Những năm gần đây, Mỹ liên tiếp triển khai các hoạt động trinh sát, trắc đạc quân sự và các hoạt động khác khi chưa được Chính phủ Trung Quốc cho phép ở khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, Chính phủ và quần chúng nhân dân Trung Quốc tuy đã nhiều lần phản đối nhưng phía Mỹ vẫn không có ý định dừng các hoạt động nói trên. Gần đây, Mỹ vẫn không ngừng tìm kiếm căn cứ pháp lý để tiếp tục đi vào hoạt động ở khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và biện hộ cho các hoạt động trinh sát của tàu quân sự của họ ở vùng biển gần của Trung Quốc là “tác nghiệp bình thường”, “thực hiện quyền tự do đường biển” ... Lý do cơ bản được Mỹ cho rằng khu đặc quyền kinh tế của các nước đều là biển quốc tế nên Mỹ có thể đi vào “một cách không gặp trở ngại”, trong đó bao gồm cả các hoạt động trắc đạc ở khu đặc quyền kinh tế.

Cơ sở “pháp lý” như trên của Mỹ chỉ có thể tìm được từ trên “pháo hạm” của họ chứ không thể có được chỗ dựa trong “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” (dưới đây gọi tắt là “Công ước”/ “Công ước luật biển”). 

Trước hết, khu đặc quyền kinh tế của một nước không phải là khu vực mà tàu thuyền của nước ngoài có thể đi vào “một cách không gặp trở ngại”. Điều hết sức rõ ràng là, quy chế về khu đặc quyền kinh tế được thiết lập theo “Công ước luật biển” trước hết là quy chế về “quyền lợi và quyền quản lý của nước ven biển (theo Điều 55 trong ‘Công ước’)”. Tư tưởng thiết kế cơ bản của quy chế này đã nói cho chúng ta biết rằng khu đặc quyền kinh tế của một nước không thể là khu vực để cho tàu thuyền của nước ngoài đi vào “một cách không gặp trở ngại”. Ngoài việc cho nước ven biển được hưởng quyền lợi chủ quyền nhằm mục đích “thăm dò và khai thác, nuôi dưỡng, duy trì và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (dù là tài nguyên sinh vật hoặc không phải sinh vật) ở vùng nước phủ trên lòng biển, lòng biển cũng như đất dưới lòng biển đó, Điều 56 của “Công ước” còn quy định nước ven biển được hưởng quyền quản lý đối với (1) việc xây dựng và sử dụng các đảo, thiết bị và công trình nhân tạo, (2) nghiên cứu khoa học biển, (3) bảo hộ và bảo toàn môi truờng biển v.v. như đã được quy định theo các điều khoản hữu quan trong “Công ước”. Việc “Công ước” quy định cho nước ven biển được hưởng các quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý nói trên đã nói lên một cách đầy đủ rằng khu đặc quyền kinh tế của một nước không thể là khu vực cho tàu thuyền của bất cứ nước ngoài nào có thể đi được vào “một cách không gặp trở ngại”, và cũng không thể là khu vực để triển khai các hoạt động theo ý muốn như vậy của người Mỹ.

Thứ hai, hoạt động của tàu quân sự Mỹ trong khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc không thuộc về tự do đường biển trong vùng đặc quyền kinh tế như “Công ước” đã quy định. Điều 58 trong “Công ước” quy định rõ các nước trên thế giới được quyền tự do đi lại theo quy chế biển quốc tế trong khu đặc quyền kinh tế của một nước. Phía Mỹ đã dựa vào điều khoản này để giải thích rằng hoạt động trinh sát quân sự của họ trong khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc là thực hiện quyền tự do hàng hải. Nhưng điều khoản này không thể là cái cớ để Mỹ làm chỗ dựa. Hàng hải là tàu thuyền di chuyển trên mặt biển, sông, hồ, tự do hàng hải xét về mặt câu chữ, nghĩa là tàu thuyền tự do di chuyển trên mặt biển. Còn nội dung cốt lõi về tự do hàng hải theo quy chế của luật pháp là tự do đi qua. Trung Quốc từ trước đến nay đều không phản đối tàu thuyền nước ngoài thực hiện quyền tự do hàng hải như vậy trong khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, đương nhiên cũng không phản đối tàu thuyền của Mỹ tự do đi qua khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà Mỹ muốn tìm kiếm trong khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc lại không phải là tự do hàng hải như vậy, mà là “muốn làm gì thì làm”.

Tháng 3/2009, hành động của tàu quân sự Mỹ “USNS Impeccable” thực thi trong vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không phải là tự do hàng hải nhằm mục đích đi qua mà là trinh sát, trắc địa quân sự. Hoạt động này đã vượt quá phạm trù tự do hàng hải rất nhiều. Kiểu tự do mà Mỹ đòi hỏi như vậy cũng giống như tự do can thiệp công việc nội bộ của nước khác mà Mỹ đã thực thi ở một số nơi trên thế giới, không dựa theo căn cứ được luật pháp quốc tế cho phép, mà chỉ làm theo ý muốn chủ quan của một mình nước Mỹ.

Thứ ba, hoạt động nghiên cứu khoa học của một nước tại nước khác cần phải xuất phát từ mục đích hòa bình. Hoạt động mà Mỹ đã thực hiện bằng tàu quân sự ở khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc là cách biện giải cho hành động trái phép của họ trong vùng biển do Trung Quốc quản lý thông qua lý do khảo sát khoa học biển. Cách biện bạch như vậy cũng không ổn. “Công ước của Liên hợp quốc về luật biển” yêu cầu tiến hành khảo sát khoa học cần phải xuất phát từ mục đích hòa bình và tuân thủ điều lệ, nguyên tắc bảo vệ và bảo toàn môi trường biển. Hoạt động của tàu quân sự Mỹ rất khó nói là xuất phát từ mục đích hòa bình. Ngoài ra, khảo sát khoa học biển nhằm mục đích hòa bình cũng phải được nước ven biển xác nhận và đồng ý. Điểm này vừa là yêu cầu được quy định thuộc Khoản 2 Điều 246 trong “Công ước luật biển”, cũng vừa là trình tự cần phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền quản lý của nước ven biển. Nếu nói tàu khảo sát khoa học thông thường khi đi vào khu đặc quyền kinh tế của nước khác để khảo sát khoa học biển còn đòi hỏi phải được nước ven biển đồng ý, phê chuẩn thì tàu quân sự nước khác tự ý đi vào tuần tra trong khu đặc quyền kinh tế của nước có quyền quản lý mà chưa được nước đó đồng ý sẽ chỉ có thể được coi là “mưu mô hiểm hóc khó hiểu”.

Nói tóm lại, cái gọi là tự do mà Mỹ đòi hỏi đã vượt quá phạm vi mà “Công ước” cho phép, không thuộc phạm trù tự do hàng hải như “Công ước” đã quy định. Trong điều kiện chưa được Chính phủ Trung Quốc cho phép, tàu quân sự Mỹ dù có tuyên bố thực hiện nghiên cứu khoa học biển cũng là xâm phạm quyền quản lý của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc có quyền ngăn chặn tàu quân sự Mỹ đi vào hoạt động ở khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ngoài ý nghĩa tự do hàng hải khi chưa được phía Trung Quốc cho phép.

  Theo Báo Hải dương Trung Quốc

 Viết Tuấn (gt)