Tháng 7 năm 2018, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xờ-tốc-khôm (SIPRI) và Quỹ Friedrich Ebert Stiftung (FES) công bố báo cáo “Con đường Tơ lụa trên biển của thế kỷ 21: Các tác động an ninh của Con đường Tơ lụa trên biển và ứng phó của Liên hiệp châu Âu”. Báo cáo phân tích ý đồ của Trung Quốc và các ảnh hưởng an ninh của sáng kiến Con đường Tơ lụa trên Biển của Trung Quốc (MSR) đối với các khu vực khác nhau trong đó có Biển Đông và Ấn Độ Dương và đề xuất các biện pháp ứng phó của Liên minh Châu Âu trước những thách thức an ninh của Con đường Tơ lụa trên biển.

Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu một số nội dung chính của Báo cáo để góp phần hoàn thiện bức tranh về kết nối hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Ý đồ của Trung Quốc đối với Con đương Tơ lụa trên biển (MSR)

Theo báo cáo, mặc dù MSR là sáng kiến kinh tế nhưng có hàm ý chiến lược. Mục tiêu công khai của Trung Quốc về MSR phục vụ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm phát triển nền kinh tế xanh, cải thiện an ninh lương thực và năng lượng, đa dạng hóa và đảm bảo các tuyến đường giao thông biển, duy trì chủ quyền lãnh thổ và tăng cường ảnh hưởng quốc tế. Trên thực tế, MSR có tiềm năng mở rộng không gian hàng hải chiến lược của Trung Quốc, thiết lập các cứ điểm để bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu, qua đó từng bước hình thành trật tự biển do Trung Quốc chi phối. Điều này lý giải tại sao MSR không có mục tiêu, phạm vi địa lý rõ ràng và ngày càng mở rộng.[1]

Trung Quốc kỳ vọng thông qua MSR xây dựng một hệ thống liên hoàn các cảng biển, dự án hạ tầng và đặc khu kinh tế ở Đông Nam Á, Nam Á và mở rộng xa hơn; qua đó tái lập chuỗi sản xuất và thị trường để hình thành trật tự Trung Quốc đóng vai trò trung tâm. MSR được đánh giá là "động thái chính trị quan trọng nhất nửa đầu thế kỷ 21," kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc chuyển từ “bị động” sang “chủ động” trong ngoại giao, tạo bàn đạp để Trung Quốc vươn lên thành cường quốc toàn cầu. Lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ: “một cường quốc toàn cầu phải có sức mạnh hàng hải vượt trội”[2] và tại Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc biển.[3] Tham vọng này được lặp lại trong Sách trắng Quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 và một lần nữa vào năm 2015.

Theo đánh giá, MSR sẽ đặt Trung Quốc trước nhiều rủi ro. Việc đầu tư hơn 1.000 tỷ đô la vào các quốc gia yếu kém có thể dẫn đến mất vốn, thua lỗ. Các dự án ở nước ngoài đòi hỏi Trung Quốc can dự mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi, công dân và tài sản của mình ở nước ngoài. MSR được Trung Quốc thiết kế để tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc, giành thế chủ động trong các tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, nên không dễ được các nước chấp nhận.

Hệ lụy an ninh của Con đương Tơ lụa trên biển (MSR)

Theo đánh giá của SIPRI và FES, MSR có thể có những tác động an ninh trái chiều nhau ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Về kinh tế, MSR có thể có những tác động tích cực thông qua gia tăng nguồn vốn đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh sự hội nhập giữa các nền kinh tế, qua đó gián tiếp thúc đẩy gác tranh chấp và hạn chế các nguy cơ xung đột. MSR là sự bổ sung hữu ích cho Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPEC), qua đó giúp đẩy tạo ra các cơ hội phát triển kinh tế, thúc đẩy thịnh vượng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, MSR mở đường cho Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, tạo ra các đòn bẩy để Trung Quốc can dự sâu vào chính trị khu vực, làm suy yếu các cấu trúc an ninh hiện có, mà trung tâm là ASEAN và hệ thống trục và nan hoa của Mỹ. 

Trên thực tế, lợi ích và quan điểm của các nước Đông Nam Á với MSR rất khác nhau. In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a tìm cách cân bằng giữa kết nối kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc để phát triển và duy trì chủ quyền về kinh tế và chính trị.[4] Các nước này nhận thức rõ rủi ro và hậu quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, do không có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để tự phát triển cơ sở hạ tầng độc lập và sự hỗ trợ của các cơ chế đa phương hiện tại chậm chạp, rườm rà, nên họ tích cực chào đón đầu tư và kinh nghiệm kỹ thuật từ Trung Quốc. Việt Nam được coi là nước hoài nghi nhất về MSR vì dự án này liên quan đến xung đột lợi ích giữa Việt Nam và Trung Quốc. Định kiến lịch sử, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Việt Nam rất nghi ngờ ý đồ của Trung Quốc. Một số dự án do Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam có nhiều sai sót đã khiến Việt Nam mất lòng tin vào cách quản lý dự án nước ngoài của Trung Quốc. Ở phía ngược lại, Lào và Cam-pu-chia coi trọng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong đó có MSR. Là nước không có biển và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, Lào muốn trở thành điểm trung chuyển giữa Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Việc Lào tham gia sâu vào BRI khiến nước này phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Cam-pu-chia ưu tiên tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo nên cũng tích cực tham gia vào BRI bất chấp các tác động về chủ quyền. Năm 2016, Bộ Du lịch Cam-pu-chia khuyến khích sử dụng đồng Nhân dân tệ để thu hút khách du lịch Trung Quốc. Xinh-ga-po là nước hưởng lợi nhất từ các dự án BRI với vai trò hỗ trợ dịch vụ ngân hàng và pháp lý cho các dự án. Trên thực tế, 33% các khoản đầu tư của Trung Quốc ra bên ngoài liên quan đến BRI và 85% các khoản đầu tư vào Trung Quốc đi qua Xinh-ga-po.

Từ thực tế đó, MSR có khả năng tác động tiêu cực đến an ninh ở Biển Đông ở ba khía cạnh. Thứ nhất, MSR mở đường giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Đông Nam Á và gia tăng ảnh hưởng với các nước thành viên ASEAN, qua đó giảm tính cố kết và thống nhất trong ASEAN. Điển hình, Cam-pu-chia luôn tránh không chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, khiến ASEAN khó phản ứng thống nhất. Thứ hai, MSR có thể làm trầm trọng các xung đột, tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông. Quần đảo Trường Sa có giá trị chiến lược quan trọng vì nằm dọc theo tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông. Thứ ba, MSR có thể làm giảm vai trò an ninh của Mỹ, tạo ra bàn đạp để Trung Quốc xâm nhập quân sự vào khu vực. Nguy cơ này trở nên hiện hữu bởi ASEAN thiếu một cấu trúc an ninh khu vực hiệu quả và cam kết của Tổng thống Trump đối với khu vực không rõ ràng và chắc chắn. Việc tăng cường lực lượng quân sự trên sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố, va chạm ngoài ý muốn trên Biển Đông.

Ấn Độ Dương, MSR cũng có khả năng làm thay đổi cục diện trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở các nước đang phát triển trong khu vực như Pa-ki-xtan. Băng-la-đét, Sri Lan-ca, Man-đi-vơ khiến Ấn Độ lo ngại và cảm giác bị bao vây. Theo đó, Ấn Độ phản ứng bằng cách gia tăng hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương. Thứ hai, MSR thúc đẩy tập hợp lực lượng mới ở khu vực và hình thành không gian địa chiến lược mới. Sự hình thành cơ chế Bộ Tứ và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là phản ứng đối phó với bàn cờ địa chính trị mới của Trung Quốc. Thứ ba, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc có khả năng làm suy yếu vị thế và vai trò của Mỹ. Năm 2014, Trung Quốc đưa ra “Khái niệm An ninh Châu Á mới” với tôn chỉ “an ninh châu Á nên do người châu Á tự quyết định,” vì Trung Quốc muốn phá bỏ quan hệ an ninh giữa Mỹ và các nước Ấn Độ Dương. Thứ tư, với việc gia tăng hiện diện ở lục địa Á-Âu, các vùng duyên hải Ấn Độ Dương (Đông Phi, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á hải đảo) khiến Trung Quốc can dự sâu hơn vào các tranh chấp, xung đột sẵn có ở khu vực (ví dụ, xung đột giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan, I-ran và Ả-rập Xê-út, Ác-mê-ni-a và Ai-déc-bai-dan). Tuy nhiên, khả năng xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ, giữa Trung Quốc với Mỹ hay các nước đồng minh của Mỹ rất thấp do các bên cần đảm bảo hòa bình để vận tải biển quốc tế diễn ra thuận lợi.

Ứng phó của Liên minh Châu Âu

Theo Báo cáo, mục tiêu công khai của MSR phù hợp với lợi ích của Liên minh Châu Âu (EU). Chiến lược An ninh Biển của châu Âu 2014, Chiến lược Toàn cầu 2016 của EU và các chính sách của Uỷ ban Châu Âu nhấn mạnh yếu tố tăng trưởng xanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy kết nối địa phương, mở rộng các đường biển quốc tế và thúc đẩy hợp tác an ninh trên biển nói chung. Đây là cơ sở để EU và Trung Quốc tăng cường và mở rộng hợp tác.

Trên thực tế, MSR đặt ra nhiều thách thức an ninh hơn cơ hội cho EU. EU lo ngại với MSR vì nhiều lý do. Một là, EU có lợi ích trong duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Căng thẳng tại Biển Đông có thể kéo EU can dự sâu hơn vào khu vực. Pháp, Anh đã bước tiến đáng kể khi tuyên bố sẽ diễn tập chung tại Biển Đông trong Diễn đàn Shang-ri La tháng 6/2018. Hai là, MSR có khả năng tác động, làm suy yếu ASEAN. EU cũng phải đối diện với sự can dự của Trung Quốc giống như ASEAN. EU là một thành viên của ARF và chủ động thúc đẩy hợp tác an ninh trên biển. EU sẽ đồng chủ toạ các phiên họp về an ninh biển với Úc và Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020. Thứ ba, MSR có thể tạo ra các cản trở với tự do thương mại do: (i) tạo ưu thế cho các công ty quốc doanh của Trung Quốc; (ii) không đảm bảo nguyên tắc minh bạch trong mua sắm chính phủ; (iii) vì phạm các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (iv) không chấp hành các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Do đó, đầu năm 2018, 27/28 Đại sứ EU (trừ Hung-ga-ry) tại Bắc Kinh chỉ trích sáng kiến BRI của Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, Báo cáo đề xuất EU triển khai nhiều biện pháp để đối phó với MSR, gồm có: (i) EU cần coi phát triển kinh tế là một thành tố quan trọng của an ninh, theo đó cần can dự mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, cần chú ý hơn đến nhu cầu địa phương hơn là chỉ thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền; (ii) EU cần lưu ý hơn tới an ninh biển tại Biển Đông và Ấn Độ Dương để đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải của các tuyến đường biển vì đây là lợi ích trọng yếu của EU; (iii) EU nên tiếp tục can dự với Trung Quốc để định hình sáng kiến này phù hợp với lợi ích chung và lành mạnh, cân nhắc tham gia vào các dự án hạ tầng của Trung Quốc để đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, công bằng và bền vững được tôn trọng; (iv) EU cũng nên hợp tác với các cường quốc khác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản để hỗ trợ các nước Đông Nam Á và ở khu vực Ấn Độ Dương phát triển một cách bền vững.

Nhìn tổng thể, Báo cáo là một tài liệu tham khảo có giá trị để đánh giá về các tác động an ninh của sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Có thể thấy, MSR là một sáng kiến kinh tế nhưng có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc để xây dựng một trật tự khu vực mới ở khu vực thông qua kết nối các cơ sở hạ tầng và giao thông quan trọng trên biển. Nếu được triển khai như phác thảo, sáng kiến này sẽ có những tác động mạnh đến cục diện an ninh ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện ở các địa điểm trọng yếu, tạo ra công cụ để nước này áp đặt các chuẩn mực, luật chơi mới ở khu vực, qua đó làm suy giảm vai trò, vị thế truyền thống của các cường quốc khác. Theo đó, sự can dự của EU cũng như các cường quốc châu Âu để đảm bảo MSR tạo ra lợi ích kinh tế có tính lan toả, nhưng không tạo ra những hệ luỵ an ninh tiêu cực cho toàn khu vực./.

Ths. Ngô Thu Hương, nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.



[1] Ban đầu MSR được thiết kế để thúc đẩy hợp tác với Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương. Nhưng sau đó MSR không ngừng được mở rộng ra các vùng biển khác như Nam Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

[2] Một ví dụ: thất bại của hạm đội Bắc Dương thất bại trước Nhật Bản tại Hoàng Hải năm 1894. Nhiều đại diện của Hải quân Trung Quốc nhận định rằng: Một quốc gia yếu về biển dẫn đến một quốc gia thất bại; một quốc gia mạnh về biển sẽ tạo ra một quốc gia hùng mạnh (8/3/2014). 

[3] Đại hội đại biểu nhân dân Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 ủng hộ quyết định của Trung Quốc trở thành một quốc gia biển hùng mạnh (Tân Hoa Xã, ngày 10/11/2012).

[4]Các nhà phân tích khu vực, Tọa đàm SIPRI-FES, Ma-ni-la, Phi-líp-pin, 13-14 tháng 11 năm 2017.