Điều này thấy rõ nhất trong tình hình phức tạp hiện nay giữa các bên tranh chấp xung quanh việc nộp báo cáo lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa nửa đầu năm 2009.

 

     Do tính chất phức tạp của vấn đề Biển Đông, rất khó có thể hy vọng về việc sớm có một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp này. Tuy nhiên, triển vọng tình hình an ninh trong khu vực tiếp tục ổn định hoàn toàn có cơ sở. Trong bài viết này, tôi muốn chứng minh rằng sự lạc quan thận trọng như trên là dựa vào ba nhân tố, hay ba xu hướng vẫn đang diễn ra trong khu vực Biển Đông. Trước hết, quan hệ giữa các bên tranh chấp đã cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua. Các quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan tới tranh chấp này đã phát triển tới giai đoạn tích cực mà không bên nào muốn có những hành động ở Biển Đông nhằm phá vỡ tình hình tương đối yên tĩnh (mặc dù còn tranh cãi) trong khu vực. Thứ hai, tất cả các bên liên quan đều ít nhiều đều là các quốc gia phát triển, điều đó có nghĩa là lãnh đạo của những nước này, trong tương lai trước mắt, vẫn muốn áp dụng quan điểm “lảng tránh” để tập trung vào phát triển kinh tế trong nước. Một môi trường hòa bình, ổn định sẽ tiếp tục là ưu tiên của lãnh đạo các quốc gia trong khu vực. Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển trong nước, hợp tác với các bên trong khu vực tiếp tục là yếu tố quan trọng. Thứ ba, chúng ta đã chứng kiến những tiến triển tích ở Biển Đông trong hơn một thập kỷ qua. Dường như những nhân tố đã góp phần vào những tiến triển tích cực này vẫn đang phát huy tác dụng.

 

     Trên cơ sở sự lạc quan thận trọng như vậy, lập luận của tôi là các bên liên quan có cơ hội tốt để xem xét và thúc đẩy một cách tiếp cận hợp tác chuyên ngành ở Biển Đông. Thúc đẩy hợp tác chuyên ngành ở Biển Đông sẽ góp phần quan trọng vào ổn định trong khu vực và đáp ứng được lợi ích chung của các bên tranh chấp trong khu vực. Tôi tin tưởng sẽ có một số nhân tố có thể  góp phần định hình nên quan điểm hợp tác chuyên ngành đối với tranh chấp này. Trước hết, tất cả các kiến nghị lớn khác đối với việc giải quyết tranh chấp hoặc đã thất bại hoặc đã cho thấy tính không khả thi. Thứ hai, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã được tăng cường mạnh mẽ và tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Thứ ba, hợp tác an ninh phi truyền thống đã được coi là một trong những ưu tiên trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Thứ tư, trong những năm qua, Trung Quốc đã thể hiện thái độ ngày càng quan tâm đến hợp tác biển trong khu vực. Thứ năm, hội nhập kinh tế Trung Quốc-ASEAN ngày càng tăng, như khu vực kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, và những vấn đề cấp bách ở Biển Đông (bao gồm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, kinh tế biển, chống cướp biển, an toàn các tuyến giao thông hàng hải, v.v.) đòi hỏi phải có nỗ lực chung để thúc đẩy hợp tác chuyên ngành ở Biển Đông.

 

     Tiếp theo, tôi sẽ đề cập qua về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với các bên liên quan, và đề xuất về khu vực kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng mới, và quan hệ ngày càng được cải thiện giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét những biến chuyển gần đây ở Biển Đông và đặt hợp tác chuyên ngành và kế hoạch Bắc Bộ trong khuôn khổ phân tích trên.

 

     I.                  Tầm quan trọng của Biển Đông

 

     Biển Đông là trái tim hàng hải của khu vực Đông Nam Á.  Nối eo biển Ma-lắc-ca với phía Tây Nam Á và Kênh đào Balintang, Bashi, và eo biển Đài Loan với Đông Bắc Á, Biển Đông là hành lang hàng hải chiến lược giữa Bắc Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, nơi mà ¼ trao đổi hàng hải toàn cầu qua lại mỗi năm. Biển Đông rất phong phú về nguồn cá và tiềm năng dầu khí rất lớn. 

 

     Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược cho các bên liên quan trong tranh chấp này: nhu cầu tìm kiếm nguồn năng lượng, nguồn cá và các lợi ích biển khác, và an ninh quốc gia nói chung. Biển Đông, thường được gán cho cái tên khác là “Vịnh Ba tư thứ hai”, còn được xem là một trong những nguồn dầu khí chiến lược đối với nhiều bên tranh chấp. Theo một dự đoán, trữ lượng năng lượng ở Biển Đông vào khoảng 23 tới 30 tỷ tấn dầu.[3] Một dự đoán khác cho rằng trữ lượng dầu ở Trường sa vào khoảng 34,9 tỷ tấn và khí thiên nhiên khoảng 6 nghìn tỷ m3.[4]

 

     Trong bối cảnh như vậy, không ngạc nhiên khi rất nhiều quốc gia đã tranh giành khai thác nguồn năng lượng ở Biển Đông. Thực tế, khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông là chủ đề mâu thuẫn không ngừng trong quan hệ giữa các quốc gia có tranh chấp. Kinh tế biển cũng là một nhân tố quan trọng mà các bên cần phải cân nhắc. Ngành công nghiệp đánh cá cũng là một nhân tố quan trọng trong đời sống kinh tế của hầu hết các bên ở xung quanh Biển Đông. Các quốc gia cũng đã bắt đầu chú ý nhiều hơn tới biển và phát triển kinh tế biển.

 

     Chiến lược cũng là một vấn đề quan trọng mà các bên đều phải tính toán đến. Bên nào cũng đều tin rằng Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh quốc gia của mình. Đứng vững chân ở Biển Đông sẽ tạo ra khu vực quốc phòng chiến lược, hệ lụy an ninh của khu vực này sẽ rất sâu rộng, đặc biệt do thực tế là Biển Đông là khu vực qua lại lâu đời của hải quân các cường quốc lớn. Tương tự đối với các quốc gia đang có tranh chấp và các cường quốc bên ngoài khác, Biển Đông cũng rất quan trọng bởi vì nó bao gồm các tuyến đường hàng không và đường giao thông biển quan trọng. Biển Đông còn là một nút giao thông quan trọng gắn với eo biển Ma-lắc-ca, một kênh đào quan trọng đối với an ninh năng lượng của tất cả các bên.

 

     Tất cả các cân nhắc nói trên giải thích cho lập trường cứng nhắc và không khoan nhượng của các bên liên quan tới tranh chấp Biển Đông và có thể giải thích lý do tại sao các đề xuất  chính sách hay các sáng kiến lớn đều hoặc đã thất bại hoặc đều không khả thi.

 

     II.                Tranh cãi về Biển Đông

 

     Biển Đông có thể là một trong những khu vực gây tranh cãi nhiều nhất trên hành tinh này, vì có tới 6 bên (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Malaixia, Brunei) tham gia vào các tranh chấp về quyền tài phán đối với các lãnh thổ và không gian biển. Thái độ đối với Trung Quốc của các nước khác tham gia vào Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng cũng hoàn toàn khác nhau.[5]

 

     Campuchia không tham gia vào tranh chấp nào, nước này chỉ có lợi ích gián tiếp ở Biển Đông và đang có quan hệ song phương rất tốt với Trung Quốc.[6] Xingapo và Thái Lan đều không liên quan tới bất kỳ tranh chấp này, và cả hai nước đều có quan hệ thân thiện tuy còn đôi chút thận trọng với Trung Quốc, đồng thời cả hai còn có thể là những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á. Indonexia sẽ vẫn giữ lập trường trung lập trừ phi Trung Quốc đưa ra yêu sách chính thức đối với khu vực giàu khí đốt gần quần đảo Natuna. Kề từ năm 1990, Gia-các-ta đã đóng vai trò lãnh đạo nhằm cố gắng xử lý các xung đột tiềm tàng trong tranh chấp ở Biển Đông trong khi luôn nghi ngại về những động thái của Trung Quốc đối với Đông Nam Á nói chung.[7] Malaixia cũng rất tích cực trong các cuộc đối thoại không chính thức giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông bắt đầu năm 1990, nước này cũng ủng hộ Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực, đồng thời cố gắng lôi kéo và thỏa hiệp với Trung Quốc, đặc biệt thông qua các cuộc đàm phán song phương.[8] Brunei chỉ liên quan tới các tranh chấp biên giới trên biển ở Biển Đông và không chiếm cứ lãnh thổ nào. Brunei có lập trường tương đối kín đáo, chủ trương giữa quan hệ thân thiện tuy hạn chế với cả Mỹ và Trung Quốc. 

 

     Do kinh nghiệm trong quá khứ với Trung Quốc ở Biển Đông, Philippin và Việt Nam chắc chắn sẽ là những nước ASEAN quan ngại nhất về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực. Philippin đánh giá việc Trung Quốc chiếm đảo Vành Khăn (Mischief Reef) năm 1995 và việc Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vào bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Reef) kể từ năm 1997 là những động thái khiêu chiến đối với lãnh thổ quốc gia của mình. Kết quả là, Manila đã cố gắng hết sức để cân bằng lại với sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực thông qua việc nước này củng cố quan hệ thân thiết với Mỹ, và ủng hộ Mỹ tiếp tục hiện diện về quân sự ở Đông Nam Á. Về phần mình, Việt Nam cũng đã hai lần đối đầu với quân đội Trung Quốc trên các đảo, một lần vào năm 1974 tại Hoàng sa và lần khác là năm 1988 tại Trường Sa, và Trung Quốc đều giành phần thắng trong cả hai cuộc xung đột nói trên. Quan hệ của Việt Nam với Mỹ cũng không tốt lắm, và đặc biệt với sự sụp đổ của Liên Xô, Hà Nội cảm thấy mình bị cô lập hơn bao giờ hết, do đó Việt Nam luôn có nỗi sợ rằng họ sẽ bị rơi vào thế bất lợi khi Trung Quốc tìm cách xây dựng sự thống trị bá quyền.

 

     Trước đây, cả Philippin và Việt Nam đều rất ít kiên nhẫn trong đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Năm 1992, Việt Nam từ chối đề nghị gác chủ quyền và cùng khai thác các khu vực biển có tranh chấp của Trung Quốc, tuyên bố rằng Việt Nam sẽ không bao giờ cho phép các công ty Trung Quốc được vào các khu vực được cho là thuộc quyền tài phán quốc gia của mình. Cũng như vậy, năm 1998 Philippin cũng đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc hai nước cùng sử dụng các công trình của Trung Quốc trên đảo Vành Khăn.[9] Năm 2000, Trung Quốc và Việt Nam ký tuyên bố chung bày tỏ sự đồng ý sẽ tìm kiếm một giải pháp lâu dài chấp nhận được cho cả hai bên và đồng ý hợp tác trên các vấn đề như bảo vệ môi trường biển, khí tượng thủy văn, và ngăn ngừa thảm họa. Tháng 9/2004, Philippin đã đồng ý với Trung Quốc, sau đó với Việt Nam tháng 3/2005 về thỏa thuận cùng khai thác lãnh thổ hải dương xung quanh quần đảo Trường Sa trong Hiệp định chung về Thăm dò địa chấn biển (JMSU). Hiệp định ba bên này kêu gọi nghiên cứu địa chấn chung, đồng thời kêu gọi các công ty dầu khí quốc gia bao gồm Công ty Dầu khí Quốc gia Philippin (PNOC), Tập đoàn dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) cùng khai thác các lớp trầm tích dầu khí trong khu vực.

 

     III.            Quan điểm mới của Trung Quốc đối với Biển Đông

 

     Việc Trung Quốc là một bên quan trọng nhất trong tranh chấp Biển Đông cũng là điều dễ hiểu. Suốt thập niên 1990, Trung Quốc đã có nỗ lực rất lớn để bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Khác với quan điểm ban đầu chỉ ưu tiên quan hệ song phương, Trung Quốc hiện đã can dự nhiều hơn vào các thể chế đa phương và khu vực,[10] đặc biệt trong những khuôn khổ cho phép Bắc Kinh thúc đẩy đối thoại của mình với ASEAN. Khi Chủ tịch Giang Trạch Dân và tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN tổ chức Hội nghị thượng định ASEAN+1 đầu tiên tháng 12/1997, hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác láng giềng tốt và tin tưởng lẫn nhau hướng tới thế kỷ XXI, từ đó định hướng cho sự phát triển quan hệ của mình trong tương lai. Nhờ đó, quan hệ kinh tế-chính trị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã phát triển nhanh chóng.[11] Nhưng quan hệ an ninh lại bị tác động tiêu cực của tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đặc biệt là với Philippin ở đảo Vành Khăn và bãi cạn Hoàng Nham, và với Việt Nam về biên giới trên biển và trên bộ. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, những căng thẳng bắt đầu lắng dịu, nhờ vào một loạt các hiệp định: Trung Quốc và Việt Nam ký Hiệp ước Biên giới trên bộ tháng 12/1999, tiếp sau đó là một hiệp định về phân định biên giới trên biển trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000,[12] và trong tháng 11/2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trong khi đó, tại Hội nghị thượng định ASEAN-Trung Quốc tháng 11/2001, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc về việc thành lập khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) bao gồm Trung Quốc, Brunei, Malaixia, Indonexia, Philippin, Xingapo và Thái Lan vào năm 2010, sau đó sẽ bao gồm cả Campuchia, Lào, Mianma, và Việt Nam vào năm 2015.[13]

 

     Nhìn chung, quan điểm mới của Trung Quốc đối với Biển Đông phản ánh sự linh hoạt của nước này trong nỗ lực tìm kiếm một sự cân bằng nào đó trong khi theo đuổi các lợi ích chủ quyền, kinh tế và chiến lược. Do tầm quan trọng về chính trị, kinh tế và chiến lược của Biển Đông đối với Trung Quốc, nhiều bộ phận ở Trung Quốc có thể đã mong muốn sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, đã không có xung đột quân sự nào giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác về vấn đề Biển Đông.[14] Dự đoán cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, các nước ASEAN sẽ khó có thể gây sức ép buộc Trung Quốc phải chấp đàm phán đa phương không hẳn đã đúng.[15] Trung Quốc một mặt có quan điểm cứng rắn về yêu sách chủ quyền trong tất cả các sự kiện ngoại giao, đã có những động thái âm thầm để củng cố sự hiện diện của mình ở Biển Đông, và phản ứng với những cảnh báo hết sức cứng rắn khi các bên tranh chấp khác hành động đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, Bắc Kinh cảm thấy họ phải xử lý những mục đích khác quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của họ đối với Đông Nam Á, đưa đến rất nhiều những thay đổi quan trọng trong hành vi ứng xử trên thực tế của Trung Quốc.

 

     Ví dụ, Trung Quốc đã thay đổi lập trường khăng khăng chỉ muốn đàm phán song phương trước đây, hiện tại đã dần chấp nhận quan điểm của chủ nghĩa đa phương. Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuy Tuyên bố này không phải là một Hiệp ước có tính pháp lý nhưng nó cũng có tác dụng kiềm hãm về mặt đạo đức đối với các bên liên quan. Điều này cho thấy việc Trung Quốc đã ít nhiều chấp nhận các chuẩn tắc để xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông, dù có thể các chuẩn tắc sẽ đơn giản và không chính thức. Cùng với đề xuất lâu nay về “khai thác chung”, DOC cho thấy có thêm một số nhượng bộ về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cũng như vậy, khi tham gia TAC, bản thân Trung Quốc đã cam kết về mặt pháp lý sẽ không sử dụng vũ lực chống lại thành viên của ASEAN. Một thay đổi khác trong chính sách của Trung Quốc là việc Bắc Kinh ngày càng tích cực xúc tiến các chương trình cụ thể về phát triển chung, trong khi trước đây Bắc Kinh thường bị chỉ trích là chỉ ủng hộ “gác tranh chấp, cùng phát triển” nhưng lại không hề đưa ra bất cứ một đề xuất thực tế nào.

    

     Lý do tại sao hiện nay Trung Quốc lại áp dụng những chính sách tương đối mềm dẻo hơn trước? Đây là một câu hỏi quan trọng, không chỉ để hiểu lịch sử trong thập kỷ trước, mà còn có những gợi mở cho sự phát triển trong tương lai. Một nhân tố mà hầu hết các nhà quan sát đều nhận định giống nhau đó là khả năng tác chiến của Hải quân PLA còn chưa chín muồi,[16] nhưng chỉ mỗi một nhân tố này thôi thì không thể có câu giải thích thuyết phục được, vì xét cho cùng Trung Quốc cũng đã từng có những hành động quân sự năm 1974, năm 1988, và năm 1995 ngay cả khi lực lượng hải quân của họ còn yếu kém hơn rất nhiều. Trên thực tế, có ba nhân tố hiện đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình quan điểm mới của Trung Quốc đó là: nhu cầu cần môi trường xung quanh hòa bình để phát triển kinh tế trong nước, tầm quan trọng của ASEAN, và sức ép chiến lược từ các cường quốc bên ngoài khác.      

 

      Trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay, hơn bao giờ hết Bắc Kinh cần phải chứng tỏ là mình là một cường quốc có trách nhiệm, để gạt bỏ “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” và sẵn sàng ủng hộ đối thoại, các biện pháp xây dựng lòng tin, và quan hệ hợp tác thay cho quan điểm hiếu chiến và đe dọa dùng vũ lực có thể gây nguy hại tới lợi ích của Trung Quốc. Quan điếm mới này không có nghĩa là Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp khác có thể dễ dàng vượt qua những tranh cãi lịch sử của mình, nhưng nó có hàm ý Trung Quốc sẽ sẵn lòng chú ý tới các lợi ích chính trị và lợi ích chiến lược lâu dài ở Đông Nam Á, và hợp tác để tìm ra một giải pháp các bên cùng thắng. Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ đối tác chiến lược sẽ có lợi cho lợi ích căn bản của Trung Quốc, bao gồm cả nỗ lực ngăn cản Đài Loan độc lập của Trung Quốc.[17]

 

     Như một câu tục ngữ đã nói, “vỗ tay phải có cả hai bàn tay”. Nếu không có phản ứng tích cực và có đi có lại từ các quốc gia có tranh chấp khác, tình hình Biển Đông sẽ khó có thể ổn định như hiện nay. Cũng giống như Trung Quốc, các quốc gia khác trong khu vực cũng sẵn sàng chấp nhận một lập trường hòa giải hơn bởi vì tất cả các nước này đều cần một môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định để tập trung vào các chương trình kinh tế trong nước. Nhiều nước trong số đó nhận thức được rằng việc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây bất lợi cho quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và ASEAN. Các cường quốc khác bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật cũng không ủng hộ xung đột ở Biển Đông vì lo ngại rằng xung đột đó sẽ phá vỡ giao thông hàng hải và hòa bình trong khu vực.

 

     IV.            Sự tích cực hơn của Trung Quốc trong Hợp tác biển ở Đông Á [18]

 

     Trong hơn thập kỷ qua, Trung Quốc đã thể hiện sự tích cực hơn trong các hoạt động trên biển ở Đông Á. Điều này được thể hiện trước hết thông qua các tiến triển rõ nét mà PLA đã đạt được thông qua các hoạt động can dự với quân đội của nhiều nước khác. Sự công khai về quân sự và giao lưu quốc tế ngày càng tăng, đặc biệt giữa Hải quân PLA và lực lượng hải quân của các nước khác đã có những tác động tích cực đối với hợp tác biển của Trung Quốc.

 

     Trong những năm qua, Trung Quốc đã có những tiến bộ nổi bật trong việc tham gia các cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ chung trên biển với một loạt các nước. Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ chung giữa hải quân hai nước lần đầu tiên năm 2003 ở biển Hoa Đông. Từ đó, diễn tập quân sự giữa hai cường quốc này tăng dần lên, với việc cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ lần hai đã diễn ra tại Ấn Độ Dương tháng 12/2005.[19]  Tháng 7/2005, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã tiến hành cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ chung ở khu vực biển ngoài khơi Trung Quốc. Tháng 9 va tháng 11/2006, hải quân Trung Quốc và hải quân Mỹ đã triển khai hai cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ chung ở vùng biển phía Tây nước Mỹ và ở Biển Đông.[20]  Đây là kết quả của 8 năm hiệp thương an ninh biển giữa hai nước và là một bước đột phá lớn trong vòng 20 năm qua.[21] Trung Quốc đã tham dự cuộc tập trận ngoài khơi an ninh biển lần đầu tiên của ARF do Xingapo tổ chức tháng 1/2007. Tháng 3/2007, hai tàu khu trục nhỏ có chở tên lửa của Trung Quốc, cùng với lực lượng hải quân của Băng-la-dét, Pháp, Italia, Malaixia, Pakittan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ đã tham gia vào cuộc diễn tập “Hòa Bình-07” kéo dài 4 ngày trên biển ở biển Ả-rập. Tháng 5/2007, một tàu khu trục nhỏ chở tên lửa của Hải quân PLAN tham gia vào cuộc diễn tập của Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương có sự tham gia của Úc và Mỹ. Mặc dù Trung Quốc là một trong những thành viên sáng lập và đã tham gia diễn đàn này từ hơn hai mươi năm về trước, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia vào một cuộc diễn tập thực sự.[22] Các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ chung cũng được tiến hành với Úc và Niu Di lân vào tháng 10/2007.

 

     Các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ chung đã đem lại cho PLAN nhiều kinh nghiệm, và dần dần đã góp phần làm thay đổi tư duy của những người ra quyết sách trong quân đội Trung Quốc, góp phần vào sự tin tưởng về chính trị và quân sự như moi người đã biết qua quyết định Trung Quốc tham gia vào sứ mệnh ở Vịnh Aden. Hơn nữa, các trao đổi hải quân với các cường quốc bên ngoài khu vực và các quốc gia trong khu vực đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc Trung Quốc tham gia vào các chương trình hợp tác biển khác nhau ở Đông Á.

 

     Trung Quốc không còn là một nước đứng ngoài tiến trình hợp tác biển ở Đông Á, đặc biệt trong một số dự án cụ thể, ví dụ như nghiên cứu chung về đại dương, bảo vệ môi trường, và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển khác. Ở Đông Bắc Á, Trung Quốc đã giúp Bắc Triều Tiên huấn luyện quân nhân và cung cấp nhiều thiết bị cho Bắc Triều Tiên. Hai nước cũng tham gia vào một số các dự án nghiên cứu ở Hoàng Hải. [23] Trung Quốc và Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ về nghiên cứu chung về đại dương năm 1994 và đã thành lập một trung tâm nghiên cứu chung về khoa học hải dương trong năm tới. Từ đó, hai bên đã hợp tác rất chặt chẽ về một loạt vấn đề như việc quản lý khu vực ngoài khơi, bảo vệ môi trường biển, và trao đổi thông tin. Trung Quốc và Nhật Bản trong những năm qua cũng hợp tác nghiên cứu về các dòng hải lưu. Nhật Bản cung cấp thiết bị và huấn luyện quân nhân Trung Quốc.[24] Trong hợp tác ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1999, ba nước đã thiết lập cơ chế họp cấp Bộ trưởng về môi trường, và nhiều đề xuất cụ thể về bão cát và bảo vệ môi trường biển đã được triển khai. Năm 2004, cơ quan giám sát động đất ở ba nước trên đã đồng ý chia sẻ các thông tin và công nghệ về địa chấn. Cục xuất nhập cảnh (nhập cư) của ba nước cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo về chống khủng bố, buôn lậu ma túy, và buôn người ở Đông Bắc Á.

 

     Ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã đồng ý về một số khuôn khổ pháp lý giúp thúc đẩy hợp tác biển chặt chẽ hơn với các nước láng giềng trong khu vực, cả song phương lẫn đa phương. Những văn kiện này bao gồm kế hoạch hành động Trung Quốc-ASEAN năm 2000về việc chống buôn lậu ma túy, Tuyên bố chung Trung Quốc-ASEAN năm 2002 về hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống, và Bản ghi nhớ Trung Quốc-ASEAN năm 2004 về hợp tác an ninh phi truyền thống. Về song phương, Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy hợp tác biển với Việt Nam, Thái Lan, Malaixia, Philippin, và Indonexia. Với Việt Nam, thảo luận và hợp tác được tiến hành thông ở cấp nhóm chuyên gia biển giữa hai nước. Lĩnh vực hợp tác chủ yếu bao gồm dự báo sóng biển ở Biển Đông, bảo vệ môi trường ngoài khơi, trao đổi thông tin, và xây dựng năng lực quản lý khu vực ven biển. Trung Quốc và Thái Lan đang đàm phán một hiệp định chính thức nhằm thể chế hóa hơn nữa và tăng cường hợp tác trong các vấn đề biển.[25] Trong chuyến thăm Đông Nam Á của nguyên Giám đốc Cục hải dương quốc gia Trung Quốc Wang Shuguang năm 2004, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Malaixia, Philippin, và Indonexia về hợp tác trong một loạt các vấn đề biển (bảo vệ môi trường biển, quản lý tài nguyên hải dương, và nghiên cứu khoa học và khảo sát hải dương). Rất nhiều dự án cụ thể đã hoặc đang được triển khai. Trong chuyến thăm của mình, thậm chí Wang còn đề xuất họp Hội nghị Bộ trưởng biển thường xuyên của các nước xung quanh Biển Đông.[26] Trung Quốc cho rằng nước này có ý định tham gia nhiều hơn với các nước ASEAN trong các hoạt động giảm và cứu trợ thảm họa, hội thảo về nghiên cứu hải dương, và các chương trình huấn luyện cùng giám sát trong khu vực Biển Đông.[27] Tất cả các đề xuất này về cơ bản đều là hợp tác chuyên ngành.

 

     Trên bình diện quốc tế rộng hơn, Trung Quốc đã tham gia vào Hội nghị toàn cầu về các vùng biển trong khu vực do UNEP tổ chức, Chương trình hành động toàn cầu bảo vệ môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền, Kế hoạch hành động Các biển Đông Á, và Kế hoạch hành động Tây Bắc Thái Bình Dương. Ví dụ trong Kế hoạch hành động Tây Bắc Thái Bình Dương, tháng 12/2007, Trung Quốc đã tham gia vào công tác cứu trợ trong sự cố tràn dầu ở khu vực ven biển Hàn Quốc trong khuôn khổ phản ứng khẩn cấp của kế hoạch này, và tháng 9/2008, Trung Quốc và Hàn Quốc đã triển khai cuộc diễn tập khẩn cấp chung nhằm tìm kiếm và cứu hộ và khắc phục sự cố dầu lan trên biển.[28] Trung Quốc đã tham gia Diễn đàn Phòng hộ bờ biển Bắc Thái Bình Dương (NPCGF) năm 2004, bốn năm sau khi diễn đàn này ra đời. Diễn đàn này nhằm cung cấp một diễn đàn cho những người đứng đầu lực lượng phòng vệ bờ biển quốc tế có thể trao đổi thường xuyên và cũng đã đề xuất diễn tập phối hợp trên biển bắt đầu từ năm 2005. Trung Quốc hiện tại đang tích cực tham gia vào sáu lĩnh vực hợp tác của diễn đàn này: chống buôn lậu ma túy, hành động chung, chống nhập cư bất hợp pháp, an ninh biển, trao đổi thông tin, và thi hành luật trên biển. Năm 2006, Trung Quốc thậm chí còn đứng ra đăng cai cuộc họp chuyên gia lần thứ 7 của NPCGF.[29] Việc Trung Quốc tham gia vào NPCGF có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là một diễn đàn quý báu cho Trung Quốc và Mỹ có thể đối thoại và trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề biển.[30]  Hai cảng biển của Trung Quốc là Thượng Hải và Thâm Quyến hiện là một bộ phận chính thức trong Sáng kiến An ninh Côngtenơ của Mỹ (CSI).[31]

 

      Tất cả các động thái và hành vi chính sách mới này đều phản ánh ít nhiều sự thay đổi tư duy của giới ra quyết sách Trung Quốc. Một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng hợp tác với quân đội các nước khác bao gồm cả quân đội Mỹ trong một loạt các vấn đề an ninh phi truyền thống là xu thế không thể khác được vì Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế. Trao đổi quân sự với các nước khác cũng rất quan trọng vì quân đội Trung Quốc có thể sẽ tham gia thường xuyên hơn trong các hoạt động bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở hải ngoại và sơ tán kiều dân Trung Quốc trong các khu vực có xung đột ở nước ngoài. Trao đổi với quân đội các nước khác, đặc biệt là với quân đội Mỹ hiện tai sẽ tạo ra một nền móng hợp tác tốt và tránh những hiểu nhầm khi có những vụ việc xảy ra.[32] Có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tham gia với các nước có tranh chấp ở Biển Đông chính thức triển khai hợp tác chuyên ngành ở Biển Đông.

 

     V.               Đề xuất Vịnh Bắc Bộ Mở rộng: Triển vọng ổn định Biển Đông

 

     Khởi nguồn của đề xuất Vịnh Bắc Bộ mở rộng là khuôn khổ của Hiệp định mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) trong đó Quảng Tây cùng với Việt Nam đề xuất thành lập khu vực hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ. Ngoài Việt Nam, kế hoạch này còn bao gồm các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, và Hải Nam của Trung Quốc. Ngay từ đầu năm 2006, Quảng Tây bắt đầu thúc đẩy kế hoạch hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng bao gồm cả Hồng Kông, Ma Cao, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaixia, Xingapo, Indonexia, Philippin, và Brunei. Việc mở rộng khu vực kinh tế tiểu vùng ban đầu nằm trong nỗ lực của Quảng Tây muốn xây dựng khu vực duyên hải của mình thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc.

 

     Quảng Tây đề xuất kế hoạch Vịnh Bắc Bộ nên là một bộ phận của cấu trúc hình chữ M trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN: với tiểu vùng sông Mê-kông (GMS) là cánh trái; hành lang nối Nam Ninh với Xingapo (hợp tác kinh tế lục địa) là trục ở giữa; và khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng (hợp tác kinh tế biển) là cánh phải. Quảng Tây không có lợi thế trong GMS, nhưng khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng và chiến lược hình chữ M sẽ cho phép Quảng Tây đóng một vai trò chủ đạo trong hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN.

 

     Sáng kiến này đã được chính quyền TW Trung Quốc đồng ý thông qua. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc gần đây đã ban hành một văn bản kế hoạch chính thức đối với đề xuất này. Khu vực kinh tế khu vực đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt đầu chiến dịch vận động ủng hộ cho đề xuất này trên các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có những nhận xét rất khích lệ về đề xuất này tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN tháng 11/2006, và tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN lần thứ 10 tháng 1/2007. Hy vọng chính quyền tỉnh Quảng Tây và chính quyền TW Trung Quốc sẽ thúc đẩy đề xuất về Vịnh Bắc Bộ mở rộng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN cộng Trung Quốc.

 

     Có một số lý do tại sao lãnh đạo Bắc Kinh lại ủng hộ cho sáng kiến này. Đây được coi là đề xuất hữu ích nhằm giúp phát triển nhanh chóng kinh tế tỉnh Quảng Tây, một tỉnh vẫn còn khá nghèo, và cũng đề giúp phát triển kinh tế của các khu vực miền Tây rộng lớn nhưng kém phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, đề xuất này được tin tưởng sẽ đóng góp tích cực vào khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN bởi vì những nước Đông Nam Á tham gia vào  chương trình hợp tác này tương đối phát triển.

 

     Mục tiêu chính yếu vẫn là lợi dụng vị trí địa lý của Vịnh Bắc Bộ để tạo ra một trung tâm khu vực và biến khu vực này trở thành một cực hút năng động về kinh tế. 9 lĩnh vực phát triển bao gồm từ vận tải, thương mại, đầu tư, năng lượng, du lịch, nông nghiệp và nghề cá, dịch vụ và môi trường. Trước hết, việc xây dựng một hệ thống vận tải trên cả “ba đường” (đường biển, đường không, đường bộ) được coi là hết sức quan trọng để tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đi lại của công dân các nước. Nếu được triển khai đầy đủ, dự án Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng giữa 9 nước ven biển và 5 vùng lãnh thổ của Trung Quốc, lúc đó Biển Đông sẽ trở thành một “hồ nội địa” nằm ở giữa chương trình hợp tác kinh tế khu vực hình chữ M. 

 

     Thực chất, trong kế hoạch do Trung Quốc đề xuất, có một số lĩnh vực chuyên ngành liên quan trực tiếp đến Biển Đông. Mục tiêu ngắn hạn đề xuất trong 5 năm bao gồm việc xây dựng “trung tâm ba đường” (tri-dimensional hub) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, việc tạo ra một diễn đàn đề chia sẻ thông tin và triển khai một hệ thống thông tin hóa cao để quản lý các cảng biển, phát triển các thành phố duyên hải lớn trở thành các cực tăng trưởng kinh tế năng động, thúc đẩy du lịch biển, bảo vệ và phát triển bền vững của nguồn cá và môi trường sinh học của chúng.

 

     Những lĩnh vực chính cần phải ưu tiên phát triển cần nêu rõ như ngành vận tải, đặc biệt là các cảng biển. Dự án kêu gọi tăng cường hợp tác trong vận tải hàng hóa, côngtenơ và chuyên chở hành khách, mở các tuyến đường du lịch biển mới, bảo vệ môi trường biển, thành lập “Tập đoàn Vận tải và Cảng Quốc tế Vịnh Bắc Bộ”, triển khai cơ chế để đàm phán và hợp tác các vấn đề biển và cảng biển, và phối hợp các nỗ lực chung của khu vực để cứu hộ hàng hải.[33]

 

     Hợp tác thực chất trong bất kỳ lĩnh vực chuyên ngành nào (dù vô tình hay hữu ý không bao gồm các vấn đề gây tranh cãi như khai thác chung dầu khí) sẽ là một bước đột phá lớn trong tranh chấp Biển Đông. Các nhà phân tích Trung Quốc và các lãnh đạo cấp cao đã nhận xét rằng sự ra đời của khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng sẽ giúp mở ra đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN trong các vấn đề biển. Đây cũng sẽ là một diễn đàn để trao đổi và phối hợp giữa các bên về Biển Đông và tạo động lực cho các quốc gia thành viên hành động có trách nhiệm khi phải đối mặt với các vấn đề quan trọng như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực duyên hải và biển. Hiện tại, đề xuất này cũng chỉ được xem như một cách phản ứng hòa bình và thực dụng, chứ chưa phải là một giải pháp triệt để đối với các xung đột ở Biển Đông. Hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng hiện tại đang được Trung Quốc đẩy rất mạnh có thể tạo đà cho Bắc Kinh can dự nhiều hơn với các quốc gia có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông. Nếu các nước ASEAN có liên quan cuối cùng sẽ đồng ý tham gia vào kế hoạch hợp tác tiểu vùng mới này, chẳng bao lâu nữa tất cả các bên trong tranh chấp Biển Đông sẽ nghiêm túc xử lý vấn đề trên biển. Họ sẽ nhận thức được tác dụng của nó khi xem xét lại các kiến nghị chính sách đã từng được đưa ra trong các hội thảo về Biển Đông do Indonexia tổ chức những năm 1990 và một loạt các kế hoạch phát triển chung hoặc kế hoạch chia sẻ tài nguyên đã được cộng đồng học giả đề xuất trước đây. Nhiều học giả cũng chỉ ra việc vấn đề Biển Đông đã chịu nhiều áp lực nghiêm trọng như thế nào và các tranh chấp về chủ quyền cho tới nay đã từng ngăn cản một kế hoạch phối hợp nhằm giải quyết một vấn đề quan trọng là môi trường bị hủy hoại.[34] Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc có tên là “Chặn đứng xu hướng suy thoái môi trưởng ở Biển Đông và Vịnh Thái Lan” được tài trợ bởi Dự án Điều kiện môi trường toàn cầu (UNEP/GEF) và Hội thảo Biển Đông là các bước chuẩn bị phối hợp cho vấn đề này.[35] Tuy nhiên, Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng đưa ra một quan điểm toàn diện hơn có thể bao quát được cả hai mặt của một vấn đề, đó là đảm bảo được sự phát triển kinh tế bền vững kết hợp với việc bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường biển. 

 

     Các tổ chức cơ cấu khác nhau đã được thành lập để xử lý các vấn đề biển và hải dương trong khu vực. Hầu hết các nước có Bộ Môi trường. Indonexia đã thành lập Bộ các vấn đề biển và Nghề cá năm 2001, Thái Lan và Việt Nam có Bộ Tài nguyên Môi trường, Trung Quốc cũng đã thành lập Cục Hải dương Quốc gia, Cơ quan quản lý vùng duyên hải và vùng biển của Xingapo trực thuộc Cục Cảng biển. Hầu hết các tổ chức này hoạt động riêng biệt trong cùng vấn đề, không có kế hoạch phối hợp hoặc liên hệ với nhau. Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng có thể sẽ giúp các tổ chức này kết hợp và phối hợp các nỗ lực của họ, từ đó giảm bớt chi phí và cho phép chia sẻ thông tin, kiến thức sẽ có lợi cho toàn bộ cộng đồng. Tương tự như vậy khi có sự hợp lực rộng hơn giữa các viện nghiên cứu về vấn đề biển trong khu vực cùng xử lý các vấn đề ô nhiễm, cướp biển và biên giới trên biển (có thể kể ra đây như Viện các vấn đề biển của Trung Quốc, Trung tâm về Luật biển của Indonexia, Viện hải dương của Malaixia, Trung tâm các vấn đề biển của Philippin, Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Thái Lan, Ủy ban Thềm lục địa của Việt Nam).

 

     Nếu kiến nghị liên quan tới việc phát triển của trung tâm vận chuyển ba đường trở thành hiện thực, điều đó có nghĩa là cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa và cần thiết lập các cơ chế tư vấn. Các thủ tục đúng quy chuẩn, tham vấn lẫn nhau, bộ các quy tắc để quản lý hải phận và không phận cũng rất cần thiết, những vấn đề mà sau này có thể góp phần giảm được rất lớn nguy cơ có sự xâm phạm vùng trời và vùng biển. Thêm nữa, để bảo vệ các tàu hàng không mẫu hạm và các côngtenơ vận tải mà số lượng sẽ gia tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển của các trao đổi thương mại giữa các khu vực, cần thiết phải có các hoạt động tuần  tra chung chống cướp biển và các đoàn cứu hộ chung. Cũng cần phải thiết lập các cơ chế pháp lý chéo giữa các nước. Dần dần, những cơ chế cần thiết này sẽ tạo thuận lợi cho các quốc gia có yêu sách khác nhau ít có phản ứng nhạy cảm về vấn đề ai sở hữu gì, và xem Biển Đông như một hồ nội địa trong khu vực và là nguồn của các nguồn lợi chung hơn là nguyên nhân bất hòa giữa các nước láng giềng.

 

     Dự án Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng là một cơ hội lớn để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các chính phủ trong khu vực và các tổ chức liên  chính phủ và trên nhiều lĩnh vực. Tăng cường đối tác khu vực xung quanh các dự án quan trọng như đề xuất về kế hoạch Vịnh Bắc Bộ mở rộng sẽ tạo điều kiện cho các nước thành viên triển khai các hoạt động ít tốn kém mà lại vẫn có thể góp phần làm giảm sức ép đối với môi trường biển và cải thiện đời sống của người dân trong vùng, và giúp tăng lưu lượng trao đổi trong khu vực. Còn rất nhiều vấn đề xung quanh Biển Đông cần phải làm như lĩnh vực bảo vệ sinh thái, quản lý tài nguyên thiên nhiên, chính sách duyên hải và hải dương, du lịch, thương mại, vận tải và cảng biển. Việc nhận thức được những thành tựu có thể đạt được thông qua hợp tác sẽ cho phép các nước thành viên tập trung vào các biện pháp cụ thể và thực tế cần phải thực hiện vì lợi ích của toàn bộ cộng đồng hơn là chỉ tập trung vào lợi ích riêng ích kỷ của mình. Khi tạm gác vấn đề khó giải quyết là quyền chủ quyền để tập trung vào lĩnh vực chuyên ngành và kỹ thuật, các thành viên của dự án Vịnh Bắc Bộ mở rộng rất có thể thúc đẩy một Biển Đông hòa bình, ổn định trong những năm tới.

 

     VI.            Kết luận

 

     Bất kỳ giải pháp nào cho một tranh chấp quốc tế nổi bật nào cũng đòi hỏi trí tuệ về chính trị và điều đó sẽ phụ thuộc vào vai trò của lãnh đạo các quốc gia. Điều này càng đặc biệt đúng trong trường hợp Biển Đông, lý do đơn giản là vì vấn đề này có thể phức tạp hơn hầu hết các tranh chấp quốc tế khác. Trí tuệ chính trị và phán quyết của tòa đương nhiên gắn chặt với những tính toán khôn khéo về lợi ích quốc gia cũng như những phản ứng trong chính trị đối nộicủa các nhà lãnh đạo quốc gia.

 

     Con đường dẫn tới hòa bình và hợp tác ở Biển Đông có lẽ vẫn còn xa, nhưng thập kỷ qua đã cho chúng ta những cơ sở để lạc quan, vì tình hình đã chuyển từ thế đối đầu sang khuynh hướng hợp tác hơn.[36] Mặc dù các quốc gia có yêu sách đều chưa sẵn sàng để từ bỏ các yêu sách chủ quyền của họ, nhưng chí ít họ cũng có thể vượt qua được sự cứng nhắc của vấn đề chủ quyền, và họ đều chứng tỏ có thể tập trung vào đối thoại và giữ gìn ổn định khu vực.[37] Thực chất, những tiến triển gần đây cho thấy, các quốc gia có yêu sách khi có được những nền tảng hợp tác trong những vấn đề an ninh phi truyền thống mà không nhất thiết phải tập trung vào các vấn đề quyền tài phán và chủ quyền nữa, họ đã có thể nói về tranh chấp này trên cơ sở không đối kháng.[38] Những cuộc họp không chính thức được tổ chức từ năm 1990 trong khuôn khổ của Dự án “Xử lý xung đột tiềm tàng ở Biển Đông” đã thành công khi hướng sự tập trung vào hợp tác trong những lĩnh vực như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, an toàn giao thông hàng hải, đánh giá các nguồn lợi và các phương tiện phát triển, và các vấn đề pháp lý khác.[39]

 

      Đề xuất của Trung Quốc về khu vực kinh tế Vịnh Bắc Bộ, hiện đã mở rộng thêm gồm các nước láng giềng xung quanh Biển Đông, đã tạo một cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách của các bên liên quan có những phán quyết và cân nhắc chính trị về lợi ích quốc gia của họ. Có lý do để tin rằng một số cơ chế hợp tác giữa các bên sẽ đáp ứng lợi ích chung của tất cả các bên. Trung Quốc, quốc gia quan trọng nhất trong tranh chấp Biển Đông, đã từ lâu đề xướng ý tưởng “gác tranh chấp, cùng phát triển”. Đề xuất hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, trong đó đề cập rõ ràng các lĩnh vực hợp tác quốc tế ở Biển Đông, tạo cơ hội cho các bên tham gia nhiều hơn và bàn thảo các biện pháp cụ thể để góp phần duy trì hòa bình và ổn định lâu dài trên vùng biển này. Đề xuất hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, nếu được Trung Quốc và ASEAN triển khai, có khả năng phi an ninh hóa hơn nữa vấn đề Biển Đông và có thể đưa tới những đột phá trong hợp tác đa phương trên các lĩnh vực chuyên ngành như vận tải biển, bảo vệ môi trường, và cùng khai thác các nguồn lợi. Kế hoạch hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng mở rộng, nếu được triển khai, chắc chắn sẽ là một bước thúc đẩy tiến trình hội nhập và hợp tác về các vấn đề phi truyền thống đi vào chiều sâu và trong một khuôn khổ chính thức hơn.

 

     Theo thuyết chủ nghĩa kiến tạo xã hội của quan hệ quốc tế, “cộng đồng thúc đẩy an ninh”, khi ý tưởng về cộng đồng càng đứng vững ở Châu Á, thì tình hình khu vực sẽ càng ổn định và an ninh hơn.[40] Khu vực kinh tế Vịnh Bắc Bộ có thể giúp thúc đẩy ý tưởng về cộng đồng quốc tế mà đến lượt nó sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của một Biển Đông hòa bình. Tương tự như vậy, sự phụ thuộc về kinh tế, hiện đang dần định hình ở khu vực này, có thể kiềm chế các bên liên quan không có những động thái thái quá ở Biển Đông. Hơn nữa, đề xuất kinh tế khu vực mới này có thể tạo thêm động lực giúp các bên vượt qua được tình hình nguyên trạng hiện nay để tăng cường hơn nữa sự tham gia của họ trong một loạt lĩnh vực hợp tác chuyên ngành./.

 

TS. Li Mingjiang, Trường Nghiên cứu Quốc tế (RSIS), Đại học Kỹ thuật Công nghệ Nanyang, Xin-ga-po

Download bản PDF

Bản thảo, đề nghị không trích dẫn

[2] Lý Minh Giang

[3] Chen Shangjun, “Ruhe renshi haiyang zai guojia nengyuan anquan zhanlue zhong de diwei” (How to understand the role of the sea in China’s energy security strategy), China Oceans Newspaper, 30 August 2005; Li Zengtang and Tian Yudong, “Er ling yi ling nian qian wo guo haiyang shiyou canliang jiang fan bei” (China’s oil production in the sea to double before 2010), Zhongguo haiyang bao (China Oceans Newspaper), 23 September 2005.

[4] Xu Longdi, “Ershiyi shiji diyuan zhengzhi zhong de nansha qundao” (Spratly Islands in the 21st century geopolitics),Journal of Shanghai Jiaotong University, No. 5, Vol.13, 2005.

[5] Liselotte Odgaard, “The South China Sea: ASEAN’s Security Concerns About China”, Security Dialogue, Vol. 34, No. 1, March 2003, pp.11-24; Amitav Acharya, “Seeking Security in the Dragon’s Shadow: China and Southeast Asia in the Emerging Asian Order”, IDSS Working Paper No 44, March 2003; Ralf Emmers, “Maritime Disputes in the South China Sea: Strategic and Diplomatic Status Quo”, IDSS Working Paper No 87, September 2005.

[6] Ian Storey, “China’s Tightening Relationship with Cambodia”, China Brief, Jamestown Foundation, Vol.6, Issue 9, 26 April 2006.

[7] Ian Storey, “Progress and Remaining Obstacles in Sino-Indonesian Relations”, China Brief, Jamestown Foundation, Vol.5, Issue 18, 16 Aug. 2005.

[8] Ian Storey, “Malaysia’s Hedging Strategy With China”, China Brief, Jamestown Foundation, Vol.7, Issue 14, 11 July 2007. 

[9] Liselotte Odgaard, “The South China Sea: ASEAN’s Security Concerns About China”, Security Dialogue, Vol. 34, No. 1, March 2003, pp.11-24.

[10] Christopher R. Hughes, “Nationalism and multilateralism in Chinese foreign policy: implications for Southeast Asia,” The Pacific Review, Vol. 18, No.1, 2005, pp. 119-135, Ronald C. Keith, “China as a Rising World Power and its Response to ‘Globalization’,” The Review of International Affairs, Vol. 3, No. 4, 2004, pp. 507-523.

[11] Saw Swee-Hock, Sheng Lijun, Chin Kin-Wah, Eds., ASEAN-China Relations, Realities and Prospects, ISEAS, Singapore, 2005.

[12] Zou Keyuan, “The Sino-Vietnamese Agreement on Maritime Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin”, Ocean Development and International Law, No.36, 2005, pp.13-24.

[13] Sheng Lijun, “China-ASEAN Free Trade Area, Origins, Developments and Strategic Motivations”, ISEAS Working Paper, International Politics and Security Issues Series No.1, ISEAS, Singapore, 2003, Ian Storey, “China-ASEAN Summit: Beijing Charm Offensive Continues”, China Brief, Jamestown Foundation, Vol.6, Issue 23, 22 Nov. 2006. 

[14] The territorial dispute in the SCS is often cited as one evidence to support the dooms-day scenario of security in East Asia; see for example: Aaron L. Friedberg, “Ripe for Rivalry: Prospects for Peace in a Multipolar Asia,” International Security, Vol.18, No.3, Winter 1993-1994, pp.5-33.

[15] For such prediction, see Allan Collins, The Security Dilemmas of Southeast Asia, Macmillan Basingstoke, 2000, p.169.

[16] Felix K.Chang, Beijing's reach in the South China Sea,” Orbis, Vol. 40, Issue 3, Summer 1996; Ralf Emmers, “The De-escalation of the Spratly Dispute in Sino-Southeast Asian Relations,” RSIS Working Paper, No.129, 6 June 2007.

[17] Tian Xinjian and Yang Qing, Zhongguo haiyang bao (China ocean newspaper), 14 June 2005.

[18] This section is taken from author’s own publication; see Mingjiang Li, “China’s Gulf of Aden Expedition and Maritime Cooperation in East Asia,” China Brief, Volume IX, Issue 1, January 12, 2009.

[19] Han Xudong, “Zhong yin junshi guanxi ‘san bu qu’” [Sino-Indian military relations: three phases], Liao wang xinwen zhoukan [outlook news weekly], issue 19, May 10, 2004.

[20] Luo Yuan, “Zhong mei junshi guanxi feng xiang he fang” [where is the Sino-US military relationship headed], heping yu fazhan [peace and development], issue 2, 2008, pp. 9-14.

[21] Ren Xiangqun, “Zhong mei junshi jiaoliu zou xiang wushi” [Sino-US military exchanges move towards pragmatism], Liaowang xinwen zhoukan [outlook news weekly], November 27, 2006.

[22] Eric McVadon, “China and the United States on the High Seas,” China Security, Vol. 3 No. 4 Autumn 2007, pp. 3 – 28.

[23] Xu Heyun, “Wo guo yu dongya guojia de haiyang hezuo buduan jiaqiang” [China strengthens maritime cooperation with East Asian countries], zhongguo haiyang bao [China ocean newspaper], December 12, 2006.

[24] Ibid.

[25] Qian Xiuli, “Zhong tai tuozhan he jiaqiang haiyang lingyu hezuo” [China and Thailand expand and enhance cooperation in the sea], zhongguo haiyang bao [China ocean newspaper], October 7, 2008.

[26] Yang Yan, “Zhongguo haiyang daibiaotuan fangwen dongnanya san guo” [Chinese marine delegation visits three Southeast Asian countries], zhongguo haiyang bao [China ocean newspaper], December 24, 2004.

[27] Xu Heyun, “Wo guo yu dongya guojia de haiyang hezuo buduan jiaqiang” [China continues to strengthen maritime cooperation with East Asian countries], Zhongguo haiyang bao [China ocean newspaper], December 12, 2006.5.

[28] Zhou Yongfeng, “Jiaqiang guoji hezuo, baohu haiyang huanjing” [enhancing international cooperation, protecting marine environment], zhongguo shui yun bao [China water transport newspaper], September 3, 2008.

[29] Xu Wenjun, “Jiaqiang haiyang zhifa guoji hezuo” [enhancing cooperation in maritime law enforcement], renmin gong’an bao [people’s public security newspaper], March 31, 2006.

[30] Eric McVadon, “China and the United States on the High Seas,” China Security, Vol. 3 No. 4 Autumn 2007, pp. 3 – 28.

[31] See Xinhua report, http://news.xinhuanet.com/newscenter/2005-06/24/content_3132408.htm, accessed January 6th, 2008.

[32] Ren Xiangqun, “Zhong mei junshi jiaoliu zou xiang wushi” [Sino-U.S. military exchanges move towards pragmatism], Liaowang xinwen zhoukan [outlook news weekly], November 27, 2006.

[33] Gu Xiaosong, Fan Beibuwan fazhan hezuo baogao (Report on the Pan Beibu development and cooperation), June 2007.

[34] See the publications of the project entitled “Maritime Conflict in Asia”, International Peace Research Institute of Oslo (PRIO), led by Stein Tonnesson, http://www.prio.no/research/asiasecurity

[35] See the UNEP/GEF website http://www.unepscs.org ; David Rosenberg, “Environmental pollution around the South China Sea: Developing a Regional Response to a Regional Problem”, Resource Management in Asia-Pacific Working Paper No.20, Australian National University, Feb. 1999 ; Tom Naess, “Environmental cooperation around the South China Sea: the experience of the South China Sea Workshops and the United Nations Environment Programme's Strategic Action Programme”, The Pacific Review, Vol.14, No. 4, 1 December 2001 , pp. 553-573.

[36] “The South China Sea: Towards a Cooperative Management Regime”, Conference Report, Maritime Security Programme, RSIS Singapore 16-17 May 2007.

[37] Ralf Emmers, “Maritime Disputes in the South China Sea: Strategic and Diplomatic Status Quo”, IDSS Working Paper No 87, September 2005.

[38] Ian Townsend-Gault, “The Contribution of the South China Sea Workshops: Importance of a Functional Approach”, unpublished paper presented during the RSIS Maritime Security Programme’s Conference about “The South China Sea: Towards a Cooperative Management Regime”, Singapore 16-17 May 2007.

[39] Ian Townsend-Gault, “Legal and Political Perspectives on Sovereignty over the Spratly Islands”, Hasjim Djalal, “South China Sea Island Disputes”, The Raffles Bulletin of Zoology, Supplement No.8 (The Biodiversity of the South China Sea), 2000, pp.9-21.

[40] Dominique Schirmer, “Communities and Security in Pacific Asia,” in Stephen Hoadley and Jürgen Rüland,

Eds., Asian Security Reassessed, ISEAS, Singapore, 2006, p.328, Amitav Acharya, Constructing a Security Community in Southeast Asia, ASEAN and the Problem of Regional Order, Routledge, London, 2001.

 

Bất kỳ giải pháp nào cho một tranh chấp quốc tế nổi bật nào cũng đòi hỏi trí tuệ về chính trị và điều đó sẽ phụ thuộc vào vai trò của lãnh đạo các quốc gia. Điều này càng đặc biệt đúng trong trường hợp Biển Đông, lý do đơn giản là vì vấn đề này có thể phức tạp hơn hầu hết các tranh chấp quốc tế khác. Trí tuệ chính trị và phán quyết của tòa đương nhiên gắn chặt với những tính toán khôn khéo về lợi ích quốc gia cũng như những phản ứng trong chính trị đối nội của các nhà lãnh đạo quốc gia.