến hành hoạt động giám sát trong khu vực 200 hải lý vùng EEZ là điểm va chạm trong quan hệ Mỹ-Trung. Bắc Kinh không thừa nhận hoạt động giám sát như vậy là hợp pháp mặc dù UNCLOS cho phép. Gần đây hơn, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ hoạt động tự do hàng hàng hải (FONOP) do hải quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trung Quốc được cho là đang sửa đổi luật pháp theo đó ngăn cản các tàu chiến “không mời” đi vào vùng lãnh hải nước này. Phạm vi địa lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông rất nhập nhằng, mặc dù những tuyên bố chủ quyền này đã bị Tòa PCA ra phán quyết không công nhận vào tháng 7/2016. Hiện có nhiều quan ngại về việc Trung Quốc có thể tuyên bố ADIZ ở Biển Đông.

Mặc dù sự tập trung tiếp tục nhằm vào Trung Quốc là có thể hiểu được, song nó lại dẫn đến hệ quả là yêu cầu về chủ quyền và hạn chế di chuyển trên biển của các nước Đông Nam Á không được chú ý đúng mức. Do đó, trên thực tế, FONOP của Mỹ ở Biển Đông là thách thức đối với không chỉ Trung Quốc mà cả các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền. Ở Đông Nam Á chỉ có Singapore và Brunei, hai quốc gia nhỏ với tuyên bố chủ quyền lãnh hải hạn chế, có quan điểm về tự do hàng hải gần gũi với các nước phương Tây. Các nước còn lại có nhiều quan điểm khác nhau, kể cả những nước cùng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Lúc đầu, phản ứng của Indonesia với các FONOP gần đây của Mỹ là rất lạnh nhạt do lo ngại về các hoạt động quân sự nước ngoài trong quần đảo. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Widodo mới đây bày tỏ sẵn sàng thảo luận về tuần tra chung ở Biển Đông với Thủ tướng Úc Turnbull.

Indonesia được cho là lập kế hoạch cho ADIZ của mình vào năm ngoái. Trong khi đó, Philippines là nước duy nhất ở Đông Nam Á có ADIZ chính thức, song trong nhiều năm nước này bị thiếu máy bay để thực thi. Ngay cả khi Indonesia tuyên bố ADIZ thì khả năng kiểm soát vùng này cũng sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, hậu quả chính trị sẽ rất nghiêm trọng.

Malaysia hiện đang duy trì có trách nhiệm sự tự do đi lại quốc tế và an toàn ở eo biển Malacca. Tuy nhiên, có quan ngại rằng nước này có kế hoạch hạn chế bất hợp pháp di chuyển của tàu ngầm trong vùng EEZ của mình và hạn chế quân đội tiếp cận không phận xung quanh. Điều này gây quan ngại cho Singapore và các đối tác của Malaysia trong FPDA, kể cả Úc.

Như vậy, Mỹ và các đối tác sẽ vấp phải nhiều thách thức lớn nếu muốn giành được sự ủng hộ về một trật tự khu vực mà ở đó coi trọng việc quân đội nước ngoài đưa tàu và máy bay đi qua Đông Nam Á. Quan ngại không chỉ là sự tức giận của Trung Quốc làm gia tăng sự thận trọng ở Biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á còn sợ rằng Trung Quốc sẽ xâm lấn Biển Đông. Tuy nhiên, mong muốn hợp tác tự do hàng hải vẫn còn e dè bởi sự nghi ngờ của các láng giềng cũng như quan ngại bấy lâu nay về sự can dự của các cường quốc biển phương Tây./.