Marties Danguluan Vitug, Rock Solid: How the Philippines won its Maritime Case against China [Vững như bàn thạch: Philippines làm thế nào để giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc], Quezon City: Ateneo de Manila University Press, 2018, trg. 315.
Tháng 7/2018, nhà báo Marties Danguluan Vitug, Tổng biên tập báo Rappler (Philippines) xuất bản cuốn sách “Rock Solid: How the Philippines won its Maritime Case against China” (Tạm dịch: “Vững như bàn thạch: Philippines làm thế nào để giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc”). Cuốn sách tổng kết và phân tích những nhân tố làm nên chiến thắng của Philippines trong vụ kiện Biển Đông trên các khía cạnh pháp lý, chính trị và con người; trần thuật những thời khắc phải đưa quyết định có tính bước ngoặt cho vụ kiện và trình bày một số suy nghĩ về bước đi Philippines cần làm trong thời gian tới.
Tác giả lập luận rằng Philippines đã có một chiến thắng vững chắc (Rock solid) trước Trung Quốc. Chiến thắng này là kết quả của những nỗ lực bền bỉ, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trí tuệ, lòng quả cảm và kiên định. Do đó, Philippines không nên lãng phí chiến thắng quan trọng này như chính quyền hiện nay đang làm. Việc tuân thủ một phán quyết cần có thời gian, đôi khi không trong một nhiệm kỳ tổng thống nên Philippines cần tư duy chiến lược, giữ vững nhận thức về công lý, tính công bằng và quyền chủ quyền.
Sách được chia làm năm chương. Chương 1 giới thiệu lịch sử tranh chấp Biển Đông và bối cảnh thực địa, chính trị trước khi vụ kiện diễn ra. Chương 2 thảo luận những nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, đồng thời là tiền đề cho vụ kiện. Chương 3 miêu tả bốn cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc Philippines sử dụng biện pháp biện pháp trọng tài. Chương 4 diễn giải những lập luận được sử dụng trong vụ kiện, những tình huống cam go trước những áp lực bên ngoài từ Trung Quốc, những mâu thuẫn, tranh cãi trong nội bộ Philippines. Chương cuối cùng cập nhật những diễn biến sau vụ kiện, đặc biệt là về nội bộ Philippines và đưa ra một số kiến nghị về các bước đi trong tương lai.
Những cá nhân làm nên chiến thắng cho Philippines
Bốn nhân vật chủ chốt trong quyết định khởi kiện và sau đó dẫn dắt quá trình chuẩn bị cho vụ kiện được tác giả mô tả chi tiết trong chương ba.
Thứ nhất là Thẩm phán tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio. Ông là người tiên phong trong giới học giả Philippines đưa ra ý tưởng Philippines phải sử dụng các biện pháp pháp lý để chống lại các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Từ lâu, ông tập hợp một nhóm nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia đầu ngành của Philippines và các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực luật biển.
Thứ hai là Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario, người bắt đầu lên nắm quyền từ năm 2011, đúng vào thời điểm Trung Quốc có hàng loạt hành động gây hấn ở Biển Đông. Tại Bộ Ngoại giao, Del Rosario đã thành lâp một nhóm đặc nhiệm về vấn đề biển Tây Philippines (Biển Đông) với sự tham dự của các cá nhân đứng đầu từ Phòng về các vấn đề Biển và Đại Dương, Phòng Châu Á-Thái Bình Dương để lên kế hoạch và đưa ra phản ứng chiến lược về các vụ việc liên quan tới vùng biển này.
Thứ ba là Tổng thống Beniquo Aquino III. Ngay sau sự kiện Scarborough (2012), ông đã triệu tập nội các và đại diện từ Thượng viện và Hạ viện; cuộc họp kết thúc với quan điểm thống nhất phải quốc tế hóa tranh chấp. Cũng theo tác giả tiết lộ, Hội nghị Thượng định ASEAN lần thứ 45 năm 2012 tại Campuchia đã đẩy nhanh quyết định khởi kiện của ông Aquino. Ngay sau khi trở về từ Campuchia, việc đầu tiên Tổng thống Aquino làm là yêu cầu xem hồ sơ pháp lý và các phương án cho vụ kiện. Trước khi tuyên bố khởi kiện chính thức, trong cuộc họp nội các, ông Aquino khẳng định: “Chúng ta phải làm điều đúng đắn ngay cả khi không có sự ủng hộ từ phía Mỹ.”
Thứ tư là luật sư Paul Reicher - luật sư chính của Philippines đến từ hãng luật Foley Hoag. Paul Reicher là một luật sư tài năng, đã chiến thắng trong nhiều vụ kiện, hầu hết đều là những án lệ kinh điển và luôn lựa chọn hỗ trợ phía các quốc gia yếu thế trong các vụ việc.
Các yếu tố tác động đến quyết định khởi kiện của Philippines
Trong chương hai, tác giả phân tích ba nhân tố ít nhiều có tác động đến quyết định khởi kiện của Philippines.
Thứ nhất là mối quan hệ đồng minh Mỹ- Philippines. Mặc cho nhiều quan ngại và nghi ngờ về cam kết của Mỹ sau sự kiện Scarborough, thẩm phán Carpio vẫn tin tưởng Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA) ký kết giữa hai nước năm 2014 sẽ bổ trợ cho Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines (1951) trong việc “ngăn chặn các bước tiến hung hăng hơn nữa của Trung Quốc vào Biển Đông” (tr. 112).
Thứ hai, Philippines cho rằng Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) không kiếm chế được Trung Quốc. Tác giả dẫn quan điểm của luật sư Benard Oxman rằng việc DOC không phải là một văn kiện pháp lý dẫn đến “sự thiếu vắng một trật tự pháp lý rõ ràng” ở khu vực, tiền đề cho các phức tạp và bất ổn.
Thứ ba, việc Philippines nghiêm túc tuân thủ UNCLOS đã giúp Philipinnes có chỗ đứng trong vụ kiện. Năm 2009 Philippines đã ban hành Luật đường cơ sở 2009 (Đạo luật RA 952), vẽ lại đường cơ sở quần đảo cho phù hợp với các quy định của UNCLOS, theo đó, Scarborough và nhóm đảo Kalayaan (nhóm các thực thể Philippines yêu sách chủ quyền ở Trường Sa) không nằm trong vùng nước quần đảo do đường cơ sở quần đảo mới tạo thành. Vùng biển tính ra từ Scarborough và Kalayaan sẽ dựa trên “quy chế đảo” mà ở đó, mỗi thực thể sẽ có vùng biển riêng. Theo Toà án tối cao Philippines, việc vẽ đường cơ quần đảo phù hợp với UNCLOS sẽ (i) tránh việc các quốc gia khác tự do đi vào và khai thác tài nguyên tại các vùng biển của Philippines và (ii) tránh làm suy yếu lập trường quốc gia trong các tranh chấp quốc tế liên quan đến vùng biển của Philippines.
Quá trình ra quyết định và định hình chiến lược pháp lý
Tác giả cho biết, chính phủ Philippines bắt đầu có động thái chính thức cho vụ kiện từ tháng 8/2012, yêu cầu 4 luật sư quốc tế là W. Michale Reisman (Giáo sư luật quốc tế đại học Yale), Bernard Oxman (Giáo sư luật của Đại học Miami); Carolyn Lamm (Công ty luật White and Case) và Paul Reicher (công ty luật Foley Hoag) đưa ra ý kiến sơ bộ. Những trao đổi này diễn ra bí mật với quan ngại Trung Quốc có thể sẽ tìm cách rút khỏi UNCLOS.
Mấu chốt của việc xây dựng chiến lược pháp lý là nội dung khởi kiện phải tránh được câu hỏi về chủ quyền và phân định biển – những vấn đề mà Toà không có thẩm quyền. Bằng kinh nghiệm tranh tụng trước các toà án quốc tế và kiến thức luật biển, các luật sư quyết định “neo” vụ kiện vào hai vấn đề chính: (i) phản bác yêu sách đường lưỡi bò là không phù hợp với UNCLOS và (ii) đề nghị Toà xác định quy chế và khả năng tạo ra vùng biển của các thực thể ở Trường Sa. Các luật sư khá chắc chắn về vấn đề yêu sách đường lưỡi bò. Ngược lại, với yêu cầu thứ hai, trong quá trình xét xử và tranh tụng, Philippines đã phải vận dụng nhiều tài liệu kỹ thuật, bản đồ, ghi chép lịch sử, ý kiến chuyên gia v.v... để chứng minh không có thực thể nào ở Trường Sa có thể có nhiều hơn 12 hải lý vùng lãnh hải. Trong buổi tranh tụng trực tiếp, luật sư Philippines còn phải vận dụng đến “lẽ công bằng”: “Việc cho phép các thực thể tí hon và không đáng kể, vô tình nổi lên trên mặt nước, có đầy đủ vùng EEZ và thềm lục địa sẽ là vô lý và bất công với các quốc gia ven biển khác, có đường bờ biển và dân số đáng kể hơn.”
Cuộc tranh luận nội bộ liên quan đến Ba Bình
Cuốn sách tiết lộ một chi tiết bất ngờ về cuộc tranh luận trong nội bộ Philippines về việc có đưa lập trường về quy chế của đảo Ba Bình vào bản tranh tụng và trình bày trước Toà hay không. Quy chế của Ba Bình không thuộc danh sách các đệ trình mà Philippines đặt ra.[1] Tuy nhiên, trong quá trình xét xử các đệ trình, Toà có thể sẽ xem xét đến quy chế của Ba Bình để khẳng định hoàn toàn thẩm quyền của mình đối với vụ kiện – cho dù không được Philippines hỏi trực tiếp trong đơn kiện.[2] Cuộc tranh luận về Ba Bình kéo dài đến sát hạn nộp bản tranh tụng (tháng 3/2014) và chỉ ngã ngũ khi Tổng thống Aquino trực tiếp ra quyết định giữ phần lập luận về Ba Bình.
Bên ủng hộ gồm có Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario, thẩm phán Antonio Carpio và đội luật sư nước ngoài. Những người này tự tin rằng việc chủ động đặt vấn đề trước Toà, kèm theo kinh nghiệm quốc tế dày dặn trong các vụ việc tương tự[3] của đội ngũ luật sư sẽ thuyết phục Toà tuyên bố Ba Bình không có nhiều hơn 12 hải lý vùng lãnh hải. Bên phản đối, gồm Tổng biện lý sự vụ (Solicitor General) Francis Jardelzeza cùng Chánh Văn phòng Tổng thống Paquito Ochoa, lập luận rằng việc chủ động nêu vấn đề quy chế của Ba Bình sẽ có nguy cơ Toà tuyên bố thực thể này có vùng EEZ và thềm lục địa, vậy nên, cách tốt nhất là “lờ” đi. Bên phản đối đã nhiều lần ngăn cản những nỗ lực của phe ủng hộ: cản trở các luật sư nước ngoài gặp Tổng thống Aquino, chỉ thị các luật sư không trả lời câu hỏi của Toà về quy chế của Ba Bình, tìm cách loại thẩm phán Antonio Carpio ra khỏi đoàn đại biểu Philippines tham dự phiên toà... Trong khi đó, mấu chốt cho chiến thắng của bên ủng hộ ở chỗ thuyết phục được Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima – bạn thân và đồng minh thân cận của Tổng thống Aquino.
Phản ứng đảo chiều của Philippines sau vụ kiện
Tác giả đã hé lộ nhiều câu chuyện nội bộ của Philippines, lý giải cho phản ứng hờ hững của chính quyền trước chiến thắng pháp lý lịch sử trong vụ kiện Biển Đông. Thứ nhất, Tổng thống Durterte lên nắm chính quyền nửa tháng trước khi Toà ra phán quyết. Tổng thống Durterte quyết định quay về phía Trung Quốc nhằm tìm kiếm nguồn đầu tư và thúc đẩy thương mại và tách khỏi đồng minh lâu năm Mỹ; ông này tuyên bố sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc trong dài hạn, xét từ khía cạnh ý thức hệ. Thứ hai, Trung Quốc đã tác động tới phản ứng của Philippines. Một thành viên của nội các được Đại sứ Trung Quốc mời ăn tối và đưa ra một danh mục các điều Philippines nên nói và không được nói sau khi có phán quyết. Thứ ba, nội bộ chính trường Philippines rất phức tạp, có những nhóm lợi ích khác nhau như cựu tổng thống Arroyo, Mendoza… nhấn mạnh rằng “giải quyết tranh chấp hữu nghị với Trung Quốc sẽ giúp giải quyết tranh chấp”. Thậm chí, nhóm này còn lập luận việc chính quyền Aquino khởi kiện đã thúc đẩy Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Bài học từ vụ kiện và một số kiến nghị cho tương lai
Nhìn nhận lại quá trình vụ kiện và những diễn biến về sau, tác giả cho rằng chính quyền Philippines cần rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, Philippines cần có tư duy chiến lược dài hạn hơn hiện nay. Thứ hai, việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao phải trên cơ sở năng lực và tiêu chuẩn hành vi cao nhất, sẵn sàng vì lợi ích chung. Thứ ba, phải xây dựng tư duy biển, nâng cao nhận thức về đặc thù không gian biển rộng lớn của Philippines. Hiện nay, các chính sách biển đa phần chỉ dựa trên cơ sở mở rộng các chính sách quản lý từ đất liền ra biển, thay vì đứng từ biển nhìn vào.
***
Là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, có uy tín lớn ở Philippines và theo sát vụ kiện trong thời gian dài, bà Marties Danguluan Vitug tiếp cận được nhiều nguồn thông tin trong nội bộ Philippines, xâu chuỗi và tổng kết được các diễn biến trên chính trường Philippines một cách toàn diện và chi tiết. Do đó, cuốn sách cung cấp một bức tranh toàn diện về quá trình chuẩn bị và tranh tụng của Philippines với nhiều câu chuyện hậu trường, nhiều tình tiết bất ngờ. Cuốn sách được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, sử dụng phương pháp nghiên cứu sử học kết hợp với văn phong báo chí, phóng sự với nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, thích hợp trở thành tài liệu tham khảo quan trọng cho những người quan tâm đến vấn đề Biển Đông.
Nhóm tác giả: Võ Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Thu Hương, Quách Thị Huyền, Hoàng Thị Ngọc Anh. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.