23/02/2023
Ngày 16/02/2023, hơn 100 sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia buổi trao đổi về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được Canada công bố. Sự kiện do Viện Biển Đông phối hợp với Đại sứ quán Canada tổ chức.
Buổi trao đổi có sự tham gia của Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil, Đại biện Phái đoàn Canada tại ASEAN Vicky Singmin, chuyên gia tại Viện Các vấn đề toàn cầu Canada Stephen Nagy, cũng như hơn 100 sinh viên Học viện Ngoại giao. PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao điều phối trao đổi.
Ra đời tháng 11/2022, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada thể hiện định hướng mới của Ottawa, chú trọng nhiều hơn và khẳng định cam kết lớn hơn với khu vực. Đây được coi là khung chính sách để Canada tăng cường quan hệ với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Bản chiến lược của Canada tương đối “sinh sau đẻ muộn” so với chiến lược được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Liên minh châu Âu (EU)… công bố trước đó. Bên cạnh những điểm tương đồng, chiến lược của Canada cũng có những nét đặc sắc riêng, thể hiện những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ottawa.
Trong phần trình bày của mình, TS. Stephen Nagy đề cập đến quan điểm của Canada về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như về các thành tố cơ bản trong chiến lược của Ottawa với khu vực. Bên cạnh đó, Đại sứ Shawn Steil và Đại biện Vicky Singmin cũng bổ sung thêm các thông tin về vai trò của Việt Nam và của ASEAN trong chính sách của Canada.
Các diễn giả cho rằng với việc là một quốc gia tầm trung với tiềm lực hạn chế, Canada mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nước tầm trung khác trong khu vực để thúc đẩy các sáng kiến, qua đó khẳng định giá trị và tránh rơi vào “thế kẹt” giữa các nước lớn.
Stephen Nagy khẳng định để thực hiện các mục tiêu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Canada sẽ dựa vào các cơ chế đa phương sẵn có tại khu vực như ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), cũng như các mối quan hệ đối tác của nước này với Mỹ, EU, Australia, New Zealand, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Theo định hướng trên, Canada ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và mong muốn nâng tầm quan hệ với ASEAN lên Đối tác chiến lược trong thời gian tới. Canada mong muốn trở thành thành viên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Canada cũng mong muốn khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, tăng cường hiện diện ngoại giao và hợp tác quốc phòng với khu vực cũng như tăng cường liên kết giữa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP). Canada nhận định ba nước thành viên ASEAN - Việt Nam, Philippines và Indonesia - là các đối tác quan trọng hàng đầu với Ottawa trong triển khai chiến lược.
Stephen Nagy cũng đề cập đến nhu cầu hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, buôn bán người, an ninh lương thực, an ninh con người…Để giải quyết các vấn đề này, TS. Stephen Nagy nhấn mạnh đến nhu cầu thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tầm trung - cùng với Mỹ và Trung Quốc - nhằm tăng cường năng lực quản trị, cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng nguồn nhân lực hay tổ chức các chiến dịch chống cướp biển, chống buôn người…
Tiếp sau phần trình bày của các diễn giả, sinh viên Học viện Ngoại giao đã đặt ra một số câu hỏi tới các quan chức và chuyên gia Canada về các sáng kiến hợp tác trên thực tế mà Ottawa mong muốn triển khai giữa các nước tầm trung trong khu vực; về quan hệ giữa thúc đẩy các sáng kiến trong và ngoài khuôn khổ ASEAN, về nguy cơ căng thẳng gia tăng khi Canada mong muốn tăng cường hiện diện quân sự… Các câu hỏi này đều đã được TS. Stephen Nagy, Đại sứ Shawn Steil và Đại biện Vicky Singmin giải đáp.
Sau buổi trao đổi, TS. Stephen Nagy và đại diện Đại sứ quán Canada đã tham gia phiên thảo luận với các nghiên cứu viên của Học viện Ngoại giao về các thành tố trong chiến lược và chính sách của Canada với khu vực.
Nội dung: Việt Hà, Hoàng Đỗ
Ảnh: Lan Hương
Theo dõi video về buổi trao đổi tại đây: https://youtu.be/P7R1wVooMF8.
Ngày 11/7/2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức Hội thảo Thường niên lần thứ 14 về Biển Đông tại Washington, D.C., Mỹ. TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ nhất của Hội thảo về những diễn biến mới trong tình hình Biển Đông....
Ngày 25/6/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Geneva về Quản trị An ninh Khu vực (DCAF), Thụy Sĩ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quản trị Trí tuệ Nhân tạo tại Đông Nam Á”.
Từ ngày 24 đến ngày 29/05/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Học viện Clingendael (Hà Lan) tổ chức Khóa học Luật biển quốc tế lần thứ 4 tại Hà Nội.
Ngày 13-15/9/2023, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại Thường niên về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ hai tại Washington, DC, Mỹ do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức.
Ngày 28/6, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Thường niên lần thứ 13 về Biển Đông tại Washington D.C., Mỹ. PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã có bài phát biểu tại Phiên thứ 2 của Hội thảo về những diễn biến pháp...
Ngày 11/7, Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề “Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hải Phòng.