Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Ngân hàng Trung Quốc ​ngang nhiên mở chi nhánh tại Hoàng Sa. Phát biểu khai trương chi nhánh ngân hàng tại cái gọi là thành phố Tam Sa ngày 6/2, Phó Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Trung Quốc (BOC) Vương Hi Toàn tuyên bố BOC tiếp tục phát huy ưu thế quốc tế hóa, chuyên môn hóa, thúc đẩy hợp tác toàn diện với thành phố Tam Sa, cung cấp nguồn vốn và hỗ trợ chất xám nhiều hơn cho việc xây dựng thành phố. Một năm qua, Ngân hàng Trung Quốc đã phát hành thẻ tín dụng IC Tam Sa Trường Thành, quyên góp 1,25 triệu Nhân dân tệ cho Tam Sa.

Trung Quốc phản ứng trước bình luận Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/2, về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng Mỹ không cần triển khai hoạt động quân sự quy mô lớn ở Biển Đông và hành động của Trung Quốc làm tổn hại đến lòng tin giữa các nước, Người Phát ngôn Lục Khảng tuyên bố, “Biển Đông vốn không có vấn đề gì. Với nỗ lực của Trung Quốc và các nước liên quan, hiện nay tình hình đã trở lại cục diện bình thường. Các bên liên quan trực tiếp đã đối thoại, tham vấn để kiểm soát bất đồng. Điều này phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực, các nước bên ngoài cần tôn trọng lợi ích và nguyện vọng chung này. Về việc Bộ trưởng Mattis cho rằng vấn đề liên quan cần được giải quyết qua kênh ngoại giao, chúng tôi cũng chủ trương giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoại giao giữa các nước liên quan trực tiếp qua tham vấn và đàm phán.”

Ngoại trưởng Trung Quốc khuyên Mỹ về vấn đề Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Úc hôm 7/2, Ngoại trưởng Trung Quốc cho hay, “Tôi có một gợi ý đối với bạn bè Mỹ: Hãy ôn lại lịch sử Thế Chiến thứ 2. Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam 1945 nói rõ rằng Nhật Bản phải trả lại cho Trung Quốc tất cả các vùng lãnh thổ Nhật đã chiếm đóng, bao gồm cả Quần đảo Trường Sa. Sau này một vài quốc gia xung quanh Trung Quốc đã chiếm giữ bất hợp pháp một số thực thể và bãi đá tại Trường Sa, và đã tạo nên cái gọi là tranh chấp Biển Đông.” Theo ông Vương, Trung Quốc cam kết đối thoại trực tiếp với các bên liên quan và tuân thủ lịch sử cũng như luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình. Tuy nhiên, quan điểm về chủ quyền quốc gia của Trung Quốc sẽ không thay đổi. Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng, “Các chính trị gia thận trọng đều nhận ra rằng không nên có một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên sẽ đều tổn hại và đây là điều không thể chấp nhận được.”

Hải quân Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông. Hai tàu khu trục tên lửa Trường Sa (số hiệu 173), Hải Khẩu (số hiệu 171), tàu tiếp tế Lạc Mã Hồ (số hiệu 964), cùng ba trực thăng và lính thủy quân lục chiến thuộc biên chế thuộc Hạm đội Nam Hải đã xuất phát từ cảng quân sự Tam Á vào ngày 10/2 bắt đầu triển khai đợt diễn tập cơ động trên biển xa. Nội dung diễn tập bao gồm hoạt động phòng không, hộ tống, chống khủng bố và chống cướp biển ở Biển Đông, đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Hoạt động diễn tập thực chiến sẽ có sự tham gia của lực lượng không quân của Hạm đội Nam Hải, các đơn vị quân đồn trú ở Hoàng sa và Trường Sa, và một số lực lượng thuộc Hạm Đội Đông Hải và Bắc Hải.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc đặt chi nhánh ngân hàng ở Hoàng Sa. Về việc Ngân hàng Trung Quốc đặt Chi nhánh ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi việc làm của nước ngoài trong khu vực này nếu có mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là không hợp pháp và không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với khu vực này.”

+ Philippines:

Philippines nghi ngại Trung Quốc xây thêm đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trong cuộc phỏng vấn với AFP ngày 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông tin rằng Trung Quốc rốt cục sẽ bồi đắp Bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 230 km, “Họ đã xâm chiếm. Họ đã chiếm 3 thực thể ở đó và đang tìm cách chiếm cả bãi cạn. Đối với chúng tôi đó là điều không thể chấp nhận được. Nếu chúng tôi lặng yên, họ sẽ tiến hành xây dựng. Điều đó rất đáng lo ngại”. Ông Lorenzana nhận định việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp đảo là nhằm kiểm soát Biển Đông.

Philippines đề nghị Trung Quốc viện trợ vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 7/2 cho biết Philippines đã chính thức đề nghị Trung Quốc cung cấp đạn dẫn đường chính xác, thuyền cao tốc và máy bay không người lái. Đây là một phần viện trợ của Bắc Kinh dành cho chính quyền Tổng thống Philippines trong cuộc chiến chống ma túy và chống khủng bố. Ông Delfin Lorenzana cho biết ông đã gửi một bức thư cho Đại sứ Trung Quốc tại Philippines về việc Trung Quốc cam kết cung cấp vũ khí trang bị trị giá 14 triệu USD cho Chính phủ Philippines. Sau khi quan hệ hai nước dịu đi, ngoài khoản viện trợ riêng 14 triệu USD trên, Trung Quốc còn bày tỏ sẵn sàng cung cấp khoản vay lãi suất thấp lâu dài 500 triệu USD để Philippines mua các trang bị quân sự khác.

+ Mỹ:

Phi cơ Mỹ và Trung Quốc áp sát nhau trên Biển Đông. Vụ việc xảy hôm 8/2, phi cơ P-3 của hải quân Mỹ và máy bay quân sự  KJ-200 Trung Quốc bay sát nhau chỉ ở cự ly khoảng 305m ở khu vực gần bãi cạn Scarborough. Một quan chức Mỹ dấu tên cho hay Hải quân Mỹ nhận định đây chỉ là sự vô tình. Theo quan chức này, những lần áp sát tương tự giữa phi cơ hai nước không thường xảy ra và chỉ có 2 vụ tương tự vào trong năm 2016, “Chiếc P-3 Orion của Hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra bình thường theo luật pháp quốc tế. Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ luôn quan ngại trước những hành vi không an toàn của quân đội Trung Quốc. Chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc này thông qua các kênh ngoại giao và quân sự thích hợp.”

Ngoại trưởng Mỹ dịu giọng trong vấn đề Biển Đông. Trong văn bản trả lời Thượng nghị sĩ Ben Cardin của bang Maryland về một số vấn đề nêu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn khi nói về vấn đề Biển Đông: “Nếu tình huống bất ngờ xảy ra, Mỹ cùng các đồng minh, đối tác phải có khả năng hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận và sử dụng các đảo nhân tạo để đe dọa Mỹ và các đồng minh. Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu muốn ngăn ngừa những hành động làm mất ổn định và trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ trong việc duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế”. Ông Tillerson cho biết ông sẽ trao đổi các bên liên quan để xây dựng một cách thức tiếp cận tổng thể của Chính phủ đ ngăn chặn Trung Quốc tiến hành hăm dọa và cải tạo đảo thêm, cũng như đối phó các thách thức đối với tự do hàng hải và hàng không.”

Mỹ đẩy mạnh hoạt bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Tờ Navy Times cho biết Hải quân Mỹ và Bộ Chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương đang chuẩn bị những hoạt động mới để thách thức yêu sách biển của Trung Quốc, cụ thể là đưa các chiến hạm đi vào khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa. Các kế hoạch trên sẽ được chuyển theo từng cấp chỉ huy, lên tới Tổng thống Donald Trump để phê chuẩn. Các chiến dịch FONOPS sẽ do các tàu thuộc cụm tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện. Đó là tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain CG-57 và hai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy. Đội tàu này hiện đang ở Thái Bình Dương và đang tiến về hướng Biển Đông.

+ Nga:

Nga kêu gọi các nước không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov cho hay: “Lập trường của chúng ta về các tranh chấp Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi vì đó là lập trường đã được cân nhắc, được khẳng định và mang tính logic...Chúng ta không can thiệp vào những tranh chấp và khuyến cáo các nước khác không làm điều đó.” Theo Đại sứ Denisov, bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực do bên thứ ba không thể duy trì thái độ trung lập đối với một tranh chấp cụ thể và sẽ chỉ làm phức tạp vấn đề.

Quan hệ các nước

Philippines quan tâm tới mua vũ khí của Nga. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Sputnik, Vụ trưởng châu Á III Bộ Ngoại giao Nga, bà Ludmila Vorobyova cho biết, “Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là hướng phát triển đầy hứa hẹn trong quan hệ song phương với Philippines. Như đã biết, đất nước của chúng ta là một trong những nhà sản xuất thiết bị quân sự lớn nhất, do đó không có gì ngạc nhiên khi các đối tác Philippines đang thể hiện sự quan tâm đến việc mua vũ khí của chúng ta.” Theo Vụ trưởng Vorobyova, Moskva và Manila đang tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để tiến tới việc thiết lập hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật.

Trung Quốc - Úc nhất trí tăng cường quan hệ song phương. Ngày 7/2, Ngoại trưởng Úc Julia Bishop và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược và Ngoại giao Úc-Trung Quốc lần thứ 4 tại thủ đô Canberra, Úc. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết năm nay kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên cần nắm bắt lấy cơ hội này để nhìn lại kinh nghiệm quá khứ và lên kế hoạch cho tương lai. Ông hối thúc hai bên mở rộng hợp tác, bổ sung nội dung mới vào quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. Về phần mình, Ngoại trưởng Úc Ngoại trưởng Bishop bày tỏ quan hệ hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp và giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng sâu rộng. Úc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc và phối hợp trong các vấn đề toàn cầu.

Mỹ - Nhật phản đối thay đổi nguyên trạng trên biển. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 10/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, “Chúng tôi đã nhất trí về tầm quan trọng của việc sớm đạt được một giải pháp cho vấn đề ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương – những nơi chúng tôi cần duy trì tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế. Và những trật tự quốc tế như vậy cần được duy trì. Mỹ - Nhật sẽ phản đối mạnh mẽ những hành động làm thay đổi hiện trạng trên biển bằng vũ lực hoặc sự cưỡng ép. Chúng tôi sẽ giải quyết không chỉ các vấn đề song phương mà con các vấn đề khu vực.”

Phân tích và đánh giá

Các nguyên tắc chỉ đạo về Biển Đông cho tân chính quyền Mỹ” của Amy Searight và Geofrey Hartman

Để ngăn chặn các cố gắng của Trung Quốc nhằm khống chế Biển Đông, Mỹ cần có một chiến lược lâu bền để tăng cường năng lực của mình, làm việc hữu hiệu hơn với các đồng minh và đối tác và củng cố trật tự khu vực. Để làm được điều này, chính quyền mới ở Mỹ nên nhanh chóng duyệt xét lại chiến lược Biển Đông từ trên xuống dưới và một cách cặn kẽ, sao cho có thực chất hơn và hữu hiệu hơn.

Phải tiếp tục răn đe và đồng thời hợp tác

Cho dù hợp tác của Trung Quốc cần thiết để giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu, Mỹ không nên để bị Trung Quốc bắt bí vì sợ rằng chiến lược răn đe mạnh hơn sẽ cản trở công cuộc hợp tác song phương. Mọi cố gắng giảm nhẹ chính sách của Mỹ ở Biển Đông để bảo vệ công cuộc hợp tác với Trung Quốc trong các lãnh vực khác đều không cần thiết, thậm chí còn không hiệu quả nữa là khác.

Có chính sách và thông điệp nhất quán và bền vững

Chính quyền mới cần đưa ra những thông điệp chiến lược rõ ràng và nhất quán, bởi vì sự thiếu mạch lạc trong việc gắn kết các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng lực lượng vừa qua đã gây ra sự ngộ nhận nơi Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ. Cụ thể là những lời giải thích không nhất quán về cách Mỹ xử lý đà tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc, song song với việc thực thi vế quân sự rất rầm rộ của chiến lược tái cân bằng đã làm gia tăng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Washington tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đa dạng hóa các biện pháp chống Trung Quốc

Chính sách của Mỹ ở Biển Đông cho đến nay đã dựa quá nhiều vào các giải pháp quân sự, vốn không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Cách đáp trả về mặt ngoại giao, thông tin, luật pháp, kinh tế hiện không được chú ý nhiều trong chính sách Trung Quốc của Mỹ. Việc đưa các giải pháp này vào trong chính sách sẽ rất quan trọng cho thành công trong việc làm cho Trung Quốc lùi bước trong dài hạn.

Tăng cường giúp đỡ đồng minh và đối tác

Mỹ cần tăng cường các nỗ lực giúp các đồng minh và đối tác xây dựng năng lực để cải thiện khả năng của các nước này chống lại sự thúc ép của Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng năng lực thành công sẽ cho phép các quốc gia Đông Nam Á tự bảo vệ tốt hơn, tạo nên sự răn đe chống lại các hành vi bức hiếp ở của Trung Quốc ở cấp độ thấp, cho phép quân đội Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc răn đe ở cấp cao.

Duy trì lập trường trung lập về tranh chấp chủ quyền

Mỹ có một số lợi thế lâu dài khiến cho các nước trong khu vực tiếp tục chọn Mỹ làm đối tác an ninh hàng đầu, trong đó việc Mỹ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, lại được thiện cảm của các cư dân địa phương và một chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn Trung Quốc. Với những lợi thế đó, Washington có đủ sức tập trung vào việc duy trì vai trò của mình ở Châu Á và có thể tin rằng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia quay sang Mỹ để nhờ hỗ trợ.

Tại sao Trung Quốc có thể đã phạm sai lầm lớn ở biển Đông?” của Grant Newsham

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc tiếp cận các căn cứ trên đảo nhân tạo ở biển Đông. Tuy nhiên, rất ít người suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc Mỹ sẽ phong toả các đảo này, dù sao đây cũng là một lựa chọn tồi tệ.

Quân đội Trung Quốc, không thể, và cũng sẽ không có ý định rút đi và bỏ lại những hòn đảo này. Lùi bước khi phải đối mặt với áp lực từ phía Mỹ có thể sẽ rất mất mặt và đe doạ sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong khi Mỹ gần như là chỉ quan sát, Trung Quốc đã tiệm cận đến việc tạo lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với biển Đông và mở rộng đáng kể vị trí của mình trong toàn bộ cái gọi là “Chuỗi đảo thứ nhất”. Đây là rào chắn hiệu quả nếu xét về vị trí địa lý. Hầu như không có “điểm tiếp cận (hay lối thoát)” nào xuyên qua chuỗi đảo trải dài từ Nhật Bản ở phía Bắc, kéo xuống đến Đài Loan, Philippines, và Indonesia, vắt qua eo biển Malacca ở phía Nam.

Các điểm tiếp cận có thể dễ dàng được bảo vệ nếu có một đối thủ nào tìm cách vượt qua. Tất cả có thể được bao quát và bị phong toả, sử dụng kết hợp các loại vũ khí khí tài có khả năng vươn đến các mục tiêu bên trong chuỗi đảo thứ nhất.

Tính toán sai lầm của Trung Quốc?

Chủ tịch Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm có lẽ đã không nghĩ thông suốt góc độ địa lý mà đáng ra phải nghĩ đến. Trên khắp đất nước Malaysia và Phillipines, nhiều người tỏ ra khó chịu với Trung Quốc. Và Chủ tịch Tập đã xoay chuyển thành công điều gần như bất khả thi đó bằng cách khiến Nhật Bản coi trọng quốc phòng hơn, điều mà các chính quyền Mỹ lâu nay chưa thể đạt được.

Bắc Kinh có lẽ có lý do để tin rằng Mỹ “sẽ không làm gì”, và hành vi của Mỹ sau tình trạng bế tắc tại bãi cạn Scarborough năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines đã chứng minh điều đó là đúng. Dù cho sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Mỹ mới có được chào đón như thế nào, thì việc đối phó với nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị Đông Á không hề dễ dàng.

Điểm nóng?

Một dấu hiệu có thể ở bãi cạn Scarborough và sự phản ứng của Mỹ đối với nỗ lực của Trung Quốc nhằm “xâm chiếm” bãi cạn và xây dựng cơ sở trên đó. Bản thân chuỗi đảo thứ nhất đã tiềm tàng khả năng tạo kẽ hở cho Trung Quốc “phá vỡ” mắt xích và rộng đường tiến ra Thái Bình Dương. Trung Quốc cần quyết định liệu rằng đối đầu tổng lực với Mỹ, bao gồm cả các phí tổn kinh tế có xứng đáng với nỗ lực và sự hao tổn các nguồn lực cho việc tiếp tục vai trò kiểm soát Đông Á, các vùng biển quốc tế và cả vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác.

Trung Quốc có thể nhận thấy rằng sau tất cả những nỗ lực xây dựng căn cứ trên đảo, nước này đã tự huỷ hoại hình ảnh của chính mình và khiến Nhật Bản quan tâm về quốc phòng, Trung Quốc đang phải trả giá đắt.

Những diễn biến mới nhất xung quanh vấn đề Biển Đông” - Tổng hợp của AP

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ loại trừ khả năng đáp trả quân sự đối với Trung Quốc 

Trong chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis đã bác bỏ khả năng Mỹ sẽ có phản ứng quân sự trước sự quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông, song cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch tự do hàng hải để phản đối việc Bắc Kinh chiếm giữ các đảo đang tranh chấp. Phát biểu trước các phóng viên tại Tokyo, ông nói: “Vào thời điểm này, chúng tôi thấy không cần thiết phải có các động thái quân sự mạnh mẽ”, và nhấn mạnh cần phải có các biện pháp ngoại giao. Ông cho rằng “chiến dịch tự do hàng hải và các hoạt động khác của quân đội Mỹ ở Biển Đông góp phần duy trì trật tự hàng hải dựa theo quy định của luật pháp”.

Ông Mattis cũng tuyên bố rõ rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn giữ quan điểm cũ của Mỹ là Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật được áp dụng để bảo vệ việc Nhật Bản tiếp tục quản lý quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, cũng đang bị Trung Quốc tranh giành chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Philippines không cho rằng sẽ xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung 

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana không cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới chiến tranh ở Biển Đông. Phát biểu với hãng tin Bloomberg, ông nói: “Ông Trump từng là một doanh nhân và ông hiểu rằng nếu chiến tranh nổ ra, các doanh nghiệp sẽ lãnh đủ”. Ông cũng đặt câu hỏi đối với đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng trước rằng Washington nên ngăn Trung Quốc tới các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng đường băng, rađa và lắp đặt vũ khí ở vùng biển mà Philippines và 5 chính quyền khác cũng tuyên bố chủ quyền. Ông nói: “Làm cách nào có thể ngăn chuyện đã rồi. Tôi sẽ không tiến hành chiến tranh vì những hòn đảo nhỏ đó. Cho dù chúng ta có sức mạnh quân sự, chúng ta cũng sẽ vẫn phải nghĩ cho kỹ trước khi tham gia vào một cuộc chiến”. 

Là thành viên chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte, người đang xa lánh đồng minh Mỹ và khôi phục quan hệ với Bắc Kinh, ông Lorenzana cho rằng Philippines sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối các hành vi chiếm đoạt của Trung Quốc ở vùng biển của mình. Ông nói: “Chúng tôi không từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông”, và nói thêm rằng quan điểm của Manila được ủng hộ từ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế hồi năm ngoái, theo đó bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tiến hành tập trận ở Thái Lan 

Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, sẽ là sĩ quan cấp cao nhất của Mỹ tham gia cuộc tập trận quân sự Hổ mang Vàng tại Thái Lan kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014 xảy ra ở nước này. Sau vụ đảo chính đó, Mỹ đã giảm quy mô cuộc tập trận (thường kéo dài 10 ngày) này và việc ông Harris dự kiến xuất hiện tại lễ phát động cuộc tập trận vào ngày 14/2 tới được xem là tín hiệu cho thấy quan hệ quân sự Mỹ-Thái đang được khôi phục. 

Hành động của Trump và tam giác bất ổn Mỹ - Phi – Trung” của Roncevert Ganan Almond

Động thái thứ hai của Trump ở biển Đông sẽ phải mạnh mẽ hơn động thái trước đó.

Hơn 100 năm qua, Philippines đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của Mỹ để trở thành một siêu cường thế giới. Tuy nhiên, quan hệ truyền thống này có thể bị lung lay dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

Philippines và Mỹ có quan hệ an ninh lâu dài và phức tạp. Nền tảng của quan hệ song phương này là Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951. Washington không chính thức mở rộng cam kết của mình với các yêu sách của Philippines trên biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Obama, khi công bố chiến lược tái cân bằng, đã nói rằng: “Cam kết của chúng tôi bảo vệ Philippines không hề thay đổi”.

Trước đây, quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines có những lúc xấu đi, do những tổn thương từ thời thuộc địa nhưng quan hệ Mỹ - Philippines nói chung là vẫn rất tốt. Philippines là một đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố sau khi Manila ủng hộ Mỹ can thiệp vào Iraq. Hỗ trợ quân sự của Mỹ với Philippines tăng dần.

Là một bên không yêu sách, Mỹ không can dự vào tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc (hay các bên yêu sách khác) ở biển Đông. Tuy nhiên, chính quyền Obama ủng hộ nỗ lực của Philippines tại toà PCA, kiên định với mong muốn của Washington về một giải pháp hoà bình giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế. Tuy nhiên, với chiến thắng của ông Duterte, những giả định cũ về quan hệ đồng minh an ninh Mỹ - Philippines xem ra cần phải đặt dấu hỏi.

Khoảng cách

Sau lễ nhậm chức của ông Duterte, một hố ngăn cách mới được tạo ra giữa Mỹ và Philippines. Cùng lúc đó, Duterte lại làm ấm quan hệ với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông hồi tháng 10, Duterte nhận được lời cam kết đầu tư 15 tỷ USD. Đồng thời, hai bên cũng đạt được một loạt các thoả thuận khác.

Ngoài vấn đề kinh tế, Duterte cũng có ý định tách Philippines ra khỏi ô an ninh của Mỹ. Duterte kêu gọi rút lực lượng đặc biệt của Mỹ ra khỏi đảo Mindanao, và chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc, nhằm phản đối Mỹ. Gần đây hơn, ông còn đe doạ dừng thực hiện EDCA, hiệp ước cho phép sự hiện diện thường xuyên của lực lượng quân sự Mỹ tại Philippines.

Những nguy cơ, kế nghi binh và những cám dỗ

Trong bài phát biểu trước Hạ viện, Tướng Mattis đã cho rằng hành vi của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực mong đợi một nước Mỹ lãnh đạo mạnh mẽ hơn. Vị Bộ trưởng Quốc phòng mới này hứa hẹn “sẽ bảo vệ những lợi ích của chúng ta ở đó, những lợi ích bao gồm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế”. Tờ Thời báo Hoàn cầu gọi lời phát biểu của ông Mattis là một “liều thuốc an thần” mà thôi.

Nếu Bắc Kinh có thể lái Manila ra khỏi vùng ảnh hưởng của Washington, thì Trump sẽ mất đi đồng minh chủ chốt trong chiến lược biển Đông của mình. Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ chỉ “chờ và đợi” với chính quyền Mỹ mới, cũng như củng cố những gì đã đạt được trong quan hệ đang ấm dần Trung Quốc – Philippines. Do đó, động thái thứ hai của Trump chắc chắn phải mạnh mẽ hơn trước đó, và có thể sớm hơn đã định. Và cứ cho là những phát ngôn trước đó về việc lãnh đạo cứng rắn hay những mối đe doạ chực chờ, chúng ta cũng không thể không để mắt đến chúng.

Vì sao Trung Quốc có thể tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông ngay tại thời điểm này” của Harry J. Kazianis

Trong bối cảnh Mỹ đang bị phân tâm nghiêm trọng vì những vấn đề trong nước, các vị trí lãnh đạo quan trọng trong Bộ Ngoại giao đang bỏ trống, Hội đồng An ninh Quốc gia được cơ cấu lại, các quốc gia như Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc đang có cơ hội để triển khai những bước đi chiến lược của họ. Trung Quốc vốn có thói quen kiểm tra phản ứng của các tân tổng thống Mỹ trong quá khứ và đây là thời cơ không thể tốt hơn cho một hành động tương tự với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. 

Nếu Trung Quốc muốn thử nghiệm phản ứng của ông Trump trong các vấn đề lợi ích cốt lõi và biên giới lãnh thổ của mình, thì Biển Đông sẽ là một môi trường thích hợp. Trước những tuyên bố cứng rắn của ông Trump đối với vấn đề Biển Đông và Đài Loan, Trung Quốc có thể ngay lập tức tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông để kiểm chứng khoảng cách giữa lời nói và hành động của tân tổng thống Mỹ. 

Trung Quốc có thể không đủ lực lượng để đảm bảo thực thi ADIZ trên vùng Biển Đông rộng lớn nếu Mỹ hoặc Nhật Bản thực sự quyết tâm gây sức ép trong vấn đề này, nhưng trong phép thử của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ cần đơn giản lặp lại những gì đã làm trong năm 2013 (tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông). Ông Tập Cận Bình có thể không đủ khả năng thể hiện sức mạnh trên một vùng rộng lớn theo “đường 9 đoạn”, nhưng có thể tạo ra sự răn đe quân sự gây tiếng vang bằng việc thiết lập một vài căn cứ phòng không thường trực với các hệ thống tên lửa HQ-9 và máy bay chiến đấu trên các cấu trúc nhân tạo ở khu vực. 

Vậy trong trường hợp này, Tổng thống Trump sẽ phản ứng như thế nào? Nhiều khả năng là giống như người tiền nhiệm Barack Obama đã làm, đó là điều các máy bay ném bom chiến lược bay qua khu vực này ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ. Ngoài ra, ông Trump có thể phản ứng bằng hải quân với việc điều nhiều tàu chiến vào tuần tra ở Biển Đông trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) để khẳng định rằng Washington sẽ không bao giờ chấp nhận hành động gây hấn của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, khi nói đến một ADIZ như vậy, đó sẽ không chỉ là việc Trung Quốc, Mỹ hay các đồng minh của Mỹ có tiếng nói cuối cùng về sự thành công hay thất bại của ADIZ này. Các hãng hàng không có máy bay qua khu vực này sẽ không mạo hiểm sinh mạng của hành khách với việc không tuân thủ ADIZ và có thể bị bắn hạ nếu một chiếc máy bay không được nhận dạng. Và do vậy, tất yếu là họ sẽ thông báo các kế hoạch bay với phía Bắc Kinh, biến ADIZ này trở thành một thực tế. Kế hoạch thiết lập một ADIZ ở Biển Đông của Trung Quốc đã được cân nhắc trong nhiều năm và giờ là lúc không thể tốt hơn để biến kế hoạch đó thành hiện thực./.