Đối đầu không thể tránh: Mỹ, Trung Quốc và bi kịch của chính trị nước lớn” của GS. John J. Mearsheimer
Đỗ Mai Lan

Bài viết “Đối đầu không thể tránh: Mỹ, Trung Quốc và bi kịch của chính trị nước lớn” (The Inevitable Rivalry: America, China and the Tragedy of Great-Power Politics) của GS. John J. Mearsheimer[1] đăng trên tạp chí Foreign Affairs (Mỹ) số tháng 11-12 năm 2021. Bài viết tập trung làm rõ 02 nội dung chính: (i) Luận giải của chủ nghĩa hiện thực về đối đầu Mỹ-Trung và (ii) Bốn điểm khiến đối đầu Mỹ-Trung gay gắt hơn đối đầu Mỹ-Xô.

  • Luận giải của chủ nghĩa hiện thực về đối đầu Mỹ-Trung
  • Về động cơ hoạch định chính sách Mỹ-Trung

Chủ nghĩa hiện thực cho rằng: (i) Quan hệ quốc tế là một hệ thống vô chính phủ, không tồn tại một quyền lực đứng trên các quốc gia có khả năng điều chỉnh và bảo vệ một nước khi bị đe dọa; (ii) Không có gì đảm bảo một quốc gia đối thủ có sức mạnh quân sự dồi dào sẽ không tấn công; (iii) Khó đoán ý đồ của các đối thủ; (iv) Các quốc gia cho rằng cách tốt nhất để tồn tại trong một thế giới hỗn loạn là trở thành chủ thể mạnh nhất (bá quyền khu vực của mình và đảm bảo rằng không có nước lớn nào khác thống trị trong khu vực của mình). GS. Mearsheimer khẳng định, tất cả các nước lớn (dù là nước dân chủ hay không) không có lựa chọn nào khác ngoài việc đấu tranh giành quyền lực do kiểu suy nghĩ “được ăn cả, ngã về không” (zero-sum game).

Lô-gic hiện thực này ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ. Các tổng thống Mỹ luôn đảm bảo Mỹ là quốc gia mạnh nhất ở Tây Bán Cầu. Sau khi trở thành bá quyền Tây Bán Cầu vào đầu thế kỷ XX, Mỹ đóng vai trò then chốt trong ngăn chặn 4 nước khác vươn lên thống trị châu Á và châu Âu: (i) Đế quốc Đức trong Chiến tranh thế giới lần I, (ii) Phát xít Nhật và Đức trong Chiến tranh thế giới lần II và (iii) Liên Xô trong chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân là do Mỹ lo ngại: (i) Các nước đủ mạnh có thể tiến vào Tây Bán Cầu và (ii) Các nước thống trị các khu vực sẽ khiến Mỹ khó triển khai sức mạnh trên toàn cầu.

Tương tự, Trung Quốc muốn trở thành bá quyền ở khu vực Trung Quốc coi là sân sau và vươn lên thành bá quyền thế giới. Trung Quốc muốn: (i) Xây dựng lực lượng hải quân biển xanh để bảo vệ khả năng tiếp cận khu vực dầu mỏ vịnh Ba Tư; (ii) Trở thành nhà sản xuất hàng đầu các công nghệ tiên tiến; (iii) Thiết lập trật tự quốc tế có lợi cho mình hơn; (iv) Giải quyết vấn đề biên giới với Ấn Độ theo hướng có lợi cho mình; (v) Nuôi dưỡng các mục tiêu của chủ nghĩa xét lại ở Đông Á; (vi) Hợp nhất Đài Loan; (vii) Giành đảo Điếu Ngư trong tranh chấp với Nhật Bản; (viii) Kiểm soát phần lớn trên Biển Đông bất chấp phản đối của các nước láng giềng. Một Trung Quốc hùng mạnh sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội thực hiện những mục tiêu trên.

 Quan điểm hiện thực cho rằng Trung Quốc phát triển mạnh mẽ về kinh tế không chỉ kết thúc khoảnh khắc đơn cực mà còn tạo điều kiện giúp Trung Quốc xây dựng quân đội và theo đuổi bá quyền châu Á và tăng cường ảnh hưởng tới các khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, Mỹ theo đuổi chương trình nghị sự để trở thành bá quyền và duy trì địa vị bá quyền của mình. Vì vậy, Mỹ coi tham vọng của Trung Quốc là đe dọa trực tiếp và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.Vì vậy, một khi Trung Quốc giàu mạnh thì chiến tranh lạnh Mỹ-Trung là không thể tránh được. Đây cũng chính là “bi kịch của chính trị nước lớn” (tên một cuốn sách khác của Measheimer).   

  • Về những sai lầm của Mỹ trong chính sách với Trung Quốc

Một là, sau chiến tranh Lạnh, Mỹ đã có tâm lý chủ quan đối với Trung Quốc nghèo nàn và đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến với Liên Xô trong một thập kỷ mà bỏ qua những dấu hiệu tiềm tàng[2] cho thấy Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ sau đó.

Hai là, sai lầm trong định hướng chính sách với Trung Quốc do ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tự do. Chiến thắng của chủ nghĩa tự do giai đoạn 1990 khiến Mỹ tin rằng hòa bình và thịnh vượng thế giới sẽ được tối đa thông qua mở rộng dân chủ, thúc đẩy tự do kinh tế toàn cầu và tăng cường các thể chế quốc tế. Trong suốt 4 thời tổng thống Mỹ[3], chính quyền đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ theo đuổi chính sách can dự và giúp Trung Quốc giàu mạnh hơn thông qua đầu tư và khuyến khích Trung Quốc tham gia các hệ thống thương mại toàn cầu với niềm tin rằng Trung Quốc có thể trở thành một nền dân chủ yêu hòa bình và người chơi có trách nhiệm trong trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt. Chủ trương này triển khai nhất quán ở cả cấp chính quyền, doanh nghiệp[4], truyền thông và giới học thuật.

Kết quả, thực tế diễn ra đi ngược hoàn toàn với mong muốn của Mỹ. Chiến lược can dự của Mỹ thất bại hoàn toàn khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế nhưng không trở thành nước dân chủ tự do hay người chơi có trách nhiệm. Thậm chí, Trung Quốc coi những giá trị tự do của Mỹ là mối đe dọa tới ổn định quốc gia. Trung Quốc trỗi dậy ngày càng trở nên hiếu chiến và tham vọng. Chiến lược can dự của Mỹ không những không hạn chế được đối đầu và kéo dài khoảnh khắc đơn cực mà còn khiến Mỹ-Trung rơi vào cuộc chiến tranh lạnh mới - cạnh tranh an ninh sâu sắc trong mọi phạm vi của quan hệ.

  1. Mearsheimer nhận định lẽ ra trong khoảnh khắc đơn cực, Mỹ nên giảm đà phát triển của Trung Quốc và tối đa chênh lệch sức mạnh với Trung Quốc. Can dự là chiến lược kém hiệu quả nhất trong lịch sự cận đại khi tích cực hỗ trợ đối thủ phát triển. GS liệt kê một loạt chính sách sai lầm của Mỹ đã giúp Trung Quốc vươn lên phát triển mạnh mẽ như: (i) Những năm 1990, khi Trung Quốc còn lạc hậu và kém phát triển, phải dựa vào thị trường, công nghệ và vốn từ Mỹ, Mỹ có cơ hội cản trở Trung Quốc nhưng Mỹ đã trao cho Trung Quốc quy chế Tối huệ quốc năm 1980, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ; (ii) Kết thúc Chiến tranh Lạnh, lẽ ra Mỹ nên kết thúc quy chế Tối huệ quốc dành cho Trung Quốc và đàm phán thỏa thuận thương mại với các điều khoản khắc nghiệt hơn với Trung Quốc nhưng các tổng thống Mỹ đã mù quáng tiếp tục trao quy chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc. Năm 2000, Mỹ đánh mất lợi thế đáng kể so với Trung Quốc khi trao quy chế Tối huệ quốc vĩnh viễn cho Trung Quốc. Năm 2001, Mỹ cho phép Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO); (iii) Mỹ lẽ ra nên sớm kiểm soát việc xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, vũ trụ và điện tử từ những năm 1990 khi các công ty Trung Quốc chủ yếu dựa vào việc nhái lại các công nghệ phương Tây; (iv) Mỹ đã sai lầm khi hạ các rào cản về đầu tư thương mại vào Trung Quốc. Nếu Mỹ mạnh tay trong đầu tư và thương mại với Trung Quốc từ sớm và thuyết phục các đồng minh như Nhật Bản, Đài Loan cùng cứng rắn với Trung Quốc, Mỹ đã có thể kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.

    Thuyết hiện thực đề xuất, Mỹ lẽ ra nên: (i) Có các chiến dịch tăng cương ảnh hưởng của Mỹ với Trung Quốc hoặc ít ra là làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc; (ii) Tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tài trợ các sáng kiến và duy trì ưu thế vượt trội về công nghệ cao của Mỹ; (iii) Khuyến khích các nhà sản xuất Mỹ ở lại trong nước và tăng cường cơ sở sản xuất của Mỹ, bảo vệ kinh tế Mỹ khỏi tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng Mỹ đã không làm gì thực chất.

    Nhận ra sai lầm của chiến lược can dự, Obama đã phần nào theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc khi đưa ra các tuyên bố về hàng hải và kiện Trung Quốc trong WTO nhưng không mấy hiệu quả. Trump đã nhanh chóng bỏ chiến lược can dự và theo đuổi chiến lược ngăn chặn. Trump đã tiến hành chiến tranh thương mại 2018, cố gắng làm suy yếu Huawei và các tập đoàn Trung Quốc đe dọa sự thống trị công nghệ của Mỹ, thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan và thách thức những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

    Đến thời Biden, Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược ngăn chặn và cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm. Tháng 7/2021, Mỹ thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Sáng chế Mỹ với sự ủng hộ của lưỡng viện. Theo đó, Trung Quốc bị dán nhãn là “thách thức địa chính trị và địa kinh tế lớn nhất trong chính sách đối ngoại Mỹ”. Dư luận Mỹ chia sẻ quan điểm này khi trong khảo sát năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 9/10 ngời Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa.

  • Bốn điểm khiến đối đầu Mỹ-Trung gay gắt hơn đối đầu Mỹ-Xô
  1. Mearsheimer nhấn mạnh 04 điểm khiến đối đầu Mỹ-Trung gay gắt hơn so với đối đầu Mỹ-Xô thời chiến tranh Lạnh:

Một là, quan ngại về năng lực của đối phương. Nếu như ở thời đỉnh cao, Liên Xô (giữa những năm 1970) chỉ có lợi thế nhỏ bé khi dân số Liên Xô khi đó gấp dân số Mỹ 1,2 lần và GNP của Liên Xô bằng 60% của Mỹ thì nay, Trung Quốc có lợi thế rõ rệt hơn. Dân số Trung Quốc gấp 4 lần dân số Mỹ và GNP bằng 70% của Mỹ. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hiện nay (5%/năm), trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về tiềm lực. Dự kiến, năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ gấp Mỹ 3,7 lần, nếu GDP đầu người của Trung Quốc bằng ½ của Mỹ (tương đương Hàn Quốc hiện nay) thì Trung Quốc sẽ giàu hơn Mỹ 1,8 lần. Nếu GDP đầu người của Trung Quốc bằng 3/5 của Mỹ (tương đương Nhật Bản hiện nay), Trung Quốc sẽ giàu hơn Mỹ 2,3 lần. Cùng với đó, Trung Quốc có thể xây dựng lực lượng quân đội mạnh hơn Mỹ, vốn cách Trung Quốc 6000 dặm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có lợi thế hơn Liên Xô thời chiến tranh Lạnh rất nhiều do: (i) Trung Quốc không phải gánh chịu tổn thất nặng nề về người và của như Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ II, (ii) Lần cuối Trung Quốc tham chiến là chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979; (iii) Trung Quốc cũng không phải chu cấp cho các nước cùng khối như Liên Xô. Trung Quốc chỉ có một vài đồng minh (Bắc Triều Tiên) và quan hệ cũng không chặt chẽ. Những lý do này khiến Trung Quốc có sự linh hoạt lớn để vươn ra bên ngoài.

Hai là, những động cơ về ý thức hệ. Trên danh nghĩa, cả Liên Xô và Trung Quốc đều là nước Cộng sản. Song nếu như Liên Xô bị ảnh hưởng chủ nghĩa cộng sản và thuyết hiện thực, Trung Quốc hiện đại theo đuổi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa dân tộc mà ít chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Trung Quốc chú trọng tuyên truyền về “thế kỷ nhục nhã” và việc Trung Quốc là nạn nhân của các nước lớn khác. Thời gian tới, thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Mỹ và Nhật Bản sẽ được đẩy cao khi cạnh tranh an ninh Đông Á trở nên căng thẳng hơn.

Ba là, tham vọng tiến hành chiến tranh ở khu vực của Trung Quốc. Liên Xô trước đây phải tập trung phục hồi sau chiến tranh thế giới thứ II và quản lý các nước đế quốc ở Đông Âu nên nhìn chung hài lòng với thực trạng ở khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc luôn muốn mở rộng ở Đông Á. Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc gắn với việc mở rộng lãnh thổ, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan.

Bốn là, vị trí địa lý hiện nay khiến khả năng xảy ra chiến tranh nóng dễ hơn. Mặc dù đối đầu Mỹ-Xô có phạm vi toàn cầu, trung tâm đối đầu Mỹ-Xô là Tấm màn sắt ở châu Âu, nơi hai phe tập trung lực lượng quân sự và trang bị hàng nghìn vũ khí hạt nhân. Song chiến tranh nước lớn lại khó xảy ra ở châu Âu do hai phe đều hiểu những rủi ro của leo thang hạt nhân. Châu Á không có ranh giới chia cắt rõ ràng như Tấm màn sắt để làm neo cho sự ổn định.

Hơn nữa, khu vực có sẵn một vài xung đột tiềm tàng, có thể giới hạn về tác động và tiện cho triển khai các vũ khí thông thường. Vì vậy, Mỹ-Trung có thể tính đến việc tiến hành chiến tranh ở đây. Ví dụ như cuộc chiến giành quyền kiểm soát Đài Loan, Biển Đông, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, các tuyến đường biển giữa Trung Quốc và vịnh Ba Tư. Các cuộc xung đột có thể xảy ra ở các vùng biển mở giữa các lực lượng không quân và hải quân đối địch. Trong những trường hợp chiếm đảo, có thể xuất hiện sự tham gia của các lực lượng trên mặt đất quy mô nhỏ. Kể cả với cuộc chiến ở Đài Loan, Trung Quốc sẽ triển khai lực lượng đổ bộ mà không dùng tới sức mạnh hạt nhân. Dù vậy, không thể khẳng định chắc chắn không có leo thang hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan hoặc trên Biển Đông. Nếu một bên thua đậm thì họ sẽ tính đến khả năng triển khai vũ khí hạt nhân để cứu vãn tình hình. Các nước có thể tính đến việc dùng vũ khí hạt nhân nếu đảm bảo kiểm soát được nguy cơ leo thang hạt nhân ở mức chấp nhận được và các cuộc tấn công diễn ra trên biển hoặc xa lãnh thổ Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh. Chiến tranh lạnh mới không chỉ dẫn tới nguy cơ chiến tranh giữa các nước lớn mà còn dẫn tới khả năng dùng đến hạt nhân.

  1. Mearsheimer khẳng định các nước lớn không muốn để nước khác phát triển mạnh hơn. Động cơ của đối đầu nước lớn mang tính cấu trúc nên vấn đề này không thể được giải quyết bằng việc hoạch định chính sách thông minh hơn. Điều duy nhất có thể ngăn chặn đối đầu Mỹ-Trung là một cuộc khủng hoảng lớn có thể khiến Trung Quốc ngưng trỗi dậy - điều khó có thể xảy ra. Vì vậy, một cuộc đua an ninh nguy hiểm là không thể tránh được.

Khả năng tốt nhất là, hai bên có thể kiểm soát sự thù địch để tránh chiến tranh. Để làm được điều này, Mỹ cần: (i) Duy trì lực lượng đáng kể thường xuyên ở Đông Á để cảnh cáo và thuyết phục Trung Quốc rằng xung đột quân sự không có lợi cho Trung Quốc; (ii) Nhắc nhở bản thân và Trung Quốc về khả năng leo thang hạt nhân thời chiến; (iii) Cố gắng thiết lập các quy định rõ ràng về việc tiến hành cuộc đua an ninh này (ví dụ như các thỏa thuận tránh các va chạm trên biển hoặc xung đột quân sự).

  1. Mearsheimer nhấn mạnh các biện pháp này chỉ để giảm các nguy cơ tiềm tàng trong đối đầu Mỹ-Trung. Đây là giá Mỹ phải trả khi đã phớt lờ lô-gic của chủ nghĩa hiện thực và để Trung Quốc trở thành một nước hùng mạnh, quyết tâm thách thức Mỹ trên mọi mặt trận.

Nhận xét

  1. Mearsheimer là nhà nghiên cứu về các học thuyết quan hệ quốc tế và là nhà hiện thực. Ông tin rằng nước lớn thống trị hệ thống quốc tế và liên tục can dự vào các cuộc cạnh tranh an ninh, đôi khi có thể dẫn tới chiến tranh. Ông tin rằng các học thuyết khoa học xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạch định và phân tích chính sách ngoại giao của các nước.

Bài nghiên cứu của ông lên án những sai lầm của thuyết tự do và đề cao vai trò của thuyết hiện thực trong lý giải động cơ, nguyên nhân, triển vọng cũng như những đề xuất trong quan hệ Mỹ-Trung. Các lập luận trong bài viết khá thuyết phục và có giá trị tham khảo, đặc biệt khi ông so sánh và tìm ra điểm khác của đối đầu Mỹ-Xô thời chiến tranh lạnh và Mỹ-Trung hiện nay và đưa ra các cảnh báo về nguy cơ mất ổn định và thậm chí xảy ra xung đột chiến tranh ở khu vực.

Tuy nhiên, bài viết của ông mới chỉ tập trung vào đối đầu Mỹ-Trung như cuộc chạy đua của riêng Mỹ và Trung Quốc mà chưa đề cập đến các chủ thể khác, các xu thế, cũng như vai trò của các tổ chức khu vực/quốc tế.

 

[1] John J. Mearsheimer là Giáo sư danh dự về Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago. Ông là tác giả của cuốn: “Ảo tưởng Vĩ đại: Giấc mơ tự do và hiện thực quốc tế” (The Great Delusion: Liberal Dreams and International Realities).

[2] Trung Quốc có dân số gấp 5 lần Mỹ và chính quyền theo đuổi chính sách đổi mới kinh tế - những nhân tố chính trong sức mạnh quân sự

[3] Geogre H. W. Bush, Clinton, George W. Bush và Obama

[4] Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ coi Trung Quốc là cơ sở sản xuất và thị trường khổng lồ với hơn 1 tỷ khách hàng tiềm năng.