14/09/2019
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này sẽ ngày càng quyết liệt, hay vẫn còn cơ hội để vãn hồi?
Ngày 22/8, Hàn Quốc tuyên bố không tiếp tục ký Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) nhằm đáp trả biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay Hàn Quốc vẫn bày tỏ mong muốn rằng khi hiệp định này chính thức hết hiệu lực trong thời gian tới, nếu Nhật Bản xóa bỏ biện pháp thương mại không thỏa đáng thì hai nước có thể đàm phán lại văn bản này.
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này sẽ ngày càng quyết liệt, hay vẫn còn cơ hội để vãn hồi?
Không khoan nhượng
Việc Nhật Bản đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” có nghĩa là gì? Cái gọi là “Danh sách trắng” là chỉ việc Nhật Bản coi những quốc gia trong danh sách này là “quốc gia hữu nghị” về phương diện đảm bảo an ninh. Theo đó, khi xuất khẩu sản phẩm và công nghệ có thể chuyển thành trang bị vũ khí quân dụng sang những nước thuộc “Danh sách trắng”, doanh nghiệp Nhật Bản chỉ phải làm thủ tục kiểm tra tương đối đơn giản. Còn đối với quốc gia không thuộc “Danh sách trắng”, doanh nghiệp Nhật Bản trước khi xuất khẩu cần qua khâu “kiểm tra toàn diện”, phải được Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản phê chuẩn.
“Danh sách trắng” của Nhật Bản bao gồm 27 quốc gia. Hàn Quốc được đưa vào năm 2004. Hiện tại, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách này, chính sách ưu đãi trong suốt 15 năm qua sẽ chấm dứt.
Theo báo chí Hàn Quốc, điều này có nghĩa là bắt đầu từ ngày 28/8, khi doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm hoặc công nghệ sang Hàn Quốc, Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản có quyền yêu cầu kiểm tra riêng đối với gần như toàn bộ sản phẩm, ngoại trừ thực phẩm và gỗ. Theo ước tính của Chính phủ Hàn Quốc, sẽ có hơn 1.000 sản phẩm nhập khẩu bị ảnh hưởng, bao gồm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc có độ chính xác cao, máy công cụ cho đến nhiều ngành hàng then chốt như ô tô, điện thoại di động, hóa dầu. Đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, trong quá trình mua nguyên vật liệu của Nhật Bản, thủ tục sẽ kéo dài, tính rủi ro tăng lên.
Đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” là đợt trừng phạt thứ hai của Nhật Bản trước việc Tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đầu tháng 7/2019, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu 3 nguyên liệu dùng để sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Do Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu 3 nguyên vật liệu này từ Nhật Bản, nên các doanh nghiệp như Tập đoàn Samsung bị tác động nặng nề.
Dư luận bên ngoài cho rằng hai đợt trừng phạt của Chính quyền Abe đều tác động đến ngành nghề huyết mạch của kinh tế Hàn Quốc, được coi là những đòn tấn công nhanh, chính xác và chí mạng. Còn việc loại ra khỏi “Danh sách trắng” sẽ có thể khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước leo thang hơn nữa.
Đồng thời, so với những hành động trước đây của Hàn Quốc như khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), kéo Mỹ vào để nói hộ, cố giành sự đồng tình của dư luận, thì gần 1 tháng qua, hành động đáp trả của Hàn Quốc càng rõ ràng hơn. Đúng như câu nói kinh điển của nam diễn viên chính trong bộ phim truyền hình Nhật Bản Hanzawa Naoki: “Ăn miếng trả miếng, đáp trả gấp đôi”.
Ngày 12/8, Hàn Quốc đã trả đũa khi cũng quyết định đưa Nhật Bản ra khỏi “Danh sách trắng” thương mại của Hàn Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 9/2019. Ngày 22/8, 10 ngày sau, Hàn Quốc tiếp tục ra đòn tấn công mạnh hơn khi tuyên bố không tiếp tục ký GSOMIA. Tiếp đó, Hàn Quốc đình chỉ chương trình “Giao lưu cán bộ nguồn” của Lục quân hai nước được tổ chức vào cuối tháng 8/2019, tiếp tục kích động Nhật Bản trong lĩnh vực bảo đảm an ninh.
Bắt đầu từ ngày 25/8, Hàn Quốc lại tổ chức tập trận với quy mô lớn trong 2 ngày ở gần vùng biển đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima) - khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Các chuyên gia phân tích cho rằng Nhật Bản sẽ không khoan nhượng với Hàn Quốc vì các biện pháp đáp trả không ngừng leo thang của nước này thời gian qua, nhất là việc Hàn Quốc tuyên bố không tiếp tục ký GSOMIA khiến Nhật Bản rất tức giận.
Vào ngày mà Hàn Quốc tuyên bố rút khỏi GSOMIA, khi trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từ chối đưa ra bất kỳ câu trả lời nào và báo chí gọi đó là “sự phản đối trong im lặng”.
Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên thuộc Đại học ngoại thương Thượng Hải, giáo sư Chiêm Đức Bân cho biết từ đầu tháng 7 đến nay, lý do khiến Nhật Bản không nhượng bộ là vì họ cho rằng Hàn Quốc luôn nhắm vào việc kiểm soát xuất khẩu của Tokyo, mà tránh không đàm phán vấn đề nạn nhân Hàn Quốc bị lao động cưỡng bức, thậm chí còn tuyên bố rút khỏi một “Thỏa thuận quân sự”. Chính những hành động đó làm gia tăng quyết tâm chống lại Hàn Quốc của của Chính quyền Abe. Chiêm Đức Bân nói: “Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào GSOMIA lớn hơn nhiều so với Hàn Quốc. Đối với Hàn Quốc, giá trị thông tin tình báo mà Nhật Bản cung cấp khá hạn chế, Hàn Quốc hoàn toàn có thể có được thông tin tình báo tốt hơn từ Mỹ. Nhưng Nhật Bản cần thông tin tình báo từ Hàn Quốc, nên việc Hàn Quốc hủy bỏ hiệp định này đã tác động rất lớn đến Nhật Bản”.
Chuyên gia cấp cao của Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cố vấn Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, Vương Thiếu Phổ nhận định Hàn Quốc tuyên bố không tiếp tục gia hạn GSOMIA khiến Nhật Bản cảm thấy sức ép rất lớn. Trong tình hình cục diện bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên không tiến triển, Nhật Bản rất quan tâm, chú ý đến động thái của Triều Tiên (vấn đề hạt nhân, tên lửa đạn đạo) và rất cần sự hỗ trợ thông tin tình báo của Hàn Quốc. Một khi Hàn Quốc rút khỏi Thỏa thuận quân sự sẽ khiến Nhật Bản bất lợi hơn khi đối mặt với cục diện bán đảo Triều Tiên.
Xu hướng trong tương lai
Nhật Bản sử dụng trừng phạt thương mại để đáp trả tranh cãi lịch sử (Tòa án Hàn Quốc đã ra phán quyết các công ty Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân Hàn Quốc bị lao động cưỡng bức trong Chiến tranh thế giới thứ hai), còn Hàn Quốc lại sử dụng “vũ khí an ninh” để trả đũa trừng phạt thương mại. Thù hận cũ và mới giữa hai nước bị đẩy lên khiến quan hệ song phương xấu đi, chạm mức thấp nhất sau 54 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao vào đầu tháng 7, đến việc hai bên cùng loại đối phương ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại, rồi đến việc Hàn Quốc chuẩn bị xé bỏ “Thỏa thuận quân sự”, chứng tỏ quan hệ Nhật-Hàn ngày một xấu đi - Đúng như phát biểu của một quan chức Mỹ: “Mỗi lần đều tưởng rằng mối quan hệ này đã chạm đáy, thì diễn biến tiếp sau đó lại khiến mọi người ngạc nhiên hơn”.
Liệu hai nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản còn có thể chung sống thân thiện với nhau không?
Theo chuyên gia Chiêm Đức Bân, hiện nay cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang tức giận và sẽ khó có thể nhượng bộ trong tương lai gần. Mâu thuẫn giữa hai nước sẽ tiếp tục gia tăng và mở rộng trên phạm vi lớn hơn. Hàn Quốc tuyên bố rút khỏi GSOMIA, đình chỉ giao lưu học viên các trường quân sự hai bên, có nghĩa là mâu thuẫn đã từ lĩnh vực thương mại lan rộng sang an ninh, quân sự và tiếp theo có khả năng còn mở rộng sang giao lưu nhân dân. Nhưng quan hệ Nhật-Hàn sẽ không tan vỡ, bởi vì quan hệ ba bên Mỹ-Nhật-Hàn vốn là vũ đài để duy trì sự ổn định cơ bản của quan hệ Nhật-Hàn, trên cơ sở xem xét lợi ích chiến lược của mình, Mỹ không thể ngồi nhìn quan hệ Nhật-Hàn xấu đi đến mức ngoài vòng kiểm soát.
Vương Thiếu Phổ nêu rõ việc Nhật Bản dứt khoát gạt Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng”, còn Mỹ vẫn chưa thấy tích cực can thiệp, có thể dự báo cuộc đối đầu Nhật-Hàn sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Do đó, chuyên gia này cho rằng xu hướng tương lai của quan hệ Nhật-Hàn ở mức độ lớn hơn sẽ do Mỹ quyết định.
Ở một số góc độ nào đó, quan hệ Nhật-Hàn liên tục xấu đi đến nay có một phần trách nhiệm do Chính quyền Trump “khoanh tay đứng nhìn”. Gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã thăm Đông Á, bao gồm Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell, bề ngoài tỏ vẻ tích cực, nhưng không thực tâm, không cố gắng làm trung gian hòa giải.
Theo Vương Thiếu Phổ, nếu va chạm Nhật-Hàn trước kia chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại thì có thể chưa đủ khiến Mỹ quan ngại. Nhưng đến nay Hàn Quốc tuyên bố từ bỏ GSOMIA, cho thấy va chạm đã mở rộng từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực an ninh nhạy cảm hơn, sẽ đụng chạm đến lợi ích thiết thân của Mỹ, tác động mạnh đến địa vị của Mỹ ở châu Á, đến quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn, thậm chí là ảnh hưởng đến tiến trình thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì vậy Mỹ khó có thể bỏ qua.
Chiêm Đức Bân cho rằng việc Nhật Bản và Hàn Quốc ký GSOMIA đã xóa bỏ trở ngại về cơ chế hợp tác tình báo trong xây dựng quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn và thắt chặt hợp tác an ninh ba bên, khiến cho quan hệ Nhật-Hàn có thể gắn bó hơn trong trong quan hệ 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn. Việc từ bỏ thỏa thuận này sẽ tác động đến tư tưởng chiến lược của Mỹ từ cấp độ vĩ mô. Do đó, nếu xét từ lập trường của Mỹ, sẽ không thể không quan tâm đến hai nước đồng minh Nhật-Hàn.
Nhưng nhìn từ lịch sử phát triển quan hệ Nhật-Hàn, thì cũng chỉ có Mỹ ra tay mới có thể giải quyết được tình hình. Chiêm Đức Bân cho biết dưới thời Tổng thống Park Geun-hye, do người tiền nhiệm Lee Myung-bak đến đảo Dokdo thị sát, Thủ tướng Abe thì đi thăm đền Yasukuni nên quan hệ Nhật-Hàn xấu đi nghiêm trọng. Sau khi lần lượt lên nắm quyền vào năm 2012 và 2013, Shinzo Abe và Park Geun-hye không tổ chức hội nghị cấp cao song phương nào. Cuối cùng, do Mỹ tác động mới thúc đẩy được cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này vào năm 2014 bên lề Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở La Hay.
Chiêm Đức Bân đánh giá lý do Hàn Quốc tuyên bố rút khỏi GSOMIA cũng là muốn thông qua con bài an ninh để ép Mỹ phải bước vào hòa giải. Nhưng Mỹ và Nhật Bản lại quá tự tin, cho rằng Hàn Quốc không thể rút khỏi thỏa thuận đó, kết quả là bị mất mặt.
Mỹ có thể cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Theo Reuters, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/8 cho biết nước này mong muốn Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh lớn của Washington, cố gắng khôi phục quan hệ. Quan chức này còn nói tranh chấp khiến quan hệ Nhật-Hàn rơi xuống mức thấp nhất hàng chục năm qua, gây thiệt hại đến lợi ích an ninh của Mỹ và Mỹ không thể “khoanh tay đứng nhìn”.
Cơ hội đối thoại
Điều đáng chú ý là tuy Hàn Quốc tuyên bố đình chỉ GSOMIA, nhưng chưa bịt kín lối thoát. Ngày 27/8, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon kêu gọi Nhật Bản tiến hành đối thoại. Ông cho biết còn gần 3 tháng nữa GSOMIA mới hết hiệu lực. Nếu Nhật Bản từ bỏ các biện pháp không thỏa đáng nhằm vào Hàn Quốc trong thời gian đó thì Hàn Quốc có thể xem xét vấn đề GSOMIA, mong muốn hai nước thực tâm tiến hành đối thoại.
Nhật Bản và Hàn Quốc ký GSOMIA vào tháng 11/2016, theo dự kiến phải đến tháng 11/2019 mới chính thức hết hiệu lực. Phát biểu trên của Lee Nak-yeon có nghĩa là Hàn Quốc vẫn chưa “tuyên án tử hình” đối với thỏa thuận này, mà để ngỏ thời gian 3 tháng để có thể vãn hồi. Thời báo Đông Á của Hàn Quốc cho rằng qua phát biểu của Thủ tướng Lee Nak-yeon, có thể hai nước vẫn còn cơ hội để tiếp tục tiến hành trao đổi ngoại giao.
Mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã thực hiện biện pháp mạnh, nhưng kênh trao đổi ngoại giao chưa bị gián đoạn. Trước kia, tại hàng loạt hội nghị của khu vực ASEAN và hội nghị ngoại trưởng Trung-Nhật-Hàn, Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đều tiến hành hội đàm với nhau. Theo quan điểm của một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, việc hai nước tiếp tục tổ chức đàm phán cấp chuyên viên khiến Mỹ cảm thấy yên tâm phần nào.
Chiêm Đức Bân bổ sung rằng trong vài tháng tới, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thiếu cơ hội tiếp xúc với nhau. Chẳng hạn như bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9, mặc dù Chính quyền Abe trước đây nói rằng sẽ tránh gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhưng quan chức cấp cao của Nhật Bản và Hàn Quốc không loại trừ khả năng sẽ gặp nhau. Nhật Hoàng cũng sẽ tổ chức lễ đăng cơ chính thức vào tháng 10/2019, Hàn Quốc cần cử quan chức cấp cao tham dự. Ngoài ra, các hội nghị đa phương cấp khu vực và quốc tế như Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn... sẽ tạo cơ hội để hai bên Nhật-Hàn có được bước đột phá
Vương Thiếu Phổ cho rằng một khi Mỹ can thiệp, quan hệ Nhật-Hàn sẽ xuất hiện xu hướng hòa dịu, nhưng mâu thuẫn giữa hai bên về cơ bản rất khó giải quyết. Không chỉ những mâu thuẫn cơ bản như vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ là khó giải quyết, mà vấn đề quan trọng hơn là tâm lý người dân, tình cảm xã hội hai nước đối kháng sâu sắc. Hàn Quốc vẫn không quên ký ức đau thương khó có thể xóa mờ đối với sự thống trị của phát xít Nhật trước đây, nên luôn yêu cầu giải quyết vấn đề lịch sử; còn Nhật Bản cũng có thái độ coi thường Hàn Quốc, vốn đã trở thành tâm lý dân tộc của nước này.
Việc Chính phủ Abe loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” lần này đã được dân chúng Nhật Bản đánh giá cao. Theo kết quả điều tra do báo chí Nhật Bản tiến hành cho thấy có 65% người được hỏi bày tỏ ủng hộ hành động trên của chính phủ nước này.
Trong khi đó, tình cảm chống Nhật của dân chúng Hàn Quốc cũng liên tục dâng cao, dường như đã đến mức “toàn dân chống Nhật”. “Không đến Nhật Bản, không mua hàng Nhật, không chịu thua Nhật Bản” đã trở thành khẩu hiệu mà nhiều người dân Hàn Quốc biểu tình giương cao trên phố. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Công ty Realmeter cho thấy 82% số người được hỏi không có dự định đi du lịch Nhật Bản.
Chiêm Đức Bân còn phán đoán rằng cho dù Mỹ can dự sâu hơn, nhưng vai trò của hai đồng minh của Mỹ lại không đối đẳng, nên Mỹ có thể sẽ thiên vị một bên. Điều này chưa phải là không có tiền lệ. Dưới thời Park Geun-hye, việc ký kết “Thỏa thuận về phụ nữ mua vui trong Chiến tranh thế giới thứ hai” và GSOMIA đã bị dư luận trong nước chỉ trích. Đó chính là kết quả của việc Mỹ lợi dụng tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng kéo dài khi đó để gây sức ép, buộc Seoul đi đến thỏa hiệp.
Ngoài ra, trong cuộc chiến lần này, nếu so sánh giữa hai chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc, thì Chính quyền Shinzo Abe có ưu thế hơn và cũng tự thấy rằng khả năng giành chiến thắng sẽ cao hơn so với Chính quyền Moon Jae-in. Từ khi cầm quyền năm 2012 đến nay, Thủ tướng Abe luôn thuận lợi cả về đối nội và đối ngoại, kinh tế trong nước phát triển tốt, môi trường bên ngoài thuận lợi – quan hệ Trung-Nhật đang cải thiện, quan hệ Mỹ-Nhật vẫn gắn bó. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua, đàm phán thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ và Nhật Bản đã đạt được tiến triển, làm giảm nhiều mâu thuẫn giữa hai nước, giúp Nhật Bản có thêm một con bài để thuyết phục Mỹ gây sức ép với Hàn Quốc. Do đó, Thủ tướng Abe không có cảm giác bị cô lập. Còn với Tổng thống Moon Jae-in thì ngược lại, quan hệ với Nhật Bản xấu đi, vấn đề hạt nhân Triều Tiên không có tiến triển thực chất, quan hệ Hàn-Triều gặp trắc trở, Mỹ không thật sự tin tưởng Seoul. Chính vì vậy, Shinzo Abe sẽ càng tự tin hơn và cho rằng Hàn Quốc là bên cần nhượng bộ.
Cuối cùng là Nhật Bản gây sức ép để Hàn Quốc nhượng bộ hay là Hàn Quốc không chịu lùi bước trước Nhật Bản, thời kỳ có hiệu lực cuối cùng của Thỏa thuận quân sự GDOMIA Nhật-Hàn trong 3 tháng tới sẽ có ý nghĩa quyết định then chốt.
Yang Liqun tổng biên tập tờ báo Quan sát Thượng Hải. Bài viết được đăng trên Quan sát Thượng Hải.
Nam Thái (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.
Chuyến thăm tới các nước khu vực Baltic và Balkan nằm trong chiến lược sử dụng quyền lực "mềm" và sức mạnh tài chính nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu về kinh tế và chính trị mà Tokyo đã và đang triển khai nhiều thập kỷ qua.