Động thái các quốc gia

+ Philippines:

Chuẩn Đô đốc Philippines cam kết duy trì hiện diện ở Biển Đông. Tân Tư lệnh lực lượng hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo hôm 2/2 tuyên bố, “Hải quân sẽ tiếp tục bảo vệ 9 thực thể Philippiens kiểm soát. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung và luân phiên nhân sự ở Biển Đông. Trong bất kể tình huống nào, hải quân luôn duy trì hiện diện ở Biển Đông.” Hiện tại, mỗi thực thể Philippines chiếm giữ có một nhóm nhỏ lính hải quân và thủy quân lục chiến đồn trú, được luân phiên 3 hoặc 6 tháng.

Ngoại trưởng Philippines quan ngại nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 6/2, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho hay hiệp định VFA với Mỹ đóng vài trò ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, hỗ trợ trong các thảm họa, giúp hiện đại hóa quân đội Philippines và chống khủng bố, tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ và các nước đồng minh, “việc tiếp tục thỏa thuận mang lại nhiều lợi ích cho Philippines thay vì chấm dứt.” Theo ông Locsin, “Việc chấm dứt VFA sẽ ảnh hưởng đến hơn 300 khóa huấn luyện chung và các hoạt động khác trong năm 2020 với quân đội Mỹ. Cơ quan quân sự và cơ quan thực thi pháp luật Philippines cần tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia." Ngoài ra, Mỹ viện trợ hơn 550 triệu USD để hỗ trợ an ninh cho Philippines từ năm 2016 đến 2019. Việc bỏ liên minh an ninh với Washington còn có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

+ Mỹ:

Mỹ quan ngại về tự do hàng hải ở Biển Đông. Phát biểu tại một phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ngày 30/1, Đại diện Phái đoàn thường trực Mỹ ở UN, Đại sứ Cherith Norman Chalet cho hay, “Tự do biển cả đang bị đe dọa nhiều nhất ở Biển Đông. Việc khẳng định các yêu sách biển bất hợp pháp và quá mức, bao gồm hăm dọa các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí đã có từ lâu, phương hại trật tự dựa trên luật lệ giúp duy trì sự thịnh vượng ở khu vực. Quan điểm của Mỹ ở Biển Đông và các nơi khác, đơn giản là: Quyền và lợi ích biển của các nước lớn hay nhỏ cần được tôn trọng. Mỹ kêu gọi các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, đưa ra yêu sách biển và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, như phản ánh trong Công ước, tôn trọng tự do lưu thông và hoạt động sử dụng biển hợp pháp. Chúng tôi ghi nhận các nỗ lực đàm phán hiện nay về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.”

Tổng thống Donald Trump khẳng định sức mạnh quân sự vượt trội Mỹ. Trong thông điệp liên bang đọc tại Quốc hội hôm 4/2, Tổng thống Trump tuyên bố, “Để bảo vệ sự tự do của người Mỹ, chúng ta đã đầu tư ngân sách kỷ lục 2,2 nghìn tỷ USD cho quân đội Mỹ. Chúng ta đã trang bị các khí tài tốt nhất như máy bay, tên lửa, đạn pháo, tàu chiến, và các trang bị quân sự khác. Chỉ một tuần trước, lần đầu tiên kể từ thời Tổng thống Truman, Quân đội Mỹ có một quân chủng hoàn toàn mới. Đó là Lực lượng Không gian.”

Hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông đạt kỷ lục năm 2019. Theo số liệu tờ SCMP có được từ Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, hải quân nước này thực hiện 9 hoạt động FONOP tại Biển Đông, con số kỷ lục kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông từ năm 2014. Số lượng FONOP của hải quân Mỹ vào năm 2018 là 5; năm 2017- năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump là 6, năm 2016 là 3, năm 2015 là 2. Hải quân Mỹ không tiến hành FONOP năm 2014. Nữ phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho hay, "Mỹ coi việc duy trì tự do hàng hải như một nguyên tắc. Các nhiệm vụ của hoạt động tự do hàng hải được thực hiện một cách hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản đóng 2 tàu tuần tra đa nhiệm cho Philippines. Bộ giao thông vận tải Philippines ngày 7/2 đã ký hợp động với Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản về việc đóng 2 tàu tuần tra đa nhiệm lớp Kunugami dài 94m. Hợp đồng trị giá 14,5 tỷ Yên (tương đương 132 triệu USD) là giai đoạn 2 của Dự án tăng cường năng lực an ninh biển (MSCIP) giữa Nhật Bản và Philippines. Cả hai tàu dự kiến sẽ trở thành tàu lớn nhất của Lực lượng tuần duyên Philippines. Trước đó vào năm 2016-2018, Lực lượng Tuần duyên Philippines đã nhận mười tàu tuần tra 44,5 mét thuộc loại Parola trong giai đoạn đầu của chương trình MSCIP.

Thực hiện: Đinh Anh