20/01/2010
I. Miêu tả vấn đề Khu vực biển Đông bao gồm quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), trong tiếng Trung là Nansha; quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), trong tiếng Trung là Xisha; quần đảo Pratas, tiếng Trung là Dongsha và Macclesfield Bank, được biết đến với tên gọi Quần đảo Trung Sa hay Zhongsha Qundao. Những con số ước tính về số lượng đảo ở khu vực khác nhau đáng kể do sự khó khăn trong phân biệt giữa các đảo, đảo san hô, rặng san hô, trong đó nhiều đảo chỉ có thể nhìn thấy được ở mực nước thủy triều thấp. Một số thống kê cho rằng khu vực có 190 đảo, một số khác thì đưa ra con số khái quát hơn là 400 đảo đá, rặng san hô và đảo, một số khác thì ước lượng con số này đến tận 650. Chính vì thế, số lượng các đảo có người ở cũng thay đổi trong khoảng từ 48-50.
Thuật ngữ “có người ở” cũng không rõ ràng vì một số đảo có thể có quân đội đóng quân thường trực trong khi các đảo san hô nhỏ chỉ có quân đóng trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, các đảo khác thì chỉ có bóng dáng của con người song vẫn được gọi là có người ở. Hiện nay, Việt Nam đang chiếm giữ 27 đảo nhỏ và đảo san hô; Philippines có mặt trên 8 đảo ở phía đông; Trung Quốc chiếm giữ 9 đảo, mặc dù một số báo cáo cho rằng chỉ có 7; Malaysia chiếm giữ 3 đảo nhưng có mặt trên 2 đảo khác và Đài Loan chiếm giữ 1 đảo. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực, cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này có nghĩa là tuyên bố của hai nước này đã chồng lấn với các tuyên bố cụ thể của Philippines, Malaysia và Brunei. Các nước này còn đưa ra yêu sách chủ quyền đối với những khu vực tiếp giáp với lãnh thổ của mình và cũng chồng lấn với nhau. Tuyên bố của Philippines về chủ quyền với đảo Kalayaan (có nghĩa là vùng đất tự do) như phần kéo dài của đảo Palawan chồng lấn với tuyên bố của Malaysia về phần kéo dài từ Sarawak/Sabah, yêu sách của Brunei kéo dài phần lãnh thổ của mình cũng chồng lấn với yêu sách của cả Malaysia và Philippines.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đưa ra các yêu sách của mình dựa trên các mối liên hệ lịch sử hoặc việc khám phá ra trước. Việt Nam lập luận rằng mối liên hệ đầu tiên đã được thiết lập từ thời nhà Nguyễn (thế kỷ 16 đến 19) dù các bằng chứng hiện tại cho thấy các mối liên hệ này là với quần đảo Hoàng Sa chứ không phải là Trường Sa. Việt Nam cũng đưa ra các yêu sách dựa trên quyền thừa quốc gia thừa kế từ chế độ thực dân Pháp, vốn đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vào năm 1933. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này dựa trên cơ sở khám phá trước và phản đối một cách kịch liệt khi Hội nghị San Francisco vào tháng 9 năm 1951 đã tước bỏ chủ quyền của Nhật Bản đối với các đảo nhưng lại không trao trả các đảo này cho Trung Quốc. Philippines đưa ra yêu sách của mình về khu vực tiếp giáp với đảo Palawan dựa trên việc Tomas Cloma khám phá ra trước một khu vực vào thời điểm đó được xem là vùng đất bỏ hoang (terra nullius). Lập luận này được củng cố bởi tuyên bố của Carlos Garcia và tháng 2 năm 1957 và được đưa vào tuyên bố Tổng thống của Ferdinand Marcos vào tháng 7 năm 1971. Tuyên bố của Malaysia về các nguồn tài nguyên dựa trên cơ sở thềm lục địa và đã được đưa ra cùng với việc phát hành bản đồ của khu vực năm 1979. Malaysia và Philippines cũng đã chiếm giữ các đảo trong khu vực mà mình đòi chủ quyền trong một động thái đáp trả đối với các hoạt động của các nước láng giềng. Khi Tomas Cloma tuyên bố Kalayaan thuộc Philippines vào năm 1956, điều này đã khơi nguồn cho hành động đáp trả của chính quyền miền nam Việt Nam bằng việc chiếm giữ các đảo trong khu vực. Đài Loan đã phản đối hành động của Cloma và càng có động lực để chiếm giữ lại Itu Aba hay đảo Tai Ping (Thái Bình) sau khi đã rút người khỏi đảo này năm 1950. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất đã bắt đầu thực hiện việc chiếm giữ các đảo trong quần đảo Trường Sa và điều này đã khơi dậy sự thù địch của Trung Quốc. Philippines vì thế đã chiếm giữ các đảo trong vùng tuyên bố chủ quyền, thúc đẩy việc Malaysia tuyên bố chủ quyền của mình trong năm tiếp theo. Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh hải quân của mình để đuổi chính quyền nam Việt Nam khỏi Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974 nhưng với tiềm năng hải quân hạn chế, Trung Quốc đã không thể đưa quân xuống được đến tận quần đảo Trường Sa, hơn nữa sự có mặt của hải quân Mỹ ở Philippines và sau đó là hải quân của Liên Xô ở Vịnh Cam Ranh cũng đã ngăn cản các động thái của Trung Quốc. Chỉ đến khi nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev bắt đầu cải thiện mối quan hệ giữa Liên Xô với Trung Quốc, quốc gia này mới có đủ tự tin để thực hiện các hoạt động chống lại Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và chiếm đóng quần đảo này. Vào tháng 3 năm 1988, các tàu thủy quân của Trung Quốc đã đụng độ với các tàu của Việt Nam gần Đá Chữ Thập, 3 tàu của Việt Nam đã chìm với 72 thủy thủ thiệt mạng. Trung Quốc sau đó chiếm đóng 7 đảo và tiếp tục thêm 2 đảo về sau.
Một nhân tố quan trọng trong cuộc tranh giành chủ quyền đối với các đảo chính là luật biển. Các vòng đàm phán được bắt đầu tiến hành vào năm 1973 với kết quả cuối cùng đạt được là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển III (UNCLOS III) vào tháng 12 năm 1982.[1] UNCLOS III cho phép các quốc gia ven biển được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) dài 320 km hoặc vùng thềm lục địa, và quy định rằng các đảo có thể được hưởng chế độ vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa riêng của mình. Các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc không được hỗ trợ nhiều từ những quy định của UNCLOS III vì các tuyên bố này đều vượt quá các khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của từng nước và vì các quyền lịch sử từ việc phát hiện đầu tiên không được xem trọng. Điều này đã khuyến khích các bên chiếm giữ các đảo để được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của các đảo này. Các quốc gia khác như Malaysia hay Philippines cũng càng có động lực tiến hành các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo các đảo trong khu vực tuyên bố chủ quyền không bị chiếm đóng bởi các quốc gia khác và đã từng bước thể hiện việc “chiếm giữ hiệu quả.” Quả thật, luật quốc tế luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của “chiếm giữ hiêu quả” các đảo để thiết lập chủ quyền hơn là các quyền lịch sử hay phát hiện ra đầu tiên. Tiền lệ này đã được hình thành trong vụ đảo Palmas vào tháng 4 năm 1928. Gần đây hơn, Tòa án Công lý quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng trong vụ kiện với Indonesia vào tháng 12 năm 2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan cũng với các lý do tương tự. Tòa đã áp dụng phép thử với các bằng chứng về “các hoạt động cho thấy việc thực hiện chủ quyền một cách liên tục trên thực tếđối với các đảo, tức là ý định và mong muốn hành động như một quốc gia chủ quyền.” Tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước “cho thấy ý định thực hiện các chức năng của nhà nước” đối với các đảo và các hành động này không bị Indonesia phản đối.[2]
Một trở ngại lớn khác đối với các bên trong tranh chấo đó là UNCLOS III phân biệt giữa đảo và đảo đá/ đảo san hô, trong đó đảo đá và đảo san hô không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Điều 121 khoản 3 quy định những đảo đá hoặc đảo san hô “không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng thì không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.” Nhiều đảo đang được “chiếm giữ” ở vùng biển Đông thoạt nhìn sẽ không đáp ứng được yêu cầu này.[3] Tuy nhiên, các bên có liên quan đã hành động để ngăn ngừa các quốc gia khác chiếm đóng các đảo trong vùng tuyên bố chủ quyền của mình trong khi vẫn chưa khẳng định được một cách rõ ràng lập trường pháp lý của mình và tiếp tục trì hoãn đến thời gian sau. Khi đó, các quốc gia này có thể gây áp lực để yêu cầu một cách giải thích rộng hơn về khả năng phát triển kinh tế để biện hộ cho các tuyên bố của mình. Nếu vùng nước xung quanh đảo san hô thường xuyên được sử dụng cho mục đích du lịch hoặc câu cá, nếu hoạt động lặn được thực hiện một cách có tổ chức thì có thể thỏa mãn được yêu cầu này. Trong vụ Litigan/Sipadan kể trên, Tòa quốc tế đã lưu ý đến tầm quan trọng của việc thu gom trứng rùa để ủng hộ lập luận của Malaysia về “chiếm hữu hiệu quả” và vì thế lý lẽ tương tự cũng có thể được sử dụng để đáp ứng yêu cầu về khả năng phát triển kinh tế.
II. Điều gì đang bị đe dọa?
Việc tranh giành các đảo, đưa ra các tuyên bố xung đột và sự thiếu vắng các nỗ lực để tiến tới một giải pháp cho thấy rằng xung đột luôn có thể xảy ra. Trung Quốc là bên duy nhất cho đến nay sử dụng vũ lực và điều này cho thấy vị trí kẻ đến sau của quốc gia này. Trong khi các bên khác trong tranh chấp đã chiếm giữ các đảo trong khu vực của từng nước thì Trung Quốc đã không thể đưa ra các tuyên bố theo cách như vậy do không có đủ tiềm lực hải quân và do sự có mặt của hải quân các cường quốc. Với tư cách là kẻ đến sau Trung Quốc có động lực để sử dụng vũ lực nhằm đòi chủ quyền trong khu vực và tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai liên quan đến biển Đông. Vào các năm 1974 và 1988, Trung Quốc đã hành động chống lại Việt Nam, khi đó đang tuyên bố chiếm giữ nhiều đảo nhất. Quốc gia này đã cảnh báo các quốc gia ASEAN, cộng đồng quốc tế và làm dấy lên hàng loạt các nghi ngờ về ý đồ lâu dài của Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 1992, Trung Quốc thông báo rằng mình đã tiến hành đàm phán về nhượng quyền khai thác dầu khí với Công ty Crestone của Mỹ, khiến tình hình càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã buộc phải ký với các nước ASEAN Tuyên bố biển Đông vào tháng 7 năm 1992. Trong Tuyên bố này, Trung Quốc và ASEAN phải giải quyết vấn đề về chủ quyền ở khu vực biển Đông “bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.”[4] Nhưng chẳng bao lâu sau, Trung Quốc tiếp tục lén lút thực hiện các hoạt động của mình và đến tháng 2 năm 1995, các quốc gia khác mới vỡ lẽ ra rằng Trung Quốc đã chiếm đóng Đá Vành Khăn (Meijijiao-đá Mỹ Ký, hay Panganiban) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Sau đó Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các công trình trên đảo san hô này và mở rộng, củng cố các công trình này vào năm 1999, với mục đích được cho là để đánh cá. Nhiều thuật ngữ đã được dùng để miêu tả hành động của Trung Quốc trong đó có “sư sát nhập dần dần” hay “sự xâm chiếm từ từ.” Những thuật ngữ này ít ra cũng nói lên nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro bằng cách tránh đối đầu trực tiếp. Philippines được nhắm đến vì đây là quốc gia có khả năng yếu nhất trong ASEAN trong việc canh gác vùng đặc quyền kinh tế và thực hiện các tuyên bố chủ quyền của mình. Tuy nhiên, rủi ro của Trung Quốc tăng lên khi Philippines đàm phán một Hiệp ước Thăm viếng Quân sự với hải quân Mỹ vào năm 1998 và được Thượng viện Philippines phê chuẩn vào tháng 5 năm 1999. Mỹ rất muốn có được quyền thăm viếng cho hải quân của mình vì điều này cho phép Mỹ hành động nhanh hơn trong trường hợp có một cuộc khủng hoảng Đài Loan khác trong khu vực. Chính bởi Đài Loan mà hải quân của Mỹ đã tham gia một cách chặt chẽ hơn trong khu vực biển Đông. Tình hình bế tắc vẫn còn đó do tuyên bố chồng lấn giữa các quốc gia chưa được giải quyết. Vào tháng 11 năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký “Tuyên bố về Quy tắc hành xử ở biển Đông.” Tuyên bố này được hoan nghênh như một bước tiến tích cực trong ASEAN và một dấu hiệu cho thấy thái độ của Trung Quốc đã có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, Tuyên bố này lại là một biện pháp để giữ nguyên hiện trạng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho Trung Quốc khi mà Bắc Kinh rất e ngại sự tham gia của Mỹ. Tuyên bố này là một bước đi tự vệ của Trung Quốc hơn là dấu hiệu cho thấy mong muốn giải quyết vấn đề, vì thế đây cũng là dấu hiệu của một tình trạng bế tắc sẽ còn kéo dài.
Khi các quốc gia không có nhu cầu cấp thiết tìm ra giải pháp, tình trạng bế tắc có thể tồn tại lâu hơn trong nền chính trị quốc tế tuy không dẫn đến xung đột vũ trang. Nếu các hoạt động kinh tế bình thường được tiến hành bất chấp các mâu thuẫn thì tình trạng hiện tại có thể được các bên chấp nhận như một lựa chọn thay thế cho xung đột. Tuy nhiên, hiện trạng vốn có ở biển Đông lại không ổn định do sự xuất hiện của dầu và khí đốt đòi hỏi phải có một giải pháp đối với các tuyên bố mâu thuẫn trước khi việc sản xuất trên quy mô lớn có thể được bắt đầu. Nhu cầu về năng lượng trên toàn cầu trong tương lai sẽ tăng lên khi Trung Quốc, Ấn Độ và các nhà sản xuất tìm kiếm các nguồn năng lượng mới để phục vụ cho nền kinh tế đang tăng trưởng của mình. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã tăng một cách nhanh chóng và lượng nhập khẩu dự kiến sẽ chiếm đến 50% lượng tiêu thụ trong năm 2010. Trung Quốc đã nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng để giảm nguy cơ gián đoạn nguồn cung bằng cách ký kết các thỏa thuận lâu dài với Venezuela, Nigeria, Sudan và vào thời điểm nào đó, mối quan tâm của Trung Quốc đối với nguồn năng lượng của biển Đông cũng sẽ được khơi dậy. Những ước lượng của Trung Quốc về nguồn dự trữ dầu ở biển Đông từ trước đến nay đều cao một cách đáng kể, điều này khiến Bộ Năng lượng Mỹ phải tuyên bố “có rất ít bằng chứng ngoại trừ các tuyên bố của Trung Quốc ủng hộ quan điểm rằng khu vực này chứa một nguồn dầu đáng kể.”[5] Khí đốt thiên nhiên có thể có vai trò quan trọng hơn ở biển Đông khi mà cuộc Khảo sát Địa chất của Mỹ ước lượng rằng khoảng “60 đến 70% nguồn khí hydrocarbon trong vùng là khí đốt thiên nhiên.” Một lần nữa, Trung Quốc lại ước lượng nguồn dự trữ khí thiên nhiên trong khu vực cao hơn hẳn các nước khác. Vào tháng 4 năm 2006, Công ty Năng lượng Husky của Mỹ, công ty đang tiến hành các cuộc khai thác với Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Trung Quốc (CNOOC) đã tuyên bố rằng các nguồn khí đốt thiên nhiên dự trữ với khối lượng gần 4 đến 6 nghìn tỉ mét khối đã được chứng minh là thực sự tồn tại ở gần quần đảo Trường Sa.[6]
Khi mà nhu cầu về năng lượng càng gia tăng, những nỗ lực để khai thác nguồn tài nguyên năng lượng ở biển Đông quả thật có thể dẫn đến xung đột. Khi Trung Quốc hợp tác với công ty Crestone của Mỹ năm 1992 để khai thác dầu trong khu vực, Việt Nam đã phản đối. Những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh các hoạt động của Crestone vẫn duy trì trong suốt thập kỷ 90. Việt Nam là nhà sản xuất dầu chính trong khu vực với sản lượng khoảng 350.000 thùng một ngày vào năm 2007. Công ty cổ phần Vietsopetro, được thành lập với Liên bang Xô Viết vào năm 1981 và tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay đang vận hành ba mỏ dầu ở biển Đông là mỏ Bạch Hổ bắt đầu sản xuất vào năm 1986, mỏ Rồng Xanh và mỏ Đại Hùng. Việc sản xuất ở mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu xa khơi chính của Việt Nam, đang dần sụt giảm, thúc đẩy công cuộc tìm kiếm một mỏ dầu khác để thay thế. Việt Nam đã và đang xem xét khả năng khai thác các mỏ khác như mỏ Sư tử Đen, mỏ Sư tử Vàng và Sư tử Trắng. Trong quá trình Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các mỏ mới, việc đụng độ với Trung Quốc hoàn toàn có thể xảy ra. Vào tháng 10 năm 2004, một mỏ dầu xa khơi khác đã được tìm ra ở miền bắc Việt Nam, phía tây của đảo Hải Nam và một tập đoàn các công ty bao gồm Vietsopetro, Petronas Carigali của Malaysia, Petroleum Singapore và Tập đoàn Công nghệ Mỹ đã cùng tham gia khai thác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối.[7] Giữa Malaysia và Brunei đã xảy ra tranh chấp về việc phát triển mỏ dầu nằm trong khu vực chồng lấn của hai bên. Các quyền giống nhau đã được trao cho những công ty khác nhau: Malaysia trao quyền khai thác cho công ty dầu Murphy trong khi Brunei lại trao các quyền tương tự cho công ty dầu Hoàng gia Hà Lan và công ty Total của Pháp. Cuộc tranh chấp đã làm cho công việc khai thác bị gián đoạn và mãi cho đến tháng 3 năm 2009, hai bên mới đồng ý giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ để công việc được tiếp tục tiến hành.[8] Gần đây hơn, Nghị viện của Philippines đã thông qua đường cơ sở với mục đích xác định đường cơ sở quần đảo của quốc gia này. Đạo luật này đã không tính Kalayaan và bãi cát ngầm Scarborough vào trong lãnh thổ của Philippines mà phân loại các vùng này trong một khu vực có cái tên mập mờ “chế độ các đảo theo nước Cộng hòa Philippines.”[9] Tuy nhiên Trung Quốc vẫn phản đối và đại sứ quán của Trung Quốc ở Manila đã tuyên bố đạo luật này bất hợp pháp. Để tránh những vấn đề còn chưa rõ ràng có thể đi kèm các nỗ lực để khai thác các nguồn năng lượng trong khu vực, các quốc gia cần một giải pháp để giải quyết các tranh chấp của mình.
III. Các hướng giải quyết
1. Đàm phán đa phương
Các đề xuất để tiến hành đàm phán đa phương về vấn đề biển Đông đều bị Trung Quốc phản đối và quốc gia này kiên quyết cho rằng các cuộc đàm phán chỉ nên tiến hành song phương. Vào năm 1992, Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã đề nghị tổ chức một hội nghị quốc tế bàn về quần đảo Trường Sa dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Đây là một bước đi được nhiều người cho là logic. Đề xuất này tiếp tục được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Raul Manglapus nhắc lại tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7 năm 1992. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố phản đối và kể từ đó đề xuất này đã không được đưa ra thêm lần nào nữa.[10] Vào tháng 3 năm 1994, Ramos cũng kêu gọi tiến hành phi quân sự hóa quần đảo Trường Sa và kêu gọi việc chấm dứt các hoạt động gây mất ổn định trong khu vực. Ý định của Ramos là khởi động lại các cuộc đàm phán về vấn đề này để sau đó đưa các bên ngồi lại đàm phán về những vấn đề chính yếu. Trong bất kỳ trường hợp nào thì việc phi quân sự hóa các đảo cũng không thể bắt đầu được vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc, nước có các yêu sách rất lớn mà lại chiếm giữ ít đảo hơn. Lý do căn bản của việc thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào năm 1993 là mong muốn của các quốc gia trong khu vực muốn đưa Trung Quốc tham gia vào một loạt các vấn đề trong đó có vấn đề biển Đông. Philippines phát hiện ra rằng sau khi Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn thì vấn đề này không thể được đưa ra tại Diễn đàn ARF vì các quan chức cấp cao luôn phản đối và không chấp nhận đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Cả ASEAN và ARF đều không có khả năng giải quyết vấn đề này, gây ra nhiều nghi ngại về vai trò và mục đích của hai thể chế này.[11] ASEAN cho đến nay không thống nhất được về vấn đề này trong bất kỳ tình huống nào khi mà Malaysia lại ủng hộ Trung Quốc thông qua các cuộc đàm phán song phương. Thủ tướng Malaysia Mahathir mong muốn lôi kéo Trung Quốc trong vấn đề này, phản ánh chính sách đối ngoại chung của ông cũng như mối quan hệ không được hòa thuận lắm của ông với Mỹ. Cách tiếp cận theo từng bước một để thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương về vấn đề này cũng đã được đưa ra. Nếu các bên có liên quan khởi động bằng việc đàm phán song phương, điều này có thể đưa các vấn đề tranh chấp xuống một mức độ dễ giải quyết hơn và để lại các phần khó giải quyết đòi hỏi phải có đàm phán đa phương cho các giai đoạn về sau.[12] Sáng kiến này có vẻ rất khả quan nhưng vì các tuyên bố của Trung Quốc và Việt Nam chồng lấn với các bên khác, hầu hết các vấn đề song phương đều liên quan đến các bên đa phương. Quả thực trên thực tế có rất ít các vấn đề chỉ mang tính song phương đơn thuần ở biển Đông. Trung Quốc ít ra cũng đã chấp thuận Tuyên bố chung về các nguyên tắc ứng xử ở biển Đông tháng 11 năm 2002, văn bản được các nước ASEAN vội vã xem như bằng chứng của việc Trung Quốc đã chấp nhận tiến hành các hoạt động đa phương và tiếp tục nuôi hi vọng cho tương lai. Tuy nhiên, như đã giải thích ở trên, Bắc Kinh chỉ sử dụng Tuyên bố này với mục đích ngăn ngừa không cho các quốc gia ASEAN bắt tay với Mỹ trong các tranh chấp khu vực hay để ngăn các nước này thực hiện các hành động đi ngược lại lợi ích của Bắc Kinh. Thỏa thuận này chỉ mang tính chất trù bị cho một nguyên tắc ứng xử chính thức khác đáng lẽ sẽ được đàm phán trong tương lai. Nhưng cho đến nay, không có hoạt động nào được thực hiện, không đạt được thêm bước tiến nào.
2. Giải pháp pháp lý
Một giải pháp pháp lý đối với tranh chấp ở biển Đông đòi hỏi các bên áp dụng các nguyên tắc của Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc để giải quyết những yêu cầu của mình. Một trong những điều còn chưa rõ ràng trong tranh chấp này là việc Trung Quốc chưa đưa ra yêu sách của mình một cách rõ ràng. Nước này đã phát hành các bản đồ yêu sách của mình trong đó chứa đến 80% biển Đông nhưng các bản đồ này vẫn còn mập mờ và không đủ để dùng cho các mục đích pháp lý. Trong bất kỳ trường hợp liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa chồng lấn theo điều 74 và điều 83 của UNCLOS III thì việc phân định sẽ được điều chỉnh bằng các thỏa thuận dựa trên cơ sở luật quốc tế hoặc theo phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế để “đạt được một giải pháp công bằng.” Cả hai điều khoản này đều quy định rằng nếu các bên không đạt được thỏa thuận trong “một khoảng thời gian hợp lý” thì các bên sẽ “phải sử dụng” các quy trình giải quyết tranh chấp quy định ở phần XV. Phần XV quy định rằng các bên “có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình” (điều 279), các bên có thể đưa vấn đề tranh chấp ra trước Tòa Quốc tế về luật biển, Tòa án Công lý quốc tế hoặc một “tòa trọng tài” đặc biệt (điều 287). Việc sử dụng các biện pháp hòa giải bắt buộc với kết quả ràng buộc các bên là tự nguyện và UNCLOS III quy định rằng “một quốc gia sẽ có quyền tự do để lựa chọn” một trong các biện pháp giải quyết tranh chấp. UNCLOS không có biện pháp để giải quyết tình huống trong đó các bên không có ý định sử dụng biện pháp hòa giải bắt buộc.
Một trong những cách thức đẩy sự quan tâm đối với việc sử dụng giải pháp pháp lý là sử dụng đề xuất về khai thác chung của Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp. Sáng kiến này do Thủ tướng Lý Bằng đưa ra tại Singapore vào ngày 13 tháng 8 năm 1990 khi ông này kêu gọi các bên có liên quan gạt vấn đề chủ quyền sang một bên để có thể tạo điều kiện cho sự phát triển chung. Đề xuất này được nhắc lại một lần nữa khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia nay là Thủ tướng đương nhiệm Najib Tun Razak đến thăm Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1992 và khi Lý Bằng đến thăm Hà Nội vào tháng 12 năm 1992 sau đó. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm phát biểu tại hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7 năm 1992 rằng khi điều kiện chín muồi thì các cuộc đàm phán về biển Đông có thể được khởi động và về mặt nguyên tắc, Trung Quốc sẵn sàng dẹp các yêu sách về chủ quyền sang một bên.[13] Sáng kiến khai thác chung cũng đã được Trung Quốc nêu lên trong một số dịp khác nhưng nước này cũng không giải thích gì thêm. Việc đưa sáng kiến phát triển chung này vào đề xuất về giải pháp pháp lý đối với các tranh chấp ở biển Đông có thể sẽ tạo động lực cho Trung Quốc giải thích rõ hơn lập trường của mình, đồng thời có thể mở ra một hướng đi mới trong việc giải quyết cac tranh chấp phù hợp với lợi ích của nước này. Hiện nay đang có ít nhất bốn tiền lệ về việc phát triển chung có thể tác động đến tình hình ở biển Đông. Tiền lệ thứ nhất là thỏa thuận giữa Nhật Bản – Hàn Quốc vào tháng 1 năm 1974 về việc phát triển chung một khu vực biển chồng lấn ở eo biển Tsushima. Trung Quốc về sau đã phản đối thỏa thuận này làm cho việc thực hiện thỏa thuận trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Tiền lệ thứ hai là thỏa thuận Malaysia – Thái Lan về biên giới trên biển vào tháng 2 năm 1979, hình thành một cơ quan phát triển chung để điều hành khu vực chồng lấn đang tranh chấp. Tiền lệ thứ ba là Hiệp định Vùng nước Timor do Australia và Indonesia ký kết vào tháng 12 năm 1989. Hiệp định này đã tạo ra một vùng khai thách chung tại vùng chồng lấn của các bên. Sau khi Đông Timor giành độc lập từ Indonesia, một hiệp định khác đã được ký với Australia có tên là Hiệp định biển Timor vào tháng 5 năm 2002. Cuối cùng là thỏa thuận Malaysia – Việt Nam về phát triển chung vùng nước chồng lấn ở thềm lục địa, được ký vào tháng 6 năm 1992.
Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này đối với tình hình ở biển Đông sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề. Những ví dụ kể trên đều là những thỏa thuận song phương đã thành công và việc đưa ý tưởng này vào bối cảnh đa phương chắc chắn sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Hai bên liên quan có thể thống nhất một cách thức để chia phần khu vực dựa trên kế hoạch phát triển chung nhưng thỏa thuận này sẽ trở nên cực kỳ phức tạp khi có sự tham gia của các bên khác, trong tình huống ở biển Đông là bảy bên đều có mối quan tâm to lớn đến tranh chấp này. Điều này càng làm cho các bên khó có thể chia sẻ các nguồn năng lượng mà họ cho là thuộc quyền hợp pháp của mình. Cả Việt Nam và Malaysia đều không hào hứng với ý tưởng này lắm vì đây là ý tưởng được xem là mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc hơn cả. Các nhà bình luận xem đề xuất của Trung Quốc như một đòn bẩy đưa Trung Quốc vào cuộc chơi mà hoàn toàn không có lợi cho các nước ASEAN. Một cách để giải quyết lo ngại này chính là việc đưa ra một đề xuất về phát triển chung trong đó có tính đến chủ quyền. Các bên đã từng thử đưa ra ý kiến này với đề xuất về “chiếc bánh ngọt” Ali Alatas vào năm 1994. Đề xuất này cho phép mỗi quốc gia được hưởng 320km vùng đặc quyền kinh tế trong đó đường biên giới của vùng này sẽ chừa chỗ vòng tròn ở bên trong. Vòng bên trong sẽ được dành để phát triển chung và lợi nhuận sẽ được chia theo thể thức đã được thống nhất. Đề xuất này đã được Đại sứ Hasjim Djalal đưa ra khi ông đến thăm các nước ASEAN vào tháng 5, tháng 6 năm 1994 nhưng lại không thu được kết quả nào.[14] Trở ngại lớn nhất đối với đề xuất “chiếc bánh ngọt” là nó trực tiếp đi ngược lại với các yêu cầu của Việt Nam và Trung Quốc và sẽ làm giảm của hai nước này xuống mức 320km theo quy định của UNCLOS III. Trung Quốc đặc biệt sẽ bị tước đi toàn bộ khu vực mà nước này đòi hỏi mà không được đền bù.[15] Hơn nữa, đề xuất này cũng không chỉ rõ làm thế nào để giải quyết tranh chấp về tuyên bố chồng lấn của các bên liên quan. Trong bất kỳ trường hợp nào đi nữa thì một khi các quốc gia ven biển đã tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì trong khu vực vòng tròn phát triển chung sẽ không còn nhiều để có thể chia sẻ với các nước khi vì các nguồn dự trữ năng lượng chính cũng không phải ở trong vòng tròn này. Đây là những lý do khác khiến cho đề xuất này cũng không được thực hiện cho đến nay.
3. Chế độ biển
Một cách tiếp cận chính trị-pháp lý khác là ý tưởng về một chế độ biển áp dụng cho biển Đông. Một đề xuất cụ thể là Cơ quan Phát triển Tài nguyên Trường Sa (SRDA). Cơ quan này có thể tiếp nhận nguồn kinh phí từ các bên có liên quan vào môt quỹ chung và thúc đẩy các nỗ lực chung để phát triển các nguồn lực trong khu vực.[16] Một chế độ biển có thể dựa trên sự nhận thức về nhu cầu chung như là động lực để giải quyết tranh chấp biên giới biển giữa các bên. Điều 123 của UNCLOS III quy định rằng các quốc gia “có biên giới với một vùng biển kín hoặc bán kính cần phải hợp tác với nhau để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Công ước.” Điều khoản này cũng quy định thêm rằng các quốc gia cùng cần làm điều này “một cách trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức khu vực phù hợp.” Mark Valencia đã đấu tranh cho cách tiếp cận này với lập luận rằng việc hợp tác về hàng hải trong khu vực có thể được tiến hành một cách tích cực từ việc cố vấn chính sách đến hòa hợp chính sách, điều phối và điều chỉnh chính sách quốc gia. Trong khi điều 123 có thể quy định về việc hợp tác, thì điều 56 lại trao cho các quốc gia ven biển chủ quyền đối với các tài nguyên thiên nhiên và do đó, các quốc gia không có lý do gì phải hợp tác với các quốc gia khác để thiết lập một chế độ hàng hải.[17] Rõ ràng là một chế độ hàng hải phù hợp ở biển Đông là một điều đáng mong đợi nhưng chế độ này đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán đa phương giữa các bên liên quan. Mà điều này thì đã bị Trung Quốc lên tiếng phản đối. Việc thiết lập chế độ này sẽ là một quyết định mang tính chất chính trị mà các bên liên quan đều chưa sẵn sàng để thực hiện.
4. Giải pháp hội thảo
Cách tiếp cận tại các hội thảo, thường được gọi là các giải quyết vấn đề mang tính tương tác, có thể được sử dụng khi các biện pháp ngoại chính thức rơi vào bế tắc và khi các bên đang tìm cách để thoát khỏi tình thế khó khăn của mình. Cách tiếp cận này vốn được sử dụng như một phương pháp để đưa ra các đề xuất giải quyết tranh chấp cũng như một hình thức để xem xét tính khả thi của giái pháp một cách không chính thức mà không phải đi qua các quy trình ngoại giao thông thường. Cách tiếp cận này do John Burton khởi xướng khi vào năm 1996 ông thành lập một Trung tâm Phân tích Xung đột ở trường Đại học Luân Đôn, trung tâm này về sẽ được chuyển đến trường Đại học Kent ở Cantebury. Cách tiếp cận này cũng được Herbert Kelman tại trường Đại học Havard và Leonard Doob tại trường Đại học Yale sử dụng trong một loạt các hội thảo liên quan đến đảo Síp, Indonesia và Malaysia. Bắt đầu từ năm 1971, Kelman đã tổ chức một loạt hội thảo về vấn đề Ả-rập – Israel kéo dài đến tận sau thảo thuận Oslo năm 1993. Ý tưởng của ông là đưa những người tham dự có liên quan đến bộ máy lãnh đạo của các bên đang tranh chấp đến tham dự hội thảo và tạo cho họ điều kiện để phát hiện ra các hướng và phương pháp để giải quyết xung đột. Những bài học rút ra từ hội thảo sau đó sẽ được chuyển vào bàn đàm phán từ chính những người đã tham dự hoặc là các nhà tổ chức của hội thảo, những người sẽ có các kênh riêng của mình để liên lạc với chính quyền của một hoặc cả hai bên. Đại sứ Hasjim Djalal cũng đã nghĩ đến việc thực hiện các cuộc hội thảo tương tự về vấn đề biển Đông được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Indonesia với kinh phí do Cơ quan Phát Triển Quốc tế Canada (CIDA) cung cấp đến năm 2001. Các hội thảo này sẽ có tên “Quản lý các xung đột tiềm tang ở biển Đông” và được tổ chức thường niên ở Bali vào tháng 1 năm 1990. Tham dự các hội thảo này là các quan chức chính phủ và các chuyên gia về hợp tác hàng hải phát triển tài nguyên từ 11 quốc gia, 6 quốc gia ASEAN, Đài Loan, Camphuchia, Lào và Việt Nam; Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu tham dự năm 1991.[18] Sau khi CIDA không cung cấp kinh phí cho các cuộc hội thảo nữa, các quốc gia tiếp tục tài trợ kinh phí cho hội thảo trên cơ sở phi tạm thời (ad hoc) của các thành viên tham dự.
Cho đến nay một số nỗ lực đã được thực hiện để biến các hội thảo kênh hai thành những hoạt động ngoại giao ở kênh một bằng một cách có thể áp dụng được đối với vấn đề biển Đông. Vào năm 1992, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Ali Alatas đã tuyên bố rằng sau ba hội thảo, Trung Quốc đã đồng ý tạm dừng các yêu sách của mình và tìm kiếm “một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi với ASEAN.” Ông tuyên bố rằng “các điều kiện đang rất thuận lợi” để các nước ASEAN thúc đẩy một hình thức hợp tác nào đó đối với vấn đề biển Đông nhưng ông đã vấp phải sự phản đối với của các đoàn tham dự.[19] Vào năm 1994, một lần nữa Ali Alatas cho rằng các cuộc hội thảo có thể được nâng lên thành các hoạt động cấp chính thức và tuyên bố rằng các nước đến được “giai đoạn quyết định.”[20] Ông phát biểu tại hội nghị các Bộ trường Ngoại giao ASEAN lần thứ 27 vào tháng 7 năm 1994 rằng các cuộc hội thảo có thể được nâng lên để bao gồm cả “các cuộc thảo luận và hợp tác liên chính phủ một cách chính thức.” [21]Thoạt đầu Ali Alatas hi vọng có thể mời được đại sứ các nước có liên quan đến tham gia và điều này sẽ chuyển cuộc hội thảo thành hoạt động kênh một. Khi cách tiếp cận trực tiếp này gặp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc, ông đã đề xuất cách tiếp cận gián tiếp dựa trên những giả thiết về chức năng luận. Nếu các quan chức và các cơ quan chính phủ được mời đến để tham dự các cuộc nghiên cứu về những vấn đề chuyên môn như ô nhiễm biển, đa dạng sinh học, an toàn hàng hải v..v, điều này sẽ tạo thành một thói quen hợp tác giữa các nước và có thể được mở rộng ra những vấn đề lớn hơn liên quan đến các yêu cầu về chủ quyền do tác dụng của hiệu ứng “tràn.” Một loạt hội thảo tiếp tục bàn về những nghiên cứu này và các ủy ban khác nhau được thành lập với nhiệm vụ báo cáo cho hội thảo. Tuy nhiên giả thiết chức năng luận về hiệu ứng “tràn” đã cho trở nên không có căn cứ khi mà sự hợp tác về các vấn đề chuyên môn chỉ có thể được tiếp tục khi không gây ra một tác động đáng kể nào lên sự tự nguyện của các đoàn tham dự trong việc thảo luận các vấn đề lớn hơn. Ali Alantas cũng đề nghị mời các đại biểu của các nước ngoài khu vực như Mỹ và Nhật Bản đến tham dự hội thảo nhưng cũng bị Trung Quốc phản đối hoàn toàn.
Vậy hội thảo đạt được những điều gì? Những người ủng hộ hội thảo cho rằng thời gian và kinh phí dành cho hội thảo là xứng đáng vì các đoàn đại biểu được biết và hiểu hơn về nhau cũng như lập trường của nhau, rằng phía Trung Quốc đã hiểu rõ hơn về quan điểm của các bên có liên quan khác. “Tuyên bố về biển Đông” năm 1992 được cho là đã được thảo luận trước đó tại hội thảo năm 1991 và ý tưởng về nguyên tắc hành xử thường xuyên được bàn luận tại các cuộc họp trong hội thảo trước khi Tuyên bố này được kí kết. Tuy nhiên, dù phần nội dung đạt được gì đi nữa thì hội thảo đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu ban đầu và điều này đã dấy lên nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của cách tiếp cận này. Một chỉ trích quan trọng nhất dành cho hội thảo biển Đông là những đại biểu tham dự hầu hết đều có ít ảnh hưởng đến chính phủ của từng nước. Nếu hội thảo có sự tham gia của các đại biểu cấp cao hơn và có mối quan hệ chặt chẽ hơn đối với các nhà lãnh đạo cấp cao, như hội thảo của trường Đại học Havard về vấn đề A-rập – Israel, có thể hội thảo đã đạt được những kết quả khả quan hơn. Chính phủ các bên liên quan, cụ thể là chính phủ Trung Quốc, đã không quan tâm mấy đến hội thảo và các cuộc thảo luận không đi được đến kết quả cuối cùng. Trong bất kỳ trường hợp nào thì sự tham gia của các đại biểu cấp cao trong hội thảo không hẳn có thể đạt được một giải pháp như loạt hội thảo của Havard về vấn đề Ả-rập – Israel. Trong những hội thảo đó, các đại biểu cao cấp đã dám bày tỏ sự hiểu biết và tính hợp lý cao hơn vì họ biết hội thảo được đặt trong bối cảnh không chính thức. Một khi các đại biểu này quay về với vị trí của mình trong chính phủ họ cũng quay trở lại với lập trường đàm phán trước đây của mình. Ngay từ đầu, quá nhiều hi vọng đã được đặt lên cách tiếp cận về hội thảo mà cách này thì lại không tiến được xa khi chính phủ các bên liên quan vẫn không thể đưa ra quyết định cuối cùng.
5. Hợp tác năng lượng biển
Giải pháp đối với vấn đề biển Đông không thể dựa vào cách tiếp cận nào trong các cách kể trên. Trong khi mặt luật pháp cho thấy các nước ASEAN có thể duy trì yêu cầu của mình và hi vọng về những điều tốt đẹp nhất, điều này không thể dẫn đến một giải pháp. Một khi các bên liên quan bắt đầu khai thác nguồn năng lượng trong vùng yêu sách của mình, việc tiến đến một giải pháp bị trì hoãn càng lâu thì xung đột càng có thể xảy ra hoặc căng thẳng cũng sẽ bắt đầu. Kết quả tức thời của tình trạng bế tắc hiện tại sẽ là việc thăm dò các nguồn năng lượng sẽ bị trì hoãn và việc sản xuất trên thực tế sẽ không thể được tiến hành. Các công ty năng lượng quốc tế yêu cầu một môi trường ổn định, không có xung đột và sẽ rất ngần ngại để tham gia nếu các quốc gia trong khu vực không đảm bảo được điều này. Một cách để thoát khỏi tình trạng này là sử dụng việc hợp tác về năng lượng như một phương thức để khơi nguồn cho quá trình hợp tác rộng lớn hơn như bước khởi đầu cho việc thiết lập một chế độ biển. Nếu ASEAN có thể thúc đẩy việc hợp tác khai thác thương mại về năng lượng ở biển Đông một cách nghiêm túc, điều này có thể khiến cho các bên liên quan hợp tác làm việc với nhau. Việt Nam, Malaysia và Philippines đã hợp tác với các công ty quốc tế để thăm dò, khoan và sản xuất dầu trong khu vực. Nếu các công ty dầu quốc gia của các bên tranh chấp chính có thể tham gia vào các hoạt động thương mại mà không dính dáng đến các đòi hỏi về chủ quyền, đây sẽ là một bước tiến quan trọng. Việc cho phép các công ty năng lượng của Trung Quốc tiếp cận với các nguồn tài nguyên trong khu vực sẽ làm cho Trung Quốc có vai trò trong việc gìn giữ sự ổn định ở biển Đông và tạo điều kiện cho việc khai thác năng lượng ở đó. Nếu các công ty dầu của Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, tập đoàn Petrochemical Trung Quốc và Tập đoàn dầu xa khơi Trung Quốc (CNOOC) tham gia vào việc thăm dò và khoan dầu với PetroVietnam, Petronas của Malaysia và Tập đoàn dầu quốc gia Philippines (PNOC), Trung Quốc sẽ có động lực để tránh mọi hoạt động gây gián đoạn có thể làm nguy hại đến lợi ích của quốc gia này. Chắc chắn rằng việc chia sẻ nguồn tài nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn khi các hoạt động chung này chuyển sang giai đoạn sản xuất vì các bên tranh chấp sẽ đòi các quyền lợi cụ thể theo chủ quyền của mình, nhưng những khó khăn này không phải là không thể vượt qua.
Trước đây đã có tiền lệ về Cam kết Thăm dò Địa chấn biển chung (JMSU) được ký kết tháng 9 năm 2004, một thỏa thuận ba bên về việc thăm dò chung chủ yếu ở vùng biển Phillipine. Lúc đầu, chỉ có PNOC và CNOOC tham gia và, sau khi Việt Nam phản đối, PetroVietnam cũng đã tham gia vào tháng 3 năm 2005. Các lời chỉ trích đối với thỏa thuận này đều rất gay gắt cả ở trong nước lẫn ngoài nước Philippines vì nhiều lý do. Lý do phản đối chính là thỏa thuận này không hợp hiến vì đã vi phạm điều 12 khoản 2 của Hiến pháp Phillipine năm 1987 hay điều khoản về tài sản nhà thờ quốc gia. Điều khoản này quy định rằng việc hợp tác sản xuất hay các công ty liên doanh phải có 60% cổ phần là của công dân Philippines và rằng Tổng thống do đó phải có trách nhiệm thông báo cho Nghị viện. Chính quyền Manila đã giữ im lặng về JMSU và các quy định của Cam kết này chỉ được thông báo ba năm sau đó. Dư luận trong nước của Philippines cáo buộc Người phát ngôn Jose de Venecia Jr. đã đàm phán thỏa thuận này để đổi lấy những khoản vay mập mờ từ Trung Quốc, có nghĩa ông này đã nhận hối lộ. Dư luận cho rằng bằng việc cho phép Trung Quốc và Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillipine, yêu cầu của Phillippine về vùng này đã bị yếu đi và sự đoàn kết của ASEAN về vấn đề biển Đông cũng đã bị phá vỡ.[22] Nhưng một chỉ trích khác lại là Philippines đã không thể hưởng lợi được gì từ thỏa thuận này vì các số liệu địa chấn là do Trung Quốc và Việt Nam tiến hành. Quả thật, JSMU đã có sai sót tuy nhiên nó chỉ cũng ra khả năng thăm dò trong tương lai nhưng phải có sự ủng hộ đa phương hoặc của ASEAN. Một thỏa thuận để thăm dò và khoan dầu với sự tham gia của các công ty dầu quốc gia của các bên tranh chấp sẽ là một nỗ lực để thực hiện ý tưởng phát triển chung trong bối cảnh một chế độ biển rộng hơn. Thỏa thuận này cần phải tránh mắc phải những sai lầm của JMSU do Philippines chủ trương và cần phải bao gồm tất cả các khu vực tranh chấp mà không nằm ở một vùng cụ thể nào. Chắc chắn rằng sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết liên quan đến các quyền về thông tin địa chấn trong trường hợp có thỏa thuận khai thác và việc phân chia lợi nhuận khi sản xuất. Thông thường, hệ thống pháp luật của quốc gia tranh chấp sẽ quyết định các nguyên tắc để phân chia các lợi nhuận thương mại như thế. Việc chấm dứt và trao quyền này cho một công ty đối tác sẽ là một sự vi phạm chủ quyền và bị chối bỏ. Nếu dự án này được các quốc gia ASEAN thúc đẩy và nhận được sự ủng hộ của toàn thể ASEAN, một khung thể chế đa phương hiệu quả có thể được đưa ra để giải quyết các vấn đề này.
IV. Kết luận
Đề xuất nêu ra trong bài viết này khá khiêm tốn và thiết thực và được đặt trong tình hình bế tắc ở biển Đông hiện nay. Những đề xuất đầy tham vọng kêu gọi ký kết các thỏa thuận toàn diện về pháp lý hoặc chính trị sẽ không thể đem lại bước tiến nào cho tranh chấp này khi mà các bên đều kiên quyết giữ vững tuyên bố chủ quyền của mình. Tình trạng bế tắc này có thể đúng như mong muốn của những chính phủ có ý định thực hiện việc chiếm giữ hiệu quả để ủng hộ tuyên bố của mình, nhưng nó sẽ không cho phép chính phủ này khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng mà không gây ra căng thẳng hoặc xung đột. Tác động tích cực của việc hợp tác năng lượng và toàn bộ lợi ích của giải pháp này là điều cần thiết để kéo các quốc gia ra khỏi tình trạng bế tắc. Điều này có nghĩa là tiếp tục xây dựng dựa trên các hoạt động khai thác tài nguyên mà các bên đang tiến hành riêng rẽ trong khu vực tuyên bố chủ quyền của mình. Việc mở rộng các hoạt động trong một khuôn khổ đa phương do ASEAN điều phối không thể không thực hiện được dù nó đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong quan điểm của ASEAN về vấn đề này. Tính thụ động của ASEAN trong hàng loạt vấn đề mà khu vực này đang đối mặt là một rào cản đối với các bước phát triển trong tương lai và ASEAN cần phải chủ động trong các vấn đề mang tính sống còn với tương lai của mình. ASEAN có vị thế để thúc đẩy đề xuất này và bằng cách đó, ASEAN sẽ củng cố được vai trò của mình trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương./.
[1] Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1 được tiến hành đàm phán từ năm 1956-1958 với kết quả là sự ra đời của công ước 1958, UNCLOS II họp vào năm 1960 không đi đến kết quả nào, đàm phán cho UNCLOS III bắt đầu vào năm 1973 và kết thúc vào tháng 12 năm 1982 bằng việc ký kết điều ước. Công ước có hiệu lục vào năm 1994 sau khi đáp ứng được yêu cầu là có đủ 60 quốc gia thành viên tham gia. Philipine phê chuẩn UNCLOS II năm 1984, Việt Nam năm 1994 trong khi Malaysia và Trung Quốc phê chuẩn công ước năm 1996.
[2] Tòa quốc tế phán rằng chủ quyền đối với hai đảo Litigan và Sipadan thuộc về Malaysia, ,” Press Release, International Court of Justice/605, 17 December 2002 ,
http://www.un.org/News/Press/docs/2002/ICJ605.doc.htm
[3] Itu Aba (Ba Dinh hay Tai Ping Dao) với diện tích khoảng 960 nhân 400 met có nguồn cung nước riêng của mình có thể đáp ứng được yêu cầu, một số đảo khác cũng có thể đáp ứng được bao gồm đảo san hô Reef, đảo Namvit (Bai Nam Yet hay Hung Ma Dao).
[4] Tuyên bố ASEAN về biển Đông Manila, Philippines, ngày 22 tháng 7 năm 1992 http://www.aseansec.org/3634.htm
[5] Xem: “Khí ga thiên nhiên và dầu ở biển Đông,” Trung tâm Thông tin Năng lượng, số liệu năng lượng chính thức của Chính phủ Mỹ http://www.eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/OilNaturalGas.html
[6] Như trên
[7] Tran Dinh Thanh Lam, “Dầu Việt Nam đổ thêm vào nỗi lo của Trung Quốc”, Tập san Năng lượng, ngày 26 tháng 10 năm 2004 http://www.energybulletin.net/node/2838
[8] “Brunei, Malaysia giải quyết vấn đề về lãnh thổ dầu trong 6 năm”, Sun. Star network online, http://67.225.139.201/network/brunei-malaysia-settle-6-year-oil-territory-spat-146-pm
[9] David Cagahastian, “Arroyo ký thông qua dự luật về đường cơ sở” Tập san Manila, ngày 11 tháng 3 năm 2009
http://www.mb.com.ph/node/198552
[10] Reuters, ngày 16 tháng 7 năm 1992.
[11] Lee Lai To, “Trung Quốc, Mỹ và xung đột biển Đông”, Tạp chí Đối thoại An ninh, tâp 34, số 1, tháng 3 năm 2003.
[12] Scott Snyder, Tranh chấp biển Đông: Viễn cảnh về ngoại giao phòng ngừa, Viện Hòa bình Hoa Kỳ, tháng 8 năm 1996 http://www.usip.org/resources/south-china-sea-dispute-prospects-preventive-diplomacy
[13] Thời báo Kinh doanh (Singapore), ngày 23 tháng 7 năm 1992.
[14] Nayan Chanda, “Chia và trị,” Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, ngày 11 tháng 8 năm 1994
[15] Ji Guongxi, Quyền tài phán trên biển trên ba biển Trung Quốc: các lựa chọn cho một giải pháp công bằng, Học viện Hợp tác và xung đột toàn cầu, Đại học California, tháng 10 năm 1995, trang 26.
[16] Christopher C. Joyner, “Tranh chấp về đảo Trường Sa ở biển Đông: Vấn đề, Chính sách và Viễn cảnh về giải quyết Ngoại giao” trong Ranjeet Singh (tổng biên tập) Điều tra niềm tin, xây dựng biện pháp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm Henry L. Stimson, Báo cáo số 28, Washington DC. 1999
[17] Mark J. Valencia, “Xây dựng chế độ biển trong khu vực: Viễn cảnh ở đông bắc và đông nam Á,” Tạp chí Phát triển Đại dương và Luật quốc tế, Tập 31, số 3 tháng 7 năm 2000.
[18] Để có những thông tin cụ thể hơn về loạt hội thảo này, xem Nhóm làm việc không chính thức vè vấn đề biển Đông tại trường Đại học British Columbia, http://faculty.law.ubc.ca/scs/
[19] Thời báo Jakarta, 20 tháng 7 năm 1992.
[20] Thời báo Straits, ngày 23 tháng 7 năm 1994.
[21] Thời báo Chủ Nhật (Singapore), ngày 24 tháng 7 năm 1994.
[22] Barry Wain, “Sự cẩu thả của Philippin tại biển Đông,”Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, tháng 1/tháng 2 năm 2008.
Sau đây là phần lời giới thiệu sách "Biển Đông: Hợp tác và An ninh và Phát triển trong Khu vực" do Nhà Xuất bản Thế giới ấn hành năm 2010, tập hợp các tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia tổ chức tháng 11 năm 2009...
Cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” này tập hợp những tham luận của các học giả tham dự hội nghị. Bám sát vào nội dung của thảo luận, hầu hết tham luận của các nhà nghiên cứu được giới thiệu trong kỷ yếu tập trung phân tích: (1)...
Bài của Thiếu tướng Vinod Saighal (Ấn Độ): "Châu Á đang là một nền kinh tế khổng lồ của thế giới và tình hình này có vẻ như sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời điểm đỉnh cao nhất của thế kỷ 21. Ngoài ra, châu Á còn là sân chơi – chính xác hơn là chiến trường – cho những nước muốn chiếm ưu thế lớn...
Tóm tắt Bài viết này có hai mục tiêu: Thứ nhất là khái quát và xem xét cách tiếp cận quản lý tranh chấp biên giới của Việt Nam và Trung Quốc và thứ hai là đánh giá những bài học, liên hệ và tác động của cách tiếp cận của Trung Quốc và Việt Nam đối với tình hình ở Biển Đông. Bài viết trình bày tổng quan...
I. Giới thiệu về biển Đông Biển Đông là một biển nửa kín và là một trong những khu vực chiến lược quan trọng bậc nhất trên thế giới. Vùng biển này trải rộng từ khoảng vĩ tuyến 30 Nam tới vĩ tuyến 230 Bắc và được bờ biển của các nước Trung Quốc (bao gồm cả đảo Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái lan,...
I. Bất chấp hậu quả của khủng hoảng toàn cầu, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang khẳng định dự báo của các nhà khoa học rằng trung tâm kinh tế và chính trị thế giới thế kỷ 21 cũng như trung tâm của những cạnh tranh, thậm chí trung tâm của cuộc đối đầu mới có thể xảy ra giữa các cường quốc...