Trong đó ngày 17 tháng 2, Quốc hội Philippin đã thông qua “Đạo Luật Đường cơ sở”, đưa đảo Hoàng Nham và một phần thuộc quần đảo Trường Sa vào bản đồ của Philippin; Ngày 6 tháng 5, Malaysia và Việt Nam cùng đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý của hai quốc gia trên ở phía Nam quần đảo Trường Sa; Ngày 7 tháng 5, Việt Nam đệ trình tiếp báo cáo riêng của mình về ranh giới thềm lục địa mở rộng tại một số khu vực nằm giữa Biển Đông.


 

     Điều 9, Phụ lục II của “Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc” có quy định: “Hành vi của Ủy ban sẽ không phương hại đến việc phân giới của các quốc gia có đường bờ biển gần nhau hoặc liền kề”. Điều 46 (dịch nguyên văn) của Nguyên tắc thủ tục của Uỷ ban cũng quy định: “(1) Nếu có tranh chấp trong việc phân giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc gần kề, hoặc tranh chấp trên đất liền hoặc trên biển chưa được giải quyết, thì báo cáo đã đệ trình có thể sẽ được xem xét theo những quy định tại phụ lục của các quy tắc.” Trong Phụ lục I các quy tắc trên, đoạn thứ 5 viết như sau: “(1) Trong những khu vực còn tồn tại tranh chấp trên đất liền hoặc trên biển, các Báo cáo do các nước có liên quan đến tranh chấp đệ trình, đều không được Ủy ban xem xét hoặc phê duyệt…(2) Báo cáo về việc phân giới được đệ trình lên Ủy ban nhất thiết không được làm phương hại đến địa vị của các quốc gia khác nằm trong khu vực tranh chấp.” Từ những quy định trên có thể thấy, Ủy ban ranh giới thềm lục địa không có vai trò trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và trên biển, và cũng không có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp chồng lấn của các vùng thềm lục địa mở rộng, điều mà họ quan tâm chỉ là việc phân giới thềm lục địa mở rộng. Vì vậy, tranh chấp tại Biển Đông cuối cùng vẫn phải do các bên liên quan tự điều chỉnh và giải quyết. Việc đệ trình các báo cáo về thềm lục địa mở rộng không những làm cho những tranh chấp đang tồn tại thêm phức tạp, mà còn mở rộng phạm vi tranh chấp.

 

     Thứ hai, nhiều công ty dầu mỏ quốc tế cũng tham gia vào việc khai thác dầu mỏ tại Biển Đông. Năm 2007, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cùng với công ty lớn của Anh, tập đoàn BP và công ty ConocoPhillips của Mỹ tại khu vực biển vẫn tồn tại tranh chấp gần vùng biển phía nam Việt Nam đã đi vào vận hành; Ngày 20-7-2008, Việt Nam lại cùng một công ty khai thác dầu khác của Mỹ là Exxon-Mobil ký kết chương trình hợp tác sơ bộ về thăm dò dầu khí, địa điểm tiến hành thăm dò ngay tại khu vực biển đang tồn tại tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam tại quần đảo Trường Sa; tháng 8 năm 2009, chính phủ Philippine đã cho phép công ty Forum Energy của Anh và đối tác của công ty này tiến hành thăm dò nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa.

 

    Sự tham gia đông đảo của các công ty dầu mỏ quốc tế sẽ phức tạp hóa tranh chấp tại Biển Đông. Vì những công ty dầu mỏ này ngoài sự quan hệ về thương mại với nước sở tại còn có sự quan hệ mật thiết về kinh tế với chính phủ của quốc gia mà công ty đó mang quốc tịch. Một khi tình hình tại Biển Đông diễn biến phức tạp, thì những chính phủ này với mục đích không làm tổn hại đến lợi ích của họ chắc chắn sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của tranh chấp. Sự tham gia của các công ty xuyên quốc gia này vốn dĩ là con dao hai lưỡi, họ vừa có thể gây ảnh hưởng với chính phủ của nước sở tại, nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng tại Biển Đông, khiến lợi ích của họ không bị tổn hại; nhưng ngược lại, khi việc đầu tư vào giàn khoan dầu của những công ty này bị các nước đang có tranh chấp đe dọa, họ hoàn toàn có khả năng kích động chính phủ nước sở tại sử dụng vũ lực nhằm duy trì hợp đồng khai thác dầu mỏ của mình. Vì vậy, sự tham gia ồ ạt của các công ty dầu mỏ quốc tế sẽ tạo ra những nguy cơ an ninh tiềm tàng đối với khu vực Biển Đông.

 

     Thứ ba, những năm gần đây, những quốc gia xung quanh Biển Đông đều dùng đến quân đội để tăng cường khả năng khống chế đơn phương đối với vùng biển mà họ khẳng định chủ quyền. Việc tấn công gây rối và bắt bớ đối với ngư dân Trung Quốc tiến hành đánh cá trong vùng biển truyền thống của Trung Quốc đã liên tục xảy ra. Ví dụ ngày 22 tháng 6 năm nay, tàu tuần tra của Indonexia đã hai lần tiến vào vùng biển truyền thống của Trung Quốc, bắt 8 tàu cá và 75 ngư dân của Trung Quốc, đây là hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm nay. Theo như mô tả của cục quản lý nghề cá các tỉnh Hải Nam, Quảng Tây, và của chính quyền các cấp và ngư dân địa phương, những năm gần đây, hành vi bắt giữ các tàu cá Trung Quốc của các quốc gia xung quanh Biển Đông ngày một gia tăng, khiến các ngư dân Trung Quốc gặp không ít khó khăn. Theo thống kê của tổng đội công an biên phòng tỉnh Hải Nam, từ năm 2003-2008, có tổng cộng 75 vụ các tàu cá của tỉnh Hải Nam tiến hành hoạt động khai thác trong Biển Đông bị các nước xung quanh Biển Đông bắt giữ , có tới 75 thuyền cá và 738 ngư dân bị bắt giữ, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 3,5 triệu nhân dân tệ. Việc sử dụng quân đội quấy rối các hoạt động đánh bắt cá bình thường của ngư dân Trung Quốc trong vùng biển truyền thống của Trung Quốc, đã gây ảnh hưởng nhất định đối với an ninh tại khu vực Biển Đông, đồng thời cũng làm gia tăng thêm mâu thuẫn giữa các quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông.

 

     Thứ tư, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực Biển Đông đối với tranh chấp tại Biển Đông khiến vấn đề Biển Đông càng trở nên gay gắt hơn. Như đã đề cập ở trên về việc quốc hội Philippine thông qua “Đạo Luật Đường cơ sở”, lúc đó Waiter Lohman - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Châu Á thuộc Heritage Foundation đã có 1 bài viết đăng trên mạng với tiêu đề "Quần đảo Trường Sa: Sự lãnh đạo của Mỹ tại Biển Đông đang bị thách thức", kiến nghị Mỹ nên công khai ủng hộ đối với yêu sách chủ quyền của Philippine tại Biển Đông, đồng thời đưa ra quan điểm cho rằng yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này là "mang tính xâm lược và vô lý". Học giả này cũng cho rằng tranh chấp tại quần đảo Trường Sa không chỉ là vấn đề của Philippine, mà thậm chí còn là vấn đề lớn hơn nhiều đối với Mỹ và các nước đang dựa vào vai trò lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương. Sự khiêu khích có tính kích động này rõ ràng bất lợi đối với việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực biển Đông. Ngoài ra, các quốc gia xung quanh biển Đông vì mục đích tranh chấp chủ quyền vùng biển tại biển Đông, đã không ngừng tăng cường triển khai quân sự trong vùng biển này, thường xuyên tổ chức tập trận quân sự tại đây. Điều này cũng tạo ra nguy cơ lớn đối với an ninh tại khu vực biển Đông

 

     Về những vấn đề an ninh được đề cập ở phía trên, tôi xin đưa ra một vài kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác tại khu vực Biển Đông như sau:

 

     Thứ nhất, Biển Đông là vùng biển nửa kín, với điều kiện địa lý như vậy thì việc các quốc gia xung quanh muốn phân định rõ giới hạn thềm lục địa ngoài 200 hải lý là tương đối khó khăn. Nếu những vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia xung quanh đều được tính từ đường bờ biển hoặc đường gần bờ biển của các đảo chính thì vùng giữa của biển Đông sẽ có khả năng tồn tại một khu vực "biển chung" ngoài 200 hải lý. Nhưng tất cả các bên tranh chấp, chứ không chỉ giới hạn ở một vài nước, đều có thể đưa những khu vực "biển chung" này đối với vào yêu sách về thềm lục địa mở rộng nộp lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Tuy vậy, nếu những hòn đảo trong khu vực tranh chấp tại biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, được công nhận là đảo chứ không phải là bãi ngầm, thì dựa vào quy định tại điều 121 của "Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc", những đảo trên đều có thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vì vậy, tại khu vực giữa của Biển Đông sẽ có một vùng gần như không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào. Vì vậy, việc các quốc gia xung quanh Biển Đông phải đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa trước ngày 13/5/2009 là điều không hiện thực. Trước mắt vẫn cần các bên liên quan sử dụng phương pháp hòa bình, thông qua đàm phán ngoại giao giải quyết vấn đề phân giới các vùng biển chồng lấn.

 

     Thứ hai, liên quan đến việc khai thác tài nguyên dầu khí tại Biển Đông, tuy Trung Quốc luôn tích cực đề xướng "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng trong 10 năm qua  hiệu quả đạt được không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều công ty dầu mỏ quốc tế tham gia khiến cho các nước xung quanh biển Đông không còn hứng thú với việc khai thác chung. Hơn nữa một số quốc gia xung quanh biển Đông do đã đạt được nhiều lợi ích kinh tế trong việc khai thác dầu mỏ tại vùng biển có tranh chấp nên không muốn chia sẻ với các nước khác. Nhưng điều quan trọng hơn là giữa các nước tranh chấp vẫn chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau để có thể cùng ngồi lại và thảo luận vấn đề cùng khai thác, từ đó tiến tới kết quả cuối cùng. Để loại bỏ những cản trở khiến các quốc gia xung quanh không thể hợp tác tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên tại Biển Đông, cần phải tính đến khả năng thiết lập một cơ chế, thông qua đó tăng cường lòng tin giữa các quốc gia có tranh chấp. Đồng thời, việc xây dựng cơ chế này cũng có nghĩa là dùng hình thức ngoại giao để thể chế hóa sự hợp tác giữa các quốc gia liên quan, nhằm đạt được sự hòa giải và thông cảm lẫn nhau trong vấn đề Biển Đông. Điều này cần tới sự nỗ lực của cả Trung Quốc và ASEAN.

 

     Thứ ba, cần coi trọng hợp tác trong khai thác tài nguyên cá tại Biển Đông, nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa hiện tượng tấn công, quấy nhiễu và bắt giữ tàu cá. Nhiệm vụ hợp tác quản lý và bảo vệ tài nguyên cá tại Biển Đông là rất quan trọng, vì cá luôn thường xuyên di chuyển với phạm vi lớn, trong khi việc khai thác, đánh bắt cá quá mức tại khu vực này đã trở thành vấn đề nghiêm trọng và cấp bách. Với dạng biển nửa kín như Biển Đông, không thể chỉ dựa vào sức mạnh đơn phương của một quốc gia để bảo vệ nguồn tài nguyên cá. Vì vậy, cần phải thiết lập một cơ quan quản lý thích hợp nhằm bảo vệ một cách tối thiểu nguồn tài nguyên cá. Ngày 11/1/2008, Chủ tịnh Hạ viện Philippine phát biểu, Philippine và Trung Quốc đồng ý thiết lập một vùng đánh bắt cá tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, hy vọng động thái này sẽ giảm tình hình căng thẳng tại khu vực nói trên. Chủ tịnh Hạ viện Philippine còn đưa ra gợi ý hai nước có thể yêu cầu các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt là Việt Nam, tham gia xây dựng khu đánh bắt cá này nhằm đạt được Hiệp định đánh bắt cá. Nếu đề nghị xây dựng khu đánh bắt cá nói trên có thể thành hiện thực, các nước xung quanh Biển Đông có thể tiến hành việc hợp tác đánh bắt cá trong khu vực nói trên, và tin tưởng rằng những hiện tượng tấn công, quấy nhiễu, bắt giữ các tàu cá sẽ ngày càng giảm đi.

GS.TS Li Jin Ming [1]Học viện Nghiên cứu Nam Dương, Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc

 Download bản PDF

 


[1] Lý Kim Minh