Ông Turnbull đã mô tả chính phủ của mình là một chính phủ sẽ nắm bắt được các cơ hội trong tương lai hơn là một chính phủ chỉ nhìn thấy những thách thức phía trước và tìm cách bảo toàn trật tự đã có. Chính phủ của người tiền nhiệm Tony Abbott đã bị chê cười vì lối tư duy bị động, không biết chấp nhận những thách thức của thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu và yêu cầu phải có một chính sách về năng lượng tái tạo có tính xây dựng.

Khi thành lập cái mà ông gọi là "chính phủ thế kỷ 21", tân Thủ tướng Turnbull đã cho thấy một sự tập trung rõ ràng của những kỹ năng kinh doanh và những thành viên hàng đầu, năng động trong chính phủ của mình. Ông đã gia tăng đáng kể số lượng nữ giới ở những vị trí chính trị cao, trong đó có việc chỉ định Thượng nghị sĩ Marise Payne làm nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Úc.

Vấn đề đối với ông Turnbull là ở chỗ ông sẽ không thể thúc đẩy thay đổi quá nhanh. Mặc dù một số thành viên then chốt trong "đội bảo vệ cũ" của những người cực kỳ bảo thủ thời thủ tướng Tony Abbott trước đây đã bị loại bỏ khỏi nội các, song vẫn còn một nhóm những người thuộc trường phái đó ở trong Nghị viện, trong đó có một vài người trong nội các của chính ông Turnbull. Thay đổi quá nhiều và quá nhanh sẽ tạo ra mâu thuẫn với lối tư duy bảo thủ của những người này, và họ chưa chắc sẽ ủng hộ bất cứ sự thay đổi lớn nào về chính sách, ít nhất là trong ngắn hạn.

Ông Turnbull có phong cách lãnh đạo sâu sắc hơn về mặt kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực tư nhân, so với người tiền nhiệm. Ông từng có nhiều năm nhận học bổng ở trường Đại học Oxford, làm phóng viên, luật sư, giám đốc ngân hàng, nhà doanh nghiệp, chuyên gia thiết kế trung tâm mua bán, và chính trị gia. Ông đều có những thành công đáng kể trong tất cả những nghề nghiệp này.

Năm 1986, khi còn là một luật sư 31 tuổi, ông đã bào chữa thành công cho cựu điệp viên MI5 của Anh Peter Wright trong vụ kiện nổi tiếng "Spycatcher". Ông được cử tri ủng hộ và các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính phủ liên minh Tự do-Dân chủ tăng cao đáng kể.

Xếp sau trùm khai khoáng Clive Palmer, ông Turnbull là người giàu thứ hai trong nghị viện Úc. Có lẽ, điều quan trọng nhất để có thể thực hiện một cuộc cải cách lớn về phương hướng cho Úc trong tương lai, dù không phải trong ngắn hạn, đó là ông Turnbull là một người cộng hòa, từng lãnh đạo Phong trào Cộng hòa Úc. Trái lại, người tiền nhiệm - ông Tony Abbott - là một người bảo hoàng nhiệt tình, hồi đầu năm nay đã lại đưa tước hiệu hiệp sỹ vào hệ thống tước phẩm Úc với việc trao tặng tước hiệu hiệp sỹ Úc cho Hoàng thân Phillip.

Ngoại trưởng Úc vẫn là bà Julie Bishop, song chắc chắn sẽ có những thay đổi tinh tế trong chính sách đối ngoại. Với trọng tâm về thương mại và cơ hội, chính phủ Turnbull có thể chú trọng tới những mối quan hệ quốc tế về kinh tế và thương mại hơn là an ninh. Sẽ có sự nhận thức lớn hơn rằng một trật tự cũ ổn định khu vực do Mỹ đứng đầu đã chấm dứt, Trung Quốc hiện là người chơi quyền lực mới trên sân khấu khu vực, và cần phải có những thay đổi trong vị thế chiến lược của Úc. Do đó, Canberra có lẽ sẽ bớt phụ họa theo Washington khi có những phê phán chỉ trích Trung Quốc.

Chính phủ Abbott chịu trách nhiệm về một "sứ mạng mở rộng" với việc Úc can dự quân sự vào Trung Đông. Một vài trong số những người ủng hộ ông Turnbull đã phần nào ít nhiệt tình hơn với cam kết mới đây của Úc về chiến dịch không kích ở Syria. Quyết định sẽ không thể thay đổi được, song ông Turnbull - cùng với tân Bộ trưởng Quốc phòng của mình - chưa chắc có chung sở thích với ông Abott trong việc đưa ra những cam kết quân sự quốc tế.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne tự mô tả mình là một người theo thuyết nam nữ bình quyền. Bà đã có lúc khiến những nhân vật bảo thủ hơn trong Đảng Tự do phải bực tức bởi những quan điểm ít theo truyền thống của mình. Bà là Thượng nghị sĩ từ năm 2007 và là Bộ trưởng Nhân sinh trong Chính phủ ông Abbott. Từng là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đối ngoại, Quốc phòng và Thương mại đầy quyền lực, bà Payne có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực quốc phòng. Việc bổ nhiệm bà được đội ngũ quốc phòng hoan nghênh.

Bà Payne là một người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ của Úc với châu Á. Sau khi được bổ nhiệm, bà cho biết ưu tiên hàng đầu là quan hệ với Indonesia. Bà dự định sẽ sớm thăm Jakarta để củng cố quan hệ và giúp giải quyết những vấn đề gai góc đã nảy sinh trong quan hệ song phương dưới thời chính phủ Abbott. Mặc dù liên minh giữa Úc với Mỹ vẫn là nền tảng cho chính sách quốc phòng và đối ngoại của Úc, song chắc chắn sẽ có một quan điểm thực dụng hơn và bớt giáo điều hơn về ý nghĩa của liên minh trong mối quan hệ của Úc ở khu vực.

Việc chính phủ Turnbull được thành lập đã làm giảm đi đáng kể triển vọng Úc sẽ cùng Nhật Bản đóng thêm những tàu ngầm mới. Sau khi Thủ tướng Abbott khi đó được cho là đã "bắt tay" với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nhật Bản dường như là lựa chọn ưu tiên để thực hiện dự án đóng tàu ngầm, song hiện sẽ phải đứng sau các đối thủ châu Âu đang đưa ra những lời mời triển vọng hơn về việc đóng tàu ngầm ở Úc.

Mặc dù cá nhân ông Turnbul ưa thích các vấn đề về biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng tái tạo, hôn nhân đồng giới, và là một người cộng hòa, song chưa chắc ông có thể thúc đẩy thay đổi chính sách trong những vấn đề này trong ngắn hạn. Lực lượng bảo thủ trong chính phủ của ông vẫn còn quá mạnh. Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn có thể sẽ có những thay đổi đáng kể không chỉ về những vấn đề trong nước đang gây tranh cãi, mà cả trong chính sách đối ngoại của Úc.

Tác giả là ông Sam Bateman, thành viên cao cấp trong Chương trình An ninh Biển của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Bài viết đăng trên trang "Eurasia review" (ngày 28/9)

Vũ Hiền (gt)