28/02/2018
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.
Với mối đe dọa của Triều Tiên đang ở mức độ chưa từng có, Tokyo đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn về phòng vệ.
Vào buổi sáng sớm 29/8/2017, nhiều người dân Nhật Bản ở các tỉnh phía Bắc đã giật mình tỉnh giấc bởi tiếng báo động chói tai của hệ thống báo động vệ tinh (J-Alert) cảnh báo có một quả tên lửa từ Triều Tiên đang hướng về phía Nhật Bản. Vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) mới của Bình Nhưỡng - được gọi là Hwasong-12 - có quỹ đạo bay qua đảo Hokkaido nằm ở phía Bắc Nhật Bản. Vụ thử tên lửa đã làm tăng thêm cảm giác dễ tổn thương của Nhật Bản khi đối mặt với các mối đe dọa đang gia tăng ở khu vực. Quả thực, vụ thử tên lửa diễn ra vào ngày 29/8 đã phá vỡ giới hạn bay của tên lửa đạn đạo khi bay qua không phận Nhật Bản - một hành động không chính thức mà Triều Tiên đã tránh né cho tới thời điểm đó. Sau đó, Bình Nhưỡng đã bồi thêm vào vụ thử ban đầu qua Nhật Bản bằng một vụ thử tên lửa Hwasong-12 sau đó vào tháng 9. Vụ thử đó cũng có quỹ đạo bay qua phía Bắc Nhật Bản nhưng bay xa hơn so với lần bắn trước đó.
Cường độ của chương trình tên lửa của Triều Tiên - xét cả về tần suất bắn thử và tốc độ các năng lực được tăng cường - đang đưa ra những lựa chọn chiến lược rất khó cho cộng đồng phòng thủ của Nhật Bản. Cộng đồng phòng thủ Nhật Bản đang vừa vật lộn với các khoản ngân sách hạn chế, vừa ngày càng lo ngại về vai trò của Mỹ ở khu vực, và một loạt các nhu cầu khác ngoài việc ngăn chặn và bảo vệ chống lại sự hiếu chiến của Bình Nhưỡng. Nên lưu ý rằng ưu tiên làm giảm các mối đe dọa từ Triều Tiên không phải là một sự tiến triển mới ở Tokyo. Quả thực, Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ phóng qua Nhật Bản ở 4 thời điểm trước đó (năm 1998, 2009, 2012 và 2016). Mặc dù điểm khác nhau chính là các vụ thử trước đó là phóng vệ tinh và nó đã không quay trở lại khí quyển trái đất. Hãy đối chiếu điều này với 2 vụ thử IRBM qua Nhật Bản năm nay mà liên quan đến các tên lửa đạn đạo có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân.
Sự phát triển hạt nhân đồng thời của Triều Tiên khiến không chỉ Tokyo, mà còn cả khu vực rộng hơn, càng thêm lo ngại - sự phát triển này được chứng minh bởi việc thử nghiệm một quả bom Hydro vào tháng 9/2017 và những cải tiến nhanh chóng của nước này trong quá trình thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để vừa với đầu tên lửa đạn đạo của họ. Bình Nhưỡng nỗ lực hoàn thiện khả năng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cũng đã làm dấy lên những quan ngại trong khu vực. Triều Tiên đã thử thành công hệ thống phóng thông qua các bài kiểm tra quỹ đạo bay "cao hơn bình thường" vào tháng 7/2017. Những tiến triển này đã càng thuyết phục Tokyo hơn trong việc gia tăng nỗ lực răn đe cùng với đồng minh Mỹ của mình và mong đợi thúc đẩy hợp tác an ninh 3 bên với Hàn Quốc cho dù có căng thẳng giữa 2 bên hiện nay.
Bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, cùng với sự không chắc chắn và lo lắng về giọng điệu phi truyền thống từ Nhà Trắng, tiếp tục định hình chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Cũng có những động lực quan trọng khác, đặc biệt là sự gia tăng khả năng nhận biết đe dọa ở Tokyo liên quan tới sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực và sự hiện đại hóa nhanh chóng của lực lượng hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) và Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Điểm chạm của mối bận tâm của Nhật Bản tập trung vào khu vực trên biển, nơi mà Tokyo và Băc Kinh bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp dai dẳng xung quanh quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông. Trung Quốc và Nhật Bản cũng có những bất đồng trên các đường biên giới trên biển và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển Hoa Đông. Hơn nữa, Tokyo tiếp tục tập trung áp lực, cả bằng con đường ngoại giao và thông qua những nỗ lực xây dựng năng lực của mình với các nước vùng duyên hải ở Đông Nam Á, vào chiến lược "cắt lát salami" của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ngoài những mối quan ngại cấp thiết nhất từ bán đảo Triều Tiên và kiểm soát thách thức dài hạn của Trung Quốc, Nhật Bản cũng tiếp tục đối mặt với nhiệm vụ không nguy hiểm, nhưng vẫn đòi hỏi nguồn lực tập trung, là kiểm soát các cuộc xâm nhập không phận thường xuyên - và dài lâu - từ Nga xung quanh Hokkaido tỉnh rộng lớn ở phía Bắc của nước này. Trong khi ít quan chức quốc phòng Nhật Bản lo ngại về những mục đích của Moskva hay khả năng xung đột vũ trang, vấn đề này góp phần vào làm kiệt quệ nguồn lực, như đã được chứng minh bằng một số lượng lớn các cuộc cất cánh đột ngột diễn ra hằng năm của các lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản (ASDF) đối phó việc máy bay chiến đấu của Nga xâm phạm.
Kế hoạch phòng thủ và Chính quyền Abe
Vào ngày 22/10/2017, đảng cầm quyền của Nhật Bản - Đảng Dân chủ tự do (LDP) - đã giành một chiến thắng quyết định trong một cuộc bầu cử sớm do Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi. Chiến thắng này đảm bảo cho sự ổn định chính trị ở Tokyo trong ngắn hạn và chỉ ra rằng Abe đang đi đúng hướng để thực hiện nốt nhiệm kỳ thứ 3 và cuối cùng của ông trên cương vị chủ tịch LDP mà sẽ kết thúc vào năm 2021. Một trong những điểm ưu việt của Abe trong cuộc bầu cử vào tháng 10 là việc ông kiểm soát chắc chắn các vấn đề an ninh - nhất là khi những khiêu khích từ Triều Tiên gia tăng. Kể từ cuộc bầu cử vào cuối năm 2012, Abe cũng đã đầu tư rất nhiều vào việc cải tiến cấu trúc an ninh quốc gia và quốc phòng lỗi thời của Nhật Bản thông qua một loạt các cải cách an ninh và quốc phòng, bao gồm điều luật mới mà đã có hiệu lực vào năm ngoái.
Đến cuối năm 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (JMOD) sẽ đệ trình Chương trình quốc phòng trung hạn (MTDP) mới cho giai đoạn 4 năm cho đến năm 2022. Trước đó, Bộ này sẽ đệ trình những đề xuất lên nội các Abe sau khi xem xét các bản Đường lối chủ đạo chương trình phòng thủ quốc gia (NDPG) hiện nay và MTDP. Abe đã yêu cầu xem lại cả hai văn bản chính sách đầu năm nay trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang gia tăng. NDPG hiện nay được soạn thảo vào năm 2013 và được dự định kéo dài trong 10 năm.
Phòng thủ tên lửa đạn đạo
Do những phát triển nhanh chóng của các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, nên người ta mong đợi rằng Đường lối chủ đạo mới sẽ tập trung nhiều vào phòng thủ tên lửa đạn đạo. Hiện nay, Nhật Bản có một hệ thống phòng thủ tên lửa 2 lớp với các tàu khu trục thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis - thường xuyên đặt ở biển Nhật Bản - mà sẽ được sử dụng như lớp phòng thủ đầu tiên. Về cơ bản, tàu khu trục thuộc JMSDF hoạt động như tuyến phòng thủ đầu tiên của Nhật Bản trong trường hợp có mối đe dọa tên lửa đạn đạo và có khả năng - phụ thuộc vào quỹ đạo phóng - ngăn chặn một quả tên lửa trong giai đoạn giữa đường bay. Các tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis được bổ sung "một lớp thứ hai" theo hình thức các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 đặt trên đất liền, mà có thể thực hiện các đòn đánh chặn trong giai đoạn cuối của đường bay tên lửa, với giả định mục tiêu là lãnh thổ của Nhật Bản. Cả hai hệ thống được hợp nhất và phối hợp thông qua Hệ thống phòng thủ không phận Nhật Bản đặt trên mặt đất (JADGE).
Với tần suất khiêu khích từ Bình Nhưỡng đang gia tăng đáng kể, song song với những cải tiến nhanh chóng về chất lượng của các khả năng tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản đang tìm các cách để tăng cường an ninh hơn nữa chống lại mối đe dọa tên lửa đạn đạo và có một cú đẩy từ Abe và những người khác trong LDP để tăng cường ngân sách của JMOD để mua sắm thêm. Hầu hết các dấu hiệu từ Tokyo cho thấy JMOD đang tập trung mua sắm hệ thống Aegis Ashore - một phiên bản của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đảo (BMD) đặt trên đất liền mà hiện Nhật Bản có cùng với các tàu khu trục của JMSDF ở biển Nhật Bản. Như các tàu của JMSDF, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mới sẽ được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 bay với độ cao vào khoảng 500 km so với mặt nước biển.
Cuối cùng, hệ thống Aegis ở Nhật Bản cũng sẽ được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA, mà Tokyo đang phát triển cùng với Washington. Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA mới đã được thử nghiệm thành công hai lần trong năm nay, nâng cấp khả năng của tên lửa đánh chặn SM-3 hiện nay bằng việc tăng cường phạm vi độ cao đánh chặn, cũng như tăng cường khả năng can thiệp cùng lúc. Các tên lửa đánh chặn mới, được đề xuất triển khai vào năm 2021, cũng sở hữu nhiều khả năng hơn để hoạt động xung quanh các tên lửa đạn đạo có công nghệ tránh đánh chặn - như đạn mồi hay tên lửa với quỹ đạo cao hơn bình thường. Nhật Bản cũng hi vọng rằng họ có thể triển khai hệ thống radar AN/SPY6 vẫn đang được phát triển trên hệ thống Aegis của họ để thay thế cho AN/SPY1 hiện nay. Hệ thống radar Spy-6 X-band sẽ cung cấp mức độ bao phủ lớn hơn so với hệ thống radar hiện nay. Dù vậy, phát triển của hệ thống radar mới vẫn bị trì hoãn và không được đề xuất triển khai trên tàu của Mỹ, ít nhất là tới năm 2022.
Quyết định mua Aegis Ashore có ý nghĩa vì một vài lý do. Đầu tiên, hệ thống được nhắm tới việc giảm gánh nặng cho các tàu khu trục của JMSDF trang bị hệ thống Aegis - hiện nay là 4 tàu - đang được dàn trải mỏng trên phạm vi triển khai dài ở biển Nhật Bản. Các tàu của JMSDF cần được bảo dưỡng thường xuyên và kiểm tra đều đặn, điều này khiến tất cả tàu khó có thể đảm bảo việc bao phủ toàn bộ khu vực. Thông qua các kế hoạch mua sắm đã có trước đó và việc tân trang tàu, Nhật Bản sẽ bổ sung thêm 2 tàu khu trục lớp Atago trang bị hệ thống Aegis vào năm 2021, sẽ đưa tổng số tàu khu trục lên 8 tàu (4 tàu khu trục lớp Kongo cũ và 4 tàu khu trục lớp Atago mới). Điều này sẽ giúp cho vấn đề tiêu hao nguồn lực và cũng cho phép linh hoạt hơn trong việc triển khai ở bên ngoài biển Nhật Bản.
Lý do quan trọng thứ hai của quyết định mua Aegis Ashore là vì sự bổ sung đương nhiên của nó với nền tảng hạ tầng BMD hiện nay và khả năng tương hỗ liên tục với các tàu khu trục của JMSDF cũng như hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3. Ngoài Aegis Ashore, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch đưa ra một phiên bản nâng cấp hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot - PAC-3 Missile Segment Enhancement (MSE) - sớm nhất có thể. Hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot được nâng cấp sẽ có phạm vi đánh chặn lớn gấp đôi hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 hiện nay đang sử dụng.
Một lý do quan trọng khác đối với quyết định tăng cường BMD thông qua các khả năng của hệ thống Aegis là việc Lockheed Martin, Raytheon và nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Nhật Bản là công ty công nghiệp hạng nặng Mitsubishi (MHI) cùng nhau sản xuất hệ thống Aegis ở Nhật Bản. Do vậy, những lợi ích công nghiệp quốc phòng ở Nhật Bản đóng một vai trò chủ chốt nữa trong quá trình phát triển phòng thủ tên lửa. Điều này cũng có thể là một phần lý do tại sao Nhật Bản đã không chọn việc mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). THAAD, hệ thống đánh chặn BMD giai đoạn cuối, được sản xuất bởi Lockheed Martin và hiện nay không có kế hoạch phát triển cùng với các nhà thầu Nhật Bản như MHI.
Mặc dù triển khai THAAD không có khả năng diễn ra trong tương lai gần, nhưng JMOD có thể xem xét lại vấn đề nếu các căng thẳng tiếp tục tăng cao. Quả thực, THAAD cung cấp những khả năng khác với hệ thống Aegis và sẽ tập trung vào sự bảo vệ lớn hơn khỏi những tên lửa ở giai đoạn cuối, đặc biệt là những quả tên lửa nhằm vào các khu vực đô thị như Tokyo. Lợi ích của việc triển khai THAAD ở Nhật Bản sẽ là sự hiện diện của một hệ thống đa lớp thực sự, với các tàu khu trục Aegis và các hệ thống tên lửa nhằm thực hiện đánh chặn ở giai đoạn giữa, trong khi hệ thống tên lửa đánh chắn Patriot và THAAD sẽ nhằm vào giai đoạn cuối. Tính độc đáo của THAAD từ hệ thống PAC-3 là khả năng đánh chặn tầm cao của nó (được cho là vào khoảng 200 km, so với 20-30 km của PAC-3 MSE) cùng với hệ thống radar vượt trội của nó. Do đó, về lý thuyết, một khả năng đánh chặn thành công ở giai đoạn cuối sẽ giảm thiểu khả năng để lọt tên lửa nhằm vào một khu vực đô thị.
Những lựa chọn tấn công?
Một tranh cãi khác xoay quanh các vòng phòng thủ ở Tokyo là sự phát triển tiềm năng cái được gọi là những lựa chọn tấn công - như là việc mua sắm và triển khai tên lửa hành trình - mà sẽ cung cấp cho Nhật Bản các khả năng phản công trong trường hợp bị tấn công. Một lựa chọn liên quan khác, nhưng mang tính khiêu khích hơn, là triển khai những khả năng tấn công này như là một lựa chọn "chặn trước" trong trường hợp có một cuộc tấn công vào Nhật Bản sắp diễn ra. Tranh cãi xung quanh các khả năng tấn công không phải là mới và điều này đã được tranh cãi dai dẳng trong suốt quá trình phát triển chính sách quốc phòng của Nhật Bản, và mối quan hệ đồng minh của Nhật Bản với Mỹ qua vài chục năm qua. Nhưng, mặc dù lập luận không mới, có nhiều cuộc tranh luận rất gay gắt và công khai hơn về vấn đề này với một bản báo cáo nghiên cứu được ủng hộ bởi LDP vào đầu năm nay và một số lượng người ủng hộ có ảnh hưởng đối với một sự thay đổi trong tư thế của Tokyo.
Mặc dù một số người quan ngại rằng theo đuổi lựa chọn tấn công sẽ là không phù hợp với hiến pháp ở Nhật Bản, thật sự không có bất kỳ lệnh cấm rõ ràng nào đối với những khả năng như vậy hay những lựa chọn như vậy nếu nó được thực hiện để phòng vệ. Quả thực, vào năm 1956, cựu Thủ tướng Ichiro Hatoyama đã bình luận, "thật vô lý khi nghĩ rằng mục đích của Hiến pháp là để Nhật Bản phải ngồi và đợi cái chết đến khi phải chịu cuộc tấn công bằng tên lửa và các vũ khí khác". Dù vậy, có thể sẽ có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong nội bộ Nhật Bản về một khả năng tấn công, đặc biệt do mục tiêu gây tranh cãi của Abe là sửa đổi hiến pháp của đất nước. Tokyo cũng sẽ phải chuẩn bị ứng phó với tác động mà một động thái như vậy sẽ gây ra cho những quan hệ khác của họ trong khu vực, đặc biệt với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thúc đẩy các năng lực trên biển
Mặc dù trọng tâm là răn đe và - nếu cần thiết - phòng thủ chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên, nhưng Nhật Bản cũng vẫn tập trung chú ý vào việc tăng cường các khả năng an ninh trên biển của mình do sự quyết đoán của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Mức độ xâm nhập của các tàu Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku đã phần nào ổn định nhưng vẫn hay thay đổi và bản chất của những cuộc xâm nhập này (bao gồm cả việc qua lại vùng lãnh hải) đang thay đổi. Điều này tiếp tục là một động lực quan trọng trong việc đặt kế hoạch quốc phòng của Nhật Bản khi tìm cách cân bằng các nguồn ngân sách khan hiếm (ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn đang lơ lửng ở mức 1% tổng GDP, bất chấp những sự gia tăng rất khiêm tốn dưới Chính quyền Abe) với sự đa dạng của các mối đe dọa. Nâng cấp nền tảng hạ tầng BMD của Nhật Bản – vốn rất tốn kém - là một trong những thách thức đáng kể nhất trong ngắn hạn.
Trong khi một số năng lực cốt lõi mà Nhật Bản cần là tính lưỡng dụng hiệu quả (như là triển khai thêm các tàu khu trục thuộc JMSDF), một số năng lực khác là tập trung hẹp hơn vào an ninh trên biển và bảo vệ quần đảo ở phía Tây Nam Nhật Bản hay Nansei-shoto. Trong bối cảnh này, NDPG hiện nay nhấn mạnh tới việc tập trung vào phát triển khả năng tình báo, giám sát, do thám (ISR), và vận tải trong khi vẫn tập trung chuẩn bị các tình huống bất ngờ cho các cuộc tấn công trên các hòn đảo ở xa. Về phía ISR, Nhật Bản có thể sẽ tìm cách tiếp tục nhấn mạnh việc tăng cường các khả năng tuần tra thông qua việc triển khai máy bay tuần tra cánh cố định và máy bay trực thăng đỗ trên tàu. Đến năm 2023, Nhật Bản hi vọng có thể triển khai ít nhất 80 máy bay trực thăng tuần tra, cũng như tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 tàu. Tokyo cũng hướng tới việc cải cách JMSDF qua việc đưa ra thêm các tàu khu trục (bao gồm các tàu không trang bị hệ thống Aegis) và mở rộng số lượng các tàu quét mìn.
Phù hợp với sự thay đổi linh hoạt hơn đối với phòng thủ năng động đã bắt đầu với NDPG 2010, Nhật Bản cũng sẽ tổ chức lại Lực lượng phòng vệ trên bộ (GSDF) để đương đầu với những thách thức đang ngày càng gia tăng. Ví dụ điển hình là sự phát triển của những sư đoàn và lữ đoàn triển khai nhanh nhằm đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào lên các hòn đảo ở xa. Những thay đổi này được phác thảo trong khái niệm phòng thủ năng động nhằm biến đổi GSDF từ tư thế lỗi thời rất cồng kềnh với các lữ đoàn và xe tăng lớn sang một đơn vị nhanh nhạy hơn có năng lực tiến hành các cuộc chiến tranh hiện đại. Để rõ hơn về điều này, Nhật Bản đã giảm số lượng xe tăng từ 900 xe vào năm 1996 xuống còn khoảng 300 xe hiện giờ. GSDF cũng sẽ tiếp tục tự chuyển mình, hướng sang phía Nam hơn nữa khi mà các mối đe dọa dịch chuyển khỏi Nga sang phía Trung Quốc nhiều hơn. Về vấn đề các mối đe dọa trên biển, GSDF cũng sẽ đóng một vai trò chủ chốt thông qua việc thành lập một lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh trong tương lai, lực này sẽ được giao nhiệm vụ đặc biệt là đáp trả các cuộc tấn công vũ trang vào quần đảo Nhật Bản.
Từ phía Lực lượng phòng vệ trên không, những lựa chọn của Nhật Bản bị giới hạn trong các khoản ngân sách do khoản mua sắm F-35 lớn của nước này - đây sẽ là trọng tâm của việc dự trữ máy bay chiến đấu cho những năm tới. Điều đó để nói rằng ASDF sẽ vẫn tập trung vào việc tăng cường các đơn vị kiểm soát và cảnh báo sớm để cung cấp khả năng cải tiến ISR. Nhật Bản cũng sẽ đặt 3 máy bay không người lái Global Hawk từ Mỹ để hỗ trợ thu thập thông tin tình báo và ISR.
Kết luận
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản. Sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và nỗ lực cho nền tảng hạ tầng BMD hiệu quả tiếp tục định hình chính sách quốc phòng của Nhật Bản và sẽ là một động lực quan trọng nhất. Mặc dù vậy, cũng có những nhân tố quan trọng khác - bao gồm việc luôn thấy lo ngại về sự hiện đại hóa quân sự và các hoạt động trên biển của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
J. Berkshire Miller là chuyên viên liên kết cấp cao của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế Nhật Bản tại Tokyo, chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Diễn đàn Asian trụ sở tại Tokyo. Bài viết được đăng trên The Diplomat.
Trần Quang (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Chuyến thăm tới các nước khu vực Baltic và Balkan nằm trong chiến lược sử dụng quyền lực "mềm" và sức mạnh tài chính nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu về kinh tế và chính trị mà Tokyo đã và đang triển khai nhiều thập kỷ qua.