Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tăng tốc xây dựng đảo trái phép trên Biển Đông. Theo tạp chí phân tích quốc phòng IHS Jane, hình ảnh bãi đá Gaven chụp từ vệ tinh cuối tháng 1/2015 cho thấy một đảo nhân tạo đã hình thành và nối với công trình ban đầu bằng một đường đắp cao. Tại đá Gạc Ma, hình chụp vào tháng 1/2015 cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một công trình lớn tại đây. Ngoài ra, tại đá Tư Nghĩa, hình chụp tháng 1/2015 cho thấy từ một công trình ban đầu trên  diện tích gần 380 mét vuông thì đến nay, nó được mở rộng lên tới 75.000 mét vuông với các công trình lớn đang được xây dựng. Cũng theo IHS Jane, hiện tại Trung Quốc đã cải tạo Đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo dài ít nhất 2,7 km.

+ Việt Nam:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản. Trong cuộc điện đàm chiều 13/2, Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước trong năm 2014, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ song phương phát triển toàn diện, hiệu quả. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ lo ngại về những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, trái với DOC; ủng hộ giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế.

+ Philippines:

Philippines tiếp tục phản đối Trung Quốc cải tạo đất ở Trường Sa. Trong cuộc họp báo ngày 10/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, ngày 4/2 Bộ này đã triệu đại diện sứ quán Trung Quốc tại Manila đến để trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn. Người Phát ngôn Charles Jose nhấn mạnh Đá Vành Khăn thuộc lãnh thổ Philippines và chỉ Philippines mới có quyền xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các kết cấu khác ở khu vực xung quanh Đá Vành Khăn. Theo ông Charles Jose, “Phiippines yêu cầu Bắc Kinh ngừng các hoạt động cải tạo đất trên Đá Vành Khăn, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và các cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước này.

Philippines: ‘Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết về tranh chấp biển’. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 12/2, Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio khẳng định Trung Quốc phải tuân thủ mọi phán quyết của tòa về tranh chấp biển với Philippines ngay cả khi nước này từ chối tham gia việc phân xử trọng tài, “Trung Quốc hiện diện hay không sẽ không thành vấn đề, nếu tòa án nhận thấy có quyền xét xử, họ sẽ hành động. Chúng tôi không muốn bất kỳ nước nào chọn cách thức dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.” Theo ông Carpio, “Dư luận thế giới sẽ đứng về phía Philippines và bất kỳ quốc gia nào trên thế giới không thể vi phạm luật pháp quốc tế lâu dài, đặc biệt nếu có phán quyết do một tòa án quốc tế có thẩm quyền đưa ra.”

+ Nhật Bản:

Nhật Bản kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế trong tranh chấp biển. Ngày 12/2, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra một hội thảo về tranh chấp biển đảo với sự tham gia của một số quan chức đại sứ quán nước ngoài ở Tokyo, cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam, Trung Quốc, và một số nước Phương Tây. Phát biểu tại cuộc hội thảo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng tranh chấp và căng thẳng ở các vùng biển Châu Á. Việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của luật pháp là cần thiết để bảo đảm hoà bình và ổn định ở các vùng biển của khu vực.”

Quan hệ các nước

Tổng thống Indonesia thăm Philippines. Ngày 8/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Philippines. Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Widodo, trong đó có Malaysia và Brunei. Ngày 9/2, Tổng thống Indonessia Joko Widodo có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Hai nhà lãnh đạo bàn thảo các vấn đề hợp tác song phương, nhất trí sớm đàm phán về biên giới lục địa, sẽ xem xét lại các thỏa thuận xuyên biên giới và thỏa thuận tuần tra biên giới.

Tập trận thường niên “Hổ mang Vàng” diễn ra tại Thái Lan. Cuộc diễn tập quân sự đa quốc gia lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương “Hổ mang Vàng” đã bắt đầu từ ngày 9/2 với sự tham gia của các lực lượng vũ trang các nước Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore cùng một số nước quan sát viên. Năm nay, lần đầu tiên sẽ có sự tham dự của Ấn Độ trong khi Trung Quốc sẽ tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo. Dự kiến cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” 2015 sẽ kéo dài đến ngày 20/2 và tập trung vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ thảm họa.

Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm thúc đẩy quan hệ hợp tác. Thông báo của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 10/2, lãnh đạo hai nước cùng điểm lại những tiến triển trong quan hệ song phương, tìm kiếm các cơ hội để tăng cường hợp tác trong năm 2015. Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế chống đại dịch Ebola tại các nước Tây Phi và an ninh y tế lâu dài của toàn cầu, hối thúc hai bên nhanh chóng thu hẹp các bất đồng trong vấn đề an ninh mạng. Tổng thống Obama cũng chính thức mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Mỹ vào cuối năm nay.

Mỹ-Singapore tiến hành Đối thoại chiến lược lần thứ 3. Ngày 13/2 tại Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel và Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong  đồng chủ trì cuộc Đối thoại Đối tác Chiến lược lần thứ 3. Tuyên bố chung sau đó cho hay hai bên khẳng định cuộc đối thoại đã góp phần thúc đẩy hợp tác song phương và quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Singapore phát triển mạnh mẽ. Đề cập tới vấn đề các tranh chấp trong khu vực, Mỹ và Singapore khẳng định tầm quan trọng của việc tất cả các bên phải giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Mỹ và Singapore cũng kêu gọi các bên thể hiện sự kiềm chế, bao gồm cả hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Hai bên khuyến khích các thành viên ASEAN và Trung Quốc thực thi một cách toàn diện và có hiệu quả DOC, sớm hoàn tất COC.

Phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung. Ngày 13/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tiến hành điện đàm với tư cách hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung để trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ trong năm 2015. Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác trong việc điều phối, thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước; tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước; kiểm soát và giữ vững ổn định trên biển, duy trì quan hệ hai nước phát triển ổn định, bền vững.

Máy bay tuần tra của Nhật Bản ghé thăm Malaysia. Hai máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản hạ cánh tại căn cứ Không quân Hoàng gia Malaysia ở Butterworth, bang Penang vào ngày 20-21/2. Tuyên bố của Đại sứ quán Nhật Bản tại Malaysia cho biết đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ghé thăm căn cứ Không quân Hoàng gia Malaysia sau khi tham gia tìm kiếm máy bay mất tích MH370 hồi năm ngoái. Đây là sự kiện mang tính biểu tượng đánh dấu cho mối quan hệ tương lai giữa lực lượng quân đội hai nước.

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc và tham vọng thống trị Tây Thái Bình Dương”

Chỉ hai tháng sau cuộc diễn tập quân sự lớn nhất trong lịch sử, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã một lần nữa triển khai các tàu đến khu vực Tây Thái Bình Dương để thực hiện thêm các cuộc diễn tập quân sự. Theo tờ Want China Times, Trung Quốc đang tăng tần suất các cuộc tập trận hải quân với mục đích kiểm soát Chuỗi đảo thứ 2 tại Thái Bình Dương - bao gồm một loạt các hòn đảo trải dài từ phía bắc và phía nam Nhật Bản đến quần đảo Bonin và Marshall, cũng như tìm cách lấy lại quyền kiểm soát Eo biển Đài Loan.

Theo nhà chức trách Nhật Bản, vào ngày 13/2, một máy bay do thám P-C3 phát hiện hai tàu Trung Quốc – tàu khu trục Taizhou DDG-138 và chiến hạm Xuzhou 054A – đang tiến về hướng Đông Nam, cách khoảng 110 km về phía Đông Bắc đảo Miyako nằm ở quận Okinawa ở phía Nam Nhật Bản.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vào ngày 12/2 rằng việc triển khai thường xuyên các tàu nằm trong kế hoạch huấn luyện hàng năm của Hải quân PLA, nhưng các chuyên gia Mỹ cho rằng việc gia tăng các hoạt động hải quân cho thấy Bắc Kinh có thể có những tham vọng trong dài hạn để mở rộng khu vực kiểm soát của họ.

Richard C. Bush, chuyên gia tại Viện Brookings, và Bud Cole, từ War College National ở Washington, nói rằng tham vọng của Trung Quốc đó là tới giữa thế kỷ này sẽ có được tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như đủ khả năng tranh giành các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương để đoạt được chuỗi đảo thứ 2 - khu vực cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.800 hải lý.

Cả hai chuyên gia Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về khoảng cách giữa năng lực quân sự của Trung Quốc và Đài Loan – đặc biệt là công nghệ tên lửa và chiến tranh mạng – đang ngày càng lớn hơn so với trước đây. Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ hai bờ thêm phức tạp và nguy hiểm, ngoài ra Washington nên theo dõi chặt chẽ vấn đề trên, bởi Đài Loan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp, với khả năng thay đổi chế độ trong năm tới.

“Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đang bẻ cong luật pháp?” của Mira Rapp-Hooper

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) gần đây đã cho ra ấn phẩm đặc biệt về hoạt động cải tạo và xây dựng đảo tại Biển Đông. Các phân tích của AMTI cũng đưa ra những sự liên hệ đáng chú ý giữa các hoạt động của Trung Quốc với luật pháp quốc tế.

Cải tạo đảo không phải là hành động phi pháp một cách tuyệt đối: không có luật quốc tế nào ngăn cấm hoạt động này, mặc dù nó đi ngược lại tinh thần của DOC năm 2002. Khi hoạt động cải tạo đảo diễn ra bên ngoài lãnh hải nhưng nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của một quốc gia ven biển, hoạt động này sẽ được điều chỉnh bởi các điều khoản của Công ước Liên Hp Quốc về Luật biển (UNCLOS) liên quan đến vùng EEZ và Thềm Lục địa. Quốc gia ven biển nằm gần nhất đối với các thực thể mà Trung Quốc đang cải tạo đó là Philippines, và hầu hết các thực thể này đều nằm trong EEZ của Philippines. Nhưng theo UNCLOS, các đảo nhân tạo không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào.

Quan trọng hơn đó là việc hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc sẽ tác động như thế nào tới luật pháp. Thời điểm tiến hành và những chiến dịch với quy mô lớn của Trung Quốc là lý do để các chuyên gia nghi ngại rằng các hành động của nước này ở Biển Đông là nhằm vào vụ kiện của Philippines tại The Hague. Trong vụ kiện của Philippines, một trong những luận điểm của Manila đó là một vài thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng chỉ là đá, và do đó chỉ được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý theo như Điều 121 UNCLOS, chứ không được hưởng vùng EEZ hay Thềm Lục địa như các thực thể đảo. Theo Điều 121, đảo phải được “hình thành tự nhiên”, do đó Trung Quốc không thể kỳ vọng thay đổi tình trạng pháp lý của các đá bằng cách biến chúng thành các đảo nhân tạo. Nhưng với việc tiến hành hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn, Bắc Kinh đang khiến tòa gặp khó khăn  trong việc quyết định liệu ở thời điểm ban đầu, các thực thể nằm trong hồ sơ khởi kiện của Philippines có thực sự là đá hay rạn san hô hay không. Trên thực tế, Trung Quốc có thể “đổi trắng thay đen” tại Biển Đông.

Đáng tiếc, cộng đồng quốc gần như không có công cụ hữu hiệu nào để ứng phó với các hành động của Trung Quốc. Như chuyên gia Greg Poling đề xuất, các quốc gia tại khu vực có thể tiến hành một chương trình khảo sát quy mô lớn tại Biển Đông để xác định các thực thể có liên quan là đảo, đá, hay các bãi nổi khi thủy triều lên. Điều này sẽ rất hữu ích cho các vụ kiện có liên quan tới Biển Đông trong tương lai, và Mỹ và các nước khác nên đưa ra những khoản hỗ trợ cụ thể cho chương trình khảo sát này. Không chỉ có thế, giới phân tích và giới truyền thông cần phải tiếp tục làm sáng tỏ hành vi gây bất ổn của Trung Quốc. Tuy nhiên, đáng chú ý, theo nhiều nhà phân tích, chương trình cải tạo quy mô lớn tại Trường Sa của Trung Quốc sẽ gần như hoàn tất các hoạt động xây dựng cơ bản vào cuối năm 2015 – trước thời điểm tòa trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện. Nếu những hoạt động này có ảnh hưởng tới phán quyết của tòa trọng tài, điều này khiến cho các vụ kiện trong tương lai về Biển Đông sẽ khó khăn hơn, và khiến các quốc gia tại đây ngày càng khó có thể quản lý tranh chấp.

Không chỉ có những tác động pháp lý, hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc còn có cả những tác động khác. Nếu Bắc Kinh xây dựng sân bay và sân đỗ trực thăng trên các đảo nhân tạo như nhiều chuyên gia nhận định, năng lực triển khai sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ được gia tăng một cách đáng kể. Một vài chuyên gia khác còn dự đoán sự cải thiện này sẽ thúc đẩy Trung Quốc tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Đông, tuy nhiên đây là câu chuyện của ít nhất là một vài năm tới. Tác động của hoạt động xây dựng với tốc độ chóng mặt này lên Luật Biển sẽ được nhận thấy sớm hơn rất nhiều so với câu chuyện về ADIZ.

“2015 là thời điểm lý tưởng để Tổng thống Obama thăm Việt Nam” của Murray Hiebert, Phuong Nguyen

Năm 2015, năm đánh dấu 20 năm quan hệ Việt - Mỹ, sẽ là cơ hội tuyệt vời để Mỹ và Việt Nam thúc đẩy quan hệ, đỉnh điểm là chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Barack Obama, được mong đợi là sẽ diễn ra vào cuối năm.

Tháng 11/2015, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Malaysia. Với việc tới Việt Nam trong thời gian đó, ông Obama sẽ có thể xác lập những thắng lợi quan trọng về chính sách ngoại giao, đồng thời phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện mà ông đã tuyên bố cùng người đương nhiệm Việt Nam hồi 2013.

Trong lĩnh vực kinh tế, nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất trong nửa đầu năm nay thì ông Obama sẽ có vốn liếng đáng kể trong hành chuyến công du Á Châu vào cuối năm. Thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt 35 tỷ đô la trong năm ngoái, chiếm 22% tổng thương mại Mỹ có với khối ASEAN và đưa Việt Nam trở thành nhà cung ứng lớn nhất trong ASEAN cho thị trường Mỹ. Nếu đàm phán TPP hoàn tất thì thương mại song phương được trông đợi là sẽ tăng lên 57 tỷ đô la tính đến 2020, theo ước tính của Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực an ninh, theo thỏa thuận khung giữa Mỹ và Việt Nam, được đàm phán hồi năm 2011, có 5 lĩnh vực ưu tiên được đề cập tới, gồm đối thoại cấp cao, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo và thảm họa, và gìn giữ hòa bình, đã được coi là cơ sở hợp tác giữa hai nước từ những năm qua, trong đó vấn đề hàng hải được đặc biệt quan tâm. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Tổng thống Obama nên tính chuyện có diễn văn về vấn đề tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á trong tương lai và tái xác nhận tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với lợi ích dài hạn của Mỹ tại khu vực. Việc hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ là dịp đặc biệt thích hợp để ông Obama có bài diễn văn như vậy.

Ngoài ra, còn hai sáng kiến nổi bật nữa của Mỹ khiến chuyến đi của ông Obama tới Việt Nam năm nay càng thêm ý nghĩa. Đó là đề xuất mở cơ sở của Peace Corps, một tổ chức quốc tế của Mỹ nhằm hỗ trợ cho các đối tượng cần giúp trên thế giới, và mở Đại học Fulbright, có thể sẽ trở thành đại học độc lập kiểu Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.

Năm nay là cơ hội tuyệt vời để Mỹ và Việt Nam tăng thêm màu sắc chiến lược cho quan hệ hợp tác hiện có. Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam sau khi TPP được ký kết sẽ tiếp thêm sức nặng cho thông điệp rằng Mỹ đang hết sức nghiêm túc trong việc đưa thương mại và đầu tư trở thành nền tảng trong các chương trình hợp tác của họ tại Đông Nam Á. Chuyến công du của tổng thống Obama rõ ràng sẽ là nhân tố thúc đẩy hiệu quả nhất cho quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Obama.

“Quần đảo Natuna: Điểm nóng mới tại Biển Đông?” của Ristian Atriandi Supriyanto

Quần đảo Natuna của Indonesia, với chỉ 27 trong tổng số 154 đảo là có người ở, nằm ở cực bắc Biển Đông và có vị trí rất dễ bị tổn thương. Với đặc điểm địa lý nằm ngay gần các khu vực và thực thể có tranh chấp tại Biển Đông, quần đảo Natuna có thể trở thành một điểm nóng khác tại khu vực.

Bởi năng lực hạn chế, Indonesia không có sự kiểm soát hiệu quả tại khu vực, do đó có rất nhiều các vấn đề an ninh xung quanh khu vực quần đảo Natuna. Mặc dù đánh bắt cá trái phép là vấn đề phổ biến tại đây, nhưng đây chỉ là một phần của bức tranh tổng thể. Indoneisa nói rằng họ mất khoảng 25 triệu đô la mỗi năm bởi nạn đánh bắt cá trái phép, tuy nhiên con số này có thể đã bị thổi phồng. Nhưng chỉ cần 10% của con số 25 triệu đô la này là chính xác, đây cũng đã là mất mát quá lớn cho quốc gia mà có 11% của dân số 240 triệu người đang sống dưới mức 2 đô la một ngày.

Vấn nạn đánh bắt cá trái phép càng trở nên phức tạp bởi vị trí gần gũi của Natuna với Biển Đông. Mặc dù Indonesia khẳng định một cách chính thức rằng họ không phải là một bên trong tranh chấp, nhưng vùng biển phía đông bắc của quần đảo Natuna lại là nơi mà vùng EEZ 200 hải lý của Indonesia chồng lấn với yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Indonesia không muốn công khai đối đầu với Trung Quốc, nhưng Jakarta nhận thấy rằng họ cần phải làm gì đó để ứng phó với yêu sách của Bắc Kinh. Trong năm 2013, việc một vài tàu đánh cá của Trung Quốc bị bắt giữ đã gây nên một cuộc đối đầu ngắn ngủi giữa hai bên với sự tham gia của một tàu tuần tra Indonesia.

Trái ngược với thông tin của báo chí về kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân, Indonesia dường như vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở mức độ khiêm tốn tại khu vực. Hải quân chỉ có một vài tàu nhỏ tại đây, mà những tàu loại này lại không thể quản lý một cách an toàn vùng EEZ đầy biến động của Indonesia, trong khi đó các máy bay chiến đấu vẫn được đặt tại cảng sân bay Ranai. Mặc dù các cuộc diễn tập quân sự đã được tiến hành tại khu vực kể từ năm 1996, nhưng việc nâng cấp toàn diện hệ thống quân sự tại đây lại gặp rất nhiều thách thức bởi cơ sở hạ tầng không đáp ứng và các khó khăn về hoạt động tác chiến, ví dụ như nguồn nhiên liệu và phụ tùng để bảo dưỡng và sửa chữa không được đảm bảo.

Việc lôi kéo nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, phù hợp với chiến lược tổng thể của Indonesia đó là đẩy mạnh chiến dịch tăng cường sự công nhận và tôn trọng của các nước khác cho lãnh thổ chủ quyền của họ. Mặc dù cơ sở hạ tầng tại Natuna vẫn còn khiêm tốn, quần đảo này vẫn thu hút sự chú ý của một vài doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là đã có 3 công ty Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đối với ngành công nghiệp hải sản của địa phương. Những thỏa thuận này có thể sẽ được ký kết thuận lợi hơn với sự ủng hộ của Jakarta dành cho “con đường tơ lụa thế kỷ 21” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ gửi đi một thông điệp sai lệch tới Bắc Kinh. Indonesia có thể khiến Trung Quốc nghĩ rằng Indonesia không hề lo ngại về tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Với hoạt động cải tạo đảo đang diễn ra tại những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng, quần đảo Natuna rất dễ sẽ nằm trong tầm ngắm của không quân và hải quân Bắc Kinh. Sân bay ở Đá Chữ Thập và Đá Gạc Ma sẽ đặt các máy bay chiến đấu tấn công tiền tuyến của Trung Quốc gần hơn với Indonesia và khiến khả năng nước này thực thi ADIZ) chồng lấn một phần vào vùng biển của quần đảo Natuna ngày càng trở nên rõ ràng.

Các thực thể được cải tạo cũng có thể trở thành một cơ sở trung gian cho các ngư dân đánh bắt xa bờ của Trung Quốc, các tàu hộ tống trang bị vũ trang, để có thể hoạt động trong vùng EEZ của Indonesia. Từ đó tần suất các vụ va chạm giữa Trung Quốc với ngư dân và tàu tuần tra của Indonesia cũng sẽ tăng lên.

Với những thách thức kể trên, Indonesia cần phải triển khai ngay lập tức kế hoạch phát triển quần đảo Natuna của mình. Họ có thể khởi đầu đơn giản bằng việc xây dựng một nhà máy điện đủ đáp ứng nhu cầu của địa phương, từ đó mở đường cho các dự án sau này.

“Chiến lược cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông”

Vào giữa tháng này, tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly đăng bài phân tích cảnh báo Trung Quốc đang tăng tốc hoạt động cải tạo tại 3 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm các Đá Tư Nghĩa, Đá Gaven và Đá Gạc Ma. Những bãi đá trên nằm trong số 7 bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc đang thực hiện các dự án cải tạo. Bốn bãi đá còn lại là Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Vành Khăn và Đá Én Đất.

Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định với Reuters: “Hoạt động cải tạo này có quy mô và có tham vọng lớn hơn  rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Ở nhiều cấp độ khác nhau, các bên sẽ rất khó đối phó Trung Quốc ở Biển Đông”.

Chuyên gia James Hardy của IHS Jane's Defence Weekly cũng nói với CNN: “Trước đây chỉ có vài công trình bê tông nhỏ, nhưng giờ đây trở thành các đảo hoàn thiện với bãi đáp trực thăng, đường băng, cảng và các cơ sở hỗ trợ lượng lớn binh sĩ... Chúng ta có thể thấy đây là chiến dịch được lên kế hoạch, có tính toán nhằm tạo ra các pháo đài có khả năng trên không lẫn trên biển bao phủ trung tâm của quần đảo Trường Sa”.

Theo các chuyên gia, các công trình mới có thể phục vụ từ hoạt động thương mại, đánh bắt và khai thác dầu khí cho đến thực thi ADIZ ở Biển Đông. “Các đảo nhân tạo có thể dùng để lắp đặt các hệ thống ra đa và cảnh báo sớm để giúp Trung Quốc tăng cường năng lực do thám ở Biển Đông”, giáo sư người Úc chuyên nghiên cứu về Biển Đông Carl Thayer nhận xét. Trong khi đó, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez dự đoán Trung Quốc sẽ hoàn tất công việc xây đắp phi pháp trước đầu năm tới và sẽ tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông trong vòng 3 năm, theo Reuters.

Cụ thể hơn, chuyên gia Zachary Abuza, nhà nghiên cứu độc lập về an ninh Đông Nam Á, cho biết mục đích của việc xây dựng các đảo nhân tạo là nhằm giúp Trung Quốc có khả năng thực thi yêu sách của mình tại Biển Đông và đẩy các bên khác ra khỏi khu vực. “Các vùng đất cao này, với vai trò như là cơ sở tác chiến cho Hải quân, Cảnh sát biển và Không quân, sẽ giúp Trung Quốc có năng lực triển khai sức mạnh lớn hơn. Các đảo này sẽ là các cơ sở hỗ trợ cho ngành công nghiệp đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngoài khơi, cũng như sẽ giúp mở rộng phạm vi cũng như thời gian hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.”

Trong khi đó, chuyên gia Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng: “Trung Quốc đang nói với các nước láng giềng rằng họ muốn khẳng định cái gọi là “các quyền lịch sử” của họ đối với các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt và cá trong khu vực đường lưỡi bò”. Trong bối cảnh đó, chuyên gia Abuza chỉ ra rằng khả năng thực thi là điều kiện quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc. “Nếu Trung Quốc có thể ngăn chặn các quốc gia khác đánh bắt cá và khai thác dầu khí thì đồng nghĩa với việc họ đang thực thi yêu sách chủ quyền, bất chấp các quốc gia khác có thừa nhận yêu sách đường lưỡi bò của họ hay không.”