Thủ đô Bangkok lại trở nên “nóng” hơn không chỉ bởi nhiệt độ của mùa hè oi ả đang đến mà còn bởi sự căng thẳng chính trị sau hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ của đoàn người áo đỏ chống lại chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva suốt hơn một tháng nay. Căng thẳng được đẩy lên đến cực điểm vào ngày 10/4/2010 khi xảy ra xô sát bạo lực giữa những người biểu tình và lực lượng quân đội, cảnh sát khiến 21 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương. Trong số những người tử vong, ngoài người biểu tình, còn có cả một số cảnh sát và một phóng viên người Nhật Bản. Tình hình có vẻ “giảm nhiệt” đôi chút sau cuộc xô sát đẫm máu được cho là tồi tệ nhất tại Thái Lan trong vòng 20 năm qua, song lại có chiều hướng phức tạp thêm khi ngày 18/4, đại diện của phe áo vàng (đối lập với phe áo đỏ) lên tiếng đe doạ cũng sẽ tổ chức biểu tình nếu chính phủ không giải tán cuộc biểu tình của phe áo đỏ hiện nay và bắt giữ những người họ gọi là “khủng bố” trong vòng 1 tuần. Nhiều người lo ngại rằng nếu phe áo vàng cũng xuống đường thì có thể sẽ lại xảy ra đụng độ giữa hai phe áo đỏ và áo vàng. Một cuộc đụng độ đổ máu giữa những người biểu tình của hai phe này đã diễn ra ngay tại Bangkok vào ngày 2/9/2009.

 

Những diễn biến nói trên chỉ là một phần biểu hiện bên ngoài của cuộc khủng hoảng hết sức phức tạp và đầy kịch tính của chính trường Thái Lan hiện nay.



Những người áo đỏ và áo vàng: Họ là ai?

 

Những người áo đỏ tham gia biểu tình do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) tổ chức thuộc lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (đã bị giới quân sự do tướng Sonthi Boonyaratkalin cầm đầu làm đảo chính lật đổ năm 2006). Họ chủ yếu xuất thân từ các tầng lớp nghèo và bình dân trong xã hội, phần lớn ở nông thôn, trong đó lực lượng nòng cốt từ tỉnh Chiềng Mai, quê hương của cựu Thủ tướng Thạksin. Sắc màu áo đỏ mà lực lượng này sử dụng, đặc biệt là trong các cuộc biểu tình, đã trở nên nổi tiếng.

 

Đối lập với những người áo đỏ là những người áo vàng thuộc lực lượng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD). Đây là tập hợp chủ yếu gồm các thành phần trung lưu và lớp trên trong xã hội, bao gồm cả giới thương nhân và nhiều người trong giới quân nhân. Họ ủng hộ chế độ quân chủ và chính phủ hiện nay của Thủ tướng Ahbisit, chống lại cựu Thủ tướng Thaksin vì những chính sách có lợi cho người nghèo và bất lợi đối với họ mà chính phủ Thaksin chủ trương. Lãnh đạo nhóm này là ông trùm truyền thông Sondhi Limthongkul và Chamlong Srimuang, có quan hệ gần gũi với cố vấn cao cấp nhất của nhà Vua là tướng Prem Tinsulanonda. Họ sử dụng sắc áo vàng để tỏ lòng trung thành với hoàng gia Thái.

“Áo đỏ” và “Áo vàng” liên tục tranh đấu nhau trong suốt 5 năm qua xoay quanh một nhân vật được coi là “then chốt”, đó là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. “Áo đỏ” ủng hộ ông, còn “Áo vàng” thì chống lại.

 

Lịch sử và nguồn gốc của cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan hiện nay
    
Từ những năm 1990, nhóm các đảng chính trị theo xu hướng cải cách tự do và ôn hoà ngày càng trở nên thắng thế tại chính trường Thái Lan. Đó là các Đảng Dân chủ, Đảng Dân tộc Thái, Đảng Hành động Xã hội và một số đảng khác, đại diện quyền lợi cho giới chủ công nghiệp và thương nghiệp, ngân hàng, tài chính và các quan chức cao cấp. Nhóm các đảng chính trị này chủ trương tiến hành cải cách theo kiểu dân chủ tư sản Âu - Mỹ, phát triển kinh tế thị trường tự do và bày tỏ sự không bằng lòng đối với việc nắm quyền và bành trướng ảnh hưởng của giới quân phiệt Thái Lan. Chính phủ dân sự của Thủ tướng Chatichai Choonhavan được Nghị viện bầu ra (1988 – 1991) gồm đại diện của một liên minh 5 đảng (Đảng Dân tộc Thái, Hành động xã hội, Dân chủ, Thống nhất và Nhân dân) đã có nhiều cố gắng cải cách về mặt kinh tế và xã hội. Trong 30 tháng cầm quyền, Chính phủ Chatichai đã đưa đất nước phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (11,6% năm 1990). Sau đó, dưới thời của chính phủ Chuan Leekpai (1992-1996), Thái Lan tiếp tục đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội (tăng trưởng kinh tế đạt bình quân trên 8% năm, thu nhập theo đầu người tăng lên khoảng 2.600 USD vào năm 1996). Tuy nhiên, tổng số nợ nước ngoài của Thái Lan cũng phình to và trở thành một trong những yếu tố góp phần đưa đến cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 1997, khi tướng Chaovalit đang làm Thủ tướng. Trong bối cảnh đó, theo lời khuyên của nhà vua, tướng Chaovalit đã phải từ chức để ông Chuan Leekpai của Đảng Dân chủ trở lại nắm quyền vào ngày 7/11/1997. Chính trong thời kỳ này, bản Hiến pháp 1997 được thông qua. Hiến pháp có nhiều nội dung mang tính cải cách về thể chế chính trị của Thái Lan theo hướng dân chủ hơn, đặc biệt đã loại bỏ quân đội khỏi chính trị, và thể chế hoá nền dân chủ. Tuy nhiên, Hiến pháp 1997 cũng chứa đựng một số nội dung tiếp tục gây tranh cãi cho đến nay, trong đó đáng lưu ý là quy định về việc thành lập Uỷ ban Bầu cử và Uỷ ban chống tham nhũng quốc gia. Theo một số nhà phân tích, việc quy định về vai trò của các cơ quan này đối với hệ thống chính trị đã khiến chúng dễ bị các lực lượng chính trị lợi dụng cáo buộc nhau gian lận trong bầu cử và tham nhũng, và trên thực tế, đã góp phần làm rắc rối thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan trong thập niên đầu thế kỷ XXI.

 

Cũng trong thời kỳ này, tại Thái Lan đã chứng kiến sự ra đời của một loạt đảng phái chính trị mới, gắn liền với những biến động chính trị của đất nước. Đó là các Đảng Người Thái yêu người Thái (TRT),  Đảng Mahachon (được thành lập trước thềm cuộc bầu cử 2/2005), bao gồm những thành phần đào ngũ chủ yếu từ Đảng Dân chủ. Sau khi Đảng TRT bị giải thể (2006), một đảng mới là Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) đã được thành lập (2007), trong đó có khá nhiều thành viên là đảng viên cũ của TRT. Sau khi PPP bị giải tán  vào tháng 12/2008, thì đảng mới Vì nước Thái (Phue Thai) ra đời  năm 2009 và được cho là có quan hệ gần gũi với cựu Thủ tướng Thaksin. Các đảng này là các lực lượng chính trị chủ yếu của UDD. Về phía lực lượng đối lập với UDD, trong thời kỳ này một số đảng cũng ra đời. Đó là “Đảng Chính trị mới” do Sondhi Limthongkul lãnh đạo thành lập tháng 10/2009, Đảng Matuphum (Đất mẹ) do Tướng Sonthi Boonyaratglin (nguyên lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia) thành lập tháng 11/2009.

 

Trong cuộc bầu cử tháng 1 năm 2001, ông Thaksin Shinawatra, một nhà tư sản gốc Hoa xuất thân từ Chiềng Mai, lãnh tụ của Đảng TRT, đã thắng cử và lên làm Thủ tướng. Ông Thaksin đã thực thi một loạt các chính sách kinh tế khá hiệu quả, khắc phục các hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997 – 1998. Đến 2003, Thái Lan đã trả nợ xong cho IMF (trước thời hạn 2 năm) và gia tăng đáng kể nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia. Những chính sách dân tuý của Thaksin nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp dân nghèo thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, những chính sách này lại đặt chính phủ Thaksin đối kháng với tầng lớp trung lưu và các nhóm đặc quyền khác. Tầng lớp trung lưu chỉ trích và phê phán các chính sách dân tuý của ông, tố cáo ông tham nhũng, lạm dụng quyền lực và trốn thuế. Giới quân sự thì lên án việc bán công ty viễn thông của gia đình Thaksin cho Singapore làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Phe bảo hoàng thì đả kích ông mạo phạm Hoàng gia và không trung thành với nhà Vua.     

 

Chớ trêu thay, trong cuộc bầu cử tháng 2/2005, Đảng TRT của ông Thaksin lại giành được chiến thắng tuyệt đối với 376 ghế trong tổng số 400 ghế bầu của Hạ viện, trong khi đảng đối lập lớn nhất - Đảng Dân chủ chỉ giành được 96 ghế so với mục tiêu giành 200 ghế của đảng này. Thaksin tái đắc cử làm Thủ tướng của chính phủ một đảng. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử đã bị phe đối lập lên án là gian lận. Từ giữa 2005, các lực lượng chống lại Thaksin tập hợp trong Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) tổ chức  biểu tình đòi Thaksin từ chức.   

 

Căng thẳng lên cao khi những người ủng hộ Thaksin cũng vào cuộc đấu lại lực lượng áo vàng. Liên tục nhiều tháng trong các năm 2005-2006, nhiều đường phố trung tâm Thủ đô Băng Cốc bị dân từ các nơi kéo về biểu tình phong toả, các hoạt động giao thông đình trệ, sản xuất đình đốn. Tình hình chính trị không ổn định khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, khách du lịch lo ngại. Trái với mong đợi chung, Nhà Vua RAMA IV đã không can thiệp như mọi lần mỗi khi tình hình chính trị trong nước bế tắc.  Do tuổi cao và sức khoẻ ngày càng yếu dần, từ năm 2006 nhà Vua đã không thể phát biểu trước dân chúng dịp sinh nhật vào 5/12 của mình như thông lệ hàng năm.

 

Trước sức ép của PAD và các lực lượng chống đối trong Quốc hội, trong khi quân đội tuyên bố trung thành với nhà Vua và đứng ngoài cuộc xung đột chính trị, Thaksin đã phải tuyên bố giải thể Quốc hội và thành lập Chính phủ tạm thời do chính ông đứng đầu cho đến khi một cuộc tuyển cử được tổ chức để bầu ra chính phủ mới. Cuộc bầu cử mới được tiến hành sau đó vài tháng đưa đến việc thành lập chính phủ trên cơ sở liên minh giữa Đảng TRT và một số đảng nhỏ khác. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đòi Thaksin từ chức lại được PAD tiếp tục tổ chức. Trước những cáo buộc của phe đối lập về việc các ứng cử viên Đảng TRT gian lận trong bầu cử, Toà án Hiến pháp Thái Lan đã vào cuộc, tuyên bố giải thể Đảng TRT và cấm hơn 100 nhà lãnh đạo của Đảng hoạt động chính trị trong 5 năm.  

 

Sau đó, tình hình lại trở nên phức tạp và gay gắt hơn, khi một số tướng lĩnh quân sự, đứng đầu là tướng Sonthi Boonyaratkalin, làm đảo chính lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin vào ngày 19/9/2006, khi ông này đang ở Niu Oóc tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Những người đảo chính tuyên bố trung thành với nhà Vua, hành động vì tương lai của đất nước. Để chứng thực điều đó, phe đảo chính đã mời một viên tướng về hưu khác là Surayut Chulanon lên làm Thủ tướng chính phủ lâm thời, còn Sonthi nhận chức Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia. Cuộc đảo chính  diễn ra tuy không gây đổ máu, nhưng cũng bị nhiều học giả Thái và nước ngoài phê phán là đã kéo lui tiến trình dân chủ của Thái Lan. Mỹ và một số nước công khai lên án.

 

Thaksin bị lật đổ nhưng chính trường Thái Lan không vì thế mà dịu đi. Tranh chấp giữa hai phe thân và chống Thaksin vẫn dai dẳng, tiếp tục chia rẽ xã hội Thái một cách sâu sắc. Ông Thaksin vẫn được sự ủng hộ to lớn của dân chúng, đặc biệt là những người nghèo ở thành thị và nông thôn. Điều này đã giúp ông Samak Sundaravej, lãnh đạo của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) và 5 đảng liên minh khác (gồm Chart Thai, Puaea Pandin, Pracharaj, Ruamijaithai Chartpatana và Machima Thipataya) nắm được chính phủ, sau khi đánh bại được liên minh của Đảng dân chủ trong cuộc bầu cử. Nhưng ông Samak cũng chỉ làm Thủ tướng được 9 tháng thì lại phải ra đi trước sức ép của làn sóng biểu tình chống đối do PAD tổ chức. Chính phủ của ông bị chỉ trích là chịu ảnh hưởng nặng nề của Đảng TRT . Từ tháng 5/2009, các cuộc biểu tình của phe áo vàng diễn ra mạnh mẽ, bất chấp lệnh giới nghiêm. Hàng vạn người áo vàng đã phong toả sân bay, đường quốc lộ, bến cảng, đường sắt, gây ra những bất ổn nghiêm trọng về mặt xã hội. Đầu tháng 9/2008, Toà án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết buộc ông Samak phải từ chức Thủ tướng vì tội nhận tiền khi tham gia một chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình, một việc làm không được phép khi đang giữ chức Thủ tướng. Ông Somchai Wongsawat (em rể cựu Thủ tướng Thaksin) được đưa lên thay thế làm Thủ tướng mới của Thái Lan. PAD lại không đồng ý và tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình trong năm 2008 để đòi Somchai phải từ chức với lý do chính quyền này thực chất do Thaksin giật dây và sẽ dọn đường cho Thaksin trở lại chính trường Thái Lan. Lực lượng áo vàng bao vây toà nhà Chính phủ trong vòng ba tháng khiến ông Somchai phải họp nội các ở sân bay. Đoàn người áo vàng lại đến bao vây, phong toả hai sân bay ở Băng Cốc suốt một tuần liền. Toà án Hiến pháp Thái Lan buộc phải ra phán quyết giải tán Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) và hai đảng còn lại trong liên minh cầm quyền, cấm hoạt động chính trị 5 năm đối với 109 thành viên ban lãnh đạo ba đảng trên với cáo buộc họ đã phạm tội gian lận bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Tháng 12/2008, Thủ tướng Somchai cuối cùng phải chấp nhận ra đi. Đảng Dân chủ do Abhisit lãnh đạo trở thành đa số ở Quốc hội Thái sau khi đảng PPP cùng hai đảng liên minh cầm quyền bị giải tán.  Ông Abhisit trở thành Thủ tướng mà không cần phải bầu cử lại. Tuy Đảng Dân chủ không liên kết công khai với một đảng phái chính trị nào, nhưng có quan hệ gần gũi với PAD. Ông Abisit sau này bị chỉ trích mạnh vì đã chọn Kasit Piromya, một người công khai ủng hộ phong trào của PAD và cuộc phong toả sân bay của liên minh này, làm ngoại trưởng.

 

Như vậy, thông qua các cuộc biểu tình, PAD đã đánh đổ hai chính phủ của liên minh cầm quyền thân Thaksin được lập ra sau tuyển cử. Điều quan trọng là cả hai chính phủ này đều không được quân đội và tầng lớp trung lưu ủng hộ, trong khi Hoàng gia giữ thái độ im lặng. Tuy không nói thẳng ra, nhưng ai cũng hiểu “bàn tay vô hình” đứng sau giật dây những biến cố trên mà cựu Thủ tướng Samak từng ám chỉ là tướng Prem, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia.

 

Một triển vọng không mấy sáng sủa

 

Khi lãnh đạo Đảng Dân chủ, ông Abhisit, được chọn làm Thủ tướng, các nhà quan sát nước ngoài và một số người Thái hy vọng các cuộc biểu tình cuối cùng cũng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, thực tế diễn ra ngược lại. Năm 2009 lại tiếp tục chứng kiến các cuộc biểu tình và diễu hành trên đường phố Băng Cốc của phe áo đỏ. Họ tuyên bố Thủ tướng Abisit lên nắm quyền bất hợp pháp và phải từ chức để tiến hành bầu cử mới. Kể từ tháng 3/2009, những người áo đỏ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ngồi bên ngoài các cơ quan chính phủ và một số lần ngăn không cho Nội các họp. Những cuộc biểu tình này đã khiến Thái Lan không thể tiến hành Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tại thành phố biển Pattaya ngày 10-12/4/2009. Chiến thuật của những người ủng hộ Thaksin cũng tương tự như những gì mà những người chống Thaksin đã làm vào năm 2008. Sau một số tháng tạm ngưng, đợt biểu tình mới lần này của lực lượng áo đỏ (UDD) nổ ra bắt đầu từ giữa tháng 3/2010, ngay sau khi Toà án Tối cao Thái Lan ra phán quyết tịch thu một phần tài sản của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin bị coi là bất hợp pháp do lợi dụng quyền lực khi Thaksin còn nắm quyền và chốn thuế trong vụ bán Công ty viễn thông của gia đình Thaksin cho tập đoàn Tamasek của Singapore. Xem ra thì biểu tình lần này có vẻ như là để đáp lại phán quyết của Toà án Tối cao đối với Thaksin được những người áo đỏ cho là không đúng. Nhưng, thực chất nó đi rất xa, bởi những người biểu tình đưa ra yêu sách mạnh mẽ, đặc biệt là đòi Thủ tướng Abhisit phải từ chức và giải tán ngay Quốc hội hiện nay để tiến hành bầu Quốc hội mới. Lúc đầu, Thủ tướng Abhisit tuyên bố sẽ không nhượng bộ những người biểu tình, huy động đông đảo lực lượng quân đội và cảnh sát đối phó và tìm cách giải tán biểu tình, thậm chí áp dụng Luật An ninh nội địa để tuyên bố tình trạng khẩn cấp và thực hiện giới nghiêm. UDD đã huy động được một lực lượng khá hùng hậu từ các địa phương tham gia biểu tình và duy trì suốt hơn 1 tháng nay tại nhiều địa điểm, gây rối loạn và tê liệt nhiều hoạt động ở Thủ đô, cản trở hoạt động bình thường của chính phủ Abhisit và cuối cùng buộc Thủ tướng phải chấp nhận đàm phán với đại diện của UDD. Ba cuộc đàm phán đã diễn ra giữa Abhisit và lãnh đạo của UDD, nhưng đều thất bại, vì lập trường của hai bên còn cách xa nhau. Những người áo đỏ tiếp tục các cuộc biểu tình và cố thủ tại nhiều địa điểm ở Bangkok. Xem ra, những người áo đỏ quyết tâm đi đến cùng trong trận đấu này nếu Thủ tướng Ahbisit không nhượng bộ các yêu sách của họ.

 

Như vậy, trong vòng 5 năm qua, hết áo vàng lại đến áo đỏ biểu tình làm thay đổi bốn lần chính phủ ở Thái Lan. Cái vòng luẩn quẩn của cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe phái vẫn tiếp diễn. Suy cho cùng, căn nguyên sâu xa của tình hình trên là xung đột lợi ích khó dung hoà giữa các lực lượng trên chính trường nước này. Mâu thuẫn này đã được nuôi dưỡng và phát triển nhanh khi mà xã hội Thái Lan chuyển từ một nền chuyên chế quân sự sang chế độ dân chủ hơn sau cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1973. Quá trình dân chủ hoá đầy chông gai đó chưa thật sự tạo ra được các cơ chế bảo đảm dân chủ một cách vững chắc, đặc biệt vẫn để lại những “lỗ hổng” quan trọng để các lực lượng chính trị có thể lợi dụng trong đấu tranh giành giật quyền lực. Điểm đáng lưu ý mà nhiều nhà phân tích đã chỉ ra là sức mạnh của “bàn tay vô hình” đằng sau nhà Vua  và những khiếm khuyết của bản Hiến pháp Thái Lan hiện nay làm phức tạp thêm tình hình, khiến cho khủng hoảng khó có thể được giải quyết tốt đẹp./  

TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao