Bản PDF tại đây

 

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Xuất hiện 2 máy bay mới của Trung Quốc tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981. Từ 8 giờ 5 phút - 8 giờ 50 phút ngày 7/7, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã phát hiện 1 máy bay trực thăng bay từ giàn khoan ra ở độ cao 300-500m, bay 1 vòng quanh khu vực, sau đó bay về giàn khoan. Từ 11 giờ 20 phút-11 giờ 30 phút, phát hiện thêm 1 máy bay cánh bằng không rõ số hiệu bay từ hướng Bắc tới ở độ cao 800-1.000m, bay 2 vòng, sau đó rời khu vực theo hướng Bắc.  Ngày 8/7, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam phát hiện thêm máy bay dạng trinh sát điện tử của Trung Quốc bay liên tục quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981. Trong ngày 9/7, phía Trung Quốc duy trì khoảng 103-110 tàu các loại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981; trong đó có 40-42 tàu hải cảnh, 17-18 tàu vận tải, 16-18 tàu kéo, 26-28 tàu cá các loại và 4 tàu quân sự. Vào lúc 11 giờ 45 phút, 12 giờ 40 phút và 13 giờ 5 phút ngày 10/7, một máy bay cánh bằng của Trung Quốc mang số hiệu CMS-B3808 bay 3 lượt trên khu vực tàu Việt Nam hoạt động ở độ cao 200-300m, sau đó rời khu vực theo hướng Đông Bắc. Ngày 11/7, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 103-110 tàu các loại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981; trong đó có 43-45 tàu Hải cảnh, 17-19 tàu vận tải, 15 -16 tàu kéo, 22-24 tàu cá các loại và 6 tàu quân sự. Lúc 7 giờ 40 đến 9 giờ ngày 12/7, phía Trung Quốc đã điều một máy bay cánh bằng bay 4 lượt ở độ cao 200-300 mét trên khu vực các tàu Việt Nam hoạt động. Các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam vẫn thực hiện các đợt cơ động tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật. Trên khu vực tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản, toàn bộ tàu cá của Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh và 1 tàu dịch vụ hậu cần của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, ép hướng, không cho các tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan.

Trung Quốc phản đối công ty nước ngoài khai thác dầu khí ở Biển Đông. Về việc Philippines hôm 9/7 gia hạn thêm một năm cho công ty dầu khí Forum Energy tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/7, phát ngôn viên Hồng Lỗi tuyên bố: “Nếu không có sự cho phép từ phía Trung Quốc, hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt của bất kỳ công ty nước ngoài nào trên vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc là phi pháp và vô giá trị.” Ông Hồng còn ngang nhiên nhắc lại lập luận rằng Trung Quốc “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận.

Trung Quốc tuyên bố sẽ đặt giàn khoan Nam Hải 4 ở Biển Đông 1 năm. Cục Hải sự Trung Quốc hôm 10/7 thông báo giàn khoan Nam Hải 4 sẽ hoạt động tại Biển Đông từ ngày 9/7/2014 đến ngày 30/6/2015. Khu vực tác nghiệp nằm cách cảng Bát Sở, tỉnh Hải Nam khoảng 62 hải lý về phía tây nam, với tọa độ 18°36'48,47” Bắc/ 107°40'28,43” Đông. Cơ quan này yêu cầu các tàu bè không được vào khu vực có bán kính 2 km tính từ giàn khoan. Ngoài ra, cục này còn tuyên bố giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 cũng sắp tham gia thăm dò ở Biển Đông. 

Trung Quốc chiếu phim tài liệu về Biển Đông. Truyền hình Trung Quốc vừa công bố một bộ phim tài liệu gồm 8 phần mang tên “Hành trình trên Biển Đông”. Bộ phim này từng được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV4 từ ngày 24 đến 31/12 năm 2013. Mới đây, phim được trang web của CCTV đăng tải lại với phụ đề song ngữ Trung - Anh để truyền bá rộng rãi hơn. Bộ phim tài liệu dài hơn ba tiếng cho thấy những hoạt động lâu nay của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc theo dõi các nước có tranh chấp và củng cố sự hiện diện quân sự của nước này.

Trung Quốc củng cố âm mưu độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc đang cố gắng đăng ký Con đường tơ lụa trên biển với UNESCO, đồng thời đẩy mạnh việc bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Wang Yiping, phụ trách di sản văn hóa của tỉnh Hải Nam cho hay, xác các tàu đắm xung quanh đảo Hoàng Sa và đảo Quang Ảnh của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ được khai quật khảo cổ trong hai năm tới. Cái gọi là “TP Tam Sa” cũng đã lên chương trình bảo tồn trên đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc từ đầu năm nay. Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành các cuộc khảo cổ thường xuyên ở quần đảo Hoàng Sa và hiện mở rộng việc này xuống phía nam tới quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trung Quốc đã triển khai 3 tàu ngầm hạt nhân ra Biển Đông. Tờ InterAkyon dẫn thông tin trên một trang tin quân sự Trung Quốc cho biết, 3 tàu ngầm Type 094 đã được đưa đến căn cứ hải quân nằm trên đảo Hải Nam từ tháng 5/2014. Tàu ngầm Type 094 còn được gọi là tàu ngầm lớp Jin, là loại tàu ngầm có khả năng mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc. Mỗi tàu ngầm loại này có thể được trang bị 12 tên lửa đạn đạo với tầm bán khoảng hơn 7.800 km.

+ Việt Nam:

Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ. Ngày 11/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs); lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.” Trước đó hôm 10/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc tàu cá QNg 94912 TS bị phía Trung Quốc bắt giữ, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã tiến hành thăm lãnh sự và có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với sáu ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS bị Trung Quốc bắt giữ. Sức khỏe các ngư dân hoàn toàn ổn định. Hiện các ngư dân đang bị lưu giữ tại cảng Tam Á, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đang tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng tỉnh Hải Nam làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc.”

+ Philippines:

Philippines quan ngại về luật mới của Trung Quốc. Tờ South China Morning Post hôm 1/7 đưa tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã ban hành luật Bảo vệ Cơ sở Quân sự, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8. Đạo luật này là phiên bản mới của một bộ luật ban hành hồi năm 1990, vốn không bao gồm quy định bảo vệ các sân bay, đài phát thanh và vùng biển cấm. Đạo luật bổ sung nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy hải sản và các công trình xây dựng dân sự tại “vùng biển cấm”. Đối với quy định về gián điệp ngoại quốc, đạo luật mới bổ sung thêm một số điều khoản siết chặt kiểm soát các cơ sở dân sự tọa lạc gần các khu vực phòng thủ ven biển, bao gồm quy định nghiêm cấm các chuyến bay thấp ngang qua các vùng cấm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Ông Charles Jose hôm 7/7 cho biết Philippines đang theo dõi sát sao và nghiên cứu xem đạo luật mới của Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào đối với nước này.

Philippines hoan nghênh nghị quyết của Thượng viện Mỹ về Biển Đông. Bộ trưởng Truyền thông Philippines Herminio Coloma Jr. hôm 13/7 cho rằng Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với cơ chế phân xử trọng tài và giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông. Dẫn nghị quyết, ông Coloma cho rằng Mỹ tái khẳng định “sự cam kết và ủng hộ vững chắc đối với các đồng minh và đối tác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có chính sách lâu dài của Mỹ, như Điều V Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines”. Theo Ông Coloma, Mục 1 của nghị quyết rõ ràng “chỉ trích hành động cưỡng ép và đe dọa, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm cản trở sự tự do hoạt động của máy bay quân sự, dân sự trong không phận quốc tế, nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc làm bất ổn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. 

+ Mỹ:

Mỹ chỉ trích lập trường của Trung Quốc về tranh chấp biển. Phát biểu khai mạc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung lần thứ 6 ngày 9/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc rằng việc tìm cách tạo ra một hiện trạng mới ở Biển Hoa Đông và Biển Đông là điều không thể chấp nhận, “Chúng tôi tin rằng trật tự dựa trên luật pháp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là tối quan trọng. Chúng tôi muốn Trung Quốc đóng góp và tham gia vào trật tự đó, không đi ngược lại các quy tắc khu vực và quốc tế.” Ông Kerry hối thúc Trung Quốc sử dụng các cơ chế quốc tế để giải quyết những tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau. 

Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết về Biển Đông. Ngày 10/7, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết số S.RES.412 về Biển Đông. Nghị quyết khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và không phận ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm DOC mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002. Nghị quyết cũng hối thúc chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các lực lượng ra khỏi các vị trí hiện nay, ngay lập tức trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1/5/2014. Liên quan đến căng thẳng ở biển Hoa Đông, Nghị quyết S.RES.412 chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương áp đặt ADIZ ở vùng biển này từ ngày 23/11/2013, coi đây là hành động vi phạm công ước về hàng không dân dụng, gây căng thẳng quan hệ với các nước trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mỹ chỉ trích cách hành xử khiêu khích và đơn phương trên biển của Trung Quốc. Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ) hôm 11/7,  Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chiến lược và đa phương Michael Fuchs cho biết Mỹ mong muốn ASEAN và Trung Quốc có “một cuộc thảo luận thực sự” để thực hiện các cam kết kiềm chế trong DOC năm 2002 và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Theo ông Fuchs, Mỹ kêu gọi các quốc gia yêu sách cần làm rõ và tự nguyện dừng các hoạt động và hành vi làm leo thang căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Các cam kết đó sẽ giúp giảm căng thẳng và mở ra không gian cho các giải pháp hòa bình, đồng thời là một biện pháp xây dựng lòng tin mạnh mẽ. Bước đi đầu tiên đã được thể hiện trong DOC là các bên tranh chấp tái cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự mới. Về việc xây dựng và cải tạo đất, các bên yêu sách có thể làm rõ những loại thay đổi nào là “khiêu khích” và loại nào chỉ đơn thuần là các nỗ lực nhằm duy trì sự hiện diện từ lâu, phù hợp với nguyên trạng năm 2002. Ông Fuchs hy vọng sẽ có tiến bộ thực sự trong những nỗ lực của khu vực nhằm thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Myanmar vào tháng tới.

Quan hệ các nước

Liên đoàn các nhà báo ASEAN quan ngại về hành động của Trung Quốc. Tuyên bố ngày 3/7 của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) nêu rõ: “Những hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã trở thành một mối quan ngại nghiêm trọng đối với toàn thể người dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới, nhất là người dân ở Đông Nam Á.” CAJ ủng hộ mọi nỗ lực của chính phủ các nước liên quan và các cơ quan, tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp lâu dài và mang tính ràng buộc cho vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình. Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc, với tư cách một thành viên hàng đầu của Liên hợp quốc, cần thể hiện vai trò đi đầu bằng việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng, tuân thủ các quy tắc luật pháp quốc tế và công nhận tầm quan trọng của cơ chế trọng tài quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp.

Việt Nam-Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh. Chiều 7/7 tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Đoàn Ủy ban An ninh Hạ nghị viện Nhật bản do Ngài Eto Akinori, Chủ tịch Ủy ban An ninh Hạ nghị viện Nhật Bản làm trưởng đoàn. Ngài Eto Akinori khẳng định Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua việc đào tạo, phát triển nhân lực. Hiện nay Nhật Bản đang hoàn thành các thủ tục về mặt pháp lý cung cấp vốn ODA cho Chính phủ Việt Nam đóng mới tàu tuần tra cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cảm ơn sự giúp đỡ của Nhật Bản và nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả “Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương” ký năm 2011.

Mỹ - Trung đối thoại an ninh chiến lược lần thứ tư. Ngày 8/7 tại thủ đô Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại và người đồng cấp Mỹ William Burns đã đồng chủ trì Đối thoại An ninh Chiến lược Trung – Mỹ lần thứ 4 trong khuôn khổ của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED). Hai bên đã trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm như an ninh toàn diện và chiến lược, đồng thời nhất trí duy trì và thúc đẩy cơ chế S&ED nhằm tăng cường tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước. Ngày 9/7, hai nước bắt đầu S&ED thường niên lần thứ sáu và Tham vấn cấp cao về giao lưu nhân dân lần thứ năm. Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang, đối thoại chiến lược năm nay xoay quanh một loạt chủ đề về chính sách đối nội-đối ngoại, khoa học và cải cách, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, quan hệ tương tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu khai mạc S&ED, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thảm họa và cả hai bên cần phải tôn trọng lẫn nhau và đối xử một cách công bằng. 

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Mỹ. Tối 10/7 theo giờ Việt Nam, Hội thảo thường niên lần thứ tư về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức đã khai mạc tại thủ đô Washington của Mỹ, quy tụ các học giả hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Với chủ đề “Các xu hướng hiện tại ở Biển Đông và chính sách của Mỹ,” các học giả đã đi sâu phân tích các diễn biến gần đây trên Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như vụ kiện pháp lý mà Philippines đang tiến hành chống Trung Quốc tại Tòa án Liên hợp quốc về Luật Biển (ITLOS). Theo kế hoạch, trong ngày 11/7, hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận về triển vọng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và việc hợp tác, xây dựng lòng tin nhằm giúp giải quyết vấn đề nóng bỏng và gai góc này.

Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác quốc phòng. Nhật Bản và Mỹ đang mở rộng hợp tác quân sự song phương. Đây cũng là mục tiêu chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản tại Lầu Năm Góc hôm 11/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hoan nghênh việc Chính phủ Nhật Bản bắt đầu triển khai quyền phòng vệ tập thể với việc diễn giải lại hiến pháp. Theo ông Hagel, đây là một bước ngoặt trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản, qua đó cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera khẳng định chính sách mới sẽ mang lại nhiều lợi ích, “Quan hệ hợp tác song phương Nhật-Mỹ sẽ giúp tăng cường an ninh khu vực và qua đó đóng góp sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Hai bên cũng cũng trao đổi chi tiết vai trò của quân đội Mỹ trong việc mở rộng hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.

Phân tích và đánh giá

“Luật an ninh mới của Trung Quốc sẽ là thảm họa ở Biển Đông?” Mới đây, Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua Đạo luật Bảo vệ Cơ sở Quân sự nhằm tăng cường “bảo vệ các cơ sở quân sự và vùng lãnh hải của Trung Quốc” trước “các hành động xâm nhập vào khu vực cấm trên biển của Trung Quốc” và “hoạt động gián điệp”. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng luật an ninh quân sự mới này có thể trở thành thảm họa nếu nó được thực thi trong vùng biển thuộc đường chín đoạn mà Trung Quốc yêu sách trên Biển Đông. Chuyên gia phân tích quốc phòng Rommel Banlaoi của Philippines nhận định nếu Trung Quốc quyết định thực thi đạo luật mới trong đường chín đoạn bao trọn 80% diện tích Biển Đông, thì có khả năng sẽ xảy ra xung đột quân sự tại khu vực. Ông Banlaoi phân tích: “Đạo luật này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề, bởi đường chín đoạn của Trung Quốc lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của nhiều nước khác trong khu vực.” Theo quy định của đạo luật này, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng quân sự trong các “lãnh thổ ven biển” gần đảo Hải Nam với lý do “tăng cường an ninh quân sự” chống lại cái mà họ gọi là “nguy cơ bị do thám từ nước ngoài”. Đạo luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, và Trung Quốc có thể áp dụng nó đối với các căn cứ quân sự mà họ xây dựng trái phép trên Biển Đông. “Với những bước đi nhỏ như thế này, Trung Quốc có thể thực sự làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.” Cũng theo ông Banlaoi, nếu Bắc Kinh thực thi đạo luật này trên Biển Đông khiến tình hình ngày càng căng thẳng và leo thang thành xung đột quân sự, nó không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực mà còn đe dọa đến sự ổn định của cả thế giới, “Biển Đông là tâm điểm của tuyến giao thương hàng hải tới vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nơi khoảng 50% phương tiện hàng hải thế giới đi qua.” Theo chuyên gia này, hiện nay Trung Quốc đang cố tình mập mờ về nội hàm của “khu vực cấm” mà họ đưa ra trong đạo luật này, vì không hề có một khái niệm rõ ràng nào về “khu vực cấm”. Tuy nhiên, ông Banlaoi nhận định rằng trước mắt Trung Quốc vẫn sẽ thực thi đạo luật này một cách cẩn trọng trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển nước này. Sự thận trọng này cũng được thể hiện trong các bản tin của Trung Quốc khi họ cố tình không đề cập đến Biển Đông hay các nước láng giềng. Trước động thái trên của Trung Quốc, ông Banlaoi cho rằng các ngư dân vẫn có thể đánh bắt cá bình thường trên Biển Đông mà không sợ điều luật mới của Trung Quốc, bởi họ có quyền hợp pháp hoạt động đánh bắt hải sản trong phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế.

“Mỹ định ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông như thế nào?” của Geoff Dyer và Richard McGregor. Washington đang áp dụng một chiến thuật quân sự mới ở Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Theo đó, Mỹ đang gia tăng việc sử dụng các máy bay do thám và tăng cường các hoạt động hải quân gần các khu vực có tranh chấp tại Đông Nam Á. Một trong những động thái chiến lược thể hiện chiến thuật quân sự mới của Washington trên Biển Đông là việc điều máy bay giám sát P-8A ra khu vực Bãi Cỏ Mây hồi tháng 3/2014. Máy bay Mỹ đã bay ở độ cao thấp, đủ để họ có thể nhìn thấy các tàu Trung Quốc đang bao vây và ngăn cản một tàu Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm và trang bị thiết yếu cho một tiểu đội thủy quân lục chiến Philippines đang đồn trú trên một chiếc tàu chiến mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây. Ý nghĩa của động thái này, theo một cựu quan chức của Lầu Năm Góc, là nhằm gửi đến Bắc Kinh một thông điệp: “Chúng tôi biết những gì bạn (Trung Quốc) đang làm. Những hành động của bạn sẽ có hậu quả. Chúng tôi có khả năng, ý chí và chúng tôi đang hiện diện ở đây”. Theo tiết lộ của một phát ngôn viên của Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, các hoạt động giám sát trên các vùng biển và không phận ở khu vực này của đã được Hải quân Mỹ tiến hành một cách thường xuyên. Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ gia tăng sử dụng máy bay do thám trong khu vực cho thấy Washington có thể có ý định công bố công khai hình ảnh hoặc video về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải lo ngại việc Washington đưa ra các bằng chứng hình ảnh, video cho thấy các tàu của Trung Quốc quấy rối ngư dân Việt Nam hay Philippines. Không chỉ gia tăng các chuyến bay giám sát trong khu vực, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương còn được yêu cầu phối hợp, chia sẻ thông tin trên biển với các nước trong khu vực. Theo đó, chính phủ các nước ở Tây Thái Bình Dương sẽ được cung cấp thông tin chi tiết về vị trí của các tàu trong khu vực. Một vài nước cho biết, họ đã bị bất ngờ trước sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc. Song song với đó, Mỹ còn hỗ trợ Philippines, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực nâng cấp thiết bị radar cũng như các hệ thống giám sát khác và hiện đang tìm cách tích hợp các thông tin này vào một mạng lưới chia sẻ dữ liệu rộng lớn hơn trong khu vực. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định rằng, việc gia tăng các chuyến bay giám sát tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông cho thấy Mỹ “có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và Washington phản đối các hành vi ép buộc, đe dọa nhằm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng: “Tôi không dám chắc rằng việc tăng cường các chuyến bay giám sát sẽ ngăn chặn được các hành vi của Trung Quốc.

“Trung Quốc đang bịa đặt lịch sử?” của Bill Hayton. Lần đầu tiên một quan chức chính phủ Trung Quốc đặt chân lên một đảo thuộc quần đảo Trường Sa là ngày 12/12/1946, khi đó các đế quốc Anh và Pháp đều đã chiếm phần trên Biển Đông. Một phái đoàn cấp tỉnh của Trung Quốc đã đến quần đảo Hoàng Sa trước đó vài thập kỷ, vào ngày 6 tháng 6 năm 1909, thực hiện một nhiệm vụ có vẻ như là một chuyến thám hiểm trong một ngày, được dẫn đường bởi các thuyền trưởng người Đức thuê từ hãng buôn Carlowitz. Đây là bức tranh lịch sử được kể lại bởi các nghiên cứu học thuật độc lập đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, nếu đem kể câu chuyện này cho gần như bất kỳ người Trung Quốc nào, họ cũng sẽ tỏ ra ngờ vực. Từ trong các lớp học cho đến tại những cơ quan ngoại giao, chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông đã tồn tại như một sự thật hiển nhiên. Họ coi “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi” và “người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho các hòn đảo Nam Sa (Trường Sa)”. Làm thế nào mà cả một quốc gia có thể có được ý thức sở hữu đối với Biển Đông rõ ràng đến thế? Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Nha phiến năm 1840 và khoảng thời gian người Trung Quốc gọi là “thế kỷ ô nhục” diễn ra sau đó. Trung Quốc rõ ràng đã chịu nhiều tổn thất nặng nề dưới tay các nước đế quốc phương Tây và Nhật Bản: hàng ngàn người chết, nhiều thành phố bị trở thành thuộc địa và chính quyền phải chịu nhiều khoản nợ từ các ngân hàng quốc tế. Nhà nghiên cứu địa lý William Callahan và nhiều người khác đã chỉ ra trong quá trình đấu tranh chống lại sự thống trị của nước ngoài, các lực lượng Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đã cố tình tạo ra một ý thức rằng Trung Quốc bị xâm phạm lãnh thổ để huy động quần chúng như thế nào. Từ những năm 1900 trở về sau, các nhà nghiên cứu địa lý Trung Quốc như Bai Meichu, một trong những người sáng lập Hội Địa lý Trung Quốc, đã bắt đầu vẽ các bản đồ cho người dân của họ thấy những phần lãnh thổ nào của Trung Quốc đã bị các đế quốc lấy đi. Những “bản đồ quốc nhục” này cho rằng lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc bao gồm tất cả những nước chư hầu xưa kia đã triều cống cho hoàng đế Trung Hoa. Những vùng đất này bao gồm cả bán đảo Triều Tiên, nhiều phần đất rộng lớn của Nga, Trung Á, vùng Himalaya và nhiều vùng thuộc Đông Nam Á. Trên những bản đồ này đã xuất hiện những đường kẻ cho thấy sự đối lập lớn giữa một lãnh thổ to lớn của đế chế Trung Hoa trước kia với một diện tích đất nước đã bị thu nhỏ đáng kể. Như là định mệnh, sau khi chính quyền Trung Quốc thay tên cho các hòn đảo trên Biển Đông vào năm 1935, một đường kẻ như vậy được vẽ bao quanh Biển Đông. Đây là đường kẻ ngày nay có tên gọi “đường chữ U” hay “đường 9 đoạn” khoanh trọn 80% diện tích Biển Đông và tất cả các đảo và quần đảo trong đó. Sự cố trong khi vẽ bản đồ này, vốn do diễn dịch sai lịch sử Đông Nam Á, chính là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền hiện nay của Trung Quốc. Vậy, làm thế nào mới có thể thuyết phục người dân Trung Quốc nhìn nhận lịch sử Biển Đông dưới một quan điểm khác? Câu trả lời có thể nằm ở Đài Loan. Tại Đài Loan, người ta dễ dàng thiết lập một diễn đàn tranh luận tự do hơn về lịch sử Trung Quốc so với ở Trung Quốc đại lục. Hiện đã có một số học giả “bất đồng chính kiến” suy nghĩ lại về một số phương diện của lịch sử thế kỷ 20. Đài Loan cũng là nơi lưu trữ những tư liệu của Trung Hoa Dân Quốc, chính quyền đầu tiên vẽ ra “đường chữ U”. Một cuộc kiểm tra cởi mở và kỹ lưỡng lại quá trình cẩu thả trong việc vẽ ra đường chín đoạn có thể thuyết phục những người có vai trò định hướng dư luận kiểm chứng lại một số vấn đề liên quan đến chủ nghĩa dân tộc còn chưa rõ ràng mà họ từ lâu coi là chân lý. Có lẽ lý do thuyết phục nhất để bắt đầu ở Đài Loan là bởi chính quyền Bắc Kinh sợ rằng nếu nhượng bộ thì họ sẽ bị chỉ trích quyết liệt tại Đài Bắc. Còn nếu chính quyền Đài Bắc xuống thang những xung đột xuất phát từ ghi chép lịch sử Biển Đông, thì chính quyền Bắc Kinh sẽ dễ dàng làm theo hơn. Chìa khóa dẫn đến một tương lai hòa bình cho châu Á nằm ở việc kiểm chứng quá khứ một cách trung thực và có phản biện.

“Indonesia sẽ có vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông?” của Bruno Hellendorff – Thierry Kellner. Trong tranh chấp Biển Đông, Indonesia đóng một vai trò đặc biệt, như một “người hòa giải”, “người trung gian”. Jakarta thực hiện vai trò này một cách tự tin, phù hợp với đường lối đối ngoại truyền thống của quốc gia này. Mang tên gọi “Tự do và Chủ động”, học thuyết đối ngoại của Indonesia có mục đích kép. Thứ nhất, nhằm ngăn chặn sự can thiệp của các thế lực bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự độc lập của quốc gia. Thứ hai, nhấn mạnh rằng đất nước không nên bị động, thay vào đó nên xác lập vị thế của người điều hành quan hệ quốc tế. Những nguyên tắc này đã được thể hiện trong kế hoạch của Ngoại trưởng Nategawa nhằm thúc đẩy “sự cân bằng năng động” ở Đông Nam Á. Thực chất, chính sách này nhằm thiết lập cho Indonesia đóng một vai trò như một “đầu mối ngoại giao”, một “nhà môi giới quyền lực” trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều vụ việc và diễn biến đã làm phức tạp hóa tình hình an ninh – chính trị Đông Nam Á và khiến Indonesia phải xem xét lại quan điểm của mình. Vào tháng 3/2014, một quan chức cấp cao Indonesia, tướng Fahru Zaini có nói rằng “Trung Quốc tuyên bố vùng nước thuộc quần đảo Natuna thuộc lãnh thổ của họ”. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Natalegawa đã bác bỏ bình luận của ông Zaini và khẳng định đường lối của Indonesia là không có xung đột với Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó nhiều quan chức quân đội Indonesia cũng thừa nhận là nước này đã điều động quân đội cùng tàu quân sự, máy bay chiến đấu ra Quần đảo Natuna. Sau sự việc này, truyền thông quốc tế cũng như dư luận đã dấy lên câu hỏi đâu là thái độ thực sự của Indonesia trong vấn đề Biển Đông. Theo nhận định của truyền thông quốc tế, nếu Indonesia trở thành một bên trong tranh chấp Biển Đông sẽ dẫn đến nhiều hệ quả đối với địa chính trị khu vực Đông Nam Á. Thứ nhất, nó có thể sẽ khiến cho Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng, thậm chí sẽ cắt đứt nỗ lực thỏa luận và đàm phán. Thứ hai, việc gây hấn với quốc gia lớn nhất Đông Nam Á có thể sẽ khiến các quốc gia trong khu vực liên kết với nhau chống lại Trung Quốc. Thứ ba, nó có thể làm suy yếu lập luận của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về “đường lưỡi bò”, chủ quyền của Indonesia trong vùng EEZ là rất vững chắc, phù hợp với UNCLOS. Thứ tư, các quốc gia ASEAN sẽ nhờ cậy đến sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Mặc dù quan điểm “nước đôi” của Indonesia không thay đổi nhưng những áp lực từ bên ngoài có thể sẽ buộc Jakarta dần dần thay đổi. Bên cạnh đó, những diễn biến trong nước cũng có ảnh hưởng nhất định. Tháng 6 vừa rồi, hai ứng viên Tổng thống Indonesia, Joko Widodo và Prabowo Subianto, đã có cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại. Đáng chú ý, hai người thể hiện quan điểm trái ngược nhau về vấn đề Biển Đông. Ông Prabowo cho rằng Indonesia nên can thiệp vào cuộc xung đột trong khi ông Widodo phản đối việc đó. Sự bất đồng này phản ánh một điều rằng, Indonesia đang cố gắng tìm cho mình một vị trí thích hợp trong bối cảnh chủ quyền trên biển bị đe dọa. Rõ ràng, Indonesia mong muốn đẩy mạnh vai trò của mình hơn nữa trên Biển Đông. Tự nhận là “nhà môi giới trung thực”, Indonesia tham dự tích cực vào quá trình giải quyết tranh chấp. Chính quyền Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho thấy rằng họ đang thực hiện đúng hướng chính sách đối ngoại “Tự do và Chủ động”. Một Indonesia tự tin, can thiệp sâu hơn vào vấn đề Biển Đông là một điều đáng hoan nghênh. Sự ủng hộ của Jakarta đối với COC và các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình cần phải được tiếp tục thực hiện./.