Các bộ trưởng từ Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Lào ngày 8/12 đã nhất trí rằng cần phải tiến hành nghiên cứu thêm những tác động xuyên quốc gia về môi trường và sinh thái của dự án. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng cũng nêu rõ cần nghiên cứu thêm về vấn đề quản lý, phát triển bền vững và tác động từ các dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Công. Tuyên bố, không mang tính pháp lý bắt buộc, cũng khẳng định các bộ trưởng đã nhất trí về nguyên tắc trong việc mời Nhật Bản và các đối tác phát triển khác cùng tiến hành các nghiên cứu.Lào là một trong các quốc gia nghèo và hiện coi việc phát triển thủy điện để bán cho các nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan mang ý nghĩa sống còn với sự phát triển trong tương lai. Thái Lan, nước sẽ mua 95% sản lượng điện của dự án Xayaburi không phản đối dự án này nhưng Việt Nam và Campuchia phản ứng quyết liệt vì lo ngại ảnh hưởng đến nông nghiệp, ngư nghiệp và hệ sinh thái. Hai nước này đề nghị Lào nghiên cứu kỹ lưỡng tác động trước khi quyết định về dự án. Tuần trước, Lào đã tỏ ý lạc quan sẽ chứng minh dự án Xayaburi không gây tác hại tới hạ nguồn sông Mê Công và sẽ được các nước hạ nguồn chấp thuận. Tuy nhiên, Campuchia cho rằng các luận cứ khoa học mà phía Lào đưa ra là chưa đủ và đòi Lào phải nghiên cứu thêm. Cùng chung quan điểm này, Việt Nam đề nghị hoãn tất cả các kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mê Công thêm ít nhất 10 năm nữa để đánh giá tác động. 

Kết quả cuộc họp của MRC ngày 8/12 được các chính phủ và các nhà môi trường hoan nghênh. Chủ tịch MRC Lim Kean Hor nói: “Kết quả đạt được ngày 8/12 đã cho thấy các quốc gia thành viên tiếp tục cam kết hợp tác khu vực theo tinh thần của thỏa thuận Mê Công nhằm mang lại sự phát triển kinh tế mà không làm tổn hại đời sống, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của khu vực". Ông Lim nhấn mạnh: “Các nghiên cứu sâu trong tương lai sẽ giúp 4 quốc gia thành viên MRC biết tường tận hơn về tác động và từ đó có thể thảo luận việc quản lý và phát triển các nguồn tài nguyên chung”. Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường cũng lập tức hoan nghênh quyết định hoãn dự án của Lào. Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức các dòng sông quốc tế (IR), bà Ame Trandem, nói: “Tuyên bố ngày 8/12 của MRC đã đáp lại ý nguyện của nhân dân trong khu vực. Lào không thể thúc đẩy dự án này khi chưa có các bằng chứng rõ ràng khẳng định rằng dự án này không gây tác hại tới môi trường và hệ sinh thái”. Trước hội nghị này, các nhà môi trường đã cảnh báo dự án Xayaburi sẽ gây thảm họa cho 60 triệu cư dân sống dọc hạ nguồn con sông, và việc Lào triển khai dự án này còn khởi đầu cho cuộc chạy đua xây dựng thêm 10 đập thủy điện nữa trên dòng chính của sông Mê Công và biến con sông này thành dòng sông chết. Trước thềm hội nghị MRC, hơn 22.000 nhà hoạt động môi trường từ 106 quốc gia trên thế giới đã gửi đơn kêu gọi các bộ trưởng tham dự cuộc họp của MRC từ bỏ dự án Xayaburi.Giới quan sát cũng ghi nhận sự đồng thuận đạt được tại Siem Reap ngày 8/12 đã thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác khu vực của các quốc gia thành viên MRC. Trước thềm cuộc họp này, một số học giả Thái Lan đã cảnh báo tình hữu nghị giữa các quốc gia lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là quan hệ giữa Lào với Việt Nam và Campuchia, sẽ bị tổn hại nếu Lào khăng khăng thúc đẩy dự án bất chấp sự phản đối.

Theo Bangkokpost (9/12)

Hương Trà (gt)