13/12/2023
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung Quốc cũng hưởng lợi từ trật tự hiện hành và không phải động thái nào của Trung Quốc cũng đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Werner cho rằng Mỹ cần từ bỏ định kiến về Trung Quốc và tập trung vào “ngoại giao có nguyên tắc” và theo đuổi tư duy “cùng thắng” để ổn định quan hệ hai nước.
Một đặc điểm đáng chú ý của cạnh tranh Mỹ - Trung là mỗi nước đều tuyên bố mình đang bảo vệ trật tự quốc tế hiện hành trước mối đe dọa đến từ bên còn lại. Sự thật là, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những cường quốc nguyên trạng (status quo power) và chia sẻ lợi ích sâu sắc về môi trường an ninh ổn định và nền kinh tế toàn cầu mở. Cả hai cùng muốn cải cách hệ thống toàn cầu đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn bởi tư duy “thắng thua” (zero-sum). Tuy nhiên, cả hai lại có xu hướng loại trừ ảnh hưởng của bên còn lại, do đó cản trở nhau cùng theo đuổi một chương trình nghị sự mang tính cải cách và có thể đẩy thế giới vào xung đột.
Hợp tác với Trung Quốc để khôi phục trật tự quốc tế không chỉ ngăn chặn xung đột nước lớn mà còn tạo điều kiện cho cạnh tranh và hợp tác lành mạnh trong quan hệ Mỹ - Trung. Câu hỏi đặt ra làm thế nào để Mỹ có thể theo đuổi định hướng này mà không “nhắm mắt làm ngơ” những hành vi sai trái của Trung Quốc?
Mỹ nên tập trung vào ngoại giao để xây dựng một hệ thống toàn cầu mang tính bao trùm và tập trung vào các hoạt động giúp giảm tư duy “thắng thua”. Trong ba lĩnh vực then chốt bao gồm quản trị và an ninh toàn cầu, nền kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu, Trung Quốc có các động thái gia tăng căng thẳng nhưng cũng theo đuổi những biện pháp cải cách, có tiềm năng mở ra nhiều cơ hội hợp tác “cùng thắng” (positive-sum).
Mỹ không nên tìm cách cạnh tranh mọi sáng kiến của Trung Quốc. Thay vào đó, Mỹ nên phân biệt đâu là tác động thuận, đâu là tác động nghịch, từ đó ủng hộ và tận dụng các đề xuất mang tính xây dựng của Trung Quốc và quản lý khác biệt thông qua đàm phán thay vì bút chiến và đối đầu. Một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng bao gồm biến đổi khí hậu, đầu tư vào phát triển ở các nước đang phát triển (Global South), sửa đổi các quy tắc quản lý kinh tế toàn cầu và cải cách các thể chế quốc tế để tạo ra một trật tự thế giới rộng mở và bao trùm hơn.
Nếu hợp tác được với Trung Quốc trong những lĩnh vực như vậy thay vì chỉ đối đầu, Mỹ vừa có lợi ích trực tiếp, vừa nâng cao uy tín lãnh đạo của mình trong trật tự thế giới vừa tạo điều kiện cho cạnh tranh nước lớn lành mạnh trong khuôn khổ một trật tự dựa trên luật lệ và tránh nguy cơ bùng nổ xung đột.
Mối quan hệ Mỹ - Trung đi xuống rõ rệt trong vòng 5 năm qua. Hai bên đều khẳng định mình đang bảo vệ trật tự quốc tế và liên tục cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng.
Chính quyền Biden hoạch định chính sách đối ngoại tập trung vào mục tiêu chống lại Trung Quốc, coi Trung Quốc (cùng với Nga) là một trong những “cường quốc gắn nền cai trị độc tài với chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa xét lại.”[1] Khi công bố cách tiếp cận mới của Mỹ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định rằng: “Thay vì sử dụng sức mạnh của mình để củng cố và khôi phục thượng tôn pháp luật, các hiệp định, nguyên tắc và thể chế [của trật tự quốc tế] – các yếu tố vốn giúp Trung Quốc phát triển - để các nước khác cũng có thể hưởng lợi, Trung Quốc đang làm suy yếu trật tự này.”[2]
Chính phủ Trung Quốc lập luận rằng Mỹ thực chất mới là kẻ phá hoại trật tự quốc tế khi xâm phạm chủ quyền nước khác, áp đặt hệ thống kinh tế và chính trị của Mỹ và sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự, tài chính và công nghệ “để áp đặt các quy tắc phục vụ lợi ích riêng dưới danh nghĩa duy trì “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”“.[3] Mỹ đang coi thường các quy tắc của hệ thống và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, “áp dụng chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa bá quyền bắt nạt”.[4]
Tranh cãi về việc nước nào thực sự cam kết với trật tự hiện hành cho thấy hai nước có nhiều điểm chung và có tiềm năng xây dựng một mối quan hệ song phương ổn định. Mỹ và Trung Quốc đều nhấn mạnh phải duy trì hiện trạng nhưng lại đối đầu nhau vì niềm tin khác biệt đối với hệ thống. Do đó, hai nước khó nhận ra điểm chung này và khó đối thoại về hợp tác cùng cải cách hiện trạng.
Như đã lập luận trong tài liệu kèm đính kèm [5], hiện trạng bất ổn (status quo dysfunction) đã đẩy Mỹ và Trung Quốc vào thế cạnh tranh an ninh – kinh tế có tính chất thắng thua. Mặc dù đều nhìn ra những vấn đề quan trọng và muốn cải thiện hiện trạng này, hai nước đều cho rằng thay đổi theo ý muốn của mình mới là phù hợp với hệ thống, cách tiếp cận của đối phương sẽ gây ra bất ổn. Mỹ và Trung Quốc đều đang theo đuổi các sáng kiến riêng để tái định hình trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho mình, đồng thời cố gắng loại trừ ảnh hưởng của nước còn lại.
Cạnh tranh khiến bất ổn gia tăng, đồng thời cản trở các nỗ lực cải cách. Lý do là hai bên không nhận ra điểm đồng là tham vọng cải cách hệ thống hiện hành. Cách tiếp cận khác sẽ giúp hai bên tránh được nguy cơ bùng nổ xung đột, đồng thời khôi phục hệ thống toàn cầu, phục vụ lợi ích của cả Mỹ, Trung Quốc và các nước khác.
Nghiên cứu này sẽ làm rõ lợi ích của Trung Quốc trong trật tự hiện hành và bản chất của những cải cách mà Trung Quốc theo đuổi. Mặc dù có một số hành vi cản trở những cải cách cần thiết và làm tăng tư duy “thắng thua”, Trung Quốc vẫn nhận thức được tầm quan trọng của hiện trạng đối với an ninh và thịnh vượng của mình và ủng hộ những cải cách theo hướng thúc đẩy trật tự quốc tế bao trùm và bền vững.
Cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ mang tính quyết định bởi Mỹ vẫn là cường quốc số một thế giới và hiện đang tìm cách loại trừ hay làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng. Liệu thái độ thù địch của Mỹ có kích động những hành vi “phản đòn” của Trung Quốc, khiến trật tự quốc tế bị phân tách đến mức không thể cứu vãn và xung đột có “thắng thua” là không thể tránh khỏi trong quan hệ quốc tế? Liệu Mỹ có thể phân biệt rõ ràng giữa hành động làm tăng và giảm tư duy “thắng thua” của Trung Quốc, từ đó lôi kéo Trung Quốc và các quốc gia đang lên khác vào một khuôn khổ mới phục vụ lợi ích chung?
NGHI KỊ LÀM GIA TĂNG CĂNG THẲNG
Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và Trung Quốc không có khả năng hợp tác và kể cả khi có thiện chí, Mỹ vẫn khó có thể thuyết phục Trung Quốc vào bàn đàm phán vì nhiều lý do.
Mối quan hệ Mỹ - Trung đã xuống dốc trong vòng 5 năm qua. Trung Quốc ban đầu kêu gọi nối lại đàm phán nhưng Tổng thống Biden đã sớm quyết định giữ khoảng cách ngoại giao với Trung Quốc, duy trì các biện pháp chống Trung Quốc từ thời Trump cũng như khôi phục các liên minh nhằm tăng cường hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.[6] Tiếp đến, Trung Quốc cắt đứt đàm phán sau chuyến thăm chính thức của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8/2022. Mặc dù hai nước đã nối lại trao đổi ngoại giao cấp cao trong vài tháng gần đây, lãnh đạo hai bên đều công khai tuyên bố rằng họ không mong đợi đột phá thực sự từ quá trình này.
Tất nhiên, tình trạng căng thẳng hiện tại có thể được cải thiện trong tương lai. Lý do khiến nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không đáp lại thiện chí của Mỹ chủ yếu là do niềm tin phổ biến rằng: Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu đi ngược lại với lợi ích và giá trị của Mỹ.[7]
Thực tế cho thấy một số dấu hiệu tích cực về hợp tác giữa hai nước nếu ta tạm thời bỏ qua những quan ngại về động cơ của Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc đã tìm kiếm hợp tác trong nhiều vấn đề. Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo tháng 11/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Biden rằng các dự án toàn cầu của Trung Quốc mở cửa cho Mỹ và hy vọng các chương trình phát triển của Mỹ cũng sẽ mở cửa cho Trung Quốc. Sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình liệt kê các lĩnh vực có chung lợi ích mà hai nước có thể hợp tác như: kinh tế, năng lượng, tương tác quân sự, thực thi pháp luật, giáo dục, khoa học và công nghệ, truyền thông mạng, môi trường và hợp tác cấp địa phương. Sau đó, Tập Cận Bình kêu gọi “tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế để cung cấp nhiều hàng hóa công hơn cho thế giới.”[8]
Mặc dù sau đó, phía Mỹ có một số động thái thách thức như để bà Pelosi thăm Đài Loan hay ban hành các quy định hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt đối với sản phẩm bán dẫn tiên tiến, ông Tập Cận Bình vẫn kêu gọi trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị G20 tại Bali (11/2022) rằng:
Ngăn chặn xung đột, đối đầu và chung sống hòa bình là lợi ích tương hỗ cơ bản của chúng ta. Hai nền kinh tế hội nhập sâu rộng với nhau và đều phải đối mặt với những nhiệm vụ phát triển mới. Sự phát triển của mỗi nước đều đem lại lợi ích cho nước kia, cũng như việc hợp tác để thúc đẩy phục hồi sau COVID, đối phó với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề khu vực.[9]
Nói thì dễ, làm thì khó. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc đã từng hợp tác cùng có lợi trong lịch sử. Chưa đầy mười năm trước, hợp tác Mỹ - Trung đã đóng vai trò quan trọng trong việc ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Năm 2014, Mỹ và Trung Quốc phối hợp chặt chẽ để kiểm soát dịch Ebola tại Tây Phi.[10] Ngoài ra hai nước còn đạt được một loạt tiến triển hợp tác khác trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và biến đổi khí hậu thông qua Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Song phương.[11]
Chính quyền Trump đã chấm dứt hầu hết hợp tác Mỹ - Trung cấp quốc gia nhưng hợp tác cấp địa phương vẫn tiếp tục, ví dụ như thỏa thuận chia sẻ thông tin về khí hậu và giao lưu nhân dân California – Hải Nam với Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc.
Thỏa thuận Hợp tác Khoa học và Công nghệ (STA) 1979 là thỏa thuận duy nhất được duy trì trong thời Trump, dự kiến hết hạn vào tháng 8/2023.[13] Trung Quốc khuyến khích tiếp tục gia hạn thỏa thuận này. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã đăng tweet khen ngợi: “Hợp tác [khoa học và công nghệ] lâu dài giữa hai nước giúp bảo vệ mạng sống, giảm thiểu các dị tật bẩm sinh, nuôi sống hàng tỷ người, bảo vệ rừng, kiểm soát ô nhiễm… ở cả hai nước và trên toàn thế giới…”[14] Chính quyền Biden đã gia hạn thỏa thuận STA thêm sáu tháng để chờ đàm phán lại mặc dù một số thành viên Quốc hội kêu gọi chấm dứt hợp tác.
Tuy nhiên, mối quan hệ hai nước đã trở nên vô cùng căng thẳng. Ngay cả khi Trung Quốc muốn hợp tác, Mỹ vẫn coi đó là chiến thuật của Trung Quốc để giảm sức ép từ Mỹ và lợi dụng hợp tác để phục vụ lợi ích hẹp hòi.
Việc các nhà lãnh đạo một nước theo đuổi lợi ích quốc gia là điều đương nhiên. Câu hỏi quan trọng là liệu những mục tiêu của Trung Quốc có phù hợp với lợi ích chung và đảm bảo lợi ích của các quốc gia khác hay không.
Bản đầy đủ tại đây
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bầu cử đối với cuộc chiến chống lại dịch bệnh này sẽ cần được quan trọng và tập trung hơn.