Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tuyên bố hoàn tất dự thảo khung cho COC. Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 5 Nhân đại khóa 12 của Trung Quốc hôm 8/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay, “Tình hình Biển Đông đã ổn định trở lại. Đây là kết quả từ nỗ lực chung của Trung Quốc với ASEAN, và là tin vui đối với khu vực và thế giới. Hiện tại DOC đang được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, các bên liên quan trở lại quỹ đạo giải quyết tranh chấp đúng hướng thông qua đàm phán và tham vấn. Vào cuối tháng hai, các nhóm công tác của Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể và hoàn tất bản dự thảo khung đầu tiên của COC. Hiện tại, nếu bên nào khuấy động hoặc làm phức tạp tình hinh, họ sẽ không được ủng hộ và phải đối mặt với sự phản đối của toàn khu vực. Chúng tôi sẽ không cho phép tình trạng ổn định hiện nay bị phá hoại hoặc cản trở. Trong thế kỷ 21, Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác trên biển và xây dựng lòng tin giữa các bên. Ngay cả Trung Quốc và Mỹ, nếu chúng ta thay đổi quan điểm, các đại dương sẽ là nơi rộng mở cho hợp tác”.

Trung Quốc ngang nhiên triển khai du lịch tàu biển đến Trường Sa. Theo một tài liệu của chính quyền địa phương về phát triển du lịch, tỉnh Hải Nam sẽ triển khai hình thức du lịch bằng tàu biển đến quần đảo Trường Sa vào năm 2020. Tỉnh này cũng đang nâng cấp hệ thống hải cảng, cải thiện cơ sở hạ tầng và khai thác các tuyến du lịch mới. Hiện nay, các công ty du lịch của Trung Quốc đang triển khai mở bán vé cho hành trình du lịch đến quần đảo Hoàng Sa bất chấp việc Việt Nam nhiều lần phản đối hành động trái phép này.

Trung Quốc biện minh việc tàu nước này hiện diện vùng biển Philippines. Về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines liên quan tới hoạt động của tàu Trung Quốc bãi ngầm Benham Rise, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 10/3 cho hay, “Năm 2012, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc công nhận Benham Rise thuộc thềm lục địa của Philippines nhưng Philippines không thể xem đây là vùng lãnh thổ của mình. Theo luật quốc tế, quyền của các nước ven biển đối với thềm lục địa không ảnh hưởng đến tự do hàng hải của tàu bè nước ngoài cũng như quyền qua lại vô hại trong vùng lãnh hải của quốc gia ven biển.” Ông Cảnh cho hay, “Tàu thuyền Trung Quốc qua lại vùng biển ngoài khơi đảo Luzon năm 2016 là tiến hành quyền tự do hàng hải và qua lại vô hại, Những bình luận từ những cá nhân Philippines về điều này là không đúng sự thật. Trung Quốc hy vọng các cá nhân này ngừng đưa ra thông tin sai lệch và nỗ lực nhiều hơn đ thúc đẩy lòng tin giữa hai nước.

+ Philippines:

Philippines chính thức tiếp nhận thêm tàu tuần tra từ Nhật Bản. Đây là con tàu thứ 3 trong số 10 tàu đa năng do Nhật Bản cung cấp và được phiên chế vào hạm đội thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines. Tàu trên được đặt tên là BRP Malapascua, dài 44 m, có tốc độ 46 km/giờ và hoạt động được 2.760 km. Những tàu này nằm trong số 10 tàu do Philippines đặt đóng tại Nhật Bản theo gói cho vay hỗ trợ phát triển chính thức trị giá 7,37 tỷ peso (147 triệu USD) từ Tokyo.

Ngoại trưởng Philippines mất chức vì vấn đề quốc tịch Mỹ. Ủy ban Bổ nhiệm thuộc Quốc hội Philippines ngày 8/3 đã bỏ phiếu quyết định không bổ nhiệm ông Perfecto Yasay làm ngoại trưởng nước này. Quyết định được đưa ra vài giờ sau khi Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Thượng viện Philippines kết thúc hai phiên điều trần và tiến hành bỏ phiếu bác bỏ tư cách ngoại trưởng của ông Yasay, vì lý do ông không trung thực với Quốc hội về việc mang quốc tịch Mỹ. Trong phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Philippines, ông Yasay khẳng định mình chưa bao giờ là công dân Mỹ. Tuy nhiên, trong phiên điều trần thứ hai diễn ra hôm 8/3, các tài liệu được công bố cho thấy ông Yasay đã mang quốc tịch Mỹ từ năm 1986. Sau thông báo bãi miễn chức vụ của Ủy ban Bổ nhiệm, Tổng thống Duterte ngày 9/3 đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo làm quyền ngoại trưởng Philippines, thay thế ông Yasay.

Philippines lo ngại hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển nước này. Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Học viện Quốc phòng Philippines hôm 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết những tháng gần đây, tàu Trung Quốc đã xuất hiện ở trong vùng biển của Philippines. Một tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện cách phía Tây của Philippines 70 dặm trong khi các tàu khảo sát Trung Quốc xuất hiện ở phía Bắc và phía Nam của bờ biển phía Đông Philippines. Trước đó vào năm 2016, tàu khảo sát Trung Quốc cũng hoạt động ở khu vực bãi ngầm Benham Rise, thuộc thềm lục địa của Philippines, "Thật đáng lo ngại nếu họ tuyên bố chủ quyền khu vực đó." Theo Bộ trưởng Lorenzana, ông có thông tin rằng Bắc Kinh đang khảo sát các khu vực nước sâu ở Biển Đông để thiết lập tuyến đường hoạt động của tàu ngầm. Ông Lorenzana tiết lộ thêm rằng, "Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc có kế hoạch bồi đắp ở bãi cạn Scarborough. Chúng tôi nhận được báo cáo từ Mỹ rằng có những sà lan chở đất cát và vật liệu xây dựng tới bãi cạn Scarborough. Nhưng tôi nghĩ phía Mỹ đã nói với Trung Quốc ‘​đừng làm như vậy’. Vì lẽ gì đó mà Trung Quốc đã ngừng lại việc này.” 

Philippines phản ứng thông tin tàu Trung Quốc xâm lấn vào thềm lục địa. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines hôm 11/3 cho hay, "Philippines quan ngại sâu sắc trước thông tin tàu Trung Quốc xuất hiện tại khu vực Benham Rise. Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc công nhận khu vực này là vùng biển của Philippines. Philippines cũng đã gửi một công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu giải thích rõ điều này". Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Philippines bà Ernesto Abella cũng bày tỏ lo ngại về thông tin trên.

+ Campuchia:

Campuchia đổ lỗi Mỹ làm nóng tình hình Biển Đông. Phát biểu tại một buổi hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và xung đột tổ chức hôm 10/3, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon cho biết Biển Đông vẫn là một vấn đề nóng do sự can dự của Mỹ vào khu vực, "Mặc dù các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ trong việc xây dựng các cơ chế nâng cao an toàn, củng cố lòng tin, tôi vẫn thấy phía trước còn nhiều thách thức mới". Ông Sokhon cũng ám chỉ dự thảo ngân sách quốc phòng mới của Tổng thống Donald Trump sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn khi quân đội Mỹ được rót thêm tiền.

+ Mỹ:

Chính quyền Trump tuyên bố chấm dứt chiến lược xoay trục sang châu Á. Về tương lai của chính sách tái cân bằng châu Á, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton hôm 12/3 cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch riêng cho khu vực, “Xoay trục, tái cân bằng, đó là từ ngữ được dùng mô tả chính sách với châu Á của chính quyền trước. Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng chính quyền hiện tại sẽ có chiến lược riêng. Chúng tôi chưa đi vào chi tiết chiến lược mới. Chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia tích cực ở châu Á. Nền kinh tế châu Á rất quan trọng với sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục với các vấn đề như thương mại công bằng, thương mại tự do và các thách thức an ninh như Triều Tiên". Tuyên bố của bà Thornton được đưa ra trước khi Ngoại trưởng Rex Tillerson có chuyến công du đầu tiên tới châu Á Thái Bình Dương.

+ Úc:

Úc không có kế hoạch tuần tra chung với Indonesia ở Biển Đông. Phát biểu khi đang ở Jakarta tham dự cuộc gặp thượng đỉnh nhóm Vành đai Ấn Độ Dương gồm 21 nước, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 7/3 cho hay, “Chúng tôi sẽ không tiến hành bất cứ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Cam kết của chúng tôi là tăng cường hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực an ninh biển. Chúng tôi thảo luận về việc phối hợp và hợp tác nhưng chưa triển khai thêm gì ngoài điều đó”. Trước đó hôm 6/3, Ngoại trưởng Úc Julia Bishop cho biết Tổng thống Indonesia Joko Widodo chưa từng đưa ra lời đề nghị tập trận hay tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong cuộc gặp với Thủ tướng Malcolm Turnbull ở Sydney ngày 26/2. Thay vào đó, ông Widodo nói về hợp tác để duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Quan hệ các nước

Việt - Trung trao đổi về vấn đề trên biển. Từ 5-8/3/2017 tại Thành phố Nha Trang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã tiến hành Cuộc gặp thường niên hai Thứ trưởng Ngoại giao, trao đổi các vấn đề về quan hệ song phương và biên giới lãnh thổ song phương. Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; phát huy các cơ chế đàm phán và hợp tác hiện có để xây dựng lòng tin, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng COC ở Biển Đông.

Ba nước ASEAN tiến hành tuần tra chung trên biển. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines, Malaysia và Indonesia đã nhất trí tiến hành tuần tra chung tại những vùng biển dễ bị hải tặc tấn công. Hoạt động tuần tra chung sẽ bắt đầu trong tháng Tư hoặc tháng Năm và các tàu thương mại có thể qua lại dưới sự bảo vệ của lực lượng hải quân của ba nước.

Thái Lan tiết lộ về thương vụ ba mua tàu ngầm Trung Quốc. Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan ngày 7/3 cho biết việc mua ba tàu ngầm của Trung Quốc đang ​ở quá trình phối hợp trong một thỏa thuận cấp chính phủ. Phó Thủ tướng Prawit, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, từ chối cho biết quá trình phối hợp mua tàu ngầm này sẽ được hoàn tất vào thời điểm nào, song xác nhận rằng ngân sách cho hải quân Thái Lan mua chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 3 tàu ngầm lớp Yuan S26T trong năm nay đã được thông qua. Một nguồn tin từ Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết hải quân nước này cũng đang chuẩn bị xây cơ sở neo đậu và bảo trì cho 3 tàu ngầm dự định mua của Trung Quốc. Khu vực dự kiến xây cảng sẽ là Quân cảng Mahidol Abulyadej, tại khu vực quân sự Sattahip, miền Đông Thái Lan.

Phân tích và đánh giá

Kỷ nguyên của lực lượng bảo vệ bờ biển ở Châu Á - Thái Bình Dươngcủa Lyle Morris

Để bảo vệ chủ quyền ở vùng tranh chấp, các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác trên thế giới thường sử dụng hải quân. Hải quân phát đi tín hiệu mạnh mẽ cảnh báo đối phương rằng, lãnh thổ tranh chấp là vấn đề an ninh quốc gia và họ sẵn sàng đi tới chiến tranh. Tuy nhiên, ở Đông và Đông Nam Á đã thay đổi, lực lượng bảo vệ bờ biển, chứ không phải hải quân, đang là lựa chọn để bảo vệ chủ quyền ở khu vực tranh chấp. Sự thay đổi này một phần là do nhận thức từ các nhà hoạch định chính sách khu vực khi cho rằng, lực lượng bảo vệ bờ biển ít mang tính quân sự hơn, thể hiện rằng, tranh chấp thuộc về quyền dân sự trong nước, là đối tượng của các quy định và luật quốc gia.

Thoạt nhìn, điều này có thể đem đến sự lạc quan, nhưng việc lực lượng này được triển khai mạnh mẽ ở Biển Đông lại đang mang đến những lo ngại hơn là lạc quan.

Trọng tâm vấn đề chính là sự phát triển của Trung Quốc. Trong năm 2013, Trung Quốc đã thống nhất bốn trong năm cơ quan chấp pháp biển thuộc sự quản lý của Cục Hải dương Quốc gia, hợp nhất các lực lượng và học thuyết trở thành lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG). Cùng với đó Trung Quốc cũng đóng mới những con tàu thuộc loại lớn nhất thế giới. Bằng việc triển khai một lực lượng mà Trung Quốc coi là phi quân sự để khẳng định chủ quyền, Trung Quốc đang cố “dân sự hóa” sự bành trướng chủ quyền. Kết quả là các quốc gia khác trong khu vực, như Philippines, Việt Nam, Indonesia, cũng nỗ lực tăng cường hạm đội bảo vệ bờ biển của mình để đối phó với Trung Quốc.

Có thể nhận dễ dàng nhận thấy một số thay đổi về hoạt động và năng lực của CCG ở Biển Đông. Thứ nhất, Trung Quốc đang triển khai các tàu tuần tra xa bờ lớn hơn, trang bị vũ khí hạng nặng hơn, hiện đại hơn để tuần tra lâu hơn tại những vùng biển tranh chấp. Thứ hai, hoạt động tuần tra của CCG ở Biển Đông hiện được mở rộng, thường xuyên và cũng quyết đoán hơn. Thứ ba, CCG đang hợp tác ở mức độ lớn hơn về thông tin, kiểm soát và chỉ huy với tàu cá, dân quân biển và cả Hải quân.

Điều này có nghĩa gì đối với an ninh khu vực và chính sách của Mỹ tại đây? Các nhà hoạch định nên chấp nhận thực tế là sức mạnh quốc gia ở Hoa Đông và Biển Đông sẽ ngày càng được thể hiện bằng lực lượng bảo vệ bờ biển chứ không phải hải quân. Lực lượng này không chỉ được tăng cường về số lượng mà sẽ có sự tương tác rất gần với lực lượng bảo vệ bờ biển và các nhân tố khác của các quốc gia khác. Viễn cảnh này cho thấy những động lực gây căng thẳng mới mà các quốc gia khu vực chỉ mới bắt đầu đối mặt. Đầu tiên, nó đòi hỏi nhiều hơn nữa về cấu trúc kiểm soát và chỉ huy thời gian thực và có hiệu quả giữa hải quân, chính quyền và dân sự, trên đất liền và trên biển. Thứ hai, các chương trình tuần tra cần được thúc đẩy và có lộ trình hơn. Cuối cùng, các nhà hoạch định quân sự phải bắt đầu phát triển kế hoạch đối phó viễn cảnh căng thẳng tại vùng xám liên quan đến nhân tố phi quân sự, chẳng hạn như bảo vệ bờ biển, dân quân biển và tàu cá.

 Vai trò gây tranh cãi của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chính quyền Trupmcủa David Sangermarch

Kể từ sau bài phát biểu thân thiện, được đánh giá cao tại buổi ra mắt Bộ Ngoại giao trên nhiệm vụ mới, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã bỏ qua tất cả các cơ hội thể hiện quan điểm cũng như chiến lược của mình trước công chúng. Tillerson chỉ đưa ra những phát biểu ngắn gọn được chuẩn bị trước, không trả lời bất kỳ câu hỏi phóng viên nào, không công khai phản đối kế hoạch cắt giảm 37% ngân sách Bộ Ngoại giao của Nhà Trắng, chấp nhận trong im lặng việc Trump bác bỏ lựa chọn Thứ trưởng Ngoại giao của mình, vắng mặt trong các cuộc gặp với những lãnh đạo hàng đầu thế giới của Tổng thống, và không dự buổi ra mắt báo cáo nhân quyền thường niên.

Ngày 14/3, Tillerson có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, một chuyến thăm quan trọng tới mức những thành viên chủ chốt của Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ họp vào ngày 13/3. Tuy vậy dường như sẽ không có nhiều thông tin chiến lược từ Ngoại trưởng Tillerson trong chuyến thăm này do lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, một ngoại trưởng Mỹ công du nước ngoài mà không mang theo báo chí.

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người vừa gặp Tillerson vào tuần trước, cho biết rất ấn tượng với sự tự tin của Tillerson và Tillerson muốn làm quen với mọi vấn đề trước khi gia tăng sự hiện diện. Những người bảo vệ khác thì cho rằng Tillerson đã làm rất nhiều việc trong hậu trường, bao gồm thu xếp chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Arab Saudi tới Iraq sau hơn một phần tư thế kỷ và đang xây dựng một kế hoạch ngăn chặn những hành động hung hăng của Putin. Một số quan chức Bộ Ngoại giao cũng nhận xét Tillerson hiểu biết một số quốc gia hơn hẳn những người tiền nhiệm đồng thời hiểu rõ cách thức làm việc của các đại sứ quán do Exxon Mobil thường xuyên phải phối hợp với họ. Cũng có ý kiến cho rằng Tillerson chưa thể hiện ra ngoài nhiều là do chưa có đội ngũ riêng của mình. Bộ Ngoại giao thực tế chưa có một thứ trưởng và trợ lý bộ trưởng nào, trong khi chỉ có vài đại sứ.

Tuy vậy, dưới chính quyền Trump, nơi chính sách đối ngoại thường xuất hiện đầu tiên trên Twitter và nơi các cố vấn cao cấp trong Nhà Trắng vẫn đang đấu đá tranh giành quyền lực, cách tiếp cận của Tillerson có thể bị coi là thể hiện không có quyền lực.Điều làm giới ngoại giao và Quốc hội lo ngại nhất lúc này là Trump phát biểu về an ninh quốc gia nhưng không hề quan tâm đến đối ngoại.

Có một vài giả thuyết về sự im lặng của Tillerson.

Thứ nhất, sự im lặng của Tillerson mang tính chiến lược cao. Tillerson muốn xây chắc các mối quan hệ bên trong chính quyền, đảm bảo mình có được sự tin tưởng của Trump, trước khi đưa ra các tuyên bố.

Thứ hai, Tillerson đợi đến khi cuộc chiến bên trong Nhà Trắng kết thúc. Tillerson muốn tránh Cố vấn Chiến lược Steve Bannon và xây dựng mối quan hệ đồng minh với Mattis, Kushner và McMaster, tương tự như cách Condoleezza Rice và Hillary Clinton đã làm trong nhiệm kỳ của mình.

Thứ ba, Tillerson coi công việc ngoại giao giống như những gì đã làm ở Exxon Mobil: nói càng ít càng tốt và đạt được các thoả thuận.

Indonesia hướng đến một Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượngcủa Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno LP Marsudi

Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm, Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương IORA sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 7/3 với chủ đề “Tăng cường Hợp tác Hàng hải cho một Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Khu vực Ấn Độ Dương có khoảng 2,7 tỷ người, là một vùng rộng lớn, giàu có và rất đa dạng. Đây là nơi vận chuyển chính cho 70% lượng dầu mỏ và khí đốt cũng như chiếm 1/3 lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới, các cảng biển chiếm 30% thương mại toàn cầu. Khoảng 100.000 tàu đi qua Ấn Độ Dương, chiếm 2/3 lượng dầu mỏ trên thế giới, 1/3 lượng hàng hóa trên thế giới, và một nửa tàu container của thế giới. Số liệu thống kê cho thấy quan niệm về Ấn Độ Dương như là biển của tương lai không phải là quá cường điệu.

Đối với Indonesia, Ấn Độ Dương là tiềm năng cho sự phát triển của đất nước. Năm 2016, thương mại giữa Indonesia và IORA đã đạt 89,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia là dầu thực vật, hàng dệt, lốp xe và các sản phẩm hóa học. Trong cùng năm, các quốc gia thành viên IORA đã thực hiện một số dự án đầu tư ở Indonesia, lên tới 11,67 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2014, số lượng du khách từ các nước thành viên IORA đi du lịch đến Indonesia đóng góp cho một nửa tổng số khách du lịch của cả nước. Đồng thời, khu vực này cũng đang nổi lên nhiều thách thức như đang tiềm ẩn tranh chấp về biển; vấn đề vi phạm bản quyền; đánh bắt cá bất hợp pháp; buôn bán người và buôn lậu ma túy; thời tiết khắc nghiệt; áp lực về môi trường đối với tài nguyên biển và ven biển.

Việc thiếu lãnh đạo và quản lý sẽ tạo ra những nguy cơ lớn cho hòa bình và ổn định khu vực. Do đó, Ấn Độ Dương cần được quản lý bởi các quốc gia ven biển để giảm rủi ro và mở ra tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng.

IORA là tổ chức duy nhất trong khu vực Ấn Độ Dương gồm đại diện từ các chính phủ, doanh nghiệp và giới học thuật. Nó nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc hợp tác giữa các quốc gia ven biển trong 8 lĩnh vực ưu tiên: an toàn hàng hải và an ninh; thương mại và đầu tư; thủy sản; kiềm chế rủi ro thiên tai; công nghệ và giáo dục; du lịch và giao lưu văn hóa; trao quyền cho phụ nữ; và kinh tế xanh.

Là Chủ tịch của IORA, Indonesia khởi xướng việc xây dựng thỏa ước IORA - tầm nhìn chiến lược được thông qua ở cấp cao nhất nhằm cung cấp một nền tảng vững chắc cho hợp tác khu vực.

Bên lề Hội nghị, doanh nghiệp và các phòng thương mại từ các nước thành viên và đối tác đối thoại của IORA sẽ họp Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp IORA.

Indonesia lãnh đạo IORA phù hợp với tầm nhìn Nawacita (chín mục tiêu phát triển) của Tổng thống Joko Widodo, trong đó Indonesia được xem như một điểm tựa hàng hải toàn cầu.

Tóm lại Hội nghị thượng đỉnh IORA có mục tiêu san lấp một khoảng trống, bảo đảm cho sự ổn định dựa trên luật pháp và sự hưng thịnh ở Ấn Độ Dương. Sự lãnh đạo của Indonesia sẽ cho phép Ấn Độ Dương thực hiện vận mệnh của nó là một đại dương của tương lai.

Chiến tranh phức hợp: Cuộc chiến theo mô hình thiết bị không người lái, du kích của Trung Quốc ở Biển Đông của Tobias BurgersScott N. Romaniuk

Chắc chắn là Bắc Kinh đã rút kinh nghiệm từ những thành công của Nga gần đây và theo đuổi những khái niệm, thực tiễn của chiến tranh phức hợp hiện đại.

Trung Quốc đã sử dụng các chiến lược trở thành khẩu hiệu ở Biển Đông như lát cắt salami bắp cải, kết hợp thực hiện chiến tranh tâm lý bằng các hoạt động bạo lực, đặc biệt ngày càng tăng ở những vùng xám. Mao Trạch Đông và những nhà chiến lược về chiến tranh du kích đã ủng hộ chiến thuật và chiến lược này, cho rằng các cuộc chiến đấu và nổi dậy mang tính cách mạng đạt hiệu quả nhất khi được thực hiện với khuôn khổ chiến tranh không chính quy. Mao Trạch Đông có phát biểu nổi tiếng là “người du kích phải hoạt động ngay giữa những người dân bình thường như cá bơi trong biển”. Về điểm này thì “những người lính áo xanh bé nhỏ” (lực lượng Nga sử dụng để tiếp quản bán đảo Crimea) của Putin đang hoạt động không khác mấy so với những chiến sỹ cách mạng của Mao. Những ngư dân Trung Quốc đóng vai trò như những dân quân cũng phù hợp hoàn toàn với mô hình chiến tranh phức hợp. 

Chiến tranh phức hợp thường được áp dụng trên đất liền nhưng người ta càng ngày càng chuyển sự chú ý sang cách sử dụng cụm từ này trên biển. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng về địa lý, chiến tranh phức hợp hay chiến tranh theo kiểu du kích trên biển có cách thức rất giống với các hoạt động trên đất liền. Xem xét hoạt động gần đây của Trung Quốc, bao gồm ngôn ngữ chính trị và đánh giá chuyên gia về bức tranh toàn cảnh rộng hơn, có thể dự báo là Trung Quốc sẽ bổ sung thêm một số hoặc nhiều hơn “những người lính áo xanh”. Đặt biệt, những gì mà Nga đạt được ở Ukraine đã chứng tỏ việc hiểu khái niệm chiến tranh phức hợp quan trọng thế nào đối với việc xây dựng cơ sở cần thiết trong chiến lược phòng chống hiệu quả. 

Tuy nhiên, việc tập trung vào “những người lính áo xanh bé nhỏ” vẫn còn hạn chế và vì vậy cần phải mở rộng đánh giá đối với phạm vi rộng hơn của chiến tranh phức hợp, nên bao gồm cả khái niệm về “những người lính áo xám” (có thể hiểu là các phương tiện, thiết bị không người lái). Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ cho “những người lính áo xanh bé nhỏ” của họ với một hạm đội “những người lính áo xám” gồm tàu lượn trên không, trên biển và dưới mặt nước. Bên cạnh các mục đích chính trị thì hệ thống không người lái như được mô tả ở trên có thể được sử dụng với mục đích quân sự. Không có dấu hiệu quốc gia và không có người trên các thiết bị đó nên khả năng giao tiếp trực tiếp là bằng không. Điều đó dẫn tới sự nhầm lẫn giữa hai hoặc nhiều yếu tố phức hợp, làm gia tăng khả năng xung đột vũ trang. 

Xem xét năng lực xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc, kinh nghiệm của họ về chiến tranh phức hợp cùng với các công cụ phức hợp nhỏ và khá rẻ của họ thì hiển nhiên là việc áp dụng những thiết bị không người lái này nhiều khả năng sẽ gây nên mối đe dọa đối với các cơ chế an ninh trên Biển Đông trong thập kỷ tới.

Quan điểm của Donald Trump qua bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ của Matt Purple

Vào ngày 29/1/2002, Tổng thống George W. Bush trên lễ đài tại Hạ viện đã có bài phát biểu trong một phiên họp của Quốc hội. Ông Bush đã sử dụng bài phát biểu này để cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến ở Afghanistan và đưa ra cảnh báo về một âm mưu nham hiểm – trục ma quỷ.

Mới đây, cũng tại lễ đài đó, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ quan niệm về hậu sự kiện 9/11 của cựu Tổng thống Bush. Ông Bush đã thừa nhận rằng chiến tranh rất đắt nhưng người Mỹ sẽ hành động cho dù phải trả giá lớn đến đâu, nhưng ông Trump tính toán số tiền Mỹ tiêu tốn ở Trung Đông là hơn 6 nghìn tỷ USD và nói: “Với số tiền này, chúng ta có thể xây dựng lại đất nước của mình hai hay thậm chí ba lần”. Ông Bush coi các nhiệm vụ của Mỹ là những nhiệm vụ toàn cầu không chút nao núng, nhưng ông Trump quả quyết: “Việc của tôi không phải là đại diện cho thế giới mà việc của tôi là đại diện cho nước Mỹ”. Theo ông Bush, hành động quân sự cứng rắn ở nước ngoài có thể mở ra một kỷ nguyên tự do toàn cầu, còn ông Trump lại cho rằng cải tiến nội bộ mới là “chìa khóa” cho một “chương mới về sự vĩ đại của nước Mỹ”. 

Nhân cách và quan niệm về nước Mỹ của ông Bush có vai trò truyền giáo vũ trang, với mong muốn chuyển đổi thế giới thành chủ nghĩa tự do dân chủ. Bài phát biểu của ông Trump cho thấy điều gì đó như bị chọc giận, bị hại và hiện giờ cần sốc lại tinh thần cho nước Mỹ và theo đuổi sự vĩ đại của riêng mình. Hai tầm nhìn khác nhau dưới cùng một đảng Cộng hòa là một minh chứng cho thấy chính trị có thể thay đổi một cách “chóng mặt”. 

Cả hai bài phát biểu thuộc chủ nghĩa tự do của ông Trump và ông Bush đều khác hẳn nhau so với bài phát biểu truyền thống mang tính bảo thủ của cố Tổng thống Ronald Reagan, nhưng hai bài phát biểu đó đã đối chọi với nhau, giữa vũ trang và lợi ích dân tộc, thậm chí cam kết của ông Trump trong việc chống lại chủ nghĩa Hồi giáo được diễn đạt theo ý nghĩa vì lợi ích của nước Mỹ chứ không phải một cuộc “thập tự chinh” trừu tượng. Không thể phủ nhận rằng bài phát biểu của Tổng thống Trump là một sự phản ứng dữ dội chống lại các bài phát biểu trước đó của các cựu tổng thống. Ông Trump nói: “Tôi sẽ không cho phép những sai lầm của thập kỷ vừa qua dẫn dắt tương lai của nước Mỹ”. Khi dùng từ “sai lầm”, ý ông Trump là các cuộc chiến tranh sự là “dã tràng xe cát” ở những nơi xa lạ, mục đích vô định, tất cả những điều đó đã được thể hiện trong mục tiêu tranh cử cho ông Trump vừa qua. 

Đảng Dân chủ không phải là mục tiêu mà ông Trump nhắm tới, mà chính chủ nghĩa truyền giáo toàn cầu của đảng Cộng hòa do cựu Tổng thống Bush tán thành mới là mục tiêu ông Trump phê phán vì nó chỉ dẫn đến chiến tranh triền miên và kinh tế suy thoái. Sau sự kiện 11/9, ông  Bush đã tuyên bố: “Trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử đã rõ ràng: đáp trả các cuộc tấn công và thoát khỏi thế giới của cái ác”.   

Nước Mỹ đã không thể chấm dứt “cái ác” khi chúng xảy ra, và thất bại trước đây của Mỹ là một trong những lý do chính khiến ông Trump trở thành tổng thống Mỹ hiện nay./.