09/04/2020
Ngày 2/4, tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Hành động này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ và Philippines đã đưa ra tuyên bố phản đối và kêu gọi Trung Quốc hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 6/4/2020 về báo cáo vụ việc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông
Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước thông tin về việc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động kéo dài của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nhằm khẳng định những yêu sách biển trái với pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
Kể từ khi bùng phát đại dịch toàn cầu, Bắc Kinh cũng đã công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng tại Đá Chữ Thập và Đá Subi, đồng thời cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Cộng hoà nhân dân Trung Hoa cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Vào tháng 7 năm 2016, Đường Chín đoạn của Trung Quốc đã bị Toà trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 tuyên bố là yêu sách biển bất hợp pháp, Chính phủ Mỹ có chung quan điểm này.
Chúng tôi kêu gọi Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu hiện nay, đồng thời chấm dứt việc lợi dụng sự sao lãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách bất hợp pháp của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines về vụ chìm tàu cá Việt Nam ở Biển Đông
Ngày 8 tháng 4 năm 2020 - Bộ Ngoại giao Philippines (BNG) bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về về vụ việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm tại Biển Đông hôm 03/04/2020. Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi cho thấy sự việc đã làm mất niềm tin trong tình hữu nghị nhiều như thế nào; và cũng cho thấy hành động nhân đạo của Việt Nam khi trực tiếp cứu mạng các ngư dân Philippines đã tạo ra nhiều niềm tin như thế nào. Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ ngừng cảm ơn Việt Nam. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đưa ra tuyên bố này nhằm thể hiện sự đoàn kết.
BNG Philippines khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và lưu ý rằng những sự cố như vừa qua làm suy yếu tiềm năng của mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc. Với động lực tích cực trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), điều quan trọng là các bên cần tránh những sự cố như vậy và các khác biệt cần được giải quyết bằng biện pháp giúp tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau.
Việc tiếp tục củng cố mối quan hệ khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng theo cam kết chung giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm cùng giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra do đại dịch COVID-19, như được đề cập trong Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch vi-rút corona 2019 (COVID-19), được đưa ra ngày 20 tháng 2 năm 2020.
Việc ASEAN sát cánh bên Trung Quốc trong cuộc họp đã được cả thế giới chứng kiến. Sự ủng hộ của ASEAN đã được chứng minh rất rõ ràng, điều đó được thấy rõ khi Trung Quốc mở rộng sự hỗ trợ rộng rãi cho các quốc gia như Philippines và cả các quốc gia xa xôi như Ý nhằm chống lại COVID-19. Chúng tôi vẫn đánh giá cao điều này. Ở mức độ khiêm nhường, chúng tôi đã hỗ trợ khi cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán ở thời kỳ kịch liệt nhất. Sự giúp đỡ nhỏ nhoi của chúng tôi thực sự không thể so sánh sánh với sự đáp lại hào phóng của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng COVID-19 là một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử; không chỉ ở quy mô thiệt hại tiềm tàng của nó, mà còn ở hy vọng ngăn chặn và loại bỏ đại dịch thông qua hợp tác cởi mở và tin tưởng hoàn toàn giữa tất cả các quốc gia, dựa trên nhận thức rằng nếu bất kỳ quốc gia nào trong chúng ta thất bại thì những quốc gia còn lại sẽ thất bại; và nếu bất kỳ quốc gia nào trong chúng ta thành công thì thành công đó phải được mở rộng ra toàn thế giới. Hoặc một lần nữa tất cả chúng ta cuối cùng sẽ thất bại và phải hứng chịu hậu quả. Giải pháp của cuộc khủng hoảng này vẫn còn xa vời và giải pháp đó phải áp dụng cho tất cả hoặc là không.
Không bao giờ thích hợp để theo đuổi các hành động khiêu khích; chúng luôn kết thúc trong thất bại của sự xâm lược hoặc phải trả một cái giá tàn khốc cho chiến thắng. Nhưng sẽ luôn có thời điểm phù hợp để tăng cường bảo vệ và khẳng định chủ quyền của chúng ta, hòa bình và ổn định của khu vực, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Như chúng tôi đã đề cập, việc tạo ra các sự kiện mới trên biển sẽ không bao giờ làm phát sinh quyền hợp pháp ở bất cứ đâu hoặc bất cứ lúc nào. Do đó, chúng tôi kêu gọi sự kiên nhẫn và hành vi đúng mực đối với mỗi chính phủ; và để mở rộng sự nhẫn nhịn và hành vi đó cho những công dân thuộc phạm vi quyền hạn tương ứng của của chúng tôi.
COVID-19 là một mối đe dọa thực sự, đòi hỏi sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau. Đối mặt với nó, cả cá hay những yêu sách lịch sử giả tưởng đều không đáng so với mối nguy hiểm bị châm ngòi từ những sự cố như vậy.
Nghiên cứu Biển Đông (gt)
Trong hai ngày 16-17/11/2022, Học viện Ngoại giao đã tổ chức các Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Sáng ngày 16/11/2022, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao, phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.
Ngày 12-13/9/2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức Khóa học Nâng cao Năng lực Biển lần thứ hai thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).
Ngày 23/9, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến An ninh biển và Luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngày 19/8/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 7 (trực tuyến) với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.
Thông cáo báo chí: Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm và thảo luận tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 22/7/2021)