Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Tàu sân bay Trung Quốc tự đóng có thể hạ thủy trong năm 2017. Theo những bức ảnh gần đây, tháp chỉ huy trên tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng sắp hoàn thành. Các bức ảnh cũng cho thấy giàn giáo xung quanh thân của con tàu đã được dỡ xuống. Vẻ ngoài của chiến hạm này gần giống với tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh được đưa vào sử dụng năm 2012. Các chuyên gia quân sự dự báo con tàu có thể được hạ thủy vào đầu năm 2017.

Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu du lịch ra Biển Đông. Chiếc tàu du lịch mới tên gọi Nanhai Zhi Meng thuộc Công Ty Lữ Hành Nam Hải có thể chở đến 900 hành khách. Sau 3 lần chạy thử, con tàu này sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 12/2016. Chuyến đi từ đảo Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kéo dài 4 ngày. Theo Tân Hoa Xã, số vé đã bán sạch ngay từ cuối tháng 11/2016. Bắc Kinh dự kiến tổ chức từ 4-6 chuyến thăm quan mỗi tháng.

Trung Quốc triển khai oanh tạc cơ hạt nhân tuần tra Biển Đông. Hai quan chức của Mỹ cho biết Trung Quốc hôm 8/12 điều máy bay ném bom hạt nhân H-6 thực hiện tuần tra dọc theo đường 9 đoạn trên Biển Đông. Đây là cuộc tuần tra tầm xa ngoài lãnh thổ đầu tiên của Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12. Các quan chức Mỹ cho biết máy bay ném bom Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến bay trên Biển Đông, nhưng chưa lần nào bay xa như lần này.

+ Việt Nam:

Việt Nam kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp biển. Phát biểu tại phiên toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 71 về đề mục số 73 trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng, chủ đề “Đại dương và Luật Biển," Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày 7/12 khẳng định UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định tất cả các hoạt động liên quan đến đại dương và biển, đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không trên biển và là khuôn khổ toàn diện và hiệu quả để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tất cả các quốc gia đều phải có thiện chí và trách nhiệm thực hiện các quy định của Công ước.

+ Philippines:

Philippines sẽ không giúp Mỹ tuần tra Biển Đông. Phát biểu với các phóng viên hôm 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay các tàu và máy bay Mỹ có thể sử dụng căn cứ ở đảo Guam, Okinawa hay cất cánh từ các tàu sân bay để tuần tra Biển Đông, thay vì từ Philippines. Theo ông Lorenzana, Tổng thống Duterte sẽ không tiếp tục tiếp nhận các tàu và máy bay Mỹ như trước đây để tránh các hành động khiêu khích có thể làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, "Chúng tôi sẽ tránh điều đó trong thời điểm này. Dù sao, máy bay Mỹ cũng có thể bay đến Biển Đông từ các căn cứ khác".

+ Indonesia:

Indonesia trao trả 57 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Ngày 6/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phối hợp với các cơ quan chức năng của nước này tổ chức đưa 57 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ thời gian qua được trở về nước qua đường hàng không. Dự kiến, trong tháng 12 sẽ có thêm 150 ngư dân được đưa về nước. Năm 2016, tình trạng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tăng mạnh so với những năm trước. Tính đến nay đã có 105 tàu bị bắt giữ với gần 1.200 ngư dân, trong khi trong năm 2015 có hơn 750 ngư dân bị bắt giữ.

Tổng thống Indonesia không muốn cạnh tranh nước lớn ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của PTI hôm 10/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay, “Chúng tôi không muốn khu vực này trở thành đấu trường giữa các nước lớn. Ảnh hưởng kinh tế là quá lớn nếu xảy ra xung đột ở khu vực. Các tranh chấp cần phải được giải quyết hòa bình, thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý.” Tổng thống Widodo nhấn mạnh Indonesia không phải bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng sẽ tích cực ngăn chặn các tranh chấp trở thành xung đột và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho Bộ Quy tắc ứng ở Biển Đông.

+ Malaysia:

Hải quân Malaysia bắt một tàu cá cùng 12 ngư dân Việt Nam. Trong thông báo ngày 10/12, Hải quân Malaysia khu vực 1 (Mawilla 1) xác nhận thuyền đánh cá nói trên cùng 12 ngư dân bị bắt giữ sáng 8/12 trên vùng biển bang Terengganu. Qua kiểm tra cho thấy không ai trong số các thuyền viên có giấy tờ tùy thân có giá trị hoặc có giấy phép đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế nói trên. Thuyền cá Việt Nam đã được lai dắt về Pulau Perhentian, sau đó được bàn giao cho Cơ quan thực thi luật biển Malaysia (MMEA).

+ Mỹ:

Thượng nghị sỹ Mỹ đề xuất dự luật áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Mỹ Marco Rubio hôm 6/12 đề xuất lên Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện dự luật có tên "Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông 2016”. Dự luật nêu rõ: "Trung Quốc không được phép tiếp tục theo đuổi những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp và quân sự hóa khu vực quan trọng đối với an ninh toàn cầu." Ông Rubio đề xuất các biện pháp trừng phạt như đóng băng tài sản, cấm đi lại, và hạn chế visa đối với "bất cứ cá nhân Trung Quốc nào" liên quan đến việc xây dựng hay phát triển các dự án ở những khu vực tranh chấp hoặc những người có liên quan đến các hành động hay chính sách đe dọa sự ổn định của khu vực đó.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở New Delhi hôm 9/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam ủng hộ và khuyến khích các công ty dầu khí của Ấn Độ tham gia vào lô dầu khí mở tại thềm lục địa của Việt Nam; đề nghị các đối tác Ấn Độ nghiên cứu những cơ hội hợp tác khác là thế mạnh của Petrovietnam. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Narendra Modi tái khẳng định Ấn Độ ủng hộ việc đàm phán và giải quyết những vấn đề tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Quan hệ các nước

Tàu hải quân Philippines thăm cảng Cam Ranh. Sáng 5/12, tàu PF-16 BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines đã cập Cảng Quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 5 đến 8/12. Trong thời gian thăm Việt Nam các sỹ quan và thủy thủ đoàn sẽ đến chào xã giao Tư lệnh Vùng 4 Hải quân; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và giao lưu với Hải quân Việt Nam.

Nhật - Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter đã tiến hành hội đàm tại Tokyo hôm 7/12 trong bối cảnh tồn tại những mối đe dọa về hạt nhân của Triều Tiên cũng như diễn biến phức tạp trên biển. Phát biểu sau cuộc gặp, Bộ trưởng Carter tuyên bố: “Hiện tại, quan hệ đồng minh hai bên, vốn được coi là hòn đá tảng cho ổn định khu vực, ngày càng bền chặt và đủ khả năng duy trì môi trường an ninh trong khu vực và bên ngoài.”

Ấn Độ - Indonesia kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Trong chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Ấn Độ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 11/12. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho hay, "Là những đối tác chiến lược và láng giềng trên biển, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng cam kết tôn trọng tự do hàng hải và hàng không; thúc giục các bên giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.” Ngoài ra, Tổng thống Widodo và Thủ tướng Modi cũng nhất trí đẩy mạnh đối thoại an ninh và tăng cường tổ chức các cuộc tập trận chung.

Phân tích và đánh giá

Ngẫm lại quan hệ đồng minh khi Philippines chuẩn bị đối phó với Trump của Geoffrey Hartman

Sau hàng tháng trời Tổng thống Philippines đe doạ và tuyên bố chống Mỹ nhằm đẩy quan hệ đồng minh đi xuống, hợp tác song phương vẫn còn rất mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên. Những hiệp ước quan trọng và các quan hệ đồng minh vẫn còn hiệu lực sẽ được tái khởi động dưới chính quyền Trump sắp tới, nhưng vẫn có những lý do để nghi ngờ về việc liệu rằng mối quan hệ này lại có thể đạt được điểm “cực trị trên” nếu coi mối quan hệ này là một đồ thị hàm số.

Sự xuống cấp trong quan hệ quốc phòng bị kiềm chế khi so sánh với những đe doạ “tách” khỏi quan hệ đồng minh với Mỹ, dừng tập trận chung, và trục xuất quân đội Mỹ tại Philippines.

Tuy nhiên, việc duy trì cuộc tập trận Balikatan, thậm chí vẫn ở mức như trước đây, sẽ cho phép sự liên hệ và hợp tác tiếp tục diễn ra giữa Mỹ, Philippines và các đối tác đa phương như quân đội Úc. Các Hiệp định quan trọng về quốc phòng song phương vẫn còn hiệu lực. Việc triển luân phiên lực lượng Mỹ ở Philippines, chẳng hạn như các chiến dịch hỗ trợ chống khủng bố ở Nam Philippines, có vẻ không bị ảnh hưởng.

Sự vồn vã của Duterte đối với Trung Quốc không hẳn là cú giáng mạnh vào chiến lược của Mỹ tại châu Á. Quan hệ Mỹ-Philippines đủ mạnh để trải qua những gián đoạn ngắn hạn nhất định khi Duterte nỗ lực xây dựng một chính sách đối ngoại độc lập hơn.

Nếu Duterte chỉ trích Mỹ để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nước này sẽ phải nỗ lực hàn gắn những tổn thương này sau khi chính quyền Trump lên nắm quyền. Duterte đã ca ngợi Trump sau cuộc bầu cử Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay còn cho rằng Duterte và Trump có cá tính tương hợp khi hợp tác với nhau.

Duterte có thể sẽ rất khó rút lại những tuyên bố chống Mỹ hùng hồn, điều làm nên dấu ấn của chính quyền Duterte. Ít nhất Duterte rất có thể sẽ tiếp tục công kích những lời chỉ trích từ phía Mỹ đối với cuộc chiến chống ma tuý và những vụ giết hại không qua xét xử của ông. Và Trump có thể sẽ đáp trả lại bất kỳ lời thoá mạ nào của Duterte. Cá tính tương hợp có thể không trở thành công thức kiến tạo hoà hợp trong quan hệ Mỹ-Philippines này.

Sự chỉ trích của Mỹ đối với Duterte và cuộc chiến chống ma tuý sẽ tiếp diễn, ngay cả khi Duterte và Trump nỗ lực hoà hợp với nhau. Duterte có thể tin rằng, lễ nhậm chức của Trump, người “không thèm bận tâm đến nhân quyền” sẽ không coi việc giết hại không qua xét xử là điểm bất đồng trong quan hệ song phương.

Trách nhiệm vẫn thuộc về Duterte trong việc cân đối cách hành xử và các chính sách nhằm vãn hồi mối quan hệ tốt đẹp. Vẫn còn quá sớm để dự đoán chính sách đối ngoại của Trump sẽ như thế nào nhưng có vẻ sự nghi hoặc của tổng thống Mỹ đắc cử về các quan hệ đồng minh sẽ không giống như những lời tuyên bố lúc tranh cử.

Trong khi những quan ngại về tương lai quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines vẫn được đảm bảo, cũng không cần thiết phải bi quan quá sớm. Dưới thời Duterte, mối quan hệ này đã xoay chuyển một cách đáng ngạc nhiên. Có lẽ, quan hệ dưới thời Trumpm, các mối quan hệ cũng sẽ diễn ra tương tự.

Hé lộ chính sách đối ngoại đối với châu Á của chính quyền Donald Trump của Michael Green

Cuộc điện đàm kéo dài 10 phút giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12 vừa qua không tạo ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng nó thể hiện cách tiếp cận về chính sách đối ngoại của chính quyền mới.

Điều đầu tiên có thể nhận thấy là ông Trump không hề “bất cẩn”. Vậy cuộc điện đàm của ông Trump vừa qua có dẫn tới một thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á? Các chuyên gia cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh bởi kể từ khi Mỹ công nhận chính sách “Một nước Trung Quốc” chưa có một cuộc điện đàm nào giữa tổng thống Mỹ và người đứng đầu Đài Loan được thực hiện.

Chính quyền Donald Trump sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với Bắc Kinh. Lịch sử cho thấy Mỹ cần có một chiến lược tổng thể về châu Á trước khi đối đầu với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là qua cuộc điện đàm này, dư luận có thể biết những gì?

Thứ nhất, đây là dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump ít bị ảnh hưởng từ quá khứ và từ những điều kiêng kỵ trong việc định hình chính sách đối ngoại so với những người tiền nhiệm trong hai thế hệ qua. Chính quyền Donald Trump sẽ mang tới nhiều điều ngạc nhiên và không theo thông lệ. Bản thân ông Trump đã không nói đùa trong chiến dịch tranh cử khi chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ là “lệ thuộc một cách ngu ngốc vào lối suy nghĩ theo thông lệ”.

Thứ hai, cuộc điện đàm trên cho thấy ông Donald Trump không chờ đến ngày 20/1/2017 để người tiền nhiệm Barack Obama “bàn giao” quyền quyết định về chính sách đối ngoại. Đến lúc này, ông Trump khá thành công trong cô lập và giảm dần quyền lực của ông Obama. Cuộc điện đàm trên là một trong những dấu hiệu cho thấy ông Trump có ý định điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ theo cách hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm.

Thứ ba, về chính sách châu Á, cuộc điện đàm là dấu hiệu rõ ràng về việc ông Trump đang dự định làm 2 việc đồng thời: đánh gục kỷ nguyên “xoay trục sang châu Á” của ông Obama và đánh giá về sự hiện diện Mỹ đối với châu Á. Sự xoay trục của Obama là một thỏa thuận thương mại không có sự tham gia của Trung Quốc, nhấn mạnh nhân quyền để cô lập Trung Quốc về chính trị và sự hiện diện quân sự ở mức hết sức thận trọng để tránh kích động Trung Quốc.

Cần nhớ rằng chính Trung Quốc đã viết lại luật chơi ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền chống lại các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, Trung Quốc đang thất bại trong việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Và cuối cùng, quốc gia đang thách thức tính nguyên trạng ở châu Á (cũng) không phải là Mỹ.

Cuộc điện đàm là điều làm xấu mặt lãnh đạo Trung Quốc, khiến họ trông “yếu đuối và vô tích sự” đồng thời khiến họ phải chịu những áp lực chính trị. Nếu Trung Quốc muốn dừng những cuộc điện đàm kiểu này thì bản thân Bắc Kinh cũng phải dừng các hoạt động khiêu khích. Đây có thể là thông điệp mà ông Trump và các cố vấn muốn gửi tới Bắc Kinh. 

Vành Khăn: Hoạt động FONOP đầu tiên của Tổng thống Trump?của Bonnie Galser, Peter Dutton, Zack Cooper.

Áp lực sẽ sớm đặt lên chính quyền mới của Mỹ trong việc đưa ra giải pháp ủng hộ các quy tắc và thông lệ quốc tế tại Biển Đông. Các chuyên gia sẽ đánh giá về chính quyền mới dựa trên hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên của họ tại châu Á. Trung Quốc cũng đang nóng lòng thử phản ứng của chính quyền mới của Mỹ như họ đã làm năm 2001 và 2009.

Trong các ngày 27/10/2015, 30/01/2016 và 10/5/2016, Mỹ đã thực hiện hoạt động FONOP để thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu khu trục USS Decatur đã đi xuyên qua đường cơ sở thẳng phi pháp của Trung Quốc và tiến hành các hoạt động diễn tập. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross cho biết “tàu Hải quân Mỹ đã thách thức các đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc vào năm 1997, 2011, 2013, 2014 và 2015. Mặc dù sự việc năm 1997 không được đưa vào báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng chúng tôi khẳng định việc đó đã xảy ra”.

Một nguồn tin thuộc Chính phủ Mỹ nói với hãng Reuters hồi tháng 11/2015 rằng các hoạt động FONOP của Mỹ sẽ được tổ chức hai lần một quý hoặc nhiều hơn. Theo các nguồn tin công khai, tần suất FONOP không được như thế, các hoạt động FONOP cách nhau trung bình 120 ngày. Vì thế, nhiều khả năng hoạt động tiếp theo sẽ diễn ra sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, tức là chỉ 95 ngày kể từ ngày 21/10/2016.

Nếu chính quyền Trump tiến hành tuần tự từ Hoàng Sa tới Trường Sa thì có thể điểm đến tiếp theo là Trường Sa, trong đó địa điểm có quan hệ trực tiếp với phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài là đá Vành Khăn. Nếu Mỹ không công nhận bất cứ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh đá Vành Khăn thì tàu Hải quân Mỹ có thể đi lại trong phạm vi 12 hải lý của thực thể này.

Chính quyền mới của Mỹ vẫn có cơ hội để suy nghĩ lại xem có tiếp tục sử dụng tự do hàng hải như là nền tảng cho các hoạt động hàng hải ở bên trong và xung quanh Trường Sa hay không. Tự do hàng hải thách thức một tuyên bố cụ thể của một quốc gia. Tuy nhiên, không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, đưa ra tuyên bố yêu sách chủ quyền trên biển rõ ràng đối với vùng biển xung quanh Trường Sa.

Trường hợp Chính quyền Trump lựa chọn giải pháp “tiếp tục” thì họ cũng cần phải xem xét những nguy cơ có thể xảy ra. Bắc Kinh có thể sẽ cố gắng ngăn chặn bằng việc triển khai các máy bay chiến đấu hoặc các hệ thống vũ khí tại Hoàng Sa. Một tình huống khác là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phản ứng lại bằng cách hủy bỏ việc phối hợp với quân đội Mỹ.

Tuy đã quá muộn để làm những việc đó, song những hoạt động này là cần thiết để khẳng định quyền lợi về hàng hải đối với tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế.

Sự mập mờ của Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài” của Julian Ku và Christopher Mirasola

Sự mập mờ trong phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa Trọng tài khiến người ta khó có thể khẳng định rằng liệu nước này có thực sự “không công nhận, không thừa nhận” phán quyết như những gì họ vẫn tuyên bố hay không. Điều này dựa trên ba khía cạnh:

1. Những tuyên bố không rõ ràng về quyền lịch sử ở Biển Đông

Tòa khẳng định quyền lịch sử duy nhất mà Trung Quốc có là quyền đánh bắt cá truyền thống trong lãnh hải của Philippines. Đáp trả phán quyết này, Trung Quốc khăng khăng nước này có “quyền lịch sử” song chưa bao giờ nói họ có chấp nhận phán quyết của Tòa về quyền lịch sử này hay không.

Học giả Luo Xi thấy rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc hiện đại “đang đề cao tinh thần dân tộc hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây”. Tuy nhiên, làn sóng dân tộc chủ nghĩa lan rộng có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phải chỉ trích “chủ nghĩa yêu nước mù quáng” như vậy.

Sự thiếu rõ ràng trong việc khẳng định cụ thể các lợi ích quốc gia của Trung Quốc khiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ rất khó để tái khẳng định các quyền lịch sử trong “Đường 9 đoạn” trong bối cảnh Tòa Trọng tài chỉ công nhận quyền đánh bắt cá từ xa xưa của quốc gia này.

2. Không có tuyên bố mô tả đặc điểm các thực thể trên biển

Phần lớn phán quyết của Tòa Trọng tài tập trung vào việc xác định tình trạng pháp lý của các thực thể tranh chấp trên Biển Đông. Với phán quyết này, Trung Quốc đang đối mặt với 2 vấn đề.

Trước hết, Trung Quốc phải xác định xem có chấp nhận các số liệu mà Tòa sử dụng để mô tả các thực thể tranh chấp hay không. Thứ hai, Trung Quốc chưa nói rõ xem liệu họ có đồng tình tiêu chí xác định đâu là đảo trong UNCLOS. Phán quyết của Tòa Trọng tài là văn bản pháp lý đầu tiên diễn giải cụ thể các tiêu chí này, song được cho là vẫn rất hạn hẹp và mơ hồ. Đây cũng chính là lý do vì sao cho tới nay vẫn chưa có bên nào đưa ra phân tích cụ thể về vấn đề này.

3. Không có bằng chứng khẳng định Trung Quốc “bật đèn xanh” cho các hoạt động bất hợp pháp

Phán quyết của Tòa Trọng tài cáo buộc nhiều tàu Trung Quốc có các hành động ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt cá trong EEZ của Philippines và cản trở hoạt động của tàu Philippines. Dù chưa có bất kỳ thông tin hay bằng chứng nào từ sau khi phán quyết được công bố cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động này song nhiều người cho rằng đó là khả năng không nên loại trừ.

Các cuộc đàm phán liên quan đến những vấn đề này có thể đạt tiến triển vì Trung Quốc có thể linh hoạt hơn trong vấn đề này, và do đó, có thể nhượng bộ một số điểm nhất định trên bàn đàm phán. Không hẳn là những gì được nêu lên trong phán quyết sẽ không có tác động tới Trung Quốc và cả các nước liên quan. Giới hoạch định chính sách cần lưu tâm để đánh giá xem liệu phán quyết của Tòa sẽ được sử dụng làm cơ sở trong các cuộc đàm phán trong tương lai như thế nào.

Ba trường phái đánh giá tương lai quan hệ Mỹ-Trung” của Kevin Rudd

Bắc Kinh đã chuẩn bị rất kỹ càng để đối phó với một tổng thống Hillary Clinton, nhưng cũng giống như nhiều người, cơ sở thể theo đuổi chính sách đối ngoại của Trung Quốc bị mất phương hướng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Điều này đã tạo ra sự bất an tại Bắc Kinh.

Nhìn chung, có 3 “trường phái” trong giới chính trị gia Trung Quốc đối với Trump: thực dụng và mang màu sắc hệ tư tưởng.

Trường phái thứ nhất có thể gọi đơn giản đó là trường phái “bất ổn định”. Trung Quốc có cách tiếp cận cực kỳ bảo thủ đối với chính sách quốc tế. Họ không thích tính không tiên lượng trước được. Tuy nhiên, đối với trường hợp của ông Trump, những người này buộc phải chấp nhận thực tế “bất tiên lượng”.

Trường phái lạc quan cho rằng: những rối ren, lộn xộn trong cuộc bầu cử Mỹ là một bằng chứng cho thấy sự bế tắc của người dân Mỹ đối với nền dân chủ tự do phương Tây. Theo quan điểm của những người theo trường phái này, họ thấy Trump là một lãnh đạo mà họ có khả năng thương thuyết trên lĩnh vực an ninh quốc gia hay chính sách kinh tế.

Sự chống lại người Hồi giáo của ông Trump sẽ tạo ra nguy cơ ảnh hưởng đến những lợi ích chiến lược của Indonesia và Malaysia, hai nước mà Trung Quốc đã nối dài được ảnh hưởng xuống khu vực Đông Nam Á của mình. Sự bất tiên lượng của Trump nhiều khả năng sẽ khiến các nước láng giềng của Trung Quốc ngả vào quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trường phái thứ ba là trường phái bi quan. Theo trường phái này, ông Trump đã xác định rằng Trung Quốc là mối đe dọa đáng sợ duy nhất đối với quyền lực của Mỹ. Họ cũng cho rằng mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc là vấn đề trọng tâm trong thông điệp khi tranh cử của ông Trump. Họ đã đúng khi xác định ông Trump thực chất là người theo chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên sẽ là thảm họa cho cả Mỹ, Trung Quốc và kinh tế thế giới nếu xảy ra chiến tranh thương mại hoặc tiền tệ.

Trường phái này còn chỉ ra ông Trump thiếu quan tâm đến các vấn đề nhân quyền, dân chủ và chuẩn mực đạo đức ngoại lệ của người Mỹ, cũng như quan tâm đến việc sửa chữa lại mối quan hệ chiến lược đối với những đồng minh truyền thống của nước Mỹ là Philippines và Thái Lan.

Những phân tích trên nói lên rằng sự thực là quả bóng đang nằm trên sân của ông Trump. Nước Mỹ đã trở thành “biến số chiến lược” trong tương lai quan hệ Mỹ-Trung. Vì vậy, việc Tổng thống đắc cử Mỹ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở cấp thượng đỉnh càng sớm sẽ càng tốt. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ cứng rắn với nhau, nhưng nó sẽ tạo ra sự tôn trọng lẫn nhau đủ để mối quan hệ hai nước có thể suôn sẻ.

Một lĩnh vực mà lãnh đạo hai nước có thể cùng đạt được đó là vấn đề Triều Tiên, khi mà ngày đất nước này có thể sản xuất ra vũ khí hạt nhân đang đến rất gần. Một thỏa thuận hai bên về vấn đề này sẽ sớm xác định lại mối quan hệ Trung-Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump và điều này chỉ có thể đạt được với “nghệ thuật thương thuyết”./.