Vấn đề Biển Đông có thể sẽ sớm thay thế vấn đề Mianma và được coi như một thách thức lớn nhất của ASEAN khi Việt Nam giữ chức chủ tịch của khối này.

 

Ngay từ bây giờ, Mianma có thể tự tin theo đuổi bảy điểm trong lộ trình của mình mà không phải chịu bất kỳ áp lực nào từ các nước ASEAN như đã từng xảy ra trong bốn năm trước đây khi Malaixia, Philíppin, Xinhgapo và Thái Lan giữ chức chủ tịch. Từ khi giữ chức chủ tịch ASEAN vào tháng 1/2010, Việt Nam đã dè dặt và không đối đầu trong vấn đề chính trị tại Mianma. Bất kỳ đề xuất mới nào của ASEAN về Mianma, đặc biệt là trước cuộc bầu cử tại nước này trong thời gian tới, sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể được.

 

Việt Nam là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau trong khối ASEAN. Lần đầu tiên, khi Việt Nam giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 1998, tức ba năm sau khi gia nhập tổ chức này, Hà Nội đã rất tự hào về kỷ lục của mình trong việc nâng cao tính đoàn kết và nhất trí trong khối ASEAN.

 

Sự tự tin của Mianma về chủ tịch mới của ASEAN là rất dễ hiểu. Cho tới nay, Mianma chưa làm được gì để bảo đảm với ASEAN và cộng đồng quốc tế rằng cuộc bầu cử đầu tiên trong 20 năm qua sẽ được thực hiện một cách tự do và công bằng. Năm văn bản luật liên quan tới bầu cử mới được ban hành là một điều đáng xấu hổ. Họ đã cấm nhà lãnh đạo đảng đối lập, bà Aung San Suu Kyi tham gia các cuộc thăm dò. Và dường như lệnh cấm vẫn chưa đủ, luật này còn yêu cầu đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ loại bà ra khỏi đảng. Không có sự tham gia của bà thì cuộc bầu cử chẳng có ý nghĩa gì, nhưng đó chính là điều mà chế độ này muốn.

 

Và trong năm nay, một khi cuộc bầu cử được tổ chức, ASEAN sẽ là tổ chức đầu tiên ghi nhận kết quả này. Sự lên án của cộng đồng quốc tế (nếu có) sau cuộc bầu cử này sẽ không làm tổn hại tới sự đồng thuận trong khối ASEAN. Trong hai thập kỷ qua, nhiều chiến dịch chống lại các nhà lãnh đạo quân sự Mianma đã không mang lại bất kỳ thay đổi nào về chính sách và thái độ của chế độ Mianma.

 

Ngoài ra, ASEAN còn có thể ủng hộ Mianma trước cuộc bầu cử tại nước này bằng cách cho phép Mianma giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm tới hoặc 2012 khi Timo leste gia nhập ASEAN. Đây không phải là sự ngẫu nhiên và sự đồng thuận về vấn đề này có thể dễ dàng đạt được dưới quyền chủ tịch của Việt Nam . Theo đó, mối quan tâm của chính ASEAN sẽ được đáp ứng ngay lúc này, Mianma sẽ trở thành một quốc gia như các thành viên khác khi chỉ cần thực hiện một cuộc bầu cử như nêu trên. Như vậy, nếu cần thiết, Mianma bây giờ có thể tuyên bố rằng nội bộ nước này đã sẵn sàng cho việc giữ ghế chủ tịch ASEAN.

 

Những nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi cách giải quyết vấn đề tại Mianma vẫn không có gì mới mẻ. Vấn đề tham vấn chính trị và đối thoại hơn nữa với Mianma, cũng không có bất kỳ kết quả nào. Sáu tháng sau hàng loạt cuộc họp cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Mianma, hy vọng về vấn đề nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này đã tiêu tan. Chính quyền quân sự Mianma vừa qua đã từ chối chuyến đi đến Rănggun lần thứ hai của ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về khu vực Đông Á. Có lẽ ông ta sẽ được phép tới đó sau này.

 

Hơn nữa, diễn biến chính trị tại Việt Nam và sự ghi nhận không nhất quán trong khối về tiến trình bầu cử thật ra đã ngăn chặn các sáng kiến mới. Thực tế, các nhà lãnh đạo quân sự Mianma thích vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khối ASEAN hơn, để làm nhẹ bớt cuộc khủng hoảng ở Mianma. Năm 2006, Hà Nội đã đóng vai trò chính trong việc loại bỏ hạn chế của EU đối với Mianma và đã thành công trong việc giúp nước này trở thành thành viên của Hội nghị Á-Âu.

 

Lẽ dĩ nhiên, sau 15 năm là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã khẳng định vị thế và uy tín của mình để làm động lực cho các thành viên mới như Lào, Mianma và Campuchia. Năm nay, ASEAN sẽ phải đối phó với vấn đề tranh chấp cấp bách hơn ở Biển Đông và hợp tác trong tương lai về vấn đề này. Sau khi Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký kết vào năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN tại Phnôm Pênh, vấn đề nhạy cảm này đã được giữ kín trong tám năm qua. Không có tiến bộ về các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên đòi chủ quyền trong khu vực tranh chấp, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi đá ngầm Scarborough Shoals, và hiện đã trở thành vấn đề nhức nhối trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

 

Kể từ năm 1997, ASEAN kêu gọi tôn trọng nguyên trạng của các hòn đảo tranh chấp và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình. Nhưng sự thật cho thấy một số bên tranh chấp đã không giữ đúng lời hứa và không tự kiềm chế. Họ đã chiếm một số đảo nhỏ và xây dựng các công trình mới. Các bên tranh chấp rõ ràng không tôn trọng văn kiện không ràng buộc về mặt pháp lý này. ASEAN và Trung Quốc vẫn không thống nhất được với nhau, như họ đã từng như vậy trong mấy năm qua, nhằm biến tuyên bố này thành quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc.

 

Hiển nhiên, tình cảm giữa các nước có tranh chấp hoặc không tranh chấp trong khối ASEAN cũng đã thay đổi theo thời gian. Trở lại tháng 3 năm 1995, ASEAN khá đoàn kết để chống lại Trung Quốc trên đảo Vành Khăn.

 

Tuyên bố mạnh mẽ chung của các nước đã làm mất đi sự tự tin và quyết đoán của Trung Quốc, điều này giúp có một thế đứng trong tương lai về cam kết giữa ASEAN - Trung Quốc trong 15 năm tiếp theo hoặc hơn.

 

Sự lớn mạnh của Trung Quốc tại khu vực và thế giới đã khiến ASEAN không còn tìm thấy sự đồng nhất. Chẳng có thành viên đòi chủ quyền nào tại Biển Đông như Xinhgapo, Inđônêxia, Thái Lan và Việt Nam lại thích các cuộc đàm phán với Trung Quốc mà vấn đề không được “đa phương hóa” trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.

 

Câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có thể tập trung để đàm phán với Trung Quốc như đã từng làm hay không? Hoặc tốt hơn là giữ vấn đề ôn hòa như trước đây mà không phải xới vấn đề lên? Với chiến lược của Việt Nam trong tư cách là chủ tịch, Hà Nội sẽ chủ động đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện việc tuyên bố từng bước cơ bản, bắt đầu từ các vấn đề có tính khả thi và ít nhạy cảm, đặc biệt là những vấn đề nằm trong điều 5 và 6 mà không cần đụng tới các vấn đề, liên quan tới chủ quyền chồng lấn.

 

Quan điểm chung gần đây nhất của ASEAN về Trung Quốc là không chấp thuận Bắc Kinh tham gia Hiệp định về khu vực phi hạt nhân Đông Nam Á cách đây hai năm. ASEAN muốn tất cả năm nước lớn ký cùng một lúc. Nói cách khác, ASEAN không còn dành ưu tiên các hiệp ước cho Trung Quốc như đã từng làm. Trong những tháng tới, quan hệ đôi bên sẽ là quan hệ kinh tế, có thêm sự khẳng định hơn từ cả hai phía. Một thách thức khác nữa là vấn đề khô hạn hiện nay của sông Mê Công. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc về việc xây dựng hàng loạt đập lớn đã làm thiếu nước ở vùng hạ lưu con sông này. Trung Quốc và Mianma sẽ tham gia đối thoại ở hội nghị thượng đỉnh giữa các nước ven sông Mê Công, dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến ngày 5/4/2010 tại Hua Hin. Điều này có thể xây dựng một chuẩn mực mới giữa Trung Quốc và các nước hạ nguồn nằm hai bờ sông Mê Công, cũng là các nước thành viên khối ASEAN.