13/04/2020
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Nước Mỹ đang hoảng loạn dưới sự tấn công của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Đây là cuộc khủng hoảng toàn diện lớn nhất mà Donald Trump phải đối mặt kể từ khi lên cầm quyền đến nay, bao gồm khủng hoảng y tế, kinh tế, xã hội, và cũng có thể trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị quy mô rất lớn.
Tính đến sáng 30/3, số người mắc COVID-19 ở thành phố New York là 36.221 người, trong đó 790 ca tử vong. Bang New York ghi nhận tổng cộng 66.479 người được xác định mắc COVID-19 và số người tử vong là 1.218, trong khi dịch vẫn chưa đạt đỉnh.
Theo thị trưởng New York Bill de Blasio, thành phố chỉ có thể cung cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu đến ngày 5/4, trong đó máy thở đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện nay, tốc độ lây lan của dịch bệnh ở New York đang diễn ra rất nhanh, giống như đại dịch cúm Tây Ban Nha 100 năm trước.
Ngày 28/3, tờ New York Times có bài viết đi sâu phân tích tại sao Mỹ lãng phí hơn một tháng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo đó, sự sơ suất kỹ thuật, chủ quan, không xét nghiệm trên quy mô lớn đã khiến người dân Mỹ phải trả giá bằng sinh mệnh của mình. Cùng ngày, tờ USA Today bình luận: “Từ thành phố lớn nhất cho đến thị trấn nhỏ nhất, những sai lầm nghiêm trọng trong 7 tuần qua đã khiến Mỹ mất đi cơ hội ngăn chặn cuộc khủng hoảng COVID-19. Cơ quan giám sát Liên bang không nhận thức được hiểm họa ngày càng trầm trọng hơn, không nới lỏng quy tắc nên đã cản trở việc xét nghiệm dự phòng của các phòng thí nghiệm và bệnh viện lớn”.
Ngày 29/3, Chuck Todd - người dẫn chương trình của NBC News đã đặt câu hỏi với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Biden: “Liệu Donald Trump có phải chịu trách nhiệm khi phản ứng chậm trước sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 hay không?” Mặc dù luôn công kích cách thức xử lý khủng hoảng COVID-19 của Chính quyền Donald Trump, song Biden cũng phải thừa nhận câu hỏi này “quá hóc búa”.
Tuy nhiên, cùng với sự lây lan của dịch bệnh và số người tử vong tăng mạnh, liệu Donald Trump có gặp trở ngại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 hay không? Ngô Húc, phó Giáo sư về truyền thông chiến lược và quan hệ công chúng của Học viện báo chí, Đại học bang Arizona cho rằng tỷ lệ thắng cử của Donald Trump sẽ là trên 95%, trừ khi ông gặp vấn đề về sức khỏe hoặc sự cố đặc biệt khác.
Xét nghiệm và chuẩn bị không đầy đủ, song kết quả thăm dò ý kiến không giảm mà lại tăng lên.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng tồi tệ, tỷ lệ ủng hộ Donald Trump lại ngày càng tăng. Hiện có ít nhất 50% người dân Mỹ có đánh giá tích cực đối với ông.
Ngày 27/3, kênh truyền hình CNN đã công bố kết quả tổng hợp từ 5 cuộc thăm dò ý kiến (sớm nhất là ngày 13/3, muộn nhất là ngày 25/3), số liệu cho thấy tỷ lệ ủng hộ Donald Trump hiện nay là 47%, cao hơn mức bình quân mà CNN thống kê trong nhiệm kỳ của ông. Theo đó, Donald Trump nhận được sự đánh giá cao về cách thức ứng phó trước sự bùng phát của COVID-19: 52% đồng ý, 45% phản đối. Kết quả này cao hơn số liệu thăm dò của CNN vào đầu tháng 3, với 41% đồng ý và 48% phản đối.
Nhìn từ góc độ lịch sử, xu thế này đã phản ánh hiệu ứng “đoàn kết đứng sau lãnh đạo” khi đối diện với tình hình khủng hoảng. Mỗi khi đất nước đứng trước thách thức nghiêm trọng, tỷ lệ ủng hộ của nhà lãnh đạo sẽ tăng lên. Sau sự kiện tấn công khủng bố 11/9/2001, tỷ lệ ủng hộ George W. Bush tăng khoảng 40%, nhưng sự kéo dài của hiệu ứng đoàn kết thường không cố định. Số liệu của CNN đã bao gồm kết quả thăm dò ý kiến từ ngày 18-22/3 của Đại học Monmouth, kết quả cho thấy 50% số người được hỏi cho rằng Donald Trump đã ứng phó tốt với dịch bệnh, 45% người có ý kiến ngược lại. Có 3% trong số những người được hỏi nêu ý kiến khác về cách ứng phó của Donald Trump, trong khi 1% không đưa ra ý kiến.
Vấn đề đáng chú ý là kết quả các cuộc thăm dò đã phản ánh rõ sự chia rẽ đảng phái: 89% người của đảng Cộng hòa, 48% người độc lập và 19% người của đảng Dân chủ cho rằng Donald Trump đã ứng phó tốt với cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng. Số liệu của Đại học Monmouth cũng cho thấy hiện có 46% người dân Mỹ cho rằng Donald Trump đảm đương tốt chức vụ tổng thống, tăng nhẹ so với mức 44% trong tháng 2. Đánh giá tổng thể về công việc hiện tại của Donald Trump cũng thể hiện sự chia rẽ đảng phái rõ ràng: 91% người của đảng Cộng hòa, 44% người độc lập, 11% người của đảng Dân chủ ủng hộ Donald Trump.
Trong khi đó, kết quả cuộc thăm dò ý kiến của ABC News/Ipso từ ngày 22-25/3 cho thấy 55% người dân Mỹ đồng ý, 43% người không tán thành với phương thức xử lý dịch bệnh của Donald Trump. Nhiều khả năng do chịu ảnh hưởng của yếu tố thời điểm và đám đông, cuộc thăm dò ý kiến của Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) trong thời gian 3-14/3 cho kết quả 49% người dân Mỹ không đồng ý với cách thức xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 của Donald Trump, chỉ có 44% tán thành, 66% không quá tin tưởng hoặc không tin tưởng những thông tin liên quan đến virus SARS-CoV-2 mà họ nhận được từ Donald Trump. 70% người của đảng Dân chủ cho rằng Chính quyền liên bang không áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách thích hợp, trong khi đó 77% người của đảng Cộng hòa cho rằng Chính quyền liên bang do Donald Trump lãnh đạo đã hành động tốt.
Bài viết “Một nước Mỹ, hai dịch bệnh” đăng trên tạp chí FTChinese đã phân tích về những nhận định khác nhau của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đối với dịch COVID-19. New York được ghi nhận là tâm dịch nghiêm trọng nhất của Mỹ, và Quận Queens (New York), nơi Donald Trump sinh ra là khu vực dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất, song phần lớn người New York không bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Là “bang xanh” ruột thịt, song lại có một lượng lớn người nhập cư mới không được phái bảo thủ của đảng Cộng hòa quan tâm, trong cuộc bầu cử năm 2016, Hilary Clinton nhận được 59,01% phiếu bầu của bang New York trong khi Donald Trump chỉ nhận được 36,52%, lợi thế chiến thắng của đảng Dân chủ là 22,49%. Có vẻ hơi nghịch lý, nhưng Donald Trump sẽ không nhận được sự ủng hộ của cử tri New York trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cho dù ông khống chế tốt hay không tốt dịch COVID-19.
Cơ chế phòng dịch do bầu cử dẫn dắt
Sự bùng phát của dịch bệnh lần này cho thấy việc lấy chỉ số chứng khoán để làm tiêu chí lãnh đạo là vấn đề rất nguy hiểm. Ngày 5/2, khi Donald Trump được tuyên bố vô tội sau phiên tòa luận tội, ngày 19/2, thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Tất cả những điều này làm cho ý thức cảnh giác của Donald Trump giảm mạnh.
Giới truyền thông Mỹ đang dần tiết lộ việc sẽ truy cứu trách nhiệm đối với hàng loạt sai lầm của Chính quyền liên bang khi đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh lần này.Theo những người thuộc đảng Dân chủ, Chính quyền Donald Trump là một đội ngũ không chuyên nghiệp, hơn nữa do Donald Trump thích thể hiện thế mạnh và thích những thân tín biết phục tùng thay vì dựa vào số liệu, nên những quyết định của ông trong giai đoạn đầu dường như đã phản ánh tư duy nhất quán từ lúc lên cầm quyền, đó là chỉ cần những người trung thành tiếp tục đoàn kết đứng phía sau thì Donald Trump có thể phớt lờ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, cho đến khi dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trớ trêu thay, kết quả thăm dò ý kiến của kênh truyền thông được mệnh danh là “người nhà của đảng Cộng hòa” Fox News công bố ngày 27/3 cho thấy theo các cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên từ ngày 21-24/3, Biden (49%) sẽ có 9% cơ hội đánh bại Donald Trump (40%) trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Đây là cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên kể từ khi Biden hợp nhất các phe phái trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
Tất nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến này đã bỏ qua và không tính đến sự khác biệt có thể tạo nên giữa kết quả bầu cử của chế độ đại cử tri và việc kiểm phiếu phổ thông.
Trả lời phỏng vấn Fox News, Kayleigh McEnany, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Donald Trump kiên quyết cho rằng kết quả thăm dò ý kiến của Fox News là không chính xác và nhấn mạnh Trump sẽ thắng Biden.
Phát biểu của Kayleigh McEnany là có cơ sở. Trên thực tế, mấu chốt của vấn đề là liệu một nhà lãnh đạo có nên dựa vào số liệu thăm dò ý kiến để chỉ đạo các biện pháp phòng dịch của mình hay không? Liệu đại dịch COVID-19 sẽ viết lại cục diện chính trị và xã hội nước Mỹ hay không?
Theo Ngô Húc, kết quả thăm dò ý kiến của Washington Post và ABC (thân đảng Dân chủ) từ ngày 22-25/3 cho thấy Donald Trump (47%) chỉ kém Biden (49%) 2 điểm phần trăm, hoàn toàn nằm trong phạm vi sai số. Ngô Húc cho biết: “Tỷ lệ thu hồi mẫu ‘thăm dò ngẫu nhiên’ trên phạm vi toàn quốc chưa đến 7%, không có ý nghĩa đại diện và giá trị tham khảo. Ở các bang của Mỹ, điều này càng không có ý nghĩa, bởi vì tính đại diện của một số các bang có dân số đông như New York và California… sẽ vượt tỷ lệ; ngoài ra, khi sử dụng điện thoại cố định để làm phương pháp mẫu thì tỷ lệ đều nghiêng về phía đảng Dân chủ từ 3% - 5%”.
Ngô Húc giải thích: “Xét từ hai hệ tham chiếu, một là năng lực lãnh đạo khiến cho người Mỹ tâm phục, khẩu phục khi xảy ra thảm họa. Điều này thể hiện ở các cuộc thăm dò ý kiến, hơn 90% đã ủng hộ Donald Trump và tỷ lệ này khó có thể tăng lên. Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến tăng lên hoàn toàn xuất phát từ phái trung gian và đảng Dân chủ. Tại sao vấn đề này lại xảy ra trong bối cảnh kết quả luận tội Donald Trump đã được công bố? Rất đơn giản, vì năng lực lãnh đạo mà ông thể hiện khi đặt vào hai hệ tham chiếu khác để so sánh thì cho thấy ông rất nổi trội, nghĩa là Donald Trump đã thể hiện được năng lực lãnh đạo vào thời điểm xuất hiện khủng hoảng. Hai hệ tham chiếu này là gì? Hệ tham chiếu thứ nhất là các quốc gia dân chủ phương Tây, bao gồm Đức, Canada, Ý, Pháp. Nếu những quốc gia này phản ứng theo Donald Trump thì quả thực đây là sự ứng phó quá nghèo nàn, không những bị động, mà còn đón nhận hậu quả từ việc “mở toang” cửa. Hệ tham chiếu thứ hai chính là đảng Dân chủ. Cho dù là lực lượng nòng cốt hay là hai ứng cử viên tổng thống hiện nay của đảng (Biden và Sanders), đều công kích và chỉ trích sau khi Donald Trump đưa ra các biện pháp xử lý dịch bệnh. Hiện nay, xem ra sự công kích và chỉ trích của họ không những sai lầm hoàn toàn, mà còn không thể hiện được phong thái của nhà lãnh đạo có quyền uy. So với Biden và Sanders, rõ ràng Trump nổi trội hơn. Người Mỹ thường nói Mỹ không bao giờ chọn điều tốt nhất, mà nhất định sẽ lựa chọn điều ít gây hại nhất. Vì vậy, có thể khẳng định Donald Trump sẽ dẫn đầu với khoảng cách rất xa so với các ứng cử viên khác”.
Xác suất chiến thắng của “tổng thống thời chiến”
Giai đoạn chống dịch hiện nay được xem giống như tình trạng khẩn cấp trong thời chiến. Theo Ngô Húc, nếu giới truyền thông cho rằng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến kết quả thăm dò ý kiến của Donald Trump, thì cơ bản chưa hiểu được dân ý là gì. Trước hết, lịch sử Mỹ cho thấy một khi nước Mỹ gặp thảm họa an ninh mang tính quốc gia thì người dân Mỹ sẽ đoàn kết. Dịch bệnh lần này có thể nói là một cuộc khủng hoảng, song trên thực tế nó là một thảm họa cấp quốc gia, đây không phải thảm họa tự nhiên do con người gây nên, mà là thảm họa đến từ bên ngoài, vậy nên khi quốc gia đối diện với khủng hoảng, người dân Mỹ luôn đoàn kết chặt chẽ phía sau nhà lãnh đạo.
Nhìn từ tiền lệ của lịch sử, tỷ lệ ủng hộ của Bush (con) tăng mạnh từ 40% lên 91% sau sự kiện 11/9/2001; trong Chiến tranh Vùng Vịnh, tỷ lệ ủng hộ của Bush (cha) cũng tăng mạnh từ 40% lên 93%. Có thể nói đây là một loại chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của người Mỹ.
Theo Ngô Húc, quả thực Chính quyền Donald Trump đã ứng phó chậm trễ, chủ quan sau khi dịch bệnh xuất hiện, song cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ. Sau khi dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc, sự chuẩn bị về tâm lý và các phương diện khác của mọi người và toàn thế giới không được đầy đủ, hơn nữa Mỹ đã sớm đề xuất với Trung Quốc về việc cử chuyên gia đến thực địa tìm hiểu tình hình nhưng không được chấp nhận, những phản hồi từ phía Trung Quốc không phản ánh được mức độ khủng hoảng trên thực tế của nước này, do đó Mỹ không thực sự hiểu rõ được vấn đề gì đang xảy ra. Trong bối cảnh như vậy, những biện pháp mà Donald Trump đưa ra là có thể lý giải được. Khi dịch bệnh xuất hiện, sau khi nhận thấy mọi việc nghiêm trọng hơn so với tưởng tượng, Donald Trump đã xoay chuyển rất nhanh, bao gồm tăng mạnh chương trình cứu trợ, tiếp đó ban bố tình trạng khẩn cấp Liên bang, chi viện cho các bang.
Ngày 31/1, Donald Trump tuyên bố từ ngày 2/2 sẽ tạm ngừng giao thông đường không giữa Mỹ và Trung Quốc, những người Mỹ từ Trung Quốc trở về đều phải cách ly 14 ngày. Ngô Húc cho rằng điều này cho thấy sự quyết đoán của Donald Trump: “Khi chính sách này vừa được đưa ra, có thể nói là đã gây chấn động đối với thế giới, đảng Dân chủ là đối tượng bị chấn động nhất và chỉ trích Donald Trump nhiều nhất, tiếp đến là giới truyền thông Mỹ, ngay cả Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ trích Mỹ, trong khi đó Trung Quốc cho rằng Mỹ ‘giậu đổ bìm leo’”. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại, thực tế đã chứng minh những biện pháp của Donald Trump ít nhất đã khiến cho Mỹ có một tháng để chuẩn bị, song tiếc là Mỹ đã bỏ qua cơ hội này.
Tổng thống đã gây thanh thế như thế nào?
Ngoại trừ dịch bệnh xuất hiện vào đúng thời điểm bước ngoặt, một tác động lớn khác của dịch bệnh đối với bầu cử tổng thống Mỹ là liệu hoạt động tập trung hàng nghìn cử tri để tạo thanh thế và tổ chức đại hội đảng có bị hủy bỏ vì tình hình dịch bệnh hay không, trong khi Donald Trump vốn xuất thân từ ngôi sao truyền hình thực tế.
Mặc dù có một số nhà báo lo lắng về sự an toàn bởi những động thái gây thanh thế trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, ngày 28/3, Donald Trump vẫn kiên quyết đích thân chủ trì lễ khởi hành tàu bệnh viện “USNS Comfort” của Hải quân Mỹ ở thành phố Norfolk, bang Virginia, đi đến thành phố New York, trung tâm bùng phát của dịch COVID-19. Khi các phương tiện truyền thông tràn ngập hình ảnh Donald Trump đứng phát biểu trước tàu “USNS Comfort” có treo hình chữ thập màu đỏ trên nền trắng, mọi người khi đó đã có thể hiểu được sự lợi hại của Donald Trump. Ngày 30/3, “USNS Comfort” đến Manhattan và bắt đầu điều trị cho những người chưa bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày hôm sau, giúp các bệnh viện quá tải dành nhiều giường bệnh hơn để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19. “USNS Comfort” là một bệnh viện có sức chứa hơn 1.000 giường bệnh, 12 phòng phẫu thuật, trên thuyền có hơn 1.200 nhân viên y tế. Donald Trump tuyên bố với người dân New York: “Chúng tôi ở đây để phục vụ các bạn, chúng tôi chiến đấu vì các bạn. Chúng tôi luôn ở bên cạnh các bạn mãi mãi. Các bạn có sự hỗ trợ vững chắc của cả nước”.
Công bằng mà nói thì Chính quyền Donald Trump đã bỏ lỡ thời gian vàng để ngăn chặn dịch bệnh, song trong thời điểm quan trọng này, thái độ và sự viện trợ thực chất của Chính quyền Donald Trump đóng vai trò rất quan trọng đối với đội ngũ nhân viên y tế chống dịch ở tuyến đầu. Những kẻ chống đối Donald Trump cho rằng ông nên chuyển mic cho chuyên gia của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hàng ngày ông đều chủ trì họp báo để đánh bóng bản thân dù có nhiều quan điểm gây tranh cãi. Trong bối cảnh dịch bệnh khi hai đảng buộc phải hủy bỏ các hoạt động gây thanh thế cho cuộc bầu cử tổng thống, thì những luận điệu của Donald Trump trong thông cáo báo chí hàng ngày rõ ràng là đang biến hệ thống truyền hình thành công cụ để gây thanh thế cho bản thân.
Tuy nhiên, Ngô Húc lại có sự phân tích khác dưới góc độ báo chí: “Điểm mấu chốt hơn là trong một môi trường nguy hiểm, việc mỗi ngày tổ chức một cuộc họp báo kéo dài hơn một giờ trong điều kiện không có cách ly, đứng trước rất đông phóng viên, rõ ràng rất rủi ro... Đương nhiên, Donald Trump không thể giải thích cặn kẽ mọi vấn đề, nhưng điều này chắc chắn khiến mọi người có cảm giác yên tâm về người đứng đầu đất nước”.
Ngày 29/3, tại buổi họp báo về dịch COVID-19 của Nhà Trắng, Donald Trump nói rằng ông vừa có được thông tin dự báo đáng sợ nhất về virus SARS-CoV-2, ít nhất 2,2 triệu người Mỹ sẽ tử vong. Ông đưa ra kết quả nghiên cứu của Học viện Hoàng gia London công bố ngày 16/3, nhấn mạnh đó là trong điều kiện chính phủ không có bất cứ động thái gì, và nói rằng nếu số người tử vong từ 100.000 – 200.000 người, thì đó là một chiến thắng đối với SARS-CoV-2, cho thấy nỗ lực của chính phủ. Dựa vào sự đối nghịch giữa 100.000 và 22 triệu, một mặt làm cho người dân Mỹ bắt đầu có tâm lý chuẩn bị, mặt khác cũng dường như cho rằng việc giảm số ca tử vong từ 22 triệu xuống 100.000 là công trạng của chính phủ.
Hãy nhìn lại đánh giá của Donald Trump đối với dịch COVID-19 trong một tháng qua: Ngày 26/2, Mỹ có tổng cộng 15 ca mắc COVID-19, Donald Trump dự đoán số ca bệnh sẽ nhanh chóng giảm về 0; ngày 5/3, Donald Trump cho biết có khoảng 3.000 ca tử vong trên toàn thế giới, và Mỹ chỉ có 11 ca; ngày 9/3, Donald Trump thông báo chỉ có 22 người chết vì SARS-CoV-2 ở Mỹ, trong khi cúm mùa làm cho 37.000 người Mỹ tử vong trong năm nay; ngày 13/3, Donald Trump lại nói rằng cúm lợn (dịch cúm H1N1) năm 2009 gây nên cái chết cho 14.000 người Mỹ, đồng thời chỉ trích biện pháp ứng phó vào lúc đó của Chính quyền Obama là một thảm họa.
Hiện nay, Donald Trump muốn người Mỹ chấp nhận 100.000 - 200.000 ca tử vong là con số rất tốt. Tính đến 13 giờ 30 phút ngày 30/3, bang New York có 66.497 ca bệnh, chiếm 46% nước Mỹ; số người tử vong là 1.218, tỷ lệ tử vong hiện nay là 1,8%. So với 10 giờ 30 sáng cùng ngày, số ca chẩn đoán xác định mắc COVID-19 của toàn thành phố là 36.221, chiếm 25% nước Mỹ; số ca tử vong là 790, tỷ lệ tử vong là 2,1%.
Theo Donald Trump, nếu số người Mỹ bị chết do SARS-CoV-2 được kiểm soát ở mức 100.000 - 200.000 người, và giả sử tỷ lệ chẩn đoán và tử vong hiện nay không thay đổi, thì New York sẽ có từ 25.000 đến 50.000 người tử vong, suy ra thành phố New York có 1,2 - 2,4 triệu người mắc COVID-19, chiếm 14% - 28% tỷ lệ dân số. Tuy nhiên, chắc chắn số người được chẩn đoán sẽ ít hơn số người mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy khoảng 50% người bị mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, do New York không xét nghiệm những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nên có thể rất đông người dân New York bị mắc COVID-19.
Thị trường chứng khoán và bầu cử
Bốn lần tự động ngưng giao dịch trong tháng 3 của thị trường chứng khoán Mỹ đã thức tỉnh Donald Trump.
Ray Fair, nhà kinh tế của Đại học Yale đã đưa ra một mô hình về cách nền kinh tế ảnh hưởng đến bầu cử, cho thấy nếu Biden đại diện cho đảng Dân chủ và nếu nền kinh tế thu hẹp với tốc độ -4,4% trong hơn 3 quý, thì đa số phiếu bầu sẽ hướng đến đảng Dân chủ. Từ năm 1952 đến nay, Mỹ đã có 7 lần sụt giảm kinh tế nghiêm trọng như vậy, song chưa bao giờ xảy ra vào năm bầu cử tổng thống. Cựu quan chức Bộ Tài chính Robert Stern cho rằng việc tổ chức bầu cử trong tình hình kinh tế biến động như vậy là vấn đề rất khó đoán định.
Trong cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 4/2019, Công ty tư vấn và phân tích Gallup nhận thấy khi được hỏi bạn có cổ phiếu cá nhân hay không, có thông qua quỹ hoặc tài khoản tiết kiệm hưu trí để nắm giữ cổ phiếu hay không, thì 55% người Mỹ trả lời mình có cổ phiếu, ngang với mức trung bình 54% mà Gallup điều tra từ năm 2010 đến nay, thấp hơn mức 62% trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính vào năm 2007 - 2008, song vẫn ảnh hưởng đến hơn 50% người dân Mỹ.
Cả thế giới điều biết sự say mê của Donald Trump đối với chỉ số chứng khoán. Theo thống kế của New York Times, kể từ khi đắc cử tổng thống đến cho đến ngày 20/3/2020, ít nhất Donald Trump đã 131 lần đăng tweet có liên quan đến thị trường chứng khoán, hơn nữa đã cẩn thận ghi lại việc thị trường chứng khoán liên tục thiết lập các kỷ lục mới (ít nhất 135 lần) do “lợi tức Donald Trump”.
Ngày 9/1, Donald Trump đăng tweet viết rằng: “Thị trường chứng khoán tăng lên mức cao nhất lịch sử, quỹ hưu trí 401k (kế hoạch 401k là tài khoản lương hưu đóng góp đủ điều kiện về thuế, được xác định trong tiểu mục 401(k) của Bộ luật Thu nhập Nội bộ-ND) của bạn đang làm gì? Tăng 70%, 80%, hay 90%? Nếu chỉ tăng 50%, bạn đã làm sai chuyện gì?”. Ngày 19/2, Donald Trump tweet: “Tính đến nay, thị trường chứng khoán đã tăng lên mức cao nhất lịch sử!”. Đến ngày 20/3, sau chuỗi sụt giảm kéo dài 1 tháng, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh xuống mức khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2017, chỉ số S&P 500 cơ bản tương đương với thời điểm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.
Dịch COVID-19 lan rộng và giá dầu lao dốc đã gây nên sự sai lệch của thị trường, chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh 35%, thổi bay hơn 8.000 USD giá trị vốn hóa thị trường, chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng đã xóa sạch “lợi tức Donald Trump”.
Theo Ngô Húc, “lợi tức Donald Trump” sẽ không mất đi: “Có thể nói sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán là một tác động không thể kiểm soát được, do đó đây không phải hoàn toàn là sai lầm của Donald Trump. Không thể đổ lỗi cho Donald Trump vì tài khoản các nhà đầu tư sụt giảm. Mặc dù tài sản tổn thất, song hiện nay Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn có kế hoạch kích thích lớn, và điều này nhất định sẽ giúp thị trường chứng khoán phục hồi trong 6 tháng tới, tuy không thể trở về mức cao nhất của ngày 19/2, nhưng ít nhất cũng có thể phục hồi được 50% - 60%. Dự đoán, trong 4-5 tháng trước khi diễn ra bầu cử, thị trường sẽ liên tục tăng từ mức đáy hiện nay, và biên độ tăng này chắc chắn sẽ vượt qua mức khi Donald Trump lên làm tổng thống. Trước thềm bầu cử tháng 10 đến tháng 11 năm nay, dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ dao động ở mức 2700 - 2800 điểm, vượt xa tiêu chuẩn hiện nay.
Người Mỹ thanh toán nợ như thế nào sau mùa Thu?
Hiện nay, các phương tiện truyền thông của phái tự do ở Mỹ hiện đã liên tục chỉ trích sự phản ứng chậm trễ, sai lầm chính sách của Chính quyền Donald Trump. Tuy nhiên, Ngô Húc nhận định: “Các phương tiện truyền thông chính của phương Tây không thể rũ bỏ trách nhiệm. Theo đó, toàn bộ các phương tiện truyền thông của phái tự do như MSNBC, CNBC, Washington Post, New York Time… đều đảo ngược mục tiêu, vị trí và dự đoán khi chuyển tải các thông tin cần thiết về dịch bệnh trong thời gian trước khi dịch COVID-19 xảy ra”.
Theo Ngô Húc, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào ngày 21/1, cho đến khi Vũ Hán phong tỏa thành phố vào ngày 23/1, bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời vào ngày 6/2, dịch bệnh ở Trung Quốc lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/2, trong thời gian then chốt cần phải truyền tải tin tức thì tất cả các phương tiện truyền thông chính của Mỹ dường như không có bất cứ thông tin nào về dịch bệnh, ngoại trừ Fox News. Trọng tâm của những phương tiện truyền thông này khi đó tập trung vào phiên điều trần luận tội Trump. Ngoài các phương tiện truyền thông của đảng Dân chủ, thì các phương tiện truyền thông chính của Mỹ, bao gồm CNN cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm đối với vấn đề này”.
Vấn đề quan trọng nhất là Obama đã làm tốt hơn trong tình hình tương tự như vậy. Tuy nhiên, Ngô Húc cho rằng Trump chắc chắn hành động tốt hơn Biden và Sanders. Suy cho cùng Donald Trump là CEO, không phải là một chính khách, những biểu hiện của ông chính là người lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn đang đối mặt với mối đe dọa tồn vong, ông đã thể hiện năng lực phán đoán nhanh chóng và quyết đoán. Theo ông, miễn là xã hội không tê liệt, thì Donald Trump vẫn chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử cho dù dịch COVID-19 gây những tổn thất nghiêm trọng.
Liu Qiudi, nhà báo cho tạp chí Thời báo tài chính Trung Quốc. Bài viết được đăng trên tạp chí FTChinese
Minh Anh (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bầu cử đối với cuộc chiến chống lại dịch bệnh này sẽ cần được quan trọng và tập trung hơn.