06/02/2024
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác với Quad, bao gồm các yếu tố chủ quan (tiềm lực quốc gia và chính sách của Tổng thống Yoon) và khách quan (xu hướng phi quân sự của Quad). Từ đó, bài viết đưa ra kiến nghị với hai bên nhằm thúc đẩy lợi ích của năm nước và toàn bộ khu vực.
Kể từ khi được tái khởi động năm 2017, đối thoại bốn bên giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (Quad) đã trở thành một tập hợp nhóm có ảnh hưởng hơn, được thể chế hóa mạnh mẽ hơn với chương trình nghị sự ngày một rộng mở. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc có thể được coi là một trong những đối tác tiềm năng nhất của Quad vì có nền kinh tế lớn, hệ thống dân chủ vững vàng và quan hệ chiến lược với Mỹ. Thời điểm hiện tại là chín muồi để Hàn Quốc tăng cường hợp tác với Quad tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (ÂĐD - TBD), nhất là khi Hàn Quốc vừa có chính quyền mới. Kể cả khi Quad không chính thức mở rộng thành viên (vấn đề Quad hiện không cân nhắc), Quad và Hàn Quốc vẫn có nhiều biện pháp thực tế và hiệu quả để theo đuổi các lợi ích và giá trị chung, thông qua các cơ chế toàn diện và linh hoạt.
Nghiên cứu phân tích ngắn gọn các tranh luận về Quad ở Hàn Quốc, sau đó đưa ra khuôn khổ để Hàn Quốc tham vấn, phối hợp và hiệp lực với các thành viên Quad. Khuôn khổ này được định hình bởi các thể chế đặc thù như: hợp tác song phương; hợp tác tiểu đa phương dưới mức Quad (sub-Quad); hợp tác trong các vấn đề cụ thể; hợp tác chiến lược hơn ở cấp độ Quad mở rộng (hay còn gọi là Quad+).
Nghiên cứu đưa ra các kiến nghị để tăng cường liên kết giữa Hàn Quốc và Quad trong tám lĩnh vực, tương ứng với tám nhóm làm việc của Quad (công nghệ thiết yếu và mới nổi, cơ sở hạ tầng, y tế, biến đổi khí hậu, giáo dục và giao lưu nhân dân, an toàn và an ninh biển, an ninh mạng, vũ trụ), cụ thể là:
Đối thoại bốn bên hay còn gọi là “Quad” đã được thúc đẩy đáng kể trong năm năm qua.
Các thành viên của Quad (bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) ban đầu cùng ứng phó với thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, sau đó chỉ tổ chức duy nhất một cuộc họp quan chức cấp cao chính thức vào năm 2007 trước khi ngừng hoạt động. Tuy nhiên, kể từ 2017 đến nay, nhóm đã được tái khởi động do có chung lợi ích là đảm bảo một Ấn - Thái tự do và rộng mở. Các cuộc họp giữa quan chức ngoại giao – tình báo cấp cao diễn ra thường xuyên. Quad cũng tổ chức bốn hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
Trong thời gian này, Quad đã được thể chế hóa hơn với chương trình nghị sự ngày một rộng mở, từ đó đóng vai trò là một trụ cột chính của kiến trúc đang nổi lên tại Ấn - Thái. Các thành viên Quad xác định mục tiêu chung là “khu vực tự do, rộng mở, bao trùm, gắn với các giá trị dân chủ và không cưỡng ép”, khác với “danh tiếng” trước đây của Quad là công cụ để kiềm chế Trung Quốc. Quad đã phát triển chương trình nghị sự theo hướng “tích cực” hơn, mở rộng sang các vấn đề phi quân sự như vắc-xin, biến đổi khí hậu, công nghệ thiết yếu - mới nổi và cơ sở hạ tầng. Quad tạo ra cấu trúc hợp tác linh hoạt, mang lại những lợi ích rõ ràng cho khu vực Ấn - Thái thông qua các nhóm làm việc và các cuộc họp cấp cao.
Mặc dù Quad hiện tập trung củng cố quan hệ giữa các thành viên, nhóm cũng cần hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực để đạt được những mục tiêu tham vọng. Các quốc gia “cùng chí hướng” khác tương đối quan tâm tới hợp tác với Quad. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc là một trong những đối tác tiềm năng nhất của Quad vì có nền kinh tế lớn, hệ thống dân chủ vững vàng và quan hệ chiến lược với Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kêu gọi đất nước trở thành một “quốc gia chủ chốt toàn cầu” vì tự do, hòa bình và thịnh vượng thông qua hợp tác thực chất và các giá trị dân chủ. Hàn Quốc và Quad cũng chia sẻ nhiều mối quan tâm như giải quyết các thách thức về y tế và biến đổi khí hậu, ngăn chặn hành vi cưỡng ép kinh tế, thiết lập trật tự dựa trên luật lệ và đầu tư tiêu chuẩn cao. Hơn nữa, Hàn Quốc có năng lực và ý chí chính trị để đóng góp thực chất cho khu vực và toàn cầu.
Đã đến lúc chính quyền mới tại Hàn Quốc tăng cường hợp tác với các nước Quad ở khu vực. Ngay cả khi Quad không chính thức mở rộng quy mô - điều Quad hiện không cân nhắc, năm nước vẫn có thể theo đuổi lợi ích và giá trị chung thông qua các cơ chế hợp tác linh hoạt và cụ thể. Bài viết này gồm các nội dung chính: (i) các tranh luận về Quad ở Hàn Quốc; (ii) khuôn khổ tham khảo về hợp tác Hàn Quốc – Quad; (iii) kiến nghị giúp Hàn Quốc và các nước Quad tăng cường liên kết trong tám lĩnh vực tương ứng với cấu trúc nhóm làm việc của Quad.
Nhu cầu cân bằng giữa quan hệ an ninh với Mỹ và phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc là hai yếu tố ảnh hưởng lớn tới lập trường của Hàn Quốc về Quad. Trong khi liên minh quân sự Mỹ - Hàn là nền tảng của chính sách ngoại giao - an ninh của Hàn Quốc, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này vào 2003 (Trung Quốc chiếm 25% kim ngạch xuất, nhập khẩu vào năm 2020). Tuy nhiên, sau các động thái “cưỡng ép kinh tế” của Trung Quốc quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD vào năm 2016, Hàn Quốc ngày càng lo ngại về nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời nhận thức rõ hơn về nhu cầu đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in kiên quyết không đứng về phía Mỹ để chống Trung Quốc để tránh rơi vào “kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh kiểu mới”.
Do đó, Hàn Quốc vẫn giữ thái độ tách biệt nhất định với Quad cũng như tránh thảo luận rộng rãi về hợp tác với Quad dù năm nước chia sẻ nhiều lợi ích và giá trị. Hàn Quốc từng kiệm lời khi Quad mới hình thành. Chính quyền Moon tiếp tục xu hướng này thêm vài năm sau khi Quad tái khởi động năm 2017. Hàn Quốc ban đầu cũng tránh đưa ra chính sách ÂĐD - TBD giống các nước Quad mà chỉ đưa ra Chính sách hướng Nam Mới (NSP) năm 2017 với trọng tâm là đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với các nước Nam Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khuôn khổ NSP, chính quyền Moon vẫn có thể: thúc đẩy đối tác với Ấn Độ; kết hợp NSP và chiến lược Ấn - Thái của Mỹ; cân bằng nước lớn khi nhấn mạnh rằng Hàn Quốc sẵn sàng tìm tiếng nói chung với các thỏa thuận khu vực do Trung Quốc dẫn đầu như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2021, khi Quad quyết định theo đuổi chương trình nghị sự “tích cực” và hướng đến các vấn đề phi quân sự thay vì công khai chống Trung Quốc, Hàn Quốc đã dần thay đổi lập trường của mình. Vào tháng 4/2021, quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với các nước Quad theo từng vấn đề cụ thể. Vài tuần sau, đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck cho biết Hàn Quốc đang xem xét kỹ lưỡng khả năng hợp tác với các nhóm làm việc của Quad về tiếp cận vắc-xin, các công nghệ quan trọng và mới nổi cũng như biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, Tuyên bố chung lãnh đạo Mỹ - Hàn ngày 22/5/2021 đề cập đến “tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương khu vực rộng mở, minh bạch và bao trùm, bao gồm Quad”. Hơn nữa, tuyên bố chung hàm chứa nhiều ý tưởng tương tự với các tuyên bố chung của lãnh đạo Quad năm 2021. Hàn Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác song phương với Úc và Ấn Độ trong giai đoạn này. Bên cạnh những chỉ dấu thay đổi tinh tế này, chính quyền Moon vẫn tiếp tục nhấn mạnh Quad chỉ là một trong nhiều diễn đàn khu vực mà Hàn Quốc sẵn sàng tham gia.
Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Yoon Seok-youl thể hiện mong muốn liên kết với Quad mạnh mẽ hơn. Trong bài báo được xuất bản một tháng trước bầu cử, ông tuyên bố “Hàn Quốc nên tích cực thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở và bao trùm tại Ấn - Thái… [và] sẵn sàng tham gia vào các nhóm làm việc của Quad”. Tổng thống Yoon đã điện đàm với các lãnh đạo Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ trong tám ngày đầu tiên sau khi đắc cử. Nhiều người cho rằng đây là tín hiệu cho thấy Hàn Quốc định thúc đẩy quan hệ với Quad. Tổng thống Yoon cũng cho biết ông sẽ “tích cực xem xét” việc tham gia Quad nếu được mời. Không chỉ vậy, Tổng thống Yoon cũng muốn làm sâu sắc hơn liên minh Mỹ - Hàn, hợp tác an ninh ba bên với Mỹ - Nhật và phối hợp chặt chẽ hơn với chiến lược Ấn -Thái của Mỹ, bao gồm Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Những yếu tố này đã thúc đẩy Hàn Quốc liên kết sâu sắc hơn với Quad.
Bản đầy đủ tại đây
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.
Chuyến thăm tới các nước khu vực Baltic và Balkan nằm trong chiến lược sử dụng quyền lực "mềm" và sức mạnh tài chính nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu về kinh tế và chính trị mà Tokyo đã và đang triển khai nhiều thập kỷ qua.