__

________________

 

Vùng biển Đông có 7 quốc gia xung quanh gồm Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Brunei, Indonexia, Singapore và Việt Nam. Đây là một khu vực có diện tích tương đối hẹp, là vùng biển nửa kín. Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên phong phú, đồng thời là con đường quan trọng nối liền Đông Á với Ấn Độ Dương và châu Âu, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, giữa các quốc gia xung quanh biển Đông đã phát sinh nhiều xung đột. Bảo vệ cục diện an ninh ở biển Đông trở thành vấn đề được các nước xung quanh và thậm chí các nước khác trên thế giới cùng quan tâm.

 

Từ tình hình trước mắt có thể thấy những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh ở biển Đông và nguyên nhân phát sinh là rất đa dạng, trong đó chủ yếu là:

 

 “Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc” năm 1982 đã thông qua sự thiết lập về quy chế lãnh hải, đặc khu kinh tế, thềm lục địa, vùng biển chung, khu vực đáy biển quốc tế v..v và trên thực tế đã hoàn thành việc phân phối tài nguyên sinh vật biển và tài nguyên phi sinh vật biển trên phạm vi toàn thế giới. Trong khu vực biển Đông, các nước ven biển cũng đều thông qua nội luật, tuyên bố thiết lập lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, đưa ra chủ trương về quyền lợi đối với tài nguyên biển trong khu vực đó. Do các quốc gia có đường bờ biển đối diện hoặc gần kề nhau đều tự thiết lập vùng biển thuộc quốc gia mình quản lý dẫn đến tình trạng chồng lấn lên nhau, nhưng lại chưa hề đạt được một Hiệp định phân giới trên biển nào. Trong những trường hợp như vậy, chỉ cần một quốc gia đang trong quá trình tranh chấp lại đơn phương có hành động do thám hay khai thác tài nguyên tự nhiên thì không thể tránh khỏi việc phát sinh xung đột với các nước có liên quan.

 

Ở biển Đông, quần đảo Trường Sa được tạo thành bởi 97 hòn đảo, bãi đá, bãi ngầm… trải dài trên 1000km từ Đông Nam đến Tây Bắc . Vào trước những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, quần đảo Trường Sa đã là một bộ phận thuộc lãnh thổ Trung Quốc, chưa bao giờ phải đối diện với thách thức gì nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều quốc gia đã đưa ra chủ trương về quyền lợi đối với toàn bộ hoặc một phần của quần đảo Trường Sa. Tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa đã trở thành nhân tố chính gây nên xung đột tại biển Đông.

 

Nạn cướp biển từ trước đến nay luôn là mối lo ngại lớn đối với an ninh trên biển. Vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, số lượng những vụ cướp biển xảy ra trên vùng biển Đông tăng đột biến đã thu hút được sự quan tâm chú ý của các nước trên thế giới. Từ năm 2004, số vụ cướp biển đã giảm đi đáng kể, nhưng vẫn không thể xem nhẹ và được coi như là một nhân tố thường xuyên ảnh hưởng đến an ninh trên biển Đông.

Các động thái phi hòa bình trên biển cũng là một nhân tố khác đe dọa an ninh ở biển Đông. Vụ việc xảy ra gần đây nhất là vào tháng 3 năm nay, tàu quân sự Mỹ Impeccable đã xâm nhập phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế của đảo Hải Nam của Trung Quốc, tiến hành các hoạt động thăm dò, do thám mà chưa được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc, đã suýt xảy ra va chạm với tàu Trung Quốc. Trong cuộc điều đình giữa hai bên, Trung Quốc cho rằng, hoạt động này của tàu quân sự Mỹ đã đe dọa an ninh của Trung Quốc, nhưng phía Mỹ lại cho rằng, tàu của Trung Quốc đã đe dọa đến an ninh của tàu quân sự Mỹ.

 

Năm 2002, sau khi Trung Quốc và 10 nước ASEAN cùng đưa ra “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, với sự nỗ lực của các bên liên quan, tình hình biển Đông đã hòa dịu đi rất nhiều, an ninh ở biển Đông về cơ bản đã được bảo đảm. Nhưng một số những xung đột nhỏ đôi khi vẫn xảy ra, đặc biệt những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đối đầu chưa được giải quyết tận gốc. Vì sự ổn định và an ninh ở biển Đông, các quốc gia liên quan cần thiết lập quan hệ hợp tác, đồng tâm hiệp sức cùng cố gắng. Hợp tác chỉ có thể thành công khi các bên đều có thiện chí. Đồng thời, cũng cần phải có một cơ chế hợp tác mà các bên đều có thể chấp nhận được, và cơ chế này chỉ có thể là luật pháp quốc tế.

 

Luật pháp quốc tế được cộng đồng quốc tế chấp nhận rộng rãi và có tính ràng buộc về mặt pháp lý, có thể làm tiêu chuẩn để các nước phân định tính hợp pháp của các hành vi, giúp ngăn chặn và làm giảm bớt khả năng dẫn đến hành vi xung đột giữa các quốc gia. Luật pháp quốc tế có thể đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của các nước. Trong tình huống xảy ra tranh chấp, có thể bảo đảm giải quyết vấn đề giữa các bên tranh chấp một cách công bằng và hợp lý. Về nguyên tắc, luật pháp quốc tế đảm bảo cho các bên tranh chấp thông qua phương pháp đàm phán để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Chính vì vậy, việc sử dụng luật pháp quốc tế làm nền tảng để giải quyết các tranh chấp quốc tế không chỉ là nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, mà còn được một vài văn bản luật quốc tế quy định trở thành một nguyên tắc luật phải tuân theo. Ví dụ như “Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc” quy định rõ ràng trong văn bản rằng: việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (vùng thềm lục địa) giữa các quốc gia có đường bờ biển đối diện hoặc gần kề nhau, phải dựa trên…nền tảng cơ bản của luật pháp quốc tế, để đạt được những giải pháp công bằng nhất. (Điều 74, 83). Ngoài ra, theo tôi, đa số những nguyên tắc giải quyết các vấn đề biển Đông nói trên đều rất rõ ràng, các nước không có lý do gì không áp dụng chúng để giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển .

 

Theo quy định của “Công ước Luật biển”, những quốc gia xung quanh biển Đông đều có quyền thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên biển, và phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa dựa trên sự kéo dài tự nhiên của đất liền ra rìa ngoài của thềm lục địa, có quyền chủ quyền đối với những tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật biển,  quản lý bảo vệ môi trường biển và các hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu vực đó. Khi xảy ra tình trạng chồng lấn ở vùng đặc quyền kinh tế hoặc vùng thềm lục địa của các quốc gia có đường bờ biển đối diện hoặc gần kề, thì các nước nên thông qua đàm phán để đạt được thỏa thuận về phân giới, nhằm giải quyết công bằng vấn đề phân giới trên cơ sở luật pháp quốc tế.

 

Hải đảo là một bộ phận thuộc lãnh thổ trên bộ của quốc gia. Quyền chủ quyền đối với những đảo này được quy định trong luật quốc tế về lãnh thổ. Các quốc gia tôn trọng nguyên tắc chủ quyền bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Theo quy định của “ Công ước về Luật biển”, quốc gia sở hữu đảo có quyền thiết lập những khu lãnh hải và vùng tiếp giáp xung quanh những vùng đảo này; nếu những đảo này có đủ điều kiện cho con người cư trú hoặc có khả năng phát triển kinh tế, thì nó sẽ có khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa .

 

Theo Luật pháp quốc tế, cướp biển từ lâu đã bị coi là hành động tội phạm quốc tế. Tất cả các quốc gia đều có quyền và nghĩa vụ tiến hành hợp tác để khống chế cướp biển, các nước có quyền thu giữ các tàu hải tặc hoặc máy bay, bắt giữ hải tặc và có các biện pháp trừng phạt. Những biện pháp này chủ yếu áp dụng để xử lý những hành vi cướp biển tại những vùng biển quốc tế. Đối với những hoạt động cướp biển tại lãnh hải của một quốc gia hay vùng biển thuộc phạm vi quản lý của một quốc gia, những quốc gia khác nếu có những hành động chuẩn bị cho việc tấn công tội phạm, thì phải có sự đồng ý của quốc gia chủ quản.

 

Sử dụng biển một cách hòa bình đã trở thành một phần nguyên tắc của luật quốc tế được công nhận trong “Công ước Luật biển”. Theo nguyên tắc này, các quốc gia trong quá trình thực hiện quyền lưu thông trên biển của mìnhkhông nên sử dụng bất kỳ hành vi đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia khác. Điều 301 của “Công ước Luật biển” còn quy định, những tàu thuyền nước ngoài bao gồm cả các tàu quân sự khi thực hiện quyền đi qua vô hại trong các vùng lãnh hải, không được tiến hành bất kỳ hoạt động nào bao gồm cả các hoạt động thu thập tin tức tình báo, nghiên cứu hay khảo sát có thể gây tổn hại đến hòa bình, trật tự hay hoạt động an ninh của quốc gia ven biển. Điều 19 quy định rằng trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc sự quản lý của quốc gia ven biển, các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và tự do bay qua vùng đặc quyền kinh tế của một nước, nhưng trong quá trình thực hiện những hoạt động này, bắt buộc phải tuân theo những quy định pháp luật của quốc gia ven biển đó và phải tuân thủ nguyên tắc “ chỉ sử dụng vì mục đích hòa bình”, không được gây bất kỳ hành động uy hiếp nào đối với hòa bình và an ninh của quốc gia ven biển.

 

Có một tín hiệu rất đáng mừng là hiện nay các bên liên quan đã thống nhất sẽ sử dụng luật quốc tế trong việc giải quyết các xung đột trên biển Đông. Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã long trọng tuyên bố trong “ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, các quốc gia sẽ sử dụng “ Hiến chương Liên Hợp Quốc”, “ Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc” và “ Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á”, 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình và các văn bản luật quốc tế khác đã được công nhận là chuẩn mực cơ bản để xử lý quan hệ giữa các bên. Đồng thời các bên cũng công nhận sẽ tuân theo những nguyên tắc luật quốc tế đã được công nhận để giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các nước về quyền quản lý và quyền lãnh thổ. “Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông” là một văn kiện mang tính chính trị, không mang tính ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, nó đã thể hiện nguyện vọng chính trị đồng thuận của các quốc gia đã ký, có ý nghĩa rất to lớn. Đương nhiên, nếu các bên liên quan có thể hành động đúng theo những lời tuyên bố trong “Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông”, thông qua việc nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu định ra một chuẩn mực về cách ứng xử trên biển Đông, tình nguyện đảm nhận trách nhiệm pháp lý nhằm bảo vệ sự ổn định và an ninh của biển Đông, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về sự ổn định và an ninh ở biển Đông./.

 

   Liu Nan Lai[1] Nghiên cứu viên, Trung tâm nghiên cứu Luật pháp quốc tế,
Viện Khoa học xã hội Trung Quốc
 

 

 

Download bản PDF

[1] Lưu Nam Lai.