Nội dung chính trong chính sách của Mỹ đối với châu Á trong năm 2012 là tăng cường triển khai quân sự, các mối quan hệ chính trị và quan hệ đối tác kinh tế của Mỹ ở Đông Nam Á. Một điều dễ thấy là việc Trung Quốc ngày càng mạnh lên và ngày càng quyết đoán đã tạo ra một sự kích thích quan trọng dẫn đến xuất hiện các hoạt động mới trong chính sách của Mỹ ở một khu vực mà một số nhà quan sát cho rằng đã bị Oasinhtơn lãng quên từ thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia Đông Nam Á có thể tận dụng được ích lợi từ chiến lược chuyển hướng sang châu Á của Mỹ để làm rào cản chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì hầu hết trong số họ vẫn còn để mở các lựa chọn chiến lược của mình. 

Để đối phó với các khó khăn nghiêm trọng về tài chính, chuẩn bị rút quân Mỹ khỏi Ápganixtan và giảm đáng kể các lực lượng binh sĩ Mỹ tại châu Âu, tài liệu Đường lối chỉ đạo Chiến lược Quốc phòng của Lầu Năm Góc trong tháng 1/2012 đã đề cập đến “sự chuyển hướng” của những nỗ lực an ninh quốc gia Mỹ hướng về châu Á, khu vực được xem là nơi ngày càng quan trọng đối với lợi ích chiến lược và kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng sau đó, các quan chức Mỹ - chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta khi ông này phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Xinhgapo vào tháng 6 - đã tránh nhắc đến thuật ngữ này, thuật ngữ không làm nổi bật được cảm giác mạnh mẽ về cam kết lâu dài mà Oasinhtơn mong muốn chuyển tải đến. Thay vào đó, họ đã nói về một sự “cân bằng lại” khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Panetta, “một phần trong nỗ lực tái cân bằng này là chúng tôi… tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á và ở khu vực Ấn Độ Dương”. Ngoài việc lính thủy đánh bộ Mỹ và các đơn vị hỗ trợ không quân chuyển sang phía Bắc Ôxtrâylia, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Thái Lan; theo đuổi “nâng cao khả năng hai bên cùng có lợi” với Philíppin, trong khi đó hợp tác để cải thiện sự hiện diện về hàng hải của Mỹ, tiến tới triển khai tàu chiến đấu ven biển (LCS) tới Xinhgapo; và nâng cao mối quan hệ đối tác an ninh với Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia, Niu Dilân và Việt Nam. 

Cơ cấu khu vực 

Sự tập trung mới vào Đông Nam Á như là một trọng tâm trong chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ đã tạo cơ sở cho những động thái phát triển quân sự này. Trong bài diễn văn hồi tháng 6, Panetta cũng nói về sự ủng hộ mạnh mẽ của Oasinhtơn đối với “cơ cấu an ninh khu vực sâu rộng hơn” của châu Á, bao gồm cả sự tham gia của ông này trong Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, gồm có bộ trưởng của 10 nước ASEAN và 8 đối tác đối thoại chủ chốt. Về Biển Đông, nơi đang diễn ra căng thẳng leo thang giữa các nước tuyên bố có chủ quyền là thành viên ASEAN (đặc biệt là Philíppin và Việt Nam) với Trung Quốc kể từ năm 2009, Panetta nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ cho những nỗ lực “phát triển một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc sẽ đưa ra một khuôn khổ dựa trên các quy định để điều chỉnh hành vi của các bên”. 

Sự tái cân bằng đó không chỉ là ưu tiên của Lầu Năm Góc mà còn thể hiện rất rõ ràng qua lịch trình các chuyến công du ngoại giao dày đặc của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đi thăm tất cả 10 nước thành viên ASEAN và cả Timor Leste từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2012. Trong tháng 7/2012, bà Clinton đã đến Campuchia để tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (hội nghị ngoại trưởng của các nước thành viên ASEAN với các đối tác đối thoại của họ) lần thứ tư liên tiếp, một sự tương phản rõ rệt với người tiền nhiệm là bà Condoleezza Rice. Trong tháng 11/2012, Tổng thống Barack Obama đã có một hành động nổi bật là chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến thăm Đông Nam Á sau khi tái đắc cử, cùng với bà Clinton thăm Mianma (chuyến thăm đầu tiên tới nước này của một tổng thống Mỹ đương nhiệm) nhằm động viên hơn nữa cải cách kinh tế và chính trị, và cũng đến Thái Lan gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra “để nhấn mạnh liên minh vững chắc của chúng ta”, và tới cả Campuchia. 

Trong chuyến thăm tới Campuchia, nước làm chủ tịch ASEAN năm 2012, Mỹ muốn nhấn mạnh việc sẵn sàng ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong chủ nghĩa đa phương ở khu vực châu Á. Điều này diễn ra vào thời điểm chiến lược của Trung Quốc - được thể hiện rõ tại Hội nghị bộ trưởng ASEAN vào tháng 7/2012, và một lần nữa tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2012 - dường như nhằm vào việc phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN, ít nhất là trong liên quan đến Biển Đông. Ông Obama đã dự Hội nghị cấp cao Đông Á (lần đầu tiên Mỹ tham dự hội nghị này) và đồng chủ trì hội nghị của các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN. Hội nghị này đã nhất trí thể chế hóa trên cơ sở hàng năm, theo lời của Nhà Trắng, “như là một bước tiến xa hơn nhằm nâng cao mối quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN lên mức chiến lược”. 

Ít nhất là theo quan điểm của Mỹ, có một động cơ quan trọng về kinh tế đối với mối quan hệ đối tác chiến lược mới chớm nở này: với tổng dân số là 620 triệu người và tổng GDP hàng năm gộp lại hơn 2.200 tỷ USD, các quốc gia ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ và tạo thành một động cơ có khả năng đáng kể giúp Mỹ khôi phục lại đà phát triển cho nền kinh tế. Đồng thời, việc mở rộng các mối quan hệ kinh tế sẽ giúp Oasinhtơn có ảnh hưởng rộng lớn hơn trong khu vực này, nơi ngày càng phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc. Sáng kiến can dự kinh tế mở rộng Mỹ-ASEAN, được công bố tại Campuchia, tạo ra “những hoạt động cụ thể chung” nhằm mở rộng thương mại và đầu tư, và chuẩn bị cho các nước ASEAN tham gia ‘các hiệp định thương mại cao cấp”, ví dụ như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đang đàm phán với Brunây, Malaixia, Việt Nam và 6 nước khác ở vành đai Thái Bình Dương. 

Cân bằng với Trung Quốc? 

Chính quyền Obama liên tục phủ nhận rằng sự kình địch với Trung Quốc đã khiến Mỹ có chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, và tìm cách vừa duy trì mối quan hệ cân bằng với Bắc Kinh vừa trấn an các nước thành viên ASEAN đang lo ngại rằng yếu tố an ninh và sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong mối quan tâm mới của Mỹ ở Đông Nam Á không phải là chỉ dấu cho việc bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới, điều cuối cùng có thể buộc họ phải đứng về phía nào. Về điểm này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã đến Bắc Kinh nhằm xoa dịu ngay trước khi cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN diễn ra trong tháng 7. 

Đồng thời, người ta đều hiểu rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ chủ yếu là một phản ứng lại sự tự tin, sức mạnh và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, tại khu vực mà Mỹ đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược. Quả thực, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đánh giá cao sự hài hòa đáng kể về lợi ích có được với Mỹ trong lĩnh vực này. Đông Nam Á đã được hưởng lợi trên qui mô lớn từ việc mở rộng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi Hiệp định khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN có hiệu lực từ năm 2010. Tuy nhiên, sự gia tăng lo ngại của khu vực Đông Nam Á về những tác động địa chính trị từ sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông có nghĩa là chiến lược tái cân bằng được nhìn nhận tích cực hơn trong trường hợp thái độ đối với khu vực của Bắc Kinh thể hiện rõ qua điệp khúc ‘phát triển hòa bình’ mà nước này dùng để mô tả các chính sách quốc tế của họ. 

Tuy nhiên, phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á đối với chủ nghĩa tích cực mới trong chính sách của Mỹ đối với họ là không đồng nhất. Đáng chú ý là các quốc gia thành viên ASEAN có sự đa dạng về lịch sử, hệ thống chính trị và tầm nhìn quốc tế, và luôn có nhiều quan điểm khác nhau giữa họ cũng như những tranh luận trong nước họ, về vai trò của Mỹ trong khu vực. Sự phức tạp này còn thể hiện ngay cả đối với Philíppin và Thái Lan là hai đồng minh hiệp ước chính thức của Mỹ. 

Lo lắng về sự thiếu hiệu quả trong khả năng phòng thủ bên ngoài của Philíppin khi căng thẳng trên biển với Trung Quốc đang leo thang, đặc biệt là sau khi xảy ra va chạm giữa tàu của hai nước quanh khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough vào tháng 4/2012, Manila đã đồng ý củng cố đáng kể mối quan hệ quốc phòng song phương với Oasinhtơn, vốn đã bị suy yếu sau khi nhiều căn cứ quân sự chính của Mỹ ở nước này bị đóng cửa năm 1992. Kết quả là tàu hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến thăm căn cứ cũ ở Vịnh Subic, và nhiều cuộc tập trận chung (bao gồm cả triển khai nhanh máy bay tuần tra hàng hải P-3 của Mỹ) và Mỹ đã cung cấp thêm thiết bị quân sự bổ sung. Mỹ cũng đang giúp Philíppin thành lập một trung tâm giám sát bờ biển quốc gia nhằm nâng cao khả năng nhận biết về các mối đe dọa đối với lợi ích hàng hải của nước này. 

Tuy nhiên, mặc dù Chính quyền Benigno Aquino đã hết sức ủng hộ chiến lược tái cân bằng của Mỹ thông qua những yêu cầu cấp bách về an ninh của Philíppin, song có thể có nhiều hạn chế đối với sự tái can dự quân sự này. Mặc dù Mỹ và Philíppin đang bị ràng buộc bởi Hiệp định phòng thủ chung kể từ năm 1952, song vẫn còn chưa rõ liệu hiệp định này có được áp dụng trong trường hợp có xung đột về các các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Mỹ sẽ đáp lại như thế nào trước cuộc khủng hoảng leo thang giữa Trung Quốc và Philíppin. Nếu Mỹ khẳng định rằng hiệp định được áp dụng trong trường hợp xảy ra xung đột, điều này có thể làm cho Philíppin mạnh dạn hơn và do đó có nguy cơ đẩy Mỹ vướng vào một cuộc tranh chấp mà không có tầm quan trọng chiến lược nào đối với Mỹ. Tuy vậy, nếu Mỹ cho rằng hiệp định không áp dụng cho trường hợp trên thì lại có nguy cơ khuyến khích Trung Quốc mạo hiểm hơn. Trong khi Mỹ đang quan tâm đến việc bảo đảm có thể tiếp cận nhiều hơn các sân bay của Philíppin và về lâu dài có thể triển khai thêm nhiều máy bay P-3, rõ ràng là có sự miễn cưỡng của Manila khi tham gia bất kỳ thỏa thuận nào mà có thể làm cho phe đối lập chính trị ở trong nước hiểu rằng như vậy là đang tạo điều kiện cho Mỹ hình thành các căn cứ mới ở Philíppin. 

Từ tháng 1-2/2012, Thái Lan đã tổ chức cuộc tập trận thường niên mang tên Hổ mang vàng, đây là cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn nhất trên thế giới với sự tham gia của 9.000 lính Mỹ, 3.600 lính Thái Lan cùng với một số ít binh lính đến từ Inđônêxia, Nhật Bản, Malaixia, Xinhgapo và Hàn Quốc. Mặc dù Mỹ đã nỗ lực tăng cường mối quan hệ an ninh với Băngcốc, bất chấp mối lo ngại của Băngcốc về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông làm tổn hại các quốc gia thành viên ASEAN, chính sách đối ngoại của Thái Lan tiếp tục theo đuổi xu hướng truyền thống là “gió chiều nào xoay chiều đấy”: vào tháng Tư, Thủ tướng Yingluck đã ký kết một loạt các thỏa thuận với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, nâng quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược” ba tháng trước khi Thái Lan đảm nhận vai trò điều phối các mối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc. Vào tháng Sáu, nỗi lo sợ làm phật lòng Trung Quốc của Chính phủ Thái Lan đã buộc NASA từ bỏ kế hoạch triển khai máy bay nghiên cứu khí quyển U-2 tại sân bay U-Tapao. Mối quan hệ được tăng cường với Trung Quốc còn bao gồm cả vấn đề quốc phòng: Tháng Tư, một phái đoàn quân sự hùng hậu do Bộ trưởng Quốc phòng Sukumpol Suwanatat dẫn đầu đã tới thăm Bắc Kinh và gặp người đồng cấp Trung Quốc. Tháng 9/2012, Thái Lan đã công bố dự án mua vũ khí trong đó nước này sẽ sử dụng công nghệ của Trung Quốc để phát triển một hệ thống phóng nhiều tên lửa có điều khiển. 

Xinhgapo không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng mối quan hệ an ninh và quốc phòng với Oasinhtơn, được mở rộng và hệ thống hóa theo một hiệp định khung chiến lược ký từ năm 2005, trên nhiều bình diện lại gần gũi và thân cận Mỹ hơn so với Philíppin và Thái Lan. Việc triển khai hải quân Mỹ đến Xinhgapo sẽ được mở rộng đáng kể trong năm 2013, với sự xuất hiện của tàu chiến đấu ven biển (LCS) đầu tiên; bốn chiếc tàu như vậy sẽ hoạt động ở Xinhgapo đến năm 2017. Nhưng trong khi Xinhgapo rõ ràng chấp nhận gần như làm căn cứ cho Hải quân Mỹ, việc đảo quốc này từ chối bị lôi kéo vào một liên minh cho thấy một thực tế là Xinhgapo kiên quyết giữ trung lập với những sự khác biệt Mỹ-Trung. Tuy nhiên, có thể hình dung những tình huống mà có thể thử thách thực sự tính trung lập đó, ví dụ như khi Mỹ điều LCS hoặc tàu hải quân khác đi từ Xinhgapo đến Biển Đông trong trường hợp căng thẳng leo thang nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Philíppin. 

Các quốc gia Đông Nam Á chủ chốt khác thậm chí còn thận trọng hơn khi đáp lại những vấn đề an ninh cốt lõi của chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Việt Nam, giống Phílíppin, là một ‘nước ở tuyến đầu’ ở Biển Đông, nơi mà nước này đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc, không chỉ về quần đảo Trường Sa, mà cả Hoàng Sa và những vấn đề khác, và đã có một cuộc chiến với Trung Quốc vào năm 1979. Mặc dù trong lịch sử đã diễn ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai với Mỹ, Hà Nội rõ ràng thấy có lợi thế khi Mỹ quay lại Đông Nam Á nếu như sự trở lại này giúp kiềm chế hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam không mong muốn tiếp tục làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc hơn nữa bằng việc phát triển mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ, và đã tiếp tục hạn chế tàu của Hải Quân Mỹ cập cảng Việt Nam trong khi Mỹ ngày càng mong muốn trở lại Vịnh Cam Ranh. Điều này được chứng minh thông qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đến cảng này vào tháng 6/2012. 

Malaixia và Inđônêxia là hai quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, nơi có các trào lưu chính thống Hồi giáo, chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái, chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và chủ nghĩa trung lập là những yếu tố chính của các cuộc tranh luận chính trị. Mặc dù có khuynh hướng thân phương Tây nói chung, các chính phủ của những nước này phải cẩn thận trong các mối quan hệ của họ với Mỹ vì lo sợ bị mất đi sự ủng hộ của các cử tri quan trọng trong nước. Quan hệ an ninh và quốc phòng của Mỹ với Malaixia vẫn còn hạn chế. Đồng thời, mặc dù là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Chính phủ Malaixia vẫn giữ một thái độ tích cực trong mối quan hệ đối với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này. Tháng Chín, hai nước đã tổ chức cuộc “tham vấn an ninh và quốc phòng” đầu tiên, đồng ý tăng cường trao đổi và hợp tác với nhau trong lĩnh vực quốc phòng. Malaixia có thể mua hoặc thậm chí sản xuất hệ thống tên lửa của Trung Quốc. 

Tháng 11/2011, Tổng thống Obama và Tổng thống Inđônêxia Susilo Bambang Yudhoyono đã tái khẳng định cam kết của họ về “đối tác toàn diện” song phương đưa ra một năm trước đó. Rõ ràng là mối quan hệ với Mỹ đã tạo thành một phần quan trọng của ngoại giao quốc tế ngày càng tự tin của Inđônêxia. Tuy nhiên, những lợi ích chiến lược của đối tác này đối với Mỹ có thể bị hạn chế. Giống như Malaixia và Thái Lan, Inđônêxia cũng chú trọng rất nhiều đến việc tiếp tục phát triển mối quan hệ hai bên cùng có lợi với Trung Quốc. Trong lĩnh vực quốc phòng, tháng 8/2012, Bắc Kinh đã đồng ý cấp phép cho ngành công nghiệp Inđônêxia có thể sản xuất tên lửa chống hạm C-705. Trong tháng 9, Giacácta thậm chí còn nói về việc tăng cường các mối liên kết quốc phòng với Bắc Triều Tiên. 

Về lâu dài, thì một khả năng gây tò mò là Oasinhtơn có thể phát triển các mối quan hệ an ninh với một Mianma đang cải cách. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã bóng gió về điều này, trong tháng 6 ông nói rằng những cuộc thảo luận về việc “làm thế nào chúng ta có thể cải thiện quan hệ quốc phòng của Mỹ với Mianma” sẽ là “một phần quan trọng trong việc thúc đẩy” những cải cách ở Mianma. Trong bối cảnh mà Mianma bị cho là đã rơi vào quĩ đạo địa chính trị của Trung Quốc trước khi diễn ra quá trình cải cách mà Tổng thống Thein Sein bắt đầu vào năm 2011, động thái như vậy có thể tượng trưng cho một chiến thắng chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ rằng mối quan hệ an ninh đáng kể chỉ có thể phát triển khi có một thay đổi lớn trong Chính phủ Mianma sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015. 

Sự hoài nghi của Đông Nam Á 

Các nhà hoạch định chính sách trên khắp khu vực Đông Nam Á và cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương ý thức sâu sắc và quan ngại về tác động đối với những định hướng chính sách an ninh và đối ngoại của đất nước họ do sự thay đổi, phân bổ quyền lực trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh quyền lực và sự quyết đoán của Trung Quốc ngày càng tăng. Đồng thời, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh là điều quan trọng ảnh hưởng tới “sức khỏe của nền kinh tế của họ, do đó hầu hết các quốc gia Đông Nam Á (trừ Philíppin là ngoại lệ) đều không muốn làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, chính phủ các nước Đông Nam Á cũng nghi ngờ về tính ổn định lâu dài về vai trò của Mỹ ở khu vực, và cũng không dễ dàng bị thuyết phục bởi những rao giảng về chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Họ hiểu rõ rằng có một yếu tố chung có ý nghĩa trong những tuyên bố về khả năng tồn tại lâu dài của vai trò an ninh của Mỹ. Các nước ở Đông Nam Á đã thấy nhiều cường quốc ngoài khu vực đến rồi đi. Họ nhận ra rằng khi Mỹ giảm bớt các lực lượng của mình ở châu Âu và rút khỏi Ápganixtan, lẽ tự nhiên châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành điểm bảo vệ quốc phòng chủ yếu của Mỹ. Nhưng họ cũng biết rằng cam kết lâu dài trong khu vực của Oasinhtơn có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình tài chính và những thay đổi của chính quyền. Trong những trường hợp này, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đang còn để ngỏ các lựa chọn chiến lược của họ. 

Theo IISS

Trần Quang (gt)