31/01/2013
Hiện nay, gần như tất cả các vị trí chủ chốt của Nội các mới của Tổng thống Obama sẽ được Thượng viện thông qua trong những ngày tới, trong đó có Thượng nghị sĩ John Kerry đứng đầu Bộ Ngoại giao, cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel lãnh đạo Bộ Quốc phòng và ông trùm chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan phụ trách Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Tuy nhiên, thế giới không thể trông chờ "ê kíp bạn bè" mới của Chính quyền Obama bởi vì: Mặc dù một số nhà phân tích và chuyên gia ở Mỹ mô tả “ê kíp bạn bè” mới của Tổng thống Obama đại diện cho xu thế hướng nội, nhưng những sự kiện thế giới không thể cho phép nhận định như vậy. Cũng như trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Obama có thể đối mặt với khoảng cách giữa các mục tiêu ưu tiên và chiến lược: chú trọng châu Á và xây dựng lại sức mạnh quân sự cũng như kinh tế của Mỹ, nhưng các tình huống bất ngờ xảy ra ở trong và ngoài nước đã làm đảo lộn sự quan tâm và đe dọa chương trình trong nước của ông Obama. Một trong những bằng chứng thể hiện rõ sự thay đổi phương hướng của Chính quyền Obama là châu Phi. Châu Phi không nhận được sự quan tâm nhiều như lục địa đen này từng mong đợi dưới Chính quyền Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng những sự kiện gần đây ở Angiêri, Mali và nhiều nơi khác ở châu Phi sẽ thay đổi xu hướng này. Số lượng các nhóm chiến binh Hồi giáo ở châu Phi, trong đó một số nhóm có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức buôn lậu và al-Qaeda, ngày càng tăng từ Xômali ở khu vực Sừng châu Phi đến Mali . Tất cả các nhóm chiến binh Hồi giáo đều tận dụng các khu vực quản lý yếu kém và bắt đầu phối hợp các kế hoạch, tổ chức huấn luyện và buôn lậu các loại vũ khí. Khi Lầu Năm Góc rút lực lượng khỏi Ápganixtan, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Phi sẽ tăng nhưng chú trọng duy trì lực lượng chuyên gia và cố vấn quân sự. Năm 2013, Mỹ sẽ triển khai khoảng 100 nhóm nhân viên huấn luyện ở 30 nước châu Phi. Phần lớn nỗ lực huấn luyện của lực lượng Mỹ nhằm ngăn chặn các hoạt động khủng bố và các vụ bạo loạn nổi lên tại các nước châu Phi vốn yếu kém về an ninh và kinh tế. Đây là một nhiệm vụ khả thi, giá trị và tổn thất thấp cho Mỹ, đặc biệt nếu các nước đồng minh châu Âu sẵn sàng nắm vai trò lãnh đạo các chiến dịch can thiệp quân sự cần thiết như Pháp và Anh từng thực hiện tại Libi và hiện Pháp đang tiếp tục đi đầu ở Mali.
Về lý thuyết, châu Âu có thể ủng hộ nhiệm vụ chống khủng bố của Mỹ tại châu Phi, bởi vì các mạng lưới buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia đã và đang phát triển đến châu Âu. Nhưng thực tế, các đồng minh châu Âu của Mỹ đang gặp nhiều khó khăn về ngân sách như Mỹ. Do đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu dường như chỉ hành động đủ để giữ cho đồng euro tồn tại nhưng không đủ để giải quyết các vấn đề cơ bản của đồng tiền chung, cũng như các chính trị gia Mỹ tiếp tục tìm cách giải quyết thâm hụt ngân sách của Mỹ. Nhưng các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của Mỹ đã hành động song song chứ không hợp tác hiệu quả về vấn đề chống khủng bố. Bên cạnh những thách thức tại châu Phi, châu Âu và xu hướng trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Chính quyền Obama, các nhà hoạch định kế hoạch an ninh quốc gia Mỹ không thể bỏ qua các mối đe dọa tiềm tàng tại Trung Đông. Hơn một năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Irắc, Bátđa xuất hiện những căng thẳng chính trị đáng lo ngại. Thủ tướng Irắc Nouri al-Maliki bắt giữ đối thủ người Sunni và đàn áp phe đối lập chính trị, từ đó dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ và thúc đẩy xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng trên cả nước. Trong khi đó ảnh hưởng của Mỹ đối với Bátđa giảm đáng kể sau khi rút Mỹ rút quân vào tháng 12/2011, thay vào đó Nga và Trung Quốc đang trở thành nguồn cung cấp các loại vũ khí chủ yếu và động lực thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Irắc. Ngoài ra, ảnh hưởng của Iran tại Irắc vẫn mạnh. Hơn nữa, Xyri đang có nguy cơ tan vỡ và bạo lực sẽ lan sang các nước láng giềng Libăng, Gioócđani và Irắc. Quá trình chuyển đổi chính trị tại Ai Cập, Tuynidi và Libi vẫn đang diễn ra. Chính phủ Yêmen dường như đã vượt qua quá trình chuyển đổi chính trị để ngăn chặn hiệu quả chi nhánh al-Qaeda, nhưng quân sự hóa ngày càng tăng của những người biểu tình hòa bình tại Baranh có thể đe dọa một căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ ở Vùng Vịnh. Iran sẽ tiếp tục là vấn đề đau đầu cho Chính quyền Obama nhiệm kỳ hai.
Các cuộc đàm phán của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tại Têhêran mới đây đạt được tiến bộ rất ít, từ đó để lại nguy cơ năm 2013 có thể là một năm chiến tranh. Khả năng cuộc bầu cử tổng thống Iran dự kiến trong tháng 6/2013 không thể giải quyết những mâu thuẫn phe phái nội bộ ở Têhêran, từ đó khiến các cuộc đàm phán ngày càng bế tắc. Thắng lợi của liên minh cánh hữu của Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử ngày 22/1 sẽ tăng sức ép buộc ông Obama phải xem xét các lựa chọn quân sự chống chương trình hạt nhân của Iran. Mặc dù các biện pháp cấm vận quốc tế của Chính quyền Obama đạt được thành công lớn trong việc gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Iran và tập hợp cộng đồng quốc tế chống các hoạt động hạt nhân của Têhêran, nhưng tất cả các biện pháp cấm vận đó không làm chậm khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Têhêran. Một bài toán quan trọng khác buộc Tổng thống Obama phải tìm lời giải ở khu vực Trung Đông là tìm cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi các mối quan hệ với Iran , làm cho nước này gần gũi hơn với Ixraen và khôi phục sự cân bằng địa chính trị tự nhiên của Ancara. Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ đã cải thiện trên nhiều lĩnh vực trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, nhưng mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Ixraen tiếp tục căng thẳng. Nếu hai đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở Trung Đông hợp tác với nhau sẽ giúp Oasinhtơn giảm bớt gánh nặng kinh tế và quân sự trong khu vực. Trong khi đó, trên mặt trận trong nước cái gọi là thỏa thuận “vách đá tài chính” tuy đã hoãn lại nhưng không giải quyết được cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ. Cho dù Tổng thống và Quốc hội giải quyết vấn đề đó như thế nào, kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Lầu Năm Góc vẫn phải giảm đáng kể trong những năm tới.
Bất chấp tất cả những thách thức trên, lôgích của chính sách trở lại châu Á và chiến lược quốc phòng mới của Mỹ sẽ tiếp tục được triển khai. Nhưng để thực hiện điều đó, Chính quyền Obama phải giải quyết một số vấn đề cơ bản nhằm thu hẹp khoảng cách giữa mục đích nhằm phương tiện quốc phòng và tạo đà tốt hơn cho Mỹ để tránh được những khó khăn bên trong và bên ngoài. Những vấn đề này bao gồm xác định mục tiêu an ninh quốc gia cuối cùng của Mỹ trong một trật tự toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng; làm sao thực hiện tốt nhất các mục tiêu và vai trò thích hợp của Lầu Năm Góc trong nỗ lực này. Chỉ khi đó, Mỹ mới có thể xác định chi phí bao nhiêu để đạt được các khả năng cần thiết và phải chấp nhận mức độ rủi ro trong việc dựa vào các nước đồng minh.
Tác giả Richard Weitz là nhà phân tích cấp cao và giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị - Quân sự của Viện Hudson. Bài viết đăng trên " Tạp chí Chính trị Thế giới " (ngày 22/1).
Viết Tuấn (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.