“Trỗi dậy hòa bình” hay “Trỗi dậy bằng quân sự”?

 

Vấn đề trở nên rất rõ ràng là việc Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân, đi kèm là những tuyên bố hoặc cứng rắn, hoặc “hăm dọa” từ các tướng lĩnh PLA nhằm thách thức và răn đe các quốc gia liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền. Thêm vào đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan về một “Giấc mơ Trung Hoa” trong quần chúng nhân dân, thậm chí là giới học giả  cũng cùng hòa nhịp tương tự.

 

Trung Quốc đã có sự hiện diện quân sự nhỏ ở Trường Sa. Về lâu dài, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn ở đảo Hải Nam để từ đó có thể triển khai sức mạnh tới Biển Đông. Căn cứ này sẽ chứa các tàu ngầm mới được trang bị vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cũng như tàu sân bay đầu tiên của nước này, được dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2012, và nhiều tàu chiến khác. Điều quan trọng nhất và cũng là vấn đề gây lo ngại là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" (core interest). Cách gọi mới này đặt Biển Đông ngang hàng với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan và Tây Tạng. Nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc Willy Lam gọi đó là một phần trong "ngoại giao ranh giới đỏ" (red-line diplomacy) của Trung Quốc. Willy Lam nói: "Các đường ranh giới đỏ này xác định lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.  Việc nước này xác định Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ không thể thỏa hiệp, từ đó định nghĩa lại địa vị toàn cầu của Trung Quốc. Nước này đã vạch đường đỏ trên bản đồ Châu Á và thách thức xem ai dám vượt qua !

 

Trên tờ China Daily 13/7 đăng bài “Hiện đại hóa hải quân để tự vệ” của tác giả Gong Jianhua, Phó Giáo sư Viện Chính trị và Hành chính công, Đại học Hải dương Quảng Đông, có đoạn như sau: “…Sự phát triển kinh tế và sự gia tăng sức mạnh quốc gia đã tạo cho Trung Quốc cơ hội làm rõ với cho cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng đối với những lợi ích mà nước này gọi là “lợi ích cốt lõi” của mình…” và rằng “Trong khi bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục nuôi dưỡng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, tăng cường hợp tác khu vực và hướng tới cùng phát triển. Trung Quốc không có ý định đe dọa các nước khác, nhưng Trung Quốc phải thay đổi chiến lược biển đã lạc hậu của mình cho phù hợp với sự thay đổi của thời thế.”. Điều đó có thể tạm hiểu là nếu như các quốc gia và các bên liên quan trong vấn đề tranh chấp chủ quyền muốn có “hữu nghị”, muốn hợp tác thì phải chấp nhận “lợi ích cốt lõi” mà nước này đưa ra, như vậy nghĩa là một phần lãnh thổ của các quốc gia liên quan bị tước đoạt! Điều đáng lưu ý trong tuyên bố này là việc “Trung Quốc phải thay đổi chiến lược biển đã lạc hậu của mình cho phù hợp với sự thay đổi của thời thế”. Phải chăng “sự thay đổi của thời thế” ở đây mà Trung Quốc ám chỉ là việc nước này tự coi mình là trung tâm của luật pháp và các hiệp ước quốc tế khi đơn phương tuyên bố hơn 80% chủ quyền Biển Đông, và để bảo vệ và khẳng định sự “đúng đắn” đó bằng vũ lực mà nước này đã và có lẽ là sẽ sử dụng?

 

Tướng về hưu của Trung Quốc Từ Quang Dụ cho rằng : “Mấy chục năm qua Trung Quốc vắng bóng trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, hiện nay đã bước vào quỹ đạo bình thường. Trước đây, Trung Quốc luôn giữ im lặng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, bởi vì hải quân Trung Quốc chưa đủ khả năng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nhưng hiện nay, hải quân Trung Quốc có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ này”.

 

Trong cuốn sách “Giấc mơ Trung Hoa”: Tư tưởng Cường quốc và Vị trí Chiến lược của Trung Quốc trong Thời đại Hậu Mỹ (2010) của Lưu Minh Phúc đưa ra một cái nhìn khác về trật tự thế giới trong tương lai. Lưu - người đang giảng dạy tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc - đã bác bỏ những chính sách của Bắc Kinh về trỗi dậy hòa bình và "thế giới hài hòa" bằng lập luận rằng để hỗ trợ cho sự lớn mạnh về kinh tế của mình, Trung Quốc cần theo đuổi việc "trỗi dậy bằng quân sự" để có thể đối đầu với sự bành trướng của Mỹ. Một "quốc gia hoàn toàn kinh tế" (như Nhật Bản) thì được xem như một con cừu béo bở ngoài chợ bị các cường quốc quân sự săn đuổi, Lưu tuyên bố; một cường quốc chính trực phải biết chuyển hóa sức mạnh kinh tế sang quyền lực quân sự để trở thành số một trên thế giới. Thay vì "xây dựng một xã hội hài hòa", Lưu Minh Phúc lại muốn chú tâm vào cuộc đấu tranh địa lý vĩ đại, và ông ta xem xét quan hệ quốc tế là một trò chơi được ăn cả ngã về không. "Nếu Trung Quốc trong thế kỷ 21 không thể trở thành số một của thế giới, không thể trở thành cường quốc lớn nhất hoàn cầu, thì chắc chắn nó sẽ trở thành một kẻ tụt hậu và bị gạt sang một bên”. 

 

Trong bài đăng trên tạp chí “Wide Angle” của Hồng Công số tháng 7, tác giả Dư Bình cho biết cùng với sự phát triển về kinh tế, Trung Quốc ngày càng có thêm tiềm lực tài chính để tăng cường đội tàu cỡ lớn cũng như máy bay chiến đấu thế hệ mới. Về hải quân, Trung Quốc đầu tư mạnh nhất vào Hạm đội Nam Hải. Những căn cứ thuộc Hạm đội Nam Hải cũng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Sau khi mở rộng, căn cứ Du Lâm ở cực Nam đảo Hải Nam đã trở thành căn cứ trọng yếu để các tàu mặt nước và tàu ngầm Trung Quốc tiến xuống phía Nam . Việc xây dựng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và nắm được kỹ thuật tiếp dầu trên không khiến cho những chiếc Su-30 và J-10 của Trung Quốc có thể vươn tầm bay tới Trường Sa tiến hành “tuần tra”… Nếu tính thêm lực lượng thủy quân lục chiến và máy bay trực thăng, tác giả Dư Bình cho rằng Hạm đội Nam Hải có đủ khả năng tác chiến đánh chiếm đảo ở biển xa. Điều đó có nghĩa việc bảo vệ cho những hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc ở vùng biển sâu thuộc Biển Đông cũng sẽ được bảo đảm. 

 

Báo chí Trung Quốc cũng hòa mình vào cuộc phiêu lưu!

 

Mạng chinareviewnews ngày 5/5 đăng lại bài bình luận trên mạng Chinadaily, Thời báo hoàn cầu (Trung Quốc) với nhan đề “Giải quyết khó khăn trong vấn đề Biển Đông - cần chuẩn bị tốt đấu tranh quân sự”. Bài báo nhấn mạnh việc giải quyết khó khăn trong vấn đề Biển Đông cần có những tư duy và biện pháp mới, nhất là cần phải thực hiện bằng các hành động cụ thể, và cho rằng “không nên ảo tưởng việc các đảo đang bị “xâm chiếm” có thể trở về với Trung Quốc một cách hoà bình”. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông như nước này đã từng làm vào năm 1974. Để giải quyết khó khăn trong vấn đề này, bài báo này cho rằng Trung Quốc cần thiết phải tăng cường sự hiện diện quân sự tại các bãi đảo ở Trường Sa, chuẩn bị tốt đấu tranh quân sự để giải quyết căn bản những khó khăn trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc không thể không có thời gian biểu cho việc thu hồi các đảo và vùng biển đã bị nước ngoài chiếm giữ; Trung Quốc cũng cần tăng cường xây dựng cơ sở quân sự đổi mới trang bị vũ khí cho quân đội trên các đảo ở Biển Đông, tăng cường dự trữ vật chất chuẩn bị chiến đấu.

 

Ngày 8/7, trên tờ Global Times của Trung Quốc gửi thông điệp “hù dọa” Hàn Quốc về kế hoạch tập trận chung của nước với Hoa Kỳ, điều bất ngờ thú vị là tờ báo này đã nêu đích danh tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak : “Hàn Quốc có thể tự mình biến thành nạn nhân. Không rõ họ Lee có nghĩ xem Trung Quốc phản ứng ra sao khi loan báo sẽ tập trận với Mỹ? Liệu ông ta có tiên đoán được phản ứng của Trung Quốc? Hàn Quốc nên nghĩ lại việc tập trận này”.

 

VIệc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” đã chính thức được tuyên bố, vậy câu hỏi đặt ra lúc này là: những lời lẽ mang tính “hăm dọa” từ các tướng lĩnh PLA, những luận điệu có phần cực đoan về một “Giấc mơ Trung Hoa” trỗi dậy bằng quân sự liệu có trở thành hiện thực? Và liệu giai đoạn “phát triển hòa bình” của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn kết thúc?

 

Hải Lý (Tổng hợp)