Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Không quân Trung Quốc hoàn tất diễn tập ở Tây Thái Bình Dương. Người phát ngôn quân đội Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho biết hôm 30/3, các máy bay của Lực lượng Không quân Trung Quốc đã bay qua eo biển Ba Sĩ, phía Nam Đài Loanquay lại căn cứ vào chiều cùng ngày, kết thúc thành công cuộc diễn tập với mục tiêu nâng cao tính cơ động và năng lực chiến đấu của lực lượng Không quân trên các vùng biển xa. Theo ông Thân, đây là sự kiện thường kỳ nằm trong kế hoạch huấn luyện thường niên, đồng thời khẳng định hoạt động này phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Trung Quốc phản ứng về khả năng Mỹ-Nhật mở rộng tuần tra trên biển. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/3, Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Liên minh Mỹ-Nhật là một thỏa thuận đặc biệt hình thành từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Liên minh này không nên vượt quá phạm vi mối quan hệ song phương và cũng không nên tổn hại đến an ninh lợi ích của các nước trong khu vực. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan có thể đóng góp tích cực, xây dựng vào việc duy trì hoà bình, sự ổn địnhphát triển của khu vực.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, “Việt Nam luôn trân trọng và khao khát hòa bình. Chính vì vậy, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực.”

+ Indonesia:

Indonesia tiến hành xác minh và đặt tên cho 3.000 hòn đảo. Theo người đứng đầu Cơ quan Thông tin Địa không gian của Indonesia, đến nay cơ quan này mới xác minh được 13.466 hòn đảo và với kế hoạch trên, các số liệu chính thức về đảo của Indonesia sẽ tăng lên khoảng 17.000 hòn đảo. Việc xác minh các hòn đảo gồm cập nhật các thông tin như bản đồ của các loài cá, san hô, quần thể sinh học động thực vật…giúp quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển. Là một phần trong kế hoạch phát triển 24 cảng lớn của quốc gia, Cơ quan Thông tin Địa không gian sẽ vẽ bản đồ các khu vực ven biển của Indonesia, dự kiến hoàn thành trong 7 tháng với chi phí cho mỗi vị trí là khoảng 153 triệu USD.

+ Nga:

Đại sứ Nga: ‘Biển Đông là vấn đề quan trọng với Nga’.Trả lời phỏng vấn giao lưu với độc giả VnExpress hôm 2/4, Tân đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov cho hay, “Tôi biết rằng vấn đề liên quan đến Biển Đông chiếm rất nhiều sự quan tâm của Việt Nam. Hãy tin tôi, đối với Nga đây cũng là một vấn đề quan trọng. Các bạn có nhớ giàn khoan 981 không? Trong thời gian đó Nga đã làm rất nhiều để làm giảm căng thẳng. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, chúng tôi cho rằng phải giải quyết tất cả những tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi không đứng về phía nào cả. Chúng tôi đứng về phía hòa bình.”

+ Mỹ:

Đô đốc Mỹ chỉ trích hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông. Phát biểu tại một hội nghị hải quân ở Úc ngày 31/3, Đô đốc Harry Harris Jr., Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho hay: “Điều đang gây lo ngại hiện nay là hoạt động cải tạo đất chưa từng có mà Bắc Kinh đang tiến hành. Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo bằng cách bơm cát lên các rạn san hô - trong đó có một số bị ngập nước - và đổ bê tông trên bề mặt để tạo ra vùng đất nhân tạo rộng hơn 4 km2. Hoạt động này đang gây nên những quan ngại thực sự về ý định của Trung Quốc.” Theo Đô đốc Harris, khu vực này có những đảo tự nhiên rất đẹp nhưng "Nhiều tháng qua, Trung Quốc đã sử dụng máy xúc, máy ủi để tạo ra một Vạn lý Trường thành bằng cát. Cách thức Trung Quốc hành xử là chỉ dấu quan trọng cho thấy khu vực sẽ tiến tới hợp tác hay đối đầu."

Mỹ thúc giục Nhật Bản mở rộng hoạt động tuần tra trên biển. Phát biểu trước báo giới hôm 31/3 trên soái hạm USS Blue Ridge neo đậu ở Yokohama - Nhật Bản, Tư lệnh Hạm đội 7 Đô đốc Robert Thomas cho hay: “Dự luật về phòng thủ tập thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hạm đội 7 và Hải quân Nhật Bản trong việc tập trận chung và tiến hành các hoạt động rộng khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhật Bản có năng lực và khả năng hoạt động trên vùng biển quốc tế và không phận quốc tế ở bất kỳ nơi đầu trên thế giới”. Theo Đô đốc Thomas, các nhiệm vụ tuần tra chung giữa Nhật và Mỹ có thể mở rộng từ Nhật Bản qua Biển Đông.

Quan hệ các nước

Ấn Độ và Nhật Bản cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng. Ngày 30/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đang ở thăm Nhật Bản đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản mong muốn xây dựng mối quan hệ bền chặt với Ấn Độ, trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Về phần mình, Bộ trưởng Parrikar bày tỏ mong muốn quan hệ đối tác giữa hai nước trong lĩnh vực thiết bị quốc phòng và công nghệ sẽ phát triển mạnh mẽ. Sau cuộc gặp Thủ tướng Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani. Hai bộ trưởng nhấn mạnh sự liên kết giữa khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Hai bên cam kết tiếp tục đàm phán về hợp đồng Tokyo cung cấp 12 thủy phi cơ US-2 và thành lập liên doanh sản xuất US-2 tại Ấn Độ, đồng thời tiếp tục xúc tiến các cuộc tập trận giữa Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ.

Việt Nam - Indonesia tăng cườngquan hệ hợp tác. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-3/4/2015. Trong cuộc hội đàm ngày 3/4, Phó Thủ tướngPhạm Bình Minh nhiệt liệt hoan nghênh bà Retno Marsudi lần đầu tiên sang thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia. Bà Retno Marsudi đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam khẳng định Chính phủ mới của Indonesia tiếp tục coi trọng phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế; kêu gọi tất cả các bên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng thêm tình hình; nhất trí cần sớm xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Việt Nam ủng hộ chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ. Ngày 3/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Kumar Doval đang có chuyến thăm và làm việc một số bộ, ngành của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là đặc biệt coi trọng, mong muốn cùng với Ấn Độ đưa quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Thủ tướng đề nghị Ấn Độ hỗ trợ và tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, kỹ thuật quân sựCố vấn An ninh Quốc gia Ajit Kumar Doval cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ đạo các Bộ trưởng rà soát và thúc đẩy mạnh mẽ để đưa quan hệ đối tác chiến lược song phương tiếp tục lên tầm cao mới. Về vấn đề Biển Đông, ông Ajit Kumar Doval khẳng định quan điểm của Ấn Độ rằng đảm bảo tự do hàng hải là đặc biệt quan trọng. Ấn Độ không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng. Tất cả các bất đồng, tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Phân tích và đánh giá

“Thời điểm để ASEAN thúc đẩy COC?” của Richard Heydarian

Thời gian gần đây, Biển Đông đã trở nên phức tạp hơn bởi chương trình cải tạo đảo của Trung Quốc, và ASEAN dường như cũng đã nhận ra tình hình đáng báo động này.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng (FMM) tại Kota Kinabalu, Malaysia hồi đầu năm, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố rằng các ngoại trưởng tại hội nghị lần này “cùng chia sẻ quan ngại do một số ngoại trưởng nêu ra về hoạt động cải tạo đảo tại Biển Đông.”

Trong những tuần sau đó, Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+), tại Kuala Lumpur, các lãnh đạo ASEAN đã hối thúc việc đưa vấn đề về DOC và Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) lên chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), sắp tới tổ chức vào tháng 11.

Với việc Singapore sắp đảm nhận vị trí là quốc gia điều phối cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc vào tháng 8, chúng ta có thể lạc quan một cách thận trọng rằng vấn đề COC sẽ được thúc đẩy một cách tích cực.

Các lãnh đạo Singapore ngày càng đề cập nhiều hơn về một cách giải quyết dựa trên luật pháp cho vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam gần đây nói rằng Singapore cam kết giải quyết những lo ngại về việc “tiến trình COC diễn ra quá chậm chạp nếu so sánh với hoạt động cải tạo đảo đang được tiến hành”, và rằng Singapore chia sẻ “mục tiêu chung đó là cố gắng hết sức có thể để đạt được một văn bản COC phù hợp”.

Có thể thấy, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng các quốc gia chủ chốt của ASEAN đã không còn làm ngơ trước những gì mà Trung Quốc đang làm tại Biển Đông.

Đây là thời điểm để ASEAN tăng cường các nỗ lực nhằm thực thi DOC và đàm phán về những nguyên tắc cuối cùng của COC tại khu vực. Nếu không, những bên có yêu sách và đang sống trong tâm trạng thấp thỏm ví dụ như Philippines sẽ buộc phải tìm đến những chiến lược khác nhằm đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc.

“Giải mã ‘lời khuyên’ của Kissinger dành cho vấn đề Biển Đông” của Subhash Kapila

Phát biểu tại Singapore ngày 28/3/2015 khi tới dự lễ tang cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông Kissinger đã đề cập đến quan hệ mâu thuẫn của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đặc biệt với Việt Nam và Philippines rằng “Đặng Tiểu Bình trước đây đã giải quyết một số vấn đề dựa trên phương châm rằng không nhất thiết phải xử lý mọi điều trong thế hệ hiện tại. Có lẽ hãy chờ thế hệ sau, nhưng đừng làm cho vấn đề tồi tệ hơn”.

Nhìn qua, lời khuyên này có vẻ như vô hại, song khi nghe thêm ý kiến của ông nói rằng Trung Quốc và Mỹ nên gạt bỏ “sự cấp thiết của các cuộc thương thảo” thì lời khuyên này lại tiềm ẩn những ý đồ chiến lược. “Sự cấp thiết của các cuộc thương thảo” về tranh chấp Biển Đông và quan ngại của quốc tế bắt nguồn từ chính các hành động theo thang xung đột và “chính sách bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc. Chính những hành động gây bất ổn của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược quan trọng này đã khiến Mỹ triển khai chính sách “xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương”.

Việc Kissinger kêu gọi Trung Quốc và Mỹ “tháo ngòi nổ tranh luận” cũng là lời cảnh báo rằng Trung Quốc - người bạn tốt của ông - có thể đang đi vào một bãi mìn chiến lược trong tranh chấp Biển Đông với ngòi nổ đang ở không xa khi mà Mỹ có thể sẽ có hành động can thiệp ở một mức độ nào đó để đáp lại hành động leo thang xung đột không kiềm chế của Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy một mâu thuẫn khác nữa trong tuyên bố của Kissinger về Biển Đông khi chúng ta đọc những nhận xét trong cuốn sách mới nhất của ông về “Sức mạnh thế giới” (World Power), trong đó coi tranh chấp Biển Đông như sự “kình địch quốc gia”. Qua đây cũng có thể đoán được rằng Kissinger đang gợi ý Mỹ không dính líu vào bất kỳ sự leo thang nào trong tranh chấp Biển Đông và hãy để Trung Quốc giải quyết sự “kình địch quốc gia” với các nước láng giềng.

Kissinger là một người thực hiện chính sách thực dụng về “cân bằng quyền lực” trong suốt cuộc đời, chắc chắn ông cũng thấy được những gì Trung Quốc đang theo đuổi tại Biển Đông thông qua hành động leo thang xung đột và “hình thành các đảo nhân tạo” là nhằm độc chiếm hoàn toàn Biển Đông. Ngoài ra, khi Kissinger gợi ý rằng Trung Quốc hãy để tranh chấp Biển Đông cho các thế hệ tương lai giải quyết, phải chăng đó là nhằm tạo thêm thời gian cho Bắc Kinh hoàn thành chiến lược làm chủ Biển Đông?

Tóm lại, hành động leo thang xung đột và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc tại Biển Đông cần được quốc tế can dự nhằm bảo đảm an ninh và ổn định. Đây là sự “kình địch toàn cầu” chứ không phải là “kình địch quốc gia” của Việt Nam và Philippines với Trung Quốc.

“Mỹ chỉ trích Trung Quốc xây dựng ‘Vạn lý Trường thành cát trên Biển Đông” của Natalie Sambhi David Lang

Yêu sách biển của Trung Quốc là chủ đề nổi bật trong bài phát biểu của Đô đốc Hải quân Harry B. Harris, Chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong chuyến thăm Úc vừa qua. Trong bài phát biểu của mình, ông Harris đã chỉ trích việc cải tạo đảo trên diện rộng của Trung Quốc ở Trường Sa, đồng thời lên tiếng cảnh báo những ý đồ của Trung Quốc trong hoạt động này. Ngoài vấn đề Biển Đông, ông Harris còn gửi thông điệp về tầm quan trọng của chiến lược tái cân bằng, và cần phải có “sức mạnh tổng hợp” giữa quân đội Úc và Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ.

Ông Harris đã sử dụng những ngôn từ rất mạnh mẽ trong bài phát biểu của mình tại Úc; những bình luận của ông về Trung Quốc chắc chắn là một trong những phát ngôn thẳng thắn nhất của một quan chức cấp cao Mỹ. Vị Đô đốc đã đưa ra những đánh giá rõ ràng về các thách thức chiến lược tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và ông không né tránh việc đưa ra những nghi ngại về hành vi quyết đoán của Trung Quốc và sự cần thiết phải giải quyết vấn đề với ưu tiên là sự tham gia của Úc.

Bài phát biểu của Đô đốc Harry B.Haris sẽ được chào đón cả ở Úc và phần lớn các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Úc ủng hộ việc duy trì vai trò quan trọng của Mỹ ở khu vực thông qua hợp tác sâu rộng với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Điều này phần nào thể hiện mong muốn của Úc đó là tiếp tục đóng góp một cách tích cực trong việc duy trì trật tự ổn định tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và hệ thống chính trị quốc tế. Việc Úc tăng cường quan hệ với các đối tác của Mỹ tại khu vực cũng cho thấy nước này hiểu được rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ về mặt triển khai thực tế thì đang được diễn ra, nhưng chiến lược này lại chưa có được sự hậu thuẫn chính trị đủ lớn. Úc cần thực hiện nhiệm vụ của mình và yêu cầu của ông Harris rằng Úc không nên chỉ đóng “vai trò lớn trong các vấn đề an ninh toàn cầu”, thay vào đó, họ cần phải đóng “vai trò lãnh đạo” sẽ làm tăng thêm quyết tâm cho Canberra.

Những đánh giá thẳng thắn của ông Harris về chiến lược của Trung Quốc sẽ được khu vực chào đón. Với các hành vi quyết đoán, có tính cưỡng ép đã xảy ra và ngày càng rõ ràng hơn của Trung Quốc, các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đang có những nghi ngại ngày một lớn về quyết tâm của Mỹ tại khu vực. Phát biểu của Đô đốc Harris nhằm bảo đảm với các quốc gia ở khu vực rằng Mỹ vẫn cam kết mạnh mẽ tại đây.

Năm ngoái, tại Úc ông Haris đã nói về việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông. Năm nay, ông tập trung vào các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, sợi dây xuyên suốt trong cả 2 bài phát biểu của ông Harris đó lại là liên minh Mỹ - Úc, và vai trò của liên minh này như một nhân tố ngày càng liên quan và có vai trò quan trọng chưa từng đối với hòa bình và ổn định tại Châu Á - Thái Bình Dương.

“Tập Cận Bình sẽ làm gì tại Biển Đông? của Patrick M. Cronin

Mới đây, tổ chức New America Foundation đã phỏng vấn một số chuyên gia về tình huống giả định “Nếu bạn là Tập Cận Bình, chiến lược của bạn tại Biển Đông sẽ là gì?” Dưới đây là phần trả lời của ông Patrick M. Cronin, Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS).

Nếu tôi là Tập Cận Bình, tôi sẽ tìm cách để khu vực phải hiểu rằng chúng tôi sẽ làm như những gì mà mình nói khi tuyên bố Biển Đông là một phần lãnh thổ lịch sử, không thể tranh cãi của Trung Quốc. Tôi sẽ sử dụng mọi công cụ quyền lực nhằm biến yêu sách đường chín đoạn trở thành thực tế. Tôi sẽ đẩy nhanh kế hoạch cải tạo các đảo, đá tại Biển Đông trước khi tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện mà Philippines đã khởi xướng. Tôi muốn xây dựng các đảo nhân tạo như là bàn đạp để triển khai sức mạnh nhằm vô hiệu hóa sự can thiệp của Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tại Đài Loan.

Nếu tôi là Tập Cận Bình, tôi sẽ tìm cách khai thác bất đồng giữa một số nước láng giềng với Mỹ. Tôi sẽ tập trung vào một số điểm yếu của Mỹ như họ không thể toàn tâm toàn ý cho khu vực, họ luôn lo ngại rủi ro, và không có sự thống nhất về các mục tiêu an ninh quốc tế. Tôi cũng sẽ tập trung vào điểm yếu của ASEAN, mua chuộc những nước ngả theo các mục tiêu của tôi và gây sức ép lên những nước chống đối. Tôi sẽ đề xuất các cuộc đối thoại dai dẳng nhằm giúp tôi có thể điều tiết nhịp độ của các sự kiện. Và tôi cũng sẽ cho các quốc gia Đông Nam Á thấy rằng hòa bình và ổn định chỉ có thể tới nếu họ nhận ra trật tự là do các cường quốc, và những quốc gia tiệm cận vị trí này, quyết định.

Nếu tôi là Tập Cận Bình, tôi sẽ khai thác tất cả các cơ hội tới từ sơ xuất của các quốc gia láng giềng. Động thái chiếm Bãi cạn Scarborough vào năm 2012 của tôi là hành động khôn khéo áp dụng biện pháp cưỡng chế mở rộng với Philippines. Tôi sẽ cẩn trọng che giấu ý đồ thật sự của mình trong vấn đề Biển Đông. Tôi sẽ hành động đủ để khu vực tiếp tục bị chia rẽ, nhưng sẽ không đến mức buộc khu vực phải xây dựng một liên minh chống Trung Quốc. Tôi sẽ chứng minh cho tính khả thi của giấc mộng Trung Hoa bằng việc đưa ra một số tài sản công ưu đãi như khoản vốn dành đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng sẽ không đi quá xa để tránh việc phải để lộ các điểm yếu. Với tôi, sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông là điều bắt buộc phải xảy ra, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc là bên đuối thế hơn.

“Mỹ cần làm gì để duy trì ổn định tại Châu Á - Thái Bình Dương?”

Gần đây, Quỹ Carnegie Endowment đã cho ra báo cáo với nhan đề “Xung đột và Hợp tác tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Đánh giá chiến lược” trong đó đưa ra một số khuyến nghị dành cho Mỹ, cụ thể:

Xác định lợi ích của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ nên xác định rõ các lợi ích chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Tiến hành một cuộc đối thoại chiến lược chưa từng có trước đây giữa Mỹ - Trung. Một chương trình đối thoại của kênh 2 được duy trì một cách đều đặn, được chính phủ hỗ trợ một cách không chính thức có thể sẽ trở thành một chương trình đối thoại của kênh 1.5 về các vấn đề ngoại giao và quân sự.

Tiến hành một loạt các hành động trấn an chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Một bộ các hành động chung, có tính tương hỗ có thể được xem như là các sáng kiến ngắn hạn tới trung hạn nhằm tạo ra phép trấn an chiến lược hiệu quả hơn giữa Washington và Bắc Kinh.

Làm rõ và củng cố lập trường của Mỹ trong tranh chấp biển. Tại Biển Đông, Mỹ có thể khuyến khích tất cả các bên hạ thấp giá trị ước tính của các đảo tranh chấp bằng cách phân định các khu vực đánh cá chung, các khu vực giàu hydrocarbon, giàu khoáng sản dưới đáy biển và các khu vực bảo tồn thiên nhiên. Mỹ cũng nên khuyến khích các bên tranh chấp tăng cường năng lực quản lý khủng hoảng.

Điều phối một lực lượng nhằm bảo vệ các tuyến đường thông thương trên biển (SLOC). Washington nên xây dựng kế hoạch trong dài hạn nhằm thiết lập một lực lượng chung trên biển bao gồm Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác nhằm bảo vệ các tuyến SLOC.

Hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ chế quản lý khủng hoảng. Những cơ chế này có thể giúp ngăn ngừa và quản lý các cuộc khủng hoảng quân sự chính trị trong tương lai liên quan đến tranh chấp biển và các vấn đề đang gây tranh cãi khác.

Thiết lập một diễn đàn thảo luận về các vấn đề an ninh năng lượng. Một diễn đàn như vậy có thể là một kênh quan trọng nhằm giải quyết căng thẳng về quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên năng lượng và các tuyến giao thông trong khu vực.

Tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước thành viên. Mỹ nên thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ - ASEAN và cải thiện thể chế ASEAN bằng việc ủng hộ vai trò của ASEAN như là một cơ chế theo hướng hành động có khả năng giải quyết các vấn đề khu vực./.