Nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế là nguyên tắc lớn và nguyên tắc hàng đầu trong luật quốc tế hiện đại. Nó được ghi nhận trong Điều 1 và 2 và cụ thể hóa trong Điều 33 của Hiến chương LHQ. Nguyên tắc này còn được ghi nhận trong Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng LHQ về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp được quy định trong Điều 297 của Công ước Luật biển năm 1982 và thể hiện xuyên suốt trong phần XV về giải quyết tranh chấp của Công ước. Nó còn xuất hiện trong DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Có thể thấy, nguyên tắc này được thể hiện trong hầu hết các văn kiện song phương và đa phương hiện nay. Chúng ta đã đề cập đến nhiều biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp như đàm phán, hòa giải, trung gian, trọng tài và bằng cơ quan tài phán quốc tế. Cơ chế ASEAN, cơ chế khu vực cũng là một giải pháp tốt, nhưng chúng ta nên sử dụng cơ chế rộng hơn, quốc tế hơn, đó là cơ chế của LHQ – Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng, Tòa án Công lý Quốc tế, và Tòa án Luật biển. Các nước trong tranh chấp đều là thành viên của LHQ và đã phê chuẩn Công ước Luật biển 1982, đặc biệt Trung Quốc lại là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Trung Quốc cũng có đại diện tại Tòa án Công lý Quốc tế. Vì thế tại sao chúng ta lại không tận dụng các cơ quan tài phán quốc tế rộng lớn này? Tôi cho rằng Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Luật biển của LHQ là hai thiết chế tài phán có uy tín nhất hiện nay trong quan hệ quốc tế và thực tiễn xét xử của hai cơ quan này đã chứng tỏ điều đó. Nếu ASEAN chưa giải quyết được thì chúng ta sử dụng cơ chế của LHQ, của Công ước Luật biển 1982. Tôi nghĩ đây là cơ chế giải quyết tốt nhất.

 

Thứ hai, để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông ngoài việc áp dụng triệt để các nguyên tắc lớn của luật quốc tế thì còn có một nguyên tắc quan trọng, đó là nguyên tắc chiếm hữu thực sự. Nguyên tắc này hình thành từ Định ước Berlin năm 1885. Nguyên tắc này vẫn còn giá trị và thực tiễn xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế từ một thế kỷ nay đã chứng minh điều đó. Ngay trong tranh chấp giữa Indonesia và Malaysia năm 2002 và tranh chấp giữa Malaysia và Singapore năm 2008, Tòa án Luật biển của LHQ đã kế thừa và ghi nhận nguyên tắc chiếm hữu thực sự. Hầu hết các phán quyết của Tòa án Quốc tế đều áp dụng nguyên tắc này, đó là sự chiếm hữu một cách hòa bình, công khai, liên tục và bằng nhà nước. Chúng ta biết các bên trong tranh chấp Biển Đông đã đưa ra nhiều luận điểm khác nhau. Có quốc gia cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của mình vì có người dân của mình phát hiện ra đầu tiên và xuất hiện một số di chỉ trên đó. Có quốc gia cho hai quần đảo này là của mình vì nó kề cận địa lý với mình. Và có quốc gia dùng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này trái với luật pháp quốc tế. Dù có giải pháp chính trị,  ngoại giao, pháp lý hay một giải pháp tạm thời như khai thác chung mà các học giả đã nêu thì việc áp dụng nguyên tắc chiếm hữu thực sự vẫn rất hữu ích. Từ nguyên tắc chiếm hữu thực sự để xác định quốc gia nào có danh nghĩa chủ quyền lớn nhất, ngay cả vấn đề khai thác chung, thì từ đó mới có thể đưa đến một giải pháp công bằng. Từ góc độ là nhà nghiên cứu, tôi cho rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có những hội thảo lớn như thế này để học giả Việt Nam và các nước có điều kiện trao đổi về vấn đề này một cách công khai, thẳng thắn và khách quan. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi và tranh luận với học giả các nước, kể cả với những nước còn có tranh chấp về chủ quyền với Việt Nam.

 

Tôi cũng xin phép bình luận bài phát biểu của ngài Liu Nanlai đến từ Trung Quốc, trong đó có đề cập đến tuyên bố năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi xin khẳng định, nếu chúng ta đọc kỹ tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì có thể thấy Thủ tướng chỉ thừa nhận lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý, chứ không có dòng nào nói rằng Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa kể đến yếu tố đặc biệt của thời điểm lịch sử lúc đó, Trung Quốc và Việt Nam là đồng minh tin cậy của nhau. Do đó, chúng ta phải tính đến những yếu tố khách quan của lịch sử (theo như hiệp định Geneve thì Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính phủ miền Nam Việt Nam).

 

 Nguyễn Bá Diến , Trung tâm Luật biển, Đại học Quốc gia Hà Nội

 Download (thành viên)