Không những thế, nhu cầu về các nguồn tài nguyên sẵn có trong khu vực sẽ tiếp tục gia tăng, khiến cho tranh chấp có nguy cơ tăng cường độ. Theo hãng tin Đức DPA, ông Nazary Khalid, chuyên gia cao cấp thuộc Học viện Hàng hải Malaysia đã thừa nhận là các nhà nghiên cứu đã phải chấp nhận thực tế là ''có thể cho tới khi chết họ cũng chưa thể thấy một số vụ tranh chấp có giải pháp''.
 
Ông Khalid đã khuyến cáo các nước trong khu vực là nên chú tâm đến các điểm đồng thuận hơn là các dị biệt. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo, các lãnh vực mà các bên có thể cùng hợp tác với nhau rất ít. Hai lãnh vực hiếm hoi mà các nước có thể đồng thuận là việc cứu nạn trên biển hay vấn đề khí tượng.
 
Ngoài ra, theo DPA, Việt Nam trong thời gian qua đã cố tìm cách đoàn kết các nước ASEAN thành một khối để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Mỹ Mark Valencia thuộc Viện nghiên cứu Nautilus thì cố gắng của Việt Nam không thể có hiệu quả vì ASEAN bị Trung Quốc chia rẽ.
 
Theo ông Valencia : ''Trung Quốc chỉ cần tách một thành viên ASEAN ra khỏi khối là đủ để cho Hiệp hội này không thể tiến bước với tư cách một thể thống nhất. Do đó tranh chấp Biển Đông sẽ kéo dài vô thời hạn''. Xin nhắc lại là ASEAN vận hành theo nguyên lý đồng thuận. Do đó chỉ cần một thành viên không đồng ý, là đề nghị của Việt Nam chẳng hạn, sẽ không được thông qua.